Cách đây hơn một năm, nếu ai đặt vấn đề này ra sẽ bị phản đối. Chính tôi cũng bị phản đối khi nói về khả năng đó trên trang Facebook cá nhân của tôi, mặc dù tôi nói khá dè dặt.
Chiều 12/11/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫy tay chào tạm biệt Việt Nam tại sân bay Nội Bài, kết thúc chuyến thăm 3 ngày để tham dự APEC ở Đà Nẵng và chuyến thăm cấp nhà nước tại Hà Nội
Nhưng sự kiện trang fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng bức thư của Tổng biên tập thời báo Hoàn Cầu để "Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam" trong đó nhắc nhở Việt Nam chớ "phát triển quan hệ với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc", hay nói cách khác là chớ theo Mỹ để chống Trung, khiến nhiều người thấy rằng vấn đề có thể được thảo luận một cách nghiêm túc hơn được rồi.
Vấn đề đặt ra, liệu Việt Nam, với một thể chế chính trị quá khác biệt với Mỹ, có thể trở thành thân thiết với Mỹ kiểu như đồng minh chẳng hạn, để kiềm chế Trung Quốc hay không.
Khác thể chế cũng có thể 'cùng phe'
Căng thẳng Mỹ Trung kéo dài trên nhiều mặt trận
Lịch sử loài người có một dẫn chứng trong Thế chiến II, khi Anh Pháp Mỹ đứng cùng phe với Liên Xô để chống lại phe phát xít. Lúc đầu có đắn đo nhưng về sau vì quyền lợi chung nên các nước đó đã chấp nhận.
Về nguyên tắc, nếu hai bên cùng bị một bên thứ ba gây thiệt hại thì có thể cùng nhau hợp lực tạm thời để chống bên thứ ba.
Về mặt lý thuyết, trường hợp Mỹ và Việt Nam cũng có thể xem như vậy.
Việt Nam bị Trung Quốc o ép trên Biển Đông, Mỹ bị ảnh hưởng đến tự do hàng hải, vậy thì hai bên có thể hợp lực để chống lại Trung Quốc cũng không có gì là quá khó hiểu.
Có cần lo thay đổi thể chế chính trị ?
Đây chính là vấn đề mà nhiều người không tin rằng lãnh đạo Việt Nam chịu xoay trục về phía Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.
Và cũng chính ông Tổng biên tập thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến lấy ra để nhắc nhở lãnh đạo Việt Nam khi viết "Trung Quốc và Việt Nam đều là nước xã hội chủ nghĩa, đa số nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đều đã sụp đổ, là nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam có thể duy trì cục diện chính trị ổn định, sự nâng đỡ chiến lược tiềm tàng lớn nhất là đến từ ổn định chính trị của Trung Quốc. Thể chế chính trị của Việt Nam rất khó trường tồn lâu dài một mình".
Đó dĩ nhiên là một đòn cân não khiến lãnh đạo Việt Nam phải đắn đo. Liệu họ có thể vượt qua nỗi lo này ?
Nếu làm, thì đã có tính toán ?
Thật sự nếu họ lo lắng thì họ đã không trở nên quá thân thiết với Mỹ như ngày hôm nay.
Nhưng hôm nay Việt Nam đã khá thân thiết với Mỹ và có một số phản ứng mạnh với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra Việt Nam cũng đang hợp tác với Mỹ để chống gian lận thương mại từ Trung Quốc.
Vậy thì họ cũng đâu cần đến lời nhắc nhở của ông Hồ Tích Tiến mà họ đã trù liệu rồi.
Vấn đề là họ sẽ đi xa đến đâu mà thôi.
Chống Bắc Kinh, thân Mỹ, nhưng không đa đảng ?
Đây cũng có thể là mô hình của Việt Nam trong thời gian trước mắt cho tới lúc nào nó còn phù hợp.
Đứng cùng phe với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc nhưng vẫn giữ thể chế chính trị cũ.
Tuy nhiên màu sắc của chủ nghĩa xã hội có thể nhạt dần cho phù hợp. Cũng có thể mở rộng dân chủ một phần nhưng không có đa đảng.
Nhưng nếu không có dân chủ đa đảng trong thời gian truớc mắt, liệu có đáp ứng được khát vọng của nhân dân ?
Thay lời kết luận, tôi xin chia sẻ thêm rằng một cuộc khảo sát từ Singapore truớc đây cho biết có đến 80% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ thích Việt Nam quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Tỷ lệ này cao nhất ASEAN.
Đồng thời Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ người không tin tưởng vào Trung quốc rất cao.
Như vậy nếu lãnh đạo Việt Nam xoay trục qua chống Trung thân Mỹ thì theo tôi cũng đáp ứng phần nào nguyện vọng của nhân dân và điều ấy cũng sẽ có tác động đến sự phát triển nói chung.
Trần Đình Thu
Nguồn : BBC,15/07/2020
Tác giả là một nhà báo tự do, cựu đạo diễn hãng phim và cựu biên tập viên của báo Thanh Niên, hiện đang sống ở Sài Gòn.