Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/08/2020

Ngày quốc tế Tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin

RFA tiếng Việt

"Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin" chưa được phổ biến rộng tại Việt Nam

RFA, 22/08/2020

Ngày Lễ tưởng niệm đầu tiên

Ngày 22/08/2019 là một ngày rất quan trọng và đầy ý nghĩa đối với các cộng đồng và tổ chức tôn giáo trên toàn cầu, khi được Liên Hiệp Quốc lựa chọn trở thành ngày lễ quốc tế hàng năm để tưởng niệm các nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo hay niềm tin.

ngay1

Giáo xứ Song Ngọc vào ngày 22/08/19 dâng Thánh Lễ và thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân đã và đang bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, đặc biệt ở Việt Nam. Courtesy : Facebook Nguyễn Đình Thục

Đài RFA ghi nhận, hưởng ứng thư ngỏ của Ủy ban Công lý & Hòa Bình về Lễ tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì lý do tôn giáo và niềm tin đầu tiên trên thế giới, vào đùng ngày 22/08/19, các giáo xứ khắp đất nước Việt Nam tiến hành tổ chức tưởng niệm và cầu nguyện. Một số nơi như Giáo xứ Thái Hà, ở Hà Nội hay Giáo xứ Song Ngọc, ở Nghệ An từng gặp nhiều trở ngại với chính quyền địa phương nhưng cũng đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân bị bách hại vì lý do tôn giáo hay niềm tin được suôn sẻ. Theo ghi nhận của Linh mục An-Tôn Lê Ngọc Thanh thì những nhà thờ ở vùng hẻo lánh như Nhà thờ Sáu Bọng, nơi ông dâng hai lễ cầu nguyện cho nạn nhân bị áp bức tôn giáo và niềm tin cũng không gặp sự trở ngại nào do chính quyền địa phương gây ra.

Tuy nhiên không phải tổ chức hay cộng đồng tôn giáo nào cũng được thuận lợi giống như cộng đồng Công giáo trong ngày 22/08/2019.

Chánh trị sự Hứa Phi, thuộc Giáo phái Cao Đài Chơn Truyền Tòa Thánh Tây Ninh, ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng cho biết kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm đã không thể thực hiện. Ông Hứa Phi kể lại với RFA :

"Một số anh em trong các hương đạo cũng muốn tưởng niệm những người, chẳng hạn trước đây bị bỏ tù và một số đang ở tù…Nhưng mà hình như công an biết trước và sáng nay công an cũng vô nhà tôi hai lần. Mây hôm rồi đi cúng liên gia thì công an cũng canh nên không tổ chức được".

Trong khi đó, Hòa thượng Thích Không Tánh, thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chia sẻ ông nhìn nhận các tăng đoàn hầu như tưởng niệm "Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin" đầu tiên trên tinh thần là chính vì quá cập rập để chuẩn bị tổ chức. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết thêm hiện đang dồn sức để hoàn thành một bạch thư gửi đến Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thế giới để trình bày một cách đầy đủ về tình trạng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị áp bức, bách hại:

"Bây giờ chúng tôi đã thảo bạch thư và cũng nói lên một số các vấn đề bách hại đối với Phật giáo. Bởi vì có nhiều vấn đề quá, có người nhớ việc này, có người nhớ việc khác cho nên bạch thư chưa được hoàn chỉnh".

ngay2

Một giáo dân tham gia đoàn khiếu kiện bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân thảm họa Formosa bị công an đánh chảy máu mũi ngày 14/02/17. Courtesy : Netizen photo

Không tổ chức vì không đủ thông tin

Còn đại diện của các tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo không dưới sự quản lý của Nhà nước, ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Ban trị sự trung ương của Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy lên tiếng rằng các tổ chức Phật Giáo Hào Hảo độc lập ở Việt Nam đã bị lỡ dịp tổ chức lễ "Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin" lần đầu tiên vì không rõ nắm rõ thông tin. Ông Lê Quang Hiển nhấn mạnh rằng nếu như ngày lễ này được Chính quyền Việt Nam bỏ phiếu đồng thuận tại Liên Hiệp Quốc thì bản thân ông cũng như nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có sự hy vọng rằng ngày lễ quan trọng kỷ niệm ngày mất của Đức Huỳnh Phú Sổ, người khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo sẽ không bị cấm cản trong thời gian tới. Ông Lê Quang Hiển giải thích :

"Nhà cầm quyền Cộng sản thông qua Ban Trị sự Trung ương cho tổ chức hai ngày lễ, bao gồm Lễ Khai đạo và Lễ Đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ. Còn ngày lễ quan trọng nhất là ngày 25 tháng 2 Âm lịch, tức là ngày Đức Huỳnh Giáo chủ bị Vệt Minh-Cộng sản ám hại thì không cho tổ chức".

Từ Sài Gòn, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, thuộc Giáo hội Tin lành Mennonite độc lập bày tỏ ông đã không có thông tin nào liên quan ngày lễ tưởng niệm quốc tế đầu tiên này. Mục sư Nguyễn Hồng Quang nói rằng ông bị mất tài khỏan Facebook cá nhân hơn 10 ngày qua nên không thể cập nhật thông tin được. Mục sư Nguyễn Hồng Quang tin rằng các giáo hội Tin Lành độc lập tại Việt Nam sẽ hưởng ứng và tổ chức những lễ tưởng niệm nạn nhân bị bạ hành vì tôn giáo và niềm tin kể từ năm 2020 trở đi, bởi vì chính họ là những nạn nhân đang phải từng ngày gánh chịu sự bức hại mà Mục sư Nguyễn Hồng Quang mô tả là "bị cô lập, truy cùng, diệt tận".

"Chúng tôi có quá nhiều đau thương. Các tôi tớ Chúa phục vụ như tôi nước mắt đắng cay từ những năm sau 1975. Có những ông đồng sự của tôi bị đánh chết…Cho nên nghe về ngày tưởng niệm ngày là chúng tôi luôn hưởng ứng".

Dù kịp thời tổ chức lễ tưởng niệm đầu tiên hay thậm chí không biết gì về "Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin" vừa được Liên Hiệp Quốc ban hành, thế nhưng tất cả đại diện của các tổ chức tôn giáo mà Đài Á Châu Tự Do vừa sơ lược trên đây cùng bày tỏ sự biết ơn đối với Liên Hiệp Quốc đã chọn lựa ngày 22/08/19 làm một dấu mốc đi vào lịch sử kỷ niệm những người bị bách hại vì niềm tin và tôn giáo trên toàn cầu, đồng thời khẳng định là bước khởi đầu để cho tất cả các tôn giáo độc lập tại Việt Nam có cơ sở để đấu tranh cho tự do tôn giáo, trong bối cảnh hồi tháng 4 năm 2019 Ủy Hội Quốc tế Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Thế Giới (USCIRF) đề nghị Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, là danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo.

Nguồn : RFA, 22/08/2020

*******************

Nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo, niềm tin tại Việt Nam

RFA, 21/08/2020

Tổ chức tưởng niệm ngày 22/8

Đại Đội đồng Liên Hiệp Quốc, hồi tháng 5/2019, thông qua quyết định chọn ngày 22/8 hàng năm là "Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin". Việt Nam cũng đã bỏ phiếu đồng thuận 2 ngày trước khi ngày Tưởng niệm đầu tiên có hiệu lực.

ngay3

Cố Hòa thượng Thích Quảng Độ (ngoài cùng bên trái) trong một phiên tòa vào năm 1995 vncrp.org

Theo tinh thần Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, các quốc gia thành viên, các tổ chức nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và các cộng đồng tôn giáo trên toàn thế giới được kêu gọi tổ chức những sinh hoạt tưởng niệm nhân ngày này mỗi năm.

Đài RFA, vào ngày 21/8 liên lạc với một số tổ chức tôn giáo độc lập tại Việt Nam để hỏi thăm việc tổ chức cho ngày lễ tưởng niệm 22/8 lần thứ hai diễn ra như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trở lại.

Hầu hết các tổ chức tôn giáo độc lập bao gồm các hội thánh Ki-tô giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo đều cho biết vẫn tổ chức tưởng niệm trong ngày 22/8. Tuy nhiên, sẽ diễn ra trong điều kiện giãn cách xã hội, từng cá nhân riêng lẽ hoặc từng nhóm nhỏ theo đúng yêu cầu nghiêm ngặt của chính quyền trong thời gian dịch bệnh.

Linh mục Đặng Hữu Nam, từng quản nhiệm Giáo xứ Mỹ Khánh, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông được biết đến như là một vị linh mục luôn đồng hành cùng giáo dân trong thời gian khó khăn, vì bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường biển Fomosa, xảy ra hồi tháng 4/2016. Vào sáng ngày 21/8, linh mục Đặng Hữu Nam chia sẻ với RFA về việc dâng lễ cho "Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin" :

"Việc này thì gần như là thường xuyên, chứ không phải chỉ một ngày. Nhưng vào ngày 22/8, thế giới chọn là ‘Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn Giáo’ thì dĩ nhiên sẽ có. Và dù bất kể tổ chức lễ ở đâu hay như thế nào thì bản thân tôi vẫn dâng lễ cầu nguyện cho tinh thần đó. Đặc biệt cầu nguyện cho những vấn đề nổi cộm ở Việt Nam trong mấy ngày qua như ở Đan viện Thiên An, tại Huế hay Giáo xứ Thị Nghè, ở Sài Gòn… Các tôn giáo khác ở Việt Nam cũng bị (đàn áp) như vậy. Tuy nhiên, đối với Giáo hội Công giáo thì vẫn xác định một điều rằng ở đâu có giáo hội và thời kỳ nào, triều đại nào cũng bị bách hại".

Linh mục Đặng Hữu Nam cho RFA biết Tòa giám mục Vinh đã ra thông báo cho linh mục Antôn Đặng Hữu Nam phải nghỉ mục vụ và được điều chuyển về Tòa Giám mục. Linh mục Đặng Hữu Nam nói với RFA rằng ông không biết được lý do hay nguyên nhân vì sao không thể tiếp tục mục vụ ở giáo xứ. Tuy nhiên, không ít ý kiến từ cộng đồng giáo dân cho rằng đây là một hình thức đàn áp tôn giáo đối với linh mục Đặng Hữu Nam.

Đó không phải là trường hợp duy nhất. Một số đại diện các tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt nam bày tỏ trong vòng một năm vừa qua, tính từ mốc thời gian "Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin", ngày 22/8/2019 đến nay, Chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo một cách khác mà họ cho là "ngày càng tinh vi hơn".

Đàn áp tôn giáo bằng các biện pháp "tinh vi"

Chánh Trị sự Cao Đài Hứa Phi, thuộc Hội đồng Liên Tôn Việt Nam khẳng định với RFA như thế, vào sáng ngày 21/8. Ông Hứa Phi cho biết các đạo hữu và thánh thất Cao Đại bị đàn áp ra sao trong vòng một năm qua :

"Sự đàn áp về cá nhân thì có một số quý vị ở từng địa phương, chẳng hạn như thông sự Đoàn Công Danh, thông sự Nguyễn Ngọc Lưu, phó trị sự Nguyễn Hữu Khánh. Các vị này bị công an mời tới mời lui về vấn đề tôn giáo. Các quý vị này chỉ tham gia vào các lễ hội hoặc vào việc cứu trợ, nhưng người ta cũng mời. Còn như Thánh thất Hiếu Xương ở Phú Yên thì người ta cũng bách hại. Người ta đưa số người của Cao Đài quốc doanh tới, nhưng trong Ban Trị sự khối Nhơn Sanh của chúng tôi, đã có nhiều người đến ứng phó và cản ngăn được sự lấn chiếm của Hội đồng Chưởng quản Cao Đài quốc doanh. Tiếp đến là người ta cũng muốn bách hại Thánh thất Quảng La. Người ta muốn ép vào Hội đồng Chưởng quản, nhưng ở nơi đó tuyệt đối không chấp hành… Hôm nay, chính quyền đang mời chánh trị sự Nguyễn Hà và một đạo hữu tên Danh, thuộc Thánh thất Nhơn Lý, của tộc đạo Quy Nhơn, Châu đạo Bình Định. Người ta mời một người vào 8 giờ sáng và một người vào lúc 2 giờ chiều nay. Trong giấy mời ghi rằng để làm việc liên quan vấn đề tôn giáo".

ngay4

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scott Busby (cà vạt đỏ) và phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ gặp gỡ với Hội đồng Liên tôn Việt Nam cùng các nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Hình chụp ngày 13/5/2019. Courtesy : Facebook Lê Quang Hiển

Vị Đại diện của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, nhấn mạnh Chính quyền Việt Nam đã tận dụng dịch bệnh Covid-19 để ngăn cản, gây trở ngại cho các sinh hoạt tôn giáo ở trong nước. Một việc làm của Chính quyền Việt Nam mà ông Hứa Phi lưu ý rằng rất tàn ác là đã không những không cho thân nhân các tù nhân tôn giáo thăm gặp trong thời dịch bệnh, mà còn không cho tù nhân tôn giáo nhận đồ ăn, thuốc men với viện cớ rằng chưa được kiểm dịch. Hay như việc tiếp tục gia tăng ngăn cấm không cho các trị sự viên của Phật giáo Hòa Hảo thuần túy tổ chức "Lễ Kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo chủ vắng mặt", vào ngày 25/2 âm lịch, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Ông Lê Quang Hiển, đại diện Phật giáo Hòa hảo Thuần túy, cho RFA biết thông tin cụ thể :

"Tôi xin nói như thế này, lúc nào cũng đàn áp nhưng bây giờ tinh vi hơn hồi trước, tức là họ chặn từ xa. Ban Trị sự Trung ương và các Ban Trị sự ở các tỉnh miền Tây, ở chỗ nào có trị sự viên Phật giáo Hòa Hảo thuần túy thì họ chận hết. Gần ngày lễ là họ chặn, không cho tụ họp lại, không trị sự viên nào ra khỏi nhà được. Chứ không giống mấy năm trước đó là chờ mọi người tụ họp lại rồi mới giải tán, ra tay đàn áp. Bây giờ không có làm như vậy nữa".

Mới đây nhất, gia đình tù nhân lương tâm, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm, lên tiếng về nguy cơ thân nhân bị đàn áp, và kể cả bị tra tấn trong trại giam.

Hồi đầu trung tuần tháng 8, bà Bùi Kim Thoa, chị của tín đồ Bùi Văn Thâm nói với RFA rằng gia đình không thể nhận được thông tin đầy đủ từ ông Bùi Văn Thâm. Ông Thâm đã không nhận cơm của trại giam từ tháng 10/2019 đến hiện tại. Gia đình cũng không được thăm nuôi và số thức ăn 6 kg cùng tiền ký gửi chuyển qua bưu điện hàng tháng bị gián đoạn trong thời gian Covid-19. Bà Kim Thoa cho biết thêm rằng gia đình, vào hạ tuần tháng 6 vừa qua, nhận được thư của Cục Quản lý Trại giam C10, từ chối không thụ lý đơn tố cáo, và cấm cũng không cho tố cáo khiếu nại tiếp vì đã đóng hồ sơ. Hồ sơ khiếu nại ông Bùi Văn Thâm bị cưỡng bức lao động trong trại giam, bị biệt giam, bị còng chân, bị cắt khẩu phần ăn đã được gửi đi từ 1,5 năm trước.

Một thông tin khác Đài RFA nhận được từ Hội thánh Tin lành Tuy Hòa là Chính quyền thành phố Tuy Hòa đã tiến hành đập phá ngôi trường Thiên Ân, cơ sở của hội thánh hồi tháng 3/2020. Hội thánh Tin lành Tuy Hòa đã gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan Trung ương và nhận được thông báo đơn khiếu nại được Văn phòng Chính phủ yêu cầu địa phương giải quyết. Tuy nhiên, Hội thánh Tin lành Tuy Hòa chỉ nhận được thông báo vài ngày trước khi xảy ra cưỡng chế. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn ra quyết định không công nhận mục sư Lương Mạnh Hà là Trưởng Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Phú Yên, với lý do mục sư Lương Mạnh Hà "vi phạm pháp luật".

Ông Võ Ngọc Lục, một nhà hoạt động tôn giáo, hồi trung tuần tháng 8, cho RFA biết thêm rằng Chính quyền thành phố Tuy Hòa đã cho người đi đến từng nhà của tín đồ và đe dọa không cho tín đồ dùng facebook hay đưa tin về vụ việc cưỡng chế ngôi trường Thiên Ân. Đồng thời, tài khoản của Hội thánh Tin Lành Tuy Hòa bị lực lượng an ninh mạng trà trộn vào và đưa những thông tin sai lệch, bất lợi cho Hội thánh, liên quan trường Thiên Ân bị chính quyền địa phương đập bỏ.

Hội thánh Tin lành Tuy Hòa cho RFA biết họ nhận được thông tin phái đoàn của Đại sứ quán Hoa Kỳ muốn đến làm việc với Chính quyền tỉnh Phú Yên, trong đó có nội dung tìm hiểu về sự việc ngôi trường Thiên Ân bị cưỡng chế. Tuy nhiên, vì do dịch bệnh nên chính quyền địa phương chưa sắp xếp được.

Trên đây là một vài sơ lược mà các đại diện của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam trình bày về những biện pháp sách nhiễu, đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.

Chánh Trị sự Cao Đài Hứa Phi nói với RFA rằng Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã phản ánh tình hình tự do tôn giáo với các phái đoàn ngoại giao quốc tế trong năm vừa qua và tiếp tục kêu gọi sự can thiệp của thế giới nhằm ngăn chặn những biện pháp đàn áp tôn giáo ngày càng tinh vi hơn của Chính quyền Việt Nam.

"Vấn đề yêu cầu Việt Nam trở lại danh sách CPC thì chúng tôi đã trao đổi với các phái đoàn quốc tế từ trước đến giờ. Nhưng bây giờ chúng tôi kêu gọi phải dùng Đạo luật Magnitsky toàn cầu để trừng phạt những cán bộ của Cộng sản Việt Nam mà là những người đàn áp tôn giáo".

Nguồn : RFA, 21/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 700 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)