Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2020

Biển Đông : Phải cương quyết cho Trung Quốc biết đâu là giới hạn

Trương Nhân Tuấn - Bùi Thư

Vạch cho Trung Quốc thấy đâu là "giới hạn" ở Biển Đông ?

Trương Nhân Tuấn, 22/05/2020

Rất ít khi thấy Bộ Quốc phòng Việt Nam lên tiếng về vấn đề chủ quyền biển đảo. Điều này cũng bình thường, vì thái độ của quốc gia thường được thể hiện qua các động thái của Bộ Ngoại giao. Chuyện xảy ra vào tuần rồi, trước diễn đàn Quốc hội. Đại diện Bộ quốc phòng lên "trả lời cử tri" về các chất vấn liên quan tình hình biển đảo.

chuquyen1

Lực lượng hải quân Việt Nam - Ảnh minh họa

Theo tôi ý kiến của Bộ Quốc phòng trong thời điểm này có nhiều ý nghĩa.

Báo chí ghi lại nội dung : "Bộ Quốc phòng Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Tiến sĩ và các giàn DK".

Việt Nam như vậy đã "bỏ qua" lịnh cấm đánh cá của Trung Quốc từ 1999 đến nay, ở vùng biển phía bắc vĩ tuyến 13°.

Phải chăng Việt Nam muốn vạch ra cho Trung Quốc thấy đâu là "giới hạn" của Việt Nam ở Biển Đông ?

Tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đang rất căng thẳng. Cái bẫy Thucydide có thể "khởi động", bất cứ lúc nào có hành vi "sai lầm" của một bên. Đài loan và biển Đông có thể là "đòn bẫy" làm thay đổi hiện trạng khu vực (và sắp xếp lại trật tự thế giới).

Một số các giới hạn, nếu Trung Quốc vượt qua, Việt Nam sẽ đứng về phía Mỹ và phát động chiến tranh. Đó là :

1/ Trung Quốc không được đặt vùng "nhân dạng phòng không - ADIZ" trên vùng biển dưới vĩ tuyến 13° ở Biển Đông.

2/ Trung Quốc không được chiếm các đảo Tiến sĩ hiện do Việt Nam chiếm đóng.

3/ Trung Quốc không được xâm phạm vùng kinh tế độc quyền 200 hải lý của Việt Nam, đặc biệt vùng nam vĩ tuyên 13°...

Ý kiến của Bộ Quốc phòng Việt Nam trước diễn đàn Quốc hội có thể xem như là "thông điệp" của Việt Nam cho Trung Quốc : Các anh làm gì ở vùng bắc vĩ tuyến 13° tôi không quan tâm. Mấy anh vượt qua lằn ranh 13° là không được.

Điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ ra tuyên bố vùng "nhận diện phòng không - ADIZ" vùng biển Hoa Nam (tức biển Đông). Chỉ là thời điểm khi nào thì thích hợp và khi nào thì Trung Quốc có khả năng làm việc đó.

Logic thì Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng ADIZ phù hợp với ranh giới "đường lưỡi bò" dưới biển. Điều khó khăn là làm thế nào xác định cụ thể "ranh giới" của đường này ? Vô phương ! Trong khi Trung Quốc chưa kiểm soát được các đảo Trường Sa. Và giả sử khi Trung Quốc kiểm soát tất cả các đảo Tiến sĩ thì tiềm năng không quân và hải quân Trung Quốc chưa đủ để bảo vệ một không gian và vùng biển lớn lao như vậy.

Luật và tập quán quốc tế nhìn nhận "vùng nhận diện phòng không" của một quốc gia tương ứng với ranh giới trên đất liền và ranh giới dưới biển (200 hải lý tính từ bờ, hay từ các đảo) của quốc gia này.

Lằn ranh vĩ tuyến 13° vì vậy có thể sẽ là ranh giới "tạm thời" phía nam của vùng "nhận diện phòng không - ADIZ" của Trung Quốc vùng biển Hoa Nam.

Nếu Trung Quốc tôn trọng giới hạn này thì Việt Nam "chưa lựa chọn phe nào" trong cuộc chiến Mỹ-Trung.

Nhưng ý kiến của BQP cũng là cách để "trả lời" Trung Quốc qua công hàm gởi LHQ ngày 17 tháng tư năm 2020. Nội dung công hàm này Trung Quốc nhắc lại các "cam kết" của VNDCCH năm 1958 là "nhìn nhận" chủ quyền của Trung Quốc ở HS và TS. Trung Quốc cho biết họ sẽ sử dụng mọi biện pháp để thu hồi các đảo TS.

Để ý, trước nay mỗi khi phía Trung Quốc nhắc công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng thì Việt Nam "im lặng". Giàn học giả "đỉnh cao" của Việt Nam không có lý lẽ nào "xuôi tai" để "tham mưu" Bộ Ngoại giao phản biện lại ý kiến của Trung Quốc.

Dĩ nhiên khi bên dùng lý lẽ hết ý thì phải giao cho bên cầm súng thôi.

Nhớ lại Hiệp định sơ bộ 1946. Ông Hồ Chí Minh đã phạm sai lầm trầm trọng, làm mất chủ quyền của Việt Nam tại Nam kỳ đồng thời đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc Pháp. Nhiều sử gia Việt Nam phê bình ông Hồ : để sửa chữa sai lầm gây ra do Hiệp ước sơ bộ 1946, ông Hồ đưa đất nước vào chiến tranh. Ông Hồ lấy máu của thanh niên Việt Nam để "rửa" cái sai lầm của mình.

Thì bây giờ cũng có thể xảy ra tương tự như vậy. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ đưa đất nước vào chiến tranh để sửa chữa những sai lầm của họ.

"Học giả đỉnh cao" hết ý không có nghĩa Việt Nam không còn lý lẽ.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 22/05/2020

********************

Biển Đông : 'Nếu Đông Nam Á cứ đi hai hàng, Trung Quốc sẽ hưởng lợi'

Bùi Thư, BBC, 22/05/2020

Nhà nghiên cứu Raul Pedrozo, chuyên gia luật quốc tế từng nhiều năm làm việc cho Hải quân Mỹ, nói các nước Đông Nam Á cần đứng lên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.

chuquyen2

Hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt

"Có những lúc, các quốc gia Đông Nam Á phải lựa chọn giữa việc tiếp tục thỏa hiệp hay cùng nhau đứng lên. Trung Quốc là kẻ bắt nạt. Cách duy nhất để chống lại kẻ bắt nạt là đẩy lùi nó và đứng lên bảo vệ lợi quyền của mình", ông Raul Pedrozo trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 21/5.

Cựu sĩ quan hải quân từng làm cố vấn luật cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cũng nói rằng các hoạt động của Hải quân Mỹ tại Biển Đông sẽ tiếp diễn để "trấn an bạn bè và đồng minh cũng như chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc".

'Không để Trung Quốc bắt nạt'

Gần đây, Trung Quốc gần đây đã gia tăng các hoạt động đáng chú ý tại Biển Đông khiến nhiều nước Đông Nam Á lo ngại. Nổi cộm nhất là hoạt động của tàu thăm dò, nghiên cứu hồi năm 2019 và đầu năm nay trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia.

Việc Trung Quốc điều máy bay quân sự ra đá Chữ Thập ở Trường Sa, ban lệnh cấm đánh bắt cá, tăng cường hoạt động của tàu chiến, tàu sân bay… là những bước đi gây quan ngại khác.

Cùng thời gian trên, Mỹ cũng gia tăng sự hiện diện và các hoạt động tại Biển Đông dù nước này đang chật vật đối phó với đại dịch Covid-19.

"Các chiến dịch Tự do Hàng hải của Mỹ (FONOPS) tại Biển Đông đã tăng trong một năm qua. Năm tài chính 2019, Mỹ triển khai 7 FONOPS ; chỉ mới 8 tháng đầu năm tài chính 2020 (tính từ 1/10/2019 - PV), Mỹ đã tiến hành 7 FONOPS. Tuy nhiên, các hoạt động khác của tàu và máy bay vẫn giữ mức tương đương với các năm trước", giáo sư Pedrozo chia sẻ.

Ông Raul Pedrozo từng phục vụ trong Hải quân Mỹ, là cựu giáo sư luật quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hải quân (U.S. Naval War College), cố vấn luật quốc tế của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, trợ lý đặc biệt của Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng. Năm 2014, ông từng công bố công trình dày 142 trang về tranh chấp tại Biển Đông.

"Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như chúng tôi vẫn làm lâu nay để trấn an bạn bè và đồng minh, ngăn chặn sự bắt nạt của Trung Quốc và duy trì trật tự dựa trên luật lệ vốn đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực trong 75 năm qua", Giáo sư Pedrozo nói thêm và cho biết ông không thấy đây là một sự thay đổi trong chiến lược hải quân của Hoa Kỳ.

Ý kiến trên khác với nhận định của Timothy Heath, chuyên gia quốc phòng cấp cao của Rand Corp., trên CNN trước đó, rằng việc duy trì sự hiện diện thường trực tại Biển Đông gợi ý về một chiến lược mới của Lầu Năm Góc nhằm khiến đối phương không bao giờ thoải mái.

Vào ngày 7/5, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng nói rằng Mỹ sẽ đứng cạnh các nước bạn bè và đồng minh để chống lại sự đàn áp và các yêu sách phi pháp đối với vùng biển quốc tế và các tài nguyên.

"Chúng tôi cam kết tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như thượng tôn pháp luật", ông Aquilino nói trong một thông cáo của Hải quân.

"Đảng cộng sản Trung Quốc phải chấm dứt mô hình cưỡng bách người dân Đông Nam Á trong vấn đề khai thác dầu mỏ, khí đốt và thủy sản ngoài khơi".

Phát biểu của Đô đốc Aquilino nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông vốn được đẩy lên mạnh mẽ khác thường của Hải quân Mỹ thời gian gần đây.

Theo chuyên gia Pedrozo, sở dĩ các chiến dịch này được truyền thông mạnh hơn là do "hành vi bá đạo của Trung Quốc".

"Trung Quốc trực tiếp ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á thực thi chủ quyền và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong EEZ của họ cũng như ở vùng biển quốc tế", ông nói. "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện một cách hòa bình hoạt động hàng hải và hàng không, theo nguyên tắc tự do và hợp pháp, và sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Đối với các quốc gia Đông Nam Á, theo ông Pedrozo, cách duy nhất buộc Trung Quốc ngừng "hành động bắt nạt" là cùng nhau đứng lên.

"Nếu các quốc gia Đông Nam Á cứ đi hai hàng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hưởng lợi. Cho dù Trung Quốc gây sức ép thông qua hoạt động quân sự và áp lực kinh tế, các quốc gia trong vùng phải chống lại hành động đó, thách thức Trung Quốc về mặt ngoại giao. Các nước cần hợp tác với nhau để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên. Đầu hàng trước sự lấn tới của Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia của tất cả các quốc gia Đông Nam Á", ông cảnh cáo.

'Hợp tác hải quân với Việt Nam phát triển nhanh'

Việt Nam và Mỹ từng có quá khứ đối đầu, nhưng theo ông Pedrozo, hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian qua "đã phát triển nhanh chóng", đặc biệt là về hải quân.

"Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ lợi ích chung trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ nhằm bảo vệ chủ quyền, nguồn lợi kinh tế và quyền cá nhân của tất cả các quốc gia", ông nói.

Chuyên gia Pedrozo cũng đưa ra các ví dụ cụ thể về hợp tác hải quân :

"Năm 2017, Mỹ đã chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton cho Việt Nam, hiện đang thực hiện nhiệm vụ an ninh hàng hải ở Biển Đông. Một tàu thứ hai cũng sẽ sớm được bàn giao. Năm 2018, tàu USS Carl Vinson đã có chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng. Cũng trong năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới. Năm 2018, Mỹ đã chuyển 12 tàu tuần tra nhanh Metal Shark cho Cảnh sát biển Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ bảo an hàng hải. Vào năm 2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã thăm Đà Nẵng, là tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ đến Đà Nẵng trong vòng hai năm".

chuquyen3

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tham gia buổi thăm của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Đà Nẵng hôm 5/3.

Quan trọng hơn, theo ông Pedrozo, Mỹ cũng đang cung cấp sự trợ giúp và thiết bị để Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, chống lại các hoạt động vi phạm do tàu cá và tàu của chính quyền Trung Quốc thực hiện trong vùng lãnh hải hoặc EEZ của Việt Nam.

"Hoa Kỳ hoan nghênh các tuyên bố công khai của Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không cho tất cả các quốc gia trên Biển Đông", ông nhấn mạnh.

Chuyên gia Pedrozo cũng đánh giá "việc tiếp cận vịnh Cam Ranh sẽ mang lại lợi ích lớn cho Hải quân Hoa Kỳ và sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng Việt Nam đã chán ngấy với hành vi bắt nạt và ác ý của Trung Quốc". Tuy nhiên, ông không cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng để một cường quốc nước ngoài đặt căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình.

"Có lẽ điều này sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng không phải trong tương lai gần", ông nói.

'Úc có vai trò lớn tại Biển Đông'

Ngày 18/5, trả lời phỏng vấn tờ Economic Times, Cao ủy Úc tại Ấn Độ Barry O'Farrell nói : "Tàu chiến và máy bay Úc sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông và ủng hộ các nước khác có hành động tương tự".

Ông cũng bày tỏ quan ngại về hành vi quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.

Trước đó, hôm 22/4, Bộ Quốc phòng Úc cho hay tàu hộ vệ tên lửa HMAS Parramatta đã tập trận với các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.

"Duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở không phải là trách nhiệm riêng của Hải quân Hoa Kỳ", chuyên gia Pedrozo nhận định. "Tất cả các nước cùng chia sẻ trách nhiệm đó. Hoa Kỳ khuyến khích tất cả các quốc gia hỗ trợ nhau bảo vệ quyền và tự do hàng hải của cộng đồng quốc tế trên bề mặt, trong lòng biển và trên bầu trời các đại dương".

Ông Pedrozo nói rằng Úc là một trong những đồng minh đáng tin cậy và có giá trị nhất của Mỹ, và Hải quân Mỹ đánh giá cao hoạt động tập luyện chung với Hải quân Hoàng gia Úc.

chuquyen4

Tàu HMAS Parramatta của Hải quân Hoàng gia Úc mới đây đã tham gia các hoạt động tại Biển Đông

"Hoa Kỳ hoan nghênh việc triển khai tàu HMAS Parramatta gần đây ở Biển Đông và việc tàu này tham gia tập trận chung với các tàu USS America, USS Bunker Hill và USS Barry ngoài khơi Malaysia", ông nói.

Theo ông Pedrozo, đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự cam kết và việc tiếp tục hiện diện của Úc trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Năm 2019, một đội gồm bốn tàu của Hải quân Hoàng gia Úc đã được triển khai ba tháng tới khu vực, trong khuôn khổ chiến dịch Endeavour 2019 Ấn Độ-Thái Bình Dương, tham gia các cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia và huấn luyện quân sự với Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Bùi Thư

Nguồn : BBC, 22/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn, Bùi Thư
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)