Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/06/2020

ADIZ Biển Đông : Việt Nam bay qua phải báo cáo ?

Lan Anh

Trung Quốc sắp tuyên bố chủ quyền vùng trời Biển Đông - Việt Nam bay qua phải báo cáo

Nếu Trung Quốc đơn phương lập Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ) ở Biển Đông, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ với Hoa Kỳ và tính chính danh của Trung Quốc trong luật pháp quốc tế ?

adiz1

Hai oanh tạc cơ siêu thanh B-1B của Mỹ cất cánh từ đảo Guam bay đến Biển Đông, ngày 26/5/2020

Những ngày gần đây, thông tin về một kế hoạch lập ADIZ của Bắc Kinh bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại nổi lên, xuất phát từ một bài báo của South China Morning Post đặt ở Hong Kong.

Cần nhắc lại, ngày 23/11/2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông tạo ra phản đối từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vùng ADIZ này bao trùm lên quần đảo Senkaku do Nhật đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư Đài.

Nó cũng bao trùm vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và vùng biển mà Hoa Kỳ xem là hải phận quốc tế.

Theo định nghĩa chính thức của chính phủ Việt Nam, vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là "vùng trời đặc biệt được thiết lập có kích thước xác định trong đó tàu bay phải tuân theo các phương thức báo cáo hoặc nhận dạng đặc biệt ngoài các phương thức liên quan đến việc cung cấp dịch vụ không lưu".

Khi đi vào vùng ADIZ của một quốc gia, các máy bay được yêu cầu thông báo nhận dạng, kế hoạch bay và vị trí của máy bay.

Từ Trường Luật Koguan, Đại học Giao thông Thượng Hải, Tiến sĩ Matthias Vanhullebusch nói với BBC News tiếng Việt rằng sẽ có tranh cãi là liệu bước đi tiềm năng này của Trung Quốc có phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Ông Matthias Vanhullebusch nhận bằng tiến sĩ ở trường School of Oriental and African Studies, Đại học London năm 2011.

Ông giảng dạy tại Trường Luật Koguan, Đại học Giao thông Thượng Hải từ cuối năm 2012 tới nay.

Ông Matthias Vanhullebusch giải thích : "Trung Quốc xem vụ kiện của Philippines lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là khiêu khích và vi phạm Đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)".

"Trong quá khứ, Bắc Kinh cũng chỉ xem Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) là văn bản chính trị, không phải pháp luật có tính ràng buộc quốc tế".

"Có lẽ Trung Quốc sẽ xem một vùng ADIZ ở Biển Đông không phải là vi phạm quy tắc ứng xử, mà là một cam kết chính trị".

Còn từ U.S. Naval War College, Hoa Kỳ, Giáo sư về Luật biển Quốc tế James Kraska nói mặc dù kế hoạch ADIZ ở Biển Đông chưa chính thức được xác nhận, nhưng "gần như chắc chắn" là Trung Quốc đã xem xét khả năng này.

Liên quan vùng ADIZ mà Trung Quốc đơn phương đặt ra ở Biển Hoa Đông từ 2013, Trung Quốc yêu cầu mọi máy bay, khi bay trong vùng ADIZ của Trung Quốc sẽ phải - dù quá cảnh hay đến Trung Quốc - báo cáo về lịch trình bay, duy trì liên lạc hai chiều, hồi đáp với yêu cầu nhận dạng của Trung Quốc.

Giáo sư James Kraska, đang dẫn dắt Trung tâm Stockton về Luật Quốc tế, U.S. Naval War College, nói với BBC News tiếng Việt rằng một vùng ADIZ ở Biển Đông sẽ không có ảnh hưởng thực tế tới Hoa Kỳ và Trung Quốc.

"Nguyên do là vì Hoa Kỳ đã tiếp tục cho bay máy bay quân sự ở Biển Hoa Đông bất chấp ADIZ của Trung Quốc, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm như vậy ở Biển Đông".

U.S. Naval War College, đặt ở Newport, Rhode Island, là nơi đào tạo sinh viên phục vụ quân đội và chính phủ Hoa Kỳ.

Giáo sư James Kraska nói tiếp : "Nhưng vùng ADIZ ở Biển Đông có thể thành cớ sử dụng vũ lực cho Trung Quốc chống lại máy bay quân sự của các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Indonesia hay Philippines".

Trong khi đó, Tiến sĩ Matthias Vanhullebusch chỉ ra rằng trên thực tế, "đa số hãng hàng không đều đã tuân thủ nhiệm vụ thông báo" với Trung Quốc khi đi qua vùng ADIZ này ở Biển Hoa Đông.

"Vì thế, một vùng ADIZ tương lai ở Biển Đông sẽ không có hậu quả tức thời cho việc đi lại của máy bay".

Tiến sĩ Matthias Vanhullebusch dự đoán : "Trung Quốc sẽ phải phân biệt rõ lý do thiết lập vùng ADIZ ở Biển Đông, tách nó ra khỏi cuộc tranh chấp biển đảo để không gây hại cho niềm tin của các quốc gia".

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc sử dụng lợi ích an ninh quốc gia do hành vi của Hoa Kỳ để làm lý do lập vùng ADIZ".

"Vì Hoa Kỳ đã làm mất lòng nhiều nước ven biển, Trung Quốc có thể hy vọng tìm ủng hộ miễn là lý do lập vùng ADIZ không liên quan tranh chấp Biển Đông".

Ông Matthias Vanhullebusch giải thích, theo cách nhìn của Trung Quốc, việc yêu cầu nhận dạng với máy bay trên một vùng ADIZ ở Biển Đông có thể là "cách để tránh hiểu nhầm".

"Logic này đã được dùng khi Trung Quốc yêu cầu nhiệm vụ thông báo tương tự với các chuyến tàu đi trên biển, mà Hoa Kỳ đang thách thức dọc đường đi gần các đảo tranh chấp".

"Liệu vùng ADIZ có đổ thêm dầu vào lửa sẽ phụ thuộc các nước ven Biển Đông phản ứng thế nào về sự có mặt của Hoa Kỳ".

"Vì thế, mọi thông báo về ADIZ sẽ phải đi sau các cuộc nói chuyện ngoại giao với các bên liên quan trong vùng để kế hoạch không trượt khỏi hiệu ứng mà Trung Quốc muốn, đó là tách Hoa Kỳ ra khỏi khu vực, duy trì niềm tin và ủng hộ của các quốc gia ven biển", Tiến sĩ Matthias Vanhullebusch dự đoán.

Còn từ Hoa Kỳ, Giáo sư James Kraska nói về rủi ro có thể xảy ra nếu Trung Quốc đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông.

"Có rủi ro là việc này dẫn tới xung đột quân sự nếu Trung Quốc định thực thi ADIZ với máy bay quân đội nước ngoài".

"Tuy nhên, Trung Quốc đã ít khi làm thế ở Biển Hoa Đông, nên hiện tại xung đột sẽ không xảy ra".

Nhưng ông kết luận với nhận định về "rủi ro lớn nhất".

"Rủi ro lớn nhất của vùng ADIZ Biển Đông là nó sẽ phục vụ như lý lẽ bổ sung cho đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc".

"Như thế, ảnh hưởng lớn nhất sẽ mang tính chất địa chính trị chứ không phải quân sự", giáo sư James Kraska phân tích.

ASEAN làm gì nếu Trung Quốc đơn phương lập ADIZ ở Biển Đông ?

Dư luận Việt Nam đang quan tâm tin đồn rằng Trung Quốc có thể ra tuyên bố về Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) bao trùm toàn bộ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà Việt Nam xem là thuộc chủ quyền của mình.

Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 31/5 dẫn một nguồn tin quân đội Trung Quốc nói Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho việc lập ADIZ ở Biển Đông từ năm 2010.

Nguồn này nói cơ quan chức năng Trung Quốc chỉ đang chờ thời điểm thích hợp để công bố.

Trả lời BBC News tiếng Việt, Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei, Đại học Bridgeport, bang Connecticut, Hoa Kỳ, bình luận :

"Có thể đoán rằng kế hoạch ADIZ cho Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) có tồn tại.

"Quan tâm chính yếu là liệu Trung Quốc có khả năng thực thi nó trên thực tế không".

Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei, nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, từng được Connecticut College mời để thuyết trình về chính sách Đông Á của Trung Quốc cho các đại diện bộ ngoại giao Việt Nam.

Bà nói : "Việc Trung Quốc có hoạt động xây đắp thành công tại Hoàng Sa và Trường Sa rõ ràng là bước quan trọng hướng tới việc hiện thực hóa vùng ADIZ".

Tuy nhiên, bà nói Trung Quốc nhận thức Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Đông có thể gây tác hại cho quan hệ với các láng giềng Đông Nam Á, với Mỹ.

"Vì thế Trung Quốc vẫn thận trọng chưa tuyên bố", bà nói.

Theo định nghĩa chính thức của chính phủ Việt Nam, vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là "vùng trời đặc biệt được thiết lập có kích thước xác định trong đó tàu bay phải tuân theo các phương thức báo cáo hoặc nhận dạng đặc biệt ngoài các phương thức liên quan đến việc cung cấp dịch vụ không lưu".

adiz2

Ảnh : đường 9 đoạn còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung quốc tuyên bố chủ quyền chiếm trọn biển đông, nhưng không được quốc gia nào khác công nhận

Ngày 23/11/2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng ADIZ trên biển Hoa Đông, tạo ra phản đối từ nhiều nước gồm cả Nhật và Hàn Quốc. Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei cho rằng các biện pháp gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng còn là nhắm tới Đài Loan.

"Bắc Kinh thất vọng vì họ là thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an chưa hoàn tất thống nhất quốc gia".

"Vùng ADIZ sẽ giúp tăng cường độ sâu chiến lược của Bắc Kinh trong quốc phòng khi so với Đài Loan và các láng giềng".

Đối với Việt Nam, nếu Trung Quốc tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Đông, dường như có nghĩa là tranh chấp chủ quyền biển đảo đã được đẩy lên cả vùng trời.

Lo ngại về kế hoạch ADIZ của Trung Quốc đặt trong bối cảnh năm 2019 xuất hiện các diễn tiến căng thẳng ở Biển Đông.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thông qua Tuyên bố chung, ngày 31/7/2019, có đoạn : "Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".

Tháng 10 năm ngoái phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : "Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao".

Gần đây hơn, ngày 9/4/2020, Việt Nam gửi Công hàm tại Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 28/5 Việt Nam lại phản đối Trung Quốc khi có tin binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã thu hoạch nhiều kg rau xanh nhờ công nghệ trồng rau trên cát.

Phản ứng của Hoa Kỳ cũng gây quan tâm lớn.

Ví dụ ngày 29/5, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ nói họ vừa điều khu trục hạm USS Mustin đã đi trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Phú Lâm và đảo Đá Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa.

adiz3

Ảnh : Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) lớp Arleigh Burke

Báo Thanh Niên vừa có cuộc phỏng vấn cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster. Ông là cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử.

Cựu đại tá Schuster cho rằng : "Việc Mỹ vừa có văn bản gửi Liên Hiệp Quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhằm thiết lập sự viện dẫn dựa theo luật pháp quốc tế để sẵn sàng đáp trả các hành động của Bắc Kinh, trong đó có nguy cơ Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông".

"Thực tế, nhiều khả năng Trung Quốc có kế hoạch thành lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy Bắc Kinh chưa tuyên bố ADIZ ở Biển Đông trong năm nay, nhưng điều này có thể diễn ra vào năm sau. Trung Quốc có thể đang chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và muốn hệ thống tên lửa đối không tại bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa được lắp đặt hoàn thiện. Thực sự, khi tính toán thấy có đủ khả năng xử lý các phản ứng của quốc tế, Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông", ông giải thích thêm.

Ông Schuster cũng cho rằng khi tuyên bố ADIZ, Bắc Kinh sẽ hứa hẹn với cộng đồng quốc tế rằng không can thiệp vào các chuyến bay thương mại bay qua Biển Đông. Thế nhưng, với những gì từng xảy ra, cộng đồng quốc tế khó có thể đặt niềm tin vào những lời hứa của Trung Quốc.

Hiện nay, Tổng thư ký Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) là bà Liễu Phương - một người Trung Quốc. Nên nếu tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, Bắc Kinh đủ sức tạo ảnh hưởng để kiểm soát mức độ phản ứng của ICAO.

Bắc Kinh tuyên bố ADIZ để thống trị Châu Á

Từ những yếu tố trên, cựu đại tá Schuster dự báo vào khoảng tháng 2 - 3.2021, Trung Quốc sẽ tiến hành những động thái đầu tiên để tuyên bố ADIZ. "Cụ thể, Bắc Kinh bắt đầu tổ chức một số đơn vị thường trực ở các đảo, bãi đá trên Biển Đông trong quãng thời gian ngắn nhằm kiểm soát ADIZ để đo mức độ phản ứng của cộng đồng quốc tế. Đến giai đoạn mùa hè, khi thời tiết phù hợp cho hoạt động của lực lượng phòng không - không quân, các đơn vị trên sẽ bắt đầu đồn trú thường trực, lâu dài. Khi đó, Trung Quốc tính toán thời gian chính xác để tuyên bố ADIZ nhằm tiến thêm một bước trong chiến lược kiểm soát toàn bộ Biển Đông", ông Schuster nói.

Ông cũng cho rằng tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Biển Đông, mà còn là một phần trong chiến lược xa hơn về hàng hải : Thống trị Châu Á vào năm 2050.

Bởi kiểm soát được Biển Đông mang lại cho Trung Quốc khả năng bóp nghẹt tuyến thương mại quan trọng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đặc biệt, khi đó Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi ra chuỗi đảo thứ hai (thường được tính từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem là lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines). Đây cũng là nền tảng quan trọng để phục vụ cho mục tiêu của Bắc Kinh trong việc thống nhất Đài Loan bằng quân sự.

Nếu một ngày Trung Quốc thực sự tuyên bố đơn phương lập vùng ADIZ ở Biển Đông, liệu có xảy ra xung đột vũ trang ?

Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei nhận định rủi ro chiến tranh phụ thuộc ba yếu tố.

"Liệu tuyên bố ADIZ có đưa ra trong bối cảnh một quốc gia khiêu khích Trung Quốc ?"

"Washington sẽ tuyên truyền thế nào về việc này, vì nó sẽ tác động tới cái nhìn của quốc tế".

"Thứ ba, hành động của Mỹ là gì. Yếu tố thứ ba này quan trọng nhất".

Từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng ADIZ ở biển Hoa Đông năm 2013, không lực Trung Quốc đã tiến hành tuần tra trong vùng này.

Tuy nhiên, có vẻ Trung Quốc ít khi thực thi "chấp pháp" với máy bay quân sự và dân sự tại đây.

Quay lại khả năng xảy ra vùng ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông, Tiến sĩ Chunjuan Nancy Wei nói tiếp.

"Nếu Hoa Kỳ chỉ thỉnh thoảng đưa máy bay vào vùng ADIZ, hai nước Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể tự tuyên bố họ thành công, giữ mặt mũi cho nhau".

Nhưng với Asean, bà cho rằng ASEAN sẽ khó phản ứng công khai chống Trung Quốc "ngay cả nếu kế hoạch ADIZ được thông báo".

"10 nước trong ASEAN vẫn chia rẽ về Trung Quốc", bà chỉ ra.

Lan Anh (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 13/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lan Anh
Read 575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)