Thái Anh Văn, tấm gương khó soi cho Đảng
Cánh Cò, RFA, 20/05/2020
Hôm 20/5 bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Đài Loan lần thứ hai. Hình ảnh buổi lễ nhậm chức được phát đi trên khắp thế giới và không ít người Việt Nam ngậm ngùi theo dõi, trong cũng như ngoài nước. Ngậm ngùi vì dân tộc nhu nhược bị cai trị bởi một tập đoàn vô tri với đất nước con người Việt Nam so với Đài Loan, một đảo quốc nhỏ hơn nhưng dũng khí không bao giờ thiếu trước một con thú dữ sát nách luôn hầm hè xé nát nó bất cứ lúc nào.
Hôm 20/5 bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Đài Loan lần thứ hai.
Người dân Đài Loan không phải ai cũng dũng cảm nhưng ít ra họ có được một Tổng thống không hề sợ hãi đó là bà Thái Anh Văn. Người phụ nữ này đã chứng mình cho cả thế giới thấy rằng Trung Quốc tuy mạnh bạo cả hai phương diện kinh tế và quân sự nhưng với niềm tin sắt đá vào tính độc lập tự cường của người dân Đài Loan, bà Thái Anh Văn chấp nhận đứng trên tuyến đầu lãnh đạo toàn dân đảo quốc quyết tiến đến mục tiêu độc lập không cần công bố.
Bốn năm cầm quyền của bà đã chứng minh rằng một lãnh đạo tốt sẽ dẫn dắt đất nước tiến về phía trước một cách vững vàng và mạnh mẽ. Trước sự đe dọa bằng vũ lực của Bắc Kinh qua nhiều chục năm chưa có một tổng thống nào của xứ Đài lại khôn ngoan và mạnh mẽ như bà.
Đối ngoại, bà khéo léo làm cho nước Mỹ chấp nhận sự hiện hữu của một Đài Loan tách rời với Trung Quốc điều mà trước đây không một tổng thống Mỹ nào chấp nhận. Bà âm thầm thuyết phục nước Mỹ bằng cá tính mạnh mẽ, lời lẽ khôn ngoan đúng mực và nhẹ nhàng chứng minh đất nước Đài Loan xứng đáng được công nhận như bất cứ một quốc gia nào bởi vì nó có đầy đủ mọi yếu tố chính danh của một quốc gia độc lập. Bà không lùi bước trước sự bao vây của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao để cuối cùng trong buổi lễ nhậm chức lần thứ hai này rất nhiều quốc gia trước đây dè chừng với Trung Quốc cũng công khai chúc mừng. Thành tựu này không phải do đồng tiền mà có, nó được tính toán và vận hành bằng chính sách thông minh nhưng trên hết bằng niềm tin chính nghĩa sẽ thắng.
Đối nội, thông qua trận dịch Covid-19, bà đã cùng với Bộ trưởng y tế phúc lợi Trần Thời Trung đưa ra những giải pháp hợp lý và nhanh chóng ngăn chặn ngay từ đầu cơn dịch thế kỷ này khiến cho cả thế giới phải nhìn lại cách mà WHO ứng phó với đảo quốc này theo chỉ thị của Trung Quốc. Theo một báo cáo công bố hồi tháng 1 năm 2020, Đại học John Hopkins của Mỹ cho rằng Đài Loan sẽ gặp nguy cơ lớn vì nằm gần và qua lại nhiều với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên Đài Loan đã làm cho thế giới kinh ngạc vì những chính sách hiệu quả của họ. Từ những kinh nghiệm đối phó với dịch SARS trước đây, Đài Loan đã theo dõi và ý thức về sự nguy hiểm của con virus Corona. Ngay khi Trung Quốc vừa chớm có tin về virus Corona, Đài Loan ngay lập tức đóng cửa biên giới, dứt khoát không cho người từ Trung Quốc nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ ở biên giới, không cho du thuyền cặp bến, phạt nặng người dân không tuân lệnh cách ly.
Bên cạnh đó, với những nhà máy hiện đại sẵn có, Đài Loan đã sản xuất một lượng lớn khẩu trang dùng trong bệnh viện cũng như cho người dân, những máy trợ thở, các dụng cụ y tế khác được sản xuất nhanh chóng. Đài Loan đã làm thế giới kinh ngạc khi trao tặng hàng triệu khẩu trang, vật tư y tế cho nhiều nước mà không cần khoe khoang cử chỉ nhân đạo của mình. Khác với Trung Quốc lợi dụng tình hình khó khăn của thế giới tung ra bán hàng trăm triệu khẩu trang không hợp quy chuẩn để gặp sự khinh bỉ của những nước trước đây từng có cảm tình vì đồng tiền của Trung Quốc.
Từ hành động nhân bản này, Hoa Kỳ đã yêu cầu tổ chức WHO chấp nhận mời Đài Loan tham dự tổ chức này như một quan sát viên thay vì không cho đảo quốc có bất cứ tư cách nào như yêu cầu của Trung Quốc. EU hầu như hoàn toàn đồng thuận với ý kiến của Mỹ và áp lực lên WHO ngày càng mạnh mẽ hơn. Những thành công này của Đài Loan sẽ không lớn lao như thế nếu thiếu một tổng thống nhiều viễn kiến như bà Thái Anh Văn.
Hình ảnh tốt đẹp của bà Thái Anh Văn đối với dân chúng nhiều nước Tây phương tuy làm cho họ cảm tình nhưng chưa đủ để họ cảm phục, bởi hầu hết dân chúng các nước Tây phương chưa hiểu được dã tâm của Trung Quốc cùng những đòn phép thâm độc mà Bắc Kinh luôn sử dụng để áp đảo những quốc gia lân cận. Chỉ có người dân Việt Nam là hiểu biết Trung Quốc hơn bất cứ quốc gia nào nên cảm tình dành cho bà Thái Anh Văn ngày càng dâng cao đến mức độ có thể nâng người đàn bà này lên tầm nhân vật lịch sử.
Sự kính trọng bà Thái Anh Văn sâu đậm hơn nữa khi so sánh bà với dàn lãnh đạo hiện nay. Trong khi Đài Loan luôn là mục tiêu nhắm sẵn lúc nào cũng có thể bị tấn công, nhưng bà Thái Anh Văn dẫn dắt người dân của bà vượt qua sợ hãi để nói với thế giới rằng họ không chấp nhận sự áp đặt của Bắc Kinh. Trong khi đó Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền và chính phủ được mọi nước trên thế giới công nhận, lại từ bỏ tính chính danh của mình để cam tâm làm theo bất cứ thứ gì mà Trung Quốc đòi hỏi nhằm đổi lại Đảng cộng sản Việt Nam được an tâm tại vị.
Chỉ bao nhiêu thôi cũng đủ làm cho người dân Việt Nam cảm thấy bà Thái Anh Văn mới xứng đáng là một lãnh đạo đúng nghĩa đối với bất cứ quốc gia nào nằm gần với Trung Quốc.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 20/05/2020 (canhco's blog)
*******************
Đài Loan : Thái Anh Văn bác mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" của Bắc Kinh
Minh Anh, RFI, 20/05/2020
Ngày 20/05/2020, trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, nữ tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan không thể chấp nhận nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ". Chính quyền Bắc Kinh đe dọa "không dung thứ" cho bất kỳ hành động ly khai nào của Đài Bắc.
Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2, tại Nhà khách Đài Bắc, Đài Loan, ngày 20/05/2020 via Reuters - Taiwan Présidential Office
Trong lễ nhậm chức mở đầu nhiệm kỳ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng, tổng thống Thái Anh Văn cho rằng mối quan hệ đôi bờ eo biển đang đi vào một bước ngoặt lịch sử. Bà nói : "Cả hai phía có bổn phận phải tìm ra một phương cách để cùng tồn tại lâu dài và ngăn chặn gia tăng đối kháng và các bất đồng".
Được 8,2 triệu cử tri ủng hộ, Thái Anh Văn tái đắc cử trong bối cảnh quan hệ Trung – Đài trở nên căng thẳng và làn sóng phản đối đòi dân chủ trỗi dậy mạnh mẽ ở Hồng Kông.
Vẫn theo bà Thái Anh Văn, người dân Đài Loan sẽ không chấp nhận đánh đổi "Hòa bình, Bình đẳng, Dân chủ và Đối thoại" cho nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" mà Bắc Kinh đang sử dụng để thâu tóm Đài Loan và làm thay đổi nguyên trạng giữa đôi bờ eo biển.
Theo AFP, ngay sau bài phát biểu của nữ tổng thống đầu tiên ở Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh đã có phản ứng mạnh mẽ. Phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ tại Đài Loan, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) cảnh báo Bắc Kinh không thay đổi lập trường, "có đủ quyết tâm, niềm tin và khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ". Hãng thông tấn Tân Hoa Xã lời lẽ cứng rắn hơn đe dọa "không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hành động ly khai nào".
Năm nay 63 tuổi, bà Thái Anh Văn, "kẻ bất trị" trong nhãn quan của Bắc Kinh, cùng với đảng Dân Tiến luôn cho rằng Đài Loan là một quốc gia trên thực tế có chủ quyền. Quan điểm này đã làm cho quan hệ Đài Bắc – Bắc Kinh những năm gần đây trở nên căng thẳng.
Chính quyền Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực chính trị, quân sự cũng như là ngoại giao nhằm cô lập Đài Loan, mà ví dụ điển hình là trong cuộc họp đại hội đồng năm nay của Tổ chức Y tế Thế giới, Đài Loan đã không được mời. Dưới áp lực của Bắc Kinh, chính quyền Đài Loan cũng bị tước mất quy chế quan sát viên của tổ chức năm 2016.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 20/05/2020
***************
Tổng thống Đài Loan nhậm chức, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc
VOA, 20/05/2020
Đài Loan không thể chấp nhận trở thành một phần của Trung Quốc theo hình thức "một quốc gia, hai chế độ" và mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố hôm 20/5.
Tổng thống Thái Anh Văn.
Trung Quốc đáp trả với tuyên bố rằng "việc thống nhất" là điều không thể tránh khỏi và rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận Đài Loan độc lập.
Phát biểu sau khi nhậm chức nhiệm kỳ hai và cũng là cuối cùng, bà Thái nói rằng quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã tới bước ngoặt lịch sử.
"Cả hai bên có trách nhiệm phải tìm cách cùng tồn tại trong thời gian dài và ngăn chặn sự gia tăng đối kháng và khác biệt", bà nói.
Bà Thái và Đảng Dân Tiến của bà giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội hồi tháng Một, với cam kết sẽ chống lại Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan thuộc Trung Quốc và tuyên bố sẽ dùng vũ lực để kiểm soát Đài Bắc nếu cần.
"Nhân đây, tôi muốn nhắc lại các từ ‘hòa bình, ngang hàng, dân chủ và đối thoại’. Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng ‘một quốc gia, hai chế độ’ để hạ cấp Đài Loan và làm tổn hại tới hiện trạng ở eo biển. Chúng tôi bác bỏ nguyên tắc này", bà Thái nói.
Trung Quốc sử dụng chính sách "một quốc gia, hai chế độ", vốn nhằm bảo đảm quyền tự chủ ở mức cao để quản lý Hong Kong sau khi nó được Anh trao trả cho Bắc Kinh năm 1997.
Trung Quốc cũng dùng nguyên tắc này đối với Đài Loan, dù tất cả các đảng lớn của Đài Loan bác bỏ chính sách này.
Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đáp trả bà Thái, nói rằng Bắc Kinh giữ vững chính sách "một quốc gia, hai chế độ" và "sẽ không để khoảng trống nào cho các hoạt động ly khai [dẫn tới] độc lập của Đài Loan".
Văn phòng này nói tiếp rằng việc "thống nhất là điều không thể tránh khỏi, mang tính lịch sử trong tiến trình trẻ hóa Trung Quốc vĩ đại".
Trung Quốc coi bà Thái là một thành phần đòi ly khai và mưu tìm độc lập chính thức cho Đài Loan.
Bà Thái thì nói rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập cũng như không muốn trở thành một phần của Trung Quốc và nằm dưới sự cai trị của Bắc Kinh.
Theo Reuters
***************
Trung Quốc-Đài Loan : Biết đánh không thắng, Bắc Kinh dùng chiến thuật vây thành
Tú Anh, RFI, 20/05/2020
Thứ Ba 20/05/2020, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Chính sách bàn tay thép của Bắc Kinh tại Hồng Kông làm dân Đài Loan khiếp đảm. Tháng Giêng năm nay, 57% cử tri hải đảo dồn phiếu cho nhà lãnh đạo bất khuất, một gáo nước lạnh cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Quân đội Đài Loan chờ đón tổng thống Thái Anh Văn tại căn cứ Tainan, miền nam Đài Loan ngày 09/04/2020. AFP/Archivos
Song song với đòn ngầm trả thù qua Tổ chức Y tế Thế giới, Bắc Kinh lại dọa dùng vũ lực đánh Đài Loan. Theo giới phân tích, Trung Quốc chưa thể ra tay.
Tuyên thệ và các hải vụ bình thường trong eo biển Đài Loan
Một tuần trước khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, và trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hải quân Mỹ cho khu trục hạm USS McCampell đi ngang eo biển Đài Loan, bất chấp thái độ giận dữ của Bắc Kinh. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ sáu khu trục hạm Mỹ vào vùng và đối với USS McCampell thì đây là hải vụ thứ hai, mỗi khi chiến đấu cơ Hoa lục hù dọa hải đảo đồng minh.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, hải vụ "bình thường" này nhằm biểu dương quyết tâm của Hoa Kỳ luôn luôn ủng hộ nền dân chủ non trẻ trong giai đoạn nhạy cảm chính trị và quân sự. Trước đó hai hôm, Trung Quốc đưa máy bay trinh sát Y8 xâm nhập vùng nhân diện phòng không của Đài Loan.
Chiến thắng của bà Thái Anh Văn, đánh bại đối thủ Quốc Dân đảng, tái đắc cử vẻ vang, là một thất bại chính trị nặng nề của lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính sách bàn tay thép của Bắc Kinh tại Hồng Kông đã làm cho cử tri Đài Loan kinh hoàng. Tưởng tượng phải sống trong vòng tay kềm kẹp của chế độ Hoa lục theo tuyên truyền "vận mệnh tương quan", 57% cử tri đã chọn Thái Anh Văn và lý tưởng tự do dân chủ.
Hai thử thách, hai chiến thắng
Đại dịch siêu vi corona xảy đến, lúc đầu cũng làm Đài Loan khiếp vía. Nhưng chính quyền Thái Anh Văn trong hoàn cảnh đơn độc, đã nhanh chóng chận đứng vận tốc siêu vi, không cần phong tỏa hàng chục triệu dân như Trung Quốc.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc không ngừng cô lập Đài Loan và gây áp lực không cho Tổ chức Y tế Thế giới làm bổn phận của cơ quan Liên Hiệp Quốc khi thế giới bị đại dịch. Vì sao lời báo động của Đài Loan phát hiện ca "siêu vi truyền từ người sang người" gửi Tổ chức Y tế Thế giới ngày 31/12/2019 không được trả lời ? Một tuần sau, Tổ chức Y tế Thế giới, vẫn theo luận điểm trấn an của Trung Quốc, khẳng định "rủi ro rất nhỏ".
Chuyên gia Pháp Mathieu Duchâtel, viện nghiên cứu chiến lược Montaigne, nhận định : Qua đại dịch Covid-19, Đài Loan trở thành "bài toán nát óc" của Trung Quốc, "quy chế" từ trước đến nay của Hồng Kông.
Tổng thống Thái Anh Văn không bỏ lở cơ hội để tuyên cáo với thiên hạ : Đài Loan một mình "chiến thắng đại dịch đến từ Vũ Hán". Theo chương trình nghi lễ nhậm chức, bà Thái Anh Văn đọc diễn văn từ Dinh Tổng Thống, chỉ cách một địa điểm biểu tượng khác có 200 mét, đó là đài tưởng niệm thống chế Tưởng Giới Thạch. Năm 1949, trước đoàn quân chiến thắng của Mao, họ Tưởng và Quốc Dân đảng bỏ đại lục, rút ra hải đảo Đài Loan.
Bầu cử rồi đại dịch, chính trị rồi đến y tế, đó là hai thử thách chiến lược của bà Thái Anh Văn. Tổng thống Đài Loan chiến thắng cả hai mặt trận này. Trong khi đó, Quốc Dân đảng, trớ trêu thay, với lập trường thân Đảng cộng sản Trung Quốc, bị thua đậm phải giữ thái độ khiêm tốn. Thấy rõ dã tâm của Bắc Kinh, lãnh tụ Quốc Dân đảng ủng hộ chính phủ Thái Anh Văn, kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới cho Đài Loan tái hội nhập, ít nhất là trong quy chế quan sát viên.
Nhưng theo giới phân tích, không nên hy vọng Trung Quốc sẽ hòa hoãn. Trái lại, Bắc Kinh sẽ chọn thái độ cứng rắn hơn. Vì sao ?
Theo nhận định của chuyên gia Kesley Broderick, của Eurasia Group, do "Quốc Dân đảng bị mất ảnh hưởng ở Đài Loan, chế độ Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách, sẽ cứng rắn hơn, cách tiếp cận sẽ thô bạo hơn".
Đại dịch viruscorona còn làm cho quan hệ địa chính trị căng thẳng thêm bởi vì Trung Quốc bị chạm tự ái. Vào lúc Bắc Kinh lên gân, phô diễn cơ bắp của một đại quốc hồi sinh, thì bị các nước Tây phương, từ Mỹ cho đến cường quốc bậc trung như nước Úc, lên án che giấu sự thật để cho đại dịch lây nhiễm toàn cầu.
Cảm thấy tự hào dân tộc bị tổn thương, trong những tuần qua, trên các mạng xã hội ở Hoa lục, xuất hiện nhiều lời kêu gọi "Giải Phóng Quân", nhân cơ hội hai hàng không mẫu hạm Mỹ ở Thái Bình Dương bị tê liệt vì siêu vi, tấn công Đài Loan.
Không phải chỉ có "dư luận viên năm xu", mà nhiều nhân vật có chức vụ lớn bé cũng tham gia. Mã Hiểu Quang (Ma Xiao Guang), phát ngôn viên Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Hoa lục đe dọa : Đài Loan đừng xem thường quyết tâm của 1,4 tỷ người Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Giáo sư Điền Phi Long (Tian Fei Long), đại học Bắc Kinh, trong một bài viết trên mạng Guancha.com cũng cho là "đã đến lúc dùng vũ lực vì chính sách hòa bình đã thất bại".
Mặt trận thứ hai và chiến thuật cờ vây của Mãn Thanh
Hốt hoảng, tướng không quân Kiều Lương (Qiao Lang), một nhà quân sự có uy tín, đang nghỉ hưu, phải vội lên tiếng cảnh tỉnh những con diều hâu Trung Quốc : Không nên đánh vì đánh sẽ không thắng.
Tiếp theo đó, sử gia Đặng Đào (Deng Tao), tìm cách hạ nhiệt với đề xuất dùng thế cờ vây (cờ gô), chiến thuật mà triều đình Mãn Thanh thi hành trong suốt 20 năm, để chinh phục hải đảo.
Theo mưu kế này, để đánh chiếm mục tiêu có địa thế hiểm trở và được phòng thủ vững chắc, Trung Quốc cần chuẩn bị lực lượng để mở mặt trận thứ hai theo thế lưỡng diện giáp công. Lực lượng này gồm nhảy dù và hàng không mẫu hạm Sơn Đông, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2019.
Trước khi kế hoạch tấn công hoàn tất, dự kiến vào năm 2025, Trung Quốc sẽ bao vây hải đảo và cố tránh những thái độ khinh xuất gây xung đột vũ trang.
Năm năm cũng là thời gian tương đối không dài để chủ tịch Tập Cận Bình có thể ước mơ làm hoàng đế mãn đời và cấm ngọn cờ đỏ 5 sao vàng lên hải đảo bất trị.
Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên gia tây phương, như Kerry Brown, đại học King's College, Luân Đôn, với làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc, căng thẳng hai bờ eo biển sẽ leo thang.
Một tính toán sai lầm có thể đưa đến xung đột vũ trang là nguy cơ có thật, chuyên gia Pháp Mathieu Duchâtel, trích dẫn bên trên, cảnh báo.
Phía Trung Quốc, Bắc Kinh lo ngại không khí chiến tranh lạnh mới với Mỹ sẽ tạo cơ hội cho Đài Loan chọn giải pháp tự vệ của kẻ yếu : tuyên bố độc lập, đặt Trung Quốc trước chuyện đã rồi. Về phần Đài Bắc, cho đến nay bà Thái Anh Văn từ chối vượt qua làn ranh đỏ. Nhưng giải pháp "độc lập" ngày càng được giới trẻ yêu thích vì bảo đảm đời sống tự do và dân chủ.
Trong cuộc đọ sức này, ba yếu tố thuận lợi cho thành công - thiên thời, địa lợi, nhân hòa - ở trong tay phe nào ?
Theo Le Figaro, Reuters
Tú Anh
Nguồn : RFI, 20/05/2020