Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/05/2020

Vụ Hồ Duy Hải gây xáo trộn trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam

Nhiều tác giả

Vụ Hồ Duy Hải và kế hoạch "ve sầu thoát xác" của hung thủ

Thu Thủy, Thoibao.de, 18/05/2020

Sau khi Luật Trần Hồng Phong công bố tình tiết mới được xem là căn cứ ngoại phạm cho Hồ Duy Hải, thì những bí ẩn của vụ án vẫn chưa thật sự đã hết bất chấp phán quyết cuối cùng đã được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đưa ra khiến dư luận trở nên dậy song.

vuan1

Nhóm báo sạch đã thực nghiệm tại hiện trường Bưu Điện Cầu Voi với cùng thời điểm mà Cáo trạng qui kết để thấy rằng Hồ Duy Hải bắt buộc phải chạy với tốc độ 300km/giờ mới kịp có mặt tại Bưu điện Cầu Voi để gây án

Luật sư Trần Hồng Phong đã gửi kiến nghị cho rằng hung thủ là kẻ thuận tay trái căn cứ vào kết quả giám định Pháp y với vết cứa cổ nạn nhân, trong khi đó gia đình Hồ Duy Hải nói chắc chắn là Hải thuận tay phải.

Vụ án Bưu Điện Cầu Voi lại nóng lên bởi sự kiện nghi can Nguyễn Văn Nghị sinh năm 1979 ở Cai Lậy Tiền Giang, được xác định suốt 12 năm nay bỗng biễn mất, thay vào đó một người tên Nguyễn Hữu Nghị với năm sinh 1984 và nơi cư ngụ là Tân An, Long An, cũng khác hẳn.

Rất nhiều người bắt đầu tin rằng hai người này không phải là một, và dường như Hồ Duy Hải đã suýt nữa trở thành hình nhân thế mạng cho một sát thủ chưa lộ mặt. Facebook Đỗ Ngà có bài phân tích ngắn với tựa đề : "Ve sầu thoát xác", nội dung như sau :

"Ban đầu nhân chứng tên Nguyễn Thị Loan tố cáo Nguyễn Văn Nghị. Thế nhưng công an điều tra lại mời Nguyễn Hữu Nghị lên làm việc chứ không mời Nguyễn Văn Nghị. Và tất nhiên Nguyễn Hữu Nghị có đầy đủ chứng cứ ngoại phạm thật. Và anh ta đã được thả. Đây là bước đầu của kế "ve sầu thoát xác".

Đến 12 năm sau, khi mà tòa án tối cao mở phiên giám đốc thẩm thì Ban bồi thẩm này đã cho ra bản kết luận rằng, theo kết quả làm việc của công an điều tra tỉnh Long An thì "Nguyễn Văn Nghị" không liên quan đến vụ án. Tức họ đã lấy kết quả ngoại phạm của Nguyễn Hữu Nghị gán cho Nguyễn Văn Nghị. Thế là Nguyễn Văn Nghị vô can.

Lấy chứng cứ ngoại phạm của kẻ có tên gần giống nghi phạm chính rồi đánh tráo đối tượng. Thế là nghi phạm chính thoát. Kế ve sầu thoát xác này quả là vô cùng công phu. Nó kéo dài ròng rã 12 năm và cấu kết hoàn hảo liên thông từ địa phương đến trung ương. Ghê thật ! Vậy Nguyễn Văn Nghị là ai mà chúng nó phải phối hợp bài bản, công phu, nhịp nhàn và và quy mô đến vậy ?" Facebook Đỗ Ngà kết luận với một câu nghi vấn khác.

Nhà báo Luật gia Trần Đình Thu cũng đồng ý kiến với Facebook Đỗ Ngà với dòng trạng thái in đậm : "Một chiến dịch "ve sầu thoát xác" cho Nguyễn Văn Nghị từ 12 năm trước ? Bằng cách nào ? Một là - dùng địa chỉ giả trong hồ sơ, Hai là - hủy toàn bộ hồ sơ tại địa phương ?"

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh tổng hợp một loạt sai sót về tên người dựa trên những văn bản chính thức của cơ quan Công an tỉnh Long an chỉ riêng cho vụ án này, rất kỳ lạ, nhưng kỳ lạ hơn là Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm lại vẫn xem là bình thường.

"1. Lệnh bắt ghi là Nguyễn Duy Hải nhưng lại còng HỒ Duy Hải, thì cũng là Hải. Không thể hiểu vì sao lệnh bắt người lại ghi nhầm họ.

2. Cơ quan điều tra Long an lấy 4 chiếc nhẫn của Hồ Thị Thu Thủy (em gái Hồ Duy Hải) đưa vào làm tang vật "khám xét thu giữ" phục vụ điều tra - thu ở đâu thì thì cũng là nhẫn vàng. Có vẻ như với Công an Long an, miễn sao cứ vàng là được.

Khi trả lại tang vật người nhận lúc ghi là Nguyễn Thị Loan - lúc lại ghi Nguyễn Thị Kim Loan, thì cũng là bà Loan.

3. Xe đi gây án đậu một chỗ là 62F6-0842, di chuyển nhảy số 62F5-0842 - thì cũng là xe 0842.

4. Công an nói rõ có người bị mời là Nguyễn Hữu Nghị, khi xử giám đốc thẩm 17 anh ra bản án nêu là Nguyễn Văn Nghị - thì cũng là anh Nghị…

5. Một chi tiết lạ lùng hơn là Cáo trạng ghi ngược với lời khai của nhân chứng. Trong khi nhân chứng Đinh Vũ Thường ghi lời khai rằng"Không nhìn rõ khuôn mặt của người thanh niên, không thể nhận dạng chính xác" thì trong Cáo Trạng phiên dịch thành "Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy bị can Hải ngồi trong bưu điện (nơi xảy ra vụ án) lúc 19g39’".

Nói chung, có sai sót tất cả, nhưng bản chất không thay đổi.

Nói chung, bản chất 17 anh đều không thể thay đổi…

Nhà báo Trần Đình Thu cũng đưa ra điểm vô lý đến mức khó tin nhưng không hiểu tại sao Hội Đồng xét xử giám đốc thẩm lại cho qua.

Đó là tấm thớt dính đầy máu và lời khai rằng nạn nhân bị đập đầu. Ông viết rằng :"Một tấm thớt lăn lóc trong hiện trường và chắc chắn dính đầy máu không thể không làm công an quan tâm. Tấm thớt này nhất định phải được thu giữ lúc đó và được lấy dấu vân tay kỹ càng.

"Nhưng hôm kia ông Nguyễn Hòa Bình nói là điều tra viên không biết đó là hung khí nên không thu giữ. Cho đến hơn 2 tháng sau khi bắt được Hồ Duy Hải rồi lấy lời khai mới biết đó là hung khí. Các ông nghĩ người dân là con nít hay sao ? Các ông quá coi thường nhân dân rồi. Sự thật là gì ? Đó là do phải tráo Hồ Duy Hải để giải thoát cho Nguyễn Văn Nghị nên mới có việc tiêu hủy các vật chứng đó mà thôi. Ông Nguyễn Hòa Bình à, cả một lực lượng cán bộ điều tra hùng hậu của một tỉnh điều tra một vụ án kinh hoàng như vậy mà không thu giữ chiếc thớt thì xin lỗi nói có chó nó tin chứ người chả ai tin đâu ông nhé".

Trong một tình tiết khác được nhà báo Trương Châu Hữu Danh cùng nhóm Báo Sạch đã phân tích và tiến hành thực nghiệm điều tra độc lập nhà báo Trần đình thu viết :

"Cáo trạng biến Hồ Duy Hải thành "Thánh chạy xe" khi phải chậy với tốc độ gần 300 km/h để đi giết 2 cô gái"

Theo cáo trạng thì trước khi chạy quãng đường 15 km đến bưu điện Cầu Voi thì Hải phải làm thêm 5 việc và tổng thời gian vừa làm 5 việc ấy vừa chạy 15km hết 16 phút 21 giáy.

5 việc mà Hải làm trước khi chạy 15 km bao gồm :

1. Cầm đồ. Vật đi cầm là cái điện thoại, vào phải để cho chủ tiệm cầm đồ ngắm nghía săm soi rồi trả giá bên kia kỳ kèo thêm bớt xong tháo sim ra xong lấy tiền xong viết biên nhận… mất hết ít nhất 7 phút.

2. Chạy từ tiệm cầm đồ về nhà đổi xe. Mất ít nhất 2 phút.

3. Chạy tới quán cà phê rước bạn. Mất ít nhất 2 phút.

4. Chở người bạn này đến một quán cà phê khác. Mất ít nhất 1 phút.

5. Tới quán cà phê mới lấy tiền ra đưa cho bạn. Đưa tiền thì bên này hoặc bên kia phải đếm mất thêm 1 phút.

Như vậy 5 việc trên hết 13 phút.

Còn lại 3 phút 21 giây Hải phải chạy quãng đường 15 km.

Vị chi là Hải chạy xe tốc độ gần 300km/h để lao đến bưu điện Cầu Voi giết 2 cô gái trong điều kiện đường thị xã nhỏ xấu và ban đêm.

Một tình tiết mà cơ quan điều tra và Hội đồng xét xử bỏ qua nhưng nhà báo Trương Châu Hữu Danh vừa đưa phân tích với hình vẽ sơ đồ hiện trường cụ thể.

Tình tiết ấy như sau : "Bản án giám đốc thẩm bưu điện Cầu Voi nêu rõ, Vân kéo cửa cuốn xong thì đặt trái cây lên bàn salon và bị Hải giết. Sau đó, Hải phải trèo qua hàng rào (chúng tôi kiểm tra thực địa thì đó là cửa song sắt) ngăn giữa sân trước và sân sau, rồi lấy xe đi về".

Như vậy, Hải không có chìa khóa để mở vách ngăn này.

Trong khi bản án mô tả, Vân đóng cửa cuốn bên trong, thì chắc chắn Vân phải khóa cổng phía ngoài giáp với QL1A. Về tâm lý, không thể có chuyện tài sản (cái xe) còn ở ngoài sân mà không khóa cổng lại kéo cửa cuốn. Và nếu người bên trong không phải người thân quen, thì không thể có chuyện kéo cửa lại như thế.

Vậy thì, Hải trèo cửa ngăn xong (vì không có chìa khóa) thì Hải sẽ lấy xe ra bằng cách nào ?

Xem xét nhiều bài báo khác nhau về vụ án này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đưa ra đề nghị cụ thể như sau :

"Cần khởi tố ngay, ít nhất 5 vụ án để làm rõ mọi chuyên

1. Vụ án vi phạm nghiêm trọng pháp luật của phiên tòa Giám đốc thẩm.

2. Vụ án Che giấu tội phạm trong quá trình điều tra làm án và xử án sơ thẩm, phúc thầm và giám đốc thẩm.

3. Vụ án làm sai lệch hồ sơ : Hủy tang vật, làm sai quy trình và quy định về thu thập và xử lý hiện trường : hủy hung khí, không phân tích mẫu dịch và máu thu được tại hiện trường, trong khi đó lại mua dao thớt và ghế để làm tang vật, thu giữ tro đốt ngoài vườn nhà Hồ Duy Hải sau 2 tháng xảy ra vụ án để làm chứng cứ kết tội.

4. Vụ án các điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư, công an chết bất thường sau vụ án tổng cộng 6 người

5. Vụ án cung cấp tin không chính xác cho báo chí ; định hướng dư luận. Trong đó cần phải lật lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng (bút danh Nhã Phong) bị vợ phóng hoả đốt chết cháy trong một vụ án còn nhiều nghi vấn.

vuan2

Bản vẽ phân tích hiện trường Bưu điện Cầu Voi cho thấy Cáo trạng rất vô lý bởi khi cửa cuốn sập xuống thì dù Hải có đi cửa sau ra cũng không thể lấy xe đi về vì cửa ngoài đã khóa

Một nghi vấn mới lại gây "nổ cái đầu" của dư luận khi nhân vật mang tên Nguyễn Hữu Nghị đã khẳng định mình chưa bao giờ làm việc với Công an, không như lời đại tá Phạm Minh Tâm nói là đã làm việc và xác minh Hữu Nghị ngoại phạm.

Bài bình luận của nhà báo Trương Châu Hữu Danh mang tựa đề : Tôi vừa trò chuyện cùng "Nguyễn Văn Nghị" với nội dung như sau : "Nhiều năm nay, dư luận cứ loay hoay với nhân vật "Nguyễn Văn Nghị, sinh năm 1978, ngụ Cai Lậy, Tiền Giang". Nhân vật này xuất hiện ngay những ngày đầu xảy ra vụ án. Nhưng sau đó, trong hồ sơ không còn - nói đúng hơn là cơ quan tố tụng xác định không liên quan nên dẹp qua một bên".

Tôi và nhiều anh em phóng viên cũng lần theo thông tin nhân thân của Nghị, nhưng nhân vật hoàn toàn biến mất. Trên mạng bắt đầu thêu dệt Nghị là cháu… Phó Chủ tịch nước. Mãi đến đầu/5/2020 thì một số đối tượng tung tin vịt Nghị là cháu nội trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn). Một số đối tượng hải ngoại còn nói Nghị ở Canada, số khác nói Nghị đã sang Mỹ.

Các thuyết âm mưu đều được kích hoạt hết công suất và không cơ quan nào đính chính.

Một lớp bụi bí ẩn liên tục được phủ lên nhân vật Nguyễn Văn Nghị, càng lúc càng dày.

Bài báo tương đối đầy đủ về Nghị đăng trên báo Công An Nhân Dân của tác giả Nhã Phong, với hành tung tương đối… đáng nghi. Nhiều người nói, anh Nhã Phong tiếp cận vụ án từ sớm và khá sâu nên sẽ có thông tin.

Tuy nhiên, không ai có thể hỏi thêm điều gì vì tác giả Nhã Phong… đã chết. Anh chính là nhà báo Hoàng Hùng (PV báo Người Lao Động, CTV của CAND - bút danh Nhã Phong), chết trong vụ án rúng động dư luận cũng xảy ra tại Long An : bị vợ đốt.

Những người có liên quan trực tiếp đến quá trình tố tụng giai đoạn đầu, trùng hợp, lại mất rất sớm. Vụ án vì vậy lại phủ thêm lớp màn bí ẩn.

Hôm qua, nhóm PV Dân Việt đã lần theo nhân vật Nguyễn Văn Nghị theo thông tin báo chí đưa mười mấy năm trước. Và hồ sơ 4.000 gia đình tại địa phương đã được lật tung. Kết quả : Không có ai là Nguyễn Văn Nghị SN 1978 !

Cuối cùng nhân vật Nghị vụ Cầu Voi lại sinh năm 1984, và là Nguyễn Hữu Nghị, ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, Long An. Lớp màn phủ lên Nguyễn Văn Nghị 1978 đã được vén lên. Tuy nhiên, Nghị 84 lại không hề gốc gác gì. Nghị là con nhà nông dân, ở… sát nhà tui và con nông dân rặt luôn, không gốc gác gì hết. Ngày xảy ra vụ án, Nghị cũng bị mời.

Mọi thuyết âm mưu Nghị là con ông cháu cha đều phá sản.

Nghị học chung em gái tui từ lớp 1 tới cấp 2 luôn. Tui (Danh) biết Nghị khi tui học lớp 3 trường làng và Nghị học lớp… 1 ! Nếu tính đúng, thì tui quen biết Nghị đã 30 năm nay.

Vì ngay từ đầu xác định Nghị là 1978 và ngụ Cai Lậy nên mọi hướng xác minh đều chệch ra khỏi vụ án. Mọi thuyết âm mưu đều được bật lên. Cho đến ngày Dân Việt đi tận nơi "lùng sục" thì Nghị thật bất ngờ xuất hiện và làm chưng hửng tất cả mọi người.

Nghị sau vụ án vẫn sinh sống bình thường ở địa phương, bán bảo hiểm xe cơ giới ngay tại điểm đăng ký xe của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Long An và khách mối khá nhiều vì Nghị vui vẻ, nhiệt tình.

Nếu nói gốc gác, thì Nghị không hề có chút số má gì, cũng gốc nông dân như tui và nhà cách nhà tui chừng 2 km. Không có lý do gì để bao che Nghị…

Chiều nay tôi gọi điện thoại cho Nghị, Nghị nói : "Em không liên quan gì anh anh ơi. Em chưa từng làm việc gì với công an cả. nhiều người xưng là bạn anh và gọi cho em, nhưng em trả lời em không biết".

Nhưng, vì sao có nhiều lớp màn bí ẩn phủ lên Nghị suốt 12 năm, để dư luận mãi tập trung vào một nhân vật rất bình thường như thế này, thì mỗi người sẽ tự nghĩ ra những thuyết âm mưu mới.

Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ của bản ảnh màu tấm thớt dính máu, rồi sự xuất hiện bất ngờ khiến xã hội bất ngờ đến mức chưng hửng, không hề vô ích.

Tôi biết, sự thật đang đến, rất gần, với điều kiện Bộ Công an và Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải vào cuộc.

Cần lục lại tất cả những người bị / được mời trước đây, và làm lại toàn bộ. Việc "Nghị sinh năm 1978, cháu lãnh đạo cấp cao" tồn tại 12 năm nay và chưa từng được đính chính để giải oan cho lãnh đạo - gợi cho tôi những suy nghĩ khác.

Dẫu sao, lớp màn bí mật về Nghị thật cũng đã được giải mã. Những bức màn khác, rồi cũng sẽ được vén lên.

Trong khi đó, Luật sư Ngô Ngọc Trai lý giải tại sao nữ thần Công lý lại bị bịt mắt và qua đó nhận định vì sao ở Việt Nam lại thiếu vắng Công lý.

"Hình tượng Nữ thần công lý trên thế giới có một dải băng che mắt, một tay cầm kiếm và một tay cầm cán cân công lý.

Lý giải tại sao Nữ thần lại bịt mắt người ta đã cho cách hiểu rằng đó là để nữ thần được công tâm.

Nữ thần không nhìn để không biết anh ăn mặc ra sao, kẻ giàu có hay nghèo hèn, kẻ quan chức hay người bình dân, người quen thân hay kẻ xa lạ.

Nữ thần bịt mắt để không thiên vị và nữ thần sẽ lắng nghe.

Nữ thần công lý làm việc bằng cách lắng nghe và sau khi lắng nghe các ý kiến Nữ thần sẽ thực thi công lý.

Nữ thần công lý bịt mắt và làm việc bằng đôi tai.

Theo đó sự lắng nghe là điểm quan trọng nhất để thực thi công lý.

Vậy nhưng xem ra lắng nghe lại đang là điểm yếu nhất của hệ thống tòa án ở Việt Nam.

Hệ thống tòa án là một bộ phận của một bộ máy nhà nước kém lắng nghe. Người ta chỉ muốn nghe những điều muốn nghe và không muốn nghe những ý kiến khác trái chiều.

Những tiếng nói phản biện trái chiều có thể bị quy chụp xử lý về tội chống đối.

Tại phiên tòa những lời nói khác của luật sư hay bị ngắt khi trình bày các lập luận. Thẩm phán chủ tọa thường lấy quyền điều khiển phiên tòa của mình để cản trở luật sư làm rõ các tình tiết của vụ án.

Lý do là bởi thẩm phán không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, vì diễn tiến của việc hỏi và lập luận sẽ làm rõ và dẫn vụ án theo chiều hướng khác trái với hướng dự định của án bỏ túi.

Ở những nước có nền tư pháp văn minh tiến bộ, họ thiết lập hệ thống tòa án mà hoạt động của tòa hầu như không làm gì khác ngoài việc lắng nghe.

Bồi thẩm đoàn ở các phiên xét xử chỉ ngồi nghe, họ nghe bên công tố, nghe luật sư các bên đặt câu hỏi và trình bày lập luận.

Ngoài việc lắng nghe bồi thẩm đoàn không làm gì khác, sau khi lắng nghe bồi thẩm đoàn sẽ biểu quyết về vụ án.

Việc lắng nghe theo đó được coi trọng đúng như ý nghĩa hình tượng của Nữ thần công lý.

Còn ở Việt Nam năng lực lắng nghe của tòa án còn là một điểm hạn chế và tương ứng với nó là khả năng thực thi công lý". Luật sư Ngô Ngọc Trai nêu nhận định.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 18/05/2020

*******************

Phải có phiên tòa Tái thẩm theo nguyên tắc suy đoán vô tội

Võ Thị Hảo, RFA, 17/05/2020

Tình tiết mới xuất hiện, tố cáo thêm sự sai trái của phiên Giám đốc thẩm

Vụ án tử tù Hồ Duy Hải không những có nhiều sai sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng đến mức yêu cầu phải hủy án để điều tra lại như bản kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu mà còn xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới được công bố gần đây, ngay sau phiên Giám đốc thẩm từ 5-8/5/2020.

vuan3

Phải có phiên tòa Tái thẩm theo nguyên tắc suy đoán vô tội - Ảnh minh họa

Nhiều tình tiết chứng minh sự ngoại phạm của Hồ Duy Hải được luật sư Trần Hồng Phong cung cấp, gửi khẩn cấp đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và báo chí. Trong đó, theo hồ sơ tại cơ quan điều tra, vết cắt trên cổ nạn nhân phải là của người thuận tay trái. Trong khi trên thực tế, Hải chỉ thuận tay phải...

Phóng viên báo Dân Việt đã đi tìm nhân vật Nguyễn Văn Nghị - nghi can số một khi vụ án mới xẩy ra. Phóng viên đã đến địa chỉ và đặc điểm như hồ sơ của cơ quan điều tra đã mô tả. Thật kỳ lạ là sau khi rà soát hơn 4.000 nhân khẩu của thị xã Cai Lậy thì không thấy có ai là Nguyễn Văn Nghị. Mang điều phi lý đó hỏi ông Phó giám đốc công an tỉnh Long An, ông này khẳng định không có ai tên Nguyễn Văn Nghị ở thị xã Cai Lậy liên quan đến vụ án Hồ Duy hải, chỉ có một người tên là Nguyễn Hữu Nghị ở thành phố Tân An từng được xác định có tình tiết ngoại phạm ! Có ai tưởng tượng nổi không ? Nếu trong một nền tư pháp đúng nghĩa, cơ quan chức năng phải khỏi tố điều tra ngay một vụ án kếch xù, mang tên "ve sầu thoát xác" để phát hiện những kẻ làm sai lệch hồ sơ, tiêu hủy, ngụy tạo chứng cứ vụ án, cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn nhằm bao che cho hung thủ thực sự và đưa những kẻ đó ra chịu tội trước pháp luật.

Lại có thêm nhiều nhà báo và người dân bức xúc về kết luận oan trái của phiên giám đốc thẩm, đã tự mình đi thực nghiệm hiện trường con đường đi của Hải theo như sự mô tả trong hồ sơ buộc tội của công an và tòa án. Mọi thực nghiệm hiện trường đều cho thấy Hải không cách gì đủ thời gian để đến được Bưu điện Cầu Voi vào thời điểm mà cơ quan điều tra đã quy kết là Hải đã đến giết hai cô gái. Đây cũng đã là một trong những chi tiết sai sót nghiêm trọng về tố tụng đã được kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ rõ, yêu cầu phải hủy bản án để điều tra lại.

Những cuộc thực nghiệm hiện trường nói trên rất thuyết phục, thu hút đông đảo người xem, vì họ đã live stream và phát công khai trực tiếp trên Youtube để tất cả mọi người có thê cùng theo dõi và giám sát tính chân thực.

Tất cả những tình tiết cũ và mới xuất hiện đương nhiên hoàn toàn lật ngược lại bản chất vụ án, càng thêm những chứng cứ chứng minh Hải không thể là hung thủ giết hai cô gái.

Không được giẫm đạp lên nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đoán vô tội là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng và là quyền của những người bị buộc tội.

Khi không đủ chứng cứ kết tội, bị cáo đương nhiên phải được suy đoán là vô tội, phải được trả tự do theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Gần 13 năm nay dù các vị chức trọng quyền cao và hê thống công an điều tra cũng như nhiều nhân vật trong ba cấp tòa án và Viện Kiểm sát đã xoay xở, dối trá vu cáo đủ kiểu nhưng vẫn không thể tìm ra chứng cứ và thuyết phục được báo chí, Quốc hội, và gần đây nhất là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rằng Hỉa đã giết người. Theo quy định của pháp luật, lời nhận tội của bị can không thể được coi là chứng cứ duy nhất để buộc tội.

Nhũng phi lý và bất công của phiên tòa đã tạo ra một làn sóng sục sôi phẫn nộ cả trong và ngoài nước đòi hủy kết quả phiên tòa, điều tra lại vụ án, trả lại tự do cho Hồ Duy Hải.

 Đương nhiên, khi không đủ chứng cứ kết tội, tòa phải tuyên Hồ Duy Hải vô tội, trả lại tự do cho anh ta, đồng thời mở điều tra lại để tìm hung thủ đích thực đã thảm sát hai cô gái tại bưu điện Cầu Voi.

Phiên Giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải kết thúc đến nay đã 10 ngày. Nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước không có động thái gì khác để hủy kết quả của phiên giám đốc thẩm trái pháp luật đó thì hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn sụp đổ về mặt uy tín, danh dự và phẩm giá.

Dư luận không thể không ngạc nhiên và phẫn nộ khi nhiều nước trên thế giới đã loại bỏ án tử hình từ lâu vì tính chất vô nhân đạo của nó, thì Việt Nam vẫn còn án tử hình. Nhiều quan tòa từ thấp đến cao ở Việt Nam dường như đang khoái trá, đang cố bằng mọi giá tử hình bằng được một thanh niên vô tội như Hồ Duy Hải ?

Họ đã nhẫn tâm dùng nguyên tắc suy đoán có tội thay cho nguyên tắc quan trọng nhất khi điều tra và xét xử : nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyên tắc này có từ thời cổ La mã và được áp dụng hầu khắp trên thế giới về sau. Nguyên tắc này đã được Việt Nam xác định từ năm 1953 và đã được quy định rõ trong Hiến pháp cũng như tại điều 13 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2015 :

" Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội" (Thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự VN"- tapchitoaan.vn)

Nếu không áp dụng guyên tắc cơ bản và trụ cột chính kiến tạo nên hệ thống pháp luật này, hệ thống pháp luật sẽ sụp đổ và trở thành chốn tung hoành của những kẻ man rợ.

Bởi vậy, Quốc hội và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần khẩn cấp vào cuộc để thành lập phiên tòa Tái thẩm với thành phần Hội đồng xét xử nhất thiết phải mang tính khách quan theo nguyên tắc hồi ty.

Phiên Tái thẩm này phải thực hiện đúng pháp luật để đảm bảo tính khách quan, không thiên vị. Đương nhiên không thể có mặt ông Chánh án phiên Giám đốc thẩm đã một mình đóng ba vai sinh sát, mà trong vai nào cũng thể hiện quyết tâm sắt đá bao che cho sai phạm của các công an điều tra dưới quyền và các phiên tòa vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tố tụng, chỉ một mực dùng mọi biện pháp tử hình Hồ Duy Hải.

Nếu phiên Tái thẩm tiến hành đúng luật, kết quả của phiên Giám đốc thẩm vừa rồi đương nhiên phải bị hủy bỏ, cũng như phải hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Hồ Duy Hải phải được trả tự do ngay tại tòa, theo nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nhà nước có nhiều việc, nhưng việc cứu mạng người là không thể từ chối và ưu tiên số một. Các công dân Việt Nam đã luôn còng lưng đóng góp máu xương và công của đủ để mở không hạn chế những phiên tái thẩm cho mục đích tối thượng là công lý cho mỗi một người và cho toàn dân.

 Coi thường mỗi mạng người thì lám sao có công lý ở trên đất Việt Nam này ? !

Thật đau xót là lại có quá nhiều người muốn máu của Hải đổ xuống.

Họ khoái trá chăng, khi ngoài việc giết một người vô tội, họ còn xé nát trái tim của "người mẹ vĩ đại" mà vụ oan án đã cướp đi của bà gần như tất cả. Gần 13 năm nay bà đã nhiều lần đau đớn đến điên dại, sống dở chết dở, sống chỉ để lê tấm thân tàn đí khắp chốn công quyền kêu oan cho con mình. Bà vẫn tin rằng sẽ có Người lấp ló đâu đó, sẽ đem lại công lý, giữa vô số gương mặt và trái tim Qủy dữ ? !

Võ Thị Hảo

Nguồn : RFA, 17/05/2020 (vothihao's blog)

***********************

Vụ án Hồ Duy Hải đánh thức lương tâm toàn xã hội

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 17/05/2020

Trong lịch sử tố tụng của chế độ cộng sản Việt Nam, có lẽ chưa từng có vụ án nào nhận được sự quan tâm như vụ án Hồ Duy Hải. Sự đặc biệt của vụ án từ việc thời gian tố tụng kéo dài do gia đình kêu oan, với sự trợ giúp của các luật sư, nhà báo trong hệ thống, cộng đồng mạng… và những may mắn bất ngờ vào phút chót khiến cho vụ án càng được quan tâm, mổ xẻ và bình luận. Vụ án Hồ Duy Hải đã xóa nhòa ranh giới giữa cộng đồng phản biện và những người quan tâm, lên tiếng ngay trong chính hệ thống đảng và nhà nước. Tất cả chỉ còn lại tiếng nói của lương tâm, của lòng xót thương đối với người bị án oan khuất.

vuan4

Vụ án Hồ Duy Hải đánh thức lương tâm toàn xã hội Việt Nam - Ảnh minh họa

Về diễn biến, sự thật của vụ án, những ai quan tâm chịu khó tìm đọc các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội đều không còn nghi ngờ gì nữa. Hồ Duy Hải bị khép tội chỉ với những lời khai, nhưng lời nhận tội mà không có bất cứ một tang vật, vật chứng nào để chứng minh cho lời khai đó. Trong khi, xã hội đã phát hiện ra không biết bao nhiêu trường hợp bị cáo nhận tội để tránh bị tra tấn, không chịu nổi những đòn tra tấn của lực lượng điều tra như các vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén…

Lương tâm của xã hội được đánh thức trong vụ án này trước hết bởi tấm lòng người mẹ. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải đã dốc toàn bộ tài sản, nước mắt và sức lực của mình và gia đình trong việc kêu oan cho con trai mình. Tôi còn nhớ trong kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền được Hội Anh Em Dân Chủ tổ chức vào ngày 10/12/2015 tại Hà Nội, mẹ của Hồ Duy Hải đã xin được lên diễn đàn kêu oan cho con trai mình. Hình ảnh người mẹ tử tù nói khản hết cả tiếng, không nghe rõ nhờ mọi người cứu giúp con trai vẫn đọng mãi trong tâm trí tôi. Bất cứ một cơ hội nào nhỏ nhất, có thể kêu an cho con trai đều được người mẹ thực hiện, dù đó là ai, dù ở trong nam hay ngoài bắc, trong nước hay nước ngoài… Chính tấm lòng người mẹ tử tù Hồ Duy Hải đã cảm động tới trời đất, đưa tới những may mắn bất ngờ vào phút chót giúp vụ án kéo dài cho tới tận ngày hôm nay và có hi vọng lật lại kết quả vụ án.

Sự phẫn nộ và lên tiếng của dư luận xã hội còn do những vi phạm trầm trọng của quá trình điều tra vụ án, của quy trình xét xử, luận tội. Việc xóa bỏ những vật chứng, bỏ qua dấu vân tay ở hiện trường, bỏ qua các nghi can ban đầu… cùng với những tình tiết mới được phát hiện, như việc cắt cổ nạn nhân do người thuận tay trái thực hiện trong khi Hồ Duy Hải thuận tay phải, thời gian Hồ Duy Hải từ hiệu cầm đồ về nhà đổi xe và đến bưu điện Cầu Voi theo hồ sơ vụ án thì Hải phải sử dụng tên lửa để di chuyển mới khớp với các sự kiện diễn ra. Sự vi phạm trong quá trình tố tụng khiến cho những luật sư có lương tâm, những người hiểu biết không thể không lên tiếng. Tất cả đều bất bình với cách thức điều tra, xét xử vô pháp vô luân của hai cấp tòa án sơ thẩm và phúc thẩm. Tới phiên Giám đốc thẩm, việc phủ định của tòa án về các kháng nghị của Viện kiểm sát càng làm rõ sự ngu xuẩn của các thẩm phán tham gia, cũng như chủ trương bao che cho các cấp tòa trước đó. Phiên tòa Giám đốc thẩm đã làm bùng nổ sự giận dữ của những người có lương tâm quan tâm tới vụ án này.

Cùng với sự lên tiếng của dư luận, cộng đồng mạng, vụ án Hồ Duy Hải còn may mắn có được sự ủng hộ, lên tiếng của những người có lương tâm ngay trong hệ thống. Đó là các luật sư đoàn, các báo chính thống, và đặc biệt, một số đại biểu Quốc hội cũng như Ủy ban Tư pháp của Quốc hội quan tâm và đứng về phía sự thật, bảo vệ công lý. Sự lên tiếng của các Đại biểu quốc hội, của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới chính là những tiếng nói có trọng lượng cho các diễn biến tiếp theo của vụ kỳ án này.

Nếu chúng ta để ý và so sánh, với các phiên tòa trong chế độ cộng sản, thông thường Viện kiểm sát và Tòa án luôn có sự thống nhất, và thường là có sự bàn bạc thảo luận trước về kết quả phiên tòa. Càng những vụ án có ảnh hưởng chính trị, thì sự thống nhất giữa Viện Kiểm sát và Tòa án càng cao và rõ ràng. Tuy nhiên, vụ án Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải này, chúng ta chứng kiến một ngoại lệ. Trong khi Viện Kiểm sát kháng nghị điều tra lại 6 vấn đề, Tòa Giám đốc thẩm bác bỏ hết, ngoài ra còn đưa ra một quyết định để biểu quyết, đó là việc kháng nghị của Viện Kiểm sát là không đúng pháp luật ! Một sự kiện chưa từng có ! Điều này chứng tỏ đang có sự đấu đá lẫn nhau ở cấp cao nhất khiến cho không có sự đồng thuận, thống nhất giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong một vụ án cực kỳ quan trọng. Đây cũng là một hi vọng cho tiến trình tiếp theo của vụ án.

Sự quan tâm của dư luận và cộng đồng mạng trên cơ sở những sự thật được phơi bày chính là lương tâm của xã hội được đánh thức. Vẫn còn một sự tranh đấu quyết liệt ở phía trước chúng ta mới biết được số phận của vụ án và số phận của tử tù Hồ Duy Hải. Nhưng thông qua vụ án này, chúng ta cũng thấy được, người dân quan tâm tới vụ án cũng chính là quan tâm tới sự thật, công lý và tương lai của chính mình. Với sự quan tâm đặc biệt của dư luận, cùng với những sai phạm được mổ xẻ, những bằng chứng mới được đưa ra, chúng ta hi vọng công lý sẽ được thực thi trong vụ án kỳ lạ này. Tất cả chúng ta hãy cùng chờ đợi và hi vọng./.

Hà Nội, ngày 18/5/2020

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 18/05/2020 (nguyenvubinh's blog)

*****************

Trí thức Việt Nam ký kiến nghị về Hồ Duy Hải 'vì trách nhiệm công dân'

BBC, 18/05/2020

Một bản kiến nghị gửi cho các lãnh đạo cơ quan nhà nước cao nhất ở Việt Nam đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải".

vuan5

Bản kiến nghị gửi cho các lãnh đạo cơ quan nhà nước cao nhất ở Việt Nam

Ngoài ra, nhóm ký kiến nghị yêu cầu Quốc hội Việt Nam lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm hơn một tuần trước.

Họ cũng đề nghị Quốc hội "nếu phát hiện sai sót nghiêm trọng, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các thành viên Hội đồng thẩm phán, bầu chánh án và phê chuẩn các thẩm phán mới".

Trả lời BBC News tiếng Việt hôm 18/05/2020, hơn một tuần sau khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối gồm 17 thành viên bác kháng nghị về vụ tử tù Hồ Duy Hải, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học ở Hà Nội, nói vì sao bà và bạn bè nêu kiến nghị lần này :

"Năm 2014, trước tin Hồ Duy Hải sắp bị tử hình, tấm ảnh mẹ và em gái Hải khóc ngất trước cửa tòa đã làm nhiều người xúc động sâu sắc. Sau đó, khi trò chuyện trên mạng, tôi và một số bạn bè đã rủ nhau làm một petition kêu oan cho Hải. Lúc đó, việc nêu kiến nghị - petition còn chưa phổ biến, người Việt Nam mới biết đến hình thức này sau khi có một vị đại sứ của Anh hướng dẫn.

"Một người bạn tôi cũng đã thảo một thư gửi đến các tổ chức quốc tế như EU, Ân xá Quốc tế... Sau đó, Chủ tịch nước nhiệm kỳ đó đã ký hoãn án tử hình. Vì thế, lần này sau phiên phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, chúng tôi lại gặp nhau và rủ thêm một số bạn bè nữa cùng tham gia".

"Chúng tôi hy vọng với cách lên tiếng ôn hòa này, các cấp có thẩm quyền có thể cứu xét lại trường hợp của Hải".

Từ Hungary, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, chủ bút trang Nhịp Cầu Thế giới cho BBC biết vì sao ông ký kiến nghị :

"Trong vụ án Hồ Duy Hải, dư luận phản đối là vì bản án được đưa ra không thuyết phục, trên nền tảng nhũng thủ tục tố tụng bị vi phạm ở mức trầm trọng, từ giai đoạn điều tra tới xét xử ở các cấp. Quyền con người của bị cáo không được tôn trọng. Cá nhân tôi không đánh giá bị cáo có phải là thủ phạm trong thực tế hay không, nhưng tôi muốn bị cáo có một phiên xử đúng luật pháp".

Trước câu hỏi 'nếu dư luận tác động liên tục thì các thẩm phán, quan tòa thì có tạo áp lực vào tính bất thiên vị của tư pháp hay không ?' nhìn vào kinh nghiệm các nước Châu Âu, nhà báo hiện sống tại Budapest cũng nói :

"Các thẩm phán Việt Nam cần được độc lập trong phán quyết của mình, nhưng họ cũng phải làm đúng luật, và ý kiến của công luận phần nào có thể là áp lực để họ lưu ý hơn đến điều đó. Và họ cũng cần phải quen với việc, mọi quyết định của họ đều nằm dưới sự giám sát và phản biện của người dân, và hãy tập trung làm đúng việc và thể hiện mình qua công việc, chứ đừng "hơn thua" với dân".

Trước câu hỏi nững người ký mong muốn và hy vọng điều gì, bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết :

"Tất cả nhóm chúng tôi không ai quen biết Hồ Duy Hải hay gia đình Hải. Chúng tôi ký chỉ vì thấy bản án chưa thuyết phục. Vụ xử này đã được rất nhiều cơ quan truyền thông cả trong và ngoài nước quan tâm. Cá nhân tôi đã đọc các bài tường thuật phiên tòa của nhiều tờ báo, không thấy tòa án đưa ra được bằng chứng nào mới nhưng tòa vẫn kết án và bác mọi luận cứ của luật sư mà không giải thích gì. Việc cử ra một chánh án chính là người đã bác đơn kháng nghị của luật sư của Hải trước đó thật không thuyết phục".

"Chúng tôi mong muốn bản án của Hải được xét lại và Hải có được một phiên tòa thuyết phục hơn", bà Hoàng Ánh nói.

Cho đến trưa 18/05 giờ Việt Nam, trang "Kiến nghị đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải - Petition to Demand Justice for Ho Duy Hai" có 4.310 người ký tên.

Ngoài số trí thức, công dân ở Việt Nam còn một con số không nhỏ người Việt hoặc gốc Việt sống ở nước ngoài, từ Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Czech, Ba Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Ukraine, Nga đến Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Philippines, Singapore và các nước khác.

Tiến sĩ Đào Nguyên Thắng đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện sống ở Berlin, nêu cái nhìn của người ký kiến nghị từ Đức, quốc gia nổi tiếng về hệ thống pháp quyền của Châu Âu :

"Theo tôi, và tôi nghĩ nhiều người chia sẻ quan điểm này với tôi, hệ thống tư pháp của Việt Nam không có một vị trí đủ độc lập cần thiết bên cạnh việc thiếu một cơ chế giám sát đủ mạnh để đảm bảo các phán quyết của hệ thống tòa án là khách quan và khoa học.

"Ví dụ, rất khó để một ông thẩm phán ở một tóa án cấp tỉnh/thành triệu tập ông bí thư tỉnh/thành ủy đến tòa với tư cách đương sự của một vụ án nào đó nếu không có sự chỉ đạo từ cấp quản lý ông bí thư tỉnh ủy.

"Và trong những vụ án như vậy, sự mạnh yếu của đương sự có thể không còn phụ thuộc vào các lý lẽ pháp lý mà phụ thuộc vào địa vị xã hội của họ".

Các trang mạng xã hội Việt Nam hiện đã có nhiều lời bàn, bình luận về bản kiến nghị này.

Nhiều ý kiến khác nhau đã xuất hiện, từ cách cho rằng ký kiến nghị 'là cần thiết', đến 'không giải quyết được gì', hoặc 'ký vì tin tưởng vào hệ thống pháp luật Việt Nam', hay 'không ký vì đây là lỗi hệ thống, có tam quyền phân lập thì mới có kiến nghị hiệu quả'.

Ý kiến công dân để Việt Nam cải cách tư pháp

Những người kiến nghị nói họ không đặt vấn đề Hồ Duy Hải phạm tội hay không mà muốn qua đây, hệ thống tư pháp và bộ máy chính trị ở Việt Nam phải nhìn nhận nhu cầu cải cách.

Tiến sĩ Dương Tú, hiện làm việc tại bang Indiana, Hoa Kỳ, một người ký kiến nghị cho BBC biết ý kiến :

"Tôi không dám khẳng định Hồ Duy Hải vô tội hay có tội, nhưng anh ta có quyền được xét xử công bằng và xứng đáng được hưởng công lý.

"Công lý ở đây không phải chuyện đòi hỏi Hồ Duy Hải nhất quyết được xử vô tội mà cần hiểu là quá trình xét xử phải đảm bảo đúng pháp luật, khách quan, tôn trọng quyền được suy đoán vô tội của bị cáo.

"Các cơ quan bảo vệ pháp luật không thể thuyết phục được ai bằng cách tuyên tử hình một người khi những sai phạm tố tụng nghiêm trọng chưa được khắc phục, có thể dẫn đến một phán quyết oan sai không thể sửa chữa".

Ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định việc ký kiến nghị là muốn bộ máy tư pháp phải dân chủ hóa hơn : "Cá nhân tôi nghĩ rằng ý kiến - và cả sự yêu cầu, chỉ trích, phê phán - của người dân với bộ máy tư pháp khi cảm thấy nó hoạt động không đúng với tiêu chí công bằng, minh bạch, vi phạm chính những định chế pháp luật trong nước như Hiến pháp hay Bộ luật Tố tụng Hình sự, là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực để dân chủ hóa và đổi mới hệ thống tư pháp".

Ông Dương Tú nêu ra một vấn đề mà nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đang quan tâm :

"Vụ án này không chỉ liên quan đến mạng sống của một con người mà còn là bộ mặt, danh dự của cả nền tư pháp. Việt Nam hiện không còn là một nước quá lạc hậu và kém phát triển mà đã có vị thế nhất định, là đối tác của nhiều nước trên thế giới.

"Nếu không xây dựng và duy trì được một nền tư pháp trong nước lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, sẽ rất khó khi Việt Nam phải đối mặt với những vụ kiện do tranh chấp chủ quyền hay kinh tế với các quốc gia khác. "

Từ Hungary, ông Nguyễn Hoàng Linh nêu ra một quan sát rằng viết, ký kiến nghị là chuyện rất bình thường trong một xã hội văn minh :

"Tại Hungary, bản án tử hình cuối cùng được thi hành vào tháng 7/1988, và từ 1990 trở đi nước này chính thức xóa bỏ hình thức trừng phạt này. Vì vậy, những hình thức kiến nghị, lấy chữ ký... thường lại xảy ra theo chiều hướng ngược lại, khi công luận cảm thấy một vụ trọng án, nhưng thủ phạm lại chỉ phải chịu bản án nhẹ hơn nhiều so với mức cao nhất mà pháp luật Hungary cho phép : án tù chung thân đến cuối đời, không được phóng thích trước hạn.

Dù theo hướng nọ hay hướng kia, tôi nghĩ đây cũng là một phần của quyền tự do biểu thị quan điểm của người dân trong một xã hội dân chủ".

Kiến nghị vì không còn cách nào khác ?

Từ Hà Nội, luật sư Ngô Ngọc Trai, người đã bào chữa cho tử tù Hàn Đức Long, người thoát khỏi án tử hình oan ở Việt Nam cho rằng trái với cách nghĩ rằng kiến nghị gây tác động không cần thiết vào tínhđộc lập của tư pháp trên thế giới, đây lại là cách duy nhất để cứu mạng người tại Việt Nam :

"Đây thực ra cũng không phải là biện pháp mới mẻ gì bởi các luật sư ở Việt Nam lâu nay vẫn thường nhờ đến báo chí như một kênh thông tin hỗ trợ cho những vụ việc bảo vệ khách hàng chống lại những lạm quyền tiêu cực.

"Trong vụ án của tử tù Hàn Đức Long mà tôi là luật sư bào chữa đã minh oan thành công, quá trình theo đuổi minh oan, đứng trước nguy cơ bị xử lý trách nhiệm, các cơ quan tư pháp địa phương đã không chấp nhận ý kiến của luật sư dù là đúng đắn nhất. Họ đã vi phạm cả quy định pháp luật để ngăn cản luật sư bào chữa, không cho sao chụp hồ sơ vụ án, không cho gặp riêng bị can để trao đổi.

"Minh oan cho tử tù phải là một cuộc đấu tranh pháp lý. Có nghĩa rằng sẽ phải thực hiện cả những hoạt động thúc đẩy nằm ngoài khuôn khổ thủ tục tố tụng thông thường. Ví như đăng tải công khai các đơn kêu cứu cùng những lý lẽ biện giải minh oan cho bị cáo.

"Luật sư như chúng tôi cũng kiến nghị về hàng loạt các vấn đề khác nhau của nền tư pháp, đề xuất việc lưu tâm sửa đổi, viện dẫn từ vụ án của tử tù đang kêu oan. Ngoài ra, luật sư cũng đã nhờ đến truyền thông báo chí và mạng xã hội để phản ánh tới công luận những sai trái vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án này".

Về hiệu quả của các vụ việc đã có kiến nghị, bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết bà đã tham gia ký nhiều đơn kiến nghị, đến nỗi "nhiều quá, không nhớ hết".

vuan6

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, trong quá trình đi tìm công lý cho con trai

"Cũng có những kiến nghị có hồi âm tích cực như vụ Hồ Duy Hải lần trước - dù không được phản hồi trực tiếp nhưng chúng tôi tin là chữ ký của vài ngàn con người thời ấy đã góp phần vào việc Chủ tịch nước ký hoãn án tử cho Hải, còn đa phần không có kết quả ngay nhưng ít nhất đã đánh động được công chúng và tạo thói quen sống tích cực cho một số công dân".

Ông Dương Tú đặt ra vấn đề một bối cảnh rộng hơn, mà theo ông là điều mọi người Việt Nam cần quan tâm :

"Tôi không có quan hệ cá nhân gì với Hồ Duy Hải. Tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày mình rơi vào hoàn cảnh như anh ta. Nhưng tôi tin rằng thứ gắn kết những người không có quan hệ máu mủ lại với nhau trong một đất nước, thứ làm nên sức mạnh và sự thịnh vượng của một quốc gia không phải giới hạn lãnh thổ hay chủ nghĩa dân tộc mà là các giá trị văn minh phổ quát như công lý, pháp quyền, bình đẳng, dân chủ và tự do".

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, "Việt Nam đang trong quá trình cải cách, dù đã đạt được nhiều kết quả thuyết phục nhưng sai sót là không tránh khỏi".

"Chúng tôi mong muốn đóng góp một cách ôn hòa góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách này".

Bà cho biết kiến nghị này được gửi đến cho TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc, EU và đại sứ nhiều nước ở Việt Nam.

"Vì thư mới được gửi cuối tuần trước nên cho tới nay, chúng tôi chưa nhận được hồi âm nào. Chúng tôi thật lòng mong những người có trách nhiệm trong cơ quan nhà nước và cả những cơ quan nước ngoài sẽ có câu trả lời tích cực cho chúng tôi để thể hiện sự lắng nghe và cầu thị với những công dân muốn thực hiện nghĩa vụ công dân của mình".

Nguồn : BBC, 18/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy, Võ Thị Hảo, Nguyễn Vũ Bình, BBC tiếng Việt
Read 1926 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)