Cuộc chiến chống Covid-19 có vẻ như đã được dẹp yên khi nhiều ngày qua Việt Nam không ghi nhận thêm một ca nhiễm virus corona nào, tình hình được kiểm soát với chỉ 270 trường hợp dương tính và không có ca tử vong nào, một thành tích kỷ lục của thế giới ; các chuyến bay nội địa đã được phép nối lại từ thứ Năm ; các biện pháp giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ tại hầu hết các nơi, trừ vài huyện ở Hà Nội. Nhưng giới chức Việt Nam đã có sẵn một cuộc chiến khác còn khốc liệt hơn cả Covid-19 để lao vào đó là cuộc đua vào Đại hội 13. Cuộc tranh giành quyền lực ở Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt.
Ảnh : ‘Tứ trụ’ của Việt Nam gồm các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân
Một câu hỏi lớn mang tính quyết định đến việc lựa chọn những vị trị quyền lực nhất là liệu Đảng cộng sản có tiếp tục theo đuổi việc hợp nhất chức danh tổng bí thư kiêm chủ tịch nước như hiện tại, hay quay về với mô hình ‘tứ trụ’ truyền thống.
Sau khi nhà sáng lập Hồ Chí Minh qua đời, Đảng Cộng Sản đã tránh việc tập trung quyền lực bằng cách chia quyền lãnh đạo cho "Tứ trụ" tức là bốn vị trí quyền lực nhất là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, đã kiêm thêm chức chủ tịch nước vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời ở tuổi 61. Ban đầu được coi là giải pháp tạm thời, nhưng như vậy đã tạo ra tình huống tương tự như ở Trung Quốc, nơi ông Tập Cận Bình giữ một lúc hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư đảng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên, Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, Đại học Queensland, Úc cho rằng, dẫu hiện tại đang đặt vấn đề về việc kiểm soát quyền lực, nhưng xét các yếu tố về sự ủng hộ trong đảng thì mô hình kiêm nhiệm hai chức danh này có phần được ủng hộ.
Ông Hải cũng lưu ý rằng, vấn đề một người vừa nắm giữ chức tổng bí thư vừa làm chủ tịch nước đã được đặt ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8, 9. Tuy nhiên, khi đó chưa hội đủ điều kiện về ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ như lần này.
Theo Tiến sĩ Hải, tuy nhiên, việc hợp nhất không chỉ đòi hỏi người đảm nhận chức vụ đó cả về uy tín lẫn năng lực, thì bộ máy giúp việc cũng phải rất rạch ròi, đòi hỏi sự phối hợp rất nhuần nhuyễn trong các bộ máy này để chức trách của mỗi chức vụ khác nhau, tránh không bị nhầm lẫn về chức năng và cách điều hành của từng vị trí.
Giới quan sát nhận định hiện có ba ứng cử viên nổi lên cho vị trí tổng bí thư là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, 65 tuổi ; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 66 tuổi, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan này và Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, 67 tuổi.
Nếu quay lại với mô hình truyền thống, nghĩa là bốn vị trí ‘tứ trụ’ do bốn ủy viên bộ chính trị khác nhau đảm nhiệm, thì ông Trần Quốc Vượng có nhiều lợi thế để trở thành Tổng bí thư, bởi ông là người hiện ở vị trí quyền lực thứ tư trong Đảng (sau khi ông Trọng đảm nhiệm luôn cả vị trí Chủ tịch nước từ tháng 8/2018). Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí phù hợp với chức danh lãnh đạo đảng. Ở vị trí này, quy định về tuổi tác cũng có thể được áp dụng với trường hợp ngoại lệ.
Hồ sơ của ông Vượng cũng rất sạch sẽ, có thể được coi là trong sạch và ông đã là phụ tá cho ông Trọng kể từ sau tin đồn đột quỵ. Ông Vượng có thể tạm coi là người tương đối quyết liệt nếu có ông Trọng bật đèn xanh trong một số trường hợp chống tham nhũng.
Nhưng bản lĩnh của ông Vượng như thế nào vẫn là một vấn đề cần theo dõi khi ông Vượng chưa hề qua cấp lãnh đạo địa phương. Ông Vượng chỉ là một cán bộ văn phòng trung ương rồi một thời gian qua làm bên Kiểm sát và chưa thể thấy ông đã thể hiện như thế nào trong các vấn đề đa dạng và phức tạp của đất nước, đặc biệt là lĩnh vực đối ngoại hay điều hành về kinh tế.
Trong khi đó, nếu tiếp tục giữ mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước như hiện nay, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Xét về lợi thế từ cách thức thể hiện năng lực điều hành, xử lý vấn đề, ông Nguyễn Xuân Phúc là ứng cử viên sáng giá.
Theo Tiến sĩ Hải, "thành tựu kinh tế của Việt Nam trong nhiệm kỳ hiện nay, đặc biệt là trong năm 2019 vừa qua, cũng như sự thể hiện của ông Phúc qua trong các hoạt động đối ngoại thời gian qua đã cho thấy điều đó".
Hơn nữa, kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng bị lâm bệnh ở Kiên Giang đến nay khiến ông không còn tham dự các sự kiện thì ông Phúc đã đứng ra gần như điều hành, chỉ đạo ở những vai trò thuộc các lĩnh vực như quốc phòng, công an, vốn do Tổng bí thư đảm trách. Thủ tướng Phúc nổi bật như gương mặt đại diện của Việt Nam trên thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Ông tỏ ra như một người lãnh đạo đất nước, xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại kể từ tháng Tư năm ngoái.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, với tất cả những kinh nghiệm như thế, cũng như với việc sang năm ông Phúc ở tuổi 67 – độ tuổi không phải là quá cao – đồng thời, bằng quan sát cũng thấy, ông Phúc đủ điều kiện về sức khỏe để đảm trách được công việc của một Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Nhưng việc làm thủ tướng của ông bị coi là có phần bá xạo khi luôn khai vống lên các con số để làm cho tình hình kinh tế đất nước luôn nổi bật. Tỷ lệ tăng trưởng GDP luôn cao cho dù suốt năm qua, chả có công trình lớn nào được triển khai.
Tính đến tháng 9/2019 còn khoảng 500 ngàn tỷ trái phiếu chính phủ bị đọng lại trong khi phải trả lãi rất cao. Giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%. Số doanh nghiệp giải thể nhiều. Vậy thì tại sao lại có được con số tăng trưởng đẹp như vậy ? Nó chỉ có thể giải thích rằng, nó đã được làm giả.
Ông Phúc còn bị quy kết có sân sau, có đàn em đệ tử và gây ra nhiều vấn đề phức tạp. Như dự án chống ngập tại Sài Gòn lên đến 10.000 tỷ đồng trong đó con rể ông Phúc là Vũ Chí Hùng có can dự. Ngân hàng quốc gia đã bơm vào Trung Nam Group để thực hiện dự án chống ngập lên đến 3.000 tỷ. Đây là biểu hiện rõ nét nhất về việc, ông Phúc chả kém gì ông Dũng khi con cái cũng tham gia vấn đề tiền bạc.
Còn về khả năng trở thành nữ Tổng bí thư đầu tiên của Chủ tịch đương nhiệm Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thuộc ISEAS – Yusof Ishak Institute ở Singapore, nhận định : "Việt Nam chưa sẵn sàng có một tổng bí thư là phụ nữ".
Cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng của địa lý. Sự kình địch như trong thời chiến giữa thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh, luôn dai dẳng. Vị trí cao nhất là tổng bí thư luôn thuộc về một nhân vật miền Bắc hoặc miền Trung. Bà Ngân lại đến từ miền Nam.
Trong kỳ Đại hội năm 2016, Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng, người miền Nam, được cho là ứng viên nặng ký cho chức tổng bí thư, nhưng ông Dũng buộc phải rút lui sau cuộc đấu đá với ông Trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, bà Ngân sẽ phù hợp với vị trí Thủ tướng bởi bà có kinh nghiệm điều hành Quốc hội. Bà cũng từng là thành viên Chính phủ phụ trách lĩnh vực Lao động – thương binh và xã hội hay Thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng như từng kinh qua kinh nghiệm từ cơ sở.
Tuy nhiên, bà Ngân cũng không dành được sự ủng hộ hoàn toàn, vì vẫn có ý kiến cho rằng, bà chưa đủ tầm để làm thủ tướng.
Ngoài ba ứng cử viên trên, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương được The Diplomat đánh giá là một ứng cử viên trẻ tuổi với thành tích mạnh mẽ trong lĩnh vực cải cách kinh tế và hành chính, ông đạt được thành tích này khi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, một trong những tỉnh giàu nhất đất nước. Mặc dù thế, ông sẽ chỉ hoàn thành một nhiệm kỳ thành viên Bộ Chính trị vào năm 2021. Chức vụ hiện tại của ông cũng có thể là một điểm yếu : Chưa bao giờ có một Tổng bí thư mà trước đây từng làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Có một lô – gíc rõ ràng cho điều đó, vì một người như vậy sẽ được coi là có quá nhiều quyền lực khi giữ chức vụ cao nhất và đồng thời nắm giữ tất cả các hồ sơ nhân sự cấp cao của Đảng. Đó là trường hợp gần giống như một nhân vật Liên Xô khét tiếng Lavrentiy Beria. Bên cạnh đó, việc ông Chính không thể thuyết phục và đưa ra Dự luật Đặc khu Kinh tế mà đã gây ra cuộc biểu tình bạo lực ở Việt Nam hồi năm ngoái, sẽ làm giảm uy tín của ông.
Chức vụ thủ tướng được dự đoán với nhiều ứng viên tiềm năng.
Nếu mục tiêu của Hà Nội là giữ khoảng cách với Bắc Kinh và xích lại gần Washington, thì theo một số người, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thích hợp cho chức thủ tướng, hoặc là chủ tịch nước. Ông Minh là người miền Bắc, dường như là thiên về Trung Quốc nhưng thông thạo tiếng Anh, có bằng thạc sĩ luật và ngoại giao của trường đại học Tufts, Hoa Kỳ.
Ông Vương Đình Huệ, Bí thư thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Văn Bình, cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng được nêu ra cho chức thủ tướng.
Khi được hỏi về dự đoán trước đây của một số nhà quan sát liên quan đến khả năng ông Nguyễn Thiện Nhân trở thành thủ tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng, điều này là khó.
Ông nói : "Sẽ ít người ủng hộ việc ông Nhân trở thành Thủ tướng, bởi nhìn vào thành tích của ông khi còn là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay ngay cả khi ông vào Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhiệm Bí thư Thành ủy, thì chúng ta thấy ông là người ôn hòa, không quyết liệt.
Trong khi đó, với tăng trưởng GDP ở mức 7,2% như năm 2019 thì việc trong những năm tới, duy trì đà tăng trưởng cao hơn hay ít nhất không thấp hơn mức đó là rất khó. Điều này đòi hỏi Thủ tướng phải là người rất năng nổ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Thứ hai, vị trí Thủ tướng hiếm khi được chọn từ những trường hợp đặc biệt về tuổi, trong khi sang năm 2021, ông Nhân đã ở tuổi 68, nên nếu không đảm nhận chức vụ trong đảng thì sẽ rất khó vượt qua quy định về giới hạn độ tuổi".
Một vấn đề cũng gây tranh luận không kém đó là liệu đương kim Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chịu từ giã chính trường.
22222222222222222222
Ảnh : Lần đầu tiên báo chí quốc tế đề cập đến tin đồn về tình trạng sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng vào ngày 19/4/2019
Một số chuyên gia cho rằng thời của ông Trọng còn lâu mới kết thúc, dù tuổi cao và bệnh tật. Ông có thể duy trì cả hai chức vụ.
Việc đưa ra các quy định mới về thay đổi lãnh đạo hồi tháng Giêng và tham gia hội nghị đánh giá tình dịch Covid-19 đã củng cố thêm tin đồn về việc ông Trọng sẽ vẫn tại vị.
Một số người nói rằng sự hiện diện liên tục của Trọng sẽ góp phần ổn định chính trị. Nhưng nó cũng có nghĩa là tứ trụ vẫn giảm xuống còn ba để ông Trọng tiếp tục thâu tóm quyền lực.
Cuộc đua từ giờ đến Đại hội 13 là "để xác định ai ở, ai đi, ai lên, ai xuống".
Dù là quay trở về với tứ trụ hay tiếp tục duy trì tạm trụ thì dàn lãnh đạo vào năm tới sẽ bận rộn với giải quyết hậu quả của năm 2020 do đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc gây ra.
Tổng sản phẩm trong nước chỉ tăng 3,82% trong quý đầu tiên, kém xa tốc độ 6,97% trong tháng 10-12. Các dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào ngày 14/4/2020, cho thấy kinh tế sẽ chỉ tăng 2,7% hay thậm chí trưởng âm trong năm nay.
Trong lĩnh vực đối ngoại,với vai trò chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm nay, Việt Nam đã phải hoãn hội nghị thượng đỉnh tại Đà Nẵng trong cho đến ít nhất là cuối tháng Sáu.
Hà Nội đã mong muốn thúc đẩy hợp tác ASEAN như một bước đệm chống lại Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế đầy triển vọng của ASEAN trên trường quốc tế, nhưng những mục tiêu này đã đều bị trì hoãn lại vì đại dịch.
Cuộc chạy đua cho Đại hội 13 đang bước vào hồi gay cấn.
Bài viết có tựa ‘Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đăng trên truyền thông tại Việt Nam hôm 26/04 vừa qua đã cho thấy ‘tầm nhìn rất cộng sản’ của người lãnh đạo.
Một trong những điểm cốt yếu, xuyên suốt trong bài viết trên là công tác cán bộ của đảng gắn liền với chế độ. Đối với Đại hội 13 được xác định ‘là nhiệm vụ "then chốt" của "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa 13, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc" và ông mượn câu thơ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du "chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" để nói về điều này.
Qua đó, đủ để hiểu nhân sự cấp cao của Việt Nam trong Đại hội tới có mục đích cao cả là nhằm duy trì chế độ. Và như thế, chế độ sẽ duy trì bằng cái ‘đức’ của một người cộng sản với tư duy tham nhũng, lạc hậu và đầy đau khổ.
Tương lai cho một Việt Nam Dân chủ và Tự do vẫn còn nhiều chông gai.
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 02/05/2020