Thả gà ra đuổi ?
Lynn Huỳnh, VNTB, 28/07/2020
Thành ngữ ‘thả gà ra đuổi’ có ý nói tự mình làm khó cho mình.
Sáng 27/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam. Trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch.
Chủng mới này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.
Như vậy nếu đã khẳng định chủng mới này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây, thì tại sao lại đưa người ào ạt rời khỏi Đà Nẵng ?
Các ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng phát hiện ở Đà Nẵng, đến thời điểm này, nguồn lây nhiễm vẫn chưa xác định, trong khi đó từ Đà Nẵng đã xuất hiện thêm ca bệnh ở Quảng Ngãi khi thiếu niên này tới lui Đà Nẵng trong khoảng thời gian 14/7 đến ngày 22/7.
Tính tới chiều 27/7, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu xét nghiệm khoảng 200 trường hợp có liên quan đến các ca bệnh 416, 418, 420 ở Thành phố Đà Nẵng. Trong đó, khoảng 170 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, số còn lại đang chờ kết quả, và có 2 ca cho dương tính virus SARS-CoV-2 lần 1, hiện đã được gửi mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm để có kết luận cuối cùng.
Nguy cơ phát tán nguồn bệnh từ Đà Nẵng là có thật, đặc biệt nơi đây thu hút lượng lớn du khách trong thời gian kích cầu du lịch nội địa. Vì thế, khoanh vùng dập dịch, hạn chế di chuyển người từ Đà Nẵng đến các địa phương là cần thiết để tránh dịch bệnh lây lan. Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố Đà Nẵng theo Chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 27/7.
Tuy nhiên người đứng đầu chính phủ không rõ vì sao lại chần chừ và sau đó quyết định từ 0 giờ ngày 28/7 mới áp dụng việc "giãn cách xã hội trên toàn Thành phố Đà Nẵng với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19 ngày 24/4/2020 về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mức độ cao".
Ngành hàng không đã rất nhạy trong bài toán kinh doanh, khi quyết định lập cầu hàng không gọi là để giải tỏa khách du lịch khỏi Đà Nẵng. Không ai rõ là trong số khách đó, có bao nhiêu người đang sinh sống ở Đà Nẵng đã chọn giải pháp ‘tỵ nạn dịch’ bằng cách rời Đà Nẵng để vào Sài Gòn, mặc dù biết họ là có thể đối mặt với việc phải chịu sự cách ly trong 14 ngày sau đó.
Dù rất chia sẻ với tâm lý du khách đang ở Đà Nẵng mong muốn rời khỏi vùng dịch bệnh càng sớm càng tốt, đồng thời nhiều khả năng khi trở về địa phương họ sẽ phải cách ly xã hội 14 ngày theo qui định (nhiều địa phương đã yêu cầu biện pháp này), song việc đưa người rời khỏi Đà Nẵng trong lúc này rất cần cân nhắc, để tránh tình trạng ‘thả’ nguy cơ ra, rồi lại tốn nhiều nguồn lực để ngăn lây nhiễm.
Nếu cần thiết, cả nước có thể vì Đà Nẵng hay một số địa phương có ca nhiễm, tập trung nguồn lực để thực hiện cách ly tại chỗ, cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Làm như vậy chắc chắn việc khống chế, dập dịch sẽ đảm bảo hơn, ít tốn kém hơn ào ạt đưa người về các địa phương cách ly.
Tuy nhiên giờ thì mọi việc cũng là chuyện đã rồi.
Một đơn cử về nguy cơ khi gà đã thả ra thì khó thể đuổi để bắt lại : Nhà chức trách ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hôm sáng 27/7, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Công an tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp đến nhà chủ xe khách giường nằm Thanh Hường yêu cầu nhà xe cung cấp danh sách người đi cùng chuyến xe với bệnh nhân 419.
Nhà xe Thanh Hường từ chối cung cấp bảng danh sách này với lý do "xe ‘lụi’ nên không lưu danh sách". Lý do này cho thấy vừa vi phạm pháp luật trong kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh, vừa ‘chẳng ai tin’ vì người dân phải gọi điện thoại đặt chỗ, đặt vé và hẹn địa điểm để nhà xe Thanh Hường đến đón.
Bước đầu lực lượng chức năng đã xác định được có 6 người của nhà xe Thanh Hường tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 419 (F1), gồm 4 lái xe và nhân viên của 2 xe khách 76B-009.59 và 76B-010.24; 4 tài xế xe trung chuyển, gồm 76B-002.37, 76A-049.89 ở Quảng Ngãi và 76B-005.53 và 43B-024.26 ở Đà Nẵng; chủ xe 2 người. Trong số này hiện có 1 lái xe của nhà xe đã có hiện tượng hắt hơi, sổ mũi.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 28/07/2020
**********************
Covid-19 : Việt Nam giải tỏa 80.000 khách và phong tỏa một phần Đà Nẵng
Thụy My, RFI, 27/07/2020
Trước tình trạng virus corona lại khởi phát ở Đà Nẵng, ngành hàng không và đường sắt Việt Nam đang nỗ lực giải tỏa 80.000 người, hầu hết là khách du lịch nội địa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đà Nẵng phong tỏa một phần kể từ chiều nay, 27/07/2020.
Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho các hãng đang khai thác 11 đường bay nội địa đến Đà Nẵng được tăng chuyến để giải tỏa số lượng 80.000 hành khách đang kẹt lại ở thành phố này, dự kiến phải mất bốn ngày. Do số lượng khách cao kỷ lục, nhà ga quốc tế Đà Nẵng cũng được sử dụng cho các chuyến bay nội địa.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng tăng thêm hai chuyến tàu đến Đà Nẵng, miễn phí đổi hoặc trả vé cho đến ngày 12/08. Do bệnh nhân số 419 đã đi tàu từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ngày 21/07, những hành khách đi cùng chuyến đã được thông tin, và toàn bộ các toa xe được khử khuẩn.
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kiểm dịch y tế tại sân bay và nhà ga xe lửa đối với những chuyến từ Đà Nẵng đến, và xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả những người từ Đà Nẵng trở về từ ngày 01/07. Hà Nội khuyến cáo những người về từ Đà Nẵng tự cách ly và khai báo y tế.
Theo báo chí trong nước, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phong tỏa một phần tại Đà Nẵng ngay từ chiều nay, tại khu vực có ba bệnh viện Đà Nẵng, C, Chỉnh hình & Phục hồi chức năng, bao gồm cả khu dân cư xung quanh. Tại đây người dân chỉ được ra ngoài để mua thực phẩm, thuốc men, không được tập trung quá 2 người.
Tuy nhiên, đã có 30 bệnh nhân và người nhà bỏ trốn khỏi bệnh viện Đà Nẵng - nơi chữa trị hai ca bệnh 416 và 418 đang rất nặng phải thở máy. Đặc biệt, theo quyền bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, virus xuất hiện ở Đà Nẵng là chủng mới, có thể từ nước ngoài, có đặc tính lây lan nhanh hơn. Bộ Y tế đã đưa mẫu lên ngân hàng gien thế giới để so sánh.
Trước dư luận đang xôn xao vì một số tài khoản trong những nhóm kín trên mạng xã hội quảng cáo dịch vụ đưa người qua biên giới tránh cách ly, giám đốc công an Đà Nẵng hôm nay cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam ba người, gồm một người Trung Quốc và hai người Việt. Vụ này sẽ sớm đưa ra xét xử vì tội "tổ chức nhập cảnh trái phép" để làm gương. Đến hôm nay Đà Nẵng đã phát hiện 60 người nhập cảnh trái phép, hầu hết là người Trung Quốc.
Trên lãnh vực thể thao, giải bóng đá V-League (vô địch quốc gia) và giải hạng nhất quốc gia bị hoãn lần thứ hai vì Covid-19, cho đến khi có lệnh mới.
Theo thông tin mới nhất, đã có thêm 11 ca Covid-19 liên quan đến bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 4 nhân viên y tế. Việt Nam hiện có 431 ca bệnh.
Thụy My
******************
Covid-19 : Thủ tướng Phúc nói không để Đà Nẵng "vỡ trận"
BBC tiếng Việt, 25/07/2020
Thủ tướng Việt Nam nói "có một bộ phận chủ quan, lơ là" không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch.
Thủ tướng Việt Nam nói "bình tĩnh không hoang mang".
Ông Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời phát biểu trong một phiên họp của Chính phủ ngày 25/07 sau khi giới chức y tế cùng ngày xác nhận một ca nhiễm Covid-19 tại Thành phố Đà Nẵng.
Bệnh nhân 57 tuổi, hiện đang được cấp cứu, có xét nghiệm dương tính ít nhất 5 lần tại những bệnh viện khác nhau, kể cả Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Ca nhiễm này chấm dứt 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng trên toàn quốc.
Thông tin từ Tiểu ban Điều trị ngày 25/07 cho biết bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 416 tại Đà nẵng ''diễn biến nặng'', phải can thiệp ECMO và ngành y tế huy động mọi nguồn lực cứu chữa bệnh nhân này.
Thành phố Đà Nẵng cũng vừa được yêu cầu tiến hành xét nghiệm diện rộng sau ca nhiễm mới này.
Trong khi ông Phúc đánh giá cao cố gắng trong thời gian qua của các ngành trong nỗ lực phòng chống dịch Cocid-19, ông cũng nói rằng "có một bộ phận chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế".
"Với Đà Nẵng, tiếp tục điều tra, truy vết và thực hiện cách ly tập trung đối với những trường hợp F1 một cách an toàn ; chỉ đạo, khoanh vùng, dập dịch, không để vỡ trận".
"Các biện pháp mạnh như áp dụng công nghệ, biện pháp trực tiếp như đi từng ngõ, gõ từng nhà, truy vết tìm F0 tiếp tục được tổ chức quyết liệt, không thể chủ quan", ông Phúc nói thêm.
Thủ tướng Việt Nam cũng đã yêu cầu kiểm tra biên giới, cửa khẩu một cách chặt chẽ, ngăn chặn nhập cảnh trái phép và yêu cầu Bộ Công an khởi tố điều tra đường dây đưa người bất hợp pháp.
Công an Đà Nẵng đã khởi tố vụ án "tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép" và bắt giữ ít nhất ba người.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 25/07 xác nhận ca nhiễm cộng đồng 416 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/7 về phòng chống Covid-19
Tin cho hay nhà chức trách Thành phố Đà Nẵng đang tiến hành quá trình tổng kiểm tra người nước ngoài tại Đà Nẵng và "tập trung vào người Trung Quốc" cư trú trên địa bàn.
Các trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ bị coi như trường hợp nghi nhiễm và áp dụng cách ly y tế theo quy định.
Báo Tuổi Trẻ ngày 25/07 đưa tin "lại phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Đà Nẵng" trong đó có 9 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (2 người đang cách ly tại bệnh viện và 7 người được đưa đi cách ly tập trung), ngoài ra có 14 trường hợp ''chưa khai báo tạm trú".
Công an Thành phố Đà Nẵng cho biết ngày 11/07 đã phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và ngày 16/7 phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh lậu.
An ninh Sân bay Nội Bài ngày 23/07 phát hiện 2 hành khách Trung Quốc dùng ''giấy tờ giả'' định bay từ Hà Nội vào Tp HCM sau khi nhập cảnh "qua đường tiểu ngạch" từ Trung Quốc vào Việt Nam tại cửa khẩu Hà Giang.
Trong khi có lời kêu gọi "bình tĩnh không hoang mang" từ Thủ tướng Việt Nam, tỉnh Bắc Giang đã khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức và người dân tạm dừng đến Đà Nẵng trong thời gian này.
Văn bản chính quyền tỉnh ngày 25/7 nói "Những người từ Đà Nẵng về địa phương từ ngày 18/7 trở lại phải khai báo y tế và tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà".
Quảng Ninh khởi tố nhóm 'giúp nhập cảnh trái phép'
Trong diễn tiến liên quan, ngày 25/7, công an Quảng Ninh cho hay đã khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng ở Thành phố Móng Cái để điều tra về hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép".
Họ bị cáo buộc đã nhận đưa người từ Đông Hưng (Trung Quốc) nhập cảnh trái phép bằng bè xốp vượt sông biên giới mốc 1355, sau đó dùng xe máy đưa về trung tâm thành phố và nội địa của Việt Nam.
Ngày 10/6, họ đón 4 người Trung Quốc, khi đang di chuyển thì bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.
*****************************
Covid-19 : Việt Nam bị liên tiếp 3 ca nhiễm mới trong nước sau gần 3 tháng vô sự
Trọng Nghĩa, RFI, 26/07/2020
Bộ Y tế Việt Nam ngày 26/07/2020 thông báo là vừa phát hiện thêm 3 ca Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, nâng số người bị nhiễm virus tại Việt Nam lên thành 420 người. Điều đáng ngại là đây là những ca lây nhiễm trong cộng đồng, chứ không phải là ca ngoại nhập. Các trường hợp mới này bi phát hiện sau ba tháng Việt Nam không ghi nhận ca mới nào trong nước.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, thì ca lây nhiễm mới nhất - mang ký hiệu BN420 - là một phụ nữ, 71 tuổi, cư ngụ tại Đà Nẵng, đã có những triệu chứng sốt, đau ngực, phải nhập viện hôm 22/07, và đến hôm 26/07 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới.
Song song với ca nhiễm kể trên, còn bệnh nhân khác mang ký hiệu BN419, là một thiếu niên 17 tuổi, cư ngụ ở Quảng Ngãi, có triệu chứng sốt, ho nhẹ, hơi khó thở. Kết quả xét nghiệm ngày 26/7/2020 cũng cho thấy bệnh nhân này dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trước đó, đêm 25/07, giới chức Y tế cũng xác định được một ca nhiễm virus corona mới tại Đà Nẵng, nơi một người đàn ông 61 tuổi. Với các ca nhiễm mới này, Việt Nam đã bị tổng cộng 420 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận chính thức.
Các ca lây nhiễm này xuất hiện trong bối cảnh từ ba tháng nay Việt Nam không ghi nhận thêm ca mới nào. Sự kiện đó làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh trở lại hoành hành, điều đang được thấy tại nhiều nước Châu Á khác, và nhất là tại Châu Âu.
Trong tình hình đó, theo báo chí Việt Nam, chính quyền địa phương đang cân nhắc các biện pháp chặn dịch triệt để hơn. Kể từ chiều ngày 26/07, Đà Nẵng, một địa điểm du lịch quan trọng, đã quyết định tạm dừng đón du khách trong 14 ngày, đồng thời đề ra hàng loạt biện pháp như cho học sinh nghỉ học, dừng các hoạt động không thiết yếu.
Nhiều biện pháp cách ly cục bộ cũng đã được ban hành nhắm vào những đối tượng, thậm chí cơ sở từng có tiếp xúc với những người bị nhiễm.
Trọng Nghĩa
************************
Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội, Quảng Ngãi có ca dương tính
BBC, 26/07/2020
Tính đến chiều ngày 26/7, Việt Nam xác nhận đã có bốn ca lây nhiễm mới trong cộng đồng sau gần một trăm ngày yên ắng.
Giới chức nói có ba trường hợp ở Đà Nẵng và một ở Quảng Ngãi.
Trường hợp bệnh nhân 419 ở Quảng Ngãi, phát sinh triệu chứng từ 22/7 và có kết quả xét nghiệm vào sáng 26/7, trong thời gian vài tuần qua đã nhiều lần đi lại bằng giao thông công cộng tới Đà Nẵng để chăm sóc người thân đang chữa trị tại bệnh viện.
Được biết trong chuyến xe hôm 17/7 về Quảng Ngãi có một số người từ Bệnh viện C Đà Nẵng về cùng.
Bệnh nhân 420 ở Đà Nẵng, cũng được xác nhận dương tính hôm 26/7, đã nhập viện tại Bệnh viện C hôm 22/7.
Đà Nẵng áp dụng giãn cách xã hội
Truyền thông Việt Nam cho biết từ 13h ngày 26/7, Đà Nẵng sẽ chính thức thi hành việc giãn cách xã hội, theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bệnh nhân số 416, ở Đà Nẵng, được chính thức xác nhận dương tính với virus corona chủng mới hôm 25/7.
Sau đó, thành phố xác định có thêm hai bệnh nhân nữa, 418 và 420.
Bệnh viện Đà Nẵng, nơi đang điều trị cho hai bệnh nhân 416 và 418, và Bệnh viện C, sẽ thực hiện cách ly đối với toàn bộ nhân viên y tế, người phục vụ người bệnh, người nhà người bệnh.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam đã đưa 106 người có liên quan đến BN 416 và 418 đi cách ly tập trung.
UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện cũng như các hội, đoàn thể, cơ quan trung ương, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Thời gian bắt đầu thực hiện chỉ thị về việc giãn cách xã hội bắt đầu được tính từ 13h ngày 26/7 cho tới khi có thông báo mới nhất.
Bệnh nhân 418 có thể lây cho nhiều người
Trước đó, bản tin lúc 6g ngày 26/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã có thêm 1 ca bệnh Covid-19, tức bệnh nhân 418, tại Đà Nẵng. Bệnh nhân 418 năm nay 61 tuổi, cư ngụ tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đêm 25-7 và hiện đang phải thở máy.
Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, cách ly, khoang vùng, dập dịch.
Bộ Y tế đã thành lập ba đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố Đà Nẵng.
Được biết hiện ca 418 này cũng không rõ nguồn lây. Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Tuy nhiên, theo báo Tiền Phong, vợ bệnh nhân 418 là một giáo viên có dạy kèm thêm, và như vậy hàng chục học sinh có nguy cơ lây nhiễm cao.
Báo Tiền Phong trích lời Trưởng trạm y tế phường Thanh Bình (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cho biết cơ quan y tế địa phương đã nhanh chóng xác định được 5 người nhà là F1 của bệnh nhân số 418. Trong số 5 người này, vợ của bệnh nhân (F1) là giáo viên, có dạy thêm cho hàng chục học sinh, vì thế, hiện nay ngoài việc điều tra F1, thì công tác rà soát, điều tra F2 là học sinh của vợ bệnh nhân 418 cũng hết sức quan trọng.
Cơ quan y tế Đà Nẵng cho hay trong vòng 1 tháng nay, bệnh nhân 418, hiện đang sống với vợ và con gái, chỉ ở thành phố Đà Nẵng, không đi ra ngoại tỉnh, ít ra khỏi ở nhà, không tiếp xúc với người nước ngoài, tuy nhiên hàng ngày có uống cafe, ăn sáng khu vực xung quanh nhà, vẫn theo báo Tiền Phong.
Được biết trong vòng 14 ngày trước khi khởi bệnh, bệnh nhân có chăm sóc bố đang nằm điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng. Nhà bệnh nhân nằm cạnh nhà bố.
Bệnh nhân cũng tham gia một câu lạc bộ thơ nhưng lâu nay không sinh hoạt.
**********************
Việt Nam thông báo thêm 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
RFA, 26/07/2020
Việt Nam vào ngày 26/7 ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, nâng tổng số ca bệnh trong cả nước lên 420.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt người đi xem một trận đấu bóng đá ở giải V. League hôm 5/6/2020 - Reuters
Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam cho biết như vừa nêu. Cụ thể ca bệnh số 420 là bệnh nhân nữ, 71 tuổi ngụ tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Hôm 12/7 nữ bệnh nhân bị sốt, đau ngực. Đến ngày 22/7 vào Bệnh viện C Đà Nẵng để điều trị. Mẫu bệnh phẩm được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng công bố dương tính với SARS-CoV-2 hôm 26/7. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh Viện C Đà Nẵng.
Tin cho biết trước khi được phát hiện mắc Covid-19, bệnh nhân này từng vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm con gái ở tại phường 5, quận 11.
Còn ca bệnh 419 là bệnh nhân nam 17 tuổi ngụ tại phường Quang Phú, Thành phố Quảng Ngãi. Vào ngày 14/7, bệnh nhân này đến Bệnh Viện Chỉnh Hình & Phục Hồi Chức năng Đà Nẵng để chăm sóc người anh đang điều trị tại đó. Đến ngày 17/7, bệnh nhân về lại Thành phố Quảng Ngãi bằng xe khách ; trên xe đó cũng có một số người từ Bệnh viện C Đà Nẵng về Quảng Ngãi. Đến ngày 20/7 khi trở lại Bệnh Viện Chỉnh Hình & Phục Hồi chức năng thì có biểu hiện sốt. Sang ngày 22/7, bệnh nhân đi tàu về Quảng Ngãi và do thấy bị sốt, ho nhẹ, hơi khó thở nên đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Quảng Ngãi. Vào ngày 24/7 bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ngãi lấy mẫu bện phẩm gửi đi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Ngày 26/7, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Bình Sơn, cơ sở điều trị 2, Khu Công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
**********************
Việt Nam đối mặt với tình trạng người Trung Quốc ồ ạt nhập cảnh lậu tạo nguy cơ lây nhiễm Covid-19
RFA, 24/07/2020
Truyền thông trong nước hôm 24/7 cho biết an ninh sân bay ở Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào tối ngày 24/7 đã phát hiện 2 hành khách Trung Quốc mang giấy tờ giả có tên Việt Nam định lên máy bay đi TP Hồ Chí Minh. Cả hai người trước đó đã nhập cảnh lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở tỉnh Hà Giang.
Một người lính biên phòng đeo khẩu trang phòng dịch ở cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn trên biên giới với Trung Quốc hôm 20/2/2020 - Reuters
Hiện cả hai hành khách này đều đã được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Công an Hà Nội phòng lây lan Covid-19.
Theo Tuổi Trẻ, gần đây cơ quan chức năng Việt Nam liên tục phát hiện các trường hợp nhập cảnh qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam, có đoàn lên đến hàng chục người, gây ra nguy cơ lây lan Covid-19 rất lớn.
Gần đây nhất là trường hợp công an tỉnh Quảng Nam phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang lưu trú tại tỉnh này.
TP Đà Nẵng mới đây cũng phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và lưu trú tại thành phố này.
Việt Nam trong nhiều tuần qua không phát hiện thêm ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng tuy nhiên vẫn phát hiện thêm những ca nhiễm Covid-19 là người từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Y tế tính đến tối ngày 24/7, Việt Nam có tổng cộng 413 ca nhiễm Covid-19 từ đầu năm đến nay. Trong số này, 273 ca là người nhập cảnh được quản lý ngay.
Trường hợp mới nhất được ghi nhận là một thủy thủ người Myanmar làm việc trên tàu IPANEMA. Tàu này xuất cảnh Nhật Bản hôm 16/6 và nhập cảnh Cảng Hòn Gai của Việt Nam hồi ngày 23 tháng 6 vừa qua.
Người thủy thủ phải cách ly trên tàu, đến này 6/7 được đưa đi cách ly tại Khách sạn Vân Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đến ngày 9/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả lúc đó âm tính với SARS-CoV-2. Vào ngày 23/7, mẫu xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với chủng virus này.
Bệnh nhân được chuyển đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương Cơ sở 2
*******************
Việt Nam lại cảnh giác cao vì có ca Covid-19 mới trong cộng đồng sau 100 ngày
VOA, 25/07/2020
Hôm thứ Bảy 25/7, Việt Nam quay trở lại tình trạng cảnh giác cao độ đối với virus corona, sau khi các quan chức y tế ở thành phố Đà Nẵng phát hiện ra trường hợp lây nhiễm ở địa phương lần đầu tiên trong vòng ba tháng qua.
Một trung tâm xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Hà Nội, tháng 3/2020
Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và thực hiện một chương trình xét nghiệm tích cực và rộng khắp khi có đại dịch, nhờ đó, tổng số ca nhiễm được báo cáo chỉ là 417, và không có trường hợp tử vong nào.
Không có ca lây nhiễm cục bộ nào trong vòng 100 ngày cho đến hôm thứ Sáu 24/7, khi Bộ Y tế cho biết một người đàn ông 57 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính ở Đà Nẵng, một địa điểm có nhiều hoạt động du lịch.
Truyền thông nhà nước đưa tin vào tối 25/7 rằng người đàn ông ở trong tình trạng nguy kịch, và các bác sĩ chuyên khoa đã bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng để điều trị cho ông ấy.
Nhà chức trách cho biết 50 người từng tiếp xúc với bệnh nhân đã bị cách ly. Bộ Y tế cho hay 103 người có liên quan đến bệnh nhân đã được xét nghiệm virus nhưng tất cả đều có kết quả âm tính.
Bộ cho biết thêm hơn 11.800 người đang được cách ly trên toàn quốc, bao gồm 147 người tại các bệnh viện.
Chính phủ Việt Nam không đưa ra thông tin là người đàn ông đó đã nhiễm virus như thế nào, nhưng cho biết ông ấy đã không rời khỏi Đà Nẵng trong gần một tháng qua.
Ban đầu ông ấy được chẩn đoán bị viêm phổi. Xét nghiệm nhanh hôm 25/7 xác nhận là ông ấy nhiễm virus corona, nhà chức trách cho biết.
Ca nhiễm được phát hiện đúng lúc Việt Nam chuẩn bị nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế và cùng lúc hoạt động du lịch nội địa đang gia tăng mạnh.
Tối 24/7, chính quyền ở thủ đô Hà Nội đề nghị mọi người đeo khẩu trang trở lại ở những nơi công cộng.
Việt Nam vẫn cấm các chuyến bay thương mại quốc tế, nhưng các chuyên gia và công nhân lành nghề nước ngoài gần đây có thể nhập cảnh với điều kiện họ phải trải qua cách ly bắt buộc.
Trong số gần 150 ca nhiễm được báo cáo trong 3 tháng qua, tất cả đều là những người bị cách ly khi đặt chân đến Việt Nam.
(Theo Reuters)