Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/07/2020

Vụ án Hồ Duy Hải : ông Trương Hòa Bình và công lý chi bộ

Nguyễn Ngọc Già - Nguyễn Anh Tuấn

Ông Trương Hòa Bình sai căn bản về vụ án Hồ Duy Hải

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 27/06/2020

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/6/2020 đưa tin ông Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri Long An với tư cách Phó Thủ tướng.

vuanhdh1

Ông Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri Long An với tư cách Phó Thủ tướng ngày 26/06/2020

Trước vụ án Hồ Duy Hải, ông Bình đã trả lời theo thắc mắc của nhiều người như sau :

1. Pháp luật quy định có thể xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nếu phát hiện sai lầm nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án.

Ông Trương Hòa Bình không được phép dùng "bản chất vụ án", vì nó không hề được quy định trong Bộ Luật Tố Tụng Hình sự. Trong bộ luật này chỉ có khái niệm "xác định sự thật của vụ án" (điều 15).

Mặt khác, khái niệm "bản chất" và khái niệm "sự thật" khác nhau hoàn toàn.

"Bản chất" là một khái niệm trừu tượng, còn "sự thật" là khái niệm cụ thể. Triết Học là nền tảng căn bản cho Luật Học và các ngành khoa học khác.

2. Công lý vẫn từ tòa án ra phán quyết.

Ông Trương Hòa Bình không được phép nói như vậy. Bởi vì, trong các quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, Tòa các cấp chỉ dùng "nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Đậy là một khái niệm vô nghĩa, bởi "nước" là từ chỉ phạm vi lãnh thổ (ví dụ : nước Mỹ, nước Nga, nước Việt Nam v.v...) tức là "không có tính người" (thì làm sao kết án được) nhưng buộc chấp nhận vì các tòa đã dùng từ trước tới nay.

Theo phân tích trên, ông Bình phải nói "công lý vẫn từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra phán quyết".

Tại sao nói "nước" không có tính người mà vẫn dùng ? Thưa rằng, lẽ ra tòa phải dùng chữ "nhân danh nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" mới đúng, vì "nhà nước" có tính người (tức là do người dân lập ra thông qua bầu cử).

Từ đó suy ra, việc kết án Hồ Duy Hải, Tòa (dù tối cao) không phải là phán quyết cuối cùng mà phải là Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu sự điều khiển từ Bộ Chính trị Đcộng sản Việt Nam và phải phục tùng Bộ chính trị Đcộng sản Việt Nam.

Tóm lại, Bộ Chính trị có trách nhiệm ban hành nghị quyết hoặc ra chỉ thị yêu cầu Tòa Tối Cao phát hành phán quyết cuối cùng mà phán quyết đó phải trả tự do cho Hồ Duy Hải. Có như thế, mới đúng quy trình và hợp lý luận với cương lĩnh Đcộng sản Việt Nam.

Mặt khác, vì người cộng sản Việt Nam không (chịu) nhân danh công lý (công lý có "tính người" bởi chỉ có loài người mới có đủ lương tri để (mà) nhân danh đưa ra phán quyết cho một vụ án), nên cách nói "công lý phải từ tòa án ra phán quyết" biểu hiện tư tưởng bất tuân cương lĩnh Đcộng sản Việt Nam của ông Trương Hòa Bình trong tư cách Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Người cộng sản Việt Nam cần thay đổi về hình thức trình bày kết án. Cụ thể, phải hủy bỏ cái gọi là "nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và thay bằng "nhân danh công lý".

Nhân danh công lý là khái niệm mà các nước văn minh đều dùng xưa nay.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 27/06/2020 (nguyenngocgia's blog)

*****************

Công lý chi bộ

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 28/06/2020

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là việc 17 thẩm phán giơ tay biểu quyết y án tử hình. 

Không khác gì một phiên họp chi bộ đảng. 

vuanhdh3

Trong phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là việc 17 thẩm phán giơ tay biểu quyết y án tử hình.

Cũng dễ hiểu thôi khi mà 17 thẩm phán trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, cũng như toàn bộ thẩm phán Việt Nam, đều là đảng viên - chỉ riêng thực tế này đã đủ để phủ nhận mọi lập luận về tính độc lập của hệ thống tòa án Việt Nam hiện nay. 

Bởi thế, đôi khi khó có thể phân định khi nào các thẩm phán đang nghị án, khi nào thì các "đảng viên làm công tác xét xử" đang họp chi bộ, vì tuy hai mà một. 

Nghĩa là án nào ở Việt Nam cũng tiềm ẩn thành án chính trị, được phân xử không dựa trên chứng cứ, mà là những cân nhắc về ảnh hưởng chính trị. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc giơ tay biểu quyết bản án cũng là bình thường, dẫn chiếu bộ phim nổi tiếng 12 Angry Men trong đó 12 bồi thẩm viên khi thì bỏ phiếu khi thì giơ tay quyết định nghi can có tội hay không. 

Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng là 12 bồi thẩm viên có thể giơ tay biểu quyết, song cả 12 bồi thẩm viên này, theo luật Hoa Kỳ, đều là dân thường được chọn tham gia bồi thẩm đoàn như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân. 

Nghĩa là giữa họ không ai có tư cách hơn ai, cả về quyền lực lẫn chuyên môn pháp lý, để có thể gây áp lực lên người khác và khiến kết quả biểu quyết thiếu khách quan. 

Điều này hoàn toàn khác với phiên nghị án vụ Hồ Duy Hải hôm trước khi mà 16 thẩm phán còn lại đều là cấp dưới của Chánh án Nguyễn Hòa Bình - người đã bị chỉ ra từng quyết định không kháng nghị vụ Hồ Duy Hải khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. 

Đó là chưa nói trong chi bộ đảng ở Tòa án Nhân dân Tối cao, tất cả các thẩm phán đều là đảng viên cấp dưới của của Bí thư Nguyễn Hòa Bình.

Vậy thì làm sao việc giơ tay biểu quyết khi nghị án như vậy có thể đảm bảo khách quan cho được ?

Hình thức nghị án kiểu chi bộ đảng này cần phải chấm dứt, và nếu phải sửa đổi thì không cần tìm đâu xa, hãy học từ Bộ luật Hình sự Tố tụng 1972 của Việt Nam Cộng Hòa :

"Điều thứ 348 - Chánh thẩm và các phụ thẩm lấy tấm phiếu có in tiêu đề tòa đại hình cùng hàng chữ : "Tôn trọng danh dự, thành thực với lương tâm, ý thức trách nhiệm trước nhân loại, chúng tôi xin trả lời như sau câu hỏi đã được đặt ra".

Các vị trên sẽ ghi trên phiếu chữ "có" hoặc "không" một cách thật kín đáo khiến không để lộ sự biểu quyết của mình. Sau đó, các tấm phiếu được gấp lại làm tư và trao cho chánh thẩm để vào thùng phiếu".

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 28/06/2020 (nguyenanhtuan's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Anh Tuấn
Read 617 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)