Nhiều chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc kêu gọi giám sát chặt xâm phạm nhân quyền ở Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 27/06/2020
Từ Tây Tạng, Tân Cương… giờ đây là Hồng Kông : tình hình nhân quyền bị xâm phạm nghiêm trọng tại Trung Quốc ngày càng trở thành mối lo ngại lớn. Hôm qua, 26/05/2020, gần 50 chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc ra một thông báo chung, tố cáo Bắc Kinh ngăn cản điều tra độc lập và kêu gọi cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ tình hình nhân quyền tại quốc gia này.
Biểu tình trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève phản đối Bắc Kinh. Dòng chữ trên biểu ngữ : "Trên 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc cần phải lên tiếng !" Reuters/Denis Balibouse
Theo hãng tin Pháp AFP, gần 50 chuyên gia hàng đầu của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, trong có nhiều báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền, đã đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng "đàn áp tập thể" đối với các cộng đồng thuộc các sắc tộc thiểu số, các tôn giáo, tại Tân Cương và Tây Tạng, cũng như việc sử dụng vũ lực thái quá, bạo hành tình dục chống lại người biểu tình tại Hồng Kông.
Riêng về Hồng Kông, các chuyên gia khẳng định luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh chuẩn bị áp dụng tại Hồng Kông "xâm phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Trung Quốc, và giới hạn nghiêm trọng các quyền tự do dân sự và chính trị tại khu tự trị".
Liên quan đến đại dịch Covid-19, thông báo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về tình trạng các nhà báo, nhân viên y tế, cũng như những người bày tỏ quan điểm trên mạng, thường bị chính quyền đàn áp, với cáo buộc tung tin giả, "gây rối loạn trật tự công cộng".
Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kêu gọi "đã đến lúc" cộng đồng quốc tế cần tập trung vào tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các hành động phối hợp quốc tế để buộc Bắc Kinh tuân thủ các cam kết của Trung Quốc với quốc tế trong lĩnh vực này.
Gần 50 chuyên gia nói trên đưa ra quan điểm với tư cách cá nhân, chứ không nhân danh bất cứ định chế nào của Liên Hiệp Quốc. Các chuyên gia cho biết đã nhiều lần đặt câu hỏi với chính quyền Bắc Kinh về vấn đề này, phía Trung Quốc thường xuyên bác bỏ mọi chỉ trích.
Theo các chuyên gia, ngược lại với hơn 120 thành viên khác của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã không tạo điều kiện cho các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc tiến hành điều tra chính thức, với thể thức giấy mời để ngỏ.
Trong vòng 10 năm nay, các chuyên gia chỉ được phép tiến hành tổng cộng 5 cuộc điều tra tại Trung Quốc về nhân quyền (liên quan đến an ninh lương thực, kỳ thị nữ giới, tình trạng bần cùng, người cao tuổi, nợ nần).
Nhóm chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc yêu cầu tổ chức một phiên họp đặc biệt về tình hình nhân quyền Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thành lập một nhóm chuyên gia có sứ mạng xem xét vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, hoặc bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt.
Các chuyên gia cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế, "trong các trao đổi và đối thoại, chất vấn chính quyền Trung Quốc về các nghĩa vụ của Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, bao gồm những điều được đề cập trong thông báo trên".
Tổ chức bảo nhân quyền Human Rights Watch hoan nghênh "lời kêu gọi chưa từng có này".
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 27/06/2020
******************
Thượng Viện Mỹ thông qua luật để bảo vệ quyền tự trị Hồng Kông
Thụy My, RFI, 26/06/2020
Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 25/06/2020 đã thông qua dự luật nhằm trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị xem là vi phạm các nghĩa vụ quốc tế mà Bắc Kinh đã cam kết đối với Hồng Kông.
Tuổi trẻ Hồng Kông kiên cường xuống đường phản đối Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, ngày 24/05/2020. © Reuters/Tyrone Siu
Luật này còn phải được Hạ Viện thông qua và tổng thống Donald Trump chuẩn y mới có hiệu lực. Tuy nhiên cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều ủng hộ, nhằm tạo thêm áp lực lên Bắc Kinh, ngoài các biện pháp đã được chính quyền đưa ra kể từ khi Trung Quốc loan báo áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông.
Theo dự luật trên, Washington có thể trừng phạt tất cả các định chế hoặc cá nhân có tham gia cụ thể. Chẳng hạn "các lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông", hoặc các đơn vị công an đàn áp người biểu tình ở đặc khu. Đặc biệt các ngân hàng tiến hành "các giao dịch đáng kể" với các định chế và cá nhân trên cũng bị trừng phạt.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen, một trong những người bảo trợ dự luật, tuyên bố : "Những gì mà chính quyền Trung Quốc đang làm đối với Hồng Kông là không thể chấp nhận được : họ hủy bỏ các quyền của người dân đặc khu". Theo ông, cần chứng tỏ cho Bắc Kinh rằng "nếu họ cứ tiếp tục thì sẽ phải trả giá".
Trong khi đó theo Reuters, sự ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông đã giảm xuống, trong lúc đặc khu đang chuẩn bị áp dụng luật an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Kết quả cuộc điều tra do Viện nghiên cứu dư luận Hồng Kông tiến hành cho thấy đại đa số phản đối luật an ninh, tuy nhiên số người ủng hộ phong trào phản kháng từ 58% hồi tháng Ba giảm xuống còn 51%.
Đa số các cuộc biểu tình trong những tuần qua cũng chỉ có vài trăm người tham gia, và nhanh chóng giải tán. Cảnh sát lấy cớ hạn chế tụ tập vì dịch virus corona, không cho phép tổ chức biểu tình và bắt một số lớn người đấu tranh.
Giáo sư Thành Danh (Ming Sing), trường đại học khoa học kỹ thuật Hồng Kông, lý giải tỉ lệ ủng hộ giảm có thể do người dân thấy Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn, khó thể tiếp tục nhấn mạnh các yêu sách. Còn theo phó giáo sư Viên Vĩ Hy (Samson Yuen), trường đại học Lĩnh Nam (Lingnan), thật ra sự ủng hộ dân chủ vẫn cao, nhưng do luật an ninh đã trở thành chủ đề thời sự chính, vượt qua đề tài biểu tình trong các cuộc thảo luận.
Thụy My
Nguồn : RFI, 26/06/2020
********************
Huawei sắp bị chính phủ Anh miễn cưỡng ép ra đi ?
BBC, 26/06/2020
Chính phủ Anh đang sắp ra quyết định về vai trò của tập đoàn Trung Quốc Huawei trong hệ thống 5G và mạng internet băng thông rộng tại Anh.
Huawei 5G
Trung tâm an ninh mạng quốc gia NCSC, thuộc ngành tình báo Anh, đã hoàn tất thu thập dữ kiện để báo cáo chính phủ.
Bộ Truyền thông, Kỹ thuật số thì đang xem xét hậu quả tài chính nếu áp đặt lệnh cấm hoặc hạn chế với Huawei.
Mới hồi tháng Giêng, chính phủ Anh tuyên bố Huawei vẫn được tiếp tục cung cấp thiết bị, chuyên môn cho các mạng Anh, tuy có hạn chế về thị phần của hãng.
Washington tiếp tục nói Huawei là rủi ro an ninh quốc gia, điều mà công ty phủ nhận.
Các trừng phạt mới nhất của Mỹ với Huawei, loan báo hồi tháng Năm, có vẻ đã tác động tới Anh quốc.
Trừng phạt mới nhất của Mỹ đe dọa khiến Huawei không thể cung cấp thiết bị truyền dữ liệu, và ảnh hưởng việc làm điện thoại và các mặt hàng dân dụng khác.
Chip Kirin 990
Năm ngoái, khi Huawei khoe chip di động mới Kirin 990 5G, họ nói chip này có hơn 10 tỷ bóng bán dẫn, hứa hẹn một hiệu suất vượt trội và ngốn ít điện năng hơn.
Nguyên do các sản phẩm phức tạp này có thể ra đời là vì ngành công nghiệp bán dẫn nay sử dụng các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA).
Vấn đề của Huawei là ba nhà thiết kế EDA hàng đầu đều có quan hệ với Hoa Kỳ.
Trừng phạt của Washington cấm Huawei và các bên thứ ba làm chip được dùng "công nghệ và phần mềm Mỹ".
Huawei National Cyber Security Centre
Synopsys và Cadence đều đặt ở California.
Siemens của Đức đã mua Mentor Graphics nhưng công ty này có trụ sở ở Wilsonville, Oregon.
Trừng phạt cũng cấm các nhà sản xuất dùng thiết bị bán dẫn dựa vào công nghệ Mỹ.
Ngay cả nếu Huawei chuyển sang dùng công ty SMIC đặt ở Thượng Hải, công ty này cũng phải tuân thủ lệnh của Mỹ hoặc đối diện trừng phạt.
Anh quốc có thể sẽ cho rằng quá rủi ro nếu chỉ dựa vào Huawei khi mà công ty Trung Quốc có thể không thể làm ra các linh kiện.
Hoa Kỳ vẫn còn thời gian để đảo ngược lệnh cấm trước khi chúng có hiệu lực vào tháng Chín.
Nhưng dẫu vậy, nếu chính phủ Anh muốn tìm cớ để xem lại quyết định hồi tháng Giêng, rủi ro về các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử có thể là cơ hội.
Nguồn : BBC, 26/06/2020