Một ngày đi công việc ngang qua đường Đặng Thúc Vịnh (Hóc Môn), tôi giật mình. Trước mắt tôi là 1 đại công trường khổng lồ bụi bay mù mịt ; người đi đường thì lao như tên bắn hòng thoát khỏi con đường gian khổ càng nhanh càng tốt và họ không có thời gian chú ý không gian chung quanh nhất là bầu trời đang ửng hồng màu rất đẹp. Một hình ảnh tương phản rất ấn tượng. Tôi lẳng lặng tấp xe vào lề và lấy máy ra bấm liên tục.
Ảnh chụp chiều 12/11/2021- lúc 17g trên Đặng Thúc Vịnh (xã Đông Thạnh, Hóc Môn). (Ảnh : Nguyễn Văn Châu)
Ở Việt Nam, các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đều bị ảnh hưởng mạnh qua đợt dịch vì toàn bộ lệ thuộc rất nhiều vào giao thông. Các cửa khẩu bị khóa lại thì nền kinh tế "mệt" ngay. Nếu chỉ dựa vào sản xuất nhỏ lẻ, hoặc mua đi bán lại thì lực lượng lao động, sản xuất bị đọng quá nhiều và hệ lụy vô cùng lớn trong thời gian sắp tới nếu tình hình không được cải thiện.
Mong cho các tuyến giao thông được hoàn thiện sớm để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhất là hàng hóa được lưu thông nhanh chóng hơn. (Ảnh : Nguyễn Văn Châu)
Từ trước đến nay chuyện kích nền kinh tế qua xây dựng, bất động sản thường được ưu tiên nhiều vì qua đó, 1 loạt các vấn đề kinh tế được giải quyết : lao động, sản xuất phục vụ cho việc xây dựng, đô thị và giảm tải cho các khu đô thị lớn quá đông dân cư.
Từ trước đến nay chuyện kích nền kinh tế qua xây dựng, bất động sản thường được ưu tiên nhiều vì qua đó, 1 loạt các vấn đề kinh tế được giải quyết. (Ảnh : Nguyễn Văn Châu)
Chính vì vậy mà dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng các dự án về giao thông vẫn được thi công trên diện rộng. Phía ngoài thì các tuyến vành đai, tuyến kết nối với các khu vực lân cận "rục rịch" lên chương trình ; còn bên trong thành phố thì các tuyến huyết mạch cũng đang được hoàn thiện gấp rút tại các quận huyện. Đặng Thúc Vịnh là đường huyết mạch nối Tô Ký (quận 12) với Hà Duy Phiên (Củ Chi) hướng đi Bình Dương nên lộ giới lớn và tiến độ thi công có vẻ nhanh- không ngoài dự đoán.
Ánh mắt lo âu, tiếng cười đã giảm hẳn trong khắp mọi miền đất nước. Hy vọng dịch qua mau, mong cho các tuyến giao thông được hoàn thiện sớm để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhất là hàng hóa được lưu thông nhanh chóng hơn.
Nguyễn Văn Châu
Nguồn : VOA, 31/12/2021
Với một sự nhất trí hiếm thấy, tất cả các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay 22/07/2020 đều giành tít lớn trang nhất và nhiều bài bình luân, phân tích, tường thuật về thành công của hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu kết thúc hôm qua ở Bruxelles, với từ ngữ được nhắc đi nhắc lại là "lịch sử" và "bước tiến" hay "khúc quanh".
Trang nhất Le Monde nổi bật với một bức ảnh màu lớn, trải dài trên 5 cột báo, chiếm 1/3 trang khổ lớn, cho thấy tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel đang ngồi họp tại Bruxelles, ở giữa là hàng tựa "Châu Âu : Một kế hoạch phục hồi lịch sử".
Tính từ "lịch sử" cũng xuất hiện trên trang nhất báo Le Figaro, trong hàng tựa lớn : "Châu Âu : Những câu hỏi vẫn tồn tại về một thỏa thuận lịch sử".
Hai tờ La Croix và Les Echos thì không hẹn mà gặp, đều nhấn mạnh trên bước tiến lịch sử mà Liên Hiệp Châu Âu vừa làm được. Trong lúc La Croix chạy tựa "Châu Âu vượt qua một cái mốc", Les Echos thấy rằng "Liên Âu đang tiến bước".
Riêng Libération thì chọn hẳn một giọng điệu vui vẻ, chạy trên trang nhất lời cám ơn bằng nguyên văn tiếng Đức "Châu Âu : danke schön" nghĩa là "cám ơn rất nhiều".
Đối với Libération, chính là nhờ việc thủ tướng Đức thay đổi hoàn toàn quan điểm, chấp nhận việc toàn khối cùng gánh vác món nợ tái thiết của các thành viên, mà Liên Hiệp Châu Âu 27 nước đã thông qua được một thỏa thuận lịch sử vào hôm qua, mở đường cho biến Liên Hiệp thành liên bang.
Tờ báo cánh tả Pháp không ngần ngại tự hỏi : "Phải chăng ngày 21 tháng 7 năm 2020 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là "thời điểm Hamilton" của Liên Hiệp Châu Âu, một thời điểm đánh dấu việc khổi Liên Âu chuyển mình từ một liên hiệp lỏng lẻo hiện nay sang một liên bang kiểu Mỹ ?".
Đối với Libération, tình hình Liên Hiệp Châu Âu năm 2020 rất giống tình hình nước Mỹ năm 1790, khi ông Alexander Hamilton, bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ còn non trẻ, đã giành được từ Quốc hội quyền tạo ra một khoản nợ liên bang và đứng ra bảo đảm các món nợ của các bang sắp sửa phá sản. Sự kiện này đã đặt nền móng cho sức mạnh tương lai của nước Mỹ.
Hai trăm ba mươi năm sau, kịch bản tương tự dường như được lặp lại, lần này tại Châu Âu. Theo tổng thống Pháp Macron, việc Ủy Ban Châu Âu được trao quyền vay 750 tỷ euro trong thực tế không khác gì việc tạo ra một khoản nợ "liên bang" như ở Mỹ, và đây là một cuộc "cách mạng", một thời khắc "lịch sử". Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Macron khẳng định : "Đây là thời điểm quan trọng nhất ở Châu Âu kể từ khi tạo ra đồng euro".
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn : "Lịch sử", Libération đã phản bác ngay những luận điệu mà giới hoài nghi Châu Âu có thể đưa ra để bác bỏ tính chất lịch sử của những gì vừa diễn ra.
Theo tờ báo Pháp, những người chống lại khả năng Liên Âu hội nhập chặt chẽ hơn có lẽ sẽ chế nhạo từ "lịch sử", một loại sáo ngữ rất thường được dùng sau các cuộc "họp kín" tại Bruxelles. Họ cũng sẽ mỉa mai thời gian 4 ngày họp đầy kịch tính và sẽ nhấn mạnh trên các nhượng bộ đối với các nước "keo kiệt" để giảm nhẹ tầm quan trọng thỏa thuận đạt được.
Thể nhưng, Libération cho rằng những người này hoàn toàn sai lầm. Bước tiến mà 27 thành viên Liên Âu vừa thực hiện quả thực lịch sử, không chỉ vì khoản tiền rất to lớn được thông qua, mà còn là vì việc toàn khối đã chấp nhận nguyên tắc chưa từng thấy về sự tương trợ đoàn kết trên mặt tài chính giữa các quốc gia.
Ẩn mình đằng sau con số 390 tỷ trợ cấp cho những quốc gia bị tác hại nhiều nhất là một bước đầu tiến tới một hình thức Liên Bang Châu Âu, dù đã được thực hiện trong đau đớn, nhưng đã làm cho những kẻ bài bác Châu Âu từ đủ mọi xu hướng phải vỡ mộng.
Và cũng như thường lệ, khi liên quan đến Châu Âu, mọi thỏa thuận đều là kết quả của một quá trình thỏa hiệp khó nhọc, và một lần nữa, nhờ sự liên kết - cũng phải nói là lịch sử - giữa ông Macron và bà Merkel.
Không có sự kiên trì thúc đẩy hồ sơ của tổng thống Pháp thì sẽ không có kết quả gì cả, nhưng sự kiên trì của Macron sẽ vô ích nếu không có sự hướng ứng của thủ tướng Đức Merkel, cách đây vài tuần, đã phá bỏ cấm kỵ truyền thống của nước Đức về việc chia sẻ nợ công.
Đối với Libération, bà Merkel đã thay đổi lập trường vì quyền lợi của Đức, nhưng quyết định của bà đã cứu được Châu Âu.
Tính chất lịch sử của kế hoạch phục hồi kinh tế Châu Âu vừa được thông qua tại Bruxelles cũng được Le Figaro công nhận. Thế nhưng, tờ báo thiên hữu Pháp nhấn mạnh rằng vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về cách sử dụng khoản tiền khổng lồ trong kế hoạch, cũng như các điều kiện giải ngân.
Theo Le Figaro, một trong những yếu tố giúp cho kế hoạch này thành công là các nước phải quyết tâm "sử dụng tốt" các khoản vay và trợ cấp không hoàn lại đến từ Châu Âu, bằng cách "ưu tiên đầu tư để giúp các quốc gia bị khủng hoảng thay đổi, thay vì tài trợ cho các khoản chi tiêu thường nhật".
Le Figaro còn phàn nàn về việc kế hoạch chấn hưng kinh tế đã tạo ra một nạn nhân : đó là kế hoạch tăng cường nền quốc phòng Châu Âu, mà ngân sách đã bị giảm xuống mức tối thiểu. Một cựu bộ trưởng Pháp cố biện bạch, cho rằng giữa kế hoạch ban đầu và thượng đỉnh mang tính chất quyết định vừa qua đã có một trận đại dịch chen vào, khiến cho các ưu tiên bị đảo lộn.
Cùng một nhận định với các đồng nghiệp, nhật báo công giáo La Croix cho rằng không ai có thể chối cãi thực tế là hội nghị thượng đỉnh Bruxelles lần này mang một ý nghĩa lịch sử to lớn.
Theo La Croix, ngoài việc Ủy Ban Châu Âu sẽ có thể đứng tên vay khoản tiền khổng lồ 750 tỷ euro, điều chưa từng thấy, còn phải thấy rằng hơn một nửa số tiền đó sẽ được tháo khoán dưới hình thức trợ cấp cho các quốc gia bị tác hại nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng y tế và hậu quả kinh tế kèm theo.
Đối với La Croix, cũng phải thừa nhận rằng thỏa thuận phục hồi kinh tế Châu Âu là một chiến thắng chính trị thực sự đối với tổng thống Pháp Macron, người đã kiên trì thúc đẩy công cuộc xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu hội nhập.
Tuy nhiên, La Croix cũng thận trọng cho rằng ở cấp độ kinh tế quốc gia, lợi ích mà nước Pháp thu được từ thỏa thuận không nhiều, chỉ được khoảng 40 tỷ, trong khi Ý được đến 60 tỷ và Tây Ban Nha 70 tỷ.
Sau cùng, về thỏa thuận đạt được hôm thứ Ba, Le Figaro đã chú ý đến quy định tôn trọng những nguyên tắc dân chủ mà các nhà lãnh đạo Châu Âu lần đầu tiên đã gắn với việc tài trợ.
Le Figaro ghi nhận tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hoan nghênh việc "lần đầu tiên trong lịch sử Châu Âu mà ngân sách được gắn với việc tôn trọng Nhà Nước Pháp Quyền".
Thế nhưng, theo Le Figaro, Hungary và Ba Lan, hai học trò xấu trong lãnh vực này, đã phản bác kết luận của ông Michel. Thủ tướng Hungary Vicktor Orban khẳng định : "Tất cả những nỗ lực gắn Nhà nước pháp quyền vào ngân sách đã bị ngăn chặn".
Theo ông Orban : "Trước, và ngay cả trong các cuộc thảo luận, đã có những nỗ lực, tôi không thể nói là để hạ nhục, nhưng ít ra là để giáo dục chúng tôi về Nhà nước pháp quyền. Thế nhưng chúng tôi không những đã nhận được một khoản tiền lớn, mà còn bảo vệ được phẩm giá của đất nước chúng tôi".
Về tình hình quốc tế, nhật báo Le Monde đặc biệt có bài phỏng vấn cựu toàn quyền Hồng Kông Chris Patten, khẳng định rằng : "Chúng ta - tức phương Tây - đã đánh giá thấp sức mạnh của mình trước Trung Quốc".
Ông Chris Patten, toàn quyền cuối cùng tại Hồng Kông (1992-1997), và là người quản lý việc trao trả lãnh thổ này về Trung Quốc, trả lời các báo nước ngoài trong đó có Le Monde, nhận định là luật an ninh ở Hồng Kông cho thấy không thể tin vào Trung Quốc.
Ông Patten giải thích tại sao, các nước Châu Âu, đứng đầu là Anh, phải ngưng việc đánh giá thấp khả năng của minh khi đối phó với siêu cường Châu Á.
Trả lời câu hỏi là Châu Âu phải có hành động ra sao để ngăn ngừa những hành vi "tấn công" của Trung Quốc, cựu toàn quyền Anh cho là trước tiên các nước phải liên minh với nhau. Ông hy vọng là vào tháng 11 có được một thổng thống ở Mỹ tin tưởng vào sức mạnh liên minh.
Đối với Châu Âu, theo ông, rất khó mà xây dựng một chiến lược nhất quán trên những vấn đề lớn khi không có Mỹ tham gia. Nếu không làm việc cùng nhau, thì Trung Quốc sẽ tấn công vào từng nước : Úc, rồi Ấn Độ, v.v… Nhưng cũng không nên để bị hù dọa. Nếu cùng hành động thì sẽ đối mặt được với một Trung Quốc cư xử tốt hơn, điều này là trong quyền lợi của cả hai bên.
Về việc Châu Âu đang đánh giá thấp sức mạnh của mình đối với Bắc Kinh, ông Patten nhắc lại khi nhà văn Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa Bình, Bắc Kinh ngay lập tức đe dọa Na Uy là sẽ không mua gì nữa. Na Uy bán cá hồi cho Trung Quốc. Và điều gì đã xẩy ra sau dó ? Cá hồi Na Uy bán cho Việt Nam đã tăng vọt, và cá hồi Việt Nam bán sang Trung Quốc lại tăng vọt sau đó.
Trọng Nghĩa
Thách thức và hy vọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau Covid-19 của Trung Quốc
Đầu tiên là cuộc chiến thương mại, giờ là đại dịch – giới lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc vực dậy nền kinh tế.
Lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc vực dậy nền kinh tế.
Sau chuyến đi Vũ Hán vào tháng 3 báo hiệu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Trung Quốc, đầu tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một chuyến đi khác cũng mang tính biểu tượng tới tỉnh ven biển Chiết Giang.
Khi dịch Covid-19 ở trong nước thuyên giảm và số ca lây nhiễm hàng ngày tại địa phương giảm xuống gần 0, Trung Quốc đã bắt tay vào việc tái khởi động nền kinh tế vốn đã rơi vào tình trạng gần như tê liệt từ cuối tháng 1/2020 do nước này áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có phong tỏa tỉnh Hồ Bắc – tâm dịch với dân số hơn 50 triệu người – và hạn chế việc đi lại cùng nhiều hoạt động khác ở những địa phương khác của đất nước.
Kể từ khi đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài kết thúc vào cuối tháng 2, hoạt động kinh tế đã dần trở lại bình thường. Ngoài tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh và là nơi khởi phát dịch bệnh nói riêng, nhiều nhà máy trên cả nước đã mở cửa trở lại và nhiều lao động về quê đã trở lại làm việc.
Mới đây, Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát 4 ngày tới tỉnh Chiết Giang, một trong những đầu tàu công nghiệp của Trung Quốc. Nếu chuyến đi Vũ Hán hôm 10/3 báo hiệu Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, thì chuyến đi Chiết Giang là lời thông báo với thế giới rằng Trung Quốc đã trở lại với guồng quay công việc.
Tái khởi động nền kinh tế là việc quan trọng vì các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng để kiểm soát dịch bệnh đã gây tổn hại về kinh tế. Một số nhà phân tích ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu năm 2020 có thể giảm 7%-10%.
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 sẽ ở mức 2,3%. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là mức thấp nhất kể từ khi nước này tiến hành cải cách và mở cửa kinh tế vào năm 1976. Con số này sẽ thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2019, vốn đã là mức thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong vòng 29 năm qua do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong bối cảnh này, việc Tập Cận Bình lựa chọn Chiết Giang và những địa điểm mà ông đến thăm ở tỉnh này có ý nghĩa biểu tượng về kinh tế học và thương mại. (Sự lựa chọn này cũng mang ý nghĩa chính trị vì Chiết Giang là cơ sở quyền lực của Tập Cận Bình – ông từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy trong giai đoạn 2002-2007).
Thành phố Nghĩa Ô – thị trường bán buôn hàng hóa cỡ nhỏ lớn nhất thế giới – và Alibaba – gã khổng lồ công nghệ – đều ở Chiết Giang. Tỉnh này là một cơ sở xuất khẩu quan trọng với các ngành công nghiệp chi phối toàn bộ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các gã khổng lồ công nghệ cao. Tỉnh này cũng tự hào vì có cảng container lớn thứ 4 thế giới.
Một trong những nơi đầu tiên Tập Cận Bình đến thăm hôm 5/4, ngày đầu tiên của chuyến công tác, là cảng Ninh Ba-Chu Sơn. Tại đó, Tập Cận Bình đã phát biểu rằng sự hoạt động trở lại của cảng này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khôi phục chuỗi logistics của Trung Quốc và chuỗi công nghiệp toàn cầu.
Việc các nhà máy của Trung Quốc bị đóng cửa làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các nhà sản xuất ô tô ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như nhiều công ty khác, phải ngừng hoạt động vì thiếu linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cùng ngày, Tập Cận Bình đã đến thăm một khu công nghiệp chuyên chế tạo linh kiện và khuôn đúc cho ô tô. Ở đó, ông cam kết sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) dễ bị ảnh hưởng khi dòng tiền bị gián đoạn và khó hồi phục.
Các SME là mắt xích then chốt trong tiến trình hồi phục của Trung Quốc vì các công ty lớn không thể khôi phục hoàn toàn hoạt động của mình nếu không có được những linh kiện từ các nhà cung ứng nhỏ hơn.
Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, đã cảnh báo rằng một số SME sẽ không thể tồn tại đến lúc nhận được hỗ trợ của chính phủ, nhất là các biện pháp chính sách dài hạn hơn. Tổ chức này kêu gọi các thành viên của mình trực tiếp hỗ trợ những SME là các nhà cung ứng và khách hàng của họ.
Trung Quốc còn đối mặt với nhiều thách thức khác trong quá trình hồi phục kinh tế, nhưng giới lãnh đạo nước này có thể sẽ chọn một hướng đi khác so với cách tiếp cận sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Khi đó, họ đã tung ra gói kích thích khổng lồ trị giá 600 tỷ USD, tương đương gần 13% GDP của Trung Quốc. Việc làm này đã khiến Trung Quốc phải gánh một khoản nợ lớn vẫn đang treo lơ lửng và đẩy nền công nghiệp nước này vào tình trạng dư thừa năng suất. Lần này, nếu giới lãnh đạo Trung Quốc lặp lại các biện pháp mà họ đã thực hiện để giảm thiểu tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại với Mỹ, thì các hành động kích thích kinh tế nên có mục tiêu hơn, được tính toán kỹ lưỡng hơn và bớt gây lãng phí.
Những thách thức đối với việc hồi phục kinh tế
Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (23/7/1921). Từ năm 2010, Trung Quốc đã muốn chào đón sự kiện này bằng việc nỗ lực tăng GDP năm 2020 cao gấp đôi năm 2010, nghĩa là hoàn thành mục tiêu thế kỷ xây dựng xã hội khá giả. Để làm được điều này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng 5,6% trong năm nay. Các nhà phân tích không cho rằng Trung Quốc sẽ nhắm vào mục tiêu đó vì cái giá phải trả là quá lớn. Trong chuyến đi Chiết Giang, Tập Cận Bình đã hô hào người dân nỗ lực hết sức không chỉ để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm nay, mà còn để cân bằng giữa việc khôi phục hoạt động kinh tế và việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.
Theo Trần Long, đối tác của công ty nghiên cứu độc lập Plenum China Research, thông điệp mà Tập Cận Bình muốn đưa ra là : "Chúng ta đừng từ bỏ, nhưng đó không phải là mục tiêu mà chúng ta phải đạt được".
Các phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc diễn ra vào tháng 3, nơi các mục tiêu tăng trưởng thường được đề ra, đã bị hoãn lại. Chưa ai rõ chúng sẽ bị hoãn đến bao giờ nhưng có người suy đoán rằng các phiên họp này sẽ được tổ chức cuối tháng 4 hoặc tháng 5.
Trong khi đó, một cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các nhà kinh tế và các cố vấn chính phủ về việc liệu có nên đề ra mục tiêu tăng trưởng trong năm nay hay không.
Một số người như Tiến sĩ Dư Vĩnh Định thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng nên đề ra một mục tiêu, cho dù là mục tiêu thấp, vì điều đó sẽ giúp các công ty, đặc biệt là các công ty lớn, lập ra kế hoạch kinh doanh của mình. Những người khác cho rằng nên bỏ hết các mục tiêu vì không thể đưa ra một con số nếu không chắc chắn về diễn biến của dịch bệnh và những khó khăn mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Tài Tân (Trung Quốc), Julian Evans-Pritchard, chuyên gia cao cấp về kinh tế Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, cho rằng Trung Quốc sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 4% mà giới chính trị có thể chấp nhận.
Trong một bài phát biểu mới đây, Tiến sĩ Mã Tuấn thuộc Đại học Thanh Hoa cảnh báo rằng việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao đến mức phi thực tế sẽ cản trở các chính sách vĩ mô và cuối cùng buộc Trung Quốc phải sử dụng một gói kích thích tổng lực.
Tạ Đống Minh, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc thuộc Ngân hàng OCBC, cho rằng nếu chính phủ phải đưa ra một mục tiêu, thì mức tăng trưởng 4,5% sẽ là mục tiêu hợp lý để duy trì công ăn việc làm và ổn định kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở trên, đó là mục tiêu tăng trưởng khó có thể đạt được.
Các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động đang phải đối mặt với tình trạng các đơn đặt hàng từ nước ngoài bị hủy bỏ. Nhu cầu nước ngoài sẽ tiếp tục giảm khi dịch Covid-19 tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước khi người lao động mất việc làm và đầu tư sản xuất giảm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đã tăng từ 5,2% vào tháng 12/2019 lên 6,2% trong hai tháng đầu năm 2020, nghĩa là Trung Quốc mất 5,5 triệu việc làm. Tuy nhiên, trong báo cáo gần đây nhất của mình, Plenum China Research cảnh báo rằng đây chỉ là sự khởi đầu và ước tính tổng số việc làm bị mất sẽ lên đến 24 triệu – 15 triệu từ lĩnh vực dịch vụ và 9 triệu từ lĩnh vực sản xuất.
Chính phủ đã khuyến khích tiêu dùng trong nước để thúc đẩy kinh tế – một số chính quyền địa phương còn phát phiếu giảm giá cho các hộ gia đình để khuyến khích chi tiêu – nhưng kết quả có thể không như mong đợi. Ngoài số lượng lao động thất nghiệp đang gia tăng, còn có 150 triệu lao động tự do trên tổng số 530 triệu người trong lực lượng lao động thành thị làm việc chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề và hưởng lợi ít hơn. Họ chịu sức ép về kinh tế và do đó không thể tăng chi tiêu. Các hộ gia đình Trung Quốc cũng đang gánh những khoản nợ lớn, tổng cộng là 55.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 7.800 tỷ USD), cùng lãi suất vay thế chấp và nợ thẻ tín dụng phải trả.
Một trở ngại khác đối với nền kinh tế là quan ngại về khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai khi các hoạt động kinh tế-xã hội gia tăng. Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm từ nước ngoài về và thi thoảng vẫn có những trường hợp lây nhiễm ở trong nước.
Để ngăn chặn sự gia tăng ca nhiễm mới, các rạp chiếu phim đã bị đóng cửa sau khi được mở trở lại vào tháng 3 ; một số điểm thu hút khách du lịch ở Thượng Hải, như tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông và Thủy cung Thượng Hải, cũng đóng cửa không lâu sau khi được mở trở lại. Tại tỉnh Hà Nam, các khu vui chơi và các quán café Internet đã được lệnh đóng cửa vào tháng 3 sau khi một nhân viên lau dọn của một thư viện có kết quả xét nghiệm dương tính.
Kích thích nền kinh tế
Một trong những biện pháp mà chính phủ áp dụng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh là cắt giảm thuế và phí an sinh xã hội với tổng giá trị 1.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 142 tỷ USD), tương đương 1% GDP.
Trung Quốc cũng đã 3 lần cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng cần dự trữ trong năm nay. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ bơm 56 tỷ USD tiền mặt vào các ngân hàng vừa và nhỏ để cho vay, điều đặc biệt có lợi cho các công ty nhỏ đang gặp khó khăn. Động thái này diễn ra sau những đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải phóng 79 tỷ USD từ các quỹ trong tháng 3 và bơm thêm 800 tỷ nhân dân tệ (hơn 113 tỷ USD) nhằm tăng tính thanh khoản hồi tháng 1.
Trung Quốc cũng dự định phát hành trái phiếu đặc biệt của chính phủ trung ương – yêu cầu được đưa ra tại cuộc họp Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định tối cao, vào tháng 3 – và tăng hạn ngạch trái phiếu của chính quyền địa phương vì mục đích đặc biệt.
Số tiền huy động được thông qua trái phiếu chính phủ sẽ được chi vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các dự án truyền thống như đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, điều quan trọng là sẽ có các dự án cơ sở hạ tầng mới trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm các mạng lưới 5G và trung tâm dữ liệu, như Tập Cận Bình đã nói rõ trong chuyến đi Chiết Giang.
Cơ quan năng lượng quốc tế đã hối thúc chính phủ các nước tính đến việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, pin sạc và công nghệ thu hồi carbon trong các nỗ lực kích thích kinh tế của mình.
Mặc dù không nói cụ thể về các dự án liên quan đến khí hậu trong chuyến đi Chiết Giang, nhưng Tập Cận Bình có đề cập đến sự cần thiết phải bảo vệ môi trường. Điều đáng chú ý là Chính phủ Trung Quốc đã quyết định gia hạn thêm 2 năm nữa các gói hỗ trợ cho thị trường xe chạy bằng năng lượng mới mà phần lớn sẽ bị rút lại theo kế hoạch trong năm nay. Điều đó mang lại hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để thúc đẩy nền kinh tế xanh của mình.
Một số người, nhất là các chuyên gia y tế, còn muốn chính phủ chi tiền cho một lĩnh vực nữa là cơ sở hạ tầng y tế, nhất là các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và sức khỏe cộng đồng, vốn đã tỏ ra yếu kém trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Họ có thể vui mừng trước những lời hô hào của Tập Cận Bình – rằng hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cũng như hệ thống quản lý y tế trong tình trạng khẩn cấp cần phải được cải thiện – cho dù đó chưa phải là điều mà họ mong muốn.
Các nhà phân tích dự báo cuộc sống ở Trung Quốc sẽ không trở lại bình thường trước cuối năm 2020 hay thậm chí là đầu năm 2021. Và con đường hồi phục kinh tế của Trung Quốc sẽ rất khó khăn khi xét tới phạm vi và quy mô của những thách thức mà nước này phải đối mặt. Tuy nhiên, các hành động nhằm khôi phục kinh tế nếu được thực hiện một cách đúng đắn có thể giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao mà ban lãnh đạo nước này mong muốn.
Goh Sui Noi
Nguyên tác : The hope in China's uphill task to reboot its stricken economy, The Straits Times, 08/04/2020
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 05/05/2020
Bà Goh Sui Noi là biên tập viên Đông Á, phóng viên cao cấp tại The Straits Times. Bài viết được đăng trên báo Straits Times