Con đường tơ lụa : Giấc mơ của Trung Hoa - Ác mộng của Ấn Độ
Minh Anh, RFI, 25/06/2020
Ngày 15/06/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã xô xát nhau dữ dội ở vùng Ladakh, trên dãy Himalaya. Hai bên đổ lỗi cho nhau là đã xâm phạm đường kiểm soát thực tế (LAC). Thế nhưng, tranh chấp biên giới chỉ là bề nổi. Dự án "Vành đai và Con đường" mới chính là cốt lõi căng thẳng Ấn – Trung.
Chiến đấu cơ Ấn Độ trên không phận vùng Ladakh có tranh chấp biên giới với Trung Quốc ngày 24/06/2020. AFP - TAUSEEF MUSTAFA
Căng thẳng biên giới Ấn – Trung tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nằm trên cao 4.300 mét của dãy Himalaya đã kéo dài từ hơn một tháng nay. Tuy nhiên, trận ẩu đả tay không hôm thứ Hai 15/06/2020, nổ ra ở nhiều điểm dọc theo vùng biên giới có tranh chấp giữa Ấn Độ - Trung Quốc, là đẫm máu nhất.
Phía Ấn Độ cho biết có 20 binh sĩ thiệt mạng. Trung Quốc, giống như trong đại dịch Covid-19, không cho biết chính xác con số nạn nhân là bao nhiêu : 5 người (Hoàn Cầu Thời Báo), 43 người (Thời báo Ấn Độ) hay là 35 binh sĩ, trong đó có một viên chỉ huy cấp cao (trang mạng U.S News and World Report) ?
Chuyện gì thật sự đã xảy ra trong đêm đó giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu Châu Á ? Bên nào gây hấn trước ? Không ai có thể biết được. Ông Gilles Boquérat, chuyên gia về Nam Á, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, trên làn sóng của RFI có nhắc lại rằng cuộc tranh chấp dai dẳng này giữa Ấn Độ và Trung Quốc còn là hệ quả của một quá khứ lịch sử.
"Đúng là giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đó còn là một vấn đề liên quan đến đường biên giới do thời kỳ thực dân Anh để lại. Đường biên giới này chưa bao giờ được Trung Quốc công nhận, bất kể đó là đường Mac Mahon (được ký kết giữa chính quyền thực dân và chính phủ Tây Tạng thời đó), nằm ở phía đông biên giới Ấn – Trung. Đây là nơi phân cách Ấn Độ với Trung Quốc, tại khu vực Ladakh. Đây chính là di sản của thời kỳ thực dân và chúng chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm ".
"Ván Cờ Lớn"
Vẫn theo ông Gilles Boquerat, cuộc đối đầu đẫm máu hôm thứ Hai 15/06, không đơn giản là một cuộc tranh chấp lãnh thổ, mà còn phản ảnh rõ một sự đối đầu sâu sắc giữa hai ông "khổng lồ" Châu Á.
Bởi vì giữa Ấn Độ và Trung Quốc còn có một cuộc đọ sức khác, có quy mô lớn hơn. Giáo sư Serge Granger, ngành Chính trị học ứng dụng, trường đại học Sherbrook, Canada, trong một bài viết đăng trên tạp chí Diplomatie năm 2018, từng so sánh cuộc đối đầu Trung - Ấn ngày nay với giai đoạn "Ván Cờ Lớn" (1813 – 1907), thời kỳ đối đầu thực dân và ngoại giao giữa hai đế chế Anh Quốc và Nga nhằm giành quyền thống trị Trung Á.
Khi quan sát "Ván Cờ Lớn" đó, nhà địa lý học người Anh, Halford John MacKinder, người đi tiên phong trong ngành địa chính trị, năm 1909 từng đưa ra giả thuyết rằng ai thống trị được hành lang Á – Âu trên bộ sẽ thống trị được thế giới. Bốn mươi năm sau, ông Nicholas Spykman, nhà báo, giảng viên đại học, và cũng là một trong những nhà sáng lập ngành địa chính trị học tại Mỹ đưa ra khái niệm : Chính sự thống trị con đường giao thương hàng hải giúp bảo đảm uy thế cường quốc.
Những học thuyết trên được Trung Quốc áp dụng triệt để trong dự án "Sáng kiến Vành Đai và Con Đường" (One Belt, One Broad Initiative – BRI). Giới quan sát Ấn Độ xem dự án những con đường tơ lụa đó như là một sự xác quyết ý muốn thống trị hành lang Á – Âu của Trung Quốc. Họ e ngại rằng dự án này có nguy cơ vây hãm, hạn chế khả năng của New Dehli tiến hành các hoạt động giao thương liên lục địa.
Nghiêm trọng hơn nữa, sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại Trung Á có lẽ sẽ còn đe dọa đến an ninh Ấn Độ. Theo ông Nirupama Rao, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, sáng kiến những con đường tơ lụa đó chính là một sự thể hiện "hard power" (quyền lực cứng) ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, cả ở những vùng biển lẫn trên lục địa Châu Á.
Một cách cụ thể, trên bộ, Trung Quốc thiết lập hai hành lang kinh tế : Thứ nhất là Trung Quốc – Pakistan nối liền Kashgar (Tân Cương, Trung Quốc) với cảng biển Gwadar (Pakistan) và hành lang thứ hai là BCIM (Bangladesh – China – India – Myanmar), nối thẳng Trung Quốc với vịnh Bengal thông qua ngả Miến Điện.
Ngoài biển cả, Ấn Độ Dương không còn là đại dương của riêng Ấn Độ nữa. Bắc Kinh lần lượt thiết lập các cơ sở cảng biển của mình nằm rải rác như một chuỗi ngọc từ nhiều nước Nam Á đến tận vùng biển Tây Phi. Những cơ sở cảng biển và quân sự này cho phép Trung Quốc lắp đặt các hệ thống ra-đa cảnh báo mọi chuyển động của hải quân Ấn Độ. Chuỗi ngọc đó còn là một nguồn bảo đảm chống lại mọi ý đồ của Ấn Độ chặn đường tiếp tế nhiên liệu cũng như khoáng sản đến Trung Quốc. Đây thật sự là một mối đe dọa cho Ấn Độ.
Tóm lại, những con đường tơ lụa đó tạo lợi thế cho hoạt động giao thương Á-Âu của Trung Quốc. Những cơ sở hạ tầng này tạo thuận lợi cho Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa, một thế mạnh quan trọng của Bắc Kinh. Những con đường này còn cho phép Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu nguyên nhiên liệu để rồi tái xuất khẩu dưới dạng các thành phẩm.
Ladakh : Chốt chặn cho cả Trung Quốc và Ấn Độ ?
Chỉ có điều những hành lang chiến lược này của Trung Quốc đã cản trở Ấn Độ kết nối thương mại với vùng Trung Á, có một tầm quan trọng cốt lõi cho New Dehli, theo như nhận xét của ông Serge Granger. Con đường ngắn nhất để Ấn Độ đến với Trung Á là đi qua Pakistan và Afghanistan. Đây cũng chính là một trong những tâm điểm của mọi căng thẳng Trung - Ấn tại vùng biên giới trên dãy Himalaya.
Vùng Ladakh, khu vực diễn ra cuộc xung đột Ấn - Trung, có một vị thế chiến lược quan trọng cho Trung Quốc. Khu vực này, dưới sự kiểm soát của Ấn Độ, nằm giữa Aksai Chin (Ấn Độ đòi chủ quyền, nhưng Trung Quốc kiểm soát) và thung lũng Shaksgam, thuộc vùng Baltistan (dưới sự kiểm soát của Pakistan). Đoạn biên giới có xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc, gây trở ngại cho Trung Quốc, kết nối quân sự và tiếp cận vùng Kashmir của Pakistan, vốn dĩ là một mắc xích quan trọng trong dự án BRI.
Việc chiếm đóng được vùng lãnh thổ phía bắc hồ Pangong hay chí ít thung lũng Galwan không những bảo đảm cho Trung Quốc tiếp cận được Pakistan, mà còn có thể ngăn cản Ấn Độ thâm nhập vào Afghanistan và vùng Trung Á. Để thực hiện ý đồ này, Bắc Kinh cho tiến hành chiến thuật "gấm nhấm" dần từng thước đất một tại đường LAC, theo như ghi nhận của báo Le Monde.
Đọ sức bất cân xứng ?
Về phần Ấn Độ, cảm thấy như bị vây hãm bởi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương và trên Châu lục, chính quyền New Dehli tiếp tục xây dựng cầu đường và các tuyến đường sắt chiến lược cho phép di chuyển quân dọc theo đường kiểm soát. Những động thái này khiến Bắc Kinh bực tức, xem đấy là một rào cản tiềm tàng cho "Hành Lang Trung Quốc – Pakistan", một trục chính cho con đường tơ lụa.
Mặt khác, trong nỗ lực đối trọng với con đường tơ lụa trên bộ của Trung Quốc, Ấn Độ lần lượt cho ra đời hai dự án : Thứ nhất là con đường vận tải Bắc Nam (North-South Transport) nối Mumbai với Saint-Petersbourg (Nga), qua ngả Teheran (Iran) và Baku, và thứ hai là trục xa lộ Ấn Độ – Miến Điện – Thái Lan, nối vùng đông bắc Ấn Độ với các nước Đông Nam Á.
Ở trên biển, cùng với Nhật Bản, chính quyền New Dehli khởi động dự án Asia Africa Growth Corridor (AAGC) nối Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á, Ấn Độ và Châu Phi.
Câu hỏi đặt ra : Liệu Ấn Độ có đủ thực lực để đọ sức dài lâu cùng với Trung Quốc hay không ? Xung đột tại biên giới ít nhiều cho thấy nỗi lo âu của New Dehli trước đà đi lên thành cường quốc của Bắc Kinh. Bởi vì, cách biệt về tương quan lực lượng ngày một lớn. Cách đây 30 năm, mức ngân sách cho quân sự của hai nước là ngang nhau. Ngày nay, Trung Quốc chi đến 260 tỷ đô la cho quân sự, cao hơn 3,5 lần so với mức chi của Ấn Độ chỉ có 71 tỷ đô la.
Trên lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ vẫn thua xa Trung Quốc theo như ghi nhận của Pascal Boniface, chuyên gia địa chính trị, trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS). "Trung Quốc có thặng dư mậu dịch so với Ấn Độ khoảng từ 50 – 60 tỷ đô la. Nhất là GDP của Trung Quốc (14.000 tỷ đô la/năm) cao hơn 4 lần của Ấn Độ (chưa tới 3.000 tỷ đô la/năm). Rõ ràng là Trung Quốc vượt xa hẳn Ấn Độ".
Cuộc tranh chấp này còn thêm phần gay gắt khi có bóng dáng của Mỹ. Chuyên gia Pascal Boniface nhắc lại, trong quá khứ, nhất là trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô là đồng minh của Ấn Độ và là đối thủ của Trung Quốc. Còn bây giờ, nếu như Trung Quốc là đồng minh của Pakistan, kẻ thù của Ấn Độ, thì New Dehli đang có xu hướng ngả dần theo Washington.
"Giờ đây, Ấn Độ dường như xích lại gần hơn với Mỹ. Thủ tướng Modi trở nên thân Mỹ hơn. Ông hy vọng rằng điều đó có thể giúp Ấn Độ có được vị trí cường quốc thứ 6 mà Ấn Độ mong muốn từ bao lâu nay. Hơn nữa, Ấn Độ cũng tỏ ra ganh tỵ trước việc Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà Ấn Độ không có được. Rồi Trung Quốc là cường quốc chính thức trong khi Ấn Độ chỉ là cường quốc không chính thức. Thế nên, sự đối đầu là rất lớn.
Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc dường như cũng có những tác động lên quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và New Dehli. Trung Quốc cũng muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng virus corona để khẳng định thế mạnh như là nước này đã làm với Hồng Kông, với Mỹ và đương nhiên là cả với Ấn Độ".
"Ván Cờ Lớn" giữa hai ông "khổng lồ" Châu Á liệu có đi đến chiến tranh hay không ? Về điểm này, giới chuyên gia đều cùng nhất trí : Cả Ấn Độ và Trung Quốc chẳng được lợi gì khi đối đầu trực diện. Nhưng sự việc cho thấy rõ thái độ nghi kị của Ấn Độ ngày càng lớn đối với Trung Quốc, rủi thay lại là một đối tác kinh tế không thể thiếu cho chính quyền thủ tướng Modi.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 25/06/2020
**********************
Ý đồ "dạy cho Ấn Độ một bài học" của Bắc Kinh thất bại
Mai Vân, RFI, 24/06/2020
Ngày 15/06/2020, một vụ đụng độ đẫm máu đã bất ngờ xẩy ra giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan vùng Ladakh, ở khu vực biên giới có tranh chấp giữa hai nước trên vùng Himalaya. Dù không dùng đến súng đạn, mà chỉ dùng gậy, đá và tay không, cuộc giáp lá cà đã khiến cho 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, và một tổn thất được cho là nặng hơn phía Trung Quốc, nhưng bị Bắc Kinh hoàn toàn che giấu.
Biểu tình đốt hàng hóa Trung Quốc và ảnh chủ tịch Tập Cận Bình tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 22/06/2020. Reuters - Adnan Abidi
Ai là người đã khơi mào cho sự cố biên giới, mà hãng tin Anh Reuters ngày 17/06 cho là nghiêm trọng nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ năm 1967 đến nay ? Câu hỏi này đến giờ chưa có lời giải đáp rõ ràng. Bắc Kinh thì tố cáo New Delhi cho lính vượt biên giới trước, ngược lại thì Ấn Độ khẳng định Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ của mình.
Trong bối cảnh đó, ngày 22/06 vừa qua, tạp chí Mỹ US News and World Report đã tiết lộ nội dung một thẩm định của tình báo Mỹ theo đó thì chính phía Trung Quốc đã ra lệnh tấn công vào lính Ấn Độ ở vùng thung lũng sông Galwan. Người ra lệnh là viên tướng Trung Quốc chịu trách nhiệm khu vực biên giới, nhưng theo giới phân tích, chủ tịch Trung Quốc không thể không biết đến lệnh tấn công này.
"Dạy một bài học" cho Ấn Độ như với Việt Nam ?
Tạp chí Mỹ đã trích dẫn một nguồn tin biết rõ bản báo cáo của tình báo Mỹ xác nhận rằng tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), tư lệnh Chiến Khu Tây Bộ của Quân Đội Trung Quốc, là người đã tán đồng chiến dịch tấn công ở vùng biên giới tranh chấp, nằm ở phía bắc Ấn Độ, nhưng ở phía tây nam Trung Quốc.
Theo nguồn tin trên, viên tướng họ Triệu là một trong số rất ít cựu binh có kinh nghiệm chiến trường thực thụ còn phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Là người đã giám sát những vụ đối đầu với Ấn Độ trước đây, tướng Triệu Tông Kỳ từng cho rằng Trung Quốc không nên tỏ ra mềm yếu để khỏi bị Mỹ và đồng minh của Mỹ, kể cả Ấn Độ, lợi dụng. Theo nhân vật này, cuộc "đối đầu" vừa qua là một "bài học dạy cho Ấn Độ".
Ý muốn giáo huấn Ấn Độ không khỏi gợi lại một cuộc chiến khác mà Trung Quốc đã khởi động, tấn công vào các tỉnh biên giới miền Bắc Việt Nam vào năm 1979, mà theo lời lãnh đạo Trung Quốc thời đó là Đặng Tiểu Bình, cũng nhằm "dạy cho Việt Nam một bài học". Theo nhận định chung của giới sử gia, Trung Quốc đã bị thua Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới đó.
Theo ghi nhận của tình báo Mỹ, tướng Triệu Tông Kỳ, người đã từng tham gia cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt với Việt Nam vào năm 1979, từng cho rằng các tướng lãnh Trung Quốc thời đó đã không xử lý đúng đắn cuộc xung đột với Việt Nam. Thế nhưng, gần đây hơn, vào năm 2017, viên tướng này cũng tham gia vào cuộc đối đầu với Ấn Độ ở Doklam, một khu vực tranh chấp khác dọc theo biên giới hai bên. Cuộc đọ sức kết thúc khi lính Ấn Độ đánh bật lực lượng Trung Quốc trước khi hai bên thỏa thuận cùng rút quân.
Bài học cho Ấn Độ bị phản tác dụng
Thông tin tình báo Mỹ kể trên hoàn toàn bác bỏ các khẳng định của Trung Quốc về những gì đã xẩy ra ở thung lũng Galwan. Sự cố đẫm máu không xuất phát từ tình hình căng thẳng leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát, mà bắt nguồn từ một quyết định có chủ đích của Bắc Kinh, muốn gởi một thông điệp cứng rắn đến Ấn Độ.
Vấn đề là sự cố đã gây nên một làn sóng phẫn nộ tại Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa dứt, và mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới khi gây sự cố là hù dọa Ấn Độ, buộc nước này mềm dẻo hơn trong những cuộc đàm phán tới đây, kể cả về tranh chấp lãnh thổ, như đã phản tác dụng, đẩy quốc gia này xích lại gần Mỹ hơn.
Khả năng Trung Quốc bị thiệt hại sẽ không nhỏ. Từ nhiều tháng qua, Hoa Kỳ luôn gây sức ép để New Delhi không sử dụng thiết bị của Hoa Vi cho màng lưới 5G của Ấn Độ. Sau sự cố vừa qua, có tin là nhiều người Ấn Độ đã xóa bỏ ứng dụng TikTok của Trung Quốc và phá hủy các điện thoại do Trung Quốc sản xuất.
Theo nguồn tin được tạp chí US News and World Report trích dẫn : "Hậu quả đã đi ngược lại những gì Trung Quốc mong muốn và không hề là một thắng lợi cho giới quân sự Trung Quốc".
Câu hỏi đặt ra là lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã can dự đến đâu trong những quyết định dẫn đến sự cố vừa qua. Giới bình luận quen thuộc với cách thức quyết định của Quân Đội Trung Quốc cho rằng ông Tập Cận Bình chắc chắn có biết về lệnh đưa ra.
Trong những tháng gần đây, binh lính hai nước đã tập trung hai bên biên giới, ở vùng Ladakh phía bắc Ấn Độ và vùng Aksai Chin phía tây nam Trung Quốc. Hawkeye 360, một công ty tư nhân chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh, khẳng định rằng ảnh vệ tinh chụp khu vực vào hạ tuần tháng 5 cho thấy dấu hiệu tăng cường lực lượng vũ trang bên phía Trung Quốc, với nhiều xe thiết giáp chở quân và pháo tự hành di chuyển lên vùng biên giới.
Giới lãnh đạo cao cấp Ấn -Trung vào thượng tuần tháng 6 đã đồng ý giải trừ quân bị và cùng rút quân ra khỏi vùng, nhưng lại tố cáo lẫn nhau là vẫn chuyển thiết bị đến khu vực, chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lâu dài. Trung Quốc còn tố cáo Ấn Độ xây dựng hạ tầng cơ sở như đường xá ở vùng mà Trung Quốc cho là của họ.
Trung Quốc kiểm duyệt thông tin về sự cố
Điểm đáng ghi nhận là thông tin của tình báo Mỹ về sự cố ở Galwan hoàn toàn trái ngược với lời kể chính thức của Trung Quốc.
Theo tình báo Mỹ, hôm 15/06, một sĩ quan cao cấp Ấn Độ cùng 2 hạ sĩ quan không mang vũ khí đã đi đến vùng này để gặp một phái đoàn tương tự của Trung Quốc bàn về việc rút quân. Thế nhưng họ đã bị hàng chục lính Trung Quốc trang bị gậy sắt hàn đinh, dùi cui, tấn công. Lính Ấn Độ đã can thiệp và một cuộc hỗn chiến nổ ra, khiến cho nhiều người chết vì những vũ khí tự tạo thô sơ, bị ném đá hay bị trượt vách núi.
Phía Trung Quốc không công bố nhiều chi tiết ngay sau vụ đụng độ. Trước phản ứng phẫn nộ kéo dài từ phía các quan chức và công luận Ấn Độ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, hôm 19/06 đã quy trách nhiệm cho Ấn Độ về "một loạt hành vi khiêu khích, đi vào vùng đất của Trung Quốc", để tấn công thô bạo vào sĩ quan và binh lính Trung Quốc đến nơi để thương lượng.
Dẫu sao thì đối với giới quan sát, rõ ràng là sự cố không mang lại kết quả như Bắc Kinh mong muốn, và truyền thông nhà nước Trung Quốc, thoạt đầu lớn tiếng chỉ trích Ấn Độ, quy trách nhiệm cho New Delhi trong vụ tấn công, nhưng sau đó đã hạ giọng, và đã xóa sự kiện ra khỏi các bản tin của họ.
Theo tình báo Mỹ, chính tướng Triệu Tông Kỳ đã tổ chức lễ tưởng niệm những người lính Trung Quốc bị chết trong cuộc tấn công. Thông thường, đây là dịp để guồng máy tuyên truyền lao vào, thế nhưng lần này, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã thẳng tay dẹp bỏ những thông tin và nhận định trên mạng xã hội về sự cố, trong đó có những thông điệp dùng đến các từ ngữ như "thất bại", "nỗi nhục", khi nói đến việc lính Trung Quốc thiệt mạng hay bị thương.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 24/06/2020
********************
Công luận Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc
Ấn Độ đang tìm cách đáp trả cuộc tấn công cách đây gần một tuần ở vùng ranh giới Ấn-Trung tại vùng Ladakh trên dãy Himalaya, đã làm 20 người thiệt mạng phía Ấn Độ và ít nhất 5 người phía Trung Quốc. Trước mắt khó thể sử dụng sức mạnh quân sự, một vòng đàm phán quân sự cấp cao Ấn-Trung thứ hai đã mở ra vào hôm nay, 22/06/2020 để tìm cách hạ nhiệt, nhưng nhiều tiếng nói đang vang lên tại Ấn Độ đòi tẩy chay hàng Trung Quốc.
2020Biểu tình phản đối Trung Quốc tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 19/06/2020 Reuters - Anushree Fadnavis
Theo thông tín viên RFI tại New Delhi, Sébastien Farcis, tẩy chay hàng Trung Quốc là một biện pháp có thể làm được, nhưng rất tốn kém đối với Ấn Độ :
"Liên đoàn các thương gia Ấn Độ đã khởi động cuộc tấn công, kêu gọi chính quyền tẩy chay 3000 mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Theo các doanh nhân, việc này có 2 điểm lợi : "tôn trọng nỗi tức giận của người Ấn bị thương tổn vì cuộc tấn công từ phía Trung Quốc và ngăn chặn việc Trung Quốc thâu tóm thị trường Ấn".
Thế nhưng 15% hàng nhập của Ấn Độ đến từ Trung Quốc, khiến cho việc tẩy chay trở nên phức tạp : Điện thoại thì Ấn Độ cũng sản xuất, nhưng đắt hơn và kém chất lượng hơn điện thoại Trung Quốc, hiện đang khống chế thị trường Ấn Độ. Trong lúc thất nghiệp ở Ấn lan rộng khắp nơi do dịch Covid-19, việc chuyển tiếp sẽ khó khăn.
Nhiều người kêu gọi đề ra những biện pháp mang tính biểu tượng, như việc xóa tên nhà sản xuất xe hơi Vivo của Trung Quốc ra khỏi danh sách nhà bảo trợ chính thức cho Liên Đoàn cricket Ấn Độ, một hợp đồng trị giá 245 triệu euro trong năm năm. Hội đồng quốc gia bộ môn thể thao này đã thông báo sẽ không chọn công ty Trung Quốc cho các công trình sửa sang hạ tầng cơ sở.
Nhưng trong khi chờ đợi, và đây là điều khá mỉa mai, một số chương trình truyền hình kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc lại được những nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc bảo trợ".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 22/06/2020