Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/06/2020

Phải giết Hồ Duy Hải để Chánh án Nguyễn Hòa Bình... sống ?

Nhiều tác giả

Án oan khiến dân mất niềm tin dù có cải cách tư pháp !

Diễm Thi, RFA, 15/06/2020

Dân mất niềm tin vào tư pháp Việt Nam !

Sáng 15/6/2020, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.

giet1

Chiếc cân biểu tượng cho công lý - AFP

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phản biện lại rằng, lĩnh vực tư pháp thời gian qua tuy rằng có một số sai sót nhưng nếu chỉ lấy vài vụ việc để đánh giá ngành tư pháp là không nên.

Trước đó hai ngày, ông Hoàng Đức Thắng, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị cho rằng, những vụ án như Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa… là phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

Để khách quan, RFA tìm hiểu quan điểm của một vị trong ngành tư pháp nhưng không là đại biểu Quốc hội, là ông Trần Đức Long - Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam, thì ông từ chối trả lời :

"Vâng, tôi là Trần Đức Long nhưng cô hỏi người khác nhé. Hỏi người khác chứ tôi không trả lời đâu !".

Nhận định về tranh luận của các đại biểu quốc hội sáng 15/6 về nền tư pháp Việt Nam hiện nay, ông Lê Văn Cuông, từng là Đại biểu quốc hội khóa 11 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nói với RFA rằng, góc nhìn của mỗi đại biểu quốc hội có khác nhau. Ông nêu ý kiến của mình :

"Nền tư pháp Việt Nam những năm qua có nhiều đổi mới, tức là có Ban chỉ đạo để đổi mới tư pháp. Ban này hoạt động liên tục và có nhiều thay đổi so với trước đây để hội nhập thế giới. Cho nên trong quá trình thực thi pháp luật, tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng được mở rộng so với trước đây.

Tuy nhiên, gần đây có một số vụ án chưa được sự đồng thuận của dư luận xã hội, người ta nghi ngờ có sự oan sai và có những ý kiến khác nhau về quan điểm xét xử cho nên nó cũng tạo cho ngành tư pháp bị giảm uy tín và niềm tin nhất định. Nhưng tôi nghĩ cái niềm tin đối với cải cách tư pháp thời gian qua được nâng lên".

Tháng 6/2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Vì đâu ?

Theo ghi nhận của RFA, rất nhiều người dân từ lâu đã không tin vào nền tư pháp Việt Nam do vô số những vụ án oan sai ngất trời. Sau vụ án Hồ Duy Hải, một vụ án được cho là thu hút sự chú ý của công luận trong và ngoài nước cao kỷ lục, người dân một lần nữa mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.

Có thể kể ra vài vụ điển hình như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù ông liên tục kêu oan. Tháng 11/2013, sau 10 năm ngồi tù oan, ông Chấn được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tạm tha về nhà và hai hôm sau, Tòa án nhân dân tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người.

Ông Huỳnh Văn Nén hai lần bị kết án tử hình oan. Ông Nén được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, được gọi là "Người tù xuyên thế kỷ". Gần 17 năm ngồi tù oan, cuối năm 2015, Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Nén sau khi tìm ra hung thủ giết người.

giet2

Tân chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức. Photo : Tuoitre.vn

Luật sư Phạm Công Út cho rằng, so với hàng chục năm trước thì tư pháp Việt Nam rõ ràng có sự thay đổi, có sự tiến bộ rõ rệt để hội nhập với nền tư pháp của thế giới mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng từ luật tới thực tế còn quá xa vời. Ông nói :

"Trong thời gian nhiều năm hoạt động trong lãnh vực tư pháp thì tôi thấy các đạo luật, bộ luật bao hàm về kinh doanh, thương mại, về dân sự, hình sự, về tố tụng, về hành chánh có sự hội nhập với quốc tế một cách khá rõ rệt. Tuy nhiên, do vẫn còn mang những nét đặc thù riêng của Việt Nam, một đảng lãnh đạo, nên nó vẫn còn những điểm khác biệt với thế giới.

Để hội nhập thì Việt Nam phải sửa luật, và rõ ràng Việt Nam đã và đang sửa luật về mặt câu chữ, về mặt luật pháp, nhưng về mặt thừa hành thì không giống như quy định của pháp luật".

Luật sư Phạm Công Út nêu ví dụ cụ thể là vụ Đồng Tâm : Theo luật quy định, những tôi danh có khung hình phạt từ 15 năm trở lên thì bắt buộc phải có luật sư ngay từ đầu. Hiện có tổng cộng 25 người bị Công an Hà Nội đề nghị truy tố về tội danh "Giết người" theo khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự, mức án có thể lên đến tử hình nhưng không ai được có luật sư trong suốt thời gian điều tra.

Song song với chiến lược cải cách tư pháp thì vai trò của luật sư cũng có thay đổi. Theo pháp luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung 2015, hiệu lực từ 1/1/2018, Điều 74 quy định người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Tuy luật là vậy nhưng hầu như thực tế là khác. Trong một lần trao đổi với RFA về vai trò luật sư trong các vụ án ở Việt Nam, Luật sư Minh Thọ cho biết, các vụ người dân mời luật sư từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra, là khá hiếm hoi. Chính vì thế, những vụ người dân "khi đi trai tráng, khi về bằng cáng", thậm chí mất mạng, mà theo cơ quan công an, là do người dân tự tử ở trụ sở công an vẫn diễn ra.

Là một nhà báo độc lập, ông Nguyễn Ngọc Già nhận định về nền tư pháp Việt Nam hiện nay :

"Thứ nhất, nền tư pháp hiện nay là một bề tư pháp không đúng chuẩn mực quốc tế. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do Việt Nam khộng có tam quyền phân lập. Do đó nó dẫn tới tình trạng là hầu hết tất cả các thẩm phán đều xuất thân là giới công an. Vì vậy nó gây mất niềm tin trong lòng dân từ rất lâu rồi nhưng trước đây chưa có mạng xã hội nên người dân không thấy.

Thứ hai, khi có đại biểu quốc hội nói rằng không thể lấy vài vụ án như Hồ Duy Hải, Lương Hữu Phước để đánh giá nền tư pháp Việt Nam thì tôi không đồng ý, bởi vì chuyện Hồ Duy Hải xảy ra hơn 12 năm và đã tới mức giám đốc thẩm do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Bình đại diện cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là tính đại diện cao nhất, và điều đó phủ định sự ngụy biện rằng không thể lấy vụ Hồ Duy Hải hay Lương Hữu Phươc để đánh giá thấp nền tư pháp Việt Nam. Đó là điều ngụy biện hoàn toàn".

Ông Nguyễn Ngọc Già dẫn chứng ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hiện nay từng là Thiếu tướng Công an ; ông Trương Hòa Bình, cựu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từng công tác tại Phòng An ninh Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Cục phó Cục An ninh văn hóa ; ông Lê Minh Trí hiện đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 15/06/2020

********************

Giết Hồ Duy Hải tức là phản bội Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 15/06/2020

Ngày 13/5/2020, sau khi tuyên tử hình Hồ Duy Hải trong phiên giám đốc thẩm [1] Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Trí Tuệ cho biết (trích) : "liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, cơ quan tố tụng từ Trung ương đến địa phương. Bôi nhọ, quy kết cả nền tư pháp...

giet3

Hình minh hoạ. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con (hình trái), và tử tù Hồ Duy Hải trên báo - Photo : RFA

"Nguy hiểm hơn, có một vài đại biểu Quốc hội, chính thức là có 3 đại biểu Quốc hội phát biểu không đúng với nội dung của vụ án, đưa ra nhận xét chủ quan, dựa vào thông tin trên mạng xã hội, vấn đề này làm phức tạp thêm tình hình"... (hết trích).

Ba vị đại biểu Quốc hội gồm : Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa.

Theo Luật Tổ Chức Quốc hội, tại khoản 1 điều 1 cho biết : "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tại khoản 1 điều 26 : "Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước".

Trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao quy định tại khoản 7 điều 27 về việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Như vậy, phát ngôn của Nguyễn Trí Tuệ là sự báng bổ vào cơ quan cao nhất của dân cũng như đe dọa sinh mạng và hạ nhục tư cách đại biểu Quốc hội của các ông : Nhưỡng, Vân, Nghĩa.

Sau những phát ngôn của ông Tuệ, ba vị đại biểu của dân nói trên cũng trình bày thêm trên mạng xã hội.

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ra ngày 15/6/2020 đưa tin kỳ họp Quốc hội diễn ra với ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng [2] : "... vụ Hồ Duy Hải. Những sai lầm của tư pháp, đừng đổ cho đại biểu quốc hội (Đại biểu quốc hội) làm rối, Đại biểu quốc hội không làm những thứ này...".

Cùng ngày, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày trước Quốc hội vụ án Hồ Duy Hải. Theo báo Tuổi Trẻ cho hay [3] tất cả những tình tiết giết người, vật gây án v.v... đều là những tình tiết cũ dư luận đã biết rõ chúng đầy mờ ám - thông qua những phản biện của giới luật sư - đủ để kết luận Hồ Duy Hải hoàn toàn không có mặt tại hiện trường vụ án.

Ông Nguyễn Hòa Bình đưa ra hoàn toàn là những tình tiết cũ vào thời điểm hiện tại (tức là ngày 15/6/2020), điều này có nghĩa ông ta đã vi phạm vào Bộ luật Tố tụng hình sự tại điều 8 "Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân" đã quy định : "thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết".

Chính vì không "thường xuyên kiểm tra" (tức là phải luôn luôn cập nhật tình hình và tình tiết của vụ án), nên ông Nguyễn Hòa Bình cùng 16 ông (bà) thẩm phán chỉ căn cứ vào những tình tiết cũ đã bị bóp méo, phi lý, phi pháp và đầy ngờ vực có căn cứ, từ đông đảo dân trong nghề cho đến thường dân.

Việc ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu trước Quốc hội chẳng qua chỉ là tường thuật những bằng chứng giả trá. Điều đó cho thấy Nguyễn Hòa Bình coi thường ngay chính những người đã bổ nhiệm ông ta trong vai trò Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Bằng chứng mới từ Luật sư Trần Hồng Phong

Bảy tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án mà chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đó là [4] :

1. Dấu hiệu hung thủ thuận tay trái. Trong khi đó tại các bản giám định pháp y, nạn nhân Hồng có vết thương ở cổ theo hướng từ TRÁI QUA PHẢI. Trong khi đó nạn nhân Vân có vết thương cũng trên cổ nhưng theo hướng ngược lại.

Thực nghiệm điều tra thì Hải cầm dao gây án bằng TAY PHẢI.

2. Nhân chứng Đinh Vũ Thường không nhìn thấy Hồ Duy Hải như kết luận điều tra của công an và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân.

3. Cơ quan điều tra đã bỏ qua chi tiết nạn nhân Vân vẫn còn ở tiệm bán trái cây lúc 21g 01 phút.

4. Một thanh niên khác ở bưu điện Cầu Voi và 04 bút lục quan trọng bị rút khỏi vụ án. Đó là biên bản lấy lời khai của anh Đinh Văn Còi và Lê Thanh Trí. Các bút lục này được đánh số 139, 140, 141, 142.

5. Dấu hiệu đèn sáng, cửa mở ở lầu 1, điện cúp, cổng khép và Nguyễn Văn Nghị là ai.

6. Hồ Duy Hải liên tục kêu oan nhưng chưa bao giờ được xem xét.

7. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm Lê Quang Hùng có mặt tại buổi thực nghiệm hiện trường không thể đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Bảy tình tiết mới này cũng được làm đơn cung cấp tình tiết mới và đề nghị kháng nghị tái thẩm gởi tới Tòa, Viện Kiểm sát, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chủ tịch nước.

Lỗ hổng pháp lý

Điều 400 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tại khoản 1 :

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Như vậy, chiếu theo khoản 1 điều 400 thượng dẫn, trường hợp Hồ Duy Hải không thể được tiến hành Tái thẩm bởi vì [5] Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 05/2020/HS-GĐT ngày 08 tháng 5 năm 2020 và quyết định này đã nói rõ "Không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC- V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tức là Hồ Duy Hải phải chết !

Như vậy, gia đình Hồ Duy Hải cũng như dư luận chỉ còn trông vào điều 404 tại khoản 2 và khoản 3, đã quy định vai trò của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp . Tiếc rằng, hai nơi đó chỉ có quyền yêu cầu xem xét lại một vụ án đã giám đốc thẩm, còn chuyện xem xét lại như thế nào vẫn do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định. Vô hình chung, quyền sinh sát vẫn ở trong tay Chánh án Trương Hòa Bình (!).

Giết chết Hồ Duy Hải tức là phản bội Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam

Với những phát ngôn mới nhất, ông Nguyễn Hòa Bình đã bất chấp sự thật, bất chấp pháp luật để bảo vệ một quyết định thật nhẫn tâm !

Hiến pháp 2013 đã quy định rõ tại lời nói đầu : "Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Trong khi đó, Cương Lĩnh [6] của Đảng cộng sản Việt Nam đã nói rõ :

(trích)

Thứ nhất, "Đảng lãnh đạo" là chỉ sự tác động, ảnh hưởng của Đảng bằng việc xác định đường lối, mục tiêu chính trị đúng đắn đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân...

Thứ hai, "Đảng lãnh đạo" không phải dựa vào quyền lực (hiểu theo nghĩa cưỡng bức, ép buộc) tác động đến đối tượng lãnh đạo là quần chúng nhân dân ; mà vận động quần chúng nhân dân ủng hộ, đi theo Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng nhân dân là sự vận động mang tính thuyết phục để nhân dân đi theo, ủng hộ...

Thứ ba, "Đảng lãnh đạo" được hiểu như sự suy tôn của quần chúng nhân dân, thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo của mình.

Thứ tư, Đảng phải có năng lực thực tiễn tập hợp, tổ chức quần chúng bằng những hình thức thích hợp để tạo nên sức mạnh thực hiện đường lối của Đảng...

(hết trích)

Như vậy, Cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam cũng chỉ nhằm phục vụ nhân dân, thuyết phục nhân dân, tập hợp nhân dân để nhân dân thừa nhận Đảng cộng sản Việt Nam và đi theo Đảng cộng sản Việt Nam.

Vụ án Hồ Duy Hải bị oan khuất hơn 12 năm qua, được đông đảo nhân dân quan tâm, điều này có nghĩa Bộ Chính Trị cần phải ban hành nghị quyết hoặc chỉ thị về vụ án Hồ Duy Hải, buộc đảng viên Nguyễn Hòa Bình tuân thủ và thi hành theo đúng điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam tại khoản 1 điều 2 :

Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.

Chỉ có Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam mới có đủ căn cứ pháp lý (theo Cương lĩnh & Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam cũng như Hiến Pháp đã quy định) và đủ quyền lực (thuộc về nhân dân) mới có thể cứu Hồ Duy Hải.

Nếu Hồ Duy Hải phải chết, đó không thể gọi là tử hình mà phải gọi là giết người, bởi lẽ, cái chết của người thanh niên vô tội chịu oan ức suốt hơn 12 năm trời là hành vi phản bội lại Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chánh án Nguyễn Hòa Bình cầm đầu.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 15/06/2020

[1] https://www.baogiaothong.vn/ba-dai-bieu-quoc-hoi-len-tieng-ve-phat-ngon-...

[2] https://plo.vn/thoi-su/tranh-luan-ve-niem-tin-vao-tu-phap-qua-vu-ho-duy-...

[3] https://tuoitre.vn/chanh-an-nguyen-hoa-binh-noi-gi-ve-vu-ho-duy-hai-truo...

[4] https://baotiengdan.com/2020/06/12/cung-cap-tinh-tiet-moi-va-de-nghi-kha...

[5] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu-cua-hoi-dong-tham-phan/toa-an-nha...

[6] http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua...

******************

Vụ Hồ Duy Hải : Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải thích trước Quốc hội

BBC, 15/06/2020

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình "đã phải lên tiếng" sáng 15/06, tại Quốc hội Việt Nam về vụ Hồ Duy Hải.

giet4

Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Công an Tô Lâm họp Quốc hội hôm 20/5

Trong video được các báo Việt Nam đăng tải, ông Bình đã nhắc lại khá kỹ các chi tiết của vụ án mạng từ năm 2008 mà không cần nhìn giấy.

Chỉ sau một số đoạn nói ông nhìn xuống một mảnh giấy cầm tay chắc để xác định các điểm đã chuẩn bị.

Toàn bộ nội dung được trình bày theo cách giải thích của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, là nhằm đáp ứng "sự quan tâm của các đại biểu" và của dư luận nói chung.

Tờ Thanh Niên hôm 15/06 cho hay phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình diễn ra "sau rất nhiều tranh luận của các đại biểu Quốc hội trong và ngoài ngành tòa án về vụ án Hồ Duy Hải suốt hai ngày thảo luận".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói ông muốn trả lời câu hỏi là bị cáo Hồ Duy Hải "có phạm tội hay không", và vụ án "có oan sai hay không".

Điều tra 'sơ suất' nhưng 'Tòa còn rất nhiều chứng cứ khác' ?

Về bị cáo Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hòa Bình nêu ra các điều đã ghi trong hồ sơ, phần nhiều căn cứ vào chính "lời khai của Hồ Duy Hải".

giet5

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa - Ảnh minh họa

Phần giải thích thêm về hung khí, việc "mua dao, mua thớt ở chợ để làm chứng cứ", ông Nguyễn Hòa Bình giải thích :

"Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thể biết cái thớt là hung khí. Chỉ khi bắt được Hải, Hải khai ra việc dùng thớt đập vào đầu nạn nhân, thì người ta mới biết. Khi đó, thớt đã bị dọn đi.

Về con dao, Hải khai ở bên tường bưu điện có cái bảng và dắt dao vào bảng đó. Không ai tìm thấy dao cả, chỉ có Hải mới biết vị trí cái dao. Sau khi khám nghiệm hiện trường, có ba anh dân phòng vào dọn phòng đó, phun nước, dỡ bảng ra thì có dao rơi xuống, nhưng người ta sơ suất vứt dao đi. Cơ quan điều tra đi tìm dao đó không được, nên cho ba anh dân phòng mô tả, đi mua dao về".

Theo ông, dư luận nói rằng mua dao ngoài chợ về để thay hung khí, nhưng trong hồ sơ vụ án, không có cái dao nào mua để thay hung khí cả.

"Mua dao, thớt, vật tương tự về để Hải và những người liên quan nhận diện xem có đúng là được sử dụng làm hung khí hay không. Khi để một loạt dao, Hải nhận diện đúng con dao dùng để gây án, dù khi khai thì lời khai không thống nhất".

Có vẻ như ông Nguyễn Hòa Bình nhắc lại rất nhiều những điều dư luận đã biết và đặt câu hỏi, nhất là về cách xử án và kết tội "trọng cung hơn trọng chứng" ở Việt Nam.

Tuy thế, ông hứa rằng cơ quan chức năng "biết còn rất nhiều chứng cứ khác mà nếu đại biểu quan tâm, Tòa án Tối cao sẵn sàng phục vụ trao đổi, thông tin".

Dư luận thấy 'chưa thuyết phục'

Một phần dư luận Việt Nam kiến nghị để Quốc hội giám sát vụ xử giám đốc thẩm mà ông Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa tháng 5 vừa qua về vụ án Hồ Duy Hải.

Ngay hôm kết thúc phiên xử giám đốc thẩm, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu chiều 8/5 nói Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam "chưa thuyết phục" được dư luận về phán quyết vụ án Hồ Duy Hải.

giet6

Kiến nghị đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải - Ảnh minh họa

Ông Lê Thanh Vân đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Viết trên Facebook cá nhân, ông cho rằng :

"Phán quyết chiều nay của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa thể thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này".

Một nhóm trí thức sau đó đã đăng kiến nghị trên mạng và gửi cho các cơ quan quốc tế yêu cầu Quốc hội Việt Nam lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm về mặt thủ tục tố tụng.

Họ cho BBC biết họ muốn nhìn vào "sai sót" trong thủ tục tố tụng hình sự chứ không đi vào chi tiết tranh cãi Hồ Duy Hải có phạm tội hay không.

Cho đến ngày 15/06/2020, trang "KIẾN NGHỊ ĐÒI CÔNG LÝ CHO TỬ TÙ HỒ DUY HẢI - PETITION TO DEMAND JUSTICE FOR HO DUY HAI " có 7.639 người ký tên, từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Bản thân ông Nguyễn Hòa Bình từng là thiếu tướng công an tại Long An khi xảy ra vụ án và sau làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ủy viên Trung ương cộng sản Việt Nam, lực lượng lãnh đạo toàn bộ xã hội.

Chỉ riêng chuyện này đã khiến có luồng dư luận đặt câu hỏi về tính khách quan khi mà một nhân vật đóng nhiều vai, và các chức vụ cao cấp trong bộ máy tư pháp ở Việt Nam do một đảng chính trị chỉ đạo, bổ nhiệm.

Điều chưa được rõ từ bản tin của các báo Việt Nam hôm 15/06 là hai ngày thảo luận trong Quốc hội có phải là thủ tục giám sát của một ủy ban, hay chỉ đơn thuần là "chất vấn" của đại biểu.

********************

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định Hồ Duy Hải phạm tội giết người

RFA, 15/06/2020

Trước thắc mắc của nhiều đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình hôm 15/6 đã khẳng định trước Quốc hội tử tù Hồ Duy Hải phạm tội giết người, cướp của trong vụ án xay ra ở Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008.

giet7

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời trước Quốc hội hôm 15/6/2020 An Ninh Thủ Đô

Đây là vụ án kéo dài nhiều năm và đã qua xét xử sở thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm. Tất cả các cấp xét xử đều kết án Hồ Duy Hải phạm tội dù Hồ Duy Hải và gia đình đã nhiều năm ròng kêu oan lên các cấp bao gồm Quốc hội và Chủ tịch nước.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình là Chánh án trong phiên giám đốc thẩm diễn ra vào hồi đầu tháng 5 vừa qua.

Giải thích trước Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình nói Hồ Duy Hải đã có 25 lời khai nhận tội. Ông cho biết ngay từ bản lời khai đầu tiên, Hải đã tự viết ra khá chi tiết nội dung vụ án chứ không qua hỏi cung.

Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội. Trong đơn gửi Chủ tịch nước sau phiên sở thẩm, Hải không kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hải.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết việc cơ quan điều tra mua thớt và dao để Hải và những người liên quan nhận diện có đúng với hiện trường hay không chứ không phải là hung khí giả như nhiều người nhận định vì cơ quan điều tra không tìm thấy hung khí thật tại hiện trường.

Kết luận của phiên giám đốc thẩm xác định dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Hội đồng xét xử cho rằng hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai.

Ngay sau phiên giám đốc thẩm, dư luận và một số đại biểu quốc hội đã lên tiếng phản đối kết luận của phiên xử và đề nghị xem xét lại vụ án.

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã gửi đơn kêu oan lên Quốc hội và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Nguồn : RFA, 15/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, Nguyễn Ngọc Già, BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 870 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)