Đề nghị xây thêm quảng trường có phải vì quyền lợi cộng đồng ?
RFA, 07/05/2020
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Đức Hoạt trong buổi làm việc với với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ sáng 7/5 đưa ra kiến nghị xin được được nghiên cứu, xây dựng ‘Quảng trường Văn hóa - thể thao Thanh niên’ tại ô đất 5B2 thuộc khu vực Mỹ Đình và xây dựng tuyến phố thương mại trên tuyến đường Đồng Bông.
Diễu hành ngày 2 tháng 9 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Reuters
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng tình với đề xuất này và cho biết thêm Hà Nội vẫn đang thiếu không gian quảng trường, chưa được chú trọng đúng mức. Hiện diện tích quảng trường trên diện tích đất đô thị ở Việt Nam chỉ chiếm 0,004% và chỉ tiêu diện tích quảng trường trên đầu người rất thấp, chỉ là 0,022 m2.
Vì vậy, ông Sơn đồng ý với đề xuất có thêm ít nhất một không gian quảng trường ở Hà Nội, có thể đặt ở quận Nam Từ Liêm hoặc khu vực tây Hồ Tây.
Trao đổi với RFA vào tối ngày 7/5, ông Nguyễn Khắc Trọng, từng làm quy hoạch kiến trúc Hà Nội nhận định:
"Anh nghĩ là việc quảng trường ở Hà Nội đang rất thiếu nên có điều kiện bố trí được diện tích đất để làm công trình công cộng thì tốt".
Đồng quan điểm vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS tại Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm :
"Tỉ lệ vườn hoa, tỉ lệ công viên, trong đó có cả quảng trường công cộng trên đầu người ở Hà Nội bây giờ thật sự rất đáng báo động. Nếu ông ấy đề xuất mở rộng không gian công cộng như vậy là điều rất tốt vì thật sự Hà Nội người ta xây dựng tùm lum tà la mà không có chỗ cho trẻ con chơi, không gian công cộng có thể là vườn hoa nhỏ, công viên nhỏ hoặc một quảng trường. Nếu chỉ nói hẹp trong quảng trường thì tôi nghĩ chưa đủ, nhưng nếu mở rộng không gian công cộng ở Hà Nội là điều rất tốt cần phải làm và phải làm nhanh".
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bên cạnh việc xây dựng quảng trường bằng ngân sách nhà nước, chính phủ có thể tăng diện tích không gian công cộng thông qua những dự án bất động sản quy mô lớn. Ông đưa ra đề xuất :
"Có lẽ phải có quy định rất rõ ràng cho nhà đầu tư bất động sản như từ ông Vin Group, Sun Group đến những ông có máu mặt ở thành phố. 50-70 hecta đến mấy trăm hecta trong quy hoạch phải có định nghĩa không gian công cộng được quy định rất nghiêm túc và nếu không làm được như thế sẽ bị phạt. Phải giám sát vì với những nhà đầu tư bất động sản thì họ chỉ có một khuyến khích rất rõ ràng với họ là xây được nhiều diện tích càng tốt rồi bán lấy tiền. Bản thân họ ở trong khu riêng rất ngon lành, có không gian công cộng nhiều hơn nhưng thật sự nếu để cho người dân thì phải mở rộng rất nhiều không gian công cộng nữa vì đó là cái rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội".
Dưới góc nhìn cá nhân, nhà hoạt động dân sự Lã Việt Dũng lại có nhận định khác về việc xây dựng thêm quảng trường. Anh bày tỏ :
"Mình thấy rằng Việt Nam có rất nhiều thứ cần thiết khác mà họ không làm, người dân chẳng có nhu cầu về quảng trường đâu, bệnh viện mới là cần thiết nhất. Các điều kiện cho người dân, rất nhiều vấn đề khác họ không làm mà lại đi xây quảng trường thì thật sự rất buồn cười và phi lý".
Trên các trang mạng và diễn đàn, nhiều ý kiến bình luận lo ngại việc xây dựng quảng trường này liệu có giống với đề xuất xây dựng ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ rộng 27 hecta, với tổng vốn đầu tư cho dự án được công bố gần 2.000 tỷ đồng hay không ?
Dự án ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ tại Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh đã gặp phải nhiều phản đối vì mức đầu tư quá cao. Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị xây nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm hàng ngàn tỷ đồng gây tranh cãi trong khi khiếu kiện nhà đất của người dân nơi đây hàng chục năm trời vẫn chưa được giải quyết.
Do đó, khi trò chuyện với RFA, Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Vân ở Hà Nội thẳng thắn bày tỏ :
"Nói chung chuyện xây dựng thì người ta toàn bày ra để người ta ăn, để người ta chia nhau. Tôi nói thật là không có hào hứng gì tất cả chuyện này".
Không chỉ riêng Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Vân mà cả nhà hoạt động Lã Việt Dũng cũng có cùng ý kiến vừa nêu :
"Mình thấy chắc chắn lãng phí rồi vì đây là cơ hội để họ có thể tham nhũng, họ có thể xà xẻo tiền. Rất nhiều địa phương nhiều nơi thích xây quảng trường vì rõ ràng việc xây quảng trường mình nghĩ họ sẽ ăn được nhiều tiền từ đấy vì rất khó nghiệm thu đánh giá giá trị công trình, tiền chi ra chi vào thế nào, rất trừu tượng. Theo mình nên dừng luôn để làm những chuyện cấp thiết khác chứ chẳng cần bàn hỏi ý kiến người dân vì nếu hỏi ý kiến bình thường thì họ cũng chẳng bao giờ đồng ý. Còn nếu họ tổ chức những cuộc hỏi ý kiến thì họ sẽ dựng những cuộc hỏi trá hình và đa số là người dân ủng hộ".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại cho rằng :
"Thật ra không gian công cộng về cơ bản đầu tư không bao nhiêu, chỉ là khoảng đất có mặt bằng như thế trồng cây, trồng hoa rồi có chỗ trống chứ không phải là chỗ xây tượng đài tốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ. Tức để phát triển không gian công cộng chứ còn để xây quảng trường có tượng đài là không nên".
Báo trong nước dẫn lời Phó chủ tịch Hà Nội cho biết trong không gian đô thị, quảng trường là không gian chung, nơi có thể phát triển được các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại.
Dẫu vậy, ông Lê Hồng Sơn cũng nhận thấy việc xây quảng trường văn hóa thể thao ở khu vực Mỹ Đình cần phải phối hợp bàn bạc và cân nhắc thêm vì khu vực đất này được Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.
Còn theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, quận Nam Từ Liêm có vị trí địa lý thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn trong quản lý quy hoạch ; còn nhiều phức tạp trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng ; quỹ đất dự trữ còn ít nên cần rà soát đánh giá them.
Nguồn : RFA, 07/05/2020
*****************
Liệu quan chức nổi trội suốt cuộc chiến chống Covid-19 có lợi thế hơn trong cuộc đua nhân sự đảng khóa 13 ?
Cao Nguyên, RFA, 07/05/2020
Đại hội đại biều toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần 13 theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 1/2021. Lãnh đạo đảng trong thời gian hiện nay nói nhiều về vấn đề nhân sự cho thời kỳ 5 năm sắp tới.
Hình minh họa. Đường phố Hà Nội hôm 23/1/2019 : Người đi qua tấm biển quảng bá cho Đảng Cộng sản Việt Nam Reuters
Covid-19 ảnh hưởng gì đến Đại hội 13 ?
Học giả Đỗ Thông Minh hiện cư ngụ tại Nhật nhưng luôn theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng hiện giờ, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam có vẻ khá khả quan và sẽ không ảnh hưởng gì đến công việc tổ chức Đại hội đảng. Tuy nhiên, một số chuyên gia có nhận định rằng tình trạng có thể nặng lên bất cứ lúc nào nếu chủ quan :
"Bây giờ ở Việt Nam tình hình khá khả quan nhưng mà một số chuyên gia cũng nói là dịch ở Việt Nam chưa lên đến đỉnh, tức là tình trạng có thể nặng lên bất cứ lúc nào. Chúng ta cũng thấy là một số quốc gia như Âu châu hay Mỹ là những nước bị sau cùng, nhưng lại là những nước bị rất nặng".
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nêu quan điểm rằng dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến kỳ Đại hội sắp tới, vì 2 nguyên do chính. Thứ nhất là kinh tế Việt Nam ảnh hưởng vì dịch bệnh :
"Theo quan điểm của tôi thì nền kinh tế Việt Nam bình thường thì đã rất là yếu kém, rồi nợ nước ngoài, khả năng trả lãi cho số nợ đó cũng khó. Tức là đang rất khó khăn từ trước đại dịch đã vậy rồi. Khi đại dịch đến thì toàn bộ chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đó là một cú đánh rất mạnh vào nền kinh tế yếu kém và ọp ẹp. Cho nên kinh tế của Việt Nam từ nay cho đến Đại hội thì nó rất là nặng nề và khó khăn. Đó là điều tôi nghĩ là ảnh hưởng lớn nhất đối với đại hội 13.
Thứ hai là sự ảnh hưởng từ phía Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Vũ Bình, hiện nay, vị thế Trung Quốc trên trường Quốc tế giảm sút nghiêm trọng bởi vì Trung Quốc là nước khởi phát dịch bệnh mà vẫn để cho người từ Vũ Hán đi khắp nơi, lây lan ra nhiều nước và gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn thể nền kinh tế Thế giới. Nhiều quốc gia đang có ý định kiện và bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, Trung Quốc vốn luôn tạo ra sự ảnh hưởng nhất định đối với Việt Nam. Cho nên, khi Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn thì sức ảnh hưởng của quốc gia này lên Việt Nam cũng sẽ có nhiều thay đổi :
"Nền kinh tế Trung Quốc cũng bị rất nặng nề. Cái ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam rất là lớn mà nó lại đang ở trong dịp khó khăn như thế này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đại hội 13.
Ở đại hội này có hai điểm sẽ ảnh hưởng cực kỳ nặng nề là nền kinh tế bị một cú sốc vì COVID, trong khi nó đã rất là yếu kém rồi. Thứ hai là ảnh hưởng từ đồng minh ý thức hệ là Trung Quốc, cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề".
Các nhân vật chỉ đạo chống dịch có được lợi thế ?
Theo số liệu được công bố cho đến ngày 7/5/2020, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam là 288, chưa có tử vong và 233 người đã bình phục.
Hình minh họa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Reuters
Các hoạt động chống dịch ở Việt Nam được cả người dân trong nước và truyền thông quốc tế đánh giá là khá tốt.
Ông Lê Hoàng, người dân Hà Nội trong một lần trả lời RFA đã nói rằng Chính phủ Việt Nam có thể tận dụng tối đa mọi nguồn lực để chống dịch và họ đã làm tốt :
" Trong đảng họ làm cái gì thì cũng có quy trình cả, chứ không có ai chịu trách nhiệm riêng. Nhưng ở Việt Nam họ cũng làm cách ly các thứ tương đối tốt. Tôi ủng hộ".
Hôm 21/4, hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO khẳng định : "Do sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ và sự hợp tác của người dân đã giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở Việt Nam".
Những người trực tiếp chỉ đạo chống dịch tiêu biểu có thể kể đến là ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đức Đam và chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung… Vậy những người này liệu có được lợi thế trong việc chọn lựa nhân sự khóa mới hay không ?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải từ Hà Nội khẳng định vấn đề dịch bệnh không ảnh hưởng gì đến Đại hội Đảng và chuyện nhân sự chủ chốt :
"Nhân sự người ta đã sắp xếp từ năm ngoái rồi, chả ai có thể thay đổi được. Đại hội 13 hay 14 gì thì cũng thế thôi".
Theo ý kiến nhà báo Nguyễn Vũ Bình, "điểm cộng" cho những người chỉ đạo chống dịch nếu có đi chăng nữa cũng không đáng kể :
"Nếu có điểm cộng thì cái đó đối với quy trình bầu chọn, nhất là nhân sự cấp cao nhất, thì cũng không đáng kể lắm.
Đối với cơ chế toàn trị cộng sản thì yếu tố này cũng không có ảnh hưởng lắm lớn lắm đến việc bầu chọn nhân sự cao cấp.
Tức là, nó có nhiều yếu tố để chọn nhân sự, nổi lên như vừa qua đã giúp chống dịch nếu có cũng chỉ là thêm chứ không phải là yếu tố chính để quyết định".
Học giả Đỗ Thông Minh cho rằng dù ông Phúc và ông Đam đang được dư luận đánh giá tốt nhưng vấn đề nhân sự là do nhà cầm quyền sắp xếp :
"Theo tôi nghĩ thì ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Vũ Đức Đam tương đối là được dư luận chú ý, mặc dù vẫn có những sơ sót nhưng có vẻ cũng không nặng lắm.
Còn ông Nguyễn Đức Chung thì có vấn đề về gia đình, làm ăn sân sau, và vụ Đồng Tâm… nên ông Chung thì hơi khó. Còn về nhân sự do nhà cầm quyền đảng sắp xếp, mình cũng không nói trước được".
Nhóm thân Mỹ sẽ được trọng dụng ?
Một yếu tố khác có thể làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhân sự cấp cao trong nhiệm kỳ sắp tới mà học giả Đỗ Thông Minh chỉ ra là tình hình sức khoẻ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng :
"Vấn đề khác là vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu ông khỏe thì ông sẽ đứng ra giải quyết. Bởi vì ông ấy là trưởng ban lo về vấn đề nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
Nhưng nếu ông ấy yếu thì có thể sẽ bị người ta qua mặt, hoặc ông ấy không đủ khả năng để nắm vững hết các vấn đề".
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nêu quan điểm riêng của mình là trong Đại hội sắp tới, những nhân vật, nhóm quan chức "thân Mỹ" sẽ có lợi thế hơn. Bởi vì, như ông phân tích, hình ảnh Trung Quốc trong mắt Quốc tế đang xấu đi. Hơn nữa, Mỹ đã lên tiếng bênh vực Việt Nam khi Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi hồi tháng trước :
"Tôi đang muốn nói đến xu thế của Quốc tế đang muốn Trung Quốc phải trả giá cho đại dịch này, rồi thêm chuyện Mỹ lên tiếng bảo vệ Việt Nam, ví dụ như vụ tàu Quảng Ngãi bị đâm chìm mà Mỹ đã lên tiếng.
Như vậy thì có thể sẽ có những ảnh hưởng từ phía Mỹ về vấn đề nhân sự. Những người hoặc nhóm người nghiêng về Mỹ có thể sẽ được trọng dụng hơn.
Những nhân vật của bộ Ngoại giao hoặc Chính phủ thì thường có xu hướng nghiêng về phía Mỹ hơn là nhân vật bên Đảng".
Ngày 2/4/2020, tàu cá có tám ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm tại khu vực đảo Phú Lâm.
Ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo nói rằng "vô cùng quan ngại" về vụ việc này và yêu cầu Trung Quốc "ngừng lợi dụng những bất lợi sự hay thiếu tập trung của các nước khác để đẩy mạnh các yêu sách phi pháp trên Đông".
Hôm 26/4, tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu trên kênh Truyền hình Quốc phòng rằng "Điều đáng lên án là những quốc gia nhân dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ. Và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Những quốc gia nào làm điều đó không có lợi".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 07/05/2020
******************
...đều từ ‘tiền, đất và công tác cán bộ’ mà ra cả
Trân Văn, 07/05/2020
Thông cáo về kết quả kỳ họp thứ 44 của Ủy ban Kiểm tra thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (1) buộc người ta phải ngẫm nghĩ đến tuyên bố trước đó của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về Công tác cán bộ...
Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương đảng đã đề nghị khai trừ ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Ủy viên Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội ra khỏi đảng. (Screenshot từ Báo Giao Thông)
Theo Thông cáo đã đề cập thì tại kỳ họp mới nhất, Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đề nghị khai trừ ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Ủy viên Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội Việt Nam ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam.
***
Tháng 6 năm ngoái, dư luận rúng động khi Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam xem xét, kỷ luật ông Hiến - nhân vật được xác định là phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Quân chủng Hải quân và phải chịu trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng (2).
Giống như tất cả các vụ cần Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam trực tiếp "kiểm tra" từ trước tới nay, cơ quan này chỉ loan báo những vi phạm của ông Hiến đến mức phải kỷ luật về mặt đảng, chờ Bộ Chính trị, Ban Bí thưxem xét, chứ không mô tả ông Hiến nói riêng, các cá nhân trong Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân nói chung, vi phạm những gì…
Sau khi ông Hiến bị khởi tố hồi tháng 10 năm ngoái vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", giữa tháng 3 năm nay, bị truy tố, "ta" mới chính thức xác định, ông đã tham gia chuyển hóa ba mảnh đất quốc phòng thành… tài sản của một số doanh nghiệp, khiến công quỹ mất gần… 1.500 tỉ đồng (3) !
***
Có một điểm cần chú ý là vi phạm của ông Hiến xảy ra vào giữa thập niên 2000, sau khi theo "qui hoạch", ông được lựa chọn làm Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 10. Từ đó đến khi Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 thấy cần "kiểm tra" tròm trèm 15 năm.
Ba mảnh đất quốc phòng mà về bản chất là công thổ kèm theo nhiều công thự trên đó đã bị chuyển hóa quyền sử dụng không nằm ở… rừng sâu hay trên… núi cao mà tọa lạc giữa… trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên suốt 15 năm ấy, không cá nhân hay cơ quan hữu trách nào trong đảng muốn… "kiểm tra" !
Đó chính là lý do sau khi công khai thực hiện các vi phạm mà mãi đến năm ngoái mới bị xem là đến mức phải kỷ luật, ông Hiến - lúc ấy là Tư lệnh Quân chủng Hải quân, được "qui hoạch" làm Thứ trưởng Quốc phòng, rồi được vinh thăng từ Phó Đô đốc (tương đương Trung tướng) lên Đô đốc (tương đương Thượng tướng), đồng thời tiếp tục được "qui hoạch" làm Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng khóa 11, kiêm Ủy viên Ủy ban đặc trách về Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
***
Trong Thông báo về kỳ họp thứ 44 mà Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa loan báo rộng rãi, ngoài chuyện thấy cần nên đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư khai trừ ông Hiến ra khỏi đảng, cơ quan này còn xem xét vi phạm của :
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Ban Thường vụ Đảng ủy của TKV.
- Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và năm cá nhân lãnh đạo VEC.
- Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng và tám cá nhân là lãnh đạo cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc.
- Bí thư đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa này và Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi.
- Ba cựu Tỉnh ủy viên Điện Biên. Hai sĩ quan cấp tá từng lãnh đạo Sư đoàn 363 Quân chủng Phòng không - Không quân.
Giống như ông Hiến, vi phạm của những cá nhân vừa bị Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khiển trách, cảnh cáo, khai trừ đảng hoặc đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét để quyết định hình thức kỷ luật trong đảng đều liên quan đến tiền, đất và… công tác cán bộ !
Giống như ông Hiến, đa sốvi phạm đều xảy ra từ… lâu, tính chất - mức độ vi phạm đều có dấu hiệu nghiêm trọng nhưng Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không cho biết thiệt hại, không giải thích tại sao bây giờ mới "kiểm tra" !
***
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam lại vừa đề cập đến việc lựa chọn - sắp đặt nhân sự cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp từ phường, xã trở lên để bảo đảm Đại hội Đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam toàn quốc lần thứ 13 thành công tốt đẹp (4).
Giống như các đại hôi đảng trước đây, chỉ đạo của ông Trọng không có gì mới : Công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan. Kể cả khi ông dùng tới hai từ "đặc biệt" để tăng tính thuyết phục : Đặc biệt là phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn cán bộvà khẳng định đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng liên quan đến sự sống còn của đảng.
Nếu hiểu đặc biệt là hiếm có hay ít thấy thì chuyện phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn cán bộrõ ràng là chẳng có gì… đặc biệt ! Điểm duy nhất có thể xem là đặc biệt nằm ở chỗ "qui hoạch nhân sự" theo kiểu như đã biết chỉ chọn ra và đặt toàn những người như ông Hiến vào tất cả các vị trí, song cả ông Trọng lẫn đảng vẫn không muốn thay đổi, vẫn xem đó đó là yếu tố sống còn. Liệu xứ sở này, dân tộc này còn sống hay không với quan điểm và phương thức qui hoạch nhân sự như thế ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/05/2020
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/de-nghi-ky-luat-do-doc-nguyen-van-hien-20190603163148376.htm