Trường hợp Hồ Duy Hải không còn là vụ án hình sự
Trân Văn, VOA, 16/05/2020
Tuần này, quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị cáo buộc "giết người", "cướp tài sản" vẫn là vấn đề nóng nhất cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình trong phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, ngày 5/5/2020. Photo PLO
Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, một trong những thành viên của Hội đồng thẩm phán, bỏ phiếu bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giữ nguyên hình phạt tử hình mà hai tòa án cấp dưới đã dành cho Hải – đã châm thêm xăng vào lửa khi dùng hệ thống truyền thông chính thức răn đe ba đại biểu quốc hội hành xử "nguy hiểm" (dựa vào những thông tin trên mạng xã hội, đưa ra những nhận xét chủ quan, phát biểu không đúng với nội dung vụ án, làm tình hình thêm… phức tạp).
Các ông : Trương Trọng Nghĩa, Lê Thanh Vân, Lưu Bình Nhưỡng, đại diện cho dân chúng tại Quốc hội Việt Nam – những người đã từng bày tỏ sự bất bình về phán quyết Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải – đã đáp trả. Ông Nghĩa cho biết : Trước đây, ông chỉ nhận xét về vụ án nhưng bây giờ, khi ông Tuệ đã nhận định như vậy về một số đại biểu Quốc hội thì vấn đề đã trở thành chuyện khác. Ông Nghĩa khẳng định, ông sẽ có ý kiến riêng về chuyện răn đe này với Quốc hội.
Ông Lê Thanh Vân cho biết những nhận xét về vụ án Hồ Duy Hải mà gần đây ông nêu ra với báo giới, nhất quán với những gì ông đã báo cáo với Quốc hội, thành ra ông đang chờ xác định thế nào là "nguy hiểm". Ông Lưu Bình Nhưỡng thì bất bình vì ông Tuệ đã xúc phạm đại biểu Quốc hội. Ông sẽ gửi văn bản cho các cá nhân hữu trách (Tổng bí thư – Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội…) đề nghị xem xét ông Tuệ có cản trở hoạt động của Quốc hội hay không (1) ?
Ông Nghĩa, ông Vân, ông Nhưỡng đều từng học luật, làm những công việc liên quan đến nghiên cứu, vận dụng và thực thi pháp luật. Ông Nghĩa là một luật sư kỳ cựu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông Vân từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Lập pháp và có chừng… 20 năm làm việc trong những cơ quan liên quan đến lập pháp, giám sát thi hành pháp luật. Ông Nhưỡng có chừng… 20 năm giảng dạy tại Đại học Luật Hà Nội. Chừng đó chưa đủ để bàn về vụ án Hồ Duy Hải và phán quyết Giám đốc thẩm ?
Ngoài tư cách công dân, kiến thức – kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, cả ba còn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân chúng Việt Nam tại cơ quan cao nhất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (Quốc hội). Nếu bình luận về vụ án Hồ Duy Hải trái với phán quyết Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối caolà "nguy hiểm", chẳng lẽ câm nín, bất kể ý chí – nguyện vọng của công chúng thuộc đủ mọi giới mới chứng tỏ thiện chí duy trì… an ổn. Bất chấp dân ý, nhân tâm, kể cả lương tâm thì làm sao có thể… an ổn ?
***
Ngoài ông Nguyễn Trí Tuệ, Công Lý –cơ quan ngôn luận của Tòa án nhân dân tối cao– cũng đang "tả xung, hữu đột" để bảo vệ phán quyết Giám đốc thẩm về vụ án Hồ Duy Hải, kể cả mượn miệng một ông đại tá công an, lên án việc cung cấp những dấu hiệu bất thường, trái qui định pháp luật hiện hành trong điều tra – truy tố - xét xử Hồ Duy Hải từ trước đến nay là… "truyền thông bẩn". Chẳng lẽ mạng xã hội và đa số cơ quan truyền thông chính thức đều… bẩn ?
Ông đại tá đã nghỉ hưu này còn gom tất cả những ý kiến liên quan đến các oan án mà hệ thống tư pháp Việt Nam từng tạo ra là âm mưu gây… nhiễu thông tin, khiến dân chúng hoài nghi chế độ và cơ quan thực thi pháp luật. Tất cả những nỗ lực có tính cảnh báo, góp ý để chấm dứt oan, sai được ông gom hết, bỏ chung vào giỏ "cơ hội chính trị", gây sức ép với công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, thậm chí với cả lãnh đạo đảng, nhà nước. Lên tiếng trước oan, sai là kích động dư luận, chống phá nhà nước (2).
Hệ thống tư pháp nói chung và Tòa án nhân dân tối cao nói riêng có thể ngăn ngừa, tránh được oan, sai khi suy nghĩ và chia sẻ những nhận định kiểu đó, kể cả khi đã tổ chức xin lỗi và dùng nhiều tỉ của công khố để bồi thường cho những người bị kết án oan, giam giữ sai như : Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long... Nhiều người sử dụng mạng xã hội như Nguyễn Lân Thắng, không thèm trả lời ông Tuệ, báo Công Lý và những người như ông đại tá công an đã kể.
Thắng giới thiệu một video clip của VnExpress, ghi lại diễn biến buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long hồi tháng 4/2017. Thân nhân nạn nhân la ó, liệng dép, giày vào mặt ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội – người thay mặt hệ thống tư pháp xin lỗi ông Long (3). Tương tự, Nguyễn Văn Đề giới thiệu một video clip ghi lại cảnh ông Bùi Mạnh Giáp ở Quảng Ninh, liên tục chỉ vào mặt các thành viên Hội đồng Xét xử, rủa : Bức hại dân lành (4).
Ai ? Nơi nào ?... có thể kích động sự căm phẫn của công chúng, nghi ngờ bản chất thể chế hiện tại ở Việt Nam hiệu quả hơn hoạt động của hệ thống tư pháp, đặc biệt là phán quyết về vụ án Hồ Duy Hải mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao công bố tuần trước ? Khó đếm xuể có bao nhiêu người nặng lời với ông Nguyễn Trí Tuệ nói riêng (5), Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nói chung (6). Cũng rất khó trích dẫn những nhận định về báo Công Lý hay phản hồi về "cảnh báo" của những người như ông đại tá nghỉ hưu vì chẳng dễ nghe chút nào (7).
Không phải những cá nhân bày tỏ sự bất bình và các cơ quan truyền thông chính thức bị quy chụp là "truyền thông bẩn", cũng không phải ba đại biểu quốc hội bị cáo buộc là "nguy hiểm", chính cách hành xử của Tòa án nhân dân tối cao, báo Công Lý và kiểu quy chụp thô thiển nhằm biện bạch cho Tòa án nhân dân tối cao đã tạo ra tình thế mà nhiều người như Neo Nguyen nhận định : Trường hợp Hồ Duy Hải không còn là vụ án hình sự mà đã trở thành vấn đề chính trị. Một nền chính trị thối nát dẫn đến hệ lụy mọi mặt trong xã hội (8).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/05/2020
Chú thích
(3) https://vnexpress.net/hon-loan-tai-buoi-toa-an-xin-loi-ong-han-duc-long-3575525.html
(4) https://www.facebook.com/ghet.congsan.9/videos/1515061632006483/
(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=970631880064079&id=100013518285955
(6) https://www.facebook.com/baochisach/photos/a.100322217999624/259829325382245/ ?type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/bssonexson/posts/1161576314204610
(8) https://www.facebook.com/nguyenhuuvinh.basam/posts/249571039625132
*****************
Vụ Hồ Duy Hải : 10 sai sót của hội đồng thẩm phán
Nguyễn Hùng, VOA, 16/05/2020
Vụ ông Hồ Duy Hải bị bắt rồi kết án tử hình trong nghi án giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở Long An xảy ra đã được 12 năm. Việc Hội đồng Thẩm phán đồng loạt bác kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khiến hành trình tìm công lý của gia đình ông Hồ Duy Hải đang đi vào ngõ cụt. Quyết định đồng loạt của toàn bộ 17 thẩm phán cũng gây ra hàng loạt các câu hỏi về tư cách của các thẩm phán và hệ luỵ của quyết định họ đưa ra với nền công lý vốn đã què quặt sẵn ở Việt Nam. Dưới đây là 10 vấn đề trong đó có những điều mà người có tư duy bình thường là đã không phạm phải và nó cho thấy suy nghĩ bất thườ: Verdana, sans-serif;">ng của cả 17 thẩm phán.
Trang Kiểm Sát Online của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hôm 05/05/2020 đăng hình bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con. Photo Kiem Sat.
1. Chủ tọa phiên giám đốc thẩm chính là người từng quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Hải khi lên làm viện trưởng Viện kiểm sát hồi năm 2011. Kể từ năm 2016 tới nay ông Nguyễn Hòa Bình là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và là người chủ trì trong ba ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải hồi đầu tháng 5/2020. Các luật sư đã nói luật pháp không cho phép làm vậy vì điều ông Bình bác hồi năm 2011 lại vẫn là cùng vấn đề mà ông đứng ra chủ trì quyết định trong phiên giám đốc thẩm. Một người có suy nghĩ và đạo đức trung bình cũng đã phải tự từ chối ngồi vào ghế chủ tọa vì như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhưng giả sử một người khác ngồi vào ghế đó và ra quyết định hủy án sơ thẩm và phúc thẩm thì vị trí chánh án của ông Bình có lung lay không khi ông từng có quyết định ngược lại ?
2. Lý do nữa càng khiến ông Bình phải từ chối tham gia hội đồng thẩm phán là vị trí mà ông có không những chỉ trong Ban chấp hành trung ương đảng mà còn cả trong Ban bí thứ trung ương khóa XII. Trong chế độ đảng trị như ở Việt Nam, một người có ảnh hưởng chính trị như vậy mà không chi phối công lý mới là điều lạ. Dĩ nhiên đòi hỏi này cũng là lạ trong môi trường hiện nay ở Việt Nam.
3. Không chỉ ông Bình mà toàn bộ 16 thẩm phán khác cũng đều giơ tay ủng hộ khiến tòa án thắng áp đảo viện kiểm sát, cơ quan muốn hủy các bản án và điều tra lại. Đây chẳng khác gì một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của 16 vị thẩm phán với sếp nhiều quyền năng của mình. Và tỷ lệ phiếu ủng hộ cao, nhiều khi tới 100% như trong trường hợp này, không phải là điều gì lạ ở Việt Nam. Nhưng nó cũng cho thấy tình trạng cả nước cái gì cũng tưởng là nhiều nhưng chung quy lại mỗi ngành cũng chỉ có một ông hét ra lửa mà thôi. Và các ông lắm khi cũng chỉ là "lợn con" trong mắt các ủy viên Bộ Chính trị.
4. Sự xảo ngôn của các thẩm phán trong phiên giám đốc thẩm đã lên tới trình độ tối cao. Vụ việc có những vi phạm tày trời trong quá trình điều tra như không thu giữ tang chứng quan trọng, không xử lý kịp thời những gì phát hiện được tại hiện trường trong đó có vết máu để trong nhiều tháng không xét nghiệm hay nhiều dấu vân tay có thể đã bị bỏ sót. Nhưng những sai phạm nghiêm trọng này được nói giảm xuống thành "sai sót" bởi vì nếu nói đó là những vi phạm nghiêm trọng thì họ sẽ phải có quyết định khác đi.
5. Hành xử đúng mực và đúng quy trình pháp luật là điều cần thiết để đảm báo niềm tin vào hệ thống công lý. Ngay cả chỉ là những sai sót thông thường đáng ra cũng đủ để một vụ án phải bị hủy vì chính những người thực thi pháp luật mà còn sai thì làm sao đủ tư cách để điều tra. Tại Anh hàng trăm vụ điều tra đã phải hủy bỏ trong năm 2017 chỉ vì cảnh sát không thông báo cho luật sư của các bị can những bằng chứng có lợi cho bị can. Trong những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vụ Hồ Duy Hải, người ta thậm chí có thể phải sửa luật nếu luật không đảm bảo mang lại công lý.
6. Người Việt nói sai một ly đi một dặm. Trong vụ Hồ Duy Hải, quá trình điều tra có nhiều sai sót tới mức có thể nói sai vạn ly đi vặn dặm nên kể cả chỉ là sai sót nhưng số lượng quá nhiều trong một vụ án vô cùng nghiêm trọng cũng đủ để phải điều tra lại.
7. Trong các vụ án có án tử hình, các bằng chứng phải được coi trọng hơn lời khai của bị cáo và các nhân chứng. Điều này càng đúng hơn khi tình trạng bức cung, mớm cung, mớm lời khai không còn là điều gây bất ngờ trong quá trình điều tra và xét xử ở Việt Nam. Các thẩm phán đều coi trọng lời khai của Hồ Duy Hải tự buộc tội chính mình để phán rằng Hồ Duy Hải có tội. Tư duy ấu trĩ này hoàn toàn khó chấp nhận khi Việt Nam đã công nhận quyền không buộc phải khai báo và không buộc phải nhận tội.
8. Viện kiểm sát khẳng định các cơ quan thực thi công lý đã "có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng". Họchỉ ra một số vi phạm nghiêm trọng đó như "bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ". Không rõ vì lý do gì ông Bình không thấy những vấn đề này khi chính ông là lãnh đạo cao nhất ở Viện kiểm sát trong giai đoạn 2011-2016 trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất ở ngành tòa án như hiện nay.
9. Không có bất cứ mẫu ADN nào như dấu vân tay, tóc, máu… của Hồ Duy Hải được phát hiện tại hiện trường. Đây hiển nhiên là những chứng cứ rõ ràng nhất và không phải là không có lý do để cho rằng có các mẫu ADN đó tại hiện trường, ít nhất là dấu vân tay. Trong các ảnh chụp hiện trường người ta đã nhìn thấy cái thớt được dùng để đánh nạn nhân cũng như chiếc ghế "hung thủ" từng cầm. Những đồ vật này và thậm chí cả con dao xuất hiện ở hiện trường đều không được cơ quan công an đã không thu giữ. Sau này họ phải đi mua dao, thớt thế vào cũng như lấy một chiếc ghế khác làm tang vật. Đây là những sai lầm chết người trong quá trình điều tra mà chỉ có những điều tra viên không có nghiệp vụ mới mắc phải. Những mẫu ADN thu được từ hiện trường từ hàng chục năm trước cách đây hai năm đã giúp cảnh sát Hoa Kỳ bắt được nghi phạm lẩn trốn trong nhiều năm sau khi giết 12 người và hãm hiếp 45 phụ nữ ở bang California trong giai đoạn 1976-1986.
10. Hội đồng Thẩm phán rõ ràng thà để ông Hồ Duy Hải cùng gia đình đi vào ngõ cụt thay vì chính ngành tòa án của họ đi vào ngõ cụt. Điều này thể hiện ởmột câu hỏi mà họ đưa ra với đại diện Viện kiểm sát trong phiên giám đốc thẩm trong ba ngày xét xử : "Viện kiểm sát cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu... là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy nếu giả sử hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi thì những nội dung này có khắc phục được không ?". Đây có lẽ chính là mấu chốt của vấn đề. Nếu hủy án và điều tra lại, vụ án có nhiều khả năng sẽ khép lại mà không có ai phải chịu trách nhiệm cho vụ giết hai phụ nữ. Và có lẽ các thẩm phán cho rằng xử oan đỡ tệ hơn là không có ai để xét xử vì các điều tra viên đã làm việc kém cỏi tới mức nếu phải xét xử lại từ đầu người ta sẽ không đủ bằng chứng để kết tội bất cứ ai. Đây có lẽ cũng là điều khiến ngành công an trước đó cũng khẳng định họ đã điều tra đúng người đúng tội. Điều này có khác gì các điều tra viên khiến ông Nguyễn Thanh Chấn, người cũng từng nhận giết người, bị kết án oan khẳng định cho tới cùng rằng "không biết mình sai chỗ nào". Cả 17 vị thẩm phán giờ cũng đang khẳng định như thế thôi dù về lý thuyết trình độ của họ cao hơn nhiều.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 16/05/2020
******************
Cao Nguyên, RFA, 15/05/2020
Phiên xử vụ án tử tù Hồ Duy Hải theo thủ tục Giám đốc thẩm kết thúc hôm 8 tháng 5 sau ba ngày làm việc. Nhưng kết quả của phiên tòa này lại mở ra cuộc tranh cãi, phản đối mạnh mẽ từ giới luật sư, cũng như những người quan tâm đến vụ án.
Phiên Giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải ở Hà Nội - Photo : RFA
Nhiều ý kiến cho rằng bản án không công tâm, khách quan bởi chủ tọa phiên tòa này giữ cả 3 vai trò tố tụng trong vụ án này.
Ông Nguyễn Hòa Bình, hiện là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, vào thời điểm xảy ra vụ án là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đến thời điểm ra quyết định không kháng nghị vụ án thì ông là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và khi xét xử Giám đốc thẩm ông lại ngồi ghế chủ tọa.
Vì vậy, ngay khi phiên tòa kết thúc, Đại biểu quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng trả lời báo chí trong một video clip rằng người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ về tính công minh, vô tư của ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình :
"Khi đồng chí Chánh án tối cao từng là Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc này. Bây giờ, lại ngồi để xét xử thì liệu có hay không có mang cái định kiến tư pháp này vào ghế chủ tọa. Đương nhiên, xã hội, nhân dân và cử tri người ta có quyền nghi ngờ cái tính công minh, nghi ngờ cái không thiên vị, nghi ngờ cái tính vô tư của một Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trước phiên xử, người ta đã đặt câu hỏi rồi, liệu Chánh án Nguyễn Hòa Bình có vượt qua được chính bản thân mình hay không".
Phân tích dưới khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Đình Dũng từ Sài Gòn nói với RFA rằng việc ông Nguyễn Hòa Bình từng kinh qua 3 vị trí trong cùng một vụ án là vi phạm nguyên tắc tố tụng :
"Trong tố tụng hình sự, năm 2011, ông Nguyễn Hòa Bình đã có hành vi tố tụng hình sự trong vụ án Hồ Duy Hải là ra một văn bản xác định không có căn cứ kháng nghị đối với vụ án.
Cho đến ngày 6/5 vừa rồi, ông tham gia trong hội đồng của phiên Tòa giám đốc thẩm. Như thế là không đảm bảo nguyên tắc khách quan trong khi tiến hành tố tụng của vụ án hình sự. Nguyên tắc này được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự của nhà nước Việt Nam".
Đồng quan điểm, luật gia Phạm Lê Vương Các viện dẫn điều 53, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để chứng minh kết quả phiên Giám đốc thẩm vừa rồi là không đủ công tâm.
Điều 53 về vấn đề thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm : Khoản c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án :
"Ở trong bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định rằng trong trường hợp này, thẩm phán sẽ phải từ chối tham gia xét xử, hoặc là phải để cho một thẩm phán khác đứng ra xét xử nếu như người thẩm phán này đã từng tham gia vào vụ án này trước đây.
Như vậy, trường hợp của ông Nguyễn Hòa Bình, làm Chánh án của phiên xử Hồ Duy Hải và trước đây ông cũng đã từng tham gia vào quá trình tố tụng trong tư cách là Viện trưởng Viện Kiểm sát, đã bác kháng nghị, nếu đối chiếu vào bộ luật trong trường hợp này, đó rõ ràng là phán quyết của ông ấy sẽ không khách quan, không công tâm".
Theo luật sư Trần Đình Dũng, một khi đã vi phạm các nguyên tắc tố tụng thì kết quả Giám đốc thẩm phải bị hủy bỏ :
"Khi mà đã vi phạm các nguyên tắc về tố tụng hình sự thì kết quả của việc của quyết định Giám đốc thẩm là không có giá trị theo luật pháp tố tụng hình sự Việt Nam.
Thủ tục Giám đốc thẩm không phải như một phiên tòa bình thường. Do đó cái tuyên bố đó không phải là một bản án mà nó chỉ là một cái quyết định mà thôi. Nếu như nó là một bản án thì bản án đó sẽ bị cấp trên tuyên hủy".
Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều khó khăn là Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân Tối cao ra phán quyết. Đây là cấp tòa cao nhất ở Việt Nam nên sẽ không có cấp tòa nào cao hơn để xét lại quyết định Giám đốc thẩm vừa qua. Luật gia Phạm Lê Vương Các nói :
"Trong trường hợp này, cơ quan ra phán quyết là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đây là cơ quan xét xử cao nhất ở Việt Nam rồi, nên không có một cơ quan xét xử nào để mà xem xét lại bản án này được.
Chỉ có một số cơ quan bên Quốc hội đề nghị xem xét lại vụ án thì khi đó Hội đồng Thẩm phán mới mở cuộc họp để xem xét lại chính cái phán quyết trước đây mà họ đã ban hành".
Luật sư Dũng cho biết theo điều 404 bộ luật tố tụng hình sự, nếu có một trong các điều kiện sau : Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó. Như vậy, bây giờ vẫn còn nhiều cơ quan có thể yêu cầu xem xét lại vụ án :
"Ở Việt Nam chưa từng có tiền lệ lập một hội đồng thủ tục đặc biệt để xem xét các quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nhưng tôi nghĩ lần này, với nhiều đại biểu Quốc hội ý kiến, thì chắc cũng có khả năng sắp tới đây sẽ có một thủ tục đặc biệt theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là xem lại quyết định của Hội đồng thẩm phán".
Như vậy, phải làm sao để các quan chức Quốc hội gởi kiến nghị xem xét lại vụ án này ? Luật gia Phạm Lê Vương Các cho rằng bất kỳ ai là người Việt Nam, nếu quan tâm và nhận thấy kết quả bản án là chưa thuyết phục, đều có thể gởi đơn yêu cầu Quốc hội phải kiến nghị với Tòa án nhân dân Tối cao :
"Cụ thể là trong trường hợp của Hồ Duy Hải, những người thân trong gia đình của Hồ Duy Hải, luật sư như hoặc bất kỳ một người nào quan tâm mà phát hiện việc ra các phán quyết của Tòa án nhân dân tối cao là sai thì đều có thể gửi đơn tới các cơ quan Quốc hội yêu cầu xem xét.
Sau đó, người ta sẽ trả lời là có đồng ý chuyển kiến nghị tới Hội đồng Thẩm phán tòa án tối cao để xem xét lại hay không".
Theo luật sư Trần Đình Dũng, không chỉ riêng vụ án này, người dân có quyền gởi kiến nghị tới Quốc hội về bất cứ vấn đề nào của đất nước, Quốc hội có nhiệm vụ phải lắng nghe, và tạo điều kiện cho người dân trình bày ý kiến :
"Bất kỳ công dân nào cũng đều có quyền gửi văn bản kiến nghị đối với Quốc hội về bất kỳ một vấn đề gì tư pháp, hành pháp, lập pháp hoặc bất kỳ vấn đề gì của đất nước. Tôi cũng thấy có một số người họ đã gửi kiến nghị.
Điều 28 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ : Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị tới các cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở ở địa phương và cả nước. Nhà nước phải tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước, xã hội công khai minh bạch, tiếp nhận mọi kiến nghị của công dân".
Một bản kiến nghị kêu gọi mọi người ký tên đòi công lý cho Hồ Duy Hải được đăng tải trên mạng xã hội từ ngày 13/5. Đến tối ngày 15/5, đã có gần 3000 người tham gia ký tên ủng hộ.
Bản kiến nghị này sẽ được gởi đến 4 người lãnh đạo chủ chốt, một số Đại biểu quốc hội quan tâm đến vụ án này cùng các Đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam.
Ngoài ra, ngày 15/5, thêm một bản kiến nghị khác của một số luật sư yêu cầu xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 15/05/2020
**********************
"Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" : Sự thật cay đắng !
Diễm Thi, RFA, 15/05/2020
Hôm 14 tháng 5, tại phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi Trung học phổ thông năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên nói rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì : "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".
Các bị cáo tươi cười rời tòa trong vụ án gian lận điểm thi Trung học phổ thông năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình. Photo : plo.vn
Câu nói này lập tức gây nhiều phản ứng trong xã hội. Người ta tin bà Liên nói thật và thấy cay đắng cho thực trạng xã hội Việt Nam.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người từng bị trù dập do lên tiếng tố cáo tiêu cực trong ngành giáo dục kể lại câu chuyện của ông tại hội đồng thi trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A, Hà Tây năm 2006 :
"Cả một hội đồng thi ăn tiền của thí sinh nên họ tổ chức giải bài tập thể, chia bài cho học sinh và làm ngơ cho nó chép, nó cóp. Một mình tôi quay video làm chứng cứ đưa lên các cấp xử lý. Điều đấy là bất thường đối với hội đồng. Tôi kiên quyết đưa sự việc ra dư luận. Rất tiếc sau đó ngành giáo dục Hà Tây trù dập tôi tàn bạo. Bảy năm họ không nâng lương cho tôi".
Vì từng chứng kiến những chuyện như vậy nên khi nghe câu nói của bà Diệp Thị Hồng Liên, thầy Khoa không bất ngờ. Thầy chỉ thấy chua xót khi câu nói ấy được hiểu như là lẽ sống, như một lời ‘khuyên’ cho các thế hệ khác học theo việc sống ‘gù lưng’ để hưởng lợi. Thầy nêu quan điểm của mình :
"Báo chí và mạng xã hội sôi sục lên với phát ngôn của bà cựu trưởng phòng khảo thí của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình. Theo quan điểm của tôi thì đây là một phát ngôn dại dột của một người quản lý trong ngành giáo dục. Dại dột thứ nhất là bà ấy đã bóc trần sự thật của đất nước, của ngành giáo dục thối nát của tỉnh Hòa Bình. Người người đều như thế thì bà ấy không thể khác được. Đấy là nói thật !
Còn về mặt đạo đức xã hội và đạo đức của nhà giáo thì bà này vi phạm nghiêm trọng ở chỗ, một người từng là nhà giáo và là một nhà quản lý giáo dục thì đứng trước cái xấu, cái ác không được phép gù lưng xuống mà phải thẳng lưng lên".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng giảng dạy tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thì không muốn nhìn nhận vấn đề qua sự phát biểu của một cá nhân. Phải nhìn căn nguyên từ đâu mà trong xã hội phải ‘gù’ mới tồn tại ?
Theo ông, trong một xã hội tốt đẹp thì đa số người dân quay lưng với cái xấu. Nhưng với xã hội Việt Nam, nếu nói ‘không’ với cái xấu thì lại bị coi là bất thường. Đó thật sự là điều đáng lo và giáo dục không là ngoại lệ. Ông giải thích :
"Khó lòng mà đòi hỏi giáo dục như một ốc đảo khác biệt trong khi xã hội thì như vậy. Giáo dục có thể ở mức độ nào đó ít ‘kinh tởm’ hơn, nó còn có chỗ tử tế hơn nhưng nó không hoàn toàn miễn nhiễm với những cái xấu xa trong xã hội. Tôi ở trong nghề giáo hơn 40 năm tôi thấy vậy".
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng hiện ở Pháp, từng là giảng viên môn Toán học ứng dụng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến của mình về câu nói của bà Diệp Thị Hồng Liên :
"Thật sự mà nói, khi đọc xong bài báo tôi rất ngỡ ngàng. Tôi biết tình trạng giáo dục ở Việt Nam nhưng tôi không ngờ một người có thể nói một câu như thế. Nhưng đối với tôi thì bà này nói thật. Bà này nói lên hiện trạng của đất nước. Tôi nghĩ là không nhất thiết phải là một người thầy, một người trong ngành giáo dục mà ai cũng thấy chua xót và đau đớn khi nghe câu này !"
Ngoài câu nói của bà cựu trưởng phòng khảo thí tỉnh Hòa Bình, một hình ảnh được cho là phản cảm gây sự phẫn nộ trên cộng đồng mạng, là hình ảnh các bị cáo rời phiên tòa với thái độ tươi cười, được báo chí trong nước đăng tải.
Cô Trần Lệ Cam, một người tự nhận là giáo viên đã viết trên facebook cá nhân của cô rằng, "Em cũng là giáo viên, em đại diện cho em, xin lỗi những người xem tấm ảnh này. Một tấm ảnh thể hiện sự thất bại của giáo dục !
Những người đã từng là thầy, là cô, họ nghĩ gì khi tay vẫn còn đeo còng số 8 nhưng mặt thì hớn hở như ‘địa chủ được mùa’ ?
Họ không sợ các em - những người từng là được họ dạy - nhìn thấy cảnh này ?"
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng cho rằng, phía sau hình ảnh này là sự thật đáng sợ của những thầy cô giáo trẻ hiện nay, dù không phải là tất cả :
"Một hình ảnh đi kèm với lời phát biểu của bà này là hình ảnh của các thầy cô bị xử ở trong phiên tòa. Khi ra khỏi tòa họ cười tươi. Tôi chưa thấy một người nào ra khỏi tòa mà cười được như vậy. Những thầy cô này tuổi đời còn rất trẻ mà có phản ứng vậy thì theo tôi nghĩ, có lẽ họ nghĩ chuyện đó là bình thường. Có thể chịu vài năm tù rồi ra. Đó là điều đáng sợ. Họ coi thường tội lỗi đã phạm. Tôi nghĩ nếu điều kiện cho phép thì họ sẽ tái phạm. Họ không phải là cái gương cho các thầy cô khác thấy mà tránh".
Phó Giáo sư Hoàng Dũng thì cho đây là hình ảnh đáng xấu hổ, bởi họ cho những cái xấu mà họ đã làm và đang bị xét xử là chuyện bình thường. Thâm tâm họ không thấy xấu hổ. Đó thực sự là những người ‘gù’ về nhân cách.
Cuối tháng 5 năm 2019, thông tin Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ công khai nhận trách nhiệm trong vụ gian lận điểm thi Phổ thông trung học năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình được truyền thông trong nước loan tải rộng rãi. Người dân đặt câu hỏi rằng, liệu ông Nhạ nhận trách nhiệm như thế có giúp chấm dứt tệ nạn này hay không ?
Lúc bấy giờ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với RFA rằng, việc nhận trách nhiệm này không phải xảy ra lần đầu, những ông Bộ trưởng ai cũng nhận trách nhiệm hết nhưng cuối cùng chẳng giải quyết được. Ông lý giải :
"Bởi vì nó từ bản chất, từ cơ chế của thể chế này như vậy nên dù ông có nhận, có quyết tâm, có giải pháp này, giải pháp nọ nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Ở Việt Nam nó thế rồi, chả ai từ chức cả".
Bộ Giáo dục & Đào Tạo Việt Nam hơn 10 năm qua, cứ vào đầu năm học lại gửi công văn đến các cơ sở Giáo dục Đào Tạo với nội dung phải tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo ; rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhằm đảm bảo trong nhà trường không có nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 15/05/2020
***************
RFA, 15/05/2020
Theo ghi nhận của giới luật sư tại Việt Nam thì rất nhiều những vụ án oan sai, trong đó có những vụ án giết người được cơ quan tố tụng dàn xếp bằng hình thức thỏa hiệp nhận tội để bị can được tòa tuyên án bằng thời gian đã bị tạm giam.
Bị can Phạm Duy Lăng (áo sơ mi trắng), tại phiên tòa 29/4/2020, nhận tội "giết người" sau hơn 11 năm kêu oan. Courtesy : baobinhphuoc.com.vn
Đài RFA ghi nhận thông tin vừa nêu qua trường hợp Phạm Duy Lăng nhận tội "giết người" sau 11 năm kêu oan, cũng như tìm hiểu xem liệu rằng sẽ có một sự dàn xếp nào phía sau phiên tòa trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải ?
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, vào ngày 29/4, mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị can Phạm Duy Lăng (30 tuổi) trong một vụ án giết người và bị can đã kêu oan hơn 11 năm qua.
Theo cáo trạng, vụ án mạng xảy ra ngày 23/3/2009 trong cuộc ẩu đả giữa hai nhóm thanh niên do có nảy sinh gây hấn tại một đám cưới, ở huyện Bù Đăng. Nạn nhân là Trương Thanh Thức (sinh năm 1990) đã bị Phạm Duy Lăng mang giày da đá mạnh vào đầu khoảng 2,3 cái trong lúc bị ngã xuống đường do đánh nhau và được đưa đi cấp cứu ; tuy nhiên đã bị tử vong 3 ngày sau đó.
Vụ án này được nói là đã kéo dài trong nhiều năm do bị can Phạm Duy Lăng liên tục kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội giết người của mình trong các phiên tòa.
Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, hồi tháng 10/2018, ra quyết định bản án hình sự phúc thẩm, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên trước đó vào tháng 7/2016 để giải quyết theo thủ tục chung.
Luật sư Phạm Công Út, một trong các luật sư tham gia bào chữa cho bị can Phạm Duy Lăng, cho biết Tòa án tỉnh Bình Phước đã tuyên án 14 năm tù giam đối với Phạm Duy Lăng, với cáo buộc gây ra cái chết cho Trương Thanh Thức. Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh tội giết người là rất nặng. Tuy nhiên, bởi do chứng cứ phạm tội của Phạm Duy Lăng không đủ mạnh nên Hội đồng xét xử đã tuyên mức án như thế. Mặc dù vậy, Phạm Duy Lăng cùng gia đình một mực kêu oan và kháng cáo phúc thẩm.
Phạm Duy Lăng bị bắt lúc 19 tuổi. Bây giờ 11 năm rồi, đã mất tuổi thanh xuân trong tù mà còn tiếp tục kêu oan nữa là chỉ có chết thôi. Thế nên nhận tội và khi ra tòa thì Phạm Duy Lăng, thứ nhất phải từ chối hết tất cả gần 10 luật sư bào chữa thiện nguyện miễn phí và thứ hai là nhận tội mặc dù trước đó gia đình quyết liệt kêu oan-Luật sư Phạm Công Út
Luật sư Phạm Công Út kể lại cuộc gặp gỡ với Phạm Duy Lăng, khi ông nhận tham gia bào chữa thiện nguyện cho bị can trong thời gian kháng cáo phúc thẩm bị kéo dài quá thời hạn tố tụng nhiều năm.
"Khi tôi vào trong trại giam gặp Phạm Duy Lăng, thanh niên mới 21-22 tuổi mà giống như ông cụ già tức tai lãng mắt mờ, không nhìn thấy rõ luật sư của mình. Bảo ký tên thì Lăng nói mắt bị mờ lắm. Để trả lời thì Lăng nghe cũng không rõ luôn vì bị lãng tai. Hỏi vì sao bị mắt mờ tai lãng, mà phải hỏi nhiều lần thì Lăng mới trả lời là Lăng bị biệt giam trong 4 bức vách của phòng tối, không thấy ánh sáng mặt trời. Thành ra khi ra ngoài khỏi cửa buồng giam để gặp luật sư thì bị chóa ánh sáng nên Lăng nhìn không được rõ. Còn tai bị lãng là do bị giam lâu ngày trong phòng biệt giam và không được rái tai, giống mấy người bị lãng tay bởi rái tai đóng dày đặc, nên Lăng cũng nghe không rõ. Lúc đó phải nói rằng tôi rất là phẫn nộ và tôi đã đăng vụ việc này lên Facebook. Sau khi thông tin được tôi đăng lên, Lăng được chuyển phòng, không bị biệt giam nữa".
Sau 11 năm 25 ngày kêu oan, bị can Phạm Duy Lăng thừa nhận hành vi phạm tội giết người trong phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, được mở lại vào hôm 29/4/2020. Truyền thông trong nước tường thuật rằng bị can Phạm Duy Lăng đã lý giải về việc kêu oan, chối bỏ tội lỗi gây ra là do sợ nhận mức án tử hình.
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên án 11 năm và 25 ngày tù giam sau khi Phạm Duy Lăng nhận tội giết người. Thời hạn tuyên phạt tù bằng với thời gian đã tạm giam bị can Phạm Duy Lăng trước đó.
Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 15/5 xác nhận với RFA rằng Phạm Duy Lăng đã nhận tội sau hơn 11 năm kêu oan là do bị áp lực bởi sự thỏa hiệp. Luật sư Phạm Công Út trình bày chi tiết :
"Phạm Duy Lăng ra tòa kêu oan. Kêu oan xong rồi họ biệt giam. Biệt giam cho đến giai đoạn phúc thẩm, kéo dài trong nhiều năm đến bây giờ mới xử. Và có một sự thỏa hiệp rằng đừng kêu oan nữa mà ra tòa hãy nhận tội và tòa sẽ xử bằng thời hạn tạm giam 11 năm 25 ngày.
Phạm Duy Lăng bị bắt lúc 19 tuổi. Bây giờ 11 năm rồi, đã mất tuổi thanh xuân trong tù mà còn tiếp tục kêu oan nữa là chỉ có chết thôi. Thế nên nhận tội và khi ra tòa thì Phạm Duy Lăng, thứ nhất phải từ chối hết tất cả gần 10 luật sư bào chữa thiện nguyện miễn phí và thứ hai là nhận tội mặc dù trước đó gia đình quyết liệt kêu oan".
Luật sư Phạm Công Út lưu ý, theo hồ sơ cáo trạng của vụ án thì nguyên nhân dẫn đến nạn nhân Trương Thanh Thức bị tử vong là do bị chấn thương sọ não bởi một cái chày đâm tiêu đập vào đầu. Do đó, bị can Phạm Duy Lăng thừa nhận tại phiên tòa hôm 29/4 về hành vi đá vào đầu nạn nhân 2,3 cái gây ra tử vong cho nạn nhân hoàn toàn không giống như ghi trong cáo trạng.
Theo quy định pháp luật, bản án được tuyên tại phiên tòa ngày 29/4/2020 sẽ có hiệu lực, nếu như trong vòng 15 ngày bị can Phạm Duy Lăng không kháng cáo.
Thế nhưng, Đài RFA nhận được tin báo rằng gia đình của Phạm Duy Lăng đã liên lạc với các luật sư để nhờ giúp đỡ pháp lý về kháng cáo liên quan bản án mới nhất vừa được tuyên hôm cuối tháng 4.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, vào tối ngày 14/5 cho RFA biết thông tin liên quan.
"Trước ngày tuyên phán quyết đối với Hồ Duy Hải, mẹ của Phạm Duy Lăng đã thống nhất với tôi là ký vào đơn kháng cáo phúc thẩm. Tuy nhiên đến ngày cuối cùng sau khi tòa giám đốc thẩm đó tuyên bố phán quyết (đối với Hồ Duy Hải) thì gia đình họp lại và quyết định không kháng cáo và không chống án nữa. Vì họ sợ rằng sẽ bị bắt. Sự lo sợ này là có thực vì trên thực tế nếu như Phạm Duy Lăng kháng cáo và Viện Kiểm sát kháng nghị thì có thể trong quá trình xử họ sẽ bắt lại".
Không phải ngẫu nhiên Luật sư Ngô Anh Tuấn đề cập đến thời điểm xét xử giám đốc thẩm vụ án "giết người", "cướp tài sản" của Hồ Duy Hải. Tại vì, gia đình của Phạm Duy Lăng cũng trông đợi công lý được thực thi qua phiên giám đốc thẩm đối với tử tù Hồ Duy Hải và cũng là động lực cho gia đình của Phạm Duy Lăng theo đuổi, tìm công lý cho con trai của họ. Kết quả phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã làm họ nản lòng và chùn bước.
Luật sư Phạm Công Út khẳng định với RFA rằng không chỉ trường hợp của Phạm Duy Lăng mà tại Việt Nam, những sự thoả hiệp phía sau phiên tòa như thế xảy ra rất nhiều và việc kháng cáo, kháng nghị không hề đơn giản.
"Còn có nhiều vụ nữa và nếu cần thiết thì thân chủ của tôi đứng ra lên tiếng rằng tôi phải thỏa hiệp, nếu không thì tôi sẽ bị thế này thế nọ…Bởi vì họ hăm dọa. Tôi có rất nhiều thân chủ kêu oan rồi cuối cùng phải chấp nhận thỏa hiệp. Nhiều lắm. Không phải là ít đâu".
Vào hôm 7/5, ngày thứ hai diễn ra phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Luật sư Phạm Công Út nhận định với RFA rằng việc xét xử vụ án Hồ Duy Hải là "một bài toán nan giải". Vị luật sư này lập luận không loại trừ khả năng vụ án Hồ Duy Hải cũng được dàn xếp, thỏa hiệp cách nào đó tương tự trường hợp Phạm Duy Lăng.
Sau một tuần Tòa án nhân dân Tối cao tuyên bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Đài RFA nêu câu hỏi với Luật sư Phạm Công Út rằng sẽ có một sự dàn xếp hay thỏa hiệp nào đối với vụ án Hồ Duy Hải, sau khi luật sư đại diện Trần Hồng Phong, vào hôm 14/5, trưng ra thêm chứng cứ mới của vụ án Hồ Duy Hải ? Luật sư Phạm Công Út trả lời RFA :
"Nếu vụ án bình thường có 100 tình tiết mới để minh oan thì người ta cũng không thèm ngó tới. Họ chỉ trả lời với một văn bản rằng không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm. Dập tắt mọi hy vọng. Nhưng riêng vụ Hồ Duy Hải thì chỉ cần một tình tiết mới thôi và người ta chờ đợi một tình tiết mới nào đó thuyết phục để người ta xét xử lại.
Bây giờ không thể nào giám đốc thẩm lần thứ hai, để xoa dịu bằng cách lật ngược lại bản án giám đốc thẩm ngày 8/5 vừa rồi, thì họ sẽ dùng biện pháp khác và tôi nghĩ rằng họ sẽ tái thẩm".
Luật sư Phạm Công Út bày tỏ trước áp lực gay gắt và dữ dội của công luận liên quan phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ông có niềm tin rằng Quốc hội sẽ kháng nghị tái thẩm và trong bối cảnh Đại hội Đảng XIII sắp diễn ra, Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ can thiệp qua yêu cầu giám sát vụ án Hồ Duy Hải.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng từng chia sẻ với RFA về niềm tin tương tự. Tuy nhiên, Luật sư Ngô Anh Tuấn vào tối hôm 14/5 thừa nhận rằng niềm tin đó của ông đã bị rơi rụng nhiều và hiện tại ông chỉ dám hy vọng vào sự can thiệp của Quốc hội, trước kiến nghị của các Đại biểu quốc hội, của cử tri và cả công luận trong và ngoài nước liên quan sự sống chết của thanh niên Hồ Duy Hải.
Trong khi số phận của tử tù Hồ Duy Hải chưa biết sẽ ra sao, nhiều người dân tại Việt Nam lo ngại rằng họ không biết "sống và làm theo pháp luật" như thế nào khi mà những vị thẩm phán của Tòa án nhân dân Tối cao tuyên bố kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và phát biểu của các Đại biểu quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải không đúng luật.
*********************
Kiến nghị đòi công lý cho Hồ Duy Hải và cho cả nền tư pháp Việt Nam !
Diễm Thi, RFA, 14/05/2020
Một bản kiến nghị đòi công lý cho Hồ Duy Hải vừa được công khai trên mạng xã hội tối 14/5/2020. Bản kiến nghị không chỉ lên tiếng cho sinh mạng một con người, mà còn lên tiếng cho cả nền tư pháp Việt Nam hiện nay.
Biểu tượng cán cân công lý AFP
Lên tiếng cho Hồ Duy Hải…
Kiến nghị được gởi đến ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước ; bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội ; bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cùng các Đại biểu quốc hội.
Ngoài ra, kiến nghị được gửi đến đại diện nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cũng như các vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, một trong những người tham gia soạn thảo kiến nghị cho biết, bản kiến nghị được gửi tới tay các vị lãnh đạo cùng lúc bằng email và bản cứng qua đường bưu điện. Ngoài ra, bản kiến nghị được công bố trên không gian mạng kèm đường link ký tên để đánh động dư luận, để mọi người bày tỏ thái độ của mình. Đây chính là sức mạnh của xã hội dân sự. Ông nói thêm :
"Chúng tôi gửi như vậy vì Việt Nam bây giờ mở cửa, mà việc mở cửa làm ăn với các nước khác, đặc biệt ở Âu Mỹ thì việc tuân thủ pháp luật không chỉ trong nước mà còn những nguyên tắc luật pháp phổ quát là hết sức quan trọng. Chúng tôi nhìn vụ án Hồ Duy Hải trong chiều hướng như vậy. Do đó, đối tượng để chúng tôi gửi kiến nghị đến rộng hơn rất nhiều.
Trước đây đã có một kiến nghị và tôi cũng đã ký, nhưng kiến nghị đó thực chất chỉ phản đối bản án mà thấy là không tuân thủ pháp luật nhưng không đề ra cách giải quyết. Kiến nghị ấy chỉ gửi đến Nhà nước Việt Nam".
Những người soạn thảo và ký tên trên kiến nghị kêu gọi sự chú ý đặc biệt và hành động khẩn cấp về một án tử hình đang diễn ra tại Việt Nam, vụ án Hồ Duy Hải, bởi quá trình điều tra và xét xử vụ án đã đặt ra nhiều nghi vấn và gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Sau khi trình bày các mốc chính vụ án Hồ Duy Hải từ năm 2008 đến nay, kiến nghị nêu ra bốn đề nghị. Trong đó hai đề nghị đầu tiên gồm : Thứ nhất, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải ; thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm. Nếu phát hiện sai sót nghiêm trọng, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các thành viên Hội đồng thẩm phán, bầu chánh án và phê chuẩn các thẩm phán mới.
Tiến sĩ Hoàng Dũng giải thích :
"Nếu theo khuôn khổ luật pháp Việt Nam thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu tòa tối cao xử lại. Nhưng thế thì cũng triệu tập mấy ông cũ xử lại. Khó mà tưởng tượng mấy ông đó thay đổi quan điểm trong một sớm một chiều.
Phải bầu chánh án mới, phê chuẩn các thẩm phán mới thì phiên tòa mới mới thoát khỏi cái ám ảnh của vụ cũ. Họ mới có đủ điều kiện khách quan để cân nhắc chứng cứ và xử lại.
Để làm chuyện đó thì đầu tiên chúng tôi kiến nghị Chủ Tịch nước cho tạm dừng thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải. Điều đó nằm trong quyền hạn của Chủ tịch nước, sau đó thì xử lại.
Xin lưu ý, chúng tôi không hề nói Hồ Duy Hải có tội hay vô tội mà là do họ vi phạm rõ ràng các nguyên tắc tố tụng hình sự, tức là pháp luật hình thức".
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải Photo : Nguoiviet
Năm 2014, chỉ một ngày trước khi bản án tử hình được thi hành, Chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang đã ra lệnh tạm dừng tử hình Hồ Duy Hải. Dư luận cho rằng đó là do áp lực từ cả công chúng ở Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Tối 14 tháng 5 năm 2020, chị Nguyễn Hoàng Ánh, một người trong nhóm lên tiếng cho Hồ Duy Hải lúc đó, cũng là một trong những người nêu ý tưởng thành lập kiến nghị lần này nói với RFA từ Hà Nội :
"Lúc đó bọn mình có làm cái petition online. Mình cũng có một số liên lạc với các cơ quan bảo vệ nhân quyền để yêu cầu giúp đỡ. Lần trước chúng tôi cũng yêu cầu là ngưng án tử hình và phải xử lại. Chúng tôi không chấp nhận phiên tòa đấy.
Lúc đó không hẳn chỉ có nhóm bọn tôi. Có khá nhiều nhóm lên tiếng. Chúng tôi chỉ khác là có ‘yếu tố nước ngoài’, tức là có sự tham gia của các Việt kiều và chúng tôi có gửi đến Ân xá Quốc tế, đại diện EU ở Việt Nam…
Chúng tôi nghĩ chắc chắn lúc đó có tác động của dư luận. Nếu không thì không có kết quả như vậy".
…cũng là cho nền tư pháp Việt Nam
Ngay sau phiên giám đốc thẩm, dư luận trong và ngoài nước lên tiếng không chỉ vì sinh mạng Hồ Duy Hải mà còn vì nền tư pháp Việt Nam.
Hôm 14 tháng 5, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện và đại biểu Lê Thanh Vân đã gửi báo cáo kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải.
Theo ông Nhưỡng, việc làm của ông là nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước, giữ gìn uy tín của đảng, Nhà nước và hoạt động xét xử, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân và quán triệt quan điểm, thái độ của tòa án nhân dân, các cơ quan hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu nhận định của mình :
"Trong những vị Đại biểu quốc hội lên tiếng thì ông Lưu Bình Nhưỡng là luật sư, ông Trương Trọng Nghĩa cũng là luật sư. Họ lên tiếng phản đối tức họ đứng không chỉ với nhiệm vụ Đại biểu quốc hội mà họ còn đứng ở góc độ luật sư, họ hiểu chuyên môn. Pháp luật văn minh phải là "thà tha lầm còn hơn giết oan".
Nếu vụ xử này mà họ bất chấp pháp luật, bất chấp luật tố tụng hình sự mà kết án tử hình một người như thế, có nghĩa mọi người dân Việt Nam đều là những tử tù dự bị. Nhận thức vấn đề như vậy mà chúng ta cần phải lên tiếng.
Lên tiếng cho sinh mạng một người đã đành mà là cả nền tư pháp Việt Nam tác động đến toàn dân thì càng cần phải lên tiếng"
Ông nói thêm rằng, với hệ thống tư pháp hiện nay, muốn xét xử lại vụ án Hồ Duy Hải một cách công minh thì phải bãi nhiệm các vị trong Hội đồng thẩm phán để thay các vị khác. Đó là suy luận logic. Nhưng trong tình hình chính trị Việt Nam hiện nay thì đó là chuyện kinh thiên động địa chứ không dễ.
Cũng với quan điểm phải thay đổi nền tư pháp Việt Nam hiện nay với những phiên tòa bị coi như trò hề, như vở kịch tồi…chị Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét :
"Chúng tôi nghĩ rằng nền tư pháp của Việt Nam đang cần rất nhiều sự cải tiến. Phía chính quyền chỉ cần lắng nghe thì sẽ có những động thái nhất định nào đó. Tức là chúng tôi muốn góp ý để cho hệ thống tư pháp phải sửa sai. Những bản án khác thì có cơ hội sửa sai chứ án tử hình thì không có cơ hội sửa sai nữa.
Tòa án xử vậy chúng tôi thấy có bất công, không hẳn chỉ vì số phận của Hải mà nó vì nền tư pháp nói chung của Việt Nam. Mình chỉ muốn một phiên tòa công bằng cho trường hợp này cũng như những trường hợp sau này".
Chị cho biết nhóm của chị khá kỳ vọng với kết quả của bản kiến nghị lần này, ít nhất là với đề nghị tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, như năm 2014. Theo chị, chính quyền Việt Nam hiện nay cũng khá là nghe dân. Những vấn đề không liên quan đến chính trị thì ý kiến của người dân được lắng nghe hơn so với trước.
[Link để ký tên vào Kiến nghị : https://tinyurl.com/petitionhoduyhai]
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 14/05/2020
******************
RFA, 14/05/2020
Nền tư pháp Việt Nam bị lung lay nếu Quốc hội không lắng nghe đại biểu và cử tri về vụ án Hồ Duy Hải
Hai Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng gửi văn bản kiến nghị đến Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải. RFA Edited
Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, vào ngày 12/5 gửi văn bản kiến nghị Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân Tối cao trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Trong văn bản vừa nêu, Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân xác nhận kiến nghị này được đưa ra bởi do ông nhận thấy phiên giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải, diễn ra trong 3 ngày từ ngày 6 đến ngày 8/5, có "dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng".
Tiếp theo đó, vào ngày 13/5, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi văn bản đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với đề nghị bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo vụ việc Hồ Duy Hải tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội ; đồng thời tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với vụ án này.
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, trong văn bản kiến nghị, cho rằng Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tự đặt ra một quyền năng trên cả luật do Quốc hội ban hành, qua trưng dẫn Điều 388 Bộ luật Tố tụng hình sự (năm 2015). Ông Lưu Bình Nhưỡng ghi rõ "Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng cả về chính trị và pháp lý", và không có quy định nào cho phép Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phán quyết về việc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đúng hay không đúng pháp luật.
Truyền thông trong nước cũng loan tin cử tri quận 9 và quận Thủ Đức, tại cuộc tiếp xúc với tổ Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai ngày 12 và 13/5 đã kiến nghị Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm, can thiệp, xem xét lại một cách thấu đáo, đúng pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương mại, lên tiếng với RFA rằng kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải của các vị Đại biểu quốc hội cho thấy họ đã làm đúng chức năng thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội. Ông Lê Văn Triết bày tỏ :
"Khi nghe Đại biểu quốc hội phát biểu và tôi cũng được nghe những tiếng nói của dư luận chung thì tôi thấy họ rất là quan tâm. Tôi cũng nhìn thấy ngay trong những người lãnh đạo Quốc hội, hay những người trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, họ cũng có những chuyện bàn tán với nhau và có vẻ đồng tình. Nhưng giải pháp như thế nào thì đó là vấn đề thuộc về pháp lý, thuộc về luật pháp. Tôi không có điều kiện nghiên cứu nên tôi không nắm chắc được ra sao hết. Nhưng tôi biết là nhiều người quan tâm lắm, làm dấy lên dư luận xã hội làm cho cả nước quan tâm, chứ không phải trong hội trường Quốc hội".
Từ Hà Nội, vào tối hôm 14/5, Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ quan điểm của ông trước những kiến nghị và đề nghị của Đại biểu quốc hội cùng cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh :
"Tôi nghĩ là những lời nói của Đại biểu Quốc có giá trị nhất định. Có thể trong tình huống này thì ngay cả Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chú tâm đến. Tôi nghĩ rằng sắp tới bên Ủy ban Tư pháp Quốc hội họ cũng sẽ có kiến nghị về việc này. Vụ án này sẽ được lật lại. Tôi nói rằng niềm tin của tôi bị rơi rụng khá là nhiều, cho nên tôi nói là tôi chỉ hy vọng thôi. Hy vọng rằng điều này sẽ được xem xét".
Trước ngày thứ 3 là ngày cuối cùng của phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Luật sư Ngô Anh Tuấn từng khẳng định với RFA rằng ông có niềm tin bản án sẽ được tuyên hủy bỏ. Tuy nhiên, vào lúc này thì Luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh rằng dù niềm tin không còn nhưng ngày nào Hồ Duy Hải còn sống thì vẫn còn hy vọng.
"Trước đây, tôi đã từng nói là tôi tin nhưng mà không đúng. Do đó hôm nay, tôi chỉ nói là tôi hy vọng chứ không dám nói là tôi tin nữa".
Phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải được kết thúc với kết quả 17 thẩm phán trong Hội đồng thẩm thán đồng nhất biểu quyết bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Kháng nghị yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã xét xử bị cáo Hồ Duy Hải về các tội "giết người" và "cướp tài sản" để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Đài RFA ghi nhận giới luật sư, các nhà báo, giới nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đồng loạt phản biện lại kết quả của phiên tòa giám đốc thẩm đối với bản án tử tù Hồ Duy Hải.
Điển hình, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu vào ngày 10/5 đăng tải trên trang Facebook cá nhân một bài viết với nội dung khẳng định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, qua phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đã giáng một đòn chí mạng lên uy tín nền tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cho rằng đây là lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thể hiện trách nhiệm vì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã coi thường pháp luật tố tụng hình sự, trình độ kém, không độc lập, không công tâm, phá bỏ các chuẩn mực nền tảng của giáo dục và làm phương hại đến uy tín của nền tư pháp Việt Nam.
Luật sư Ngô Anh Tuấn khẳng định rằng uy tín của nền tư pháp Việt Nam sẽ bị lung lay một cách dữ dội, nếu như Quốc hội không lắng nghe và xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải.
"Đó sẽ là một sư lung lay lớn đối với niềm tin pháp lý, đặc biệt đối với những người có am hiểu và kiến thức về mặt pháp lý. Bởi vì họ nhận thấy có những sai phạm rất lớn mà không được xem xét một cách khách quan và đầy đủ tại một phiên tòa công khai ở tầm cao nhất của quốc gia. Thế thì việc đó khiến cho giới trí thức, giới tinh hoa trong xã hội bị mất niềm tin và người dân nhìn vào đó càng mất niềm tin hơn".
Nhà văn Phạm Đình Trọng cảm thấy thật sự rất thất vọng về kết quả phiên giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải. Vào ngày 9/5, ông viết trên trang Facebook cá nhân rằng phiên tòa này là một phiên tòa nhục nhã, với kết luận "chính quyền không vì người dân, pháp luật không vì công lý, một cuộc chiến tranh đang âm thầm và khốc liệt diễn ra trong đạo đức xã hội sẽ còn gây ra nhiều cái chết oan cho người dân mang thân phận con ong cái kiến, thấp cổ bé họng".
Mặc dù vậy, vào tối ngày 14/5, qua những diễn tiến liên quan vụ án Hồ Duy Hải như Luật sư Trần Hồng Phong trưng ra bằng chứng mới của vụ án, hay kiến nghị của Đại biểu quốc hội và cử tri về vụ án này, Nhà văn Phạm Đình Trọng nói với RFA rằng ông chắc chắn Quốc hội phải thực hiện trách nhiệm, bởi vì như thế là cứu lấy chính nền tư pháp, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà văn quả quyết nếu như Quốc hội làm ngơ, không vào cuộc thì hệ quả thật sự là nghiêm trọng :
"Nếu Quốc hội mà lại tối tăm mà không can thiệp thì ảnh hưởng sẽ rất nặng nề. Bởi vì, vụ án này là vụ án không chỉ giết Hồ Duy Hải. Nếu tuyên án tử hình Hồ Duy Hải thì chính là tuyên án tử hình công lý, công bằng của chế độ này. Và một chế độ mà nền công lý, nền công bằng đã bị tuyên án tử hình thì tức là tuyên án cả chế độ, cả xã hội, cả thế chế rồi".
Niềm tin nội tâm
Huy Đức, 09/05/2020
Công lý và số phận của Hồ Duy Hải có phải đã là ưu tiên quan trọng nhất ? "Y án" không đơn giản chỉ để cứu uy tín chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình (khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ông đã từ chối kháng nghị). Bằng phán quyết này, thành tích "phá trọng án" của cơ quan điều tra 12 năm trước được bảo vệ ; nền tư pháp không phải ghi thêm một án oan vào sổ đen…
17 vị tối cao thẩm phán biết rõ bằng chứng để buộc tội Hồ Duy Hải là có rất nhiều điểm khá mù mờ.
Trong lịch sử tố tụng của nước ta, hung thủ của các vụ án mạng nghiêm trọng gần như đều nhanh chóng bị bắt. Tiền thưởng, huân chương, sao gạch… nhanh chóng được ban phát. Oan sai gần như chỉ được phát hiện khi "nạn nhân" từ "cõi chết trở về" [trường hợp em Tỏ ở Tiền Giang] hoặc hung thủ thật ra đầu thú [như trong vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và "bảy thanh niên nhận tội giết người ở Sóc Trăng" gần mười năm trước].
Chúng ta không biết rõ ai là thủ phạm. Nhưng, 17 vị tối cao thẩm phán biết rõ bằng chứng để buộc tội Hồ Duy Hải là có rất nhiều điểm khá mù mờ. Nhiều bằng chứng được thu thập theo cách vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Một khi có thể mua một con dao ngoài chợ thay thế tang vật, việc khiến cho một bị can cung khai trôi chảy một kịch bản giết người chẳng phải khó khăn gì.
Giá như các vị đừng ngồi trên cái ghế có nhiều hệ lụy như thế mà thử đặt mình trong vị trí của các dự thẩm, tôi nghĩ, các vị sẽ không dám tuyên như vậy. Các vị đã đưa ra một phán quyết rất có giá trị chính trị nội bộ ; nhưng đêm nay, nếu không đi uống rượu, các vị thử gác tay lên trán, tự hỏi xem đó có phải là một phán quyết dựa trên pháp luật và niềm tin nội tâm của quý vị không.
Chúng tôi không đủ cơ sở để nói Hồ Duy Hải là vô tội. Nhưng chúng tôi cần được chứng kiến một phiên tòa công khai, nơi, công tố viên thuyết phục hội đồng xét xử bằng những chứng cứ thuyết phục. Thuyết phục trong trường hợp Hải được tuyên vô tội ; thuyết phục ngay cả trong trường hợp Hải bị tuyên có tội.
Hủy án khi không đủ bằng chứng để kết tội ai đó không phải là sự thất bại của một nền tư pháp mà là sự chiến thắng của công lý. Ngay cả trong các nền tư pháp trưởng thành không phải mọi trọng án đều được tìm ra hung thủ. Tuyên bố vô tội cho một nghi phạm không có có nghĩa là các cơ quan tố tụng tuyên bố đầu hàng. Bởi, tuyên bố đó xác nhận hung thủ vẫn ngoài vòng pháp luật và các cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục thi hành phận sự. Mười năm ngồi tù oan của những bị án oan như ông Nguyễn Thanh Chấn là 10 năm tự do có thể gây án của những hung thủ thật.
Các vị có còn để cho niềm tin nội tâm của mình vận hành không. Một phán quyết như vụ Hồ Duy Hải, nếu oan, không chỉ làm tan nát một gia đình mà còn cấp thủ tục pháp lý cho hung thủ thật (nếu có) tự do gây án ngoài xã hội. Một phán quyết như vụ Hồ Duy Hải không những không có khả năng chấm dứt tranh cãi mà còn xói mòn hơn niềm tin của dân chúng vào khả năng cung cấp công lý của nền tư pháp vốn có rất nhiều khiếm khuyết này.
Huy Đức
Nguồn : facebook.com/Osinhuyduc
*******************
Một vài suy nghĩ về vụ án Hồ Duy Hải
Võ Văn Tài, 09/05/2020
Mấy ngày nay, dư luận rất quan tâm về diễn biến của phiên tòa xét xử giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải. Với những thông tin mà báo chí đăng tải, tôi dự đoán rằng Hội đồng giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao sẽ hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm để trả hồ sơ về cấp sơ thẩm tiến hành điều tra, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung. Nhưng không phải vậy. Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ kháng nghị giám đốc của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tôi nghĩ, quyết định trên làm không ít người phải ngỡ ngàng.
Điều tra viên nhờ nhân chứng ra chợ mua 01 con dao, 01 cái thớt và yêu cầu bị can vẽ lại hình dáng con dao rồi cho bị cáo nhận dạng hung khí mà bị cáo sử dụng giống như đồ mua ngoài chợ về
Có thể tóm tắt Quyết định giám đốc thẩm gồm ba vấn đề : Tuy vụ án (chính xác là quá trình điều tra) có sai sót và vi phạm tố tụng, nhưng sai sót và vi phạm trên không làm thay đổi bản chất của vụ án ; việc cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải về tội giết người (giết 02 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi) là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật ; Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của bị cáo và quyết định trên đang có hiệu lực, pháp luật cũng không quy định khác nên Kháng nghị đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là trái luật.
Quyết định của Hội đồng xét xử cho thấy rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ. Tuy không được trực tiếp xem hồ sơ, nhưng qua theo dõi vụ án từ 2014 (thời điểm hoãn thi hành án tử hình bị cáo Hải) đến nay, tôi thấy khá rõ ràng sự vi phạm nghiêm trọng của Cơ quan điều tra ở khâu khám nghiệm hiện trường, khâu thu giữ vật chứng, dấu vết liên quan đến việc chứng minh người phạm tội và ở các hoạt động điều tra khác như sau :
- Thứ nhất : Tại hiện trường vụ giết 02 nạn nhân có con dao và cái thớt nhưng không hiểu vì lý do gì mà người chủ trì khám nghiệm lại không thu giữ ? Đấy là những vật chứng đặc biệt quan trọng, nó giúp cho Cơ quan điều tra Long An kết luận chính xác là nạn nhân bị giết bởi hung khí gì, và giúp cho truy ra hung thủ dễ dàng nếu thu được mẫu vân tay trên hung khí đó. Sau khi bắt Hồ Duy Hải, Cơ quan điều tra quay lại hiện trường tìm hai loại hung khí trên thì muộn màn. Để lấp liếm (vì sai sót đó là không thể khắc phục) cho sai sót "chết người", Điều tra viên nhờ nhân chứng (tư cách nhân chứng này cũng chưa đúng, quý vị xem lại định nghĩa về nhân chứng quy định tại Điều 66 Bộ luật hình sự tố tụng nhé) ra chợ mua 01 con dao, 01 cái thớt và yêu cầu bị can vẽ lại hình dáng con dao rồi cho bị cáo nhận dạng hung khí mà bị cáo sử dụng giống như đồ mua ngoài chợ về, từ đó cơ quan tố tụng kết luận hung khí mà bị cáo dùng để giết người có hình dạng như thế.
Xin thưa quý tòa, theo Điều 190 Bộ luật hình sự tố tụng 2015 (Bộ luật hình sự tố tụng 2003 cũng như vậy) quy định, khi cho người phạm tội tiến hành nhận dạng đồ vật thì các vị phải đưa ra ít nhất là 03 đồ vật, như vậy phải đưa ra ít nhất là 03 con dao và 03 cái thớt khác nhau mới đúng quy định nhé. Cơ quan điều tra chỉ đưa ra 01 vật duy nhất là không đúng quy định. Việc tiến hành cho nhận dạng sai quy trình sẽ làm cho Biên bản nhận dạng không có giá trị chứng minh. Vì vậy, đến hôm nay, quý tòa cũng không có cở sở để kết luận nạn nhân bị giết bởi hung khí có hình dáng chính xác như thế nào.
- Thứ hai : Về mẫu máu thu tại hiện trường, nghi máu của hung thủ nhưng Cơ quan điều tra không trưng cầu giám ngay, để mấy tháng sau khi mẫu máu bị hư hoại mới trưng cầu làm cho kết quả giám định không có tác dụng gì cả. Việc sai phạm này dẫn đến hệ lụy là chúng ta không loại trừ được phán đoán nghi ngờ rằng hung thủ giết hai nạn nhân là một người khác.
- Thứ ba, có nhân chứng khai trước khi hai nạn nhân bị giết, có thấy một thanh niên ngồi trong Bưu điện xem điện thoại, nhân chứng mô tả dáng người thanh niên giống như bị cáo không có nghĩa người thanh niên ấy là bị cáo. Và Cơ quan điều tra không cho nhân chứng nhận dạng bị cáo Hải là một sai lầm rất nghiêm trọng nữa. Nguyên tắc tố tụng hiện đại không chấp nhận kiểu suy luận mang tính chủ quan của người tiến hành tố tụng, là chỉ cần sự mô tả của nhân chứng về tướng mạo hung thủ rồi đi tìm coi ai có đặc điểm tương tự như thế rồi suy ra người đó là hung thủ. Kiểu suy luận này không thể tồn tại ở các quan tòa thời hiện đại. Rồi quý tòa cho rằng tuy có sai phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án ? Xin thưa quý tòa, không làm thay đổi bản chất vấn đề ở đây là có vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi vào ngày giờ như thế, nạn nhân là 02 nữ nhân viên Bưu điện, còn ai là hung thủ thì cơ quan tố tụng phải chứng minh với tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng, toàn diện, khách quan và luôn tuân theo pháp luật nhé.
- Thứ tư, quý tòa cho rằng bị cáo thừa nhận đã dùng dao và thớt giết nạn nhân, người dọn dẹp Bưu điện cũng thừa nhận có con dao và cái thớt hình dáng như vậy và khám nghiêm tử thi cho thấy nạn nhân có vết thương do vật sắc và vật cứng gây ra ; bị cáo khai có nhờ 01 nạn nhân đi mua trái cây, qua xác minh người bán trái cây thời điểm đó thừa nhận có chị V đến mua trái cây ; và bị cáo khai có đi đến địa điểm tiêu thụ tài sản là đúng, vì chỉ bị cáo có khai nên Cơ quan điều tra mới xác định được địa điểm ấy… Bị cáo khai báo "trùng khớp" với các tình tiết, chứng cứ mà Cơ quan điều tra thu thập được, vậy hung thủ giết người là bị cáo. Lập luận này tôi thấy quá đơn giản, đặc biệt trong thời điểm 2010, khi mà tình trạng dùng nhục hình rất nhức nhối trong thực tế điều tra. Chắc quý tòa không quên vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long… và đặc biệt là vụ 07 người Khơ-me ở Sóc Trăng chứ ? Bảy con người vô tội đó tự nhiên bị bắt và khởi tố về tội giết người (nạn nhân là anh Lý Văn Dũng), hồ sơ do Điều tra viên xây dựng "đẹp" đến không có một chỗ nào mâu thuẫn, cho đến khi 02 đứa bé gái đến tự thú mình là hung thủ mới tả hỏa ra do Điều tra viên làm sai lệch sơ vụ án. Tôi không dám nói vụ án này có vấn đề như thế. Nhưng nếu Điều tra viên muốn làm cho người đang bị bắt khai sao cho trùng khớp với các nội dung khác thì không mấy khó khăn. Đồng thời, những tình tiết mà quý tòa tin rằng hung thủ đúng là Hồ Duy Hải đều là những chứng cứ gián tiếp. Phải chi đây chỉ là vụ án ít nghiêm trọng, bị cáo chỉ bị phạt vài tháng tù, đằng này là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị tuyên tử hình nhưng chỉ với những chứng cứ gián tiếp như vậy thì không thể thuyết phục được dư luận và có gì đó giống như là một sự phiêu lưu không hơn, không kém ?
- Thứ năm, Hội đồng xét xử cho rằng khi Quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với bị cáo đang có hiệu lực thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không có quyền kháng nghị là chưa có tiền lệ và luật cũng không có quy định rõ về vấn đề này.
Để lý giải vấn đề Viện trưởng (hoặc Chánh án) tối cao có được ban hành kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp như thế hay không thì phải quay về lý luận cơ bản của tố tụng hình sự. Theo Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Bộ luật hình sự tố tụng, thì Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử đối với tất cả tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam, và cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cấp xét xử này có quyền xét lại tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật trong cả nước. Khi thực hiện nhiệm vụ, các thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử được độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật với những quyết định của mình. Như vậy, cơ quan chịu trách nhiệm xét xử đúng người, đúng tội là Tòa án, không phải Chủ tịch nước. Đối với những bị cáo bị tuyên tử hình và bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì thủ tục bắt buộc sau đó là Viện trưởng, Chánh án tối cao phải ra quyết định không kháng nghị vụ án theo trình tự giám đốc hoặc tái thẩm, nhưng Chủ tịch nước thì không bắt buộc trong mọi trường hợp phải có Quyết định bác đơn xin ân giảm của bị cáo, và Luật thi hành án cũng không bắt buộc phải có quyết định trên của Chủ tịch nước trong hồ sơ thi hành án tử hình.
Rõ ràng thủ tục trên không thể được xem là một thủ tục trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động xét xử, đối với quyết định không kháng nghị của Chánh án và Viện trưởng như là một sự kiểm tra và kết luận rằng đã xét xử đúng người, đúng tội, không oan sai ; còn Chủ tịch nước quyết định bác hay chấp nhận đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của bị cáo chỉ như là một hoạt động mang tính nhân đạo, quyết định của Chủ tịch nước không phải là sự đảm bảo rằng Tòa án đã xét xử có đúng đắn hay không.
Đồng thời, trong Bộ luật hình sự tố tụng quy định, khi nhận thấy có sự sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật hoặc có vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự và có lợi cho bị cáo, thì Chánh án hoặc Viện trưởng tối cao phải thực hiện trách nhiệm kháng nghị giám đốc thẩm để xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật ; luật tố tụng hình sự cũng không ràng buộc là có Quyết định của Chủ tịch nước thì không được kháng nghị. Vì vậy, theo tôi việc Viện trưởng tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải trong trường hợp nói trên là không vi phạm thẩm quyền trong tố tụng.
Khi pháp luật chưa quy định rõ ràng, hoạt động điều tra thì vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ buộc tội thì không vững chắc nhưng quý tòa suy luận và áp dụng theo hướng bất lợi và giữ nguyên bản án tử hình đối với bị cáo là vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội. Tôi không hiểu quý tòa căn cứ vào điều gì để cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội? Phải chăng quý tòa chỉ dựa vào một loại sản phẩm tinh thần "xa xỉ" là niềm tin nội tâm ?
Võ Văn Tài
Nguồn : Fb Võ Tòng
********************
Pháp luật không vì công lý
Phạm Đình Trọng, 09/05/2020
Chính quyền vì người dân và pháp luật vì công lý là hai thành tố cơ bản nhất, quyết định nhất tạo nên nền tảng bền vững của một xã hội, một nhà nước, một thể chế.
Tuyên y án tử hình với Hồ Duy Hải, phiên tòa giám đốc thẩm ngày 8/5/2020 chà đạp lên công lý cũng đã tuyên án tử hình với Nhà nước thối nát đã dựng lên phiên tòa giám đốc thẩm bất lương, bất công ngày 8/5/2020.
Tuyên y án tử hình với Hồ Duy Hải, phiên tòa giám đốc thẩm cũng đã tuyên án tử hình với Nhà nước thối nát đã dựng lên phiên tòa giám đốc thẩm bất lương ngày 8/5/2020
Nhà nước thối nát
1. Dùng sức mạnh bạo lực nhà nước đàn áp dân. Chính quyền hèn nhát khoanh tay nhìn giặc bắn giết dân, bình thản nhìn giặc làm chủ lãnh thổ của cha ông để lại ngoài Biển Đông. Nhà nước bạc nhược với giặc xâm lược nhưng lại hùng hổ động binh xuất tướng, xuất quân đánh dân. Huy động cả bộ công an mở chiến dịch lớn do trung tướng thứ trưởng Bộ Công an chỉ huy, điều động cả một trung đoàn cảnh sát cơ động thiện chiến với xe bọc thép, vũ khí điện tử đánh úp thôn xóm nhỏ bé, hiền hòa và người dân lương thiện ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Đang đêm cảnh sát vũ trang phá cửa, xông vào nhà dân, bắn chết cụ Lê Đình Kình 84 tuổi đời, gần 60 tuổi cộng sản ngay trên giường ngủ. Chỉ Nhà nước tận cùng thối nát mới hành xử với dân như vậy.
2. Cả những quan chức cấp cao của đảng cầm quyền, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương đảng, cả bộ máy nhà nước từ trung ương đến điạ phương hối hả cướp bóc của dân, vơ vét của cải, tài nguyên của nước. Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, Ủy viên Trung ương đảng Tất Thành Cang hơn chục năm ngang ngược lộng hành vi phạm pháp luật, cướp đất của dân, phá nát qui hoạch một khu đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á, gây thất thoát hàng ngàn ngàn tỉ đồng tiền của dân của nước, gây nên cái chết thảm cho nhiều người dân, gây tang thương tan nát cho nhiều gia đình, đẩy hàng trăm ngàn người dân vào cuộc sống vất vưởng, khốn cùng, đau đớn, không nhà cửa, không gia đình, không đường kiếm sống.
Tội trời không dung, đất không tha, nhưng Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang chỉ bị đảng của Hải và Cang kỉ luật nhẹ như không, cách chức vụ trong đảng mà Hải đã bàn giao cho người khác từ lâu. Còn pháp luật nhà nước thì không dám động đến lông chân hai tên tội phạm kếch xù Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang. Chỉ nhà nước tận cùng thối nát mới diễn ra sự bất công, bất lương ngang nhiên như vậy, mới thao túng, dung dưỡng bọn sâu dân mọt nước và mới khinh bỉ pháp luật, khinh bỉ người dân như vậy.
3. Vụ án hai cô gái ở bưu điện Cầu Voi, Long An, cô Hồng và cô Vân bị giết đêm 13/1/2008 là một vụ án quá đơn giản. Nghi phạm số một của vụ án là một gã trai nghiện ma túy tên Nghị si mê nhan sắc cô Hồng nhưng Hồng đã có người đàn ông của Hồng là Mi Sol. Tuy chưa cưới nhưng họ vẫn thường xuyên công khai ăn ngủ với nhau ở ngay bưu điện Cầu Voi.
Hồ Duy Hải làm sao không bị đòn tra đến phải nhận tội khi những kẻ làm án mờ ám đã thả nghi phạm Nguyễn Văn Nghi và bắt Hải thế mạng !
Tối 13/1/2008, Nghị đến bưu điện Cầu Voi gặp Hồng thì thấy Hồng đang chuyện trò với một người trai trẻ. Nghị hằn học ra ngồi quán cà phê. Với nỗi hằn học, Nghị đã gây sự ở quán cà phê ngay tối đó. Và ngay đêm đó án mạng bưu điện Cầu Voi xảy ra.
Nghị đã bị bắt, đã khai cung. Nhưng vụ việc đơn giản không còn nữa, vụ án trở thành phức tạp, mờ ám, lắt léo khi một loạt bất thường, sai phạm cố tình liên tiếp diễn ra : Nghị bỗng được thả ra và lập tức trốn biệt tăm. Cùng với sự biệt tăm của Nghị là biến mất những vật gây án mang dấu vân tay, dấu máu hung thủ : Cái thớt đập đầu cô Hồng. Con dao cắt cổ cô Hồng. Cái ghế i-nốc phang cô Vân. Cùng với sự biệt tăm của Nghị là biến mất khỏi hồ sơ vụ án những trang hồ sơ về Nghị. Và Hồ Duy Hải bị bắt thế mạng Nghị. Dù các dấu vân tay để lại ở bưu điện Cầu Voi đêm 13/1/2008 không có dấu vết nào trùng với vân tay Hồ Duy Hải.
Cảnh sát điều tra Việt Nam phá án bằng nhục hình ép cung buộc nhận tội đã trở thành bình thường, như là đương nhiên. Báo cáo với Quốc hội, một ông tướng công an đã phải thú nhận chỉ từ tháng 11/2011 đến tháng 9/2014, chưa tới ba năm đã có 226 người bị chết trong các trại giam do công an quản lí. Dù con số thú nhận còn xa lắc xa lơ với sự thật nhưng chưa tới ba năm mà có tới 226 tội phạm và nghi phạm bị tước đoạt mạng sống cho thấy mức độ bạo lực khủng khiếp như thế nào sau cánh cửa trại giam.
Có người chưa bị bắt về nhà tạm giam, chỉ vừa giáp mặt với công an đã bị công an tới tấp vụt dùi cui đánh gãy cổ chết trong đau đớn như ông Trịnh Xuân Tùng bị đánh chết ở bến xe Giáp Bát, Hà Nội ngày 28/2/2011. Nhục hình, ép cung đã dẫn đến muôn vàn những bản án oan khiên mà điển hình là những bản án tử hình oan giáng xuống những dân lành Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long. Hồ Duy Hải làm sao không bị đòn tra đến phải nhận tội khi những kẻ làm án mờ ám đã thả nghi phạm Nguyễn Văn Nghi và bắt Hải thế mạng !
Mọi khuất tất, lắt léo đều hướng vào kẻ nghiện ma túy, kẻ hằn học thất tình và là nghi can rõ nhất của vụ án, nghi can Nguyễn Văn Nghị. Nhưng Nghị đã được cảnh sát điều tra mau lẹ giải thoát và cho biến mất.
Mọi bằng chứng đều gỡ tội cho Hồ Duy Hải. Căn cứ duy nhất buộc tội Hải là lời cung nhận tội của Hải. Lời cung nhận tội bởi nhục hình, ép cung đã dẫn đến nỗi ô nhục của các quan tòa, nỗi ô nhục mang tên Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long. Nay phiên tòa giám đốc thẩm của tòa án tối cao với ông chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng bộ máy 17 cánh tay biểu quyết lại chuốc nỗi ô nhục đó khi 17 cánh tay rô bốt biểu quyết y án tử hình Hồ Duy Hải. Chỉ ở nhà nước tận cùng thối nát mới diễn ra một phiên tòa nhục nhã như vậy.
Những mạng người chết oan
Tôi đã để lại toàn bộ năm tháng tuổi trẻ rực rỡ, quí giá của cuộc đời tôi vào cuộc chiến tranh lê thê, khốc liệt để mang lại chiến thắng cho nhà Nước thối nát này. Tuổi trẻ của tôi đã bị chết oan ức, tức tưởi.
Hàng triệu con trai, con gái phơi phới tuổi xanh đã bỏ xác trong bão lửa ngoài mặt trận, đã bỏ xác trong âm thầm rừng sâu vì sự tồn tại của Nhà nước thối nát này. Cả triệu cái chết oan ức, tức tưởi.
Nhà nước thối nát mới có những tướng cảnh sát như Trần Đại Quang gây ra cái chết đau đớn cho người dân lương thiện là ông Trịnh Xuân Tùng. Mới có ông tướng cảnh sát Tô Lâm gây ra cái chết rùng rợn cho người dân trung thực như cụ Lê Đình Kình. Mới có ông quan tòa như Nguyễn Hòa Bình tuyên bản án tử hình với Hồ Duy Hải
Nhà nước thối nát, chính quyền không vì người dân, pháp luật không vì công lý, một cuộc chiến tranh đang âm thầm và khốc liệt diễn ra trong đạo đức xã hội sẽ còn gây ra nhiều cái chết oan cho người dân mang thân phận con ong cái kiến, thấp cổ bé họng.
Phạm Đình Trọng
(09/05/2020)
****************
Hồ Duy Hải đã không được xem như một con người
Trân Văn, VOA, 09/05/2020
Phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải "giết người", "cướp tài sản" làm nhiều người ngỡ ngàng, thất vọng. Những tâm trạng ấy là tất nhiên nhưng lại chưa… đúng đắn vì ngộ nhận cả về bản chất chế độ cộng sản lẫn đặc điểm tư pháp xã hội chủ nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Loan, thân mẫu tử tù Hồ Duy Hải, từ Long An ra Hà Nội, nhưng không được vào phòng xử án giám đốc thẩm con trai.
Hoạt động của hệ thống tư pháp trong điều tra, truy cứu trách nhiệm và xử lý hình sự dựa trên Luật Tố tụng hình sự và Luật Hình sự. Luật Tố tụng hình sự qui định về thủ tục, cách thức tiến hành điều tra, truy tố, xét xử còn Luật Hình sự qui định về tội danh và hình phạt tương ứng với tội danh và mức độ phạm tội.
Sở dĩ phải có Luật Tố tụng hình sự và phải đặt bộ luật này bên cạnh Luật Hình sự vì đó là cách duy nhất để ngăn chặn các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) khám xét, thu thập bằng chứng, bắt giữ, hỏi cung, truy tố và xét xử bất kỳ ai một cách tùy tiện, xâm hại các quyền căn bản của con người.
Về nguyên tắc, tất cả những vi phạm qui định của Luật Tố tụng Hình sự đều có thể dẫn đến hai hậu quả : Thứ nhất, khiến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trở thành vô hiệu. Thứ hai, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán sẽ bị xử lý vì "vi phạm tố tụng", kể cả phải vào tù.
Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử Hồ Duy Hải là một trong những ví dụ điển hình về "vi phạm tố tụng". Những "vi phạm tố tụng" này trầm trọng đến mức tháng 11 năm ngoái, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị. Ở phiên giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày sáu vấn đề liên quan đến "vi phạm tố tụng" (1).
Phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thừa nhận các "vi phạm tố tụng" nhưng nhận định những "vi phạm tố tụng" ấy không làm thay đổi bản chất vụ án, không hủy các bản án đã tuyên đối với Hồ Duy Hải (2) chính là bằng chứng rất rõ ràng cho thấy, 17 Thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao xem Luật Tố tụng hình sự là rác.
Khi Luật Tố tụng hình sự là rác thì chỉ ngậm ngùi cho số phận của Hồ Duy Hải sẽ là thiếu sót lớn, thậm chí là thiển cận vì ai cũng có thể bị như thế. Đó là thân phận chung của cả trăm triệu công dân Việt Nam. Trên thực tế, Hồ Duy Hải không phải là nạn nhân đầu tiên của việc khinh rẻ các "vi phạm tố tụng".
Nếu Luật Tố tụng hình sự được tôn trọng như phải thế, sẽ không có những cá nhân không phạm tội nhưng vẫn cúi đầu nhận tội vì bị tra tấn, không bị bắt oan, không bị truy tố oan, không bị phạt đủ loại hình phạt từ tù có thời hạn đến chung thân, tử hình, không có những gia đình tan nát. Oan sai không trở thành vấn nạn nghiêm trọng như đã thấy.
Chuyện 17 thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao đồng thanh nhận định những "vi phạm tố tụng" không làm thay đổi bản chất vụ án khi xét lại vụ án Hồ Duy Hải theo trình tự giám đốc thẩm chính là một kiểu tái khẳng định, sẽ còn vô số những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long,...
Đã từng có nhiều Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán của hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa thăng tiến nhờ "vi phạm tố tụng" mà đạt được vô số "thành tích" khi tham gia xử lý hình sự nhiều cá nhân. Đồng bào không phải là công dân với các quyền hiến định, đồng bào, thậm chí đồng chí chỉ là công cụ phục vụ… sự nghiệp cá nhân và đảng !
Phán quyết từ phiên giám đốc thẩm về hai bản án dành cho Hồ Duy Hải của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chính là cam kết tập thể, nó giống như chứng thư, bảo đảm kiểu thăng tiến vừa kể vẫn còn giá trị. Phán quyết ấy có thể làm nhiều triệu người chưng hửng nhưng giúp hàng triệu đồng chí, đồng đội bớt hoang mang, thêm hứng thú.
Nói cách khác, cho dù được chọn tham gia Hội đồng Thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao để tiến hành giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, 17 cá nhân đại diện cao nhất cho tư pháp xã hội chủ nghĩa vẫn chỉ xem Hồ Duy Hải như một loại công cụ và không hề ngán ngại khi cùng nhổ toẹt vào hy vọng của nhiều triệu người : Được nhìn thấy Luật Tố tụng hình sự còn thoi thóp chứ không phải đã mệnh một và sẽ khiến các viên chức trong hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa chùn tay, bớt làm càn.
***
Thật đáng buồn khi phải mường tượng, dường như Hồ Duy Hải chỉ là công cụ của nhiều cá nhân trong hệ thống tư pháp xã hội chủ nghĩa nhưng khó có thể nghĩ khác.
Tại sao chín năm trước (2011), hết Tòa án nhân dân tối cao đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng bác bỏ đề nghị kháng nghị hai bản án mà Tòa án Long An (sơ thẩm), rồi Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (phúc thẩm) đã dành cho Hồ Duy Hải và ngậm tăm suốt từ khi Chủ tịch nước đề nghị hoãn thi hành án tử hình, xem lại vụ án (2014) đến nay ?
Những lời đồn đoán về việc sắp đặt nhân sự lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 13 cũng như các dấu hiệu cho thấy nhiều nhóm trong đảng đang triệt hạ lẫn nhau để giành ưu thế nhằm thâu tóm quyền lực, có liên quan gì đến sự kiện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đột nhiên đổi ý, kháng nghị các bản án đã tuyên với Hải vào tháng 11 năm ngoái ?
Nếu Hội đồng Thẩm phán phiên giám đốc thẩm vụ án này tuyên hủy hai bản án ấy, phán quyết đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến uy tín, sự nghiệp chính trị của ông Trần Quốc Vượng, nhân vật từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giai đoạn 2007 – 2011 và giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ?
Nếu Hội đồng Thẩm phán phiên giám đốc thẩm vụ án này tuyên hủy hai bản án ấy, phán quyết đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến uy tín, sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Hòa Bình, nhân vật từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giai đoạn 2011 – 2016 và từ 2016 đến nay là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ?
Phải thắc mắc như thế vì với bối cảnh chính trị, xã hội, nhân tâm như hiện nay và đặc biệt là với những bằng chứng hết sức rõ ràng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao liệt kê, sau đó được cả 17 thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thừa nhận là "vi phạm tố tụng", tại sao cả hội đồng nhất trí… y án, bất kể Luật Tố tụng hình sự vẫn còn hiệu lực !
Đó cũng là lý do tại sao ngỡ ngàng, thất vọng về phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sau phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là chưa đúng đắn. Tâm trạng đúng phải là phẫn nộ. Chỉ phẫn nộ vì một đồng loại bị biến thành công cụ, trở thành nạn nhân của hàng loạt "vi phạm tố tụng" song án tử hình vẫn lơ lửng trên đầu suốt 12 năm qua chưa đủ mà còn phải phẫn nộ về thân phận cũng như tương lai của chính mình, của thân nhân, của bạn bè mình ! Con người không thể và không nên để bị dùng như công cụ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/05/2020
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/hoi-dong-tham-phan-bac-khang-nghi-vu-an-ho-duy-hai-20200508144802024.htm
****************
Ai có thể cứu Hồ Duy Hải ?
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 09/05/2020
Vụ án oan nghiệt của ông Hồ Duy Hải đang đẩy cảm xúc phẫn nộ và đau xót của người dân lên đến mức chưa từng được biết tới.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con - Ảnh minh họa - RFA
Người dân - dù không rành pháp luật - nhưng hầu hết người ta không tin vào sự công chính cũng như trình độ của 17 người trong Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đứng đầu là ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Phó giáo sư - Tiến sĩ luật học - trong phiên xét xử kết thúc vào ngày 8/5/2020.
Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quy định tại khoản 5 điều 382 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Không hiểu biết luật, dù tất cả 17 người là Thạc sĩ, Tiến sĩ luật
Thật vậy, với kết luận [*] "Sai sót tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án" của Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như báo Pháp Luật phát hành ngày 9/5/2020 cho thấy, cả 17 người không hề hiểu biết pháp luật.
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, điều 4 "Giải thích từ ngữ", tại khoản 1 có tất cả 14 khái niệm (đánh thứ tự từ a đến o) được giải thích, không có một khái niệm nào được gọi tên "bản chất vụ án". Mục o khoản 1 được giải thích :
"Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án".
Như vậy, khi Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thừa nhận "có sai sót trong quá trình tố tụng", tức là toàn bộ 17 người này công nhận việc xét xử và kết án ông Hồ Duy Hải đã vi phạm vào mục o khoản 1 điều 4 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thêm vào đó, điều 15. Xác định sự thật của vụ án của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định :
"Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội".
Điều 15 được dẫn giải như trên đã bác bỏ khái niệm "bản chất vấn vụ án". Quả đúng vậy, một vụ án hình sự diễn ra, người có thẩm quyền phải "xác định sự thật của vụ án", không phải lo xoay xở định nghĩa "bản chất vụ án" (dù có đổi hay không đổi cũng hoàn toàn sai, vì trong Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định).
Tóm lại, 17 người trong Hội đồng toàn thể thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã vi phạm vào mục o khoản 1 điều 4 và điều 15 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Nghĩa là kết luận "Sai sót tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án" là một kết luận vô nghĩa, phi pháp và hoàn toàn không chuyên nghiệp của 17 người mang danh thạc sĩ - tiến sĩ luật.
Đó là nỗi hổ thẹn tệ nhất dành cho giới Luật sư Việt Nam, dù bị tước giấy phép hành nghề hay còn đang hoạt động.
Ủy ban Thường vụ quốc hội phải làm gì ?
Điều 404 : Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong Bộ luật Tố tụng hình sự quy định với 2 trường hợp dưới đây, có thể cứu sống ông Hồ Duy Hải :
2. Trường hợp Ủy ban thường vụ quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Xin phép lưu ý, tại khoản 2 điều 404 nói trên dùng chữ "yêu cầu" và tại khoản 3 điều 404 nói trên dùng chữ "kiến nghị".
Tuy nhiên, người đời cũng biết đó chỉ là "luật lý thuyết" (một cách mà tác giả viết bài gọi khôi hài), bởi luật chỉ được gọi là "Luật" khi có giá trị thực tế như các quốc gia tự do - dân chủ đang sử dụng.
Nói cụ thể hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp quốc hội Lê Thị Nga và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo Lê Minh Trí chỉ có "quyền kiến nghị". Nếu ông Trí và bà Nga cùng "tự nguyện" kiến nghị thì... Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ mở phiên họp xem xét (cái) kiến nghị đó. Phiên họp, tất nhiên cũng dưới sự chủ trì của Nguyễn Hòa Bình. Kết quả có vẻ như... "ai cũng biết hết rồi" (!).
Trường hợp cao hơn với chữ "yêu cầu" như tại khoản 2 nói trên, khi Ủy ban Thường vụ quốc hội "yêu cầu" thì... Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ mở phiên họp xem xét lại (cái) quyết định đó. Phiên họp đó, tất nhiên cũng dưới sự chủ trì của Nguyễn Hòa Bình. Kết quả "xem xét lại" có vẻ như... không có gì thay đổi, bởi con số 17/17 vừa qua đã chứng minh toàn bộ các "đảng viên gương mẫu" kiêm thạc sĩ luật - tiến sĩ luật đồng loạt "nhất trí rất cao", "đồng thuận tuyệt đối" và "đoàn kết một lòng" trong việc chà đạp điểm o mục 1 điều 4 và điều 15 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Suy ra, dù bà Lê Thị Nga, ông Vũ Minh Trí hay toàn bộ Ủy ban Thường vụ quốc hội có dành sự cảm thương cho hoàn cảnh vô tội của ông Hồ Duy Hải hay xót xa và thán phục trước sự kiên tâm của bà Nguyễn Thị Loan - người mẹ đang rất đau khổ trước hung tin - con trai mình chuẩn bị nhận lưỡi hái tử thần, được cung cấp từ 17 ông (bà) đảng viên/thạc sĩ/tiến sĩ luật, thì họ cũng hoàn toàn bó tay.
Kết
Trong Ủy ban Thường vụ quốc hội, chỉ có 2 người có thể cứu vớt cho Hồ Duy Hải, đó là :
1. Nguyễn Thị Kim Ngân : Chủ tịch Quốc hội - Ủy viên Bộ Chính trị
2. Tòng Thị Phóng : Phó chủ tịch Quốc hội - Ủy viên Bộ Chính trị
Hy vọng bà Ngân và bà Phóng, với tư cách là 2 bà mẹ, cùng cám cảnh thống khổ của bà Loan mà nhỏ chút lòng nhân để xin ý chỉ của 13 đồng chí còn lại, rằng hãy ban cho Hồ Duy Hải một con đường sống.
Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi liên quan đến con số 13 nói trên, cũng như tại sao bà Ngân và bà Phóng - nếu còn chút từ tâm - có thể làm như vậy ? Xin thưa :
- Về con số 13, sau khi tác giả viết bài kiểm tra lại, đã loại khỏi 2 người : Hoàng Trung Hải (vừa bị kỷ luật) và Đinh Thế Huynh (chữa bịnh dài hạn).
- Nguyên tắc số một của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị : Tập thể lãnh đạo - Cá nhân phụ trách.
Tóm lại, chắc chắn 15 cánh tay Ủy viên Bộ Chính trị mới bác bỏ được 17 cánh tay thạc sĩ - tiến sĩ luật. Đó là phương cách duy nhất cứu sống người tử tù vô tội Hồ Duy Hải.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 09/05/2020
[*] https://plo.vn/phap-luat/toa-toi-cao-bac-khang-nghi-y-an-tu-ho-duy-hai-9...
*****************
Vụ án Hồ Duy Hải : Công lý xã hội chủ nghĩa đã có biểu tượng !
Trân Văn, VOA, 08/05/2020
Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao tại Việt Nam vừa công bố phán quyết phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải "giết người" và "cướp tài sản"...
Chánh án Nguyễn Hòa Bình (giữa) trong phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, ngày 5/5/2020. Photo Pháp Luật Online
12 năm trước – tháng 1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi, tọa lạc ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xảy ra án mạng : Hai nữ nhân viên của bưu điện này bị giết. Ba tháng sau, Hồ Duy Hải bị bắt với cáo buộc đã giết và cướp tài sản của hai nạn nhân. Cuối năm 2008, trong phiên xử sơ thẩm vụ án này, Tòa án tỉnh Long An tuyên bố dành cho Hải hình phạt tử hình. Thêm bốn tháng nữa, vào tháng 4/2009, khi phúc thẩm vụ án, Tòa án nhân dân tối cao bác kháng cáo của Hải, tuyên y án sơ thẩm…
Tuy nhiên hệ thống tư pháp Việt Nam không thể đóng hồ sơ vụ án này vì cả dư luận lẫn công luận đều không đồng tình bởi quá trình điều tra, truy tố có quá nhiều sai sót kỳ quái : Kết quả điều tra hiện trường thu được nhiều dấu tay nhưng không có dấu tay của Hải. Hiện trường có nhiều vết máu nhưng việc thu thập, phân tích những vết máu này cũng bị bỏ qua. Thời điểm mà cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xác định nạn nhân bị giết mâu thuẫn với kết quả giám định pháp y, nếu theo kết quả này thì rõ ràng Hải là ngoại phạm.
Đó là chưa kể song song với vô số mâu thuẫn của các tài liệu trong hồ sơ vụ án, việc sửa chữa nhiều tài liệu một cách tùy tiện để chứng minh Hải là hung thủ, còn có chuyện cơ quan điều tra không thu được hung khí (dao để cắt cổ, thớt để đập đầu các nạn nhân) nên đã cử người đi… mua các hung khí này về làm tang vật cho khớp với kết luận điều tra, cáo trạng. Người ta còn phát giác cơ quan điều tra đã bỏ đi nhiều tài liệu và làm ngơ không đào bới sâu hơn trong khi vụ án còn có nghi can khác…
Chẳng phải chỉ có công an, kiểm sát mắc những sai sót vừa phi lý, vừa phi pháp, không thể chấp nhận được khi điều tra, giám sát điều tra, truy tố, lúc xét xử, tòa án các cấp cũng tự biến hệ thống tài phán trở thành đáng ngờ khi bỏ qua tất cả những sai sót kỳ quái như đã kể, thậm chí bỏ luôn, không thèm triệu tập một số nhân chứng mà lời khai của họ có thể vô hiệu hóa Kết luận điều tra, Cáo trạng và Hội đồng xét xử khó mà thản nhiên xác định Hồ Duy Hải "giết người", "cướp tài sản" để phạt tử hình…
Dư luận từ công chúng, báo giới, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý, một số viên chức hữu trách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã khiến hệ thống tư pháp chựng lại trong việc thi hành án tử hình Hồ Duy Hải nhưng đó chỉ là chựng lại. Tháng 5/2011, Tòa án nhân dân tối cao tuyên bố không kháng nghị (không yêu cầu xem lại) bản án chung thẩm. Tháng 10/2011, tới lượt Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra tuyên bố tương tự, mở đường cho Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải vào tháng 5/2012...
Tháng 11/2014, Hội đồng Thi hành án tử hình của tỉnh Long An quyết định tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014. Thêm một lần nữa, dư luận, công luận lại dậy lên thành bão… Một ngày trước khi bản án được thi hành, Chủ tịch nước đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tạm hoãn thi hành án. Hồ Duy Hải tạm thời thoát chết để chờ hệ thống tư pháp xem xét số phận của mình. Chẳng riêng thân nhân của Hải, nhiều người ở nhiều nơi đã tìm đủ cách để tác động đến việc xem lại bản án bằng nhiều cách…
Thế rồi tháng 11 năm ngoái – sau năm năm im lặng từ lúc án tử hình được tạm hoãn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đột nhiên loan báo kháng nghị bản án tử hình Hồ Duy Hải theo hình thức giám đốc thẩm. Cơ quan này khẳng định, có đủ căn cứ để kháng nghị hai bản án (sơ thẩm, phúc thẩm) nhằm làm rõ những mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng và điều tra lại là thật sự cần thiết (1). Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức phiên xét xử theo hình thức giám đốc thẩm trong ba ngày và bác kháng nghị, tuyên y án (2) !
***
Tin Tòa án nhân dân tối cao xem lại vụ án Hồ Duy Hải "giết người" và "cướp tài sản" theo hình thức giám đốc thẩm đã từng tạo ra sự hứng khởi nơi nhiều giới. Trong mắt nhiều người, diện mạo công lý tại Việt Nam tuy nhơ nhuốc nhưng ít nhất lần này cũng sẽ được tẩy rửa một phần để trong chừng mực nào đó còn có thể yên tâm vì tư pháp xã hội chủ nghĩa không man rợ tới mức, thản nhiên giết một cá nhân mà quá trình điều tra, truy tố, xét xử từng bộc lộ vô số dấu hiệu cho thấy hết sức vô nhân.
Đó cũng là lý do phán quyết của Hội đồng Thẩm phán với 17 thành viên của Tòa án nhân dân tối cao về vụ án Hồ Duy Hải làm người ta chưng hửng, phẫn nộ. Nguyễn Lân Thắng mỉa mai : Có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất khốn nạn của nền tư pháp xứ Đông Lào... Y án tử hình Hồ Duy Hải ! Đồng bào đã sáng mắt chưa (3). Nghiêm Việt Anh ngao ngán nhận xét về phiên giám đốc thẩm là "trò hề" (4). Còn Phùng Chí Kiên thì vừa thấy tên mình trong danh sách tử tù dự bị nếu vẫn tuân theo nền tư pháp mọi rợ này (5).
Trương Huy San nhận xét :
Công lý và số phận của Hồ Duy Hải có phải đã là ưu tiên quan trọng nhất ? "Y án" không đơn giản chỉ để cứu uy tín chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình (khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông đã từ chối kháng nghị). Bằng phán quyết này, thành tích "phá trọng án" của cơ quan điều tra 12 năm trước được bảo vệ, nền tư pháp không phải ghi thêm một án oan vào sổ đen…
Trong lịch sử tố tụng của nước ta, hung thủ của các vụ án mạng nghiêm trọng gần như đều nhanh chóng bị bắt. Tiền thưởng, huân chương, sao gạch… nhanh chóng được ban phát. Oan sai gần như chỉ được phát hiện khi "nạn nhân" từ "cõi chết trở về" (trường hợp em Tỏ ở Tiền Giang) hoặc hung thủ thật ra đầu thú ([như trong vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và "bảy thanh niên nhận tội giết người ở Sóc Trăng" gần mười năm trước).
Chúng ta không biết rõ ai là thủ phạm nhưng 17 vị tối cao thẩm phán biết rõ bằng chứng để buộc tội Hồ Duy Hải có rất nhiều điểm khá mù mờ. Nhiều bằng chứng được thu thập theo cách vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Một khi có thể mua một con dao ngoài chợ thay thế tang vật, việc khiến cho một bị can cung khai trôi chảy một kịch bản giết người chẳng phải khó khăn gì.
Giá như các vị đừng ngồi trên cái ghế có nhiều hệ lụy như thế mà thử đặt mình trong vị trí của các dự thẩm, tôi nghĩ, các vị sẽ không dám tuyên như vậy. Các vị đã đưa ra một phán quyết rất có giá trị chính trị nội bộ nhưng đêm nay, nếu không đi uống rượu, các vị thử gác tay lên trán, tự hỏi xem đó có phải là một phán quyết dựa trên pháp luật và niềm tin nội tâm của quý vị không ?
Chúng tôi không đủ cơ sở để nói Hồ Duy Hải là vô tội. Nhưng chúng tôi cần được chứng kiến một phiên tòa công khai, nơi, công tố viên thuyết phục hội đồng xét xử bằng những chứng cứ thuyết phục. Thuyết phục trong trường hợp Hải được tuyên vô tội, thuyết phục ngay cả trong trường hợp Hải bị tuyên có tội.
Hủy án khi không đủ bằng chứng để kết tội ai đó không phải là sự thất bại của một nền tư pháp mà là sự chiến thắng của công lý. Ngay cả trong các nền tư pháp trưởng thành không phải mọi trọng án đều tìm ra được hung thủ. Tuyên bố vô tội cho một nghi phạm không có có nghĩa là các cơ quan tố tụng tuyên bố đầu hàng. Bởi tuyên bố đó xác nhận hung thủ vẫn ngoài vòng pháp luật và các cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục thi hành phận sự.
Mười năm ngồi tù oan của những bị án oan như ông Nguyễn Thanh Chấn là 10 năm tự do có thể gây án của những hung thủ thật. Các vị có còn để cho niềm tin nội tâm của mình vận hành không. Một phán quyết như vụ Hồ Duy Hải, nếu oan, không chỉ làm tan nát một gia đình mà còn cấp thủ tục pháp lý cho hung thủ thật (nếu có) tự do gây án ngoài xã hội. Một phán quyết như vụ Hồ Duy Hải không những không có khả năng chấm dứt tranh cãi mà còn xói mòn hơn niềm tin của dân chúng vào khả năng cung cấp công lý của nền tư pháp vốn có rất nhiều khiếm khuyết này (6).
***
Trước khi tiến hành xét xử vụ án Hồ Duy Hải "giết người" và "cướp tài sản" theo hình thức giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao từng giới thiệu rộng rãi kế hoạch dựng "biểu tượng công lý" ở trụ sở các tòa án trên toàn Việt Nam và tạc tượng các Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. "Sáng kiến" này đã bị công chúng chỉ trích kịch liệt và có thể sẽ phải xếp xó. Tuy nhiên, dù muốn hay không, tuyên bố bác kháng nghị, y án đối với Hồ Duy Hải đã tạo ra một biểu tượng cho công lý ở Việt Nam.
Hao-Nhien Q. Vu vừa gọi 17 Thẩm phán trong Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa nhất trí đưa ra phán quyết đã kể là 17 bù nhìn giống như các bù nhìn khác của chế độ. Theo facebooker này, điểm khác biệt của 17 bù nhìn đó, khiến cho họcó thành tích đặc biệt là thí mạng người dân để bảo toàn thành tích bù nhìn của mình, nên có bị nguyền rủa đặc biệt nhiều hơn các bù nhìn khác thì cũng đáng đời (7). Bên cạnh sự khinh miệt đang được bày tỏ rộng rãi trên mạng xã hội như Hao-Nhien Q. Vu, còn có sự căm phẫn.
Đang có không ít người như Thùy Linh, công khai khẳng định vềsự nguyền rủa đời đời dành cho Nguyễn Hòa Bình cùng đồng đảng của ông ta. Một lũ khát máu người vô tội. Quyền lực và sự giàu có của bọn họ xây trên sự nghèo đói, oan khuất của dân đen... Thùy Linh nhấn mạnh : Hãy nhớ ngày này. Máu kêu trả máu (8). Sáu năm trước, một số viên chức hữu trách ở Long An từng công khai càm ràm về việc chần chừ tử hình Hồ Duy Hải nguy hại cho "ổn định chính trị". Nay, số phận nghiệt ngã của Hồ Duy Hải góp thêm lý do khiến nhiều người như Quách Gia sực tỉnh : Cộng sản sống bằng dối trá và bạo lực. Đó là điều chắc chắn (9).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/05/2020
Chú thích :
(2) https://tuoitre.vn/hoi-dong-tham-phan-bac-khang-nghi-vu-an-ho-duy-hai-20200508144802024.htm
(3) https://www.facebook.com/nkmh2011/posts/10158303995153808
(4) https://www.facebook.com/vietanh.nghiem/posts/3096489830428484
(5) https://www.facebook.com/phungchikien2012/posts/10158756846914095
(6) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/2829313317103831
(7) https://www.facebook.com/haonhien/posts/10158146153795132
(8) https://www.facebook.com/linh.thuy.75873708/posts/2014878418656741
(9) https://www.facebook.com/hdquachgia/posts/2638807739777266
*****************
Chánh án Nguyễn Hòa Bình long trọng bôi phân lên nền tư pháp Việt Nam
Gió Bấc, RFA, 08/05/2020
Trò hề giám đốc thẩm oan án Hồ Duy Hải tổ chức thật hoành tráng, hào nhoáng vơi toàn bộ 17 thành viên Hội đồng thẩm phán, đại diện Ủy ban Tư pháp quốc hội, Luật sư của bị án diễn ra trong ba ngày. Kết quả là Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã long trọng bôi phân lên nền tô tụng Việt Nam, bao che cho hai bản án sai phạm đầy rẫy pháp luật. Hội đồng biểu quyết bác kháng nghị và bỏ phiếu cho rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là sai pháp luật. Vì quyền lợi sống còn của phe nhóm, qua màn diễn này Nguyễn Hòa Bình đã dấn sâu vào tội ác giết ngưới đồng thời giết chết nền tố tụng.
Qua màn diễn này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã dấn sâu vào tội ác giết người đồng thời giết chết nền tố tụng Việt Nam, bao che cho hai bản án sai phạm đầy rẫy pháp luật.
Phiên giám đốc thầm oan án Hồ Duy Hải là vỡ hài kịch về sự khả ố trâng tráo của Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa bằng chiêu trò "lân đầu tiên mời luật sư của bị án, Ủy Ban Tư Pháp tham dự phiên tòa….
Chánh án đặt lệ lên trên luật
Nguyễn Hòa Bình dàn dựng bộ mặt phiên tòa hoành tráng, dân chủ, cố tô vẻ cho mình hình ảnh quang minh chình đại bằng những lập luận ngọt ngào như rót mật vào tai. Nói về quan điểm xét xử giám đốc thẩm, Hòa Bình rao giảng cái điệp khúc mị dân quen thuôc, "sẽ xem xét toàn điện khách quan, không để oan sai không để sót người lọt tội".
Miếng bánh vẽ này mang đúng bản chất lừa mị của quan chức cộng sản luôn đưa ra những hình ảnh mong ước của mọi người nhưng thưc chất luôn làm ngược lại. Thưc ra việc xử đúng người dúng tôi, không sót người lọt tội là khái niệm mơ hố, thuôc quyền phán quyết của Tòa chứ người khác làm sao thẩm định ? Khoa học xét xử đã dự liệu việc này nên đặt ra luật Tố Tụng Hình Sự để chế định việc người tiến hành và người tham gia tố tụng đươc làm gì, phải làm gì và không đươc làm gì để tránh oan sai cho người bị cáo buộc tội đang nằm trong thế yếu.
Điều cần thiết, bắt buôc với Chánh án và cả những người tham gia tố tụng là phải tuân thủ đúng theo luật này và không đươc tự vẻ luật để làm. Nguyễn Hòa Bình đã trâng tráo đạp lên luẫt tô tung hinh và nói chinh xác hơn là đã bôi phân lên nền tố tụng Việt Nam. Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không nói chuyện oan nhưng nêu ra nhiều vi phạm tố tụng trong hố sơ vụ án như mua dao, thớt, ghế ngoài chợ làm vật chứng, bia đặt lời khai của nhân chứng Vũ Đình Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải và không mời nhân chứng này tham gia phiên tòa, giấu bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án những tài liệu có lợi cho Hồ Duy Hải như Kết quả xác định dấu vân tay không phải của Hải, không giám định vân tay, máu của hai nghi can Nguyễn Văn Nghị, MiSol… và rất nhiều vi phạm khác.
Theo phát biểu của bà Lê Thị Nga, hiện nay là chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp quốc hội tại diễn đàn Quốc hội là "Chỉ cần sai một điểm đã đủ phải hủy án. Hồ sơ này sai đến hàng chục điểm". Trước những sai sót động trời này, Nguyễn Hòa Bình ngang nhiên đưa ra môt lập luận mà không ai có thể chấp nhận đươc là có "sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".
Giám đốc thẩm bao che cho vi phạm
Kháng nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã chỉ ra rất nhiều điểm mâu thuẫn trong hồ sơ. Hồ Duy Hải khi nhận tội khi kêu oan. Lời khai oan đầu tiên không được đưa vào hồ sơ vụ án. Ngay trong lời khai nhận tội cũng mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với hiện trường. Có lời khai đập đầu nạn nhân lên lavabo nhưng lavabo sạch sẽ không có vết máu. Có lời khai nhận là kéo nạn nhân đến cầu thang đập đầu bằng cái thớt và ghế nhưng thớt ghế không có vết máu, không thu giữ tang vật và phải đi mua.
Cán bộ điều tra thừa nhận sai sót và lý giải loanh quanh cực kỳ vô lý như lúc đầu Hải sợ tội năng nên khai gian dối là đập ở lavabo và lần khai giết bằng thớt là khai thật vì bản khai này Hải có cam kết và có chữ ký của Luât sư.
Cán bộ điều tra lý giải hết sức trẻ con là hiện trường không có dấu tay vì sau khi gây án Hải đã rửa tay. Nguyên tắc đánh giá chứng cứ theo tố tụng là trọng chứng hơn trọng cung, phải đánh giá toàn diện, khách quan, xem xét cả yếu tố buộc tội lẫn yếu tố gở tội.
Trước những mâu thuẫn và không phù hợp thục tế khách quan như vậy lẽ ra phải cho điều tra lại, thực nghiệm hiện trường nhưng Nguyễn Hòa Bình đã làm hoàn toàn ngược lại, chấp nhận tất cả những sai trái, những lý lẽ ngớ ngẩn nhất để tổng hợp các tình tiết phù hợp với lời khai trong hồ sơ thành chứng cứ buộc tội. Chấp nhận các lời khai ấy là có phù hợp với chứng cứ khác nên tuy có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản án. Thậm chí nhiều trường hợp Tòa bênh vực sai phạm của cơ quan điều tra thật lộ liễu như đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu việc cơ quan điều tra không thu thập đầy đủ các vật chứng, việc thu thập dấu máu chậm dẫn đến không kết luận được máu đó của ai.
Trước những ý kiến xác đáng trên, một thành viên Hội đồng thẩm phán hỏi vặn ngược lại rất phi lý : "Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu... là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy nếu giả sử hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi thì những nội dung này có khắc phục được không ?".
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đáp lại rất đúng luật : "Trước hết, chúng ta phải thống nhất với nhau rằng đây là những vi phạm nghiêm trọng. Nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Bởi vì thời gian từ năm 2008 đến nay rồi, vật chứng, dấu vết đó có còn hay không, có làm được không, đó là việc của cơ quan điều tra".
Vơ vét tình tiết buộc tội
Qua các ý kiến qua lại, cho thấy phía Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị là để làm sáng tỏ những điểm mờ, chưa có chứng cứ vi phạm pháp luật, cần hủy án để điều tra lai bảo đảm bản án đúng luật, buộc tội có căn cứ pháp lý. Ngược lại phía Tòa án nhân dân tối cao quyết chí giữ lập luận có sai, có vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án và cào cấu vơ vét mọi chi tiết dù là bất hợp lý, sai pháp luật rồi ráp nối lại để buộc tội chết cho Hồ Duy Hải.
Điểm tựa chứng cứ của phía tòa là chỉ vin vào các lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải. Để chứng minh cho tính khách quan của lời khai, họ viện dẫn chữ ký của luật sư Võ Thành Quyết mà công an đã chỉ định bào chữa cho Hồ Duy Hải. Luật sư này nguyên là Trưởng phòng cảnh sát điều tra, từng là thủ trưởng của ban chuyên án. Khi ra tòa, Hải kêu oan, luật sư Quyết lại bào chữa xin giảm án. Khi có án sơ thẩm, luật sư Quyết nhất định không làm kháng cáo kêu oan. Chỉ làm đơn xin giảm án.
Ngược lại luật sư Nguyễn Văn Đạt bào chữa kêu oan thì gặp vô vàng khó khăn mới đươc tiếp xúc với Hải và không được dự cung. Hồ sơ của công an cũng thể hiện hai lần Hải từ chối luật sư của gia đình chỉ nhân luật sư do công an chỉ định. Điều này cho thấy luật sư Quyết là bằng chứng của thuật dụ cung, bức cung mà cơ quan điều tra đã dàn dựng.
Xin nêu dẫn chứng là lập luận buộc tội gán ghép kiểu râu ông này cắm cằm bà kia của Nguyễn Hòa Bình trong tình tiết Hải có mặt tại hiện trường, trong khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng không có căn cứ khẳng định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường. Lời khai của Đinh Vũ Thường chỉ thấy một thanh niên không xác định là ai, chỉ thấy chiếc xe máy không biết xe số mấy. Luật sư Phong cũng đặt vấn đề cơ quan điều tra chưa xác định Hải đi xe gì, số đăng ký bao nhiêu. Viện Kiểm sát đề nghị giám định lại hiện trường.
Án giám đốc thẩm đã bác bỏ bằng những lập luận hàm hồ như sau : Tuy nhiên căn cứ lời khai của nhiều người, trong đó có lời khai của Hải về việc đến Bưu điện Cầu Voi dựng xe bên ngoài, nhân chứng Đinh Vũ Thường cũng cho hay nhìn thấy chiếc xe này khi đến bưu điện để gọi điện về Cà Mau, như vậy lời khai của Hải về việc sử dụng xe máy để đến hiện trường là phù hợp. Nhân chứng Đinh Vũ Thường còn khai nhìn thấy thanh niên ngồi trong bưu điện để tóc hai mái. Lời khai của Hải phù hợp với lời khai của một số người làm chứng về đặc điểm nhận dạng mái tóc của Hải, trước khi gây án Hải để tóc dài. Anh Thường cũng khai nhìn thấy thanh niên trong bưu điện mặc áo ngắn tay. Hải cũng khai mặc áo ngắn tay, sau khi gây án đã mang áo đốt ở vườn. Cơ quan điều tra thu giữ tro của chiếc áo này. Như vậy lời khai của Hải và những người khác là phù hợp, có căn cứ". Trong xã hội này, vào lúc đó có bao nhiêu thanh niên tóc dài, đi xe máy, mặc áo ngắn tay đều có thể thành thủ phạm hết sao ?
Tình tiết cơ quan điều tra thu giữ tro lại là sự gán ghép hết sức buồn cười. Hồ Duy Hải bị bắt hơn 1 tháng sau khi vụ án xảy ra, hơn 1 tháng nữa cơ quan mới tới nhà lấy tro, tức hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ việc. Trong thực tế nhà ở nông thôn luôn có một đống rác vài ba ngày đốt một lần. Việc lấy tro đốt rác hơn hai tháng sau khi án xảy ra hoàn toàn vô nghĩa. Càng vô nghĩa hơn khi người đi lấy mẫu tro, lấy nhầm đống tro nhà bên cạnh và kết quả giám định cũng chỉ xác nhận đây là tro chứ không xác định tro gì. Tương tự như vậy, bằng lập luận gán ghép mơ hồ, chung chung, tất cả chỉ dựa vào lời khai nhận tội gây án. Giám đốc thẩm đã bác bỏ 17 điểm kiến nghị cụ thể cùa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Chỉ vì tham vọng tiến thân tại Đại hội 13
Điều oái oăm là trước giờ tuyên án, Nguyễn Hòa Bình đã làm những điều chưa ai làm là bỏ phiếu bốn vấn đề :
Thứ nhất, vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu ? Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không ?
Thứ hai, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không ?
Thứ ba, quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực như vậy quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có đúng pháp luật hay không ?
Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết "sai sót không làm thay đổi bản chất vụ án", "án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải đúng người, đúng tội". "Kháng nghị Viện Kiểm sát không đúng pháp luật". Cuối cùng, Hội đồng thẩm phán biểu quyết "Không chấp nhận kháng nghị". Cuộc bỏ phiếu và bản án giám đốc thẩm của Nguyễn Hòa Bình bảo vệ cho những bản án giết người đầy rẫy sai trái dựa trên quan điểm "có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án", thực chất là tập thể Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã cùng nhau bôi phân lên nền tố tụng. Nó hợp pháp hóa, luật hóa cho một thông lệ, một quan niệm sai trái tiếp tục tràn lan mở rộng là cán bộ điều tra không cần tuân thủ các quy định tố tụng, tha hồ quy chụp, tạo chứng cứ giả, bất chấp thực tế khách quan.
Phán quyết của phiên tòa này không chỉ giết chết oan uổng một thanh niên mà còn giết chết nền công lý của Việt Nam, mở ra một giai đoạn xét xử ngày càng man rợ hơn. Hơn thế nữa, theo luật, Hội đồng thẩm phán hoàn toàn có thể bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bằng một văn bản quyết định chứ không cần phải mở phiên tòa rầm rộ xét xử suốt ba ngày và bỏ phiếu cho rằng kháng nghị không hợp pháp. Hành vi này như là một cái tát công khai vào mặt Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Lê Minh Trí cũng như những ai đó đứng sau ông Trí.
Nếu hủy án Hồ Duy Hải để điều tra xét xử lại từ đầu theo kháng nghị chắc chắn sẽ không thể nào buộc tội Hồ Duy Hải. Điều này đương nhiên dẫn đến hệ quả tất yếu là năng lực, phẩm chất của Nguyễn Hòa Bình, Chánh án hiện nay và Viện trưởng nhiệm kỳ trước đây, quá yếu kém. Không chỉ vậy mà nó liên đới cả với Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ chính trị hiện nay và Chánh án tối cao khóa trước. Con đường tiến thân của Nguyễn Hòa Bình y hệt và tiếp nối sau Trương Hòa Bình. Cùng là tướng công an, chuyển sang làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Trước thềm Đại hội đảng, cả hai cần giữ sạch đẹp bộ mặt, thành tich của mình nên năm 2015, cả hai cùng đồng thanh lấy lập luận "có vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án" để che lấp kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp quốc hội trong vụ án Hồ Duy Hải cùng nhiều án oan khác như Lê Văn Chưởng, Nguyễn Văn Mạnh. Lần này hai "Hòa Bình" tiếp tục gây tội ác, che đậy những sai phạm nghiêm trọng và tàn nhẫn của mình để tiếp tục con đường tiến thân vào nhà đỏ.
Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên và lưới trời lồng lộng, quy luật ác giả ác báo sẽ có ngày báo ứng. Những tên độc tài tầm cỡ như Hussein, Gaddafi còn phải đền trả tội ác của mình huống hồ chi hai tướng Hòa Bình chưa phải đạt đỉnh cao nhất trong nhà đỏ. Khi lò cụ Tổng vẫn khi lạnh khi nóng bất thường, khi thanh kiếm sắt Trần Quốc Vượng từng chém rụng rơi bao ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương Đảng vẫn còn phập phồng trên ghế Thường trực Ban Bí thư đầy rủi ro và Nguyễn Xuân Phúc vẫn luôn khát vọng làm đầu tàu thì hãy đợi đấy xem quy luật người với người là chó sói và khẩu hiệu cách mạng không ngừng của Mao vẫn đang rừng rực trong các đồng chí trung ương.
Quay đầu là bờ, trở về với chính nghĩa với thiện lương, là con đường bền vững nhưng Nguyễn Hòa Bình đã từ bỏ nó qua cơ hội giám đốc thẩm án oan Hồ Duy Hải. Chắc rằng ngày trả giá sẽ không xa.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 08/05/2020 (Gió Bấc's blog)
https://tuoitre.vn/vks-khang-nghi-chi-ra-sai-sot-to-tung-chu-khong-khang...
https://tuoitre.vn/hoi-dong-tham-phan-bac-khang-nghi-vu-an-ho-duy-hai-20...
*******************
Những tên hề đóng vai ác
Cánh Cò, RFA, 08/05/2020
Trên sân khấu "tòa án" của Việt Nam vừa hạ màn, vở tuồng giết người bằng cách giơ tay của 17 "thẩm phán", 17 chiếc áo thụng đen có tròng vải đỏ ở cổ và tay cho thấy những nhân vật này rất giống nhau, không những qua chiếc áo thẩm phán mà chúng cũng giống nhau ở nhân cách : hèn, ác, bất lương và thích đóng những vai tượng trưng cho công lý. Bọn chúng từng vỗ ngực cho rằng mình đại diện công lý và hôm nay chúng đồng lòng bỏ phiếu cho những ai tin vào nền công lý mù của chúng.
17 "thẩm phán", 17 chiếc áo thụng đen có tròng vải đỏ ở cổ và tay cho thấy những nhân vật này rất giống nhau
Hơn 12 năm về trước khi Hồ Duy Hải lãnh án tử hình thì dư luận báo chí đã bùng lên những bằng chứng tố cáo Tòa án nhân dân Tối cao đã tránh không đề cập tới. Hơn 40 bằng chứng cho thấy Hồ Duy Hải vô tội và chỉ cần một vài trong các bằng chứng ấy đủ để một tòa án buộc phải đình chỉ vụ án chờ bổ xung chứng cứ, nhưng nó không cho phép ngừng vì nếu ngừng xử thì sẽ phát sinh những chứng cứ buộc tội cho "kẻ khác", mà kẻ khác ở đây rất nguy hiểm khi đụng tới.
"Kẻ khác" ấy chứng tỏ còn rất quyền lực cho tới 12 năm sau, khi vụ án Hồ Duy Hải được giám đốc thẩm, nơi mà nền tư pháp Việt Nam rất tự hào là tuyệt đối quyền lực và dĩ nhiên nó rất trong sạch, không một chút bụi bẩn nào làm ô nhiễm được nó, ít ra là từ ba ngày trước.
Nhưng cái hội đồng giám đốc thẩm đã lộ bài. Nó cũng trơ tráo, một chiều và bất cần công lý như mọi tòa án khác trên khắp đất nước buồn thảm này. Nó mở ra ba ngày để 17 tên hề mặc áo thụng đen diễn tuồng, có điều lạ cả 17 tên hề cả nam lẫn nữ ấy đều cùng đóng vai ác, không kẻ nào dám len lỏi ra khỏi cái đám đông hèn hạ ấy để tìm cho mình một không gian lành mạnh khác để nói không với bản án.
Một cái đưa tay là một lưỡi dao chém vào chiếc tượng gỗ công lý. Tượng tuy không biết đau nhưng nhân dân chứng kiến những vết chém ấy lại cảm thấy như mình bị chém. Có bốn người bị chém thê thảm nhất là Hồ Duy Hải, mẹ, dì và người chị bất hạnh của anh, tất cả bị chém ngang lưng, cách hành xử mọi rợ của thời phong kiến.
Mẹ của Hồ Duy Hải gào khóc khi nghe Hội đồng thẩm phán phán quyết án tử hình
Dư luận xã hội đồng lòng lên án Nguyễn Hòa Bình vì chính tên này là nguồn cơn cho vở bi hài kịch ngày hôm nay. Trước đó trong vai trò là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã khước từ giám đốc thẩm bản án từ hình do Chánh án tối cao Trương Hòa Bình quyết định.
Ngồi trên vị trí cao nhất của Hội đồng Giám đốc thẩm hôn nay Nguyễn Hòa Bình chắc chẳng cần trừng mắt nhìn 16 tên khác đang lẳng lặng ngồi nghiêm trang chờ lúc giơ tay, vì trước đó bọn chúng đã họp với nhau nghe chỉ thị phải làm gì. Cái mà cả 17 khuôn mặt phường hề thiếu nhất là một giây cảm xúc. Dù chỉ một giây thôi để nhân dân còn biết chúng là người.
Dư luận xã hội đã bị lừa một lần nữa như từng bị lừa trước đây qua các vụ án mà tâm điểm do Đảng ra lệnh. Lần này trước khi Đại hội 13 mở màn, Đảng không muốn nhìn thấy một Trương Hòa Bình, hiện đang là ủy viên bộ chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ và được cho là sẽ trở thành một trong tứ trụ trong đại hội sắp tới thì bản án Hồ Duy Hải không thể nào bôi bẩn y qua Giám đốc thẩm, vì nếu làm như vậy chẳng phải kéo gã chánh án từng quyết định tử hình Hồ Duy Hải ra làm bia cho dân chúng mạt sát hay sao ?
Còn Nguyễn Hòa Bình là người đã khước từ Giám đốc thẩm trước đó nay vì cớ gì lại được Nguyễn Phú Trọng "cho phép" ngồi ghế chủ tọa Giám đốc thẩm một lần nữa ? Không lẽ y có đủ liêm sỉ để bác bỏ những gì mà trước đó y từ chối ? Nếu làm như vậy thì những kẻ vô lại khác trong Đảng phải xử lý sao đây ?
17 gã hề kia sau khi vào hậu trường sân khấu cởi chiếc áo thụng hề ra sẽ lộ nguyên hình là những ông bà khát máu. Bọn chúng không lo sợ cũng không hối hận vì những cái giơ tay giết người. Với những cái đầu trống rỗng như họ thì câu hỏi duy nhất nếu có sẽ tập trung vào nội dung : Tại sao nhà nước lại tốn công viết kịch bản dài dòng như vậy ? Chẳng phải dân tình đều đã tin vào nền công lý của "chúng ta" hay sao ?
Ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò là Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đã nghĩ ra kế sách này nhằm tô hồng chiếc ghế mà ông ta đang ngồi. Chủ tịch nước bảo mở lại Giám đốc thẩm nhưng Tổng bí thư lại nhắc nhở không được làm xấu mặt Đảng.
Rồi đây Chủ tịch nước sẽ được tiếng thơm khi ký lệnh ân xá án tử hình cho Hồ Duy Hải và Tổng bí thư lại có dịp khen nền công lý Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như thế này.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 08/05/2020 (canhco's blog)
*******************
Y án tử hình Hồ Duy Hải : Địa chỉ trách nhiệm đích thực ở đâu ?
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 08/05/2020
Khi Viện (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) và Tòa (Tòa án nhân dân tối cao) mới bắt đầu cãi nhau, công chúng còn có thể hi vọng.
Khu Ba Đình, trung tâm chính trị của Đảng và Chính quyền cộng sản Việt Nam
Vì đứng đầu Viện và Tòa đều là Ủy viên Trung ương, ngang cấp nhau nên chưa biết mèo nào cắn miêu nào.
Nhưng khi Bộ Công an chính thức tuyên bố : "Tử hình Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", hi vọng ấy nhanh chóng tiêu tan.
Bởi Bộ trưởng Bộ Công an là Ủy viên Bộ Chính trị, cao hơn hẳn hai ông đứng đầu Tòa và Viện.
Với đặc thù của chính trị Việt Nam, rất khó có chuyện Bộ Công an đưa ra tuyên bố rõ ràng như vậy trong một vụ việc công luận hết sức quan tâm mà không có đèn xanh của Bộ Chính trị.
Và nếu một khi y án tử hình Hồ Duy Hải đã là ý chí của Bộ Chính trị thì 17 đảng viên ngồi ghế Hội đồng Thẩm phán sẽ phải thi hành như một lẽ đương nhiên theo hệ thống thứ bậc trong đảng.
Nói vậy không có nghĩa là 17 người này vô can với phán quyết giấy trắng mực đen của mình.
Song đừng quên đâu mới là địa chỉ trách nhiệm đích thực nếu một ngày Hồ Duy Hải bị tử hình.
PS : Việt Nam nhiều lần khẳng định không áp dụng cơ chế tam quyền phân lập ; bởi vậy, phân tích diễn biến xét xử và quy kết trách nhiệm không nên qua lăng kính pháp quyền thông thường mà phải đặt vào bối cảnh chính trị đặc thù của Việt Nam là "Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện."
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 08/05/2020 (nguyenanhtuan's blog)
Quyết định Giám đốc thẩm kết luận Hồ Duy Hải không oan
Phóng viên, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 08/05/2020
Sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm (từ 6/5-8/5), Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã công bố quyết định giám đốc thẩm (cassation) đối với vụ án Hồ Duy Hải, khẳng định bị cáo không bị kết án oan, Quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không đúng quy định pháp luật.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, thay mặt Hội đồng Thẩm phán công bố quyết định giám đốc thẩm – Ảnh : TTXVN
Sau khi tóm tắt toàn bộ nội dung vụ án, thay mặt Hội đồng Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ đọc quyết định Giám đốc thẩm.
Quyết định Giám đốc thẩm lập luận về một số nhận định trong Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Hải có mặt ở hiện trường vụ án
Quyết định kháng nghị cho rằng việc kết luận việc Hải có mặt ở hiện trường là không có căn cứ. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán thấy căn cứ vào lời khai của một số nhân chứng và của Hải, có việc chiếc xe máy Dream của Hải dựng ở bưu điện ; các nhân chứng cũng nhận dạng được tóc, áo của Hải.
Lời khai của Hải cũng phù hợp với người bán hoa quả tên Ngân về việc Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu Vân (một trong 2 nạn nhân) đi mua trái cây. Lời khai của Hải phù hợp với vị trí, các đồ vật có mặt tại hiện trường và Hải phải có mặt ở đó mới có thể mô tả chính xác. Do đó, Hội đồng Thẩm phán cho rằng đủ có chứng cứ kết luận Hải có mặt tại hiện trường và kháng nghị là không đúng.
Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng Hải không thể có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trước 19g30 ngày xảy ra vụ án. Tuy nhiên nhân chứng Đinh Vũ Thường có mặt ở bưu điện trước thời điểm này ; thời gian Hải ở quán cầm đồ, gặp một số người khác… rồi đến bưu điện. Do đó, Hội đồng Thẩm phán kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường lúc 19g34 là có căn cứ.
Về việc thu thập và đánh giá chứng cứ
Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng nhiều chứng cứ chưa được thu thập, đánh giá, lời khai của bị cáo còn nhiều mâu thuẫn… Hội đồng Thẩm phán nhận định, lời khai có nhiều mâu thuẫn nhưng phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm và chứng tỏ cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm không mớm cung, bức cung bị cáo. Có những tình tiết rất nhỏ, chỉ người trực tiếp thực hiện hành vi mới biết nhưng Hải vẫn khai ra được. Vì vậy, không cần hủy án để làm rõ các mâu thuẫn này.
Về nhận định của kháng nghị cho rằng có mâu thuẫn trong thu thập chứng cứ, như đêm đó Bưu điện Cầu Voi có nước hay không, Hội đồng Thẩm phán cho rằng, lời khai của các nhân chứng phù hợp với lời khai của Hải về việc bưu điện có nước vì có giếng. Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng có mâu thuẫn giữa lời khai của Hải về đập đầu nạn nhân vào lavabo nhưng không thấy dấu vết trên lavabo là nhận định trái với nguyên tắc chứng minh tội phạm. Lời khai đó sai như chính Hải đã khai lại sau này, Hải không đập đầu chị Hồng vào lavabo. Biên bản khám nghiệm hiện trường và bản án cũng không khẳng định Hải đập đầu chị Hồng vào lavabo nên không cần thiết phải điều tra lại.
Về vấn đề cho rằng lời khai của Hải mâu thuẫn với vị trí các đồ vật trong phòng, Hội đồng Thẩm phán cho rằng việc này được thể hiện ở bản án nên không nhất thiết phải điều tra lại. Tình tiết này cũng không có ý nghĩa trong việc xác định Hải phạm tội hay không.
Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng không có dấu vết máu trên cánh cổng sau, dù Hải khai trèo qua đây tẩu thoát sau khi cắt cổ các nạn nhân. Tuy nhiên, chính Hải khai đã vào nhà vệ sinh rửa sạch máu sau gây án nên việc không phát hiện máu trên tường, trên cổng đã chứng minh Hải khai đúng, không cần thiết phải điều tra lại.
Về dấu vân tay thu thập được ở hiện trường không có của Hồ Duy Hải và không biết của ai, Hội đồng Thẩm phán lập luận, bưu điện là nơi công cộng nên nhiều dấu vân tay là đúng. Việc này cũng không thể chứng minh Hải vô tội.
Kháng nghị cho rằng Hải đánh vào mặt chị Hồng bằng tay sẽ không gây ra vết thương trên mặt như bản ảnh thể hiện. Hội đồng Thẩm phán cho rằng nhận định này của Viện kiểm sát là chủ quan, loại trừ một số cơ chế hình thành các vết thương. Các kết luận giám định cũng phù hợp với lời khai của Hải, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi… nên việc điều tra lại để làm rõ là không cần thiết.
Về ý kiến mẫu tàn tro thu được không có giá trị chứng minh trong vụ án, Hội đồng Thẩm phán cho rằng việc nếu không có lời khai của Hải về việc tự đốt quần áo, cơ quan điều tra cũng không thể biết để thu giữ. Giám định mẫu tro phát hiện nguyên liệu làm quần áo, phù hợp với lời khai của Hải.
Về việc điều tra làm rõ nơi Hải tiêu thụ tài sản cướp được, Hội đồng Thẩm phán cho rằng Hải đã mô tả tài sản của nạn nhân Hồng phù hợp với lời khai của bố đẻ và bạn của chị Hồng ; Hải cũng nhận dạng được các tài sản này khi thực nghiệm và vẽ chính xác sơ đồ nơi tiêu thụ tài sản. Vì vậy, không nhất thiết phải trả hồ sơ làm rõ việc này.
Về nội dung kháng nghị cho rằng Hải khai lần đầu đến Bưu điện Cầu Voi nhưng lại mô tả được chi tiết các đồ vật có mặt trong phòng. Tòa án nhận thấy, thời gian Hải có mặt tại hiện trường từ 19g30 đến 21g30 là đủ để biết các chi tiết trong một không gian nhỏ như bưu điện.
Về nhận định kháng nghị nêu các chứng cứ thu được như con dao, thớt, ghế… không phải công cụ gây án. Các Thẩm phán cho rằng phía điều tra không biết thớt là hung khí cho đến khi Hải khai ra, Hải cũng giấu kỹ con dao và được nhân viên thu dọn phát hiện, đem đốt… Việc cơ quan điều tra mua dao, thớt về chỉ để các nhân viên này và Hải nhận dạng, không phải dùng làm chứng cứ như kháng nghị nêu. Vì vậy, không cần trả hồ sơ điều tra lại.
Về việc không đưa lời khai ban đầu của Hải và một số nhân chứng khác vào hồ sơ, Hội đồng Thẩm phán cũng đồng tình đây là thiếu sót của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, các tài liệu này không ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên không nhất thiết phải điều tra lại.
Hội đồng Thẩm phán cũng cho rằng có sửa chữa chính tả trong biên bản ghi lời khai, việc này là sai sót nhưng không làm ảnh hưởng bản chất vụ án.
Quyết định kháng nghị không đúng quy định pháp luật
Đối với kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán kết luận là trái pháp luật vì kháng nghị diễn ra trong khi quyết định Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực.
Vì các lẽ trên, Hội đồng Thẩm phán quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với các nội dung trong vụ án Hồ Duy Hải. Theo đó, đủ cơ sở kết luận Hồ Duy Hải đã sát hại hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi.
Phóng viên
Nguồn : Tạp chí Tòa án nhân dân diện tử, 08/05/2020
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 08/05/2020
Bộ Luật tố tụng hình sự, phiên bản 2015, dành chương XXV cho nội dung "Xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật", từ điều 370 tới điều 396.
Hội đồng thẩm phán gồm 17 thẩm phán cao cấp do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Ảnh : TTXVN.
Bộ Luật tố tụng hình sự, "Điều 383. Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm (cassation) :
1. Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm ; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành".
Ở phiên tòa giám đốc thẩm bắt đầu từ hôm 6/5 về vụ án xảy ra ở Bưu cục Cầu Voi vào đầu năm 2008, phiên tòa có triệu tập người bào chữa với việc yêu cầu người này trình bày phần nội dung được cho là ‘tình tiết mới’ trong vòng 20 phút, sau đó thì vị luật sư ấy được mời rời phiên tòa. Người bị kết án không được triệu tập.
Việc luật sư ‘được mời rời phiên tòa’, cho thấy dấu hiệu vi phạm tố tụng. Theo đó, điều 386. Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm, ở khoản 2 quy định :
"2. Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án".
Như vậy người tham gia tố tụng ở đây chưa tranh biện được gì thì đã được mời rời phiên tòa. Điều đó cho thấy ngay ở buổi đầu tiên của phiên tòa giám đốc thẩm vụ án, đã ít nhiều ngờ vực về yêu cầu "công tâm, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật".
Thiếu khách quan ở đây bước đầu được nhận diện qua tường thuật của bài báo trên tạp chí Tòa án nhân dân điện tử - cơ quan Tòa án nhân dân tối cao. Bài báo này có đoạn như sau :
"Kết thúc buổi sáng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận : Như vậy, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan tố tụng đã thống nhất là Hồ Duy Hải thừa nhận có đập đầu và cắt cổ chị Hồng. Vấn đề không thống nhất là cơ quan tiến hành tố tụng Long An cho rằng Hải đập đầu chị Hồng bằng thớt, loại trừ đập đầu vào lavabo như lời khai trước đó, trong khi đó đại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không loại trừ việc thủ phạm đập đầu nạn nhân vào lavabo" (*).
Sở dĩ gọi là thiếu khách quan, vì theo nội dung tường thuật thì hành vi phạm tội của Hồ Duy Hải là có, song vật dụng để gây án là gì thì còn tranh luận.
Theo lịch xét xử, buổi sáng ngày 8/5, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu quan điểm, sau đó Hội đồng Thẩm phán đánh giá các chứng cứ trên cơ sở tài liệu đã nghiên cứu và quá trình hỏi và nghe giải trình hai ngày qua.
Buổi chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên án.
Dự kiến, ở phiên diễn ra sáng ngày 8/5, có mặt luật sư Trần Hồng Phong. Cuối giờ chiều ngày 7/5, luật sư Phong vừa về tới Sài Gòn thì nhận được lời mời quay trở lại phiên giám đốc. Người mời là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Giả dụ như tình huống phiên giám đốc thẩm vẫn tuyên Hồ Duy Hải có tội thì vẫn còn hy vọng bước tiếp theo của "Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao", được quy định từ điều 404 đến 412, Bộ Luật tố tụng hình sự.
Có 3 trường hợp ở đây về trình tự.
Thứ nhất, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Thứ hai, trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Thứ ba, trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Thật ra còn có một trường hợp thứ tư, là khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị, thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó. Tuy nhiên ở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ngồi ghế chủ tọa đã là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nên trường hợp thứ tư này coi như loại trừ.
Trở lại về câu hỏi của tựa bài viết này, lâu nay pháp luật không có quy định phiên tòa giám đốc thẩm thì phải xử kín hay xử công khai. Hiện nay đa số vụ án giám đốc thẩm đều được xử kín, báo chí, luật sư và đương sự không được tham gia.
Tuy nhiên cần phải thấy rằng bản chất của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Phiên tòa giám đốc thẩm nên để báo chí tham dự. Bởi xét về bản chất, báo chí là cơ quan truyền thông, góp phần thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Phiên tòa càng công khai, minh bạch, càng có sự tham gia phản biện của nhiều tổ chức xã hội thì trách nhiệm của người tham gia xét xử càng được nâng cao, chất lượng công việc ngày càng tốt.
Ở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đúng là báo chí có tham gia, nhưng lại theo xét duyệt, không phải tờ báo nào cũng có quyền cử phóng viên đến để ghi nhận. Loạt bài tường thuật trên tạp chí của chính cơ quan Tòa án nhân dân tối cao là một minh chứng cho băn khoăn đó.
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 08/05/2020
Chú thích :
(*) https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai-cong-tam-khach-quan-toan-dien-va-dung-phap-luat
***************
Vụ Hồ Duy Hải : Điều tra viên "sơ xuất" kiểu "ăn người" ?
Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 08/05/2020
Ngày đầu tiên 6/5/2020 xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải các báo hôm 7/5/2020 đưa tin : Điều tra viên nhận "có sơ suất". Theo đó, điều tra viên Lê Thành Trung thừa nhận lúc đầu Hồ Duy Hải khai đập đầu nạn nhân vào lavabo, nhưng không có dấu vết thể hiện ở lavabo sau Hồ Duy Hải lại khai dùng thớt đập đầu nạn nhân ở chân cầu thang, trùng hợp với vết thương ở đầu, cổ nạn nhân… nhưng "do "tưởng dấu vết ở đầu, gáy nạn nhân là dao nên không để ý cái thớt" (Tuổi trẻ, 6/5/2020).
Chánh án Nguyễn Hòa Bình điều khiển phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, ngày 6/5. Ảnh : Báo Công Lý.
Đây là tình tiết sai sót ư ?
Tôi đã từng theo dõi nhiều vụ án và thấy chỉ riêng tình tiết này đã thể hiện Hồ Duy Hải bị ép cung, mớm cung.
Qua các vụ giết người tôi theo dõi thì thấy điều tra viên thường dùng mọi thủ đoạn gọi là "biện pháp nghiệp vụ" để đạt được mục đích phá án nhanh, trong đó sai, đúng không quan trọng.
Năm 2005 có một thanh niên đi ăn trộm cá ở thôn Mai Chung, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) bị đánh trọng thương. Khi anh ta còn sống đưa đến bệnh viện có một thanh niên địa phương con nhà có thế lực khoe chính mình trừng trị tay ăn trộm cá chuyên nghiệp. Thế nhưng sau đó anh trộm không qua khỏi và công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương khởi tố vụ án.
Năm người ở thôn Mai Chung có ao cá bị bắt giam mặc dù có nhiều tình tiết vô lý, mâu thuẫn, ngoại phạm còn thanh niên kia bị dân tố cáo nhưng chỉ bị thẩm vấn qua loa rồi cho qua… Buổi đầu tất cả năm người không nhận tội nhưng sau thời gian ngắn điều tra đều nhận tội. Sau này hỏi tại sao lúc đầu không có tội mà cả năm người đều nhận đánh chết người thì họ cho biết :
Đầu tiên họ giam mỗi người một phòng giam kín nóng như nung. Qua mấy ngày thẩm vấn, điều tra, không ai nhận tội. Từ đây họ giảm bữa ăn chỉ ở mức "cầm hơi", đang đêm điều tra viên thay nhau gọi dậy hỏi cung làm mình nhiều ngày đêm liền không được ngủ.
Trong khi thẩm vấn nếu mình trả lời không đúng ý họ tra tấn như tát, dí điện vào người, đá vào mạng sườn, thúc gối vào thóp bụng… Đến khi cảm thấy không thể sống nổi thì điều tra viên đem vào một mảnh giấy viết tay nói là thằng B trong nhóm bị bắt đã khai cả lũ rồi đây, mày có nhận không.
Đọc bản viết thì đúng là người trong nhóm mình thật nhưng không phân biệt được mặt chữ vì xưa nay ai để ý xem hàng xóm mình viết như thế nào. Dù vậy tôi cũng không nhận và "mày ngoan cố à" và những seri đòn giáng xuống. Nếu kéo dài kiểu này thì không thể sống nổi nên tôi phải nhận bừa để sống và tự nhủ để khi ra tòa sẽ phản cung.
Tưởng thế là xong, hôm sau điều tra viên lại thẩm vấn và tôi phải khai như thế nào để phù hợp với việc cùng đánh chết người. Khi tôi không nghĩ ra được tình tết phù hợp thì điều tra viên nhắc phải như thế nọ, thế kia chứ. Khi đã hoàn thành bản cung theo chỉ đạo của điều tra viên, lại phải ghi thêm : "Tôi tự khai không ai ép buộc".
Sau này tôi mới biết từ bản "nhận tội" tôi viết thật dẫn đến bốn người còn lại cũng phải nhận tội hết rồi cũng phải cùng điều tra viên thảo lời khai cho khớp với hiện trường, vết thương trên nạn nhân…
Sau khi năm người nhận tội với lời khai "ăn khớp" với ý điều tra viên mọi người được đối xử tốt, đợi ngày ra tòa để cãi nhưng khi ra tòa họ phản cung thì quan tòa, viện kiểm sát dở các bản cung ra đọc bác bỏ hết vì trong đó ghi "đã nhận tội" lại còn khẳng định mình "tự khai không ai ép buộc…". Thế là năm nông dân nghèo hèn kia phải đi tù nhưng có lẽ cơ quan pháp luật cũng biết họ oan có chút lương tri chỉ áp mức án nhẹ, người cao nhất 11 năm tù nhưng không ai phải thi hành hết thời hạn.
Vụ này tôi đã viết, đăng bài : "Kỳ án trộm cá và mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án", trên báo Cựu chiến binh ngày 6/6/2011.
Theo tôi, không chỉ riêng vụ này mà cả vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… tuy tình tiết có thể khác nhau nhưng cũng diễn ra cảnh bị ép cung, tra tấn, nhục hình phải nhận tội bừa như kiểu trên và với những "sơ xuất" một cách quá "ngây thơ" kiểu "ăn người" của điều tra viên Lê Thành Trung ở vụ Hồ Duy Hải chắc chắn cũng là như vậy. Điều tra viên điều tra trọng án không thể không phân biệt được vết đập bằng thớt hay chém bằng dao ở đầu, cổ nạn nhân. Việc này thì người thường cũng xác định được vết thương do thứ gì gây ra chứ không cần đến một điều tra viên được học hành, đào tạo và có kinh nghiệm.
Còn việc rút hồ sơ của Nguyễn Văn Nghị khỏi vụ án, dấu vân tay không khớp với Hồ Duy Hải, không xét nghiệm máu, tại sao không triệu tập nhân chứng phủ nhận không nhận diện được Hồ Duy Hải mà cơ quan tố tụng khẳng định đã nhận diện được Hồ Duy Hải - một tình tiết đặc biệt quan trọng trong vụ án kết tội Hồ Duy Hải… để xem hội đồng xét xử phán như thế nào.
Vụ án Hồ Duy Hải dù diễn ra như thế nào thì dư luận cũng vẫn hiểu anh ta bị toan tính thế mạng cho người thân một quan chức.
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 07/05/2020
*****************
Đỗ Thành Nhân, VNTB, 08/05/2020
Có trận bóng sinh tử như thế này.
Quả bóng là dân đen Hồ Duy Hải bị các thế lực đội bóng đối phương sút vào chỗ chết, người sút quả bóng cuối cùng là "cầu thủ" Hòa Bình. Lẽ ra bóng đã vào "cầu môn" cửa tử, nhưng trong pha tranh chấp ở cầu môn, hậu vệ chặn bóng ngay tại vạch và phát bóng ra biên.
Vậy là hội đồng trọng tài họp để xem xét trường hợp này để quyết định công nhận/không công nhận, nên/không nên cho bóng vào cửa tử.
Và chủ tịch hội đồng "trọng tài" lúc này lại là "cầu thủ" Hòa Bình sút quả bóng trước đó.
Trong trường hợp này Hòa Bình có thể nói vừa là "cầu thủ" vừa là "trọng tài" hay không ? tức là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" ?
Ông Nguyễn Hòa Bình từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - vai trò của "Kiểm sát viên", ngày 24/10/2011, ông ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải do không có tình tiết mới.
Việc này như là "sút quả bóng" Hồ Duy Hải vào "cầu môn" cửa tử.
Tuy nhiên đến từ ngày 6-8/5/2020, ông Nguyễn Hòa Bình là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch hội đồng vai trò "Thẩm phán".
Lúc này lại là "trọng tài" để công nhận/không công nhận quả bóng sinh tử.
Chuyện ông Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm, trong khi trước đó chính ông đã ban hành quyết định buộc Hồ Duy Hải phải chết ; là có phù hợp với quy định pháp luật về tố tụng hình sự không ?
Xem Điều 53, khoản 1, điểm c Bộ Luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 [1] :
‘Điều 53. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm :
1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp :
1.c. Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án".
Phù hợp theo Luật không thì không rõ !
Nhưng nếu như không phải ông Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm thì chắc chắc bức tranh phiên tòa ngày hôm nay sẽ giảm đi những mảng tối.
Ghi chú :
[1] Bộ Luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13
*****************
Hồ Duy Hải - Vụ án rung chuyển chế độ
Thu Thủy, Thoibao.de, 07/05/2020
Luật sư Trần Hồng Phong : ‘Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải’
Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, người bị kết án hai tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản" 12 năm trước, diễn ra sáng 6/5 tại Tòa án Nhân dân Tòa án nhân dân tối cao, Hà Nội. Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình. Việc hoãn thi hành án tử hình chỉ được thực hiện trước đó một ngày nhờ sự can thiệp của chủ tịch nước Trương Tấn sang sau khi nghe trình bày qua điện thoại của Luật sư Trần Văn Tạo.
Phiên xử dự kiến kéo dài trong ba ngày, từ 6-8/5, do chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.
Hồ Duy Hải không được triệu tập như hai phiên tòa trước do đây là phiên tòa chủ yếu xử trên hồ sơ nhưng luật sư Trần Hồng Phong, người bào chữa chính cho Hồ Duy Hải, được mời tham dự.
Hồ Thu Thủy (trái), em gái Hồ Huy Hải, cho hay cô và mẹ, bà Nguyễn Thị Loan (giữa) đã từ quê nhà ra Hà Nội trước đó một ngày.
Trả lời BBC News tiếng Việt qua điện thoại hôm 6/5, Hồ Thu Thủy, em gái Hồ Huy Hải cho hay cô và mẹ đã từ quê nhà ra Hà Nội trước đó một ngày. Nhưng hai mẹ con không được vào phòng xử, cũng không được đứng gần cổng tòa án.
"Hiện tôi và mẹ đang đứng cách cổng tòa vài chục mét. Có rất đông an ninh sắc phục bảo vệ quanh tòa. Các phóng viên tới tác nghiệp cũng rất khó khăn", Thủy nói.
"Mẹ tôi đang rất căng thẳng, lo lắng không biết phiên tòa giải quyết theo hướng nào vì không được vào cũng không được xem qua màn hình".
Hồ Thu Thủy cho hay lần gần đây nhất gia đình gặp Hồ Duy Hải là cách đây ba tháng, hôm 14/2/2020. Khi đó Hải "khỏe và tinh thần phấn chấn lên đôi chút" vì gia đình thông báo mọi người đang nỗ lực minh oan cho Hải. Gia đình cũng chưa có dịp thông báo với Hải rằng phiên giám đốc thẩm sẽ được mở vào 6/5 và cũng không biết trại giam có cho Hải biết không, Thu Thủy nói với BBC.
"Sau mỗi phiên xử, luật sư Trần Hồng Phong sẽ thông tin cho gia đình về nội dung, nhưng không gặp mặt trực tiếp trong suốt thời gian này để đảm bảo tính khách quan.
Hiện gia đình đã tạm gác hết mọi công việc để lo cho anh Hải. Tôi mong phiên xử này thẩm phán phải xem xét thấu đáo, công tâm, nếu Hồ Duy Hải bị oan thì phải trả lại tự do cho Hồ Duy Hải. Mong người hướng về phiên tòa này để đòi lại công bằng, công lý cho Hồ Duy Hải", Thu Thủy nói.
Bài báo Tuổi Trẻ và Đời Sống, số 360 ngày 29/1/2015 với tựa đề : Hé lộ lời nhắn : "Đừng trách tôi đứng ra tuyên án tử hình Hồ Duy Hải… Hãy trách người xúi tôi xử".
Phiên giám đốc thẩm khác gì với các phiên tòa khác ?
Theo phân tích của tác giả Võ Văn Quản trên Luật khoa Tạp chí, Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Giám đốc thẩm không xem xét lại sự thật khách quan của vụ án. Nó chỉ xem xét xem cơ quan tiến hành tố tụng có sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hay không.
Trước đó, trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong nói tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác.
Luật sư Phong cho hay đã có sự "vi phạm" và "sai phạm" một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án.
Ông nói rằng tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan. Dựa trên hồ sơ vụ án và các bằng chứng thu thập được, luật sư Phong đánh giá rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Ông Phong nói các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay. Bên cạnh đó, dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại nạn nhân, nhưng cơ quan điều tra không hề thu giữ được tang vật nào như vậy ở hiện trường mà lại cho người ra mua dao và thớt ở chợ để "minh họa" cho "hành vi phạm tội" của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Luật sư Phong cho hay ông đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có ông Đinh Vũ Thường là người mà cơ quan điều tra cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Nhưng ông Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải kêu oan cho con, khóc nức nở ở Bờ Hồ Hà Nội, sau lưng là tấm bia ghi tên Lý Thái Tổ. Bà Nguyễn Thị Loan đã đi khắp nơi kêu oan cho con suốt 12 năm trời, bà phải bán nhà đi ở nhờ nhà anh trai
Ngoài ra, toàn bộ thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng, từng bị triệu tập sau đó được thả, đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, dù từng bị xem là nghi can hàng đầu, vẫn theo luật sư Lê Hồng Phong.
Còn bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, từng nói với BBC rằng, từ 12 năm qua, "từ một bà mẹ thôn quê hiền lành chất phác", bà đã trở thành một người đàn bà "dữ dằn", "lúc nào cũng đi tới đi lui", "bỏ bà mẹ già hơn 90 tuổi ở nhà" đề đi kêu gào công lý cho Hải.
Diễn tiến vụ án Hồ Duy Hải do Luật sư Trần Hồng Phong tóm lược
Trong đêm ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường cơ quan điều tra thu được nhiều dấu vân tay của hung thủ. Cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều nghi can, trong đó có một người tên là Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng. Tuy nhiên sau đó tất cả đều được thả.
Hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải, một thanh niên nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km bị bắt giữ.
Sau đó Hồ Duy Hải bị truy tố và đưa ra xét xử về hai tội "giết người" và "cướp tài sản". Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội giết người.
Theo cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, Hồ Duy Hải đã dùng dao và thớt có tại Bưu điện để sát hại hai cô gái. Thời gian gây án vào lúc 20g30 tối và nhân chứng Đinh Vũ Thường là người đã nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện lúc 19g39 (ngay trước khi gây án). Tuy nhiên tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan.
Theo các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, trong đó có tôi, cho rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm (hung thủ là người khác). Cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay (kết luận dấu vân tay tại hiện trường không trùng khớp với vân tay của Hồ Duy Hải). Trong khi điều này cho thấy chắc chắn hung thủ hoặc ít nhất tại hiện trường phải có một người khác. Mặt khác dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại hai nạn nhân, nhưng khi khám nghiệm hiện trường Cơ quan điều tra không hề thu giữ được tang vật nào như vậy. Mà chỉ sau khi bắt Hải thì cho người ra chợ mua dao và thớt để "minh họa" cho "hành vi phạm tội" của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Sau khi bị tuyên án tử hình, trong tù Hải kêu oan, ở ngoài thì mẹ Hải là bà Nguyễn Thị Loan chạy nhờ luật sư làm đơn, kêu oan cho con mình. Trong giai đoạn này có ba luật sư chính là Nguyễn Văn Đạt (cũng là người bào chữa cho Hải tại các phiên xét xử trước đây), tôi và luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Phó giám đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh)",Luật sư Trần Hồng Phong kể.
Trần Hồng Phong : "Bản thân tôi trong quá trình này đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có anh Đinh Vũ Thường là người mà Cơ quan điều tra cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Anh Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng. Điều này chứng tỏ Cơ quan điều tra đã bịa đặt ra tình tiết anh Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải. Tôi cũng nhận thấy rất bất thường khi toàn bộ những thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, chỉ còn đúng một chữ "Nghị" trong một bản cung. Trong khi đây là nhân vật từng bị xem là nghi can hàng đầu, báo chí đăng rất chi tiết khi vụ án vừa xảy ra.
Theo đó, tôi đã hỗ trợ gia đình Hồ Duy Hải lần lượt làm các đơn đề nghị giám đốc thẩm (từ năm 2011), đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị (từ năm 2015) và tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án (từ năm 2017) gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị giám đốc thẩm, kêu oan cho Hồ Duy Hải. (Ghi chú : để tránh hiểu sai, ngoài tôi, còn có luật sư Nguyễn Văn Đạt cũng làm đơn đề nghị giám đốc thẩm ; và có thể có luật sư nào khác nữa mà tôi không biết).
Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình.
Sau gần 12 năm kiên trì gửi đơn kêu oan cho con, cuối cùng ngày 22/11/2019 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Nội dung phân tích lý do dẫn đến kháng nghị giám đốc thẩm hầu như trùng khớp với những phân tích và kiến nghị của các luật sư.
Như vậy, vấn đề pháp lý then chốt trong vụ án này là để kết tội được Hồ Duy Hải, phía Cơ quan điều tra sắp tới đây là giải quyết được những mâu thuẫn nói trên hoặc tìm ra chứng cứ mới chứng minh Hồ Duy Hải hay một ai khác là thủ phạm thật sự. Vì đây là một vụ án giết người nên phải có hung thủ.
Tôi cho rằng việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân : trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) - mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý ; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là một tin vui", Luật sư Trần Hồng Phong nhận định.
BBC : Luật sư có thể phác họa một vài kịch bản khả dĩ có thể xẩy ra cho vụ án, từ tốt nhất đến xấu nhất ?
Trần Hồng Phong :Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác. Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là một khả năng cao, nhất là nếu Cơ quan điều tra tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Còn trường hợp xấu nhất thì nói thật là tôi không nghĩ tới và cũng không tin sẽ xảy ra. Vì tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay. Nếu nghĩ xấu đi, tôi đã không cố gắng kêu oan cho Hồ Duy Hải như đã từng trong nhiều năm qua.
BBC : Trong thời gian hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, luật sư có được tiếp xúc đầy đủ với thân chủ để bào chữa, có điều kiện cố vấn tốt nhất cho Hồ Duy Hải không ?
Trần Hồng Phong : Thật đáng ngạc nhiên là tôi và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải ở giai đoạn kêu oan hiện nay đều không được gặp Hồ Duy Hải trong suốt thời gian qua. Mặc dù đã có đơn đề nghị.
Nói một cách khách quan, thì luật sư bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả khi không được tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Mặc dù về lý thuyết theo quy định thì đây là quyền của luật sư.
Trên thực tế, các luật sư cũng không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án. Nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chẳng hạn như nay đọc kháng nghị của Viện Kiểm sát tôi mới biết là Hồ Duy Hải có bản khai không nhận tội ngày 20/3/2008 ngay trước khi bị bắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ bản khai ngày 21/3/2008 là bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải.
BBC : Mười hai năm là một chặng đường rất dài. Tại sao phải cần một thời gian dài như thế để giải quyết một vụ án bằng đề nghị điều tra lại từ đầy ? Điều này cho thấy gì về ngành tư pháp của Việt Nam ?
Trần Hồng Phong : Đây là một câu hỏi mà tôi muốn chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp của Việt Nam. Tôi chỉ nói ngắn gọn là việc để kéo dài quá lâu như vậy là không thể chấp nhận được và cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam về thời gian giải quyết đơn tố giác cũng như vấn đề trách nhiệm và thực thi trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Vụ án Hồ Duy Hải là một điển hình về thực trạng này.
Là một luật sư đã có gần 20 năm hành nghề, tôi thật sự thấy buồn khi nói về thực trạng của ngành tư pháp Việt Nam lúc này. Nói một cách đơn giản là đã không vận hành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến sự mất niềm tin của người dân vào sự công minh và khách quan của Tòa án, Viện kiểm sát, công an. Thật nguy hiểm khi sự vi phạm pháp luật của không ít cán bộ công chức tư pháp lại nhân danh pháp luật, dẫn đến những hậu quả, oan sai và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tư pháp.
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 07/05/2020
***********************
Mười luật sư kiến nghị cho luật sư của Hồ Duy Hải dự phiên Giám đốc thẩm
RFA, 07/05/2020
Khoảng 10 luật sư hôm 7/5-2020 đã ký tên vào Đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đồng thời cũng gửi tới những nơi khác như Chủ tịch nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội... đề nghị tạo điều kiện cho luật sư Trần Hồng Phong tiếp tục tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo quy định của pháp luật.
Gia đình tử tù Hồ Duy Hải bên ngoài Tòa án Nhân dân tối cao ở Hà Nội hôm 6/5/2020 -Courtesy of Cuong Hoang Cong
Hồ Duy Hải là tử tù vì bị kết án về tội giết người, cướp tài sản trong một vụ án còn nhiều nghi vấn cách đây 12 năm.
Các luật sư này bày tỏ trong đơn là "hết sức bất ngờ và thất vọng" vì luật sư đồng nghiệp được gia đình Hồ Duy Hải yêu cầu bảo vệ cho bị án trong giai đoạn Giám đốc thẩm của vụ án - chỉ được có mặt trong phần thủ tục đầu tiên của phiên tòa và trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng Thẩm phán trong khoảng thời gian 20 phút hôm 6/5.
Luật sư Lê Văn Hòa, một trong 10 người ký đơn vào trưa ngày 7/5/2020 đã trực tiếp cầm đơn kiến nghị gửi cho Bộ phận tiếp dân của Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Ông cho biết qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự do như sau :
"Trong bộ luật Tố tụng Hình sự đã ghi rõ rồi cho nên cái việc đó chúng tôi thấy rằng là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chưa tạo điều kiện tối đa cho luật sư để thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình để bảo vệ cho thân chủ là tử tù Hồ Duy Hải.
Chúng tôi hi vọng rằng ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ lắng nghe kiến nghị của chúng tôi, nếu mà ông ấy đáp ứng ứng được cái điều đó đó thì tôi nghĩ sẽ rất là có lợi.
Bởi vì vụ án này kéo dài cũng rất được quan tâm trong suốt thời gian qua, bà con ở trong nước và kể cả cả hải ngoại rồi các tổ chức thế giới đều rất là quan tâm đến vụ án này".
Cũng theo luật sư Hòa, đơn kiến nghị gửi đi vào ngày thứ 2 của thủ tục Giám đốc thẩm, ông không rõ việc duyệt đơn có phụ thuộc vào ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình hay là người cấp cao hơn nhưng các luật sư cũng rất hi vọng rằng lá đơn sẽ được đáp ứng.
Nội dung lá đơn chỉ rõ : "Khi Luật sư Trần Hồng Phong mất đi quyền có mặt và thực hiện nghĩa vụ, quyền tranh tụng của mình tại phần tiếp theo của phiên tòa, có nghĩa là bị án Hồ Duy Hải đã bị tước đi cơ hội cuối cùng, hy vọng cuối cùng được xem xét công bằng theo quy định".
******************
Lynn Huỳnh, VNTB, 07/05/2020
Tháng 7/2011, ông Nguyễn Hòa Bình, tân Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chúc mừng ông Trần Quốc Vượng, cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được bầu vào Ban Bí thư Trung ương,
Thời gian xảy ra vụ án ở bưu cục Cầu Voi với việc kết án Hồ Duy Hải khung tử hình, bất chấp các chứng cứ được nhóm luật sư chỉ rõ là ngụy tạo, cố tình vi phạm tố tụng…, thì ngồi ghế Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi ấy là ông Trần Quốc Vượng. Đến tháng 7/2011, ông Trần Quốc Vượng thôi giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chuyển công tác về Văn phòng Trung ương Đảng và giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Quyết định số 138-QĐNS/TW và Quyết định số 139-QĐNS/TW).
Kế nhiệm ông Trần Quốc Vượng là ông Nguyễn Hòa Bình, khi ấy là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là thiếu tướng công an, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Kể từ tháng 4/2016, ông Nguyễn Hòa Bình chuyển sang giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Kế nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình để giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là ông Lê Minh Trí, người từng là phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2009 đến tháng 4/2013 thì được chuyển sang làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Sau đó thì ông Lê Minh Trí kế nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình, và vào ngày 22/11/2019 Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án về hai nạn nhân nữ bị sát hại ở Bưu cục Cầu Voi năm 2008.
Có thể thấy việc tuyên hủy một bản án mà báo chí đăng rất chi tiết về nhiều sai phạm, hẳn không là việc khó khăn hay áp lực gì đối với Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình, dù chính ông là người đã từng phản đối kháng nghị vụ án này.
Thêm nữa, nếu việc có thể tuyên bố không cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng giam giữ đối với Hồ Duy Hải, thì ông Chánh tòa tối cao đang có cơ hội lớn để gắn tên mình vào một ‘tượng đài công lý’. Chí ít, tên ông cũng đi liền với một sự kiện tư pháp vô tiền khoáng hậu, khiến lòng dân hồ hởi ngay tức khắc. Nó sẽ tôn cao vị thế của ông ngay sau khi kết thúc phiên tòa giám đốc. Và có lẽ các toan tính ấy đã được dự liệu, khi ai đó sắp xếp ông Nguyễn Hòa Bình là người ngồi ghế chủ tọa - bất chấp chuyện ông Nguyễn Hòa Bình dường như chưa lần nào làm công việc thuần chuyên môn của một thẩm phán.
Một câu hỏi cũng từ đây : Một hệ thống tư pháp trong 12 năm không hề nhìn ra sự phi lý đằng sau bản án đó, nay vì sao bỗng nhiên tỉnh ra ? Liệu có liên quan gì đến canh bạc chính trị trong cơ cấu ghế của đảng chính trị ở nhiệm kỳ mới ?.
Ba mươi chưa phải là Tết. Câu trả lời có lẽ phải đợi đến quý 2/2021, khi mọi chuyện đã ngã ngũ cho những chiếc ghế quyền lực nhất trong nội các của đảng cầm quyền.
Một chút ngậm ngùi cho gia đình của hai nạn nhân ở vụ huyết án. Giờ đây, hiện trường đã thay đổi quá nhiều, mọi chứng cứ đã xóa nhòa, các nhân chứng người có, người không, nhiều nghi phạm cũng rời địa phương không rõ tung tích. Vấn đề còn lại chỉ là những suy luận, tranh biện dựa trên những lời khai, chứng cứ của… ngày xưa. Kẻ thủ ác chưa đền tội, linh hồn nạn nhân chắc vẫn vất vưởng đâu đó để chờ đợi. Hơn 12 năm đi qua rồi.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 07/05/2020
*******************
Chung quanh chuyện giám đốc thẩm
Viết từ Sài Gòn, RFA, 06/05/2020
Sáng ngày 6/5/2020, Hồ Duy Hải được xét xử giám đốc thẩm, điều đó không có nghĩa là Hồ Duy Hải có thể hi vọng vào may mắn, vào công lý để thoát án tử. Và nếu như thoát được án tử, nghĩa là không có tội, Hồ Duy Hải sẽ được trả tự do ngay tức khắc và tòa án, ngành điều tra và viện kiểm sát liên đới sẽ xin lỗi, đền bù danh dự và đền bù vật chất cho Hồ Duy Hải. Vấn đề nằm ở chỗ này chứ không phải cán cân công lý hay ánh sáng lương tri.
Hồ Chí Minh rút khăn tay lau nước mắt vì những sai lầm sau cải cách ruộng đất.
Bởi nếu xét theo cán cân công lý hay ánh sáng lương tri, Hồ Duy Hải đã được trả tự do từ lâu. Nghiệt nỗi, những thứ ấy đã trở nên rẻ rúng và xa xỉ trong hệ thống quyền lực đảng và lợi ích nhóm. Bởi vì quyền lực đảng kéo theo lợi ích nhóm đã phá tan mọi thứ, nếu bây giờ, công lý quay lại thì lấy gì để đền bù cho những người như Hồ Duy Hải, bởi có biết bao nhiêu vụ án oan trong lịch sử Việt Nam này đã bị chìm khuất và tiếng kêu oan của con dân nước Việt đã thấm trong từng thớ đất.
Nói tới án oan, đâu riêng gì thời đại này, mà những năm đầu thành lập Đảng cộng sản đã có án oan, nhưng có lẽ, án oan nhiều nhất bắt đầu xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam những năm đầu của thập niên 1950, khi mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn "phiên tòa" đã diễn ra trong đêm tối mập mờ ánh đuốc, dưới những gốc đa, bụi tre, trước các sân đình… Không có ngóc ngách dân sinh nào là không có những phiên tòa như thế.
Những phiên tòa mà thẩm phán là những cán bộ vừa học xong i tờ, không biết thế nào là pháp luật và phục vụ trong một chế độ không có pháp luật, chỉ có lòng thù hận mông lung và hành vi quyết liệt, gắt máu, đằng sau họ là những cố vấn người Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là các đảng viên cộng sản Trung Quốc. Những phiên tòa đã được dàn dựng, chuẩn bị kĩ lưỡng từ khâu dân vận, dạy cho dân đấu tố, dạy cho dân thù hận "địa chủ bóc lột", dạy cho dân ném đá vào địa chủ và vỗ tay mỗi khi thẩm phán đưa ra quyết định (giết người). Bị cáo là ai ? Là những người đã chắt chiu cả đời để có của ăn của để, để con cái học hành và thăng quan tiến chức, có phẩm hàm triều đình, và, khi bị mang ra tòa, khi bị tuyên án tử hình, họ vẫn không hiểu mình bị tội gì !
Những phiên tòa như vậy diễn ra gần một thập kỉ và trải dài khắp miền Bắc, có biết bao mạng người đổ xuống trong tức tưởi, đau khổ và oan khiên. Thế rồi, hàng trăm phiên tòa, hàng ngàn nhân mạng bị chết oan ức ấy cũng được "giám đốc thẩm" bằng một hành vi duy nhất, bởi con người quyền lực cao nhất - Hồ Chí Minh - ông đã khóc, đã lấy khăn mùi soa lau nước mắt về những cái chết oan. Phiên "giám đốc thẩm" này diễn ra trong vài chục giây, đủ để các phóng viên ghi hình, đủ để các cây bút dưới trướng của ông ghi chép vào lịch sử và nó giúp cho hình ảnh Hồ Chí Minh trở nên thần thánh, cao cả hơn. Một phiên giám đốc thẩm cực kì lạ lùng bởi nó diễn ra trong bối cảnh và sinh hoạt lạ lùng trong một đất nước ở vào thời kì lạ lùng và tăm tối.
Và sự tăm tối ấy kéo dài mãi đến bây giờ, vẫn chưa rõ ánh sáng cuối đường hầm xã hội chủ nghĩa ở đâu, bao xa nữa thì gặp. Bởi sau khi đất nước không còn chia hai miền, sau khi chủ nghĩa Cộng sản chảy tràn trên cả miền Nam và có hàng ngàn phiên tòa không phiên tòa, tức những phiên tòa bỏ túi, chớp nhoáng để kết án một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước khi cho người đó "sáng mắt sáng lòng" ở trại cải tạo. Và những khu trại cải tạo là hậu phương của hàng chục ngàn phiên toàn bỏ túi của những cán bộ chưa bao giờ hiểu thế nào là pháp luật, bởi pháp luật chính là sự thương ghét hay thù hận của họ, kẻ chiến thắng và nắm quyền sinh sát. Có hàng trăm con người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc và hàng ngàn con người mất tương lai sau những phiên tòa bỏ túi như thế này.
Rồi, vẫn chưa dừng ở những phiên tòa bỏ túi dành cho "kẻ thù", "ngụy quân ngụy quyền" kia mà liên tục trong thời kinh tế tập trung bao cấp, rồi đến kinh tế mở cửa thị trường, có hàng trăm án oan, có hàng chục cái chết mà nếu như nghiêm túc một chút, người ta có thể được tha bổng. Từ Tăng Minh Phụng trong vụ Epco Minh Phụng cho đến Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, rồi Hồ Duy Hải… Tất cả những người này, nếu được xét xử trong một hệ thống pháp luật hiện đại, nghĩa là hệ thống điều tra có chuyên môn, có nghiệp vụ và lương tri, một hệ thống pháp luật chặt chẽ, một hệ thống tòa án nghiêm túc, không được chăng hay chớ, không qua loa chiếu lệ và biết coi trọng mạng sống con người, coi trọng công lý và sự thật, thì chắc chắn, họ đã được thoát án tử. Nghiệt nỗi, họ đang sống và chấp pháp dưới thời đại của những ông chánh án, thẩm phán ngu dốt, của những điều tra viên thèm tiền, hung hãn và không có nghiệp vụ.
Hiện tại, nếu tìm hiểu về hệ thống tòa án Việt Nam, riêng phần tòa án cấp huyện, số lượng các chánh án học chuyên tu, bổ túc, mà nguồn ban đầu của họ là sự đào thải từ ngành công an, họ không đủ chuyên môn hoặc thế lực để ở lại cơ quan công an, vậy là đi học chuyên tu, bổ túc, sau đó học đại học tại chức để mua cho được tấm bằng cử nhân luật, chuyển sang ngành tòa án. Và không bao lâu thì lên họ ngồi ghế chánh án. Chính các loại chánh án tù mù này đã làm cho hệ thống tòa án cấp huyện hỏng hóc nặng nề, bời mọi sự xét xử hay luận án đều được soi chiếu bởi cái đầu và cán cân dốt nát của các chánh án như vậy. Đến tòa cấp tỉnh, rồi chánh án tòa tối cao, nếu soi xét học vị của họ, cũng lắm vấn đề. Chính vì hệ thống tòa án không đủ năng lực và sáng suốt nên hệ thống điều tra thuộc ngành công an dễ dàng qua mặt hoặc bắt tay làm những việc sai lầm, phi pháp.
Chỉ cần vài chục triệu đồng hay một chai rượu ngoại hạng xịn, cũng đủ làm cho trắng thành đen, làm cho sáng thành tối và khiến cho một mạng người bị thủ tiêu bằng chính viên đạn hợp pháp, viên đạn đã có bảo chứng từ tòa án. Chuyện này không ít, thậm chí Đường Nhuệ, một tay giang hồ bẩn thỉu và cộm cán ở Thái Bình đã đẩy biết bao nhiêu người vào lao lý, mất trắng mọi thứ chỉ vì y có tiền, có khả năng dùng đồng bạc đâm toạc công lý (mà thực ra cũng chẳng tìm đâu ra công lý lúc này !).
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu tay giang hồ, đầu trộm đuôi cướp có thể dùng tiền để mua ngành điều tra, sau khi chém chết người, chỉ cần mua ngành điều tra, rồi ngành điều tra mua lại ngành kiểm sát, tòa án là khỏi có truy tố hay phiên tòa nào. Nếu một người nào không may mắn rơi vào vòng lao lý chính là họ đang rơi vào chỉ tiêu án của ngành. Vì tất cả những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, những kẻ bất hảo đã được bảo vệ bởi hệ thống nhân viên công lực, bởi hệ thống chấp pháp, thì đương nhiên, những án oan phải có, bởi nó có để thay thế, để lấp vào khoản trống những vô lý, bất công xã hội và bất lực của nhà nước, của đảng lãnh đạo.
Và, trong phiên tòa giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, liệu có bao nhiêu phần trăm niềm tin công lý để hi vọng rằng Hải được trắng án ? Rất khó, thậm chí xác suất được sống sót của Hải là quá thấp, bởi trước khi trả tự do, trả ánh sáng công lý, công bằng cho Hải, người ta lại đặt ra câu hỏi về lời xin lỗi, tiền đền bù án oan và những cán bộ có nguy cơ mất việc bởi thiếu năng lực. Và để trả lời những câu hỏi này, không có con đường nào khác, người ta phải vận dụng tới đồng tiền, người ta sẽ bằng mọi giá mua cái chết cho Hải để cứu sống cái ghế của họ. Đây là bài toán vô cùng khủng khiếp và mang đầy dấu ấn của mông muội, man rợ xã hội, một thứ xã hội đã ngấm quá lâu trong sự dửng dưng, tàn nhẫn, coi thường mạng sống và sẵn sàng đấu tố, đẩy đồng loại vào đường cùng, chỗ chết !
Và, vụ án Hồ Duy Hải một lần nữa nói lên rằng cán cân công lý hay thần công lý đang ở quá xa Việt Nam trong lúc này. Việc người ta tìm cách đúc biểu tượng công lý để đặt trước các tòa án chẳng khác nào một ca sĩ đúc tượng của mình đặt trước sân nhà hay một kẻ tâm thần cố nặn ra chân dung của hắn sau khi hắn tình cờ đi ngang qua triển lãm điêu khắc của một nghệ sĩ lừng danh nào đó. Mọi thứ đều là trò chơi hay vở kịch, công lý tại Việt Nam giống như một vở kịch mà ở đó, lời nguyện cầu và tiếng thở dài giống như những tràn vỗ tay của khán giả dành cho sân khấu công lý ! Thật là buồn khi phải nhắc đến hai chữ này, ngay lúc này : Công Lý !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 06/05/2020 (VietTuSaiGon's blog)
********************
Giám đốc thẩm oan án Hồ Duy Hải : Chánh án Nguyễn Hòa Bình có dám "lật kèo" Tổng Chủ ?
Gió Bấc, RFA, 04/05/2020
Oan án kéo dài 13 năm, đơn kêu oan chất chồng, Nghị sĩ Mỹ, EU các tổ chức nhân quyền thế giới, nhiều lần lên tiếng. Ủy ban Tư pháp Quốc hội giám sát, kiến nghị nhưng Tòa và Viện tối cao khăng khăng không kiến nghị. Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra văn bản, lập tức gió đổi chiều. Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ phải chủ tọa giám đốc thẩm bản án mà Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình từng ký quyết định không kháng nghị. Chánh án sẽ tự vả mồm mình hủy án hay dám "lật kèo" trái lệnh Tổng Chủ ?
Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ phải chủ tọa giám đốc thẩm bản án mà Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình từng ký quyết định không kháng nghị.
Theo thông tin của Tòa án nhân dân tối cao, phiên xử giám đốc thẩm kỳ án Hồ Duy Hải sẽ bắt đầu từ ngày 6/5 và kéo dài 3 ngày, do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa. Ngoài các ủy viên của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An tòa còn mời Luật sư Trần Hồng Phong người hổ trợ pháp lý kêu oan trong suốt 10 năm qua.
Thoát chết phút 59
Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về các tội "giết người, cướp tài sản" bằng những bằng chứng con dao cái thớt mua từ ngoài chợ. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả hai cấp sơ phúc thẩm đều vi phạm nghiêm trọng. Ngay từ sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Đạt (người bào chữa cho Hồ Duy Hải tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm) và bị cáo Hải đã kêu oan với đầy đủ lý lẽ, chứng cứ nhưng không được đoái hoài.
Cuối năm 2009, luật sư Nguyễn Văn Đạt gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm cho phạm nhân Hồ Duy Hải. Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi văn bản trả lời luật sư Đạt là đã xét xử đúng người đúng tội. Trước nền công lý tối tăm ấy Luật sư Đạt vẫn kiên trì hàng tháng đều đặn ra bưu điện liên tục gởi đơn kêu oan cho đến lần thứ 36. Sau đó là sự tiếp nối song song với Luật sư Trần Hồng Phong cho đến khi anh lâm bệnh phải đi định cư ở nước ngoài.
Riêng thời gian yêu cầu kháng nghị Giám đốc thẩm đến thời điểm có quyết định kháng nghị là 10 năm, sự kiên trì bền bỉ của gia đình Hồ Duy Hải và các Luật sư vấp phải áp lực vô cảm, vô tri, tàn bạo kinh hồn của các cơ quan tố tụng. Một đồng nghiệp đã tóm tắt tiến trình pháp lý trên fb của Luật sư Trần Hồng Phong như sau :
- Ngày 24/5/2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm ;
- Ngày 24/10/2011 : Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm ;
- Tháng 1/2012, luật sư Trần Hồng Phong (theo yêu cầu của gia đình Hồ Duy Hải) tiếp tục gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm cho Hồ Duy Hải ;
- Tháng 4 và 5/2012, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng đã xét xử đúng người đúng tội ;
- Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước bác đơn ân giảm án tử hình đối với Hồ Duy Hải ;
- Ngày 24/11/2014, Hội đồng thi hành án ra quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014.
- Ngày 25/11/2014, cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Long An đến nhà, thông báo cho gia đình Hải về việc nhận xác con sau tử hình. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hải, lại một lần ra Hà Nội gửi đơn kêu cứu.
- Ngày 4/12/2014, báo chí đồng loạt đưa tin về việc sắp thi hành án đối với Hồ Duy Hải, dư luận xã đề nghị cân nhắc, xem xét lại để tránh oan sai. Gia đình Hải gửi đơn xin hoãn thi hành án. Luật sư Trần Văn Tạo và Trần Hồng Phong gửi đơn khẩn đến Văn phòng Chủ tịch nước và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị hoãn thi hành án và xem xét giám đốc thẩm.
Trong ngày 04/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án, để xem xét thật kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người. Đến khoảng 12h trưa, Hội đồng thi hành án thông báo việc tạm hoãn thi hành án tử hình (Phó chánh án ghi vào sau Đơn của gia đình).
Cần nói thêm, Hồ Duy Hải may mắn kéo dài cuộc sống đến năm 2014 là do chờ hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi thi hành án tử hình từ bắn sang tiêm thuốc.
Có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đồi bản chất vụ án !
Theo yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đoàn giám sát liên ngành Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Công an đã giám sát vụ án này. Tháng 3/2015, đoàn kết luận cho rằng việc kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải về các tội danh trên là "có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án".
Song song đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có chương trình giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật" trong đó có vụ án Hồ Duy Hải. Theo báo cáo kết quả giám sát ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm như quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được ; chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường ; kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ ; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai ; động cơ, mục đích giết người nêu trong kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp với diễn biến vụ án. Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết quả điều tra, truy tố, xét xử (1).
Nhưng ngay trên diễn đàn quốc hội Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương vẫn giữ lập trường "quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án" và án tử tiếp tục treo lơ lửng trên đầu Hồ Duy Hải.
Theo pháp chế thì Tố tụng Hình sự là khuôn thước không thể sai lệch, bà Lê Thị Nga Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thời đó đã nhấn mạnh tại quốc hội "chỉ cần sai một điểm phải hủy án, bản án này sai hàng chục điểm". Nhưng phát biểu này bị chìm trong im lặng. Cần lưu ý, thời điểm này sắp đại hội 12 của Đảng. Trương Hòa Bình có cơ cấu vào Bộ Chính trị, Nguyễn Hòa Bình có cơ cấu vài ủy viên trung ương, Hồ Duy Hải phải chết để bản thành tích các quan chức này sạch đẹp ?
Sắp đến Đại hội 13, gió đổi chiều ?
Sau 4 năm kể từ ngày có kết luận giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tháng 11/2019, Viện trường Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí bất ngờ có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Bản án hình sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ; đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, theo hướng Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử Hồ Duy Hải về tội "giết người", "cướp tài sản" để điều tra lại - Tạm đình chỉ thi hành Bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải. Quyết định kháng nghị này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành tháng 10/2011.
Quyết định này là tin vui bất ngờ đối với gia đình Hồ Duy Hải và dư luận nói chung. Nhưng vì sao ông Viện trưởng Lê Minh Trí dám kháng nghị lật ngược lại quyết định của người tiền nhiệm giờ đã là ủy viên trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là Trương Hòa Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực phụ trách nội chính ?
Một tháng trước đó trên RFA có bài "Hồ Duy Hải : cơ hội cuối đời của Nguyễn Phú Trọng" chỉ mới đặt vấn đề về quyền ân xá của Tổng Chủ "Quyền ân xá của Chủ tịch nước là quyền nhân đạo, không ảnh hưởng đến tiến trình tư pháp trước đó, không ảnh hưởng đến thành tích, vai vế của Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay Nguyễn Hòa Bình Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thời điểm đó.
Năm năm trước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm đươc điều chưa có tiền lệ, chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước ra công văn hoãn thi hành án Hồ Duy Hải vào giờ chót. Một quyết định chấn động dư luận, cứu sống mạng người đươc dư luận cả nước đồng tình tuy nó chỉ là một ý kiến nửa vời.
Với tuổi tác và sức khỏe hiện nay, ngày ông Trọng rời xa quyền lực thậm chí ngày rời xa thế giới này để đi gặp ông Mác, ông Hồ cũng không còn xa, ký một quyết định nhân đạo cứu sống một thanh niên vô tội là cơ hội để ông có thể để lại điều gì đó cho sự nghiệp của mình" (2).
Trả lời BBC tiếng Việt, Luật sư Trần Hồng Phong cũng cho rằng "Không loại trừ sự cạnh tranh chính trị "việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân : trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) - mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý ; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là một tin vui" (3).
Trong quyết định kháng nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí dẫn ra nhiều căn cứ để ra quyết định nhưng báo Thanh Niên mới đây thông tin về phiên Giám đốc thẩm có đưa thông tin mới mà ít người biết đươc "Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước (Nguyễn Phú Trọng) có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật" (4).
Phải chăng đây là điểm tựa quyền lực để có quyết định kháng nghị ? Gió đã xoay chiều, vụ án sẽ là tình tiết phục vụ cho yêu cầu cơ cấu nhân sự Đại hội 13 ?
Chánh án Nguyễn Hòa Bình sẽ tự xử thế nào ?
Theo báo Tuổi trẻ & Đời sống số ra ngày 5/5 ghi nhận, việc Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa làm dư luận băn khoăn. Luất sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho biết, việc ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa một phiên tòa đúng là điều khá đặc biệt. Trước đây rất hiếm trường hợp đích thân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đứng ra làm chủ tọa xét xử một vụ án.
Luật sư Trần Thanh Phong Đoàn Luật sư Cần Thơ nhắc đến một quy tắc "bất tái cứu" dành cho thẩm phán tòa sơ phúc thẩm, đã xử vụ án một lần rồi thì sẽ không đươc ngồi xử lần thứ 2. Năm 2011, ông Nguyễn Hòa Bình là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từng ra quyết định không kháng nghị (ngày 24/10/2011) theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Không rõ nguyên tắc này có áp dụng cho Tòa án nhân dân tối cao không ?
Tương tự, trang Báo Mới cũng có bài đăng ý kiên soi rọi thêm khía cạnh tố tụng, rằng việc ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ngồi ghế chủ tọa trong phiên xử sắp tới có phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS 2015) hay không... Bởi vào thời điểm tháng 10/2011, khi giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án này...
Cũng theo bài viết này, Tiến sĩ Võ Thị Kim Oanh (nguyên trưởng khoa luật Hình sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm : Đầu tiên, cần phải khẳng định ngay là ông Bình không tham gia xét xử sơ thẩm (tòa tỉnh Long An) và phúc thẩm (tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh) đối với vụ án Hồ Duy Hải.
Như vậy, điều cần xác định ở đây là ông Bình có phải đã từng là người tiến hành tố tụng theo quy định của Điều 53 BLTTHS hay không ?
Quyết định không kháng nghị lúc đó của ông Nguyễn Hòa Bình được kí với vai trò và chức danh Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Đây là các thủ tục đặc biệt dành riêng cho giám đốc thẩm và tái thẩm, do người có thẩm quyền theo luật định thực hiện.
Đồng ý rằng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng là Kiểm sát viên nhưng nếu là một Kiểm sát viên bình thường, không mang chức danh quản lý (cụ thể là mang các chức danh có thẩm quyền kháng nghị) thì không thể kí ban hành các quyết định kháng nghị liên quan đến vụ án.
Nên hiểu, việc ông Bình kí quyết định không kháng nghị vụ án vào thời điểm tháng 10/2011 là với thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chứ không phải là một Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án (5).
Dù cho là đúng luật, việc ngồi xử Giám đốc thẩm bản án mà mình từng ký quyết định bác kháng nghị khác nào ông Nguyễn Hòa Bình đang tự vả vào mặt mình ?
Nhưng dù sao đây cũng là cơ hội để minh oan cho một thanh niên vô tội, đền trả cho người mẹ, người em, những người dì 13 năm ròng xả thân đòi công lý. Họ đã khánh kiệt phải bán hết nhà cửa ruộng vườn đi ở nhờ nhà người anh. Cầu mong cho ánh sáng hiện ra ở cuối đường hầm.
Nhưng điều cầu mong lớn hơn là thể chế chính trị, nền tư pháp Việt Nam cần có bước đổi thay cơ bản vì còn Đặng Văn Hiến, Nguyễn Văn Mạnh, Lê Văn Chưởng những tử tội tương tự Hồ Duy Hải bị kết án oan bởi những "vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".
Phải thay đổi làm sao để sinh mạng, quyền tự do của con người phải đươc tôn trọng, bảo vệ chứ không là trò chơi, là công cụ cùa quyền lực.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 04/05/2020 (Gió Bấc's blog)
1. https://www.facebook.com/eco.law.3
2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ho-duy-hai-last-chance-for-nguy...
3. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/50655276?SThisFB&fbclid=IwAR3xBGW...
4. https://thanhnien.vn/thoi-su/vu-tu-tu-ho-duy-hai-co-gi-dac-biet-1218378....
5. https://baomoi.com/chuyen-chanh-an-nguyen-hoa-binh-chu-toa-vu-ho-duy-hai...