"Vậy mà chúng đồng loạt giơ dao chém thằng bé"...
Võ Thị Hảo, RFA, 20/05/2020
Luật sư Phạm Quốc Bình nhận xét về vụ án tử tù Hồ Duy Hải trong phiên Giám đốc thẩm :
"Vụ án này, tất cả đều căn cứ vào con số 0. Không có chứng cứ. Không có tang chứng vật chứng. Tóm lại là không có gì sất ! Vậy mà chúng nó 17 đứa, đồng loạt giơ dao chém thằng bé" (1).
Mẹ của tử tù Hồ Duy Hải kiên trì tranh đấu giải oan cho con - Ảnh minh họa
Sự phi lý, bất công từ các cơ quan điều tra và tố tụng trong Vụ án tử tù Hồ Duy Hải, cũng như vô số vụ án trước đây, đặc biệt là đã có nhiều trăm phiên tòa hoàn toàn sai trái kết tội, bỏ tù các tù nhân lương tâm trong khi họ hoàn toàn vô tội, đã bộc lộ thực trạng khối "ung thư" trong nền tư pháp và hành pháp Việt Nam.
Hậu quả hết sức nguy hại như chúng ta đã thấy : công an điều tra và quan tòa nhiều nơi biến thành những "kiêu binh" khinh mạn cả Chủ tịch nước, Quốc hội, bác bỏ cả quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, coi đó là hành vi trái pháp luật.
Những "kiêu binh" đắc thắng của hôm nay đã cấu kết thành một lực lượng bền chặt và kếch xù, đủ khả năng bịt các đầu mối sơ hở tố cáo sự phạm pháp của họ thậm chí bằng việc cố tình đoạt mạng người khác.
Với những người quan tâm đến thực thi luật pháp, công lý, đến nền dân chủ và nhân quyền Việt Nam, đồng thời bổn phận của mọi công dân là phải cứu đủ mọi tầng lớp dân oan đang bị đày đọa sống dở chết dở dưới sự bất công và lạm dụng quyền lực, , vụ án này là một cơ hội để từ lương tâm quyết định hành động.
Nghĩa vụ công dân là cùng hợp sức đấu tranh bền bỉ để cắt bỏ "khối ung nhọt" của nền tư pháp và hành pháp bị nhiễm độc toàn diện, trong đó những người có kiến thức, có nhân cách gần như không thể tồn tại trong hệ thống,
Rồi đến một ngày không xa, chính một số "kiêu bình" tàn ác và đắc thắng của ngày hôm nay cũng sẽ trở thành nạn nhân...
Kháng nghị : là quyền và nghĩa vụ, kể cả khi tử tù đã bị bác đơn xin ân xá hoặc đã chết
Điều kinh hoàng là sự vi phạm và bao che cho những sai phạm trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải kéo dài tới gần 13 năm, mặc dù hàng trăm tờ báo vào cuộc cùng dư luận đã dai dẳng tố cáo những phi lý, bất công của nó bên cạnh đơn kêu oan của luật sư và gia đình Hồ Duy Hải..
Bản Kháng nghị gần đây của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã vạch ra 17 sai phạm nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng trong vụ án này.
Những chứng lý của Viện Kiểm sát nhân dân đưa ra rất thuyết phục và đúng pháp luật nhưng cũng không làm lay chuyển được Hội đồng xét xử phiên Giám đốc thẩm.
Chỉ cần có một chi tiết thiếu logic, không chính xác trong một vụ án thì tòa cũng phải trả lại hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra lại để kiểm tra tính xác thực, tránh nhầm lẫn, chưa nói là có đến 17 sai phạm nghiêm trọng.
Vậy mà Hội đồng thẩm phán đã ngang nhiên tuyên bố : kháng nghị này trái pháp luật, bác toàn bộ kháng nghị !
Lẽ nào Hội đồng thẩm phán phiên Giám đốc thẩm không biết, tại Điều 173, Khoản 2 điều 371, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ về thời hạn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, trong đó việc kháng nghị có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào,kể cả khi người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ, kể cả trường hợp tử tù đã bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá ?
Điều 371 nói trên quy định, khi có một trong các căn cứ sau thì bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm :
1. Kết luận trong bản án quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dấn đến sai phạm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Ngày 18/5/2020, 10 ngày sau phiên Giám đốc thẩm, Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi đến Chủ tịch nước thêm một lần khẳng định : "Kháng nghị Giám đốc thẩm do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, có căn cứ và cần thiết"… "Những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này, đó là vi pạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận có vi phạm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án". "Viện Kiểm sát nhân dân khẳng định vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm ngày 8/5 theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 Luật Tố tụng hình sự.
Tội Cố tình ban hành các bản án trái pháp luật
Theo nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và những sai trái của những phiên tòa mà công luận đã chỉ rõ, có nhiều dấu hiệu cho thấy các cấp tòa trong vụ án Hồ Duy Hải đã ban hành những bản án trái pháp luật.
Luật Việt Nam đã định nghĩa bản án được coi là trái pháp luật, nếu trong đó chứa đựng các nội dung, những vấn đề không đúng với các quy định của pháp luật (ví dụ như bản án hình sự trái pháp luật là bản án kết án một người nhưng đó là hành vi không cấu thành tội phạm ; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc không có năng lực trách nhiệm hình sự mà vẫn bị kết án) hoặc không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.
Chủ thể củatội phạm ra bản án trái pháp luật chỉ có thể là Thẩm phán, Hội thẩm của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp (2).
Khi Tòa án các cấp dù biết rõ có những sai phạm về thủ tục tố tụng nhưng vẫn ban hành những bản án trái pháp luật, họ phải bị trừng phạt theo luật định để giữ nghiêm minh và công lý.
Tội Ra bản án trái pháp luật được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội này có 3 khung hình phạt chính và một khung hình phạt bổ sung.
Trong đó, khung 3 quy định mức hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.về Tội ra bản án trái pháp luật - tức là hành vi cố ý ban hành và công khai bản án trái pháp luật đó...
Theo cấu thành của "Tội ra bản án trái pháp luật", thì nội dung trái pháp luật của bản án có thể là một phần hoặc toàn bộ bản án như quá nhấn mạnh hoặc quá chú ý đến một số tình tiết này mà bỏ qua các tình tiết khác để kết luận về tội nhẹ hơn hoặc nặng hơn ; quyết định mức hình phạt quá nhẹ hoặc quá nặng so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để buộc tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt không có căn cứ theo ý chí chủ quan ; ra phán quyết không căn cứ vào các tình tiết thực tế của vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động,… và trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hành vi thêm bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án ; Thẩm phán, Hội thẩm, nhằm hợp thức hóa việc ra bản án trái pháp luật, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội, đó là : "Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370) và Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375)".
Mục 3 Điều 370 BLHS 2015 quy định : Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm :
- Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng...
Người phạm tội còn cấm bị đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm.
Mọi sự hết sức rõ ràng. Điều này lý giải tại sao 17 người "đồng loạt giơ dao chém thằng bé" ?
Công luận trong nước và thế giới đang theo dõi sát sao mọi động thái của các cơ quan hữu trách.
Võ Thị Hảo
Nguồn : RFA, 20/05/2020 (vothihao's blog)
(1) "Sinh mạng chính trị của ông Nguyễn Hòa Bình đang bị đe dọa nghiêm trọng", Báo Tiếng dân
(2) https://lsvn.vn/tham-phan-hoi-tham-ra-ban-an-trai-phap-luat-co-the-bi-ph... ?
********************
Vụ Hồ Duy Hải : Người đối đầu với 17 thẩm phán ‘ngây ngô’ là ai ?
Nguyễn Hùng, VOA, 20/05/2020
Viện trưởng Viện kiểm sát Lê Minh Trí đã tái khẳng định việc cần thiết phải hủy án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án Hồ Duy Hải để điều tra lại. Ngoài văn bản gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Quốc hội và các cơ quan khác, ông Trí cũng đã phát biểu trước các cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh trong vai trò Đại biểu Quốc hội khóa 14.
Ông Lê Minh Trí. (Hình : Trích xuất từ kênh YouTube của Viện Kiểm sát)
Ông được báo Thanh Niên dẫn lời nói hôm 18/5 : "Viện trưởng không nói là Hồ Duy Hải có tội hay không có tội. Nhưng thấy nó còn có nhiều sai sót, và chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa hiện trường, mâu thuẫn giữa lời khai, giữa thực nghiệm điều tra.
"Thế thì Viện trưởng thấy là cần thiết phải yêu cầu kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại xem có tội hay không có tội một cách thận trọng, khách quan và đảm bảo bảo vệ tính mạng của người dân chúng ta khi mà chúng ta chưa có một cái chứng cứ trực tiếp khẳng định việc có giết người hay không.
"[C]hắc chắn Viện trưởng kháng nghị không sai luật đâu".
Quyết định của toàn bộ 17 thẩm phán bác kháng nghị của Viện kiểm sát do ông Lê Minh Trí dẫn đầu đã bị người đứng đầu Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển coi là "ngây ngô". Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao nói với trên một triệu người xem Bàn tròn Thứ năm của BBC tiếng Việt hồi giữa tháng Năm rằng chuyện Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã sai khi coi kháng nghị của Viện kiểm sát vi phạm luật vì đơn xin ân xá của ông Hồ Duy Hải đã bị chủ tịch nước bác.
Tiến sĩ Giao nói : "Thứ nhất kháng nghị là người ta kháng nghị anh để xem xét và điều tra lại… trong giai đoạn cuối cùng của tố tụng, tức là giám đốc thẩm, trong khi đó việc ân xá là ân xá với những người đã bị kết án, có bản án và nay vì những lý do nhân đạo xin được giảm án. Hai nội dung khác nhau, không liên quan gì cả nhưng mà Tòa án tối cao, Hội đồng Thẩm phán lại lập luận cho rằng trái pháp luật. Tôi thấy nó ngây ngô quá".
Tiến sĩ Giao cũng nói đây không chỉ là chuyện mạng sống của một con người mà còn là sự chính đáng của cả hệ thống tư pháp. Ông cũng nói vụ Hồ Duy Hải cho thấy chuyện Việt Nam bác bỏ đề nghị thành lập tòa án hiến pháp từng được đưa vào dự thảo luật cách đây nhiều năm là điều sai lầm. Sự tồn tại của tòa án hiếp pháp, theo ông, sẽ giúp giải quyết khủng hoảng hiện nay. Nhưng ông cũng nói Quốc hội Việt Nam vẫn có thể ra pháp lệnh về vấn đề này để tìm hướng giải quyết.
Ông Lê Minh Trí là ai ?
Vậy người đang đối đầu với 17 thẩm phán "ngây ngô" ở Việt Nam là ai ?
Chức vụ cấp thành phố đầu tiên mà ông Trí đảm nhiệm là vị trí phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối năm 2009 sau hơn bốn năm làm chủ tịch Quận 1. Trong bài đưa tin về việc bổ nhiệm này, báo Pháp Luật cũng nói ông Trí từng là Trung tá an ninh, thư ký cho Bộ trưởng công an, phó chánh văn phòng ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và chủ tịch Quận 11. Cũng đưa tin về sự kiện này, VnExpress nói thêm ông Trí sinh năm 1960 tại Củ Chi. Các báo khác nói ông Trí tốt nghiệp Đại học An ninh và là cử nhân luật.
Ba năm sau, vào tháng 4/2013, ông Trí được cử giữ chức phó Ban nội chính trung ương. Trước đó hai tháng ông có chân trong Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, cùng vai trò ủy viên như ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Ông Trí trở thành viện trưởng Viện kiểm sát hồi tháng 4/2016 thay ông Nguyễn Hòa Bình, người đứng đầu Hội đồng Thẩm phán mới đây, với sự tín nhiệm của gần 64% Đại biểu quốc hội khóa 13. Trước đó, hồi tháng 1/2016, ông Trí được bầu vào Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản tại Đại hội 12. Một tháng sau khi trở thành viện trưởng kiểm sát, ông Trí cũng được bầu làm Đại biểu quốc hội khóa 14 và tái đắc cử chức Viện trưởng kiểm sát hồi tháng 7/2016 với số phiếu chuẩn thuận lần này lên tới trên 90% tại Quốc hội.
Cũng giống như công lý ở Việt Nam, ông Trí dường như đang ở thế yếu hơn trong cuộc đấu với các chính trị gia trong đó có đối thủ Nguyễn Hòa Bình, người có chân trong Ban bí thư của Đảng cộng sản. Nhưng nếu ông Trí thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nguyên tắc suy đoán vô tội và chống lại sự cẩu thả trong điều tra và xét xử, công lý ở Việt Nam sẽ lấy lại được chút niềm tin mà chế độ đang rất cần.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 20/05/2020