Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/04/2017

Quan hệ Việt - Mỹ qua chuyến thăm của Bộ trưởng Phạm Bình Minh

Nguyễn Mạnh Hùng

Phó Thủ tưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sang thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 4 theo lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tới Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Chuyến thăm này có ý nghĩa thế nào với hai nước và quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao ?

vietmy1

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson (phải) và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Washington, DC ngày 20 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Việt Hà phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ, nhân chuyến thăm này.

Trước hết nói về ý nghĩa của chuyến thăm với hai nước, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận định :

Nếu mình nhìn những ngày vừa qua từ ngày ông Trump lên làm Tổng thống thì tính tình của ông Trump và những lời tuyên bố bất nhất của ông Trump làm cho rất nhiều nước quan ngại, nhất là những nước coi trọng quan hệ giữa nước mình và Mỹ. Cho nên ngay từ đầu chúng ta thấy các chuyên thăm của các nhà lãnh đạo của chính phủ của họ như Nhật, Đức, Anh. Họ thăm để làm gì ? Trước hết họ muốn có liên lạc cá nhân với ông Trump trước, thứ hai là họ muốn tìm hiểu chính sách mới của chính quyền này, thứ ba là họ muốn củng cố mối quan hệ của họ với ông Trump. Thì chuyến thăm của ông Phạm Bình Minh cũng nằm trong mục tiêu đó. Nhưng có một số điều đặc biệt. Chúng ta thấy là trong số những người sang thăm có bà Merkel, ông Abe, bà May là ở trong cấp lãnh đạo cao cấp gặp thẳng ông Trump. Còn cấp của ông Phạm Bình Minh là ở một cấp tương đối thấp hơn, có nghĩa là gì ? Có nghĩa là về phương diện hình thức chuyến thăm này không quan trọng bằng những cái kia. Có nghĩa là với Mỹ, tầm quan trọng của Việt Nam không thể bằng các nước kia. Về phương diện thứ hai chúng ta thấy là Việt Nam còn coi trọng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam rất nhiều.

Đầu tiên chúng ta thấy một số nước gửi lời hỏi thăm ông Trump. Ở Việt Nam thì ông Nguyễn Xuân PHúc hỏi thăm ông ấy. Rồi ông Bình Minh gặp ông Tillerson, và lần này không phải là lần đầu mà là lần thứ 2. Lần thứ nhất cách đây khoảng 1 tháng ở bên lề hội nghị G20 ở Châu Âu. Chúng ta thấy những việc này rất là dồn dập, cho thấy là Việt Nam rất coi trọng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, muốn tìm hiểu và củng cố quan hệ đó. Đồng thời cũng có tin là ông Thủ tướng Phúc sẽ sang thăm Mỹ trong vài tháng tới. Có lẽ ông Minh sang để giàn xếp cho chuyến viếng thăm đó.

Việt HàThưa giáo sư, trong chuyến thăm này, ông Phạm Bình Minh và ông Rex Tillerson sẽ bàn thảo những vấn đề chính gì ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Quan hệ Việt Nam và Mỹ thì vẫn tiếp tục tăng cường. Trong mối quan hệ đó có mối quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ. Việt Nam từ xưa đến nay vẫn tìm một đối trọng nào đó tuy họ không nói ra, nhưng việc đi tìm đối trọng là phải. Mỹ là một đối trọng quan trọng nhất cho nên họ sang họ sẽ thăm dò xem Mỹ ủng hộ Việt Nam đến mức độ nào, có thể Việt Nam giúp gì về phương diện an ninh hay không. Quan trọng hơn nữa là hiệp ước TPP mà Việt Nam rất hy vọng ở thị trường Mỹ này giờ không còn nữa thì vấn đề thương mại cũng phải được đề cập đến.

Việt HàTrong thời gian tranh cử Tổng thống ông Donald Trump cũng đã có chỉ trích Việt Nam là phá giá hàng sang Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp gần đây với ông Tập Cận Bình thì ông cũng cho thấy dấu hiệu thắt chặt quan hệ hơn với Trung Quốc, ít nhất là trong những lời nói. Vậy thì theo giáo sư, dưới thời của Tổng thống Donald Trump, vai trò của Việt nam đối với Mỹ sẽ khác thế nào so với dưới thời của Tổng thống Barack Obama ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Phải nói lời tuyên bố của ông Trump khi tranh cử về những hành động mà ông làm sau này thì nó không hoàn toàn đồng nhất với nhau và có tính bất nhất. Thí dụ ông nói về Trung Quốc thì ông nói là Trung Quốc là nước trục lợi tiền tệ để làm lợi cho mình. Sau khi gặp ông Tập thì ông nói là Trung Quốc không phải như vậy nữa. Ông thay đổi liền.

Trong trường hợp quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, thì cái thời của ông Obama ông ấy nhấn mạnh sự xoay trục. Trong xoay trục, thì quan hệ rất tốt. Ông Obama đã thăm Việt nam, bà Clinton cũng thăm nữa. Quan hệ rất tốt. Trong trường hợp của Trump, ông nói về vụ Việt Nam là Việt nam lấy công ăn việc làm của Mỹ nhưng mà so với Trung Quốc thì cái nhập siêu giữa Mỹ với Việt nam chả có là bao nhiêu cả, nên ông cứ nói vậy thôi, cho nên nó không quan trọng lắm. Ngay cả thị trường lớn như Trung Quốc mà nhập siêu khoảng hơn 300 tỷ mà ông còn quan hệ và vẫn coi trọng thì vấn đề với Việt Nam nhẹ hơn nhiều.

Chính sách xoay trục sang Châu Á ra sao ?

VIETNAM-US-DIPLOMACY

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) bắt tay với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 5 năm 2016. AFP photo

Việt HàChính quyền của Tổng thống Trump đã nói là chiến lược xoay trục của Tổng thống Obama không còn tác dụng gì nữa. Vậy theo giáo sư chiến lược của Tổng thống Donald Trump ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương sắp tới sẽ khác biệt thế nào. Liệu ông ấy nói như vậy thì có nghĩa họ sẽ làm mạnh lên hay là họ sẽ giảm nhẹ sức ép lên Trung Quốc ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Ông muốn làm cái gì thì ông cũng va chạm với thực tế chính trị thế giới. Thực tế chính trị thế giới, nhất là ở khu vực đó là sự vươn lên của Trung Quốc và cố gắng làm bá quyền ở đó. Khi Trung Quốc bá quyền ở vùng biển Đông thì sẽ đẩy Mỹ ra khỏi vùng đó. Lựa chọn của Mỹ là hoặc là nhân nhượng hoàn toàn hoặc là chống lại, nếu chống lại thì phải coi vùng đó là quan trọng.

Dưới thời Tổng thống Obama thì ông coi vùng đó rất quan trọng về lâu dài với nước Mỹ kể cả về phương diện kinh tế lẫn chiến lược. thời ông Trump thì mình chưa thấy nói chuyện đó. Nhưng nếu nhìn ra thế giới thì ở vùng Nam Mỹ thì rất nhiều vấn đề. Châu Âu thì gia nua. Bây giờ nền kinh tế kiếm nhất thì chỉ ở bên Á Châu thôi. Mỹ muốn có vai trò quan trọng chứ đừng nói là lãnh đạo thế giới mà không muốn bị đẩy ra vùng đó thì phải quan tâm thôi. Thành ra ông muốn nói gì thì nói thì thực tế chính trị vấn là như thế. Thứ hai là ông Tổng thống có rất nhiều quyền trong chính sách ngoại giao. Nhưng về Á Châu thì có rất nhiều quyền lợi có thể rất quan tâm đến nó, ví dụ như hải quân rất quan tâm đến nó.

Thứ hai trong thượng viện ở ủy ban quân vụ chúng ta thấy có nhiều Thượng nghị sĩ nhất là ông John McCain rất quan tâm đến sự hiện diện của Mỹ ở đó. Thế thì không có chuyện là ông Tổng thống muốn làm gì thì làm. Điều đó có nghĩa là dần dần với thời gian Mỹ vẫn phải coi trọng vùng đó. Chútrọng đến mức độ nào thì ngay từ thời Tổng thống Obama ông ấy cũng nói là chúng tôi không thể làm một mình được. Chúng tôi muốn làm thì các ông phải cố gắng giúp chúng tôi, vì thế chúng ta thây có một số nước như Nhật Bản đã có chứng tỏ là có đóng góp nhiều hơn, rồi Singapore, ngay cả Malaysia một phần nào đó.

Ông Trump ông hơi lơ là hơn nhưng không có nghĩa là ông không để ý. Nhưng ông để ý đến mức độ nào thì còn tùy thuộc vào đóng góp của các nước đó đối với tình hình an ninh chung trong khu vực, trong đó có cả quyền lời của nước Mỹ nữa. Nó cũng tùy thuộc vào quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc.

Việt Hà : Tổng thống Donald Trump từ trước đến nay vẫn nói là ông sẽ chú trọng hơn đến vấn đề nội bộ nước Mỹ, làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Nếu chủ trương của ông ấy đã là như vậy thì phía Việt Nam có gì có thể đưa cho phía Mỹ để cho thấy là Việt Nam thực sự có lợi đối với Mỹ ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Trước hết Việt Nam riêng cái nhìn chiến lược của các chiến lược gia Mỹ thì Việt Nam đã có vai trò quan trọng. Lấy ví dụ, nếu Mỹ không muốn Trung Quốc độc chiếm vùng quan trọng đó, mà tôi nghĩ là Mỹ không muốn như thế. Và nếu không muốn như vậy thì Mỹ không muốn có một cực tức là chỉ có ông Trung Quốc làm bá chủ hết. Mỹ muốn có một hệ thống đa cực ở đó. Một hệ thống đa cực ở đó phải có sự hiện diện Mỹ, phải có sự lớn mạnh của Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu, và trong đó phải có Việt Nam nữa. Trong số những nước Đông Nam Á thì Việt Nam là một nước tương đối mạnh nhất, tương đối thôi, trừ Indonesia ra thì quân lực của Việt Nam cũng rất mạnh.

Còn một nước có quan hệ quan trọng với Mỹ qua hiệp ước quân sự là ông Philippines thì chính sách của ông Duterte làm ông Mỹ rất phiền lòng. Trong khi ông phiền lòng ông Philippines thì vai trò của Việt Nam trong việc đi tìm kiếm lực lượng đa cực quan trọng hơn. Việt nam muốn chứng tỏ thì phải cho thấy mình muốn độc lập với Trung Quốc. Thứ hai là mình có khả năng, những cố gắng làm mình độc lập với Trung Quốc. Những cái đó nó làm cho vai trò của Việt Nam quan trọng hơn trong cái nhìn chiến lược của Mỹ.

Việt HàTheo giáo sư thì dười thời của Tổng thống Donald Trump thì phía Hoa Kỳ khi trao đổi với Việt Nam thì có thể có những sức ép nào đối với Việt Nam không ? Có một số ý kiến cho rằng dưới thời của Tổng thống Obama thì vấn đề nhân quyền được nói tới nhiều hơn nhưng dưới thời của Tổng thống Donald Trump thì có lẽ vấn đề nhân quyền sẽ phải bỏ sang một bên. Giáo sư có ý kiến gì ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Bỏ một bên thì không hẳn như thế nhưng nó bớt hơn. Ngay cả dưới thời ông Obama nói mạnh về nhân quyền nhưng cái hành động cho thấy nhân quyền không phải là vật cản duy nhất. Người ta nói là nhân quyền là cái mà Mỹ phải nói tới nhưng nó không phải là vật cản trở tất cả những tiến bộ khác. Nó quan trọng nhưng nó cũng là một cản trở. Với ông Trump thì nó cản trở ít hơn, ít nhất là trong giai đoạn này.

Việt Hà : Vậy thì sức ép từ phía Mỹ với Việt Nam dưới thời của Tổng thống Donald Trump là gì ?

Nguyễn Mạnh Hùng : Các nước quan hệ mật thiết với nhau thì nó có cái gọi là sự tương đồng về chế độ chính trị rất quan trọng. Nhân quyền là một phần trong đó. Nếu Việt nam làm quá vấn đề nhân quyền thì dĩ nhiên cũng tạo ra phiền nhiễu vì bên Mỹ không chỉ có một mình ông Tổng thống. Bên Mỹ còn rất nhiều áp lực nhân quyền, chúng ta thấy có bao nhiều cơ quan không phải ở Mỹ mà ở cả thế giới nữa, rồi trong quốc hội. Có những nhóm đó luôn áp lực lên vấn đề nhân quyền. Quan niệm riêng của ông Trump ông không để ý nhưng mà định chế bên Mỹ nó đòi hỏi ông ấy không thể nào không để ý được, nó chỉ có thể tương đối bớt thôi chứ không hoàn toàn được.

Vấn đề nhân quyền cũng là một trong những rắc rối. Nếu Việt Nam không làm gì quá trớn về vấn đề này thì cũng là một hấp dẫn. Ngoài ra thì vấn đề nhân công Việt Nam rẻ cũng lợi cho Mỹ vì nhập siêu giữa Mỹ và Việt Nam cũng chẳng đáng bao nhiều so với tổng số của Mỹ. Nếu Việt Nam sản xuất được những đồ rẻ hơn do giá nhân công của mình thì cũng tốt đối với giới tiêu thụ Mỹ chứ không phải hoàn toàn là có hại cho Mỹ. Có nhiều vấn đề nhưng theo tôi vấn đề quan trọng nhất là vai trò chiến lược của Việt Nam.

Việt Hà : Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Việt Hà, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 20/24/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Mạnh Hùng
Read 824 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)