Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/06/2020

Nông thôn & Nông dân

Nhiều tác giả

Gia đình tôi đã đón nhận từ trước rồi. Đấu tranh với bọn cộng sản này thì không thể nhanh vội được... Tôi tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng trong tương lai. Bọn cộng sản này là bọn ăn cướp, cướp bóc của dân và hà hiếp tiếng nói của dân sẽ phải trả giá.

Gia trưởng Trịnh Bá Khiêm (BBC 25/06/2020)

nongthon1

Tôi tình cờ đọc được một bức thư rất cảm động của thi sỹ Nguyễn Quang Thiều ("Thư của đứa con những người nông dân") trên trang mạng của nhà văn Đào Hiếu. Xin mạn phép ghi lại đôi ba đoạn ngắn :

"Cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục năm trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm. Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu rực rỡ….

Ngày đó, người nông dân được tuyên truyền về tương lai của những cánh đồng. Tương lai này có thể gọi là thời đại cơ giới hóa. Máy móc và kỹ thuật sẽ trợ giúp việc canh tác của họ. Bản thân những người nông dân cũng tin và mơ ước như thế. Nhưng cho đến bây giờ, sau mấy chục năm, giấc mơ cơ giới hóa nông nghiệp đã coi như tan biến. Ngay cả những người tuyên truyền về giấc mơ này cũng ‘ngủ’ thiếp từ lâu. Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió".

Chỉ có điều hơi đáng tiếc là tôi đã không thể nào chia sẻ được với tác giả của đoạn văn thượng dẫn cái "cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió". Ôi, nếu được ("bỏ mặc") như thế thì may mắn cho họ biết chừng nào.

Được vậy thì làm gì có cảnh nhất đội nhì trời, rồi thay trời làm mưa hay nghiêng đồng cho nước chẩy ra ngoài mà đói rách vẫn quần cho sớm tối. Được vậy thì làm gì có chuyện mỗi người làm việc bằng ba để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân. Được vậy thì làm gì có tình trạng lạm phát đầy tớ, "một xã rất nghèo có 2.000 hộ, với gần 1 vạn dân mà có tới… 500 cán bộ".

Được vậy thì nông dân Quỳnh Lưu, Thái Bình đã không nổi dậy. Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy, Đặng Ngọc Viết, Đặng Văn Hiến đã không nổ súng. Và làm gì có chuyện một đứa bé vị thành niên phải (cùng cả gia đình) phải vào tù vì chống lệnh thu hồi, hay cảnh người dân khỏa thân giữ đất.

Cũng sẽ không có những mẩu tin nhan nhản hằng ngày trên báo chí khiến cho bất cứ ai (còn chút lương tri) cũng phải cau mày hay đỏ mặt :

Đến bước đường cùng, khi nông dân buộc phải phản ứng hay lên tiếng đòi hỏi công bằng và công lý thì lập tức họ bị đáp trả bằng bạo lực. Biến cố xẩy ra tại thôn Hoành, vào rạng sáng ngày 9/1/2020, được thông tín viên Trọng Thành (RFI) tường thuật như sau :

"Truyền hình Nhà nước phổ biến đoạn phim, vào giữa trời đêm, cảnh sát cơ động xả súng dữ dội vào một ngôi nhà dân bình thường ở Đồng Tâm, như thể tấn công vào một hang ổ mafia. Một ngày sau, công an trả lại xác của người thủ lĩnh tinh thần cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, với nhiều vết đạn. Thi thể bị mổ phanh. Hàng chục người dân bị bắt giữ, bị khởi tố về tội chống lại người thi hành công vụ, chống lại một quyết định giải tỏa đất của chính quyền. Sau cuộc tập kích trong đêm, Đồng Tâm tiếp tục bị phong tỏa. Ba viên sĩ quan công an thiệt mạng, sau khi bị rớt xuống ‘giếng trời’ trong nhà dân, ngay lập tức được chủ tịch Nước truy tặng huân chương. Lực lượng công an phát động phong trào học tập ‘gương hy sinh’' của ba chiến sĩ".

Sự việc không dừng tại đó. Hơn 6 tháng sau, RFA  thông tin :

"Sáng ngày 24/6/2020, Công an thành phố Hà Nội và công an tỉnh Hòa Bình tiến hành bắt giữ gia đình 3 người gồm bà Cấn Thị Thêu và 2 con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cùng với một nhà hoạt động ở cùng phường Dương Nội là bà Nguyễn Thị Tâm. Những người này thời gian qua đưa nhiều thông tin về vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm vào đầu năm nay lên các trang mạng xã hội. Bạn nghĩ sao ?".

nongthon2

Công luận, tất nhiên, phẫn nộ và phẫn uất :

  • Từ Thức : "Sức chịu đựng của người Việt Nam quả thực khủng khiếp, nhưng hiện tượng những người nông dân như bà Thêu, bà Tâm can đảm đứng dậy, bất chấp hiểm nguy, chứng tỏ cái giới hạn đó đã vượt qua. Cái hố giữa dân và tập đoàn cầm quyền sẽ không ai lấp nổi".
  • Thanh Hieu Bui : "Tôi ứa nước mắt, tôi đau đớn trước thái độ bình thản của Trịnh Bá Phương lắm. Một người nông dân, một người cha, một người đàn ông hàng ngày ngồi chợ bốc cua cân bán, nào phải anh hùng gì đâu, được tôi luyện rèn giũa như quân đội, công an đâu. Cái khí chất ấy không phải khí chất của một anh hùng, một tráng sĩ. Đó là phản ứng của một con người hiền lành, chất phác đã tuyệt vọng về đạo lý, pháp luật ở xã hội này".
  • Trần Bang : "Nhìn vào ánh mắt của ba mẹ con nhà Trịnh Bá, lòng tôi như quặn thắt lại, ánh mắt đầy sầu thảm, gần như chỉ ánh nhìn đó thôi, mà như mang cả hình hài của đất nước hôm nay : đầy bất công, đầy đau khổ, bị đày đọa, áp bức, cùng cực vô vọng, không lối thoát từ trong ánh nhìn ấy".
  • Đỗ Việt Khoa : "Hiện nay, những kẻ có quyền thường chụp mũ cho những người phản kháng là phản động phá hoại đất nước ? Thử hỏi ai thực sự là phản động chống phá đất nước ?
  • Phạm Thanh Nghiên : "Tóm lại, cả 6 người bị bắt ‘can tội’ nói thật, không chịu thoả hiệp, khuất phục trước chế độ độc tài".
  • Paul Trần Minh Nhật  : "Điều tôi khâm phục nhất ở những người nông dân này là họ đã không chỉ đi đòi công bằng cho mình, mà đã tự trau dồi học tập và còn đòi công lý cho những người thấp cố bé miệng khác".
  • Trịnh Kim Tiến : "Dân oan, đặc biệt dân oan trong lĩnh vực đất đai chính là khối u chờ ngày phát tác của đảng. Họ không chữa trị cho lành, mà dùng bạo quyền bắt bớ, hành động này sẽ chỉ khiến cho khối u nhanh chuyển sang giai đoạn cuối hơn thôi".
  • Doan Thuy : "Bắt giữ một lúc sáu người nhằm cô lập tiếng nói của họ trước vụ án Đồng Tâm là cách mà Bộ Chính Trị Việt Nam một lần nữa áp dụng cho thấy tầm nhìn hạn hẹp, tư duy bạo lực và chủ nghĩa gông cùm vẫn chi phối mọi hoạt động của nhà nước Việt Nam trong nhiều năm qua và đang tiếp tục đe dọa người dân".
  • Pham Doan Trang : "Họ bị bắt vì họ là những người nông dân nổi dậy, là nhân chứng sống của một thời khủng bố đỏ tàn bạo, là những tiếng nói tranh đấu dũng cảm và chính trực nhất còn lại ở Việt Nam lúc này".

Tôi thì trộm nghĩ hơi khác FB Đoan Trang chút xíu : Việt Nam có hàng ngàn Tiên Lãng, Đồng Tâm, Dương Nội. Những thôn ổ này luôn là nơi sản sinh ra những nông dân ("vài ngàn năm đứng trên đất nghèo") Lê Đình Kình, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thùy Dương, Trịnh Bá Khiêm, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư ... Hàng hàng/lớp lớp, họ sẵn sàng nối tiếp tiền nhân – không bao giờ dứt – để gìn giữ và bảo vệ quê hương. Quyết định đối đầu với sức mạnh của cả một dân tộc là một lỗi lầm chí tử của những kẻ đang nắm giữ quyền bính hiện nay.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 28/06/2020 (tuongnangtien's blog)

***********************

Quy hoạch đất đai chịu sự chi phối lợi ích nhóm quyền lực chính trị ?

Triệu Tử Long, VNTB, 29/06/2020

Hầu hết các vụ thưa kiện liên quan đến đất đai, đến từ việc quy hoạch đều có các ‘bị đơn’ là những thế lực chính trị mà người ta hay gọi đó là ‘nhóm lợi ích’.

nongthon3

Nếu có một nhóm cư dân nào đó phản đối, việc phân xử ở đây phải là sự trung lập của cơ quan tòa án, chứ không phải là mệnh lệnh hành chính mang tính ép buộc từ chính quyền.

Về nguyên tắc, việc quy hoạch phải lấy ý kiến nhân dân trong Luật Quy hoạch đô thị đã quy định. Nhưng nhân dân có hàng nghìn hàng vạn người, nên những ý kiến đó đã phải là đại diện nhân dân chưa, tất nhiên vẫn phải chú ý xem xét cẩn trọng. Lẽ đó nên việc lấy ý kiến cũng phải là những ý kiến có tính nghiệp vụ cao. Ví dụ hỏi công chức nhà nước có ý kiến khác, người buôn thúng bán mẹt ý kiến khác.

Và ngay cả khi quy hoạch có sự tham gia của những tổ chức điều tra xã hội học độc lập đi chăng nữa, thì nếu có một nhóm cư dân nào đó phản đối, việc phân xử ở đây phải là sự trung lập của cơ quan tòa án, chứ không phải là mệnh lệnh hành chính mang tính ép buộc từ chính quyền.

Ở đây lại có một đe dọa của điều luật hình sự số 117 "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Sở dĩ gọi là đe dọa vì nếu có nhóm cư dân nào đó kiên quyết phản đối về một dự án quy hoạch nào đó, thì rất có thể những biện chứng để phản đối mà người dân đưa ra, sẽ dễ bị hiểu theo cách của hình sự hóa về hành vi của "chống Nhà nước".

Một dẫn chứng. Trong vụ nhà chức trách đã dùng vũ lực để san bằng nhà cửa, đất đai đang canh tác ở khu vườn rau Lộc Hưng,  phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, và rồi sau đó nhà chức trách cho cắm tấm bảng lớn trên phần đất cưỡng chế đó, thông báo rằng đây là dự án quy hoạch làm trường học theo chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên khi tra cứu lại toàn bộ dữ kiện về dự án quy hoạch làm trường học trên khu đất vườn rau Lộc Hưng, người ta không thấy các trình tự về lấy ý kiến nhân dân mà Luật Quy hoạch đô thị đã quy định.

Tình huống sau khi ‘giải tỏa trắng’, và bất đầu tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho quy hoạch nơi đây làm dự án trường học theo chuẩn quốc gia, chắc chắn sẽ thu nhận ý kiến chung là không phù hợp, vì mật độ các trường học quanh khu vực này đã nhiều, mật độ xe cộ lưu thông đông đúc, do đó nếu lại có trường học tiếp tục xây cất mới ở đây sẽ là mất quân bình về nhu cầu học sinh tính trên bình quân dân số địa phương.

Rất nhanh sau đó, viện dẫn là ý kiến thu thập chung cho kết quả cần thay đổi nội dung dự án.

Trước khi có Luật Quy hoạch đô thị, những kịch bản thay đổi tương tự đã xảy ra ở dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề khác ở đây là quyền tiếp cận thông tin của người dân trong vấn đề quy hoạch. Quyền này rõ ràng khi mang so với nhóm quyền lực chính trị đang muốn nhắm đến thao túng các dự án quy hoạch, cho thấy một lần nữa là không có chế định nào để bảo vệ người dân, và đe dọa của lưỡi gươm Damocles tiếp tục lơ lửng, mà điều khoản 117 của Bộ luật hình sự là ví dụ. Đây cũng chính là một trong những nguyên do đưa đến các bi kịch tái diễn của vụ án đồng Nọc Nạng thời nay ; có khác chăng là những nông dân luôn thua, chứ không thể thắng như Tòa Đại hình Cần Thơ đã tuyên cho gia đình người nông dân nhà Biện Toại vào ngày 17/8/1928.

Lẽ ấy nên không quá lời khi nhận xét rằng trong không ít trường hợp, quy hoạch đất đai chịu sự chi phối lợi ích nhóm quyền lực chính trị. Vạ lây ở đây là khi sự phẫn uất lên mức cùng cực, người dân sẳn sàng ‘thí mạng cùi’ để chống lại cả Nhà nước và Đảng cộng sản, vì họ cho rằng đây là những ‘bề trên’ dung túng cho các nhóm lợi ích – nói như ví von của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là ‘ăn quá dày’ (!?).

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 29/06/2020

*********************

Luật đất đai đang chính trị hóa về quan hệ dân sự ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 29/06/2020

Bộ trưởng Tư pháp, ông Lê Thành Long, nói rằng sở dĩ chưa nên sửa đổi luật đất đai trong lúc này, vì chờ đợi quyết sách ở nhiệm kỳ mới của Đảng sẽ bắt đầu từ quý 1/2021.

nongthon4

Sở hữu đất đai là một khái niệm chính trị ?

"Theo Chính phủ, với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, Luật đất đai tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị – xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng.

Hơn nữa, sau Đại hội Đảng XIII, nghị quyết mới sẽ được ban hành. Đây là nghị quyết mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai". Ông Lê Thành Long, giải thích.

Với lo ngại ‘thế lực thù địch lợi dụng’, cho thấy cách hiểu trong làm luật đất đai ở Việt Nam là nhằm đáp ứng cho những nhiệm vụ chính trị, với các yêu cầu cụ thể ở từng giai đoạn mà đảng chính trị đưa ra.

Trước tiên, "sở hữu toàn dân" về đất đai trên hết là một khái niệm chính trị. Khái niệm này rất khó dùng như một định nghĩa pháp lý trong điều chỉnh pháp luật, và các giao dịch luật pháp. Thông qua những thủ thuật rắc rối, ví dụ đưa ra các thuật ngữ rất khó phân tách như chế độ sở hữu và hình thức sở hữu, Bộ Luật dân sự của Việt Nam trên thực tế tìm cách làm mờ dần "chế độ sở hữu toàn dân", biến nó thành khái niệm chung, rồi từ đó cụ thể hóa dần qua các đạo luật và văn bản dưới luật.

Các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân, được điều 197 Bộ Luật dân sự năm 2015 định nghĩa là "tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Đan xen lợi ích để nhằm gia tăng lợi nhuận ?

Luật đất đai hiện hành xác định cụ thể 3 cơ chế thu hồi đất : Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh ; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng ; và thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư.

Có thể dẫn chứng ba sự kiện thời sự để dễ hình dung : vụ đất đai xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là câu chuyện của thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, và sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư – ở đây là một tập đoàn của quân đội.

Vụ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh là nhằm đến phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, đan xen với các dự án của chủ đầu tư thuần túy kinh doanh lợi nhuận. Lý do "lợi ích công cộng" là giải thích trong san bằng nhà cửa, đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Ở đây cũng đan xen là dự án bất động sản ‘đi kèm’ của chủ dự án.

Trên thực tế thì dù cơ chế nào, tất cả đều là lằn ranh chồng lấn nhau của việc nhân danh các lợi ích để tìm mọi cách giảm thấp nhất số tiền sẽ xuất chi, gọi là ‘đền bù thu hồi đất’ của dân chúng.

Việc chồng lấn nhau này còn xuất phát từ thực tế đất công ở Việt Nam không có chủ rõ ràng. Gọi là không có chủ rõ ràng, vì bờ biển, các nguồn nước của Việt Nam hiện đã bị chia cắt bởi vô số các tổ chức và doanh nghiệp, được khai thác vì lợi ích các tổ chức ấy ; có nghĩa là vì lợi ích của nhóm quyền lực chính trị nào đó trong bộ máy công quyền.

Vì sao không là thuận mua, vừa bán ?

Một nguyên nhân có lẽ là cốt lõi cho mọi vấn đề liên quan đến người dân trong quyền tư hữu đất đai, đó là khi nhân danh lợi ích quốc gia, tại sao không trưng thu, trưng mua, mà lại ban hành quyết định thu hồi như hành vi ép buộc với sức mạnh đe dọa của công quyền ?.

Đơn cử, khi ban hành quyết định thu hồi đất nông nghiệp, thì nhà nước chỉ đền bù bằng giá trị sản lượng lúa thu hoạch trong 4 năm. Trong khi hạn điền lại quy định 20 năm cho người dân. Rõ ràng, 16 năm tiếp theo người nông dân đó bị mất thu nhập.

Luật dân sự ở Việt Nam có nhấn mạnh đến quyền sử dụng đất. Vậy thì tài sản người ta tạo lập trên đó là của từng cá nhân, tài sản được hiến pháp bảo vệ, nên làm sao lại có kiểu thu hồi nhà – đất của người ta được ?.

Tìm hiểu các nội dung luật tương tự về quyền tư hữu đất đai của người dân, cả thế giới dường như chỉ mỗi Việt Nam sử dụng mệnh lệnh mang tính bắt buộc là thu hồi đất. Ở Trung Quốc, hiện áp dụng phương thức trưng mua, chứ không ‘thu hồi’ như Việt Nam.

Nói thêm, ngay cả biện pháp trưng thu cũng là hình thức được coi là chẳng khác mấy với cưỡng chế người dân phải từ bỏ quyền sở hữu tài sản đất đai, nên rất ít quốc gia sử dụng, mà để thị trường tự quyết định. Nhà nước đứng vai trò trung gian, không phải là người đứng ra thu hồi.

Thuận mua, vừa bán là một nguyên tắc của công bằng. Sử dụng sức mạnh của quyền lực chính trị để can thiệp vào các quan hệ dân sự, vào những nội dung luật pháp, tiếc thay, lại phổ biến lâu nay ở Việt Nam. Chính lẽ đó nên khó trách lo ngại của bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long : "Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị – xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng".

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 29/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tưởng Năng Tiến, Triệu Tử Long, Hoài Nguyễn
Read 544 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)