Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/05/2020

Kết luận giám đốc thẩm vội vàng vụ án Hồ Duy Hải nhằm bao che ai ?

Nhiều tác giả

Quyết định Giám đốc thẩm kết luận Hồ Duy Hải không oan

Phóng viên, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 08/05/2020

Sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm (từ 6/5-8/5), Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm (cassation) đối với vụ án Hồ Duy Hải, khẳng định bị cáo không bị kết án oan, Quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không đúng quy định pháp luật.

hoduyhai01

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, thay mặt Hội đồng Thẩm phán công bố quyết định giám đốc thẩm – Ảnh : TTXVN

Sau khi tóm tắt toàn bộ nội dung vụ án, thay mặt Hội đồng Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ đọc quyết định Giám đốc thẩm.

Quyết định Giám đốc thẩm lập luận về một số nhận định trong Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Hải có mặt ở hiện trường vụ án

Quyết định kháng nghị cho rằng việc kết luận việc Hải có mặt ở hiện trường là không có căn cứ. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán thấy căn cứ vào lời khai của một số nhân chứng và của Hải, có việc chiếc xe máy Dream của Hải dựng ở bưu điện ; các nhân chứng cũng nhận dạng được tóc, áo của Hải.

Lời khai của Hải cũng phù hợp với người bán hoa quả tên Ngân về việc Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu Vân (một trong 2 nạn nhân) đi mua trái cây. Lời khai của Hải phù hợp với vị trí, các đồ vật có mặt tại hiện trường và Hải phải có mặt ở đó mới có thể mô tả chính xác. Do đó, Hội đồng Thẩm phán cho rằng đủ có chứng cứ kết luận Hải có mặt tại hiện trường và kháng nghị là không đúng.

Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng Hải không thể có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trước 19g30 ngày xảy ra vụ án. Tuy nhiên nhân chứng Đinh Vũ Thường có mặt ở bưu điện trước thời điểm này ; thời gian Hải ở quán cầm đồ, gặp một số người khác… rồi đến bưu điện. Do đó, Hội đồng Thẩm phán kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường lúc 19g34 là có căn cứ.

Về việc thu thập và đánh giá chứng cứ

Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng nhiều chứng cứ chưa được thu thập, đánh giá, lời khai của bị cáo còn nhiều mâu thuẫn… Hội đồng Thẩm phán nhận định, lời khai có nhiều mâu thuẫn nhưng phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm và chứng tỏ cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm không mớm cung, bức cung bị cáo. Có những tình tiết rất nhỏ, chỉ người trực tiếp thực hiện hành vi mới biết nhưng Hải vẫn khai ra được. Vì vậy, không cần hủy án để làm rõ các mâu thuẫn này.

Về nhận định của kháng nghị cho rằng có mâu thuẫn trong thu thập chứng cứ, như đêm đó Bưu điện Cầu Voi có nước hay không, Hội đồng Thẩm phán cho rằng, lời khai của các nhân chứng phù hợp với lời khai của Hải về việc bưu điện có nước vì có giếng. Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng có mâu thuẫn giữa lời khai của Hải về đập đầu nạn nhân vào lavabo nhưng không thấy dấu vết trên lavabo là nhận định trái với nguyên tắc chứng minh tội phạm. Lời khai đó sai như chính Hải đã khai lại sau này, Hải không đập đầu chị Hồng vào lavabo. Biên bản khám nghiệm hiện trường và bản án cũng không khẳng định Hải đập đầu chị Hồng vào lavabo nên không cần thiết phải điều tra lại.

Về vấn đề cho rằng lời khai của Hải mâu thuẫn với vị trí các đồ vật trong phòng, Hội đồng Thẩm phán cho rằng việc này được thể hiện ở bản án nên không nhất thiết phải điều tra lại. Tình tiết này cũng không có ý nghĩa trong việc xác định Hải phạm tội hay không.

Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng không có dấu vết máu trên cánh cổng sau, dù Hải khai trèo qua đây tẩu thoát sau khi cắt cổ các nạn nhân. Tuy nhiên, chính Hải khai đã vào nhà vệ sinh rửa sạch máu sau gây án nên việc không phát hiện máu trên tường, trên cổng đã chứng minh Hải khai đúng, không cần thiết phải điều tra lại.

Về dấu vân tay thu thập được ở hiện trường không có của Hồ Duy Hải và không biết của ai, Hội đồng Thẩm phán lập luận, bưu điện là nơi công cộng nên nhiều dấu vân tay là đúng. Việc này cũng không thể chứng minh Hải vô tội.

Kháng nghị cho rằng Hải đánh vào mặt chị Hồng bằng tay sẽ không gây ra vết thương trên mặt như bản ảnh thể hiện. Hội đồng Thẩm phán cho rằng nhận định này của Viện kiểm sát là chủ quan, loại trừ một số cơ chế hình thành các vết thương. Các kết luận giám định cũng phù hợp với lời khai của Hải, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi… nên việc điều tra lại để làm rõ là không cần thiết.

Về ý kiến mẫu tàn tro thu được không có giá trị chứng minh trong vụ án, Hội đồng Thẩm phán cho rằng việc nếu không có lời khai của Hải về việc tự đốt quần áo, cơ quan điều tra cũng không thể biết để thu giữ. Giám định mẫu tro phát hiện nguyên liệu làm quần áo, phù hợp với lời khai của Hải.

Về việc điều tra làm rõ nơi Hải tiêu thụ tài sản cướp được, Hội đồng Thẩm phán cho rằng Hải đã mô tả tài sản của nạn nhân Hồng phù hợp với lời khai của bố đẻ và bạn của chị Hồng ; Hải cũng nhận dạng được các tài sản này khi thực nghiệm và vẽ chính xác sơ đồ nơi tiêu thụ tài sản. Vì vậy, không nhất thiết phải trả hồ sơ làm rõ việc này.

Về nội dung kháng nghị cho rằng Hải khai lần đầu đến Bưu điện Cầu Voi nhưng lại mô tả được chi tiết các đồ vật có mặt trong phòng. Tòa án nhận thấy, thời gian Hải có mặt tại hiện trường từ 19g30 đến 21g30 là đủ để biết các chi tiết trong một không gian nhỏ như bưu điện.

Về nhận định kháng nghị nêu các chứng cứ thu được như con dao, thớt, ghế… không phải công cụ gây án. Các Thẩm phán cho rằng phía điều tra không biết thớt là hung khí cho đến khi Hải khai ra, Hải cũng giấu kỹ con dao và được nhân viên thu dọn phát hiện, đem đốt… Việc cơ quan điều tra mua dao, thớt về chỉ để các nhân viên này và Hải nhận dạng, không phải dùng làm chứng cứ như kháng nghị nêu. Vì vậy, không cần trả hồ sơ điều tra lại.

Về việc không đưa lời khai ban đầu của Hải và một số nhân chứng khác vào hồ sơ, Hội đồng Thẩm phán cũng đồng tình đây là thiếu sót của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, các tài liệu này không ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không nhất thiết phải điều tra lại.

Hội đồng Thẩm phán cũng cho rằng có sửa chữa chính tả trong biên bản ghi lời khai, việc này là sai sót nhưng không làm ảnh hưởng bản chất vụ án.

Quyết định kháng nghị không đúng quy định pháp luật

Đối với kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán kết luận là trái pháp luật vì kháng nghị diễn ra trong khi quyết định Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực.

Vì các lẽ trên, Hội đồng Thẩm phán quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với các nội dung trong vụ án Hồ Duy Hải. Theo đó, đủ cơ sở kết luận Hồ Duy Hải đã sát hại hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi.

Phóng viên

Nguồn : Tạp chí Tòa án nhân dân diện tử, 08/05/2020

*********************

17/17 thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải

Thái Vũ, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 08/05/2020

Sáng ngày 8/5, phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải, bước sang ngày làm việc thứ ba. Hội đồng tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện vụ án và làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau và biểu quyết từng nội dung cụ thể.

hoduyhai02

Luật sư Phong cung cấp chứng cứ không mới

Chiều ngày 7/7 Liên đoàn Luật sư Việt Nam có công văn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tạo điều kiện để Luật sư Trần Hồng Phong được tham dự phiên giám đốc thẩm. Được sự chấp thuận của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, sáng nay, Luật sư Phong đã có mặt tại phiên tòa.

Hội đồng hỏi Luật sư Phong có chứng cứ gì không ? Ông Phong đưa ra lập luận cho rằng Hồ Duy Hải có dấu hiệu oan, với dẫn chứng về nhân chứng Đinh Vũ Thường và ý kiến của bà Nguyễn Thị Rưỡi, cho rằng Hải dùng xe Dream cũ của bà Rưỡi để đi gây án là không đúng. Ông Phong cũng nêu ý kiến về việc gia đình làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm cho Hải, gia đình muốn kêu oan nhưng bị xúi chỉ kháng cáo giảm nhẹ…

Chủ tọa cho rằng ông Phong không có chứng cứ mới. Hội đồng cũng đã chiếu tấm ảnh ông Phong cung cấp để mọi người cùng xem.

Cơ quan điều tra công bố lời khai của Hải về việc dùng chiếc xe đó. Ngày 12/3/2008, Hải khai đi xe dì Út, sau đi xe Dream của dì Rưỡi, nhớ bốn số cuối biển kiểm soát là 0842. Ông Thu, chồng bà Rưỡi khai : Có xe Dream cũ, biển kiểm soát 62 F5 0842, hôm đó để ở sân, ai có việc thì dùng.

Thẩm phán phiên sơ thẩm đọc biên bản phiên tòa cho thấy bà Rưỡi đã khai về chiếc xe tương đồng ý kiến của chồng và còn nói "xe đó tùy Tòa quyết định, trả lại thì tốt".

Quyết định kháng nghị có phù hợp với quy định pháp luật ?

Một vấn đề mới được Hội đồng đặt ra là Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, thì căn cứ nào để Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-V7 ?

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời : Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn 688/VPCTN-PL-m thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị là đúng pháp luật.

Hội đồng chất vấn, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì Công văn 4688 của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản tố tụng hay văn bản hành chính ? Văn bản đó có thay thế được Quyết định 639 của Chủ tịch nước hay không ?

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Công văn 4688 là văn bản hành chính, không thay thế được Quyết định 639 của Chủ tịch nước, nhưng Chủ tịch nước đã tạm hoãn thi án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Hơn nữa, Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình cũng căn cứ trên cơ sở hai quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Câu hỏi đặt ra là Quyết định 639 của Chủ tịch nước đang có hiệu lực, căn cứ nào để Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tạm đình chỉ thi hành Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT đối với Hồ Duy Hải ?

"Khi ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì người ra kháng nghị có quyền tạm đình chỉ thi hành bản án", đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nói.

Hội đồng cho rằng quyết định văn bản không phủ định được quyết định của Chủ tịch nước. Một quyết định tố tụng chỉ được thay thế, phủ định bằng một quyết định tố tụng khác. Hội đồng sẽ xem xét, cân nhắc về tính hợp pháp của Quyết định kháng nghị.

Viện kiểm sát tối cao còn nhiều băn khoăn

Sau hơn hai ngày làm việc tích cực, trả lời Hội đồng cũng như chất vấn các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan, các đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã lần lượt phát biểu quan điểm về vụ án.

Các ý kiến không cho rằng Hồ Duy Hải bị kết án oan, nhưng quá trình điều tra có quá nhiều sai sót về tố tụng, có những sai sót rất nghiêm trọng, trong khi không có chứng cứ trực tiếp nào xác định Hồ Duy Hải là người đã gây ra cái chết cho hai nạn nhân. Kết luận điều tra, cáo trạng và các bản án căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo và các chứng cứ gián tiếp để kết tội…

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ra cái chết của hai nạn nhân và thêm bản án tử hình nữa, nên dư luận đặc biệt quan tâm, vì vậy rất cần xem xét thận trọng, làm rõ những mâu thuẫn mà kháng nghị đã nêu.

Một đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tha thiết nói : "Quá nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong tố tụng, mong Hội đồng Thẩm phán hết sức cân nhắc, công tâm, khách quan, xem xét lại vụ án".

Chủ tọa nói, các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án. Hội đồng sẽ xem xét đầy đủ nội dung kháng nghị và nội dung mà các cơ quan tố tụng khác đã cung cấp, cũng như tính hợp pháp của Quyết định kháng nghị để có quyết định giám đốc thẩm khách quan, đúng pháp luật.

Sau khi ba đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu quan điểm đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT và bản án sơ thẩm đã tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải thì các thành viên Hội đồng Thẩm phán phát biểu quan điểm về đánh giá chứng cứ, những vi phạm về tố tụng, những mâu thuẫn trong lời khai. Các ý kiến có có chung quan điểm là Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung, lời khai tổng cung phù hợp với chứng cứ khác như lời khai của các nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… nên xác định Hồ Duy Hải phạm tội giết người, cướp tài sản là đúng.

Biểu quyết

Đúng 12g45p, Chủ tọa phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lấy biểu quyết về từng vấn đề cụ thể.

1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không ?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết "Không thay đổi bản chất vụ án".

2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không ?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết "Đúng người, đúng tội, đúng mức án".

3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-V7 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có đúng quy định pháp luật hay không ?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết "Không đúng quy định pháp luật".

4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị ?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết "Không chấp nhận kháng nghị".

Cuối giờ chiều nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên án.

Thái Vũ

Nguồn : Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 08/05/2020

*******************

Có quy định nào ghi xử giám đốc thẩm là ‘xử kín’ ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 08/05/2020

Có quy định nào ghi xử giám đốc thẩm là ‘xử kín’ ?

Câu trả lời là không, mặc dù nhìn chung các phiên xử giám đốc thẩm lâu nay hầu hết là ‘xử kín’.

Bộ Luật tố tụng hình sự, phiên bản 2015, dành chương XXV cho nội dung "Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật", từ điều 370 tới điều 396.

hoduyhai03

Hội đồng thẩm phán gồm 17 thẩm phán cao cấp do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Ảnh : TTXVN.

Không mời vì thấy… không cần thiết ?

Bộ Luật tố tụng hình sự, "Điều 383. Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm (cassation) :

1. Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm ; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành".

Ở phiên tòa giám đốc thẩm bắt đầu từ hôm 6/5 về vụ án xảy ra ở Bưu cục Cầu Voi vào đầu năm 2008, phiên tòa có triệu tập người bào chữa với việc yêu cầu người này trình bày phần nội dung được cho là ‘tình tiết mới’ trong vòng 20 phút, sau đó thì vị luật sư ấy được mời rời phiên tòa. Người bị kết án không được triệu tập.

Việc luật sư ‘được mời rời phiên tòa’, cho thấy dấu hiệu vi phạm tố tụng. Theo đó, điều 386. Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm, ở khoản 2 quy định :

"2. Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án".

Như vậy người tham gia tố tụng ở đây chưa tranh biện được gì thì đã được mời rời phiên tòa. Điều đó cho thấy ngay ở buổi đầu tiên của phiên tòa giám đốc thẩm vụ án, đã ít nhiều ngờ vực về yêu cầu "công tâm, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật".

Ném đá để dò đường dư luận cho việc ‘y án’ ?

Thiếu khách quan ở đây bước đầu được nhận diện qua tường thuật của bài báo trên tạp chí Tòa án nhân dân điện tử - cơ quan Tòa án nhân dân tối cao. Bài báo này có đoạn như sau :

"Kết thúc buổi sáng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận : Như vậy, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan tố tụng đã thống nhất là Hồ Duy Hải thừa nhận có đập đầu và cắt cổ chị Hồng. Vấn đề không thống nhất là cơ quan tiến hành tố tụng Long An cho rằng Hải đập đầu chị Hồng bằng thớt, loại trừ đập đầu vào lavabo như lời khai trước đó, trong khi đó đại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không loại trừ việc thủ phạm đập đầu nạn nhân vào lavabo" (*).

Sở dĩ gọi là thiếu khách quan, vì theo nội dung tường thuật thì hành vi phạm tội của Hồ Duy Hải là có, song vật dụng để gây án là gì thì còn tranh luận.

Theo lịch xét xử, buổi sáng ngày 8/5, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu quan điểm, sau đó Hội đồng Thẩm phán đánh giá các chứng cứ trên cơ sở tài liệu đã nghiên cứu và quá trình hỏi và nghe giải trình hai ngày qua.

Buổi chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên án.

Dự kiến, ở phiên diễn ra sáng ngày 8/5, có mặt luật sư Trần Hồng Phong. Cuối giờ chiều ngày 7/5, luật sư Phong vừa về tới Sài Gòn thì nhận được lời mời quay trở lại phiên giám đốc. Người mời là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Vẫn chưa tắt hy vọng

Giả dụ như tình huống phiên giám đốc thẩm vẫn tuyên Hồ Duy Hải có tội thì vẫn còn hy vọng bước tiếp theo của "Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao", được quy định từ điều 404 đến 412, Bộ Luật tố tụng hình sự.

Có 3 trường hợp ở đây về trình tự. 

Thứ nhất, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Thứ hai, trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ ba, trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.

Thật ra còn có một trường hợp thứ tư, là khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị, thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó. Tuy nhiên ở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ngồi ghế chủ tọa đã là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nên trường hợp thứ tư này coi như loại trừ.

Đừng công khai kiểu ‘nửa ổ bánh mì’

Trở lại về câu hỏi của tựa bài viết này, lâu nay pháp luật không có quy định phiên tòa giám đốc thẩm thì phải xử kín hay xử công khai. Hiện nay đa số vụ án giám đốc thẩm đều được xử kín, báo chí, luật sư và đương sự không được tham gia.

Tuy nhiên cần phải thấy rằng bản chất của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Phiên tòa giám đốc thẩm nên để báo chí tham dự. Bởi xét về bản chất, báo chí là cơ quan truyền thông, góp phần thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Phiên tòa càng công khai, minh bạch, càng có sự tham gia phản biện của nhiều tổ chức xã hội thì trách nhiệm của người tham gia xét xử càng được nâng cao, chất lượng công việc ngày càng tốt.

Ở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đúng là báo chí có tham gia, nhưng lại theo xét duyệt, không phải tờ báo nào cũng có quyền cử phóng viên đến để ghi nhận. Loạt bài tường thuật trên tạp chí của chính cơ quan Tòa án nhân dân tối cao là một minh chứng cho băn khoăn đó.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 08/05/2020

Chú thích :

(*) https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai-cong-tam-khach-quan-toan-dien-va-dung-phap-luat

***************

Vụ Hồ Duy Hải : Điều tra viên "sơ xuất" kiểu "ăn người" ?

Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 08/05/2020

Ngày đầu tiên 6/5/2020 xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải các báo hôm 7/5/2020 đưa tin : Điều tra viên nhận "có sơ suất". Theo đó, điều tra viên Lê Thành Trung thừa nhận lúc đầu Hồ Duy Hải khai đập đầu nạn nhân vào lavabo, nhưng không có dấu vết thể hiện ở lavabo sau Hồ Duy Hải lại khai dùng thớt đập đầu nạn nhân ở chân cầu thang, trùng hợp với vết thương ở đầu, cổ nạn nhân… nhưng "do "tưởng dấu vết ở đầu, gáy nạn nhân là dao nên không để ý cái thớt" (Tuổi trẻ, 6/5/2020).

hoduyhai04

Chánh án Nguyễn Hòa Bình điều khiển phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ngày 6/5. Ảnh : Báo Công Lý.

Đây là tình tiết sai sót ư ?

Tôi đã từng theo dõi nhiều vụ án và thấy chỉ riêng tình tiết này đã thể hiện Hồ Duy Hải bị ép cung, mớm cung.

Qua các vụ giết người tôi theo dõi thì thấy điều tra viên thường dùng mọi thủ đoạn gọi là "biện pháp nghiệp vụ" để đạt được mục đích phá án nhanh, trong đó sai, đúng không quan trọng. 

Năm 2005 có một thanh niên đi ăn trộm cá ở thôn Mai Chung, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) bị đánh trọng thương. Khi anh ta còn sống đưa đến bệnh viện có một thanh niên địa phương con nhà có thế lực khoe chính mình trừng trị tay ăn trộm cá chuyên nghiệp. Thế nhưng sau đó anh trộm không qua khỏi và công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương khởi tố vụ án. 

Năm người ở thôn Mai Chung có ao cá bị bắt giam mặc dù có nhiều tình tiết vô lý, mâu thuẫn, ngoại phạm còn thanh niên kia bị dân tố cáo nhưng chỉ bị thẩm vấn qua loa rồi cho qua… Buổi đầu tất cả năm người không nhận tội nhưng sau thời gian ngắn điều tra đều nhận tội. Sau này hỏi tại sao lúc đầu không có tội mà cả năm người đều nhận đánh chết người thì họ cho biết : 

Đầu tiên họ giam mỗi người một phòng giam kín nóng như nung. Qua mấy ngày thẩm vấn, điều tra, không ai nhận tội. Từ đây họ giảm bữa ăn chỉ ở mức "cầm hơi", đang đêm điều tra viên thay nhau gọi dậy hỏi cung làm mình nhiều ngày đêm liền không được ngủ. 

Trong khi thẩm vấn nếu mình trả lời không đúng ý họ tra tấn như tát, dí điện vào người, đá vào mạng sườn, thúc gối vào thóp bụng… Đến khi cảm thấy không thể sống nổi thì điều tra viên đem vào một mảnh giấy viết tay nói là thằng B trong nhóm bị bắt đã khai cả lũ rồi đây, mày có nhận không. 

Đọc bản viết thì đúng là người trong nhóm mình thật nhưng không phân biệt được mặt chữ vì xưa nay ai để ý xem hàng xóm mình viết như thế nào. Dù vậy tôi cũng không nhận và "mày ngoan cố à" và những seri đòn giáng xuống. Nếu kéo dài kiểu này thì không thể sống nổi nên tôi phải nhận bừa để sống và tự nhủ để khi ra tòa sẽ phản cung. 

Tưởng thế là xong, hôm sau điều tra viên lại thẩm vấn và tôi phải khai như thế nào để phù hợp với việc cùng đánh chết người. Khi tôi không nghĩ ra được tình tết phù hợp thì điều tra viên nhắc phải như thế nọ, thế kia chứ. Khi đã hoàn thành bản cung theo chỉ đạo của điều tra viên, lại phải ghi thêm : "Tôi tự khai không ai ép buộc".

Sau này tôi mới biết từ bản "nhận tội" tôi viết thật dẫn đến bốn người còn lại cũng phải nhận tội hết rồi cũng phải cùng điều tra viên thảo lời khai cho khớp với hiện trường, vết thương trên nạn nhân…

Sau khi năm người nhận tội với lời khai "ăn khớp" với ý điều tra viên mọi người được đối xử tốt, đợi ngày ra tòa để cãi nhưng khi ra tòa họ phản cung thì quan tòa, viện kiểm sát dở các bản cung ra đọc bác bỏ hết vì trong đó ghi "đã nhận tội" lại còn khẳng định mình "tự khai không ai ép buộc…". Thế là năm nông dân nghèo hèn kia phải đi tù nhưng có lẽ cơ quan pháp luật cũng biết họ oan có chút lương tri chỉ áp mức án nhẹ, người cao nhất 11 năm tù nhưng không ai phải thi hành hết thời hạn.

Vụ này tôi đã viết, đăng bài : "Kỳ án trộm cá và mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án", trên báo Cựu chiến binh ngày 6/6/2011.

Theo tôi, không chỉ riêng vụ này mà cả vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… tuy tình tiết có thể khác nhau nhưng cũng diễn ra cảnh bị ép cung, tra tấn, nhục hình phải nhận tội bừa như kiểu trên và với những "sơ xuất" một cách quá "ngây thơ" kiểu "ăn người" của điều tra viên Lê Thành Trung ở vụ Hồ Duy Hải chắc chắn cũng là như vậy. Điều tra viên điều tra trọng án không thể không phân biệt được vết đập bằng thớt hay chém bằng dao ở đầu, cổ nạn nhân. Việc này thì người thường cũng xác định được vết thương do thứ gì gây ra chứ không cần đến một điều tra viên được học hành, đào tạo và có kinh nghiệm.

Còn việc rút hồ sơ của Nguyễn Văn Nghị khỏi vụ án, dấu vân tay không khớp với Hồ Duy Hải, không xét nghiệm máu, tại sao không triệu tập nhân chứng phủ nhận không nhận diện được Hồ Duy Hải mà cơ quan tố tụng khẳng định đã nhận diện được Hồ Duy Hải - một tình tiết đặc biệt quan trọng trong vụ án kết tội Hồ Duy Hải… để xem hội đồng xét xử phán như thế nào.

Vụ án Hồ Duy Hải dù diễn ra như thế nào thì dư luận cũng vẫn hiểu anh ta bị toan tính thế mạng cho người thân một quan chức.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 07/05/2020

*****************

Ông Nguyễn Hòa Bình vừa cầu thủ vừa trọng tài ?

Đỗ Thành Nhân, VNTB, 08/05/2020

Vừa làm cầu thủ vừa làm trọng tài trong một trận bóng, hay câu thành ngữ "vừa đá bóng, vừa thổi còi" gặp khá nhiều ở xã hội Việt Nam. Ví dụ rõ nhất là nhiều Đại biểu Quốc hội, vừa làm ở các cơ quan lập pháp hoặc tư pháp.

hoduyhai05

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

I

Có trận bóng sinh tử như thế này.

Quả bóng là dân đen Hồ Duy Hải bị các thế lực đội bóng đối phương sút vào chỗ chết, người sút quả bóng cuối cùng là "cầu thủ" Hòa Bình. Lẽ ra bóng đã vào "cầu môn" cửa tử, nhưng trong pha tranh chấp ở cầu môn, hậu vệ chặn bóng ngay tại vạch và phát bóng ra biên.

Vậy là hội đồng trọng tài họp để xem xét trường hợp này để quyết định công nhận/không công nhận, nên/không nên cho bóng vào cửa tử.

Và chủ tịch hội đồng "trọng tài" lúc này lại là "cầu thủ" Hòa Bình sút quả bóng trước đó.

Trong trường hợp này Hòa Bình có thể nói vừa là "cầu thủ" vừa là "trọng tài" hay không ? tức là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" ?

II

Ông Nguyễn Hòa Bình từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - vai trò của "Kiểm sát viên", ngày 24/10/2011, ông ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới. 

Việc này như là "sút quả bóng" Hồ Duy Hải vào "cầu môn" cửa tử.

Tuy nhiên đến từ ngày 6-8/5/2020, ông Nguyễn Hòa Bình là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch hội đồng vai trò "Thẩm phán".

Lúc này lại là "trọng tài" để công nhận/không công nhận quả bóng sinh tử.

Chuyện ông Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm, trong khi trước đó chính ông đã ban hành quyết định buộc Hồ Duy Hải phải chết ; là có phù hợp với quy định pháp luật về tố tụng hình sự không ?

Xem Điều 53, khoản 1, điểm c Bộ Luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 [1] :

‘Điều 53. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm :

1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp :

1.c. Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án".

Phù hợp theo Luật không thì không rõ !

Nhưng nếu như không phải ông Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm thì chắc chắc bức tranh phiên tòa ngày hôm nay sẽ giảm đi những mảng tối.

Đỗ Thành Nhân

Nguồn : VNTB, 08/05/2020

Ghi chú :

[1] Bộ Luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 

*****************

Hồ Duy Hải - Vụ án rung chuyển chế độ

Thu Thủy, Thoibao.de, 07/05/2020

Luật sư Trần Hồng Phong : ‘Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải’

Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, người bị kết án hai tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản" 12 năm trước, diễn ra sáng 6/5 tại Tòa án Nhân dân Tòa án nhân dân tối cao, Hà Nội. Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình. Việc hoãn thi hành án tử hình chỉ được thực hiện trước đó một ngày nhờ sự can thiệp của chủ tịch nước Trương Tấn sang sau khi nghe trình bày qua điện thoại của Luật sư Trần Văn Tạo. 

Phiên xử dự kiến kéo dài trong ba ngày, từ 6-8/5, do chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.

Hồ Duy Hải không được triệu tập như hai phiên tòa trước do đây là phiên tòa chủ yếu xử trên hồ sơ nhưng luật sư Trần Hồng Phong, người bào chữa chính cho Hồ Duy Hải, được mời tham dự.

hoduyhai06

Hồ Thu Thủy (trái), em gái Hồ Huy Hải, cho hay cô và mẹ, bà Nguyễn Thị Loan (giữa) đã từ quê nhà ra Hà Nội trước đó một ngày.

Trả lời BBC News tiếng Việt qua điện thoại hôm 6/5, Hồ Thu Thủy, em gái Hồ Huy Hải cho hay cô và mẹ đã từ quê nhà ra Hà Nội trước đó một ngày. Nhưng hai mẹ con không được vào phòng xử, cũng không được đứng gần cổng tòa án.

"Hiện tôi và mẹ đang đứng cách cổng tòa vài chục mét. Có rất đông an ninh sắc phục bảo vệ quanh tòa. Các phóng viên tới tác nghiệp cũng rất khó khăn", Thủy nói.

"Mẹ tôi đang rất căng thẳng, lo lắng không biết phiên tòa giải quyết theo hướng nào vì không được vào cũng không được xem qua màn hình".

Hồ Thu Thủy cho hay lần gần đây nhất gia đình gặp Hồ Duy Hải là cách đây ba tháng, hôm 14/2/2020. Khi đó Hải "khỏe và tinh thần phấn chấn lên đôi chút" vì gia đình thông báo mọi người đang nỗ lực minh oan cho Hải. Gia đình cũng chưa có dịp thông báo với Hải rằng phiên giám đốc thẩm sẽ được mở vào 6/5 và cũng không biết trại giam có cho Hải biết không, Thu Thủy nói với BBC.

"Sau mỗi phiên xử, luật sư Trần Hồng Phong sẽ thông tin cho gia đình về nội dung, nhưng không gặp mặt trực tiếp trong suốt thời gian này để đảm bảo tính khách quan.

Hiện gia đình đã tạm gác hết mọi công việc để lo cho anh Hải. Tôi mong phiên xử này thẩm phán phải xem xét thấu đáo, công tâm, nếu Hồ Duy Hải bị oan thì phải trả lại tự do cho Hồ Duy Hải. Mong người hướng về phiên tòa này để đòi lại công bằng, công lý cho Hồ Duy Hải", Thu Thủy nói.

hoduyhai07

Bài báo Tuổi Trẻ và Đời Sống, số 360 ngày 29/1/2015 với tựa đề : Hé lộ lời nhắn : "Đừng trách tôi đứng ra tuyên án tử hình Hồ Duy Hải… Hãy trách người xúi tôi xử".

Phiên giám đốc thẩm khác gì với các phiên tòa khác ?

Theo phân tích của tác giả Võ Văn Quản trên Luật khoa Tạp chí, Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Giám đốc thẩm không xem xét lại sự thật khách quan của vụ án. Nó chỉ xem xét xem cơ quan tiến hành tố tụng có sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay không.

Trước đó, trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong nói tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác.

Luật sư Phong cho hay đã có sự "vi phạm" và "sai phạm" một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án.

Ông nói rằng tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan. Dựa trên hồ sơ vụ án và các bằng chứng thu thập được, luật sư Phong đánh giá rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Ông Phong nói các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay. Bên cạnh đó, dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại nạn nhân, nhưng cơ quan điều tra không hề thu giữ được tang vật nào như vậy ở hiện trường mà lại cho người ra mua dao và thớt ở chợ để "minh họa" cho "hành vi phạm tội" của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Luật sư Phong cho hay ông đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có ông Đinh Vũ Thường là người mà cơ quan điều tra cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Nhưng ông Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng.

hoduyhai08

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải kêu oan cho con, khóc nức nở ở Bờ Hồ Hà Nội, sau lưng là tấm bia ghi tên Lý Thái Tổ. Bà Nguyễn Thị Loan đã đi khắp nơi kêu oan cho con suốt 12 năm trời, bà phải bán nhà đi ở nhờ nhà anh trai

Ngoài ra, toàn bộ thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng, từng bị triệu tập sau đó được thả, đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, dù từng bị xem là nghi can hàng đầu, vẫn theo luật sư Lê Hồng Phong.

Còn bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, từng nói với BBC rằng, từ 12 năm qua, "từ một bà mẹ thôn quê hiền lành chất phác", bà đã trở thành một người đàn bà "dữ dằn", "lúc nào cũng đi tới đi lui", "bỏ bà mẹ già hơn 90 tuổi ở nhà" đề đi kêu gào công lý cho Hải.

Diễn tiến vụ án Hồ Duy Hải do Luật sư Trần Hồng Phong tóm lược

Trong đêm ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường cơ quan điều tra thu được nhiều dấu vân tay của hung thủ. Cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều nghi can, trong đó có một người tên là Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng. Tuy nhiên sau đó tất cả đều được thả.

Hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải, một thanh niên nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km bị bắt giữ.

Sau đó Hồ Duy Hải bị truy tố và đưa ra xét xử về hai tội "giết người" và "cướp tài sản". Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội giết người.

Theo cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, Hồ Duy Hải đã dùng dao và thớt có tại Bưu điện để sát hại hai cô gái. Thời gian gây án vào lúc 20g30 tối và nhân chứng Đinh Vũ Thường là người đã nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện lúc 19g39 (ngay trước khi gây án). Tuy nhiên tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan.

Theo các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, trong đó có tôi, cho rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm (hung thủ là người khác). Cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay (kết luận dấu vân tay tại hiện trường không trùng khớp với vân tay của Hồ Duy Hải). Trong khi điều này cho thấy chắc chắn hung thủ hoặc ít nhất tại hiện trường phải có một người khác. Mặt khác dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại hai nạn nhân, nhưng khi khám nghiệm hiện trường Cơ quan điều tra không hề thu giữ được tang vật nào như vậy. Mà chỉ sau khi bắt Hải thì cho người ra chợ mua dao và thớt để "minh họa" cho "hành vi phạm tội" của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Sau khi bị tuyên án tử hình, trong tù Hải kêu oan, ở ngoài thì mẹ Hải là bà Nguyễn Thị Loan chạy nhờ luật sư làm đơn, kêu oan cho con mình. Trong giai đoạn này có ba luật sư chính là Nguyễn Văn Đạt (cũng là người bào chữa cho Hải tại các phiên xét xử trước đây), tôi và luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Phó giám đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh)",Luật sư Trần Hồng Phong kể.

Trần Hồng Phong : "Bản thân tôi trong quá trình này đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có anh Đinh Vũ Thường là người mà Cơ quan điều tra cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Anh Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng. Điều này chứng tỏ Cơ quan điều tra đã bịa đặt ra tình tiết anh Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải. Tôi cũng nhận thấy rất bất thường khi toàn bộ những thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, chỉ còn đúng một chữ "Nghị" trong một bản cung. Trong khi đây là nhân vật từng bị xem là nghi can hàng đầu, báo chí đăng rất chi tiết khi vụ án vừa xảy ra.

Theo đó, tôi đã hỗ trợ gia đình Hồ Duy Hải lần lượt làm các đơn đề nghị giám đốc thẩm (từ năm 2011), đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị (từ năm 2015) và tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án (từ năm 2017) gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị giám đốc thẩm, kêu oan cho Hồ Duy Hải. (Ghi chú : để tránh hiểu sai, ngoài tôi, còn có luật sư Nguyễn Văn Đạt cũng làm đơn đề nghị giám đốc thẩm ; và có thể có luật sư nào khác nữa mà tôi không biết).

Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình.

Sau gần 12 năm kiên trì gửi đơn kêu oan cho con, cuối cùng ngày 22/11/2019 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Nội dung phân tích lý do dẫn đến kháng nghị giám đốc thẩm hầu như trùng khớp với những phân tích và kiến nghị của các luật sư.

Như vậy, vấn đề pháp lý then chốt trong vụ án này là để kết tội được Hồ Duy Hải, phía Cơ quan điều tra sắp tới đây là giải quyết được những mâu thuẫn nói trên hoặc tìm ra chứng cứ mới chứng minh Hồ Duy Hải hay một ai khác là thủ phạm thật sự. Vì đây là một vụ án giết người nên phải có hung thủ.

Tôi cho rằng việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân : trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) - mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý ; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là một tin vui", Luật sư Trần Hồng Phong nhận định.

BBC : Luật sư có thể phác họa một vài kịch bản khả dĩ có thể xẩy ra cho vụ án, từ tốt nhất đến xấu nhất ?

Trần Hồng Phong :Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác. Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là một khả năng cao, nhất là nếu Cơ quan điều tra tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Còn trường hợp xấu nhất thì nói thật là tôi không nghĩ tới và cũng không tin sẽ xảy ra. Vì tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay. Nếu nghĩ xấu đi, tôi đã không cố gắng kêu oan cho Hồ Duy Hải như đã từng trong nhiều năm qua.

BBC : Trong thời gian hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, luật sư có được tiếp xúc đầy đủ với thân chủ để bào chữa, có điều kiện cố vấn tốt nhất cho Hồ Duy Hải không ?

Trần Hồng Phong : Thật đáng ngạc nhiên là tôi và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải ở giai đoạn kêu oan hiện nay đều không được gặp Hồ Duy Hải trong suốt thời gian qua. Mặc dù đã có đơn đề nghị.

Nói một cách khách quan, thì luật sư bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả khi không được tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Mặc dù về lý thuyết theo quy định thì đây là quyền của luật sư.

Trên thực tế, các luật sư cũng không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án. Nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chẳng hạn như nay đọc kháng nghị của Viện Kiểm sát tôi mới biết là Hồ Duy Hải có bản khai không nhận tội ngày 20/3/2008 ngay trước khi bị bắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ bản khai ngày 21/3/2008 là bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải.

BBC : Mười hai năm là một chặng đường rất dài. Tại sao phải cần một thời gian dài như thế để giải quyết một vụ án bằng đề nghị điều tra lại từ đầy ? Điều này cho thấy gì về ngành tư pháp của Việt Nam ?

Trần Hồng Phong : Đây là một câu hỏi mà tôi muốn chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp của Việt Nam. Tôi chỉ nói ngắn gọn là việc để kéo dài quá lâu như vậy là không thể chấp nhận được và cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam về thời gian giải quyết đơn tố giác cũng như vấn đề trách nhiệm và thực thi trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Vụ án Hồ Duy Hải là một điển hình về thực trạng này.

Là một luật sư đã có gần 20 năm hành nghề, tôi thật sự thấy buồn khi nói về thực trạng của ngành tư pháp Việt Nam lúc này. Nói một cách đơn giản là đã không vận hành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến sự mất niềm tin của người dân vào sự công minh và khách quan của Tòa án, Viện kiểm sát, công an. Thật nguy hiểm khi sự vi phạm pháp luật của không ít cán bộ công chức tư pháp lại nhân danh pháp luật, dẫn đến những hậu quả, oan sai và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tư pháp.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 07/05/2020

***********************

Mười luật sư kiến nghị cho luật sư của Hồ Duy Hải dự phiên Giám đốc thẩm 

RFA, 07/05/2020

Khoảng 10 luật sư hôm 7/5-2020 đã ký tên vào Đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đồng thời cũng gửi tới những nơi khác như Chủ tịch nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội... đề nghị tạo điều kiện cho luật sư Trần Hồng Phong tiếp tục tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo quy định của pháp luật.

hoduyhai09

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải bên ngoài Tòa án Nhân dân tối cao ở Hà Nội hôm 6/5/2020 -Courtesy of Cuong Hoang Cong

Hồ Duy Hải là tử tù vì bị kết án về tội giết người, cướp tài sản trong một vụ án còn nhiều nghi vấn cách đây 12 năm.

Các luật sư này bày tỏ trong đơn là "hết sức bất ngờ và thất vọng" vì luật sư đồng nghiệp được gia đình Hồ Duy Hải yêu cầu bảo vệ cho bị án trong giai đoạn Giám đốc thẩm của vụ án - chỉ được có mặt trong phần thủ tục đầu tiên của phiên tòa và trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng Thẩm phán trong khoảng thời gian 20 phút hôm 6/5.

Luật sư Lê Văn Hòa, một trong 10 người ký đơn vào trưa ngày 7/5/2020 đã trực tiếp cầm đơn kiến nghị gửi cho Bộ phận tiếp dân của Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Ông cho biết qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự do như sau :

"Trong bộ luật Tố tụng Hình sự đã ghi rõ rồi cho nên cái việc đó chúng tôi thấy rằng là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chưa tạo điều kiện tối đa cho luật sư để thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình để bảo vệ cho thân chủ là tử tù Hồ Duy Hải.

Chúng tôi hi vọng rằng ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ lắng nghe kiến nghị của chúng tôi, nếu mà ông ấy đáp ứng ứng được cái điều đó đó thì tôi nghĩ sẽ rất là có lợi.

Bởi vì vụ án này kéo dài cũng rất được quan tâm trong suốt thời gian qua, bà con ở trong nước và kể cả cả hải ngoại rồi các tổ chức thế giới đều rất là quan tâm đến vụ án này".

Cũng theo luật sư Hòa, đơn kiến nghị gửi đi vào ngày thứ 2 của thủ tục Giám đốc thẩm, ông không rõ việc duyệt đơn có phụ thuộc vào ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình hay là người cấp cao hơn nhưng các luật sư cũng rất hi vọng rằng lá đơn sẽ được đáp ứng.

Nội dung lá đơn chỉ rõ : "Khi Luật sư Trần Hồng Phong mất đi quyền có mặt và thực hiện nghĩa vụ, quyền tranh tụng của mình tại phần tiếp theo của phiên tòa, có nghĩa là bị án Hồ Duy Hải đã bị tước đi cơ hội cuối cùng, hy vọng cuối cùng được xem xét công bằng theo quy định".

******************

Canh bạc chính trị

Lynn Huỳnh, VNTB, 07/05/2020

Trong phiên giám đốc thẩm đang diễn ra về vụ án hai nữ nhân viên bị sát hại ở bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An, có ý kiến cho rằng đây là một canh bạc chính trị cho ông Nguyễn Hòa Bình, và ông Trần Quốc Vượng.

hoduyhai10

Tháng 7/2011, ông Nguyễn Hòa Bình, tân Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chúc mừng ông Trần Quốc Vượng, cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được bầu vào Ban Bí thư Trung ương,

Thời gian xảy ra vụ án ở bưu cục Cầu Voi với việc kết án Hồ Duy Hải khung tử hình, bất chấp các chứng cứ được nhóm luật sư chỉ rõ là ngụy tạo, cố tình vi phạm tố tụng…, thì ngồi ghế Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi ấy là ông Trần Quốc Vượng. Đến tháng 7/2011, ông Trần Quốc Vượng thôi giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chuyển công tác về Văn phòng Trung ương Đảng và giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Quyết định số 138-QĐNS/TW và Quyết định số 139-QĐNS/TW).

Kế nhiệm ông Trần Quốc Vượng là ông Nguyễn Hòa Bình, khi ấy là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là thiếu tướng công an, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Kể từ tháng 4/2016, ông Nguyễn Hòa Bình chuyển sang giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Kế nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình để giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là ông Lê Minh Trí, người từng là phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2009 đến tháng 4/2013 thì được chuyển sang làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Sau đó thì ông Lê Minh Trí kế nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình, và vào ngày 22/11/2019 Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án về hai nạn nhân nữ bị sát hại ở Bưu cục Cầu Voi năm 2008.

Có thể thấy việc tuyên hủy một bản án mà báo chí đăng rất chi tiết về nhiều sai phạm, hẳn không là việc khó khăn hay áp lực gì đối với Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình, dù chính ông là người đã từng phản đối kháng nghị vụ án này.

Thêm nữa, nếu việc có thể tuyên bố không cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng giam giữ đối với Hồ Duy Hải, thì ông Chánh tòa tối cao đang có cơ hội lớn để gắn tên mình vào một ‘tượng đài công lý’. Chí ít, tên ông cũng đi liền với một sự kiện tư pháp vô tiền khoáng hậu, khiến lòng dân hồ hởi ngay tức khắc. Nó sẽ tôn cao vị thế của ông ngay sau khi kết thúc phiên tòa giám đốc. Và có lẽ các toan tính ấy đã được dự liệu, khi ai đó sắp xếp ông Nguyễn Hòa Bình là người ngồi ghế chủ tọa - bất chấp chuyện ông Nguyễn Hòa Bình dường như chưa lần nào làm công việc thuần chuyên môn của một thẩm phán.

Một câu hỏi cũng từ đây : Một hệ thống tư pháp trong 12 năm không hề nhìn ra sự phi lý đằng sau bản án đó, nay vì sao bỗng nhiên tỉnh ra ? Liệu có liên quan gì đến canh bạc chính trị trong cơ cấu ghế của đảng chính trị ở nhiệm kỳ mới ?.

Ba mươi chưa phải là Tết. Câu trả lời có lẽ phải đợi đến quý 2/2021, khi mọi chuyện đã ngã ngũ cho những chiếc ghế quyền lực nhất trong nội các của đảng cầm quyền.

Một chút ngậm ngùi cho gia đình của hai nạn nhân ở vụ huyết án. Giờ đây, hiện trường đã thay đổi quá nhiều, mọi chứng cứ đã xóa nhòa, các nhân chứng người có, người không, nhiều nghi phạm cũng rời địa phương không rõ tung tích. Vấn đề còn lại chỉ là những suy luận, tranh biện dựa trên những lời khai, chứng cứ của… ngày xưa. Kẻ thủ ác chưa đền tội, linh hồn nạn nhân chắc vẫn vất vưởng đâu đó để chờ đợi. Hơn 12 năm đi qua rồi.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 07/05/2020

*******************

Chung quanh chuyện giám đốc thẩm

Viết từ Sài Gòn, RFA, 06/05/2020

Sáng ngày 6/5/2020, Hồ Duy Hải được xét xử giám đốc thẩm, điều đó không có nghĩa là Hồ Duy Hải có thể hi vọng vào may mắn, vào công lý để thoát án tử. Và nếu như thoát được án tử, nghĩa là không có tội, Hồ Duy Hải sẽ được trả tự do ngay tức khắc và tòa án, ngành điều tra và viện kiểm sát liên đới sẽ xin lỗi, đền bù danh dự và đền bù vật chất cho Hồ Duy Hải. Vấn đề nằm ở chỗ này chứ không phải cán cân công lý hay ánh sáng lương tri.

hoduyhai11

Hồ Chí Minh rút khăn tay lau nước mắt vì những sai lầm sau cải cách ruộng đất.

Bởi nếu xét theo cán cân công lý hay ánh sáng lương tri, Hồ Duy Hải đã được trả tự do từ lâu. Nghiệt nỗi, những thứ ấy đã trở nên rẻ rúng và xa xỉ trong hệ thống quyền lực đảng và lợi ích nhóm. Bởi vì quyền lực đảng kéo theo lợi ích nhóm đã phá tan mọi thứ, nếu bây giờ, công lý quay lại thì lấy gì để đền bù cho những người như Hồ Duy Hải, bởi có biết bao nhiêu vụ án oan trong lịch sử Việt Nam này đã bị chìm khuất và tiếng kêu oan của con dân nước Việt đã thấm trong từng thớ đất.

Nói tới án oan, đâu riêng gì thời đại này, mà những năm đầu thành lập Đảng cộng sản đã có án oan, nhưng có lẽ, án oan nhiều nhất bắt đầu xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam những năm đầu của thập niên 1950, khi mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn "phiên tòa" đã diễn ra trong đêm tối mập mờ ánh đuốc, dưới những gốc đa, bụi tre, trước các sân đình… Không có ngóc ngách dân sinh nào là không có những phiên tòa như thế.

Những phiên tòa mà thẩm phán là những cán bộ vừa học xong i tờ, không biết thế nào là pháp luật và phục vụ trong một chế độ không có pháp luật, chỉ có lòng thù hận mông lung và hành vi quyết liệt, gắt máu, đằng sau họ là những cố vấn người Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là các đảng viên cộng sản Trung Quốc. Những phiên tòa đã được dàn dựng, chuẩn bị kĩ lưỡng từ khâu dân vận, dạy cho dân đấu tố, dạy cho dân thù hận "địa chủ bóc lột", dạy cho dân ném đá vào địa chủ và vỗ tay mỗi khi thẩm phán đưa ra quyết định (giết người). Bị cáo là ai ? Là những người đã chắt chiu cả đời để có của ăn của để, để con cái học hành và thăng quan tiến chức, có phẩm hàm triều đình, và, khi bị mang ra tòa, khi bị tuyên án tử hình, họ vẫn không hiểu mình bị tội gì !

Những phiên tòa như vậy diễn ra gần một thập kỉ và trải dài khắp miền Bắc, có biết bao mạng người đổ xuống trong tức tưởi, đau khổ và oan khiên. Thế rồi, hàng trăm phiên tòa, hàng ngàn nhân mạng bị chết oan ức ấy cũng được "giám đốc thẩm" bằng một hành vi duy nhất, bởi con người quyền lực cao nhất - Hồ Chí Minh - ông đã khóc, đã lấy khăn mùi soa lau nước mắt về những cái chết oan. Phiên "giám đốc thẩm" này diễn ra trong vài chục giây, đủ để các phóng viên ghi hình, đủ để các cây bút dưới trướng của ông ghi chép vào lịch sử và nó giúp cho hình ảnh Hồ Chí Minh trở nên thần thánh, cao cả hơn. Một phiên giám đốc thẩm cực kì lạ lùng bởi nó diễn ra trong bối cảnh và sinh hoạt lạ lùng trong một đất nước ở vào thời kì lạ lùng và tăm tối.

Và sự tăm tối ấy kéo dài mãi đến bây giờ, vẫn chưa rõ ánh sáng cuối đường hầm xã hội chủ nghĩa ở đâu, bao xa nữa thì gặp. Bởi sau khi đất nước không còn chia hai miền, sau khi chủ nghĩa Cộng sản chảy tràn trên cả miền Nam và có hàng ngàn phiên tòa không phiên tòa, tức những phiên tòa bỏ túi, chớp nhoáng để kết án một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước khi cho người đó "sáng mắt sáng lòng" ở trại cải tạo. Và những khu trại cải tạo là hậu phương của hàng chục ngàn phiên toàn bỏ túi của những cán bộ chưa bao giờ hiểu thế nào là pháp luật, bởi pháp luật chính là sự thương ghét hay thù hận của họ, kẻ chiến thắng và nắm quyền sinh sát. Có hàng trăm con người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc và hàng ngàn con người mất tương lai sau những phiên tòa bỏ túi như thế này.

Rồi, vẫn chưa dừng ở những phiên tòa bỏ túi dành cho "kẻ thù", "ngụy quân ngụy quyền" kia mà liên tục trong thời kinh tế tập trung bao cấp, rồi đến kinh tế mở cửa thị trường, có hàng trăm án oan, có hàng chục cái chết mà nếu như nghiêm túc một chút, người ta có thể được tha bổng. Từ Tăng Minh Phụng trong vụ Epco Minh Phụng cho đến Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, rồi Hồ Duy Hải… Tất cả những người này, nếu được xét xử trong một hệ thống pháp luật hiện đại, nghĩa là hệ thống điều tra có chuyên môn, có nghiệp vụ và lương tri, một hệ thống pháp luật chặt chẽ, một hệ thống tòa án nghiêm túc, không được chăng hay chớ, không qua loa chiếu lệ và biết coi trọng mạng sống con người, coi trọng công lý và sự thật, thì chắc chắn, họ đã được thoát án tử. Nghiệt nỗi, họ đang sống và chấp pháp dưới thời đại của những ông chánh án, thẩm phán ngu dốt, của những điều tra viên thèm tiền, hung hãn và không có nghiệp vụ.

Hiện tại, nếu tìm hiểu về hệ thống tòa án Việt Nam, riêng phần tòa án cấp huyện, số lượng các chánh án học chuyên tu, bổ túc, mà nguồn ban đầu của họ là sự đào thải từ ngành công an, họ không đủ chuyên môn hoặc thế lực để ở lại cơ quan công an, vậy là đi học chuyên tu, bổ túc, sau đó học đại học tại chức để mua cho được tấm bằng cử nhân luật, chuyển sang ngành tòa án. Và không bao lâu thì lên họ ngồi ghế chánh án. Chính các loại chánh án tù mù này đã làm cho hệ thống tòa án cấp huyện hỏng hóc nặng nề, bời mọi sự xét xử hay luận án đều được soi chiếu bởi cái đầu và cán cân dốt nát của các chánh án như vậy. Đến tòa cấp tỉnh, rồi chánh án tòa tối cao, nếu soi xét học vị của họ, cũng lắm vấn đề. Chính vì hệ thống tòa án không đủ năng lực và sáng suốt nên hệ thống điều tra thuộc ngành công an dễ dàng qua mặt hoặc bắt tay làm những việc sai lầm, phi pháp.

Chỉ cần vài chục triệu đồng hay một chai rượu ngoại hạng xịn, cũng đủ làm cho trắng thành đen, làm cho sáng thành tối và khiến cho một mạng người bị thủ tiêu bằng chính viên đạn hợp pháp, viên đạn đã có bảo chứng từ tòa án. Chuyện này không ít, thậm chí Đường Nhuệ, một tay giang hồ bẩn thỉu và cộm cán ở Thái Bình đã đẩy biết bao nhiêu người vào lao lý, mất trắng mọi thứ chỉ vì y có tiền, có khả năng dùng đồng bạc đâm toạc công lý (mà thực ra cũng chẳng tìm đâu ra công lý lúc này !).

Ngoài ra, còn biết bao nhiêu tay giang hồ, đầu trộm đuôi cướp có thể dùng tiền để mua ngành điều tra, sau khi chém chết người, chỉ cần mua ngành điều tra, rồi ngành điều tra mua lại ngành kiểm sát, tòa án là khỏi có truy tố hay phiên tòa nào. Nếu một người nào không may mắn rơi vào vòng lao lý chính là họ đang rơi vào chỉ tiêu án của ngành. Vì tất cả những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, những kẻ bất hảo đã được bảo vệ bởi hệ thống nhân viên công lực, bởi hệ thống chấp pháp, thì đương nhiên, những án oan phải có, bởi nó có để thay thế, để lấp vào khoản trống những vô lý, bất công xã hội và bất lực của nhà nước, của đảng lãnh đạo.

Và, trong phiên tòa giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, liệu có bao nhiêu phần trăm niềm tin công lý để hi vọng rằng Hải được trắng án ? Rất khó, thậm chí xác suất được sống sót của Hải là quá thấp, bởi trước khi trả tự do, trả ánh sáng công lý, công bằng cho Hải, người ta lại đặt ra câu hỏi về lời xin lỗi, tiền đền bù án oan và những cán bộ có nguy cơ mất việc bởi thiếu năng lực. Và để trả lời những câu hỏi này, không có con đường nào khác, người ta phải vận dụng tới đồng tiền, người ta sẽ bằng mọi giá mua cái chết cho Hải để cứu sống cái ghế của họ. Đây là bài toán vô cùng khủng khiếp và mang đầy dấu ấn của mông muội, man rợ xã hội, một thứ xã hội đã ngấm quá lâu trong sự dửng dưng, tàn nhẫn, coi thường mạng sống và sẵn sàng đấu tố, đẩy đồng loại vào đường cùng, chỗ chết !

Và, vụ án Hồ Duy Hải một lần nữa nói lên rằng cán cân công lý hay thần công lý đang ở quá xa Việt Nam trong lúc này. Việc người ta tìm cách đúc biểu tượng công lý để đặt trước các tòa án chẳng khác nào một ca sĩ đúc tượng của mình đặt trước sân nhà hay một kẻ tâm thần cố nặn ra chân dung của hắn sau khi hắn tình cờ đi ngang qua triển lãm điêu khắc của một nghệ sĩ lừng danh nào đó. Mọi thứ đều là trò chơi hay vở kịch, công lý tại Việt Nam giống như một vở kịch mà ở đó, lời nguyện cầu và tiếng thở dài giống như những tràn vỗ tay của khán giả dành cho sân khấu công lý ! Thật là buồn khi phải nhắc đến hai chữ này, ngay lúc này : Công Lý !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 06/05/2020 (VietTuSaiGon's blog)

********************

Giám đốc thẩm oan án Hồ Duy Hải : Chánh án Nguyễn Hòa Bình có dám "lật kèo" Tổng Chủ ?

Gió Bấc, RFA, 04/05/2020

Oan án kéo dài 13 năm, đơn kêu oan chất chồng, Nghị sĩ Mỹ, EU các tổ chức nhân quyền thế giới, nhiều lần lên tiếng. Ủy ban Tư pháp Quốc hội giám sát, kiến nghị nhưng Tòa và Viện tối cao khăng khăng không kiến nghị. Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra văn bản, lập tức gió đổi chiều. Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ phải chủ tọa giám đốc thẩm bản án mà Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình từng ký quyết định không kháng nghị. Chánh án sẽ tự vả mồm mình hủy án hay dám "lật kèo" trái lệnh Tổng Chủ ?

hoduyhai12

Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ phải chủ tọa giám đốc thẩm bản án mà Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình từng ký quyết định không kháng nghị.

Theo thông tin của Tòa án nhân dân tối cao, phiên xử giám đốc thẩm kỳ án Hồ Duy Hải sẽ bắt đầu từ ngày 6/5 và kéo dài 3 ngày, do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa. Ngoài các ủy viên của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An tòa còn mời Luật sư Trần Hồng Phong người hổ trợ pháp lý kêu oan trong suốt 10 năm qua.

Thoát chết phút 59

Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội "giết người, cướp tài sản" bằng những bằng chứng con dao cái thớt mua từ ngoài chợ. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả hai cấp sơ phúc thẩm đều vi phạm nghiêm trọng. Ngay từ sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Đạt (người bào chữa cho Hồ Duy Hải tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm) và bị cáo Hải đã kêu oan với đầy đủ lý lẽ, chứng cứ nhưng không được đoái hoài.

Cuối năm 2009, luật sư Nguyễn Văn Đạt gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm cho phạm nhân Hồ Duy Hải. Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi văn bản trả lời luật sư Đạt là đã xét xử đúng người đúng tội. Trước nền công lý tối tăm ấy Luật sư Đạt vẫn kiên trì hàng tháng đều đặn ra bưu điện liên tục gởi đơn kêu oan cho đến lần thứ 36. Sau đó là sự tiếp nối song song với Luật sư Trần Hồng Phong cho đến khi anh lâm bệnh phải đi định cư ở nước ngoài.

Riêng thời gian yêu cầu kháng nghị Giám đốc thẩm đến thời điểm có quyết định kháng nghị là 10 năm, sự kiên trì bền bỉ của gia đình Hồ Duy Hải và các Luật sư vấp phải áp lực vô cảm, vô tri, tàn bạo kinh hồn của các cơ quan tố tụng. Một đồng nghiệp đã tóm tắt tiến trình pháp lý trên fb của Luật sư Trần Hồng Phong như sau :

- Ngày 24/5/2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm ;

- Ngày 24/10/2011 : Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm ;

- Tháng 1/2012, luật sư Trần Hồng Phong (theo yêu cầu của gia đình Hồ Duy Hải) tiếp tục gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải ;

- Tháng 4 và 5/2012, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng đã xét xử đúng người đúng tội ;

- Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước bác đơn ân giảm án tử hình đối với Hồ Duy Hải ; 

- Ngày 24/11/2014, Hội đồng thi hành án ra quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014. 

- Ngày 25/11/2014, cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Long An đến nhà, thông báo cho gia đình Hải về việc nhận xác con sau tử hình. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hải, lại một lần ra Hà Nội gửi đơn kêu cứu.

- Ngày 4/12/2014, báo chí đồng loạt đưa tin về việc sắp thi hành án đối với Hồ Duy Hải, dư luận xã đề nghị cân nhắc, xem xét lại để tránh oan sai. Gia đình Hải gửi đơn xin hoãn thi hành án. Luật sư Trần Văn Tạo và Trần Hồng Phong gửi đơn khẩn đến Văn phòng Chủ tịch nước và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị hoãn thi hành án và xem xét giám đốc thẩm.

Trong ngày 04/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án, để xem xét thật kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người. Đến khoảng 12h trưa, Hội đồng thi hành án thông báo việc tạm hoãn thi hành án tử hình (Phó chánh án ghi vào sau Đơn của gia đình).

Cần nói thêm, Hồ Duy Hải may mắn kéo dài cuộc sống đến năm 2014 là do chờ hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi thi hành án tử hình từ bắn sang tiêm thuốc.

Có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đồi bản chất vụ án !

Theo yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đoàn giám sát liên ngành Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an đã giám sát vụ án này. Tháng 3/2015, đoàn kết luận cho rằng việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về các tội danh trên là "có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án".

Song song đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có chương trình giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật" trong đó có vụ án Hồ Duy Hải. Theo báo cáo kết quả giám sát ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm như quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được ; chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường ; kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ ; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai ; động cơ, mục đích giết người nêu trong kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án. Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết quả điều tra, truy tố, xét xử (1).

Nhưng ngay trên diễn đàn quốc hội Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương vẫn giữ lập trường "quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án" và án tử tiếp tục treo lơ lửng trên đầu Hồ Duy Hải.

Theo pháp chế thì Tố tụng Hình sự là khuôn thước không thể sai lệch, bà Lê Thị Nga Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thời đó đã nhấn mạnh tại quốc hội "chỉ cần sai một điểm phải hủy án, bản án này sai hàng chục điểm". Nhưng phát biểu này bị chìm trong im lặng. Cần lưu ý, thời điểm này sắp đại hội 12 của Đảng. Trương Hòa Bình có cơ cấu vào Bộ Chính trị, Nguyễn Hòa Bình có cơ cấu vài ủy viên trung ương, Hồ Duy Hải phải chết để bản thành tích các quan chức này sạch đẹp ?

Sắp đến Đại hội 13, gió đổi chiều ?

Sau 4 năm kể từ ngày có kết luận giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tháng 11/2019, Viện trường Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí bất ngờ có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Bản án hình sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ; đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, theo hướng Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử Hồ Duy Hải về tội "giết người", "cướp tài sản" để điều tra lại - Tạm đình chỉ thi hành Bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải. Quyết định kháng nghị này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành tháng 10/2011.

Quyết định này là tin vui bất ngờ đối với gia đình Hồ Duy Hải và dư luận nói chung. Nhưng vì sao ông Viện trưởng Lê Minh Trí dám kháng nghị lật ngược lại quyết định của người tiền nhiệm giờ đã là ủy viên trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là Trương Hòa Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực phụ trách nội chính ?

Một tháng trước đó trên RFA có bài "Hồ Duy Hải : cơ hội cuối đời của Nguyễn Phú Trọng" chỉ mới đặt vấn đề về quyền ân xá của Tổng Chủ "Quyền ân xá của Chủ tịch nước là quyền nhân đạo, không ảnh hưởng đến tiến trình tư pháp trước đó, không ảnh hưởng đến thành tích, vai vế của Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay Nguyễn Hòa Bình Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thời điểm đó.

Năm năm trước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm đươc điều chưa có tiền lệ, chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước ra công văn hoãn thi hành án Hồ Duy Hải vào giờ chót. Một quyết định chấn động dư luận, cứu sống mạng người đươc dư luận cả nước đồng tình tuy nó chỉ là một ý kiến nửa vời.

Với tuổi tác và sức khỏe hiện nay, ngày ông Trọng rời xa quyền lực thậm chí ngày rời xa thế giới này để đi gặp ông Mác, ông Hồ cũng không còn xa, ký một quyết định nhân đạo cứu sống một thanh niên vô tội là cơ hội để ông có thể để lại điều gì đó cho sự nghiệp của mình" (2).

Trả lời BBC tiếng Việt, Luật sư Trần Hồng Phong cũng cho rằng "Không loại trừ sự cạnh tranh chính trị "việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân : trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) - mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý ; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là một tin vui" (3).

Trong quyết định kháng nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí dẫn ra nhiều căn cứ để ra quyết định nhưng báo Thanh Niên mới đây thông tin về phiên Giám đốc thẩm có đưa thông tin mới mà ít người biết đươc "Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước (Nguyễn Phú Trọng) có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật" (4).

Phải chăng đây là điểm tựa quyền lực để có quyết định kháng nghị ? Gió đã xoay chiều, vụ án sẽ là tình tiết phục vụ cho yêu cầu cơ cấu nhân sự Đại hội 13 ?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ tự xử thế nào ?

Theo báo Tuổi trẻ & Đời sống số ra ngày 5/5 ghi nhận, việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa làm dư luận băn khoăn. Luất sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho biết, việc ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa một phiên tòa đúng là điều khá đặc biệt. Trước đây rất hiếm trường hợp đích thân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đứng ra làm chủ tọa xét xử một vụ án.

Luật sư Trần Thanh Phong Đoàn Luật sư Cần Thơ nhắc đến một quy tắc "bất tái cứu" dành cho thẩm phán tòa sơ phúc thẩm, đã xử vụ án một lần rồi thì sẽ không đươc ngồi xử lần thứ 2. Năm 2011, ông Nguyễn Hòa Bình là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từng ra quyết định không kháng nghị (ngày 24/10/2011) theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Không rõ nguyên tắc này có áp dụng cho Tòa án nhân dân tối cao không ?

Tương tự, trang Báo Mới cũng có bài đăng ý kiên soi rọi thêm khía cạnh tố tụng, rằng việc ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ngồi ghế chủ tọa trong phiên xử sắp tới có phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS 2015) hay không... Bởi vào thời điểm tháng 10/2011, khi giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án này...

Cũng theo bài viết này, Tiến sĩ Võ Thị Kim Oanh (nguyên trưởng khoa luật Hình sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm : Đầu tiên, cần phải khẳng định ngay là ông Bình không tham gia xét xử sơ thẩm (tòa tỉnh Long An) và phúc thẩm (tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh) đối với vụ án Hồ Duy Hải.

Như vậy, điều cần xác định ở đây là ông Bình có phải đã từng là người tiến hành tố tụng theo quy định của Điều 53 BLTTHS hay không ?

Quyết định không kháng nghị lúc đó của ông Nguyễn Hòa Bình được kí với vai trò và chức danh Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Đây là các thủ tục đặc biệt dành riêng cho giám đốc thẩm và tái thẩm, do người có thẩm quyền theo luật định thực hiện.

Đồng ý rằng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng là Kiểm sát viên nhưng nếu là một Kiểm sát viên bình thường, không mang chức danh quản lý (cụ thể là mang các chức danh có thẩm quyền kháng nghị) thì không thể kí ban hành các quyết định kháng nghị liên quan đến vụ án.

Nên hiểu, việc ông Bình kí quyết định không kháng nghị vụ án vào thời điểm tháng 10/2011 là với thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chứ không phải là một Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án (5).

Dù cho là đúng luật, việc ngồi xử Giám đốc thẩm bản án mà mình từng ký quyết định bác kháng nghị khác nào ông Nguyễn Hòa Bình đang tự vả vào mặt mình ?

Nhưng dù sao đây cũng là cơ hội để minh oan cho một thanh niên vô tội, đền trả cho người mẹ, người em, những người dì 13 năm ròng xả thân đòi công lý. Họ đã khánh kiệt phải bán hết nhà cửa ruộng vườn đi ở nhờ nhà người anh. Cầu mong cho ánh sáng hiện ra ở cuối đường hầm.

Nhưng điều cầu mong lớn hơn là thể chế chính trị, nền tư pháp Việt Nam cần có bước đổi thay cơ bản vì còn Đặng Văn Hiến, Nguyễn Văn Mạnh, Lê Văn Chưởng những tử tội tương tự Hồ Duy Hải bị kết án oan bởi những "vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".

Phải thay đổi làm sao để sinh mạng, quyền tự do của con người phải đươc tôn trọng, bảo vệ chứ không là trò chơi, là công cụ cùa quyền lực.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 04/05/2020 (Gió Bấc's blog)

1. https://www.facebook.com/eco.law.3

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ho-duy-hai-last-chance-for-nguy...

3. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/50655276?SThisFB&fbclid=IwAR3xBGW...

4. https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-tu-tu-ho-duy-hai-co-gi-dac-biet-1218378....

5. https://baomoi.com/chuyen-chanh-an-nguyen-hoa-binh-chu-toa-vu-ho-duy-hai...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phóng viên, Thái Vũ, Trần Dzạ Dzũng, Nguyễn Đình Ấm, Đỗ Thành Nhân, Lynn Huỳnh, Thu Thủy, Viết từ Sài Gòn, Gió Bấc, RFA tiếng Việt
Read 918 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)