Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2020

Nước Úc 'thoát Trung' thời viêm phổi Vũ Hán

Nguyễn Quang Duy

Thời gian qua các nhà ngoại giao Trung Quốc hung hăng tấn công bất cứ nước nào nghi ngờ về sự minh bạch và thành công của Trung Quốc trong xử lý đại dịch do virus corona gây ra.

uc0

Nước Úc có 'thoát Trung' sau thời viêm phổi Vũ Hán ? Ảnh minh họa

Thủ tướng Úc ông Scott Morrison lại đề nghị tiến hành điều tra về nguồn gốc và cách thức các quốc gia xử lý đại dịch, nên nước Úc lãnh chịu phản ứng hung bạo nhất, nhưng chính nhờ vậy người Úc mới thức tỉnh đồng lòng "thoát Trung", một bài học đáng giá để chúng ta học hỏi.

Thế giới đồng thuận…

Theo báo The Australian, vào ngày thứ hai 18/5/2020 trong Hội Nghị của Hội Đồng Y tế Thế giới (WHA), Úc cùng 136 nước khác trong số 194 các nước thành viên cùng đệ trình một bản Dự thảo Nghị quyết mở cuộc điều tra.

Bản Dự thảo đã không bị bất cứ quốc gia nào phủ quyết, một việc chưa từng xảy ra trong bang giao quốc tế, nó nói lên sự chính đáng để có một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra đại dịch, cách xử lý của từng quốc gia và rút ra bài học tránh thảm họa cho nhân loại.

So với ý tưởng ban đầu của Thủ tướng Scott Morrision, Bản Dự thảo có đôi chỗ thay đổi.

Úc đề nghị tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), còn Liên Hiệp Châu Âu đề nghị cuộc điều tra sẽ do WHO chịu trách nhiệm, nhưng việc đầu tiên là phải điều tra cách xử lý đại dịch của chính cơ quan WHO.

Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý tiến hành cuộc điều tra, nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Thành Cảnh Nghiệp tuyên bố cuộc điều tra "hoàn toàn khác" với những gì mà Chính phủ Úc mong muốn, nếu Úc xem kết quả tại Hội nghị Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) là minh chứng cho lời kêu gọi mở cuộc điều tra thì "chẳng khác gì một trò đùa".

Trung Quốc không biết đùa…

Vào cuối tháng 4/2020, Đại sứ Trung Quốc ông Thành Cảnh Nghiệp đe dọa nếu Úc tiếp tục muốn điều tra, "nhân dân" Trung Quốc không xem Úc là bạn hàng tốt, không uống rượu vang Úc, không ăn thịt bò Úc, không du lịch nước Úc và không cho con cái đến Úc du học.

Ông Nghiệp ám chỉ Trung Quốc sẽ tẩy chay hàng hóa Úc, sẽ cấm dân uống rượu vang Úc, cấm dân ăn thịt bò Úc, cấm dân đi du lịch Úc và cấm dân cho con cái sang Úc du học.

Để chứng minh Trung Quốc không biết nói đùa, tuần rồi họ tuyên bố ngưng mua thịt bò từ bốn hãng thịt của Úc, đồng thời đánh 80% thuế lên lúa mạch nhập cảng từ Úc, và hăm dọa ngưng nhập cảng nhiều mặt hàng khác.

Ông Hồ Tích Tiến, chủ bút Hoàn Cầu Thời Báo, hôm 21/5/2020, nêu quan điểm cuộc điều tra "hoàn toàn khác" với những gì mà Chính phủ Úc mong muốn, và tiếp tục đe dọa "Trung Quốc có đủ sức mạnh để làm tổn thương đến kinh tế Úc".

Trung Quốc từ chối trả lời đề nghị đàm phán thương mại từ phía Úc, một hành động được Dân biểu đảng Quốc gia George Christensen đánh giá :

"…với Úc buôn bán là thương mại còn với Trung Quốc mọi thứ đều là chính trị".

Người Úc đồng lòng…

Trước hành động bạo ngược của Bắc Kinh, Thủ tướng Úc tuyên bố quan hệ ngoại thương giữa hai nước là quan hệ hổ tương hai bên cùng có lợi, Úc luôn tôn trọng Trung Quốc, vì thế Úc đòi hỏi Trung Quốc cũng phải biết tôn trọng Úc.

Ngoại trưởng Marise Payne kêu gọi Trung Quốc không nên mang thương mại vào cuộc tranh cãi ngoại giao, cần tôn trọng lẫn nhau, bà Payne nhắc nhở : "…nhưng trên hết, người Úc sẽ luôn bảo vệ lợi ích của nước Úc".

Ngày 19/5/2020, được Sky News phỏng vấn Lãnh tụ đối lập Anthony Albanese cho biết đảng Lao Động ủng hộ nỗ lực của Chính Phủ để mở cuộc điều tra : "Liên minh hai đảng Tự Do - Quốc Gia và đảng Lao động đã là một, chúng tôi đã có cùng quan điểm về vấn đề này và cùng chia sẻ trách nhiệm".

Vận động điều tra nguồn gốc phát sinh virus corona chủng mới rõ ràng là chính sách nước Úc, không có tranh cãi giữa các đảng chính trị là một điều hiếm thấy trong sinh hoạt chính trị tại Úc.

Trước hành động bạo ngược của Bắc Kinh các hãng truyền thông Úc nhanh chóng đưa tin, giải thích và bình luận nhằm minh bạch lập trường chính phủ Úc.

Nhờ thế đại đa số dân chúng Úc đều ủng hộ chính sách của Chính Phủ đối phó với đại dịch và đồng thuận tiến hành cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra đại dịch.

Ảnh hưởng Trung Quốc tại Úc

Ba thập niên qua, Trung Quốc là bạn hàng quan trọng nhất của Úc, chiếm đến hơn 1/3 hàng hóa Úc xuất cảng ra thế giới, Trung Quốc mua một số lượng rất lớn quặng mỏ và sản phẩm nông nghiệp Úc.

Trung Quốc hiện đang nắm giữ 9 triệu mẫu đất, một số hầm mỏ, một số trang trại sản xuất điện, phi trường Merrendin Tây Úc, cảng Darwin và nhiều cơ sở hạ tầng chiến lược khác.

Theo ước tính nếu GPD Trung Quốc gỉam 2% thì GDP Úc bị ảnh hưởng giảm đến 1%.

Bởi thế đã có nhiều lo ngại về sự lệ thuộc nặng nề của Úc vào mô hình tăng trưởng của Trung Quốc.

Ngoài tầm kiểm soát…

Như hầu hết các quốc gia trên thế giới, đại dịch do virus corona đã khiến Úc phải đóng cửa biên giới, hơn 7 ngàn người nhiễm bệnh, hằng trăm người chết và phải ngừng hầu hết các hoạt động kinh tế.

Tuần trước Tổng trưởng Ngân Khố Úc Josh Frydenberg cho biết tỉ lệ thất nghiệp tại Úc sẽ lên đến trên 10% và tỉ lệ GDP sụt giảm ở mức độ 6% so với năm trước.

Ước tính được cho là khá lạc quan trong một thế giới đầy bất trắc, nhiều quốc gia trên thế giới đang lúng túng kiểm soát đại dịch, có thể làn sóng đại dịch thứ hai, rồi thứ ba kéo tới cho đến khi nhân loại có khả năng đề kháng với chủng loại virus corona mới này.

Chưa tính việc Trung Quốc tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Úc, kinh tế Úc sẽ chịu thiệt hại nặng nề và lâu dài hơn, nhưng không phải vì thế Úc chịu đầu hàng trước áp lực của Trung Quốc.

Không "thương chiến" với Trung Quốc

Được ABC Australia phỏng vấn một nông gia trồng lúa mạch cho biết việc Trung Quốc đánh thuế là một điều ông chưa bao giờ nghĩ đến, nhưng ông tin rằng giá sản xuất lúa mạch tại Úc khá thấp, lúa mạch Úc lại có phẩm chất tốt và nguồn cung cấp khá ổn định nên cũng dễ cho ông tìm đến các bạn hàng mới tại Châu Á và Châu Âu.

Theo Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham nói, Úc sẽ không đeo đuổi chiến tranh thương mại với Trung Quốc, vì như thế không mang lại lợi ích gì cho nước Úc, nhưng Úc xem xét khiếu nại hành động của Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới.

Úc phải "thoát Trung"

Theo Dân biểu đảng Quốc gia George Christensen, có quá nhiều rủi ro khi phải buôn bán với các nước độc tài cộng sản như Trung Quốc, vì thế Úc phải mở rộng ngoại thương với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có chung giá trị dân chủ, biết tôn trọng quan hệ ngoại thương.

Ông quan tâm về việc Úc phải nhập cảng các hàng hóa chiến lược như trang thiết bị y tế, dược phẩm từ Trung Quốc, trong khi Úc có thể sản xuất được.

Ông tin rằng Úc phải duyệt xét lại, phải thay đổi chiến lược đầu tư, sản xuất và ngoại thương để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, thì mới giữ được chủ quyền quốc gia.

Kết luận

Gần nửa thế kỷ qua, người Úc tin rằng có thể mở rộng làm ăn buôn bán với Trung Quốc, và kỳ vọng thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi chính trị tại nước này.

Nhưng ngược lại nhờ kinh tế phát triển Trung Quốc mạnh lên, nhà cầm quyền Bắc Kinh càng ngày càng bạo ngược, bắt nạt người Úc, ảnh hưởng đến chính sách của nước Úc.

Cách cư xử "lang sói" của Trung Quốc đã đi ngược với văn hóa Úc, thức tỉnh các đảng chính trị, mọi giới, mọi người Úc đã đoàn kết đặt quyền lợi và lòng tự trọng quốc gia bên trên, đồng lòng cùng Chính Phủ mở cuộc điều tra.

136 Chính phủ các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có 57 các quốc gia Châu Phi, nhiều nước từng bị Trung Quốc đối xử bạo ngược, càng nhún nhường thì Trung Quốc càng lấn áp, nên đã quyết định ủng hộ cuộc điều tra.

Về ngắn hạn nước Úc và thế giới đang xem xét lại chiến lược ngoại thương và bang giao với Trung Quốc.

Nếu nước Trung Hoa có tự do, đã sớm thông tin về virus corona, thế giới đã trách khỏi thảm họa đại dịch, nên về lâu dài một Trung Hoa tự do tôn trọng bang giao quốc tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nước Úc nói riêng và cho thế giới nói chung.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 22/05/2020

Nguyễn Quang Duy

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quang Duy
Read 664 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)