Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/08/2020

Mốt của thời đại : anh có tượng đài thì tôi cũng phải có tượng đài

RFA tiếng Việt

Phong trào tượng đài lan đến tỉnh nghèo Đắk Nông !

RFA, 12/08/2020

Tượng đài 167 tỷ đồng ở tỉnh Đắk Nông là tượng N’Trang Lơng, được xây dựng tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa trên diện tích 5,9 hécta.

tuongdai1

Mô hình Dự án N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912 - 1936 ở tỉnh Đắk Nông. Courtesy daknong.gov.vn

Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, công trình Tượng đài N’Trang Lơng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu khởi công vào tháng 5/2015, dự kiến làm hết 67 tỷ đồng, riêng phần tượng và phù điêu khoảng 47 tỷ đồng. Giai đoạn hai là hoàn thành toàn bộ cảnh quan, tổng số vốn đầu tư là 167 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi mới chỉ thực hiện phần san lấp và xây dựng móng tượng, đã xảy ra sai phạm. Do đó, công trình này đã phải tạm ngừng thi công suốt thời gian dài cho đến nay. Gần đây, chính quyền địa phương tiếp tục khởi động lại dự án, theo kế hoạch tháng 10 tới đây sẽ hoàn thành phần đặt tượng lên và cuối năm 2020 dự án sẽ hoàn thành.

Xây dựng tượng đài ở tỉnh Đắk Nông có cần thiết, khi tỉnh này liên tục nhận gạo cứu đói từ chính phủ, từ tháng 4 năm 2020 đến nay tỉnh Đắk Nông đã nhận hơn 300 tấn gạo... Vì sao lãnh đạo tỉnh lại quyết định tiếp chi cả trăm tỷ đồng trong lúc khó khăn vì dịch bệnh này ?

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/8/2020 liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương mại, cho biết ý kiến của mình :

"Cái này là cái mốt của thời đại. Từ xưa đến nay, mình nói mình làm có kế hoạch nhưng chẳng có. Trước đây thì có hiện tượng anh có cảng biển thì tôi cũng phải có cảng biển, anh có nhà máy mía đường thì tôi cũng phải có, anh có nhà máy xi măng lò đứng mua của Trung Quốc thì tôi cũng phải có... nghĩa là người ta có gì mình cũng phải có cái ấy để không kém anh kém chị, chứ không cần biết có đem lại hiệu quả kinh tế hay không ? Ví dụ cảng biển đâu phải tỉnh nào cũng làm được, phải có nhu cầu thì mới có cảng biển. Hay không có đất trồng mía mà cũng làm nhà máy đường rồi đi mua mía nơi khác... Nghĩa là làm vô tội vạ, không căn cứ vào nhu cầu kinh tế, không biết chọn cái gì mình có thế mạnh để làm. Cách của Việt Nam từ xưa đến giờ là như thế, bây giờ còn loạn hơn nữa, càng ngày càng mạnh ai nấy làm".

Dự án xây dựng tượng đài ở tỉnh Đak Nông không phải là công trình đầu tiên bị lên án tại Việt Nam. Trước đây, thành phố Hải Phòng cũng bị phê phán về hình tượng hai con rồng 60 tỷ ở thành phố này. Hay dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ Đồng ở Sơn La cũng được báo chí trong nước cho rằng đây là sự tiêu xài lãng phí tiền thuế của dân.

Hay dự án Di tích Yên Trường, nằm trên địa bàn xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cũng bị lên án khi đầu tư đến 50 tỷ đồng. Trong khi theo báo cáo ngày 17/4/2020, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh này có 112.307 người nghèo, 426.854 người thuộc hộ cận nghèo. Sau rà soát lại vào ngày 7/5/2020, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn có 475.703 người thuộc hai nhóm vừa nêu.

tuongdai2

Biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường. Courtesy thanhhoa.gov.vn

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 12 tháng 8 năm 2020, nhận định :

"Tôi nghĩ việc xây dựng công viên, chỗ vui chơi cho trẻ em thì rất nên làm, và phải có quy hoạch cho tất cả khu đô thị cho những không gian công cộng như vậy. Còn việc xây dựng tượng đài thì thật sự nó là một công cụ tuyên truyền của đảng cộng sản, thì tôi nghĩ hoàn toàn không có ý nghĩa gì để xây dựng những công trình như vậy, nhất là lúc kinh tế đang khó khăn, đang phải lo chống dịch. Tôi nghĩ việc xây dựng những công trình không gian công cộng cho người dân thì nên có quy hoạch, nhưng ngay cả những cái đó trước mắt cũng không nên xây, còn những công trình mang tính tuyên truyền thì hoàn toàn là vô bổ".

Ngoài những quảng trường, tượng đài vừa nêu, mới nhất là việc Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang đã bỏ ra đến 353 tỷ đồng xây quảng trường ở Phú Quốc. Quảng trường được xây dựng trên nền sân bay Phú Quốc cũ với diện tích hơn 8 ha, sức chứa 20.000 người, và sẽ đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 18 m.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định :

"Chắc chắn lãng phí rồi vì đây là cơ hội để họ có thể tham nhũng, họ có thể xà xẻo tiền. Rất nhiều địa phương nhiều nơi thích xây quảng trường vì rõ ràng việc xây quảng trường mình nghĩ họ sẽ ăn được nhiều tiền từ đấy vì rất khó nghiệm thu đánh giá giá trị công trình, tiền chi ra chi vào thế nào, rất trừu tượng".

Còn một người dân sống ở Phú Quốc, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho biết về việc chính quyền chỉ lo làm các công trình lớn mà không lo các công trình phúc lợi cho dân :

"Số lượng thu ngân từ thuế của huyện là rất lớn, nhưng đáp ứng lại cho các công trình phúc lợi thì không đạt theo sự phát triển của Phú Quốc, như đường xá, cầu cống nghẹt hết, chỉ làm những công trình lớn thôi, còn những công trình nhỏ thì không làm như hệ thống thoát nước".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc xây dựng tượng đài khắp nơi, là chủ trương ở trên chóp bu, là ở Ban văn hóa tư tưởng, bởi vì cái việc nêu những biểu tượng như thế, hình tượng như thế, rất là quan trọng đối với đảng cầm quyền, nên họ chú trọng chuyện đấy. Ông nói tiếp :

"Điểm thứ hai là mạng lưới tuyên truyền nó xuống đến tận tỉnh tận huyện, ông nào cũng tìm cách tiêu tiền của nhà nước, một mặt vì chủ trương như tôi đã nói, thuần túy phục vụ cho công tác tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam. Một mặt khác, cứ xây cái gì từ tiền nhà nước, thật sự là tiền của dân, thì đằng nào các ông quan chức ấy cũng ‘xơ múi’. Nó có nhiều động lực, nhưng theo tôi động lực chính là về sức mạnh biểu tượng và họ muốn tuyên truyền, rồi việc tham nhũng đi kèm vào tất cả công trình, mà tiêu tiền của nhà nước cũng là động lực tiếp nữa".

Hiện tượng phổ biến ở Việt Nam là xây những tượng đài hàng chục tỷ, cuối cùng là quá khả năng ngân sách. Trong khi, đáng lý tiền đó phải đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đầu tư vào nhà thương, trường học hay xóa đói giảm nghèo thì sẽ được người dân ủng hộ. Những việc này hoàn toàn không hợp với lòng dân, nhưng vì sao vẫn cứ liên tục diễn ra ?

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, nhận định thêm :

"Tôi thấy nó không phù hợp trên nhiều phương diện, chứ không phải chỉ tiền nong. Riêng tiền nong thì Việt Nam cũng đang khó khăn chứ cũng không dồi dào gì... nào là nhu cầu chống dịch, nhu cầu sản xuất, đặc biệt là nhu cầu cuộc sống nhân dân còn khó khăn... mà phần lớn nhân dân là thợ thuyền, lao động, công nhân... tất cả còn khó khăn mà đầu tư vào những chuyện đó. Nếu bình thường có tiền, có vốn thì còn nói, nhưng tượng đài ở Việt Nam cũng lắm rồi, cũng không có nhu cầu, người dân cũng không có nhu cầu. Nhưng những người muốn xây là họ muốn lấy le, tôi có tượng này tượng nọ để xưng hô với các địa phương khác, nhất là những người muốn có thế để nhảy vào cuộc, tham gia vào đại hội các cấp, đại hội toàn quốc... họ bất chấp tiền nong đó, họ cố bòn rút để làm chứ đâu phải họ tự bỏ tiền ra làm".

Ông Lê Văn Triết cho rằng, việc xây dựng tượng đài khắp nơi là không hợp lý trên nhiều phương diện, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn chung vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông cho biết, ông hoàn toàn không tán thành thực hiện những việc đó.

Nguồn : RFA, 12/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)