Tình thế bế tắc của công dân Việt ‘kẹt’ ở Mỹ giữa dịch Covid
Ngọc Lễ, VOA, 11/07/2020
Nhiều người Việt qua Mỹ ngắn hạn giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát hiện đang lâm vào thế bế tắc vì muốn về cũng không được mà ở cũng không xong, theo tìm hiểu của VOA.
Họ chủ yếu là những người sang Mỹ theo diện du học, du lịch, công tác, thăm thân nhân và bị ‘mắc kẹt’ khi đại dịch xảy ra, với những giới hạn về các chuyến bay qua lại giữa hai nước trong khi nguồn tài chính ngày càng cạn kiệt, cònthị thực thì đã hoặc sắp hết hạn.
Tới nay, chính quyền Việt Nam đã tổ chức được bốn chuyến bay để đưa công dân bị kẹt ở Mỹ hồi hương. Chuyến mới nhất vừa đưa 346 người từ thủ đô Washington D.C. về, truyền thông trong nước loan tin hôm 10/7. Hiện còn hơn 10.000 người Việt đã đăng ký về nước vẫn đang chờ tới lượt, báo nhà nước dẫn lời đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết.
Tại sao không về ?
Trương Giang Châu, một du học sinh hiện đang học thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học và làm trợ giảng tại Đại học Hawaii ở Honolulu theo học bổng của trường, là một trong số đó.
Chị cho biết từ sau kỳ nghỉ xuân, Đại học Hawaii đã thông báo đóng cửa, ký túc xá gửi thông báo liên tục thúc giục du học sinh về nước. Lúc đó vẫn còn các chuyến bay thương mại nối liền hai nước, chị đã nghĩ đến chuyện về nhà.
"Y tế Mỹ rất đắt, bọn em thì ở tập thể trong khu ký túc xá nên nguy cơ lây bệnh rất cao trong khi bạn bè xung quanh đều tìm mọi cách để về", chị Châu kể.
Tuy nhiên, thời điểm đó chị Châu đang trong giai đoạn hoàn tất luận văn trong học kỳ cuối và chuẩn bị tốt nghiệp.
"Về nhà thì sẽ bị lệch giờ, mọi chuyện hẳn sẽ thay đổi rất nhiều. Chưa kể trong thời gian về nước sẽ phải bị cách ly 14 ngày, đến lúc về nhà sẽ tiếp tục cách ly ở nhà thêm 14 ngày nữa thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và việc học của em", chị cho biết.
Theo giải thích của du học sinh này, vì không an tâm về việc ở khu cách ly ở Việt Nam có internet đủ mạnh và không gian có đủ yên tĩnh để cho chị dạy sinh viên trực tuyến hay không, nên chị quyết định ở lại Mỹ cho xong chương trình dạy và học.
Chị vẫn được lưu lại ký túc xá cho tới nay nhờ sự can thiệp của các giáo sư trong trường. Chương trình học của chị đến tháng 8 mới hết. Ngoài ra, chị cũng đã nộp hồ sơ xin OPT, tức chương trình thực tập không bắt buộc. Trong khi chờ kết quả OPT thì chị vẫn có thể ở lại Mỹ hợp pháp.
‘Không còn đường về’
Hiện giờ, khi đã nộp luận văn tốt nghiệp và kết thúc việc học, chị muốn về Việt Nam thì mọi ngả đường đều đã bị chặn.
"Đến cuối tháng 5 tất cả những cách có thể về được nhà thì không còn cách nào để về nữa rồi. Ngay cả chuyến bay thương mại cũng không có", chị nói.
Theo chị, do đang ở ngoài đảo giữa Thái Bình Dương nên đường về của chị khó khăn hơn rất nhiều vì trước hết phải bay vào đất liền của Mỹ rồi từ đó mới tìm chuyến bay về nước.
"Trong đất liền còn có chuyến bay quốc tế, còn ở đảo từ ngay khi chính quyền phong tỏa đã giới hạn rất nhiều chuyến bay ngay cả với đất liền của Mỹ", chị nói.
"Nếu vào được đất liền ở Los Angeles hay San Francisco mà những chuyến bay quốc tế từ đó không thể đi nữa thì em cũng không biết làm thế nào, không biết đi đâu mà ở nữa".
Ngoài ra, ký túc xá chỗ chị tá túc hiện chỉ cho ra chứ không cho vào. Nếu chuyến bay bị hủy, về lại ký túc xá cũng không được thì coi như bơ vơ không còn chỗ ở, chị cho biết.
"Khi mà xung quanh bạn bè tìm mọi cách để đi về rồi và chỉ sau một ngày mọi thứ đều thay đổi thì tâm trạng em rất là hoang mang", chị giãi bày.
Chị Châu nói chị thấy trên diễn đàn của du học sinh, mọi người ‘chia sẻ rất nhiều’ đường dẫn đăng ký về trên chuyến bay ‘giải cứu’ do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.
"Em có đăng ký tên em nhưng cho đến sau này mọi người nói với em rằng vé về rất đắt, đến 2.000-3.000 đô la một vé. Bản thân em không đủ khả năng tài chính để xoay sở mua được một chỗ để về", chị nói và cho biết chị đăng ký từ tháng 4 nhưng đến giờ vẫn chưa thấy kết quả.
Bên cạnh đó, chị còn tham khảo những cách mà mọi người kháo nhau, chẳng hạn mua vé về một nước Châu Á khác, từ đó bay về một nước đông nam Á như Thái Lan hay Campuchia rồi từ đó tìm đường về Việt Nam bằng đường bộ.
"Dĩ nhiên qua nhiều chuyến bay thì nguy cơ mắc bệnh trên đường đi quá lớn nên em không dám liều đi bằng con đường đó", chị Châu nói thêm.
Theo lời du học sinh này, những bạn bè của chị đã về được Việt Nam đều là ‘về từ sớm khi còn chuyến bay thương mại ngay sau khi trường thông báo đóng cửa’ chứ ‘chưa ai về được bằng chuyến bay giải cứu cả’.
‘Không hối hận’
Tuy nhiên, chị Châu nói chị ‘không hối hận’ với quyết định của mình.
"Nhờ vào quyết định ở lại mà em hoàn thành việc học và kết quả luận văn rất tốt. Nếu em mà về thì kết quả không được như vậy", chị giải thích. "Nếu em về nước không còn có thể dạy được nữa thì em sẽ mất học bổng trong khi em học đã gần xong rồi".
Hiện giờ, chị vẫn còn được ở ký túc xá và vẫn được trường chu cấp chi tiêu hàng tháng cho đến hết mùa hè. Nhưng sau thời gian đó thì chị phải dọn ra và không còn sinh hoạt phí hàng tháng nữa.
Trong khi chờ đợi con đường về nước, chị Châu nói, chị tính đến ở nhờ một người đồng hương vốn đã đồng ý cưu mang chị. Ngoài ra, chị cũng còn tiền tiết kiệm đủ để chi dụng trong vòng vài ba tháng.
Tuy nhiên, chị hy vọng sẽ kiếm được cơ hội thực tập để ở lại Mỹ hợp pháp dù ‘tình hình tuyển dụng ở Mỹ rất khó khăn khi nhiều người bị mất việc’, chị nói.
"Em đang đứng ở ngã ba đường mà không thể quyết định được vì tất cả đều ngoài tầm kiểm soát của mình", chị Châu nói.
‘Không đủ điều kiện về’
Cũng từ Honolulu, bà Mai Thị Hòa cho VOA biết bà sang Mỹ từ tháng 11 năm ngoái để thăm con gái và chăm cháu ngoại và bị kẹt từ đó tới nay. Con bà đã tìm hiểu đủ mọi cách nhưng không có cách nào khả dĩ để bà về nước vào lúc này, bà nói.
Theo bà giải thích thì do bà dưới 60 tuổi, hiện đang sống với con gái nên không khó khăn về chỗ ăn ở và điều kiện kinh tế, nên không đủ điều kiện để được về theo chuyến bay do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.
"Nếu Việt Nam cho về thì tôi cũng muốn về chứ, vì đi cũng đã lâu rồi trong khi ở nhà cũng đang có công việc đợi mình", bà Hòa, người từng qua thăm con gái được ba lần, cho biết.
Bà nói nếu về Việt Nam mà phải chịu cách ly vào lúc này thì ‘bà cũng chịu’. Ở lại Mỹ lúc này, điều làm bà lo sợ nhất là ‘nếu chẳng may đau ốm mà không có bảo hiểm thì tiền hàng ngàn trở lên thôi’.
Theo lời bà, visa của bà, vốn đã hết hạn, đã được gia hạn thêm cho đến giữa tháng 8 năm nay.
Trong thời gian ở Mỹ, do dịch bệnh nên bà cũng chỉ quanh quẩn ở nhà với con cháu chứ ‘không đi chơi đâu được hết’. "Mấy bữa nay giãn cách ly họ mới mở các khu vui chơi, các bãi biển thì mới đi loanh quanh trong đảo thôi", bà nói.
"Tôi đang sốt ruột vì đến ngày 15/8 mà không về được thì cũng kẹt vì lúc đó hết hạn visa mà không biết làm sao", bà phân trần.
"Khi mình làm hồ sơ xin visa mình đã cam kết với họ mình sẽ về đúng hạn", bà giải thích và nói rằng bà ‘yên tâm với tình hình dịch bệnh ở Hawaii do họ cách ly nghiêm ngặt nên số ca nhiễm cũng ít’.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 11/07/2020
****************
Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ ra khuyến cáo với du học sinh (RFA, 10/07/2020)
Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ vừa ra khuyến cáo với du học sinh Việt Nam sau khi Chính phủ Hoa Kỳ dự kiến áp dụng một số quy định hạn chế tạm thời đối với sinh viên nước ngoài có chương trình học trực tuyến 100% do tác động của dịch Covid-19.
Du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ. RFA
Cụ thể, bắt đầu từ học kỳ mùa thu năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục cấp mới và gia hạn thị thực cho du học sinh theo các diện thị thực F-1 và M-1 nếu dự kiến thực hiện hình thức học trực tuyến 100%, đồng thời Cục Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ sẽ không chấp thuận những du học sinh vừa nêu nhập cảnh.
Nếu muốn ở lại, các du học sinh đang ở Hoa Kỳ có thể điều chỉnh hình thức học bằng cách kết hợp giữa lên lớp trực tiếp và học trực tuyến, hoặc chuyển đổi cơ sở đào tạo có hình thức lên lớp trực tiếp để bảo đảm quy chế cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Hiện tại, các cơ sở đào tạo có tiếp nhận du học sinh quốc tế của Hoa Kỳ đang cân nhắc, xem xét các biện pháp phù hợp để thích ứng với quy định mới nêu trên.
Trong khuyến cáo, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đề nghị các du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ cần liên hệ để trao đổi trực tiếp với bộ phận phụ trách du học sinh quốc tế của cơ sở đào tạo đang theo học để lựa chọn hình thức học phù hợp với điều kiện và nhu cầu. Bên cạnh đó cũng cần đề nghị cơ sở đào tạo có giải pháp hỗ trợ đối với du học sinh quốc tế.
Phía Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết vẫn đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng tại đây để tìm hiểu rõ hơn các quy trình, thủ tục liên quan. Từ đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của du học sinh Việt Nam đang cư trú, học tập tại Hoa Kỳ.
**********************
31 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
RFA, 10/07/2020
Gần 31 triệu người lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, trong đó gần 900 ngàn người mất việc làm và 18 triệu người bị giảm thu thập.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng do ảnh hưởng đại dịch khiến lực lượng lao động giảm ở mức kỷ lục - Ảnh minh họa AFP -statemedia, RFA edited
Reuters cho biết thông tin trên dẫn nguồn từ Tổng cục thống kê (GSO) Việt Nam công bố tại cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm diễn ra tại Hà Nội ngày 10 tháng 7.
Theo tin, GSO đưa ra dự đoán nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh không thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, khả năng 5 triệu người sẽ tiếp tục mất việc vào cuối năm.
Trong các khu vực kinh tế, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nhất với 72% lao động bị tác động và ngành công nghiệp, xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng.
Con số này khiến lực lượng lao động giảm ở mức kỷ lục. Số người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ. Đại diện GSO cho biết đây là mức giảm chưa từng có trong thập kỷ vừa qua.
Tính đến ngày 10/7, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Dịch Covid-19, Việt Nam có 347/369 trường hợp dương tính với SARS-CoV2 được công bố khỏi bệnh, không có trường hợp nào tử vong và 85 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.
****************
Việt Nam : Gần 31 triệu người bị ảnh hưởng COVID, thất nghiệp cao nhất 10 năm
VOA, 10/07/2020
Hôm 10/7, Việt Nam cho biết có đến 30,8 triệu người, tức 1/3 dân số cả nước, bị "ảnh hưởng tiêu cực" bởi Covid-19 và con số này có thể tăng thêm vào cuối năm nay.
Công nhân tại một xưởng may ở tỉnh Thái Bình.
Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) cho biết như trên, loan báo thêm rằng đến hết quý II/2020, số người thất nghiệp tăng lên khoảng 1,5 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp trong quý II là 2,73%, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46% - mức cao nhất 10 năm qua.
Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm ; 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động, vẫn theo GSO.
Còn theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội thì có đến 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc… do ảnh hưởng của Covid-19. Bộ này dẫn lời ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết tại một hội nghị vào ngày 29/6 rằng thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch "với số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn".
Theo GSO, trong số gần 31 triệu lao động bị tác động, có 72% lao động trong ngành dịch vụ, kế đến là ngành công nghiệp và xây dựng.
Truyền thông Việt Nam cho biết một số doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm gần 3.000 lao động trong thời gian tới ; công ty dệt may Huê Phong, công ty gỗ Woodworth Wooden cũng đã xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm đến 50%.
Hãng tin Bloomberg hôm 10/7 dẫn thông tin từ Bộ Công thương Việt Nam cho biết có đến 50% đơn đặt nước ngoài đã bị hủy trong nửa đầu năm nay do sự bùng phát của dịch bệnh, chủ yếu trong tháng 5 và tháng 6. Riêng sản lượng xuất khẩu giày dép giảm 6,7% trong 6 tháng đầu năm.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong phòng chống dịch, nhưng những tác động kinh tế thì rất sâu rộng, khiến GDP quý II năm nay của Việt Nam chỉ tăng 0,36%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Đây là con số tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm qua.
Tuần trước, Việt Nam loan báo có 12 tỉnh, thành phố tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, phần lớn là các tỉnh phụ thuộc nhiều vào ngành dịch vụ du lịch như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Phúc…
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng GDP của Việt Nam sẽ có mức tăng 2,7% trong năm nay, một mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với con số 7% ấn tượng của năm ngoái.
*********************
346 người Việt ‘kẹt’ ở Mỹ về nước, hơn 10.000 người vẫn chờ hồi hương
VOA, 10/07/2020
Hôm 10/7, truyền thông trong nước loan báo Việt Nam đưa thêm 346 người Việt Nam từ thủ đô Washington của Mỹ về nước trong hai ngày 8 và 9/7. Trong khi đó, vẫn còn hơn 10.000 ngàn người Việt ở Mỹ đăng ký được hồi hương song hiện phải chờ đợi giữa lúc chưa có đường bay thương mại nào được thiết lập.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho biết hành khách trên chuyến bay này đến từ nhiều bang ở Hoa Kỳ, trong đó có cả trẻ em, sinh viên đã hoàn thành khóa học nhưng gặp khó khăn về nơi ở, không thể gia hạn thị thực, một số doanh nhân, trí thức gặp khó khăn về nơi ở, tài chính.
"Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định", Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Đây là chuyến bay thứ tư đưa người Việt ở Mỹ "về nước tránh dịch", báo VnExpress loan báo. Ba chuyến trước được tổ chức vào tháng 5 và đầu tháng 6, mỗi chuyến chở hơn 340 người.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho biết nhiều người Việt đang "mắc kẹt" tại Mỹ muốn đăng ký về nước trên chuyến bay "giải cứu" do chính phủ Việt Nam tổ chức, nhưng chưa mua được vé do số lượng quá hạn chế.
Một người đàn ông Việt Nam đang sang thăm con gái du học tại Des Moines, Iowa, cho VOA biết ông đã liên lạc Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, DC và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco ròng rã từ hai tháng qua để đăng ký chuyến bay nhưng bất thành. "Bên sứ quán bảo kiên nhẫn chờ vì có hơn chục ngàn người đang đăng ký nguyện vọng về nước", người đàn ông không nêu tên, nói với VOA.
Người đàn ông này cho biết vì có nhu cầu về nước càng sớm càng tốt nên ông sẵn sàng trả hơn 2.000 đôla cho một vé một chiều về nước, đắt hơn 3 lần so với bình thường, mà vẫn chưa mua được.
Giữa lúc cộng đồng du học sinh người Việt tại Mỹ lo lắng trước thông tin sinh viên quốc tế có thể bị trục xuất khỏi Mỹ nếu trường họ theo học dạy trực tuyến 100% vào kỳ học mùa thu tới, thì việc thực hiện các chuyến bay hồi hương của Việt Nam lại càng cấp thiết hơn.
Hôm 10/7, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc nói trên đài truyền quốc gia VTV rằng các sinh viên "hãy bình tĩnh" và cho biết đã kêu gọi các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền lợi cho các sinh viên Việt Nam.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết con số người Việt đăng ký nguyện vọng về nước đã hơn 10.000.
Ông Ngọc nói :
"Ở đây do có tình hình dịch bệnh, và sau đó có tình trạng bất ổn do bạo động phân biệt chủng tộc, và số sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu về nước. Con số đăng ký hiện nay đã lên đến trên 10 nghìn người".
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết rằng nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam tại Mỹ về nước, trong thời gian tháng 7 và tháng 8 sẽ có thêm khoảng 3 chuyến bay nữa.