Doanh nghiệp chỉ thấy mình được hỗ trợ… trên ti vi (!)
"Đã rất nhiều lần, doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ từ Nhà nước chứ không phải riêng lần này. Hiện nay, điều chúng tôi lo là tìm đơn hàng, đầu ra cho sản phẩm chứ không phải bỏ thời gian lo giấy tờ để đạt các yêu cầu nhằm nhận được sự hỗ trợ".
Một trong số nhiều doanh nghiệp tham gia đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Nhiều chủ doanh nghiệp thẳng thắn nói như vậy trước việc hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam ra rả đưa tin rằng "Các gói hỗ trợ về dịch Covid-19 của chính phủ đã được giải ngân".
Thuật ngữ kinh tế được sử dụng ở đây để biện minh cho "Doanh nghiệp chỉ thấy mình được hỗ trợ… trên ti vi", là "độ trễ thực thi" (tiếng Anh : Implementation Lag) – có nghĩa thời gian kể từ khi một sự kiện kinh tế vĩ mô bất lợi xảy ra, cho đến lúc chính phủ hoặc ngân hàng trung ương thi hành chính sách tài khóa, hoặc chính sách tiền tệ để điều chỉnh nó.
Thông thường, các chính trị gia – về bản chất vốn dĩ nhắm tới mục tiêu chính trị hơn là kinh tế, thích đẩy trách nhiệm cho người khác. Chính sách kinh tế tốt – như ngăn chặn bong bóng tài sản khổng lồ sẽ tàn phá nền kinh tế khi chúng vỡ – lại thường gây ra hình ảnh chính trị tiêu cực. Đây là lý do tại sao mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị dẫn đến rất nhiều chính sách sai lầm, và tại sao chính sách tiền tệ thường gây bất ổn thay vì làm giảm thiểu tác động của chu kỳ kinh tế.
Ngay cả khi các nhà kinh tế và chính trị gia có cùng quan điểm, thì vẫn sẽ luôn có độ trễ phản ứng trước khi bất kỳ chính sách tài khóa, hoặc tiền tệ nào gây được tác động đến nền kinh tế.
Ở Việt Nam, ngoài những đặc tính chung như nói ở trên, còn có thêm một điểm rất riêng, là chính sách tài khóa còn phải có trách nhiệm chi cho toàn bộ hoạt động ở bộ máy hành chánh của đảng chính trị, đang đồng thời cũng là đảng cầm quyền. Mà đảng chính trị thì đang rất cần tiền bạc cho yêu cầu tổ chức đại hội đảng các cấp ở địa phương, và tiến tới đại hội cấp quốc gia vào quý 1-2021. Chính điều đó dẫn đến nếu chỉ nhìn phần ngân sách chi cho các hoạt động điều hành quốc gia, dễ đồng ý về các quyết sách kịp thời trong hỗ trợ chính sách tài khóa cho đời sống kinh tế, nhưng vấn đề đặt ra liệu thực hiện chính sách có kịp thời hay không, vì còn phải cân đối khoản tiền ngân sách đáp ứng đòi hỏi cho những đợt "Hoa sơn luận kiếm" của đảng cầm quyền ?.
Lưu ý có một hiện tượng hay xảy ra ở Việt Nam, là trong lúc chính phủ đưa ra các chính sách chỉ đạo được đánh giá ‘rất kịp thời’, nhưng triển khai thực hiện thì lại chậm bởi qua nhiều tầng nấc quản lý về phía chính quyền địa phương và các cấp đảng địa phương.
"Độ trễ càng ngắn, chính sách càng hiệu quả" – điều này bước đầu đã có ở một số địa phương ở miền Nam trong chính sách hỗ trợ an sinh cho người bán vé số dạo. Tuy nhiên ở tầm chính sách vĩ mô, thì ‘độ trễ’ tiếp tục là sợi dây kinh nghiệm, mà hễ càng rút thì lại càng dài hơn…
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 12/05/2020