Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/06/2020

Quả bom nổ chậm tại Trung Quốc : 70 triệu người thất nghiệp

Thụy My

Tuy Trung Quốc đã ngăn chặn được đại dịch virus corona, nhưng phải trả cái giá khổng lồ : kinh tế đi xuống thảm hại và thất nghiệp tăng cao. Theo nhận định của thông tín viên Les Echos tại Bắc Kinh, trong một đất nước hầu như không có bảo hiểm thất nghiệp, cuộc khủng hoảng này là thách thức chính cho Đảng cộng sản Trung Quốc khi "khế ước xã hội" bị đe dọa.

bom1

Một trung tâm giới thiệu việc làm ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 13/05/2020. © Reuters/Tingshu Wang

Tác giả mở đầu bài viết hôm nay 15/06/2020 bằng hình ảnh một người đàn ông 52 tuổi ngồi trên vỉa hè một đại lộ ở ngoại ô Bắc Kinh, chiếc túi đồ nghề đã phai màu lỉnh kỉnh những đồ nghề xây dựng như búa, bay thợ hồ… Ông cho biết mỗi ngày từ 5 giờ sáng đã có mặt, nhưng hiếm ai thuê. Mùa hè năm ngoái, ông rời Hắc Long Giang đến Bắc Kinh thử thời vận, nghĩ rằng sẽ dễ sống hơn ở quê. Xung quanh ông là nhiều người lao động nhập cư khác.

Hàng trăm "mingong" (dân công, tức lao động ngoại tỉnh) tụ tập tại đây từ tờ mờ sáng, chờ chực những người đến tìm nhân công giá rẻ. Một người lao động từ Hà Bắc thổ lộ : "Tôi đến chợ này từ bảy năm qua. Hồi trước nhiều việc lắm, có thể dễ dàng được nhận vào làm ở nhà máy hay công trường xây dựng. Giờ đây các xưởng đóng cửa hoặc sa thải công nhân. Và vì có nhiều người tìm việc, nên tiền lương nay thấp hơn trước, tôi vất vả hơn nhiều để kiếm tiền gởi về cho vợ con".

Số người thất nghiệp tại Hoa lục lên đến 70 triệu

Là mắt xích cần thiết cho phép lạ kinh tế Trung Quốc từ 30 năm qua, số 290 triệu lao động nhập cư - đã từ bỏ miền quê lên thành thị kiếm sống, ngày nay là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội chưa từng thấy do đại dịch gây ra.

Sau khi sụt mất 6,8% trong quý I, một điều chưa bao giờ xảy ra kể từ khi Cách mạng văn hóa kết thúc năm 1976, nền kinh tế Trung Quốc chậm chạp ngoi dậy. Tiêu thụ nội địa giảm sút, các công ty xuất khẩu không tìm được khách hàng do thế giới bị tê liệt vì con virus xuất phát từ Vũ Hán. Kết quả là thất nghiệp bùng nổ, trong một đất nước hầu như không có phúc lợi xã hội.

Theo số liệu chính thức thì tỉ lệ thất nghiệp là 6% vào tháng Tư, so với tháng 12/2019 là 5,2%, tức 4 triệu việc làm bị mất đi. Nhưng con số này chỉ là một phần sự thật. Kinh tế gia độc lập Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) ở Bắc Kinh giải thích : "Điều tra chính thức không tính đến lao động nhập cư lẫn tình trạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người hành nghề độc lập". Trong khi chính các cửa tiệm nhỏ, cửa hàng bán sỉ, nhà hàng, khách sạn – những lãnh vực cần đến nhiều lao động phổ thông – đã đóng cửa, đôi khi vĩnh viễn, nhân viên phải thất nghiệp ngồi nhà.

Cuối tháng Tư, một nghiên cứu của công ty môi giới chứng khoán Trung Thái (Zhongtai Securities) ở Sơn Đông ước lượng tỉ lệ thất nghiệp thực sự tại Trung Quốc là 20,5%, tức 70 triệu người không công ăn việc làm. Bản báo cáo này nhanh chóng bị rút khỏi internet, và giám đốc nghiên cứu của công ty bị trừng phạt. Zhang Lin, nhà quan sát kinh tế Trung Quốc nhận định : "Do không có thống kê khả tín, tốt nhất nên nhìn vào những nhà buôn ở xung quanh bạn đã phải đóng cửa".

Ác mộng của lao động nhập cư

Tuy mỗi chuyên gia có đánh giá khác nhau, nhưng tất cả đều đồng ý ở một điểm : tác động xã hội của đại dịch vô cùng lớn. Các nhà phân tích của UBS ước tính từ 70 đến 80 triệu người Trung Quốc đã bị mất việc, hoặc không thể làm việc vào cuối tháng Ba, nhiều tuần lễ sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Trong một báo cáo mới đây, bà Uông Đào (Tao Wang) cho biết "Thị trường lao động được cải thiện với các hoạt động được tái lập, nhưng áp lực vẫn đè nặng".

Số người không có việc làm sụt xuống còn 33 đến 40 triệu vào đầu tháng Năm, nhưng lại có một mối đe dọa khác : "Có khả năng là đến 10 triệu nhân công sẽ bị sa thải trong những tháng tới, ở các lãnh vực liên quan đến xuất khẩu của Trung Quốc, vì suy thoái toàn cầu và căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Đến cuối năm nay, rất có thể khoảng mấy chục triệu người vẫn bị thất nghiệp" - theo cảnh báo của Ernan Cui, nhà kinh tế thuộc Gavekal Dragonomics.

Tác động kinh tế của các biện pháp phong tỏa trên thế giới là rất lớn, và Trung Quốc không phải ngoại lệ. Nhưng Ernan Cui lo ngại vì "mạng lưới an sinh xã hội Trung Quốc không dự kiến đền bù khi thất nghiệp đại trà". Hệ thống bảo hiểm thất nghiệp không hề thích ứng : trợ cấp ít ỏi và chỉ dành cho một số rất ít người bị mất việc.

Chưa đầy phân nửa dân số hoạt động ở đô thị (200 triệu người) được hưởng bảo hiểm này, còn lao động nhập cư chưa đến 1/5. Do không có hộ khẩu thành phố, họ bị loại ra ngoài tất cả các chính sách xã hội (giáo dục, việc làm nhà nước, y tế…). Người lao động quê Hồ Bắc ở chợ Cao Lệ Dinh (Gao Li Ying) kể trên cho biết chưa hề ký hợp đồng lao động, chưa bao giờ nghe nói đến bảo hiểm thất nghiệp.

Trợ cấp thất nghiệp tối thiểu

Chỉ có 2,3 triệu người Trung Quốc nhận được trợ cấp trong quý I, theo số liệu chính thức. Một con số hết sức thấp, cho dù số lượng người thất nghiệp rất lớn. Và dù được trợ cấp, số tiền này không thấm vào đâu so với thu nhập bị mất đi, vì được tính theo lương tối thiểu, vốn không tăng bao nhiêu kể từ năm 1994.

Theo Nicholas R.Lardy và Tianlei Huang, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) : "Trợ cấp trong quý I/2020 là 1.350 nhân dân tệ (190 euro) cho mỗi người thất nghiệp trong một tháng, chỉ bằng 20 đến 30% lương trung bình của các công ty công và tư ở thành thị".

Cuộc khủng hoảng xã hội này rơi vào thời điểm bất lợi nhất cho tổng bí thư Tập Cận Bình, một năm trước khi kỷ niệm 100 thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là năm mà chế độ Bắc Kinh đã ấn định mục tiêu xóa hẳn đói nghèo và tăng gấp đôi GDP so với năm 2010.

Trước quả bom nổ chậm là tình trạng thất nghiệp hàng loạt, giờ đây mọi tuyên bố của Bắc Kinh đều tập trung vào công ăn việc làm, lần đầu tiên từ 30 năm qua bỏ rơi mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng. Việc làm nay đứng đầu trong "sáu ổn định" mà nhà nước muốn bảo đảm, đặc biệt đối với lao động nhập cư và sinh viên mới tốt nghiệp, vào lúc 8,7 triệu sinh viên chuẩn bị gia nhập thị trường lao động. Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đây tuyên bố trước 3.000 đại biểu Quốc hội, phải dùng mọi phương tiện và tập trung mọi nỗ lực để tạo ra công ăn việc làm.

Chế độ bị lung lay

Mục tiêu này vừa là chính trị vừa là kinh tế. Cuộc khủng hoảng đã tạo ra thách thức chính trị chủ chốt cho chế độ cộng sản Bắc Kinh, đe dọa cắt đứt "khế ước xã hội" dựa trên sự ngoan ngoãn về chính trị để đối lấy việc làm giàu.

Giáo sư Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), nhà phân tích độc lập ở Thượng Hải nhận xét : "Bảo đảm việc làm là bảo vệ người dân nhưng đồng thời cũng bảo vệ giới cầm quyền. Một khi việc làm được duy trì và nhu cầu thực phẩm thiết yếu được giải quyết, thì sự ổn định của chế độ không bị đe dọa".

Với gần 200 vụ đình công kể từ đầu năm nay, so với trên 700 vụ cùng kỳ năm ngoái, theo tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin, người lao động Trung Quốc ít xuống đường hơn trước. Eric Sautedé, phụ trách Châu Á của Planet Labor giải thích : "Sợ dịch bệnh, bị phong tỏa, chính quyền tăng cường kiểm soát, nên các phong trào xã hội khó có điều kiện diễn ra, nhưng điều này không có nghĩa là không có khủng hoảng xã hội". Tuy nhiên sự phẫn nộ, bất bình được bộc lộ qua các phương tiện khác, chủ yếu trên các mạng xã hội, khó thể định lượng được.

Trong khi nhu cầu thế giới sụt giảm mạnh, ổn định việc làm và hạn chế sa thải cũng là cách tốt nhất để tái thúc đẩy tiêu dùng nội địa, mà từ nay tăng trưởng của Trung Quốc phải dựa vào phần lớn. Lần đầu tiên từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa Hoa lục, thu nhập thực của các hộ gia đình giảm đi 3,5% trong quý I, và chi cho tiêu thụ giảm 12,5%.

Tái thúc đẩy việc làm

Giảm thuế để đổi lấy việc không sa thải, trợ cấp khi tuyển dụng lao động nhập cư, tăng tuyển mộ sinh viên mới ra trường vào quân ngũ, tạo điều kiện cho người bán hàng rong…Bắc Kinh không ngừng tìm cách tái thúc đẩy công ăn việc làm. Nhưng thử thách là khổng lồ, khi một số lãnh vực khó thể vực dậy, và các nhà máy không có đơn đặt hàng.

Trước đại dịch, tăng trưởng của Trung Quốc cũng đã chậm lại, tạo ra ít việc làm. Ý thức được những khó khăn, chính quyền chỉ ấn định mục tiêu là tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị khoảng 6%.

Dù vậy, không ít người lao động nhập cư đã trở về quê. Đối với họ, những khu "chợ người" như Cao Lệ Dinh ở Bắc Kinh đã trở thành quá khứ.

Thụy My

Nguồn : RFI, 15/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 784 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)