Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/08/2020

Thực trạng vốn ODA và đầu tư công ở Việt Nam

RFA tiếng Việt

Thực trạng không sử dụng hết vốn ODA và nhu cầu đầu tư công tại Việt Nam ?

RFA, 21/08/2020

Tính đến ngày 21/08/2020, đã có 9 bộ ngành cơ quan xin trả vốn đầu tư công gồm : Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ...

oda1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/08/2020. AFP

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thông tin vừa nêu tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về việc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra hôm 21/8. Ngoài ra theo ông Dũng, còn có 9 địa phương xin trả vốn đầu tư công gồm là Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Cần Thơ.

Hơn 6.330 tỷ đồng là tổng số vốn đầu tư công mà các bộ ngành, địa phương xin trả lại. Trong đó, vốn vay nước ngoài đa số là vốn ODA, lên đến gần 6.000 tỷ đồng.

Không dùng hết vốn đầu tư ODA ?

Vì sao ngày càng nhiều các bộ ngành, địa phương trả lại vốn vay ODA như vậy ? Trong khi có bộ vừa xin trả vốn ODA đã xin cấp vốn từ chính phủ như trường hợp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ này vừa xin trả hơn 1.800 tỷ đồng vốn ODA do không có nhu cầu sử dụng trong năm 2020... nhưng ngay sau đó lại đề xuất chính phủ đầu tư hơn 143 ngàn tỷ đồng từ ngân sách, để cấp vốn cho 515 dự án (!?).

Từ Na Uy hôm 21/8, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn :

"Vốn ODA thì điều kiện đặt ra là tùy từng nước, mỗi nước có những điều kiện riêng, những cách làm việc riêng với các quan chức, bộ ngành Việt Nam nên những cách đặc thù như vậy thì chỉ những người tiếp xúc gần mới hiểu hết. Riêng việc trả vốn ODA thì tôi nghĩ là do họ nhắm không thể thỏa mãn được các điều kiện đặt ra của bên cung cấp vốn. Còn việc xin ngân sách chính phủ thì có lẽ là vì điều kiện giải ngân và thực hiện dễ hơn, chưa nói đến là có thể kiếm chác dễ hơn".

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính khi trả lời báo chí nhà nước Việt Nam cho rằng, sở dĩ các bộ ngành địa phương trả lại vốn ODA là do các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước... Do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát… bị cản trở do dịch Covid-19 toàn cầu.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, người có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và nhiều năm tại Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 21/8 cho biết, vốn vay ODA để được giải ngân cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện :

"Các nguồn vốn ODA các nước tài trợ cho Việt Nam bị ràng buộc bời nhiều điều kiện lắm. Trước hết Việt Nam đã vào các nước có thu nhập trung bình nên không còn lợi thế như trước, ngày xưa Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp thì lãi suất hạ và điều kiện dễ dãi hơn. Còn bây giờ lãi suất tăng lên và điều kiện vay cũng khó khăn hơn. Đặc biệt các gói ODA của các chính phủ ràng buộc với điều kiện phải mua nguyên vật liệu của họ nếu dùng ODA phát triển hạ tầng cơ sở".

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, còn có điều kiện tài chính đối với vốn ODA, Việt Nam phải có vốn đối ứng, tức vốn khởi đầu, rồi sau đó các chính phủ mới tài trợ. Vì vậy nếu chưa thỏa các điều kiện thì chưa thể nhận vốn. Ngoài ra, ông còn cho biết điều kiện quan trọng nhất thường vướng mắc ở Việt Nam là việc thỏa thuận giá đền bù cho dân khi giải tỏa mặt bằng thực hiện dự án :

"Ngoài ra, khi thực hiện chương trình hạ tầng cơ sở mà dùng vốn ODA, chưa phải có tiền là làm ngay, mà còn phải giải tỏa mặt bằng và bồi thường cho người dân. Nhưng nhiều khi, giữa chính phủ và người dân ở đó chưa đi đến thỏa thuận về giá cả mà người dân được bồi thường, chính vì thế cũng chưa thể thực hiện dự án. Tóm lại với nhiều điều kiện như thế, không phải cứ có tiền là sử dụng được ngay. Và do đó, nhiều cơ quan bộ ngành đã trả lại số tiền đó".

Nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cũng có một số bộ ngành trả lại kế hoạch giao vốn ODA là để hỗ trợ các địa phương khác đang cần vốn để phát triển, nên họ trả lại như thế để chính phủ điều chuyển vốn cho những địa phương cần vốn.

Luật Đầu tư công của Việt Nam quy định trường hợp bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết số vốn kế hoạch được giao, Bộ Kế hoạch và đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định thu hồi, điều chuyển cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu.

Theo tự điển pháp luật, vốn hợp tác phát triển chính thức ODA là vốn viện trợ không hoàn lại hoặc hoàn lại, hoặc tín dụng ưu đãi tức cho vay lãi suất thấp của chính phủ, cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB... được gọi chung là các đối tác nước ngoài dành cho chính phủ và nhân dân các nước nhận viện trợ. Vốn hợp tác phát triển chính thức phân loại theo góc độ "vay - trả" gồm có : viện trợ không hoàn lại ; viện trợ hỗn hợp ; viện trợ có hoàn lại...

Nhu cầu đầu tư công tại Việt Nam

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 21/8 liên quan vấn đề này cho rằng có nhiều nguyên do vốn đầu tư công bị trả lại, trước hết ông nói về nguyên do từ thời quá khứ trước đây :

"Trước đây nhiều bộ ngành cho rằng vốn ODA là vốn cho không, nếu xin được dự án đầu tư thì bộ ngành mình, địa phương mình sẽ có dự án, từ đó có công ăn việc làm và khả năng tăng trưởng phát triển, vì thế họ cứ vẽ ra và xin chứ không tính đến hiệu quả kinh tế, môi trường... Khi đó đã được phê duyệt, có vốn vay... nhưng đến bây giờ do thắt chặt quản lý kinh tế, chống tham nhũng, đòi hỏi đầu tư công phải có hiệu quả, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu không đạt. Do đó hiện nay nhiều bộ ngành địa phương thấy nếu tiếp tục sẽ không hiệu quả, người đứng đầu sẽ bị điều tra vì thấy có không hiệu quả nhưng vẫn làm... như vậy có tham nhũng không ? Nên nhiều nơi đã xem xét dừng dự án, trả lại vốn đầu tư công".

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, đây cũng là điều tốt, cho thấy chiến dịch chống tham nhũng, quản lý kinh tế hiệu quả, đang có chiều hướng tốt lên.

Thủ tướng Chính phủ Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc hôm 21/8 đã yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc giải ngân vốn đầu tư công. Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, nhiều tỉnh, bộ làm tốt công tác giải ngân lên đến 90% thậm chí 100%... tuy nhiên nhiều địa phương chỉ đạt 20-30%... Ông Phúc chỉ đạo kiên quyết giải ngân hết 55% số vốn đầu tư còn lại của năm 2020 tương đương khoảng 350.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nói tiếp :

"Thủ tướng chính phủ ngay từ đầu đã khẳng định phải đẩy mạnh sử dụng các nguồn vốn ODA, tức vấn đề giải ngân phải nhanh chóng hơn. Tại thời điểm này khoảng 40 cho đến 50% đã được giải ngân, tuy nhiên chính phủ rất muốn đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn nước ngoài tài trợ, trong đó có vốn ODA, nhưng có nhiều rào cản và giới hạn mà mình phải hội đủ những điều kiện mới có thể dùng vốn ODA. Chính vì những điểm đó mà nhiều món vay ODA bị chậm và thậm chí bị trả lại và bị ảnh hưởng về sau.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính phủ cũng đã kiên quyết trong vấn đề giải ngân ODA và các nguồn tài trợ từ nước ngoài càng sớm càng tốt cho các bộ ngành địa phương, nhưng theo ông, không phải muốn là làm được, mà tùy vào nhiều điều kiện trong đó có vấn đề giải tỏa mặt bằng.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ thì cho rằng, chính phủ nên có nhiều hành động hơn nữa :

"Việc để thu hút vốn ODA thì tôi nghĩ là bộ Kế hoạch, Đầu tư nên có nhóm chuyên gia xem xét xem các điều kiện của từng nước, từng dự án như thế nào rồi giúp thương thảo, giám sát thực hiện để bảo đảm việc giải ngân, tiến độ, và yêu cầu. Và trên nữa là chính quyền cũng nên có những gói tưởng thưởng vật chất tương xứng theo giá trị thị trường (tương đương với mức thưởng mà các doanh nghiệp lớn làm) mỗi khi một dự án ODA thực hiện đúng tiến độ như đề xuất".

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, cũng cho báo chí biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ và địa phương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí kiểm tra, giám sát và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ...

Liệu việc liên tục trả vốn ODA sẽ ảnh hưởng mối quan hệ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế như thế nào ? Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhận định :

"Bây giờ mà trả lại thì phía chính phủ phải làm việc lại với các đối tác cho vay nước ngoài, để chuyển vốn đó qua khoản cho vay khác, hay thời gian khác... Như vậy sẽ có hai hướng, theo hướng tốt thì phía nước ngoài đánh giá cao việc chúng ta xem xét kỹ hiệu quả kinh tế để thực hiện tốt việc trả nợ".

Còn nếu theo hướng xấu thì Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các tổ chức quốc tế sẽ nghĩ rằng từ trước đến nay Việt Nam không tính toán kỹ đến hiệu quả kinh tế, không nghiêm túc... Điều này khiến các nước sẽ cẩn trọng hơn khi cho Việt Nam vay cũng như những việc quan trọng khác.

Nguồn : RFA, 21/08/2020

******************

Bộ Nông nghiệp xin chính phủ đầu tư hơn 143 ngàn tỷ đồng

RFA, 20/08/2020

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa đề xuất chính phủ đầu tư hơn 143 ngàn tỷ đồng từ ngân sách, để cấp vốn cho 515 dự án.

oda4

Một người nông dân đang phun thuốc bảo vệ lúa, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Truyền thông nhà nước loan tin vừa nói hôm 20/8 và cho biết trong đó, nguồn vốn trong nước khoảng 130 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn ODA là hơn 13 ngàn tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra đề xuất vừa nêu hôm 19/8, khi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hà Nội, về tình hình triển khai các dự án quan trọng, thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn cho các dự án...

Giải thích về đề xuất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp chuyển từ hình thức đầu tư năm nào biết năm đó sang đầu tư trung hạn...

Hiên ngành nông nghiệp đang có những công trình quan trọng như : âu thuyền Ninh Quới ; cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh ; trạm bơm Xuân Hòa; 18 cống kiểm soát mặn thuộc dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre… đang đẩy nhanh thi công để kịp thời chống hạn mặn.

Cũng tại buổi làm việc, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý nhiều lĩnh vực, có vai trò lớn về đảm bảo an sinh xã hội trong dịch Covid-19, nên cần có các chính sách vốn đầu tư ưu đãi hơn.

Cuối buổi họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án cấp bách như : điều tiết mặn ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long, gia cố hồ đập, phòng chống thiên tai…

Cũng tin liên quan, trong ngày 20/8, sau khi xin vốn chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại bất ngờ trả hơn 1.800 tỷ đồng vốn ODA do không có nhu cầu sử dụng trong năm 2020, Bộ này giải thích được giao gần 3.640 tỷ đồng vốn ODA nhưng nhu cầu thực tế của các dự án là 1.830 tỷ đồng (!?).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, kết quả giải ngân vốn ODA 7 tháng đầu năm của ngành này chỉ đạt 31,1%.

Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương thì cho rằng, việc các bộ trả lại vốn ODA chủ yếu là do thủ tục phức tạp của các nhà tài trợ, khó khăn trong giải phóng mặt bằng...

***********************

Thủ tướng yêu cầu 31 cơ quan, 13 địa phương chấn chỉnh giải ngân đầu tư công

RFA, 21/08/2020

Thủ tướng Chính phủ Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh việc giải ngân vốn đầu tư công.

oda2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến sáng ngày 21/8/2020. Courtesy chinhphu.vn

Truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải yêu cầu vừa nêu khi Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến sáng ngày 21/8.

Tại Hội nghị, các địa phương cho biết sẽ thành lập những đoàn kiểm tra, xử lý các vướng mắc tại công trường, dự án. Định kỳ hoặc đột xuất sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư... các cơ quan chậm giải ngân sẽ bị công khai danh sách.

Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, nhiều tỉnh, bộ làm tốt công tác giải ngân như Liên minh Hợp tác xã 100%, Ngân hàng Chính sách Xã hội 99,47%, tỉnh Hưng Yên đạt hơn 91%, tỉnh Nghệ An 75%, Ninh Bình 73%, và Bộ Nội vụ 62,85%. Tuy nhiên nhiều địa phương chỉ đạt 20-30%.

Ông Phúc chỉ đạo kiên quyết giải ngân hết 55% số vốn đầu tư còn lại của năm 2020 tương đương khoảng 350.000 tỷ đồng. Ông Phúc cho biết, ông tin rằng đến hết tháng 8, Việt Nam sẽ giải ngân đạt gần 45% tổng vốn đầu tư công theo đúng chỉ tiêu đã đề ra cho tháng này.

Theo lời ông Nguyễn Xuân Phúc, các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% bị yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, có biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân từ giờ đến cuối năm. Và ai, tổ chức nào, cá nhân nào vi phạm, làm chậm thì phải chịu kỷ luật nghiêm.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt vấn đề về các dự án ODA bị vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định, nguồn vốn… ảnh hưởng rất lớn đến triển khai dự án. Do đó ông đề nghị tổ chức một hội nghị chuyên đề về ODA và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị cho hội nghị này.

********************

Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo kiểm tra phản ảnh về những công trình lớn "chưa dùng đã hỏng

RFA, 21/08/2020

Ngày 20/8 Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra thông tin về việc hàng loạt công trình thủy lợi "chưa dùng đã hỏng".

oda3

Ảnh minh họa. Một dự án thủy lợi. Courtesy : vov.vn

Văn bản chỉ đạo trích dẫn phản ánh trên Diễn đàn Doanh nghiệp rằng "Thời gian qua, hàng loạt những công trình thủy lợi lớn chưa dùng đã hỏng, nguyên nhân đều được nhà thầu chỉ ra là khách quan như thời tiết, địa chất không đảm bảo... Nhưng nguyên tắc trong thi công xây dựng là nếu không đảm bảo chất lượng thì phải làm lại mới được nghiệm thu, thanh toán lại bị "bỏ quên", chính từ "lỗ hổng" này mà các sai phạm về chất lượng công trình liên tục tái diễn".

Văn bản do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục ký, yêu cầu Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra và xử lý các vi phạm nếu có.

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong thực tế có quá nhiều dự án công trình rơi vào trường hợp mà Diễn đàn Doanh nghiệp nêu, là "vừa làm xong, chưa nghiệm thu đã hư hỏng", như công trình thủy lợi hàng trăm tỷ đồng tại tỉnh Gia Lai, đường tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai, dự án Cát Linh-Hà Đông, v.v. khiến dư luận lo ngại về chất lượng và sự an toàn cho người dân.

Thống kê cho thấy hiện có gần 7.170 công trình hồ, đập thủy lợi trên cả nước Việt Nam. Tổng dung tích 14,5 tỷ mét khối cung cấp nước tưới cho gần 1,1 triệu hecta đất nông nghiệp và cấp nước cho sinh hoạt công nghiệp.

Trong số này có khoảng 1.640 công trình đang bị xuống cấp, có khả năng hư hại trong mùa mưa lũ năm nay.

Nguồn : RFA, 21/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 706 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)