Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/05/2020

Putin ‘tả tơi’ vì viêm phổi Vũ Hán

Hoàng Trung

Với hơn 230.000 người dương tính với virus corona mới, Nga đã trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm, sau Mỹ. Cho dù vậy, tổng thống Nga Putin vào hôm 11/5/2020, vẫn quyết định chấm dứt 6 tuần lễ phong tỏa triệt để, nhưng để mỗi vùng quyết định nhiều biện pháp cụ thể.

putin1

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin

Covid-19 còn oanh tạc cả vào Phủ Tổng thống của Putin khi mới đây người phát ngôn của ông được xác định bị nhiễm virus corona chủng mới.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, vừa có xét nghiệm dương tính với virus corona Vũ Hán.

Hãng tin Interfax (Nga) mới đây cho biết, ông Dmitry Peskov hiện được đưa vào bệnh viện điều trị.

Ông Peskov thông báo ngắn gọn : "Vâng, tôi đang bệnh. Tôi đang được điều trị". Ông Peskov đã làm việc với ông Putin trong 20 năm qua.

Truyền thông Nga nói ông Peskov lần cuối xuất hiện trước công chúng là ngày 30/4 "tại một cuộc gặp với ông Vladimir Putin".

Không rõ điều này có nghĩa là hai người có mặt cùng trong căn phòng hay không, vì ông Putin đã tiến hành các cuộc họp qua video trong mấy tuần qua.

Nhiều quan chức cấp cao khác của Nga cũng mắc Covid-19, bao gồm : Thủ tướng Mikhail Mishustin, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Vladimir Yakushev và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Olga Lyubimova.

Hôm 30/4, Thủ tướng Mishustin tuyên bố ông sẽ tự cách ly sau khi nhiễm dịch và đề xuất Phó thủ tướng thứ nhất Andrey Belousov làm quyền Thủ tướng trong lúc ông vắng mặt.

Hôm 11/5, Nga cho hay Thủ tướng đang tiếp tục điều trị trong bệnh viện.

Tuyên bố ngưng phong tỏa trên phạm vi toàn Liên bang Nga nhưng lại bắt các thống đốc vùng phải chịu trách nhiệm về phòng chống virus corona của Tổng thống Putin gặp phải nhiều phản ứng trái chiều.

Thâm chí, một bài bình luận trên báo Nga, tờ Moscow Times (12/5/2020) nói lệnh của Tổng thống Vladimir Putin nới lỏng phong tỏa chống Covid-19 trên cả nước từ tối 11/05 là "cách ông thoái vị".

Tác giả cho rằng ông Putin lo sợ bị "gắn liền hình ảnh với đại dịch" bởi các biện pháp khó khăn cần đưa ra để chống dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín của ông Putin.

Trong khi Covid-19 có phần thuyên giảm ở Châu Âu, Nga đang trở thành quốc gia có số lây nhiễm tăng cao thuộc hàng nhất thế giới trong tháng 5 : trên 10.000 ca mỗi ngày, đưa tổng số lên 230.000 tính đến đầu tuần này.

Có vẻ như ông Putin chọn cách "đá bóng" xuống các cấp chính quyền thành phố lớn, như thủ đô Moskva, các tỉnh, và các nước cộng hòa trong Liên bang.

Bài báo cho rằng đây là quyết định sai lầm, ích kỷ, vì quỹ Liên bang mà ông Putin nắm có 600 tỷ USD dự trữ có thể đem ra chống dịch.

Nhưng nay trách nhiệm chống chọi với virus corona sẽ thuộc về các thống đốc vùng, tổng thống các cộng hòa nhỏ trong Liên bang Nga.

Nhắc lại lịch sử, bài báo ví ông Putin với Ivan Bạo chúa, ít ra là trong cách phân chia quyền lực và trách nhiệm của nhà nước.

putin2

Chân dung Sa hoàng Ivan IV, biệt danh là Bạo chúa, được vẽ bởi họa sĩ người Nga Viktor Mikhaïlovich Vasnetsov vào năm 1897. Hình ảnh Bridgeman / RDA / Bridgeman

Năm 1564, Ivan Bạo chúa chia cơ cấu quyền lực Nga ra hai phần Oprichnina (Quyền riêng của hoàng đế) và Zemshchina (Quyền ở các vùng đất).

Ông ta nắm trọn Oprichnina và để cho Hội đồng Quý tộc - Hiệp sĩ (Boyars Council) quản trị Zemshchina.

Khi cần, Ivan Bạo chúa đem quân đội riêng đến cướp ở các vùng của quý tộc Nga.

Chuyện nước Nga năm 2020 không phải như thế nhưng theo tác giả, thì Putin "giữ quyền lực tối cao cho bản thân và trao gánh nặng xử lý dịch virus corona cho cấp dưới".

putin3

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu về dịch Covid-19 ngày 11/5/2020 từ tư dinh Novo-Ogaryovo gần Moskva, thủ đô Nga

Dường như virus corona chủng mới đã phá hoại kịch bản chính trị mà Putin ấp ủ suốt sự nghiệp của mình đó là trị vì ở điện Kremlin cho đến năm 2036 và đưa nước Nga trở lại trung tâm bàn cờ quốc tế.

Trên nguyên tắc, ngày 22/04/2020 Nga tổ chức cuộc tham khảo ý kiến toàn dân về bản Hiến Pháp vừa được sửa đổi với nội dung chính là cho phép Vladimir Putin giữ chiếc ghế tổng thống cho đến năm 2036. Kết quả cuộc tham khảo ý kiến toàn dân này đã được biết trước. Chẳng ngờ giờ phút vinh quang đó của chủ nhân điện Kremlin đã bị hoãn lại vô hạn định vì dịch Covid-19.

Siêu vi corona chủng mới còn làm tiêu tan luôn cả kế hoạch của Moskva tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng Đức Quốc Xã vào ngày 09/5/2020 với nhiều nguyên thủ phương Tây sẽ hiện diện trên khán đài danh dự ở Quảng Trường Đỏ. Đây sẽ là cơ hội hiếm có vào lúc nước Nga vẫn bị quốc tế trừng phạt vì đã thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina từ năm 2014. Virus corona cướp mất cơ hội để tổng thống Putin trong cương vị chủ nhà đón tiếp hàng chục lãnh đạo quốc tế.

Trong khi đó, Covid-19 làm lộ rõ ba nhược điểm của nước Nga trong nhiệm kỳ thứ ba của Putin : sự yếu kém về kinh tế và y tế, quyền lực tổng thống bị sói mòn và về địa chính trị, nước Nga cần phải tìm được một chỗ đứng giữa hai trọng tâm quyền lực thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Liên Bang Nga phải đối mặt với nhiều thực tế phũ phàng. Dầu hỏa tuột dốc không phanh đe dọa trực tiếp đến thu nhập của Nhà nước Nga, vốn bảo đảm đến hơn một nửa ngân sách và chiếm đến 30 % GDP. Gần 150 triệu dân Nga có nguy cơ lại trải qua cơn ác mộng như hồi năm 2014 khi vàng đen mất giá, đồng rúp "rơi tự do" đẩy lạm phát lên cao.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự phóng tổng sản phẩm nội địa Nga giảm 5,5 % trong năm nay, nhưng giới trong ngành bi quan hơn nhiều. Một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga cho hãng tin Reuters biết với kịch bản giá dầu trên thị trường quốc tế rơi xuống dưới ngưỡng 10 USD một thùng, GDP của Nga bị giảm mất đến 15 %. Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Moskva báo trước sẽ có khoảng 3 triệu doanh nghiệp bị phá sản trong những tháng tới và sẽ có tới 8 triệu người lao động Nga mất việc vì Covid-19.

Về mặt y tế, Tổng thống Putin bị chỉ trích chậm trễ ban hành những biện pháp cần thiết, nhất là ai cũng biết về thực trạng của các bệnh viện công tại Nga.

Hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 liên tiếp có 3 bác sĩ "ngã từ cửa sổ bệnh viện"đã đặt câu hỏi về việc xử lý dịch bệnh tại Nga.

Ông Alexander Shulepov đã bị vỡ sọ não sau khi "ngã từ cửa sổ lầu hai" ở một bệnh viện thuộc vùng Voronezh, cách Moskva 500 km về phía Nam.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Bảy 02/5, hơn một tuần sau khi ông Shulepov ghi hình video phàn nàn về chuyện ông bị dương tính với Covid-19 mà vẫn phải đi làm.

Trước ông Shulepov, có hai bác sĩ Nga khác đã "ngã từ cửa sổ nhà cao tầng" tại bệnh viện.

Cả hai nữ bác sĩ, Natalya Lebedeva, 48 tuổi, ở Moskva, và Yelena Nepomnyashchaya, 47 tuổi, ở bệnh viện Krasnoyarsk, đều đã tử vong.

Hai người được nói là đều đã than phiền về tình trạng thiếu bảo hộ y tế và ca kíp làm việc.

Khi đại dịch bùng phát ở Nga, thái độ "cứng rắn, quyết đoán" thông thường của Putin trong những lúc đối đầu căng thẳng nhất với Mỹ và các nước phương Tây trên các mặt trận Ukraina, Syria, Libya hay Châu Phi lại được thay thế bằng một cử chỉ "mềm mỏng" đến lạ thường : Đó là giao việc xử lý khủng hoảng cho các thống đốc vùng.

Trước quyết định bất ngờ này của Putin, Nhà nghiên cứu Chính trị học, bà Tatiana Stanovaya tại Nga nhận định :

"Vladimir Putin cho rằng có sự khác biệt giữa vùng này với vùng khác. Việc đưa ra các quyết định có tính đến các yếu tố đặc trưng vùng miền là điều hợp lẽ thôi. Nhưng mặt khác, người ta cũng nhận thấy là ông Putin giữ khoảng cách với cuộc khủng hoảng virus corona này. Về mặt chính trị, cuộc khủng hoảng dịch tễ không hấp dẫn ông ấy bằng các quyết định chiến lược, chính sách đối ngoại hay cải tổ Hiến Pháp… Trách nhiệm của ông đơn giản chỉ là chăm chút cho việc mọi quyết định phải được đưa ra đúng thời điểm và gây áp lực nếu cần thiết. Nhưng người ta cũng không thể nói là tổng thống Putin đã ủy thác quyền hạn cho các vùng. Ông ấy ủy thác trách nhiệm chứ không phải là quyền lực".

Cần lưu ý là những rủi ro mà các thống đốc có thể hứng lấy là nguy cơ mất chức và lãnh án đến 7 năm tù nếu việc bất cẩn có thể dẫn đến nhiều thiệt hại nhân mạng.

Chỉ có điều, sự thoái lui và thái độ "bạc nhược" bất thường này của Tổng thống Nga trái ngược với một sự năng động của đô trưởng Moskva sẽ còn làm mai một thêm hình ảnh và uy tín của ông Putin trong con mắt người dân Nga. Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya giải thích tiếp :

"Nỗi tức giận ngày càng bị dồn nén và điều này sẽ có những hậu quả trong tương lai. Nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây không chỉ có liên quan đến dịch virus corona. Vladimir Putin đã thay đổi, không còn là một thủ lĩnh của quốc gia nữa. Ông không còn biết cách thể hiện sự đồng cảm với người dân. Ông không còn nói cùng một tiếng nói với người dân nữa, ông rời xa dân chúng, sống trong thế giới của ông cùng với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, những vấn đề địa chính trị. Tôi cho rằng những lỗ hổng này trong chế độ sẽ để lại nhiều hệ quả cho tương lai".

Điều hiển nhiên là dịch bệnh càng tăng nhanh, những khó khăn kinh tế càng chồng chất, những yếu kém về y tế càng bộc lộ rõ thì uy tín của Tổng thống Vladimir Putin càng sụt giảm.

Theo thăm dò được công bố hôm 14/4/2020 do trung tâm nghiên cứu chính trị Levada trụ sở tại Moskva thực hiện uy tín của ông Putin đã "rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013" (thăm dò được thực hiện trong thời gian từ ngày 19 đến 25/3/2020). Tỷ lệ có quan điểm "tiêu cực" về ông Putin hoặc cho rằng ông chỉ bảo vệ quyền lợi của những thành phần giàu có và thế lực cũng đã tăng lên trong những tuần lễ vừa qua.

Trong điều kiện đó, nhà nghiên cứu về chính trị Nga tại viện IFRI của Pháp, Tatiana Kastoueva Jean cho rằng, sau đại dịch, khi được tham khảo ý kiến, chưa chắc cử tri Nga sẽ "ồ ạt" tán đồng việc để cho Vladimir Putin tiếp tục trị vì đến 2036. Vẫn theo chuyên gia này, virus corona đã "Cướp đi một cơ hội để Vladimir Putin củng cố thêm quyền lực" trong bối cảnh rạn nứt ngày càng lớn giữa ông với công luận kể từ khi Moskva thông báo kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng trong mùa Cúp bóng đá Thế Giới 2018.

Phản ứng trước quyết định hôm 11/5 về việc chấm dứt phong tỏa toàn quốc của ông Putin, nhà đối lập số một tại Nga, trên Twitter, chính trị gia Alexeï Navalny mỉa mai "sự khôn ngoan" của người đứng đầu nước Nga, đã "hủy bỏ các biện pháp toàn quốc" đúng vào thời điểm nước Nga có số lượng người nhiễm virus tăng kỷ lục. Từ hơn hơn mười ngày nay, số ca nhiễm mới tại Nga mỗi ngày tăng thêm hơn 10.000.

Trên thực tế, không chờ đợi quyết định của tổng thống, lo ngại dịch bệnh, chính quyền Moskva và vùng thủ đô hồi tuần trước, đã tuyên bố sẽ kéo dài giai đoạn phong tỏa, và bổ sung thêm biện pháp bắt buộc mang khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và các cửa hàng. Saint Petersbourg, thành phố lớn thứ hai của Nga, cũng theo chân Moskva. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác đã thông báo cho phép người dân ra khỏi nhà trở lại.

Có lẽ điều an ủi hiếm hoi cho lãnh đạo Nga lúc này là Covid-19 làm cho quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng và áp lực từ quốc tế phần nào được giải tỏa đối với ông Putin và nước Nga.

Về đối ngoại, Nga đã nhận thấy trước và trong đại dịch vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ bị thách thức, có những rạn nứt trong liên minh Âu - Mỹ và bản thân Châu Âu không thoát khỏi những tranh cãi nội bộ để có được một tiếng nói có trọng lượng trên bàn cờ địa chính trị. Trong khi đó thì không một ai có thể nghi ngờ về sự trỗi dậy của Trung Quốc và thời gian gần đây Nga có khuynh hướng "thiên về mô hình của Trung Quốc".

Trật tự quốc tế mới ngày càng được tập trung vào tay Bắc Kinh và Washington. Điều đó có nghĩa là Moskva phải tìm được một thế cân bằng trong quan hệ cả với Mỹ lẫn Trung Quốc và nhất là sẽ phải tìm ra một hướng đi mới để duy trì ảnh hưởng của Nga trên các hồ sơ lớn của thế giới. 

Mặt khác, đại dịch Covid-19 đã lật tẩy tham vọng chính trị bành trướng của Trung Quốc, Nga hiện đang sợ rằng họ sẽ bị Trung Quốc làm lu mờ ở cấp chiến lược, sau cuộc khủng hoảng. Nga đang vật lộn để tìm chỗ đứng trong một thế giới lưỡng cực do Hoa Kỳ và Trung Quốc thống trị. Chính vì thế mà trong một cuộc họp với báo chí ngoại giao, ông Enrico Letta, Chủ tịch Viện Jacques-Delors, đã cho rằng Nga đang cố xích lại gần cả Châu Âu lẫn Hoa Kỳ, thông qua một loạt cử chỉ hòa dịu, hợp tác nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trong suốt 20 năm điều hành với nhiều sự kiện gây bất ngờ từ ngày mới bắt đầu lên cầm quyền (31/12/1999), rồi những lần đổi vai (2008-2012), gần đây nhất là thông báo tổ chức một cuộc tham vấn công luận về cải cách Hiến Pháp nhằm cải tổ hệ thống chính trị đất nước (ngày 16/01/2020), nước Nga của ông Putin đã có những thay đổi đáng kể : trên trường quốc tế Nga đã dần tìm lại được vị thế, nhất là kể từ khi quyết định can dự vào cuộc khủng hoảng Syria ; ở trong nước, đời sống người dân trong hai thập niên đó cũng dần được cải thiện. Điều này giải thích vì sao Vladimir Putin rất được lòng dân và có thể tại quyền lâu đến như thế.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 là một phép thử nghiệt ngã cho sự khả năng lãnh đạo được coi là tài tình của Putin. Nhà lãnh đạo đã chọn cách tách mình khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh và giao cho các nhà lãnh đạo địa phương xử lý tình hình.

Và trước kẻ thù "tàng hình" mang tên virus corona, một đối thủ chưa từng gặp trong sự nghiệp chính trị, chưa có lúc nào quyền lực của Putin bị lung lay mạnh mẽ như lúc này.

Hoàng Trung

Nguồn : Thoibao.de, 17/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Trung
Read 611 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)