Bộ Công an ‘vào cuộc’ vì tham nhũng hay… đại hội đảng ?
Trân Văn, VOA, 30/06/2020
Báo chí Việt Nam vừa đồng loạt loan báo, Bộ Công an đã… "vào cuộc" – điều tra hàng loạt dự án bất động sản ở tỉnh Bình Dương. Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là C03) mới yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp hồ sơ, tài liệu để làm rõ dấu hiệu sai phạm ở nhiều dự án bất động sản tại thành phố Thuận An và Dĩ An (1).
Bộ Công an vô cuộc điều tra hàng loạt dự án bất động sản ở Bình Dương
Có một điểm đáng chú ý là 17 dự án bất động sản của bốn doanh nghiệp được C03… đột ngột quan tâm và vừa yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp hồ sơ đều đã được Thanh tra xác định có sai phạm từ… 2014. Thậm chí trong Kết luận công bố cách nay sáu năm, Thanh tra còn nêu đích danh nhiều viên chức đã hỗ trợ những doanh nghiệp này "phân lô bán nền", kể cả khu vực đã được qui hoạch làm… công viên (2) !
Kết luận Thanh tra vừa đề cập khuấy động dư luận đến mức Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng từng yêu cầu Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo Công an tỉnh Bình Dương tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát tỉnh Bình Dương "khẩn trương xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý theo đúng quy định pháp luật, nếu đủ căn cứ thì khởi tố xử lý hình sự" từ… 2015 nhưng đến nay vẫn không có vụ án nào vì… vụ việc phức tạp, liên quan nhiều cán bộ, đảng viên, khó thu thập chứng cứ…
Ở Bình Dương không chỉ có bốn doanh nghiệp tư nhân với 17 dự án bất động sản bộc lộ đủ thứ dấu hiệu bất thường, đáng phẫn nộ liên quan đến việc… sử dụng đất đai thuộc sở hữu toàn dân ! Tại tỉnh này còn có một tổng công ty của… Tỉnh ủy Bình Dương, thành lập một công ty con, sau đó tổ chức chuyển nhượng vốn để biến công ty này thành doanh nghiệp tư nhân có quyền… định đoạt 43 héc ta đất vẫn được ví von là "đất vàng" ở thành phố Bình Dương và nay trở thành một trong những lý do kéo C03… vào cuộc !
Tuy nhiên những lý do vừa kể chưa đủ để hình dung mức độ bát nháo trong định đoạt - sử dụng đất đai ở Bình Dương. Bình Dương vừa làm thiên hạ sửng sốt khi tổ chức thanh tra Vinamit Organic Farm của Vinamit. Vinamit là doanh nghiệp đã cũng như đang sử dụng 152 héc ta đất ở Bình Dương để trồng – chế biến rau, trái cung cấp cho cả thị trường trong nước lẫn xuất cảng. Sau 25 năm loay hoay với đầu tư vào nông nghiệp, Vinamit trở thành thương hiệu hiếm hoi được cả trong lẫn ngoài Việt Nam nhìn nhận.
Cũng sử dụng đất nhưng Vinamit không "phân lô, bán nền", đồng thời đã thanh toán đủ tiền thuê đất để được sử dụng đất lâu dài làm trang trại, cung cấp nguyên liệu cho hệ thống chuyên chế biến nông sản mà sản phẩm đã được các cơ quan kiểm định chất lượng của Mỹ, của Châu Âu xác nhận có quyền bán rộng rãi tại những thị trường này. Tuy nhiên do có… "một cử tri", đến nay vẫn chưa có ai biết danh tính, thắc mắc về… đóng góp của Vinamit và đề nghị "thu hồi đất để quy hoạch khu dân cư dọc các tỉnh lộ 504, 508"… thành ra chính quyền tỉnh Bình Dương quyết định… "kiểm tra". Rồi do những hạn chế về quyền hạn theo… quy định pháp luật trong "kiểm tra", tìm chưa ra những sai phạm về sử dụng đất để thu hồi đất, chính quyền tỉnh Bình Dương quyết định"thanh tra toàn diện dự án nông nghiệp của Vinamit" (3).
Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam liên tục cam kết, thậm chí soạn – ban hành hàng loạt qui định pháp luật để kêu gọi – khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nhằm nâng cao nội lực quốc gia, cải thiện đời sống nông dân và bất kể những băn khoăn về cách đối xử với Vinamit giống như xé toan những cam kết và qui định pháp luật ấy (4), song đại diện chính quyền tỉnh Bình Dương vẫn khẳng định "kiểm tra" rồi "thanh tra toàn diện" Vinamit là… bình thường, bởi : Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý, dân và doanh nghiệp chỉ có quyền sử dụng. Cần quy hoạch lại thì nhà nước quy hoạch. Quyền quy hoạch sử dụng đất, định hướng sử dụng đất là quyền của nhà nước, thấy cần thì quy hoạch… Liệu còn ví dụ nào mới hơn, rõ hơn để minh họa vì sao việc sửa Luật Đất đai ban hành năm 2013 liên tục bị trì hoãn ?
***
Tuần trước, ông Lê Viết Chữ (Ủy viên Ban chấp hành trung ương – Ban chấp hành trung ương - Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi) và ông Trần Ngọc Căng (Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi) cùng gửi đơn xin từ chức (5), sau khi cùng bị giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam "cảnh cáo" (6). Cả ông Chữ và ông Căng bị "cảnh cáo" rồi xin từ chức đều vì những vi phạm rất nghiêm trọng trong "quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ" suốt giai đoạn đầu thập niên 2010.
Tại sao không nơi nào điều tra, xử lý mà tiếp tục… qui hoạch để ông Chữ, ông Căng tiếp tục bước những bước dài hơn, ngồi vào những vị trí cao hơn với quyền lực lớn hơn trong nhiệm kỳ vừa qua và do vậy, tính chất, mức độ vi phạm trở thành nghiêm trọng hơn ? Tại sao Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chỉ "vào cuộc" khi thảo luận - thực hiện qui hoạch nhân sự cho nhiệm kỳ tới trở thành trọng tâm ?
Tương tự, tại sao bây giờ, khi qui hoạch nhân sự cho các vị trí "chiến lược" và "chủ chốt" cả trong đảng lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương rất… nóng thì Bộ Cộng an mới quan tâm đến những sai phạm đã được kết luận cách nay năm, sáu năm ở Bình Dương và… "vào cuộc" ? Nếu phòng - chống tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm, có ai dám vứt bỏ mọi thứ từ chủ trương, các cam kết, qui định pháp luật đến hậu quả để "kiểm tra" rồi "thanh tra toàn diện" Vinamit như vừa thấy ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/06/2020
Chú thích
(3) https://nld.com.vn/kinh-te/thanh-kiem-tra-vinamit-lien-tuc-binh-duong-noi-gi-20200623210916776.htm
(4) https://vnexpress.net/thanh-tra-va-doanh-nghiep-4118786.html
(6) https://plo.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-ky-luat-canh-cao-bi-thu-quang-ngai-le-viet-chu-918938.html
********************
Nhân rộng mô hình giám đốc công an là người ngoài tỉnh để chống tham nhũng : bổn cũ soạn lại trước đại hội đảng ?
RFA, 01/07/2020
Đảng ủy Công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an thời gian qua đang quyết tâm thực hiện bố trí giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương.
Công tác chống tham nhũng chỉ được thực hiện mạnh tay bằng cách diệt trừ phe nhóm trong nội bộ đảng. Ảnh minh họa. AFP
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết chủ trương vừa nêu được nói nhằm hạn chế những tác động "thân hữu", "cánh hẩu" để xảy ra những vụ việc tiêu cực ngày càng phức tạp.
Vẫn theo lời Thiếu tướng Hồng, hiện giám đốc công an tỉnh cơ bản đều được điều động từ nơi khác đến trong quá trình kiện toàn nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới.
Trao đổi với RFA vào tối 1/7, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho hay chính sách bổ nhiệm người không ở địa phương đã được ‘các cụ ngày xưa’ sử dụng một cách rất hữu hiệu và thành luật hẳn hoi. Sau bao nhiêu năm thì bây giờ chính phủ Hà Nội quay lại cách làm như vậy.
"Nó là một biện pháp tôi nghĩ là quan trọng, có thể góp phần vào chuyện chống tham nhũng ở một khía cạnh là người địa phương mà làm trùm ở đấy thì kéo bè, kéo cánh, kéo người thân vào làm lũng đoạn bộ máy. Còn người ở địa phương khác đến thì mối quan hệ thân cận như thế sẽ ít đi, không thể nói là loại trừ được tham nhũng. Nó góp phần vào chuyện chống bè cánh, chống chuyện thân hữu và như thế góp phần vào việc chống tham nhũng".
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết chuyện điều động lãnh đạo không phải người địa phương không nên gói thành câu chuyện riêng của ngành công an, mà nên triển khai đồng bộ ở các ngành khác.
Ông đưa ra điển hình những nơi có thể áp dụng như tòa án, viện kiểm sát, cùng trong hệ thống tư pháp cũng phải đồng bộ mới phát huy hiệu quả đến cùng.
Nhiều người đồng tình với phương án này bày tỏ quan ngại liệu biện pháp thuyên chuyển có thật sự dễ dàng trong bộ máy nhà nước hiện nay ?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi nhân sự như vậy để có thể đẩy lùi tham nhũng.
"Thay thì phải thay ông Bí thư Đảng và toàn bộ bộ máy chính như công an, các nơi khác… nhưng quan trọng nhất là Bí thư Đảng ủy của tỉnh hay của huyện đó. Đấy là người có quyết định cao nhất ở mỗi địa phương. Công an cũng như vậy nhưng nó lại là chuyện tương đối khác vì hệ thống từ trên xuống dưới của nó rất chặt chẽ".
Từ Sài Gòn, Nhà hoạt động dân sự Trần Bang lại không đồng tình với công tác nhân sự vừa nêu vì không đem lại hiệu quả. Theo ông, quan điểm phong kiến là sợ một người làm quan cả họ được nhờ. Người địa phương đưa họ hàng, con cháu anh em nhiều vào bộ máy dẫn đến chuyện thiên vị.
Vẫn theo ông Trần Bang, đối với nước nhỏ như Việt Nam hiện nay, khi chống tham nhũng thì cả dân tộc có tiếng nói chung, văn hóa chung nên việc dùng người địa phương khác đến địa phương này lại không thể áp dụng được nữa :
"Theo tôi đấy không đúng với thời đại bây giờ vì họ đã muốn tham nhũng thì ở đâu cũng tham nhũng được. Khi họ gặp nhau ngoài trung ương hoặc một người đến xin quyết định thì có khi người lạ lại tham nhũng dễ hơn người quen. Tham nhũng đơn giản với các ông, người ta chỉ cần ông ký vô dự án thì sẽ chia chác bao nhiêu phần trăm, cần gì phải người nhà, họ hàng. Càng người lạ càng dễ mặc cả, tham nhũng. Tôi đã từng ở trong hệ thống nên tôi biết như vậy. Việc điều động người từ địa phương này sang địa phương khác để chống tham nhũng thì tôi cho rằng họ không hiểu biết khoa học chính trị, khoa học nhà nước".
Những năm gần đây, hàng loạt các vụ án tham nhũng từ các vụ đại án liên quan đến các quan chức lớn trên trung ương, hay các ban ngành quan trọng, đến cả những vụ nhỏ, lẻ ở các phường, xã luôn được truyền thông trong nước loan tải đầy đủ.
Vào ngày 31/7/2017, tại Hà Nội, ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quyết tâm trong công cuộc chống tham nhũng qua chiến dịch ‘đốt lò’ được ông lần đầu nhắc đến trong phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, với tình hình hiện nay, chính phủ Hà Nội chỉ có thể hạn chế bớt tham nhũng chứ không thể nào loại bỏ tham nhũng hoàn toàn. Ông giải thích :
"Trong chế độ mà đảng cộng sản giữ độc quyền về quyền lực vì quyền lực đẻ ra tham nhũng mà có một ông độc quyền về quyền lực thì ông đấy là tham nhũng nhất, tất cả xuất phát từ ông ấy. Cốt lõi xuất phát từ sự độc quyền của đảng cộng sản nên chừng nào đảng cộng sản còn giữ sự độc quyền thì nói chuyện chống tham nhũng cũng chỉ là nói khơi khơi hoặc giảm bớt một chút nào thôi, còn không giải quyết được gốc thì không bao giờ chống được".
Đồng quan điểm cho rằng thể chế độc đảng khó chống được tham nhũng, Nhà hoạt động Trần Bang lập luận :
"Không thể tập trung quyền lực cả hành pháp, tư pháp, lập pháp, cả công an, tòa án, Viện kiểm sát vào một đảng được. Không tạo ra mâu thuẫn lợi ích, không tạo ra sự đối kháng thì không tài nào có thể chống tham nhũng được. Lúc xử thì phải hỏi ý kiến đảng, công an muốn bắt cũng hỏi ý kiến đảng, Viện kiểm sát muốn truy tố cũng phải thông qua đảng, tòa án xét cũng phải hỏi ý kiến đảng. Nếu đảng thân tín với ông tham nhũng coi như là thua".
Vì vậy, Nhà hoạt động Trần Bang nhận định rằng Việt Nam chỉ có thể chống tham nhũng bằng cách có phản quyền, tam quyền phân lập, đa đảng, tự do báo chí, tự do ngôn luận. Trong đó, phải để cho người dân được lên tiếng nói ra sự thật về những sai sót của chính phủ mà không bị bắt rồi truy tố tội ‘nói xấu đảng, chính phủ’.
Nhiều nhận xét đưa ra cho rằng công tác chống tham nhũng chỉ được thực hiện mạnh tay trong thời gian gần chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng như cách diệt trừ phe nhóm trong nội bộ đảng. Biện pháp điều động giám đốc công an như hiện nay cũng bị cho nhằm mục tiêu này.