Trung Quốc xả lũ và ứng phó của Việt Nam
Giang Nguyễn, RFA, 21/08/2020
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó Phòng Chống Thiên Tai Việt Nam vào ngày 21 tháng 8 đánh giá rằng tác động xả lũ của Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn đối với hạ nguồn tại Việt Nam không nhiều. Thủy điện Mã Đổ Sơn cách biên giới Việt Nam khoảng 95km.
Trận lũ bất thường trên sông Hồng đoạn chảy qua Thành phố Lào Cai gây ngập lụt nhiều diện tích rau màu của người dân là do xả lũ phía thượng nguồn - Courtesy nld.com
Ông Quang phát biểu với báo chí trong nước rằng người dân thấy việc xả lũ là vấn đề gây tác động rất lớn và lo ngại đó là chính đáng. Ông nói tiếp, việc xả lũ có thể còn tiếp diễn và yêu cầu các địa phương phải chủ động các biện pháp ứng phó.
Trước đó vào sáng ngày 20/8/2020, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai mới nhận được thư liên hệ của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thông báo về việc phía Trung Quốc chuẩn bị xả lũ trên sông Hồng cùng ngày.
"Người ta nói là thất bại trong chuẩn bị…", nhà báo Đỗ Cào Cường nói.
Đối với ông Cường hệ quả của thiên tai do xả lũ hay mưa lớn là hoàn toàn nằm trong trách nhiệm của chính quyền Việt Nam, và không thể viện lý do khách quan như thời tiết hoặc chính sách của Trung Quốc.
"Nói chung thì lũ ở Việt Nam mình từ trước đến nay có chuẩn bị gì đâu. Ngay như lũ ở Việt Nam mình còn không đối phó được. Mấy cánh rừng ở trong nước để cho kiểm lâm, lâm tặc phá rừng. Rừng ở Tây Nguyên đến Tây Bắc, tất cả rừng sản xuất, rừng nguyên sinh, bây giờ cũng bị tàn phá hết. Ngay việc kiểm soát lũ ở trong nước mình không kiểm soát được thì nói gì dòng chảy từ Trung Quốc và thủy điện, nó ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng".
Theo ông, nạn lũ lụt thường xuyên xảy ra, nguyên nhân là do phá rừng. Ông nói khi thực hiện phóng sự về môi trường, ông đã chứng kiến viên chức chính phủ, kiểm lâm và lâm tặc đều là một. Phá rừng để làm giàu cho mình, mặc kệ hệ quả lâu dài cho đất nước.
"Cũng vì cơ chế quản lý thôi. Quản lý theo kiểu độc tài như vậy thì ảnh hưởng đến dân sinh, môi trường, là điều bình thường... Trước mình tới Đắk Lắk, một số tỉnh ở Lâm Đồng, Đà Lạt, để làm phim về lâm tặc phá rừng. Những người trồng hoa ở Đà Lạt, họ bị lâm tặc cấu kết với mafia trong chính quyền tàn phá rừng, chiếm rừng, bán".
Tổng Cục Phòng chống Thiên tai trích dẫn ông Nguyễn Đức Quang, rằng từ trước đến nay không có qủy định Trung Quốc chia sẻ thông tin xả lũ, tủy nhiên nếu việc xả lũ được chia sẻ sớm, đầy đủ thông tin thì công tác dự báo, ứng phó sẽ tốt hơn.
Đối với ông Nguyễn Đình Hà, cư dân Hà Nội thì người dân không nên mong chờ Trung Quốc có hành vi gì giúp dân Việt Nam :
"Phải tự mình đưa ra giải pháp. Nếu chúng ta không đưa ra được thì nhờ các chuyên gia quốc tế đưa ra giải pháp. Còn nếu mà chờ Trung Quốc, thì cũng khó nói, họ thường xuyên chà đạp lợi ích các quốc gia khác, không coi lợi ích các quốc gia khác ra gì, đặc biệt là những nước như Việt Nam".
Sông Hồng bị ảnh hưởng trong một lần Trung Quốc xả lũ hồ thủy điện. AFP photo
Theo nhà báo Cường những ai không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt thiên tai thì ít khi lên tiếng, còn những người thường phải chịu đựng hệ lủy thì thường là những người thấp cổ bé miệng.
"Khi dân trí thấp, nước đến chân mới nhảy thôi. Khi dân mà bị thiệt thòi, bị va chạm, bị lũ cuốn trôi thì mới có tinh thần phản kháng. Đến đâu thì phản kháng đến đó. Bây giờ người dân mà bị ảnh hưởng ít thì coi đấy là bình thường. Những vùng chịu trực tiếp từ công trình thủy điện mà có sự cấu kết giữa phe nhóm, thì họ cũng không có cơ hội lên tiếng".
Ông Hà nói có thể việc xả lũ từ phía Trung Quốc lần này chưa gây nhiều tổn thất, nhưng ông lo ngại rủi ro lớn hơn có thể xảy ra, nếu quan hệ Việt Nam và Trung Quốc không cải thiện.
"Câu chuyện này dẫn đến câu chuyện phải chuẩn bị cho tương lai, bởi vì hệ thống sông Hồng là câu chuyện của 2 quốc gia. Nếu như 2 quốc gia thực sự biết điều, hòa thuận với nhau, đúng như tinh thần gọi là ‘2 quốc gia cộng sản, quốc tế vô sản đoàn kết lại’ thì việc xả lũ, đê điều sẽ dễ nói chuyện. Nhưng mà Trung Quốc và Việt Nam lại là quan hệ đặc biệt. Nó không phải là tốt đẹp cho lắm. Nên rất khó nói trong việc hợp tác giữa hai bên về các đê điều.
Và nếu mà nặng nhất thì có thể dẫn đến thảm họa quốc, gia mà chưa biết tương lai như thế nào vì không ai có thể nói chuyện đùa với nước và lửa".
Dân gian Việt Nam có câu ‘Nước đến chân mới nhảy’ và thực tế Việt Nam lâu nay cho thấy thực trạng đó. Dẫu thiên tai là hiện tượng tự nhiên ; nếu Nhà nước có chuẩn bị kỹ lưỡng với những cơ sở hạ tầng cần thiết, luôn trong tư thế sẵn sàng thì tác hại của thiên tai sẽ được giảm thiểu.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy thiên tai tại Việt Nam từ đầu năm đến nay đã khiến hơn 50 người mất mạng và thiệt hại vật chất lên đến 3 ngàn tỷ đồng.
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 21/08/2020
**********************
Trung Quốc thông báo sơ sài về xả lũ, Việt Nam lo cho tình huống khẩn cấp
VOA, 21/08/2020
Với việc Trung Quốc thông báo xả lũ xuống sông Hồng nhưng không cho biết chính xác lưu lượng, giới hữu trách Việt Nam phải bố trí lực lượng trực xuyên đêm và đưa ra các phương án ứng phó trong tình huống mực nước dâng cao đến mức báo động.
Hôm 20/8, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai gửi ra công văn cho biết Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn của Trung Quốc sẽ xả lũ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều cùng ngày nhưng không cho biết lưu lượng là bao nhiêu, và cũng không cung cấp thông tin xả lũ trên các lưu vực sông khác trong những ngày tới.
Tình trạng này khiến UBND tỉnh Yên Bái phải ra công điện hoả tốc để yêu cầu các lực lượng địa phương chuẩn bị cho tình huống bị lũ quét, sạt lở đất trong địa bàn, đồng thời kêu gọi người dân dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm, dừng các hoạt động đánh bắt và lưu thông trên sông.
Báo Dân Việt cho hay lực lượng công an tỉnh Yên Bái và thành phố Yên Bái đã phải trực chiến 100% quân số cùng với trang thiết bị, kỹ thuật để sẵn sàng ứng cứu khi dự báo nước sông Thao (sông Hồng) dâng cao gây ngập úng trở lại.
Thủy điện Mã Đồ Sơn nằm trên dòng chính của sông Hồng, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Thủy điện có công suất 300 MW và cách biên giới Việt Nam khoảng 350 km.
Việc xả lũ của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm khu vực sông Thao vừa trải qua đợt lũ với mức đỉnh lũ lên 82,58m, vượt mức báo động 2 là 0,58m và vừa giảm xuống dưới mức báo động 1 vào trưa 20/8.
Sau khi Trung Quốc xả lũ, mực nước sông tăng lên trở lại, đạt mức 80,43m vào 7 giờ sáng 21/8, vượt mức báo động 1 là 0,43m, sau đó xuống mức 79,69m vào 1giờ chiều 21z8, dưới báo động 1 là 0,31m.
Dự báo mực nước sông Thao ở Lào Cai sẽ tiếp tục xuống nhanh, trong khi tại Yên Bái mực nước sẽ lên đến mức báo động 2 khi khu vực Việt Bắc, Tây Bắc xuất hiện mưa to và dông kể từ chiều 21/8 sang ngày 22/8. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện đợt lũ mới trong khu vực, với biên độ lũ từ 1,0-3,0m. Ngủy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang. Ngủy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như Lào Cai, Yên Bái.
Lũ lụt và lở đất do mưa lớn ở miền bắc Việt Nam đã khiến 7 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương kể từ ngày 17/8. Hàng ngàn ngôi nhà của người dân bị hư hại, nhiều hộ gia đình phải sơ tán để bảo đảm an toàn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thiên tai tại Việt Nam, trong đó có hạn hán, lũ lụt và sạt lở đất, đã giết chết 133 người vào năm ngoái và gây thiệt hại khoảng 7 nghìn tỷ đồng (302,6 triệu USD).
Số liệu chính thức cho biết trong nửa đầu năm nay, thiên tai đã làm thiệt mạng 47 người và gây thiệt hại 3,3 nghìn tỷ đồng.
Trong một diễn tiến liên quan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sắp tham dự trực tuyến Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần 3 vào ngày 24/8 và có bài "phát biểu quan trọng" tại hội nghị này, theo thông báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Hội nghị với 6 nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc dự kiến sẽ bàn về nhiều chủ đề, trong đó có nội dung liên quan đến đại dịch Covid-19 và vấn đề "quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong".
***********************
7 người chết và 4 người bị thương do thiên tai ở 9 tỉnh miền Bắc
RFA, 20/08/2020
Tính đến 21 giờ ngày 19/8, đã có 7 người chết, 4 người bị thương và tổng thiệt hại tài sản, vật chất ước tính ban đầu hơn 45 tỷ đồng do mưa lũ, sạt lở đất gây ra tại 9 tỉnh ở miền Bắc, Việt Nam.
Hình ảnh mưa lũ tàn phá tại một làng ở tỉnh Yên Bái hôm 21/7/2018. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 20/5 dẫn số liệu ghi nhận của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cho thấy tình trạng mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc, đến tối hôm 19/8 đã làm hư hỏng hơn 1.000 căn nhà hoặc di dời khẩn cấp, gần 2.100 héc-ta lúa và hoa màu bị hư hại, gần 970 con gia súc và gia cầm bị cuốn trôi và một số tuyến đường liên tỉnh, liên xã bị sạt lở, trong đó hai tỉnh lộ 158 và 156B thuộc địa phận tỉnh Lào Cai và đoạn đường huyện xã Nậm Khao-xã Tà Tổng, thuộc tỉnh Lai Châu bị ách tắc và đi lại rất khó khăn.
Tổng thiệt hại được ước tính hơn 45 tỷ đồng tại 9 tỉnh bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng và Điện Biên. Hiện các địa phương này vẫn đang tiếp tục thống kê số liệu thiệt hại.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo sẽ tiếp tục có mưa, từ mức độ vừa cho đến rất to, và có dông ở các khu vực Đông Bắc, Việt Bắc và Tây Bắc. Song song đó có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, cảnh báo nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố.
Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tại phiên họp vào sáng ngày 20/8 đề nghị chính quyền các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Tây Nguyên có các phương án đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, phải có thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn.
Tổng cục Phòng chống thiên tai và Viện Vật lý địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hồi trung tuần tháng 7 dự báo mưa bão ở khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam có khả năng gia tăng hơn kể từ tháng 9 ; đồng thời có nguy cơ rất lớn xuất hiện mưa, lũ lớn ở khu vực này tương tự như xảy ra tại Trung Quốc trong cùng thời điểm tháng 7/2020.
Trước đó vào đầu tháng 5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc đưa ra gia dự báo mùa mưa bão năm 2020 đến muộn và có khoảng từ 11 đến 13 cơn bão cùng với áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông. Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tương đương những năm trước.