Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/05/2020

Hà Nội cho phép Trung Quốc vào Việt Nam khai thác 3 đặc khu ?

Diễm Thi

Có phải Chính phủ dùng Nghị quyết để thay Luật đặc khu ?

Diễm Thi, RFA, 28/05/2020

Hôm 25/5/2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký nghị quyết số 80/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, cho phép người nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

nghiquyet1

Nghị quyết số 80/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, cho phép người nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Nghị quyết này đặc biệt căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng không có Luật đặc khu thì ông Thủ tướng dùng Nghị quyết để thực hiện ý tưởng luật đặc khu trước đây :

"Tôi nghĩ đây là việc thực hiện Luật đặc khu mà vì sự phản đối của người dân nên không thành. Bây giờ họ tìm cách lách, tức không còn là đặc khu nữa mà là khu kinh tế bình thường. Ở Vân Đồn họ cũng lập ban quản lý, Phú Quốc thì miễn thị thực cho người nước ngoài. Tôi nghĩ chủ yếu vẫn là người Trung Quốc, cũng có thể có một số người khác trong khu vực và một số ít khách phương Tây.

Không có Luật Đặc khu thì ông Thủ tướng dùng Nghị quyết để thực hiện những ý định cũ của ông ấy, và thực sự đấy là điều khá nhất quán của chính phủ.

Ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư hồi xưa biện minh rằng không có cái nào nói đến Trung Quốc cả, nhưng trong cái dự luật đặc khu kinh tế Vân Đồn thì nêu rằng người nước ngoài mà có cùng biên giới với Quảng Ninh. Như vậy tức là thực sự họ tìm cách lắt léo thôi".

So với khu kinh tế, đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi nhiều hơn về các loại thuế suất như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế thu nhập cá nhân tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao trong nước chỉ được giảm 50%, nhưng tại đặc khu dự kiến sẽ được miễn hoàn toàn trong 5 năm đầu.

Khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc ngay từ đầu có tên gọi là các đặc khu kinh tế. Từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng ba đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gắn với ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Đến năm 2018, Chính phủ Hà Nội chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, còn gọi là Dự luật đặc khu để trình Quốc hội xem xét. Nhiều nhà quan sát kinh tế, chính trị và người dân lo ngại nếu Dự luật đặc khu được thông qua với những đặc quyền về thuế, chính sách nhập cảnh, và đặc biệt là thời hạn thuê đất lên đến 99 năm sẽ mất cả 3 đặc khu này vào tay Trung Quốc.

Anh Phạm Minh Vũ, một người đấu tranh bằng những bài viết trên mạng xã hội, từng bị tù với tội danh bị áp là "Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước" chia sẻ với RFA qua ứng dụng facebook messenger về Nghị quyết 80/NĐ-CP :

"Mặc dầu luật hoá, nhưng ai cũng thấy một điều là cụm từ ‘người nước ngoài’ ở đây không ai khác chính là dành cho người Trung Quốc. Người Trung Quốc đã mua đất Việt Nam núp dưới bóng doanh nghiệp hay người Việt gốc Hoa làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia. Rõ ràng đây là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

Vừa lập khu kinh tế Vân Đồn có hệ thống hành chính, con dấu, lại miễn thị thực thì rõ ràng dọn đường cho "đại bàng" đến lót tổ như ông Phúc nói hôm vừa rồi. Khổ ở chỗ đại bàng ở đây không ai khác là Trung Quốc".

Tháng 8/2014, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh ủy Kiên Giang và huyện Phú Quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đề án xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc là vấn đề Bộ Chính trị rất quan tâm bởi đây là mô hình mới, ngay cả các nước trên thế giới cũng chỉ có đặc khu hành chính hoặc đặc khu kinh tế chứ chưa có mô hình đặc khu hành chính - kinh tế.

Đến tháng 11/2016, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình ba đặc khu kinh tế gồm : Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mỗi đặc khu được lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của nó.

Có kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế thì phải có Luật Đặc khu. Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Dự luật này đã vấp phải phản đối của người dân từ khi có kế hoạch trình Quốc hội vào tháng 6/2018.

Theo dư luận trên mạng xã hội cũng như những người mà RFA trò chuyện, hầu hết họ đều cho rằng Nghị quyết 80 của Chính phủ là một hình thức lách luật.

Trung tá quân đội Đinh Đức Long phân tích hai khía cạnh của nghị quyết này :

"Theo tôi nghĩ, chuyện người nước này qua nước kia không cần thị thực không có gì mới cả. Các nước trong khối Schengen hay 10 nước trong khối ASEAN cũng đi lại tự do không cần thị thực và có thể cư trú một tháng. Cái quan trọng là chính quyền Việt Nam có kiểm soát được họ đến với mục đích gì hay không ; có lợi hay hại cho đất nước ?

Nếu vào được Phú Quốc thì họ vào những nơi khác theo đường biển, đường bộ có quản lý được không ?

Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là ngày 10/6/2018, khi Quốc hội dự kiến thông qua Luật đặc khu, người dân biểu tình phản đối và dự luật phải bỏ ra khỏi chương trình của Quốc hội. Đây liệu có phải là cách lách luật, biến Luật đặc khu không được thông qua trở thành nghị quyết của chính phủ về khu kinh tế ven biển ? Giữa đặc khu và khu kinh tế ven biển có gì khác nhau hay là chỉ thay tên để lách luật ? Đó là cái cần làm rõ".

Vào các ngày 9, 10 và 11/6/2018, một đợt biểu tình với đông đảo người dân tham gia nổ ra tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam với mục đích phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.

Ngày 9/6/2018, Văn phòng Chính phủ bất ngờ ra thông báo quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp vào tháng 10. Đến ngày 11/6, Quốc hội lại bỏ phiếu lùi thời gian xem xét, thông qua dự luật này.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 28/05/2020

*******************

Lãnh đạo Kiên Giang sẽ bị xử lý thế nào khi phá tan đảo ngọc Phú Quốc ?

RFA, 28/05/2020

Giới chức lãnh đạo được nêu tên

Truyền thông trong nước cho biết UBND tỉnh Kiên Giang, vào ngày 15/5, gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan ban ngành trong tỉnh yêu cầu thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở tỉnh.

nghiquyet2

Những khu phân lô, tách thửa trái quy định ở khu Ba Trại, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Hình chụp tháng 4/2018. Courtesy : vov.vn

Trước đó khoảng 10 ngày, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra với xác định UBND tỉnh Kiên Giang, UBND các huyện, các sở, ngành đã vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, môi trường giai đoạn 2011-2017. Đặc biệt những sai phạm nghiêm trọng tại huyện đảo Phú Quốc là UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng. Song song đó, còn cấp giấy quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đất được chứng nhận cho Vườn Quốc gia sử dụng.

Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ nêu rõ Chính quyền tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm về những thiếu sót và sai phạm nêu trên. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm.

Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu các cơ quan hành chính của tỉnh Kiên Giang bao gồm UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh, Cục thuế tỉnh phải truy thu về cho ngân sách nhà nước tổng cộng 334 tỷ đồng.

Báo mạng Tiền Phong Online vào ngày 27/5, dẫn lời một cán bộ lão thành của tỉnh Kiên Giang cho biết theo như yêu cầu của Thanh tra Chính phủ thì lãnh đạo giai đoạn 2011-2017 là các chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh trong nhiệm kỳ vừa nêu phải bị kiểm điểm.

Vị cán bộ lão thành (không nêu tên) đưa ra danh tính của các cán bộ lãnh đạo giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mà ông cho là phải chịu trách nhiệm bao gồm cựu Chủ tịch-ông Nguyễn Thanh Sơn (từng giữ chức Bí thư Huyện ủy Phú Quốc và hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), cựu Chủ tịch-Thiếu tướng Công an Lê Văn Thi, cựu Chủ tịch-ông Phạm Vũ Hồng (từng giữ chức Chủ tịch huyện Phú Quốc).

Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 lần lượt bao gồm : ông Nguyễn Thanh Nghị (nay là bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang), ông Mai Anh Nhịn, ông Lê Khắc Ghi, bà Lê Thị Minh Phụng…

Bên cạnh đó, một số cán bộ lãnh đạo thuộc cơ quan Chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng được nêu tên.

Xử lý nghiêm như thế nào ?

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, diễn ra vào ngày 26/5, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng vẫn phải làm rất quyết liệt và mạnh mẽ. Ông Trọng cũng khẳng định "không chỉ cốt xử nhiều, xử nặng mới là tốt…".

Trước tuyên bố vừa nêu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Đài RFA nêu câu hỏi với Giáo sư Đặng Hùng Võ về trường hợp giới chức Chính quyền tỉnh Kiên Giang sẽ bị xử lý như thế nào liên quan các sai phạm đất đai nghiêm trọng theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ, vào tối hôm 28/5 cho biết quan điểm của ông :

"Tôi luôn luôn hy vọng đã là xử lý thì phải đảm bảo nguyên tắc công bằng và đấy là điểm rất quan trọng trong việc phát triển xã hội. Phát triển xã hội mà không có công bằng thì sẽ không thể phát triển được. Lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam vẫn luôn có một khẩu hiệu là ‘không có vùng cấm trong xử lý’. Do đó, tôi hy vọng là mọi việc sẽ được xử lý một cách công bằng. Tức là, ai, khuyết điểm đến đâu, thậm chí tội trạng đến đâu thì xử lý ở mức về phía đảng thôi hay tiếp tục liên quan đến hình phạt hành chính, hình sự".

nghiquyet3

Nhà lấn rừng trên các đảo nhỏ quanh Phú Quốc. Courtesy : Facebook Tùng Thiện

Vào hôm 21/5, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến vừa bị tuyên 4 năm tù giam, liên quan vụ đại án tham nhũng đất Quốc phòng. Nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận xét với RFA rằng bản án này chỉ là "giơ cao đánh khẽ" đối với viên chức lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Chúng tôi cũng nêu vấn đề với Nhà báo Võ Văn Tạo về giới chức lãnh đạo tỉnh Kiên Giang bị xử lý ra sao ? Theo suy luận cá nhân của ông liệu rằng cũng có thể sẽ "nương tay" tương tự như trường hợp của ông Hiến hay không ? Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ ý kiến như sau :

"Về trường hợp ở Phú Quốc sẽ xử lý ra sao thì rất là khó đoán. Bởi vì nhìn chung đối với quan chức thì bao giờ cũng nhẹ tay hơn đối với dân thường. Nói thẳng là như vậy. Mấy thanh niên nhà quê ăn cắp mấy con vịt bị đi tù 7 năm. Quan chức làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ cũng đi tù 7 năm. Chuyện đấy là quy luật chung. Thế còn riêng từng vụ việc một có thể do quan điểm hay do phe nhóm như thế nào đó thì chúng tôi không thật rõ, nhưng cũng có những trường hợp tương đối là nghiêm túc và hình phạt xứng đáng với tội lỗi. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chỉ kỷ luật hành chính thôi, chứ không bị hình sự. Ngay ở Khánh Hòa nơi tôi ở cũng xảy ra sai phạm quản lý đất đai, sơ sơ tính ra cũng 15-16 nghìn tỷ. Ủy ban Kiểm tra Tung ương cũng làm việc rồi. Thế nhưng cũng chưa thấy hình thức kỷ luật nào cho ra hồn. Chỉ mới kỷ luật trong Đảng, cách chức nguyên bí thư. Cách chức kiểu đó thì không tác dụng gì".

Chúng tôi cũng đề cập đến nhân vật đương kim Bí thư tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nghị là con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mà các lãnh đạo đảng trong một lần họp kỷ luật chỉ gọi là "đồng chí X".

Liên quan luồng dư luận cho là phe nhóm lợi ích triệt hạ nhau mà vốn dĩ đã từng có đồn đóan về sự đối nghịch giữa ông Trọng và ông Dũng, nên sẽ có thể một kịch bản "xử lý nghiêm, xử lý nặng" dành cho giới chức lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng biện pháp xử lý nặng nhất cũng là tuyên án tù. Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh :

"Ai cũng biết những quan chức tham nhũng như thế thì vơ vét cả hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Vài ba năm tù đối với họ có nghĩa lý gì đâu. Có nhiều người ở trong tù cũng sướng chẳng khác gì ở nhà. Từ hồi ông Lê Hồng Anh làm Bộ trưởng Công an thì ông đã cho phép chuyện tù nhân đầu tư vào trại giam như xây nhà, thậm chí gắn thiết bị máy lạnh, tủ lạnh…mua bán thoải mái nếu (phạm nhân) có điều kiện kinh tế. Ông Lê Hồng Anh cho rằng cách thức như thế có thể hiểu nôm na là ‘nhà nước và nhân dân cùng làm’, tức là cải thiện cơ sở vật chất của nhà tù. Thế thì đi tù cũng sướng như ở nhà".

Đài RFA cũng trao đổi vấn đề này với một số người dân ở đảo Phú Quốc, là nơi mà Chính phủ Việt Nam từng chủ trương xây dựng thành một phiên bản Singapore nhưng hiện tại được gọi tên là hòn đảo bị "tan rừng, nát biển". Những cư dân Phú Quốc chia sẻ với chúng tôi rằng họ không thật sự quan tâm mấy đến vị quan chức nào sẽ bị kiểm điểm hay hình phạt đối với các quan chức sai phạm nặng nhẹ ra sao. Bởi vì sự quan tâm chính của họ là Phú Quốc không còn là hòn đảo ngọc nếu như tiếp tục dưới sự quản lý lần lượt của các quan chức "không có tâm lẫn không có tầm", như chia sẻ của ông Duyệt, một người con của Phú Quốc phải than rằng :

"Nhìn thấy sự phát triển của Phú Quốc đi lên thì mình rất hãnh diện nhưng cũng có những nỗi buồn. Nói tóm lại là không quản lý chặt chẽ. Đời sống của người dân mà người bị lấy đất thì đi xuống, còn người bỏ tiền ra đầu cơ thì đi lên. Mạnh ai nấy phá, đốt rừng, chiếm đất cho nên từ chỗ đó cũng thấy buồn. Rồi tệ nạn xã hội ở Phú Quốc nhiều lắm, cũng buồn lắm…Do những người quản lý yếu kém".

Đó cũng là quan ngại của hầu hết người dân đối với thiệt hại gây ra không thể nào cứu vãn bởi những vô số quan chức "tự tung, tự tác" bấy lâu nay.

Nguồn : RFA, 28/025/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 843 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)