Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/05/2020

Nỗ lực phục hồi kinh tế sau Covid-19 của Trung Quốc

Goh Sui Noi

Thách thức và hy vọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau Covid-19 của Trung Quốc

Đầu tiên là cuộc chiến thương mại, giờ là đại dịch – giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc vực dậy nền kinh tế.

hope0

Lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc vực dậy nền kinh tế.

Sau chuyến đi Vũ Hán vào tháng 3 báo hiệu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Trung Quốc, đầu tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một chuyến đi khác cũng mang tính biểu tượng tới tỉnh ven biển Chiết Giang.

Khi dịch Covid-19 ở trong nước thuyên giảm và số ca lây nhiễm hàng ngày tại địa phương giảm xuống gần 0, Trung Quốc đã bắt tay vào việc tái khởi động nền kinh tế vốn đã rơi vào tình trạng gần như tê liệt từ cuối tháng 1/2020 do nước này áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có phong tỏa tỉnh Hồ Bắc – tâm dịch với dân số hơn 50 triệu người – và hạn chế việc đi lại cùng nhiều hoạt động khác ở những địa phương khác của đất nước.

Kể từ khi đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài kết thúc vào cuối tháng 2, hoạt động kinh tế đã dần trở lại bình thường. Ngoài tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh và là nơi khởi phát dịch bệnh nói riêng, nhiều nhà máy trên cả nước đã mở cửa trở lại và nhiều lao động về quê đã trở lại làm việc.

Mới đây, Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát 4 ngày tới tỉnh Chiết Giang, một trong những đầu tàu công nghiệp của Trung Quốc. Nếu chuyến đi Vũ Hán hôm 10/3 báo hiệu Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, thì chuyến đi Chiết Giang là lời thông báo với thế giới rằng Trung Quốc đã trở lại với guồng quay công việc.

Tái khởi động nền kinh tế là việc quan trọng vì các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng để kiểm soát dịch bệnh đã gây tổn hại về kinh tế. Một số nhà phân tích ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu năm 2020 có thể giảm 7%-10%.

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 sẽ ở mức 2,3%. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là mức thấp nhất kể từ khi nước này tiến hành cải cách và mở cửa kinh tế vào năm 1976. Con số này sẽ thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2019, vốn đã là mức thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong vòng 29 năm qua do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trong bối cảnh này, việc Tập Cận Bình lựa chọn Chiết Giang và những địa điểm mà ông đến thăm ở tỉnh này có ý nghĩa biểu tượng về kinh tế học và thương mại. (Sự lựa chọn này cũng mang ý nghĩa chính trị vì Chiết Giang là cơ sở quyền lực của Tập Cận Bình – ông từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy trong giai đoạn 2002-2007).

Thành phố Nghĩa Ô – thị trường bán buôn hàng hóa cỡ nhỏ lớn nhất thế giới – và Alibaba – gã khổng lồ công nghệ – đều ở Chiết Giang. Tỉnh này là một cơ sở xuất khẩu quan trọng với các ngành công nghiệp chi phối toàn bộ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các gã khổng lồ công nghệ cao. Tỉnh này cũng tự hào vì có cảng container lớn thứ 4 thế giới.

Một trong những nơi đầu tiên Tập Cận Bình đến thăm hôm 5/4, ngày đầu tiên của chuyến công tác, là cảng Ninh Ba-Chu Sơn. Tại đó, Tập Cận Bình đã phát biểu rằng sự hoạt động trở lại của cảng này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khôi phục chuỗi logistics của Trung Quốc và chuỗi công nghiệp toàn cầu.

Việc các nhà máy của Trung Quốc bị đóng cửa làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các nhà sản xuất ô tô ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như nhiều công ty khác, phải ngừng hoạt động vì thiếu linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cùng ngày, Tập Cận Bình đã đến thăm một khu công nghiệp chuyên chế tạo linh kiện và khuôn đúc cho ô tô. Ở đó, ông cam kết sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) dễ bị ảnh hưởng khi dòng tiền bị gián đoạn và khó hồi phục.

Các SME là mắt xích then chốt trong tiến trình hồi phục của Trung Quốc vì các công ty lớn không thể khôi phục hoàn toàn hoạt động của mình nếu không có được những linh kiện từ các nhà cung ứng nhỏ hơn.

Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, đã cảnh báo rằng một số SME sẽ không thể tồn tại đến lúc nhận được hỗ trợ của chính phủ, nhất là các biện pháp chính sách dài hạn hơn. Tổ chức này kêu gọi các thành viên của mình trực tiếp hỗ trợ những SME là các nhà cung ứng và khách hàng của họ.

Trung Quốc còn đối mặt với nhiều thách thức khác trong quá trình hồi phục kinh tế, nhưng giới lãnh đạo nước này có thể sẽ chọn một hướng đi khác so với cách tiếp cận sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Khi đó, họ đã tung ra gói kích thích khổng lồ trị giá 600 tỷ USD, tương đương gần 13% GDP của Trung Quốc. Việc làm này đã khiến Trung Quốc phải gánh một khoản nợ lớn vẫn đang treo lơ lửng và đẩy nền công nghiệp nước này vào tình trạng dư thừa năng suất. Lần này, nếu giới lãnh đạo Trung Quốc lặp lại các biện pháp mà họ đã thực hiện để giảm thiểu tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại với Mỹ, thì các hành động kích thích kinh tế nên có mục tiêu hơn, được tính toán kỹ lưỡng hơn và bớt gây lãng phí.

Những thách thức đối với việc hồi phục kinh tế

Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (23/7/1921). Từ năm 2010, Trung Quốc đã muốn chào đón sự kiện này bằng việc nỗ lực tăng GDP năm 2020 cao gấp đôi năm 2010, nghĩa là hoàn thành mục tiêu thế kỷ xây dựng xã hội khá giả. Để làm được điều này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng 5,6% trong năm nay. Các nhà phân tích không cho rằng Trung Quốc sẽ nhắm vào mục tiêu đó vì cái giá phải trả là quá lớn. Trong chuyến đi Chiết Giang, Tập Cận Bình đã hô hào người dân nỗ lực hết sức không chỉ để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm nay, mà còn để cân bằng giữa việc khôi phục hoạt động kinh tế và việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.

Theo Trần Long, đối tác của công ty nghiên cứu độc lập Plenum China Research, thông điệp mà Tập Cận Bình muốn đưa ra là : "Chúng ta đừng từ bỏ, nhưng đó không phải là mục tiêu mà chúng ta phải đạt được".

Các phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc diễn ra vào tháng 3, nơi các mục tiêu tăng trưởng thường được đề ra, đã bị hoãn lại. Chưa ai rõ chúng sẽ bị hoãn đến bao giờ nhưng có người suy đoán rằng các phiên họp này sẽ được tổ chức cuối tháng 4 hoặc tháng 5.

Trong khi đó, một cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các nhà kinh tế và các cố vấn chính phủ về việc liệu có nên đề ra mục tiêu tăng trưởng trong năm nay hay không.

Một số người như Tiến sĩ Dư Vĩnh Định thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng nên đề ra một mục tiêu, cho dù là mục tiêu thấp, vì điều đó sẽ giúp các công ty, đặc biệt là các công ty lớn, lập ra kế hoạch kinh doanh của mình. Những người khác cho rằng nên bỏ hết các mục tiêu vì không thể đưa ra một con số nếu không chắc chắn về diễn biến của dịch bệnh và những khó khăn mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Tài Tân (Trung Quốc), Julian Evans-Pritchard, chuyên gia cao cấp về kinh tế Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, cho rằng Trung Quốc sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 4% mà giới chính trị có thể chấp nhận.

Trong một bài phát biểu mới đây, Tiến sĩ Mã Tuấn thuộc Đại học Thanh Hoa cảnh báo rằng việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao đến mức phi thực tế sẽ cản trở các chính sách vĩ mô và cuối cùng buộc Trung Quốc phải sử dụng một gói kích thích tổng lực.

Tạ Đống Minh, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc thuộc Ngân hàng OCBC, cho rằng nếu chính phủ phải đưa ra một mục tiêu, thì mức tăng trưởng 4,5% sẽ là mục tiêu hợp lý để duy trì công ăn việc làm và ổn định kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở trên, đó là mục tiêu tăng trưởng khó có thể đạt được.

Các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động đang phải đối mặt với tình trạng các đơn đặt hàng từ nước ngoài bị hủy bỏ. Nhu cầu nước ngoài sẽ tiếp tục giảm khi dịch Covid-19 tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước khi người lao động mất việc làm và đầu tư sản xuất giảm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đã tăng từ 5,2% vào tháng 12/2019 lên 6,2% trong hai tháng đầu năm 2020, nghĩa là Trung Quốc mất 5,5 triệu việc làm. Tuy nhiên, trong báo cáo gần đây nhất của mình, Plenum China Research cảnh báo rằng đây chỉ là sự khởi đầu và ước tính tổng số việc làm bị mất sẽ lên đến 24 triệu – 15 triệu từ lĩnh vực dịch vụ và 9 triệu từ lĩnh vực sản xuất.

Chính phủ đã khuyến khích tiêu dùng trong nước để thúc đẩy kinh tế – một số chính quyền địa phương còn phát phiếu giảm giá cho các hộ gia đình để khuyến khích chi tiêu – nhưng kết quả có thể không như mong đợi. Ngoài số lượng lao động thất nghiệp đang gia tăng, còn có 150 triệu lao động tự do trên tổng số 530 triệu người trong lực lượng lao động thành thị làm việc chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề và hưởng lợi ít hơn. Họ chịu sức ép về kinh tế và do đó không thể tăng chi tiêu. Các hộ gia đình Trung Quốc cũng đang gánh những khoản nợ lớn, tổng cộng là 55.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 7.800 tỷ USD), cùng lãi suất vay thế chấp và nợ thẻ tín dụng phải trả.

Một trở ngại khác đối với nền kinh tế là quan ngại về khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai khi các hoạt động kinh tế-xã hội gia tăng. Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm từ nước ngoài về và thi thoảng vẫn có những trường hợp lây nhiễm ở trong nước.

Để ngăn chặn sự gia tăng ca nhiễm mới, các rạp chiếu phim đã bị đóng cửa sau khi được mở trở lại vào tháng 3 ; một số điểm thu hút khách du lịch ở Thượng Hải, như tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông và Thủy cung Thượng Hải, cũng đóng cửa không lâu sau khi được mở trở lại. Tại tỉnh Hà Nam, các khu vui chơi và các quán café Internet đã được lệnh đóng cửa vào tháng 3 sau khi một nhân viên lau dọn của một thư viện có kết quả xét nghiệm dương tính.

Kích thích nền kinh tế

Một trong những biện pháp mà chính phủ áp dụng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh là cắt giảm thuế và phí an sinh xã hội với tổng giá trị 1.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 142 tỷ USD), tương đương 1% GDP.

Trung Quốc cũng đã 3 lần cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng cần dự trữ trong năm nay. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ bơm 56 tỷ USD tiền mặt vào các ngân hàng vừa và nhỏ để cho vay, điều đặc biệt có lợi cho các công ty nhỏ đang gặp khó khăn. Động thái này diễn ra sau những đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải phóng 79 tỷ USD từ các quỹ trong tháng 3 và bơm thêm 800 tỷ nhân dân tệ (hơn 113 tỷ USD) nhằm tăng tính thanh khoản hồi tháng 1.

Trung Quốc cũng dự định phát hành trái phiếu đặc biệt của chính phủ trung ương – yêu cầu được đưa ra tại cuộc họp Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định tối cao, vào tháng 3 – và tăng hạn ngạch trái phiếu của chính quyền địa phương vì mục đích đặc biệt.

Số tiền huy động được thông qua trái phiếu chính phủ sẽ được chi vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các dự án truyền thống như đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, điều quan trọng là sẽ có các dự án cơ sở hạ tầng mới trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm các mạng lưới 5G và trung tâm dữ liệu, như Tập Cận Bình đã nói rõ trong chuyến đi Chiết Giang.

Cơ quan năng lượng quốc tế đã hối thúc chính phủ các nước tính đến việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, pin sạc và công nghệ thu hồi carbon trong các nỗ lực kích thích kinh tế của mình.

Mặc dù không nói cụ thể về các dự án liên quan đến khí hậu trong chuyến đi Chiết Giang, nhưng Tập Cận Bình có đề cập đến sự cần thiết phải bảo vệ môi trường. Điều đáng chú ý là Chính phủ Trung Quốc đã quyết định gia hạn thêm 2 năm nữa các gói hỗ trợ cho thị trường xe chạy bằng năng lượng mới mà phần lớn sẽ bị rút lại theo kế hoạch trong năm nay. Điều đó mang lại hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để thúc đẩy nền kinh tế xanh của mình.

Một số người, nhất là các chuyên gia y tế, còn muốn chính phủ chi tiền cho một lĩnh vực nữa là cơ sở hạ tầng y tế, nhất là các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và sức khỏe cộng đồng, vốn đã tỏ ra yếu kém trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Họ có thể vui mừng trước những lời hô hào của Tập Cận Bình – rằng hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cũng như hệ thống quản lý y tế trong tình trạng khẩn cấp cần phải được cải thiện – cho dù đó chưa phải là điều mà họ mong muốn.

Các nhà phân tích dự báo cuộc sống ở Trung Quốc sẽ không trở lại bình thường trước cuối năm 2020 hay thậm chí là đầu năm 2021. Và con đường hồi phục kinh tế của Trung Quốc sẽ rất khó khăn khi xét tới phạm vi và quy mô của những thách thức mà nước này phải đối mặt. Tuy nhiên, các hành động nhằm khôi phục kinh tế nếu được thực hiện một cách đúng đắn có thể giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao mà ban lãnh đạo nước này mong muốn.

Goh Sui Noi

Nguyên tác : The hope in China's uphill task to reboot its stricken economy, The Straits Times, 08/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 05/05/2020

Bà Goh Sui Noi là biên tập viên Đông Á, phóng viên cao cấp tại The Straits Times. Bài viết được đăng trên báo Straits Times

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Goh Sui Noi
Read 595 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)