Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/05/2020

Cách mạng/Hy sinh & Cống hiến

Tưởng Năng Tiến

Đã có các giải pháp để huy động nguồn lực vàng, USD trong dân. 

Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng

cachmang1

Từ Bangkok, FB Trần Quang Đô  hớn hở cho hay : "Ngân hàng hôm nay 5/5 đông kín người. Thiên hạ xếp hàng nhận 5000 baht, tương đương 250 đô la Úc, tiền hổ trợ người dân trong dịch Cúm Vũ Hán. Điện nước thì miễn phí trong ba tháng cho dân lao động".

Tôi cũng hay lui tới Thái Lan nên hoàn toàn không ngạc nhiên gì về chuyện này. Tuy mang tiếng là "quân phiệt" nhưng bọn tướng lãnh ở nước này "yếu xìu" hà, và hay "mị dân" bằng tiền lắm : tiền trợ cấp cho những người khuyết tật, tiền giúp đỡ cho kẻ neo đơn, hay ông già/bà lão … Họ tạo cho dân chúng Thái cái tâm lý ỷ lại, và hèn yếu. Bởi vậy dân Thái chưa bao giờ đánh thắng được một đế quốc to nào cả, đế quốc cỡ trung bình, hoặc nhỏ (xíu) thôi cũng khỏi có dám luôn.

Dân Việt thì hoàn toàn khác. Ngon lành và bảnh hơn thấy rõ. Báo Thanh Niên, số ra ngày 6 tháng 5 năm 2020, vừa hãnh diện cho hay : "Nhiều cá nhân, gia đình ở tỉnh Thanh Hóa đã làm đơn xin không nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 , nhằm chia sẻ khó khăn với Chính Phủ trong giai đoạn hiện nay". Báo Lao Động (đọc được hôm 2 tháng 4 năm 2020) còn loan tin "phấn khởi" hơn nữa : "Lão nông miền núi hiến đất mặt tiền để chống dịch Covid-19". 

Những nghĩa cử cao đẹp này, tiếc thay, đã không được dư luận đồng tình mà còn có không ít điều tiếng eo sèo :

  • Ngô Trường An : "Dân nào rảnh rỗi quá vậy ? Không nhận thì thôi chứ việc chó gì phải viết đơn ?"
  • Minh Nguyen Khue : "Đất mặt tiền thì liên quan gì đến việc chống dịch Covid-19 ạ ?"
  • Thảo Dân : "Tại sao dân cứ phải hi sinh nhiều như vậy ? Tại sao cứ mãi bòn rút tận dụng nơi khố rách ?"

Những lời phát biểu linh tinh thượng dẫn hoàn toàn đi ngược với truyền thống cống hiến toàn diện và hy sinh tuyệt đối của cuộc Cách mạng vô sản vĩ dại ở nước ta. Xin đơn cử đôi ba trường hợp để rộng đường dư luận :

  • Ngày 12 tháng 12 năm 1953, Bế Văn Đàn  hy sinh lấy vai làm giá súng.
  • Ngày 1 tháng 2 năm 1954, Tô Vĩnh Diện  hy sinh lấy thân chèn pháo.
  • Ngày 13 tháng 3 năm 1954, Phan Đình Giót  hy sinh lấy thân mình lấp lỗ châu mai.

Những tấm gương hy sinh vừa nêu, có thể, vì quá sáng khiến nhiều người chói mắt nên không nhìn nhận là sự thực. It's too good to be true ! Còn những đợt hy sinh tập thể, có vô số cá nhân người dính chùm, thì vô phương chối bỏ :

  • Sau cuộc Cải cách Ruộng đất (1953 – 1956) tại miền Bắc, toàn thể nông dân nơi đây đã "tự nguyện" mang hết đồng ruộng giao nộp lại cho Nhà Nước (bằng cách gia nhập hợp tác xã) để Chính Phủ thực hiện chủ trương đất đai của toàn dân. Một chính sách mang lại công bằng và ơn ích cho trăm dân muôn họ.
  • Trong những đợt Cải tạo Công thương nghiệp – ở cả hai miền Nam/Bắc –không ít người dân Việt cũng đã mang hết nhà đất, xe cộ, cơ sở thương mại hiến tặng cho Nhà Nước trước khi... tự tử vì họ ân hận đã tích trữ tài sản hơi nhiều !

Thiệt là quá đã, và quá đáng !

Tuy thế, vẫn chưa đã bằng nguyên cả Tuần Lễ Vàng – theo như tường thuật của báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam :

Cách đây gần 75 năm, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân cả nước tham gia "Tuần lễ Vàng" và xây dựng "Quỹ Độc Lập". Sự kiện trên không chỉ giúp Chính phủ cách mạng non trẻ vượt qua những thiếu thốn về tài chính mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân…

Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17-24/9/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho "Quỹ Độc Lập" khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương. Ở nơi cực Bắc của Tổ quốc, Vua Mèo Vương Chí Xình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng. Tại cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu (Vợ của cựu hoàng Bảo Đại - khi đó là cố vấn Vĩnh Thuỵ) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng. Bà Thềm - Công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm... Có thể nói, thông qua tuyên truyền, "Tuần lễ Vàng" đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Không chỉ có người giàu mà gần như mỗi gia đình dù ít, dù nhiều cũng tham gia ủng hộ xây dựng "Quỹ Độc Lập", người đôi bông tai, nhà 1-2 con bò… Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng.

cachmang2

Với thời gian, việc hiến tặng (chắc) trở thành truyền thống nên dân Việt cứ thế mà tiếp tục dâng hiến dài dài :

Ngay cả bọn thuyền nhân chạy theo bơ thừa sữa cặn, trước khi đâm xầm ra biển, cũng không quên hiến tặng hết cả của chìm của nổi cho Chính Quyền Cách Mạng. Dù với đủ kiểu/đủ cách/đủ cỡ/đủ thứ/đủ loại hy sinh và hiến tặng như thế (ròng rã hơn bẩy mươi năm qua) hiện tình tài chính nước nhà cũng vẫn y chang như hồi 1945 thôi, quốc khố vẫn cứ trống trơn, và nay lại còn thêm một mớ nợ nần chồng chất nữa – theo như lời báo nguy của T.T Nguyễn Xuân Phúc :

 "Nợ công trong 5 năm qua tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng… tốc độ tăng chi thường xuyên cao …thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ…. nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi… đề nghị các cơ quan chức năng phải có cải cách đột phá trong tư duy ngân sách, kiểm soát nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ".

Đại Biểu Quốc Hội  có "kiến nghị" rất "đột phá" là "huy động vàng và USD trong dân". Nói là đột phá nghe cho lạ tai, chứ giải pháp này không khác mấy với sáng kiến Tuần Lễ Vàng (từ hồi 1945) của Hồ Chủ Tịch. Ba phần tư thế kỷ đã qua – toàn dân đều đã sáng mắt, sáng lòng ráo trọi – vàng chứ có phải là phân đâu (và đô la cũng chả phải là giấy đi cầu) mà "huy động" hoài vậy được ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 11/05/2020 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến
Read 898 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)