Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/05/2020

Chống Trung Quốc : Mỹ muốn hợp tác – Việt Nam do dự

Trung Kiên

Đại sứ quan Mỹ tại Hà Nội ngày 27/5 vừa qua đã tổ chức buổi thảo luận trực tuyến cùng diễn giả đặc biệt Bonnie Glaser, Cố vấn Cao cấp về Châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC. Chủ đề của buổi thảo luận là "An ninh khu vực và Biển Đông trong thời đại Covid-19".

chong1

Poster giới thiệu buổi thảo luận trên facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Trong buổi thảo luận, bà Glaser khẳng định Covid-19 không làm Trung Quốc thay đổi chính sách trên Biển Đông.

Chuyên gia Mỹ nhận định Trung Quốc hiện tại không hành động khác thường, chỉ đơn giản là họ thấy thời cơ để đẩy mạnh hoạt động nhằm tìm kiếm lợi ích riêng và đây không phải là lần đầu. Trong quá khứ, nước này từng nhiều lần ngang ngược đưa ra yêu sách lãnh thổ khi thấy các điều kiện trong khu vực và quốc tế thuận lợi cho mình.

Bà Glaser giải thích : "Khi thấy điều kiện thuận lợi, Trung Quốc sẽ tiến tới. Ngược lại, họ sẽ tạm ngừng và củng cố lại vị trí. Sau đó, họ sẽ lại lần tới khi nhận thấy thời cơ".

Cũng theo bà Glaser, hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp giúp Trung Quốc duy trì hiện diện quân sự liên tục trên biển Đông để từ đó, hỗ trợ chiến dịch dọa nạt, can thiệp vào các hoạt động khác nhau của các nước trong khu vực, từ đánh bắt thủy sản đến thăm dò khai thác năng lượng.

Bà cũng lưu ý việc Trung Quốc gần đây đặt tên cho 25 đảo, đá, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông bởi đây là lần đầu tiên kể từ năm 1983, Trung Quốc đặt tên cho các thực thể địa lý như vậy.

Bà Glaser nhận định : "Trung Quốc từng đặt tên cho các cấu trúc vào năm 1983 và bây giờ mới đặt lại, đây là điều khá bất thường. Họ đã chuẩn bị từ trước và đến bây giờ công bố thêm".

Bà Glaser cho biết thêm là Bắc Kinh có hai mục tiêu lớn, do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra ở Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017, với hai cột mốc thời gian là năm 2035 và năm 2049.

Theo đó, tới năm 2035, Trung Quốc muốn đạt mục tiêu trở thành nhà nước xã hội chủ nghĩa, trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lãnh vực đổi mới, gia tăng quyền lực "mềm", và hoàn tất hiện đại hóa quân đội.

Tới năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tên chính thức của Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới muốn trở thành "một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại và mạnh mẽ", có ảnh hưởng rất lớn trên trường quốc tế, và có quân đội hùng mạnh nhất thế giới.

Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt là "Liệu Trung Quốc và Mỹ sẽ đối đầu trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, cùng lúc có những sự kiện liên quan đến Đài Loan và Hồng Kông ?". Bà Glaser đã khẳng định : "Trung Quốc muốn thắng Mỹ trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nhưng lại không muốn đối đầu quân sự. Tôi tin là như vậy".

Bà phân tích : "Nếu xảy ra xung đột với Mỹ, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều và không thể đạt được các mục tiêu quốc gia đề ra, cũng như xây dựng một sự đoàn kết dân tộc. Thành ra, Trung Quốc muốn thắng và không muốn đối đầu. Theo tôi nghĩ, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục sử dụng lực lượng tàu bè bán quân sự hoạt động trên Biển Đông để không khiêu khích Hoa Kỳ làm cho Washington phải sử dụng đến vũ lực".

Tức là Trung Quốc sẽ cố gắng không đụng độ với Hoa Kỳ, mà "từ từ" thực hiện các ý đồ của họ.

Bà Glaser nói rằng, nếu có một vụ đụng độ xảy ra, chắc chắn sẽ có một cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng bà "không tin căng thẳng giữa hai bên sẽ tăng" và "hai bên sẽ không để tình hình căng thẳng thêm".

chong2

Học giả Bonnie Glaser trong buổi hội thảo do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức

Về phía Hoa Kỳ, bà Glaser nhận định Washington cũng không muốn có cuộc đối đầu với Bắc Kinh. Hoa Kỳ muốn giải quyết các tranh chấp và bất đồng với Trung Quốc một cách hòa bình, qua đối thoại và thương thuyết.

Theo chuyên gia Glaser, trong nhiều năm, chính quyền Tổng thống Barack Obama và bây giờ là chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rất rõ chính sách của Mỹ với Biển Đông, đó là cần "đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực theo luật pháp quốc tế". Theo đó, các lực lượng của Mỹ sẽ "đi vào các vùng biển và vùng trời với quyền tự do được luật pháp quốc tế cho phép".

Bà Glaser nói thêm : "Chính sách của Mỹ chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ cũng như củng cố các quyền hàng hải ở trong khu vực này, quyền hợp pháp để phát triển năng lượng, đánh bắt hải sản tại những vùng biển được luật pháp quốc tế cho phép, đồng thời cho phép các quốc gia thực hiện quyền của mình một cách hợp pháp, thể hiện tiếng nói và các quyền của mình".

Chuyên gia Glaser khẳng định nhiều tàu và máy bay Mỹ đã đến Biển Đông để thể hiện với Trung Quốc rằng, "Mỹ quan tâm đến khu vực này và đảm bảo các quốc gia được thực thi các quyền hợp pháp trong khu vực". Bà Glaser lấy ví dụ về việc tàu Mỹ đã đi qua khu vực tàu khoan dầu của Malaysia hoạt động tại Biển Đông – nơi bị tàu Trung Quốc quấy rối. Điều đó là tín hiệu thể hiện Mỹ bày tỏ quan ngại và Mỹ không muốn chứng kiến những hoạt động quấy rối như vậy.

Trong buổi thảo luận, chuyên gia Mỹ đã trả lời rất rõ ràng câu hỏi Việt Nam có nên và có thể nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ thành quan hệ đối tác chiến lược, trong khi luôn tuyên bố trung thành với chính sách ‘4 không’.

Bà cho hay : "Việt Nam không phải là nước duy nhất có chính sách ‘không liên lết với nước này để chống nước kia’. Nhiều nước trên thế giới cũng có chính sách tương tự. Mỗi nước phải tự xác định đi theo lập trường nào. Bạn có thể thiết lập quan hệ quân sự với nước này, và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với nước kia, chẳng hạn với Mỹ, đó là một ví dụ, mà không phải chống lại Trung Quốc".

"Việt Nam có thể cho phép lực lượng cứu trợ của Mỹ hoạt động tại nước mình khi có thảm họa thiên nhiên, hoặc tham gia diễn tập quân sự với Mỹ. Những hoạt động này cũng gửi tín hiện tới Trung Quốc về các lo ngại chung mà các nước chia sẻ, như về sự bắt nạt của Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác trong việc khai thác năng lượng ở vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông".

"Mỗi nước cần tìm ra cho mình một ‘khu vực an toàn’ để ra tín hiệu rằng không liên kết với nước này để chống nước kia, nhưng vẫn có thể hợp tác cùng các nước khác để bảo vệ lợi ích của mình. Tôi cho rằng điều này cũng đã được nhìn thấy trên thực tế, qua việc Mỹ gửi tàu sân bay thăm cảng ít nhất hai lần tới Việt Nam vừa qua. Việt Nam có thể xem xét mở rộng hoạt động này với Mỹ. Vì đó là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng Việt Nam vẫn có lựa chọn khác, nếu Việt Nam thực sự muốn tác động và thay đổi thái độ của Trung Quốc".

Tại buổi hội thảo, một câu hỏi khác được đặt ra là "bao giờ Trung Quốc và ASEAN hoàn tất bộ quy tắc ứng xử Biển Đông".

chong3

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 18 diễn ra ngày 15/10/2019 tại Thành phố Đà Lạt (Tỉnh Lâm Đồng)

Bà Glaser giải thích : "Tôi không tin là Trung Quốc muốn mau chóng hoàn tất việc này trong năm 2021, mà vấn đề có thể kéo sang tới năm 2022. Một lý do khách quan nữa là Việt Nam hiện đang là chủ tịch luân phiên ASEAN, và nhiều nước hy vọng Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc này, nhưng vì Covid-19 xảy ra, rất khó cho Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN và vì thế rất khó để vận dụng về mặt ngoại giao để hoàn tất bộ quy tắc này".

"Trong khi đó, các nước trong khối ASEAN vẫn chưa đồng thuận về việc này, cộng với sự trở ngại của Covid-19. Về phía Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ không đồng ý để nước khác ngoài khu vực vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, nếu các quốc gia ASEAN cảm thấy chủ quyền của họ không được bảo đảm, chưa chắc họ đồng ý", diễn giả Bonnie Glaser nói thêm. "Thành ra, nếu không có một bộ quy tắc ứng xử xứng đáng, được cả mọi bên hài lòng, vậy thì, thà không có còn hơn".

Bà Bonnie Glaser đánh giá rằng việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2020 là cơ hội tốt để đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên có một số bất lợi mà Việt Nam cần vượt qua để phát huy tốt vai trò của mình do đây là thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành.

Bà nói : "Tôi hi vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò của mình để củng cố một ASEAN mạnh mẽ hơn, để thúc đẩy một số quan điểm, và đưa đối thoại COC quay trở lại, để đảm bảo rằng có một số phản ứng chống lại một số đòi hỏi của Trung Quốc, chống lại một số ngôn ngữ mà Trung Quốc cố gắng đưa vào COC có thể gây bất lợi cho lợi ích của các quốc gia ASEAN thành viên".

Một câu hỏi khác thu hút sự quan tâm của dư luận đã được đặt ra cho học giả Mỹ là : Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng tới Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 13 ?

chong4

Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp phiên đầu tiên, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện ngày 07/01/2019

Bà Bonnie Glaser cho hay bà không phân tích nội bộ chính trị của Việt Nam, nhưng bà tin rằng "Trung Quốc luôn muốn, và ngày càng cố gắng gây ảnh hưởng đến nội bộ chính trị của các nước khác".

"Ví dụ tốt nhất là Úc. Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã rất kiên quyết trong việc can thiệp vào xã hội và chính trị nước này. Trong đó vài năm trước, Trung Quốc đã dùng tiền để xây đắp quan hệ với các chính trị gia trong Quốc hội Úc. Từ đó, Úc đã thông qua Đạo luật cấm các khoản đóng góp tài trợ chính trị từ nước ngoài có hiệu lực từ đầu tháng 01/2019. Đó chỉ là một ví dụ. Chúng ta có thể nhìn thấy vô vàn các ví dụ như vậy".

"Covid-19 đã thực sự cho thấy một sự quyết tâm mới của Trung Quốc trong việc dùng tin giả và chính sách ngoại giao ‘chiến binh sói’ để buộc tội các quốc gia khác. Điều này thực sự đáng kinh ngạc, nó vốn không phải là điều chúng ta thường thấy trong quá khứ. Trung Quốc đã rất nỗ lực truyền bá các tin giả như ai tạo ra virus, ai là người khởi xướng, thậm chí tới mức họ còn truyền tin rằng Pháp bỏ mặc cho người dân chết trong nhà thương. Bằng cách nào đó họ nghĩ rằng những thông tin này phục vụ cho lợi ích của họ".

"Do đó, chúng ta đang thấy các cách sáng tạo hơn của Trung Quốc trong nỗ lực can thiệp vào nội bộ chính trị Việt Nam, có thể qua truyền thông, qua can thiệp vào Facebook, Twitter… Việt Nam nên dự đoán trước những gì Trung Quóc có thể làm, và cố gắng xây dựng các rào chắn ở bất cứ lĩnh vực nào có thể để đảm bảo hệ thống chính trị đủ sức bền, đủ sức chịu đựng, và không dễ bị tổn thương từ các hoạt động can thiệp chính trị của Trung Quốc".

Trung Kiên

Nguồn : Thoibao.de, 31/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trung Kiên
Read 787 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)