Ông Trump, bầu cử Mỹ và cách nhìn qua bức màn kiểm duyệt ở Việt Nam
Ngô Ngọc Trai, BBC, 23/08/2020
Việc bầu cử Tổng thống Mỹ và khả năng thắng cử của ông Trump ra sao thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người dân Việt Nam.
Ông Trump chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa hồi 2016, với vợ và con trai đứng bên cạnh
Tuy nhiên, do ở Việt Nam truyền thông sách báo bị kiểm duyệt cho nên nhiều người không có đủ thông tin chính xác về chính trường nước Mỹ.
Khó dự đoán
Thông tin đến với người Việt Nam lâu nay cho rằng ông Trump cư xử thô lỗ chợ búa, hủy hoại phép tắc ngoại giao, suy đồi đạo đức nhân cách người lãnh đạo, cho rằng ông Trump là một sự đột xuất sai lầm của cử tri Mỹ và đã đến lúc đưa mọi thứ trở lại bình thường.
Người ta muốn thấy lại những phép tắc ngoại giao được tôn trọng, muốn thấy lại ngôn ngữ lãnh đạo chính trị lịch thiệp.
Nhưng tôi cho rằng tính cách đó của ông Trump không phải là mới phát sinh từ khi ông làm tổng thống, kiểu thái độ cư xử của ông Trump với các vấn đề không gây ngạc nhiên bất ngờ với công chúng Mỹ.
Thực chất con người của ông Trump trước và sau khi làm Tổng thống là một, vẫn con người đó, vẫn tính cách đó và không giấu giếm. Ông Trump có cả một quãng thời gian dài làm truyền thông, tính cách của ông ấy ra sao người Mỹ đã biết và họ vẫn bầu chọn cho ông ấy.
Cho nên những ai ở Việt Nam nghĩ rằng tính cách và lối cư xử của ông Trump như vậy sẽ khiến ông ấy thất bại thì nên suy nghĩ lại.
Ngược lại với đó, tôi cho rằng có khả năng cao hơn cử tri Mỹ sẽ tiếp tục bầu cho ông Trump làm tổng thống.
Bởi lẽ một nhiệm kỳ đã qua, bốn năm, thời gian đó không đủ dài để có thể xử lý một vấn đề lớn như thâm hụt thương mại với Trung Quốc, không đủ thời gian để hành động đủ để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Hình ảnh đại hội đảng Cộng hòa hồi 2016
Bốn năm qua điều quan trọng nhất chính phủ của ông Trump đã làm được chính là chỉ ra, thuyết phục và đạt được sự chấp nhận rộng rãi về mối tai hại trong quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Việc này được thực hiện khởi đầu không lâu trước khi tranh cử. Nên nhớ lúc đó quan điểm tranh cử của bà Hillary Clinton vẫn na ná như chính sách dưới thời Obama. Chính trường nước Mỹ lúc đó có lẽ chỉ có một dòng chảy truyền thông thông tin về vấn đề thương mại với Trung Quốc xuất phát từ nhóm tranh cử của ông Trump. Tuy ban đầu là mới và nhỏ nhưng nó đã sớm trở thành vấn đề cử tri quan tâm nhất.
Cho nên quãng thời gian bốn năm là không đủ để đạt được cái mục tiêu mà người Mỹ bốn năm trước đã nhận ra tính quan trọng và bầu cho ông Trump làm tổng thống. Người Mỹ hiểu điều đó, với nhận thức duy lý và tư duy logic họ sẽ thấy điều đó và khả năng cao là họ sẽ cho ông Trump thêm thời gian để hoàn tất chương trình của mình.
Kiểm duyệt sách
Bà Hillary Clinton đã dẫn điểm xa trước đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi 2016, nhưng ông Donald Trump lại là người giành chiến thắng cuối cùng
Thời điểm tranh cử năm 2016, cả hai ứng viên gồm bà Hillarry Cliton và ông Donald Trump đều cho xuất bản những cuốn sách để giới thiệu các đề xuất chính sách cũng như quan điểm của họ về các vấn đề xã hội Mỹ, để qua đó hai ứng viên kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của cử tri.
Cuốn sách của ông Trump có tiêu đề "Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ", còn cuốn của bà Hillary có tiêu đề "Bí mật quốc gia và sự hồi sinh".
Tôi đã đọc cả hai cuốn sách này sau ngày ông Trump đã giành phần thắng và chợt nhận ra vì sao kết quả lại như vậy.
Đó là cuốn sách của ông Trump mỏng, ngắn, rõ ràng dễ hiểu, sử dụng nhiều ngôn ngữ đường phố, đưa ra nhiều quan điểm thẳng thắn về chính sách đối nội đối ngoại. Trong khi cuốn sách của bà Hillary thì dày gấp đôi gấp ba, chia sẻ quá nhiều các dữ kiện chi tiết về đời sống Nhà Trắng, về các hoạt động của nhân vật.
Tôi đánh giá cuốn sách của bà Hillary mang tính hàn lâm dành cho người có trình độ cao, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về hoạt động của Nhà Trắng, trong khi cuốn sách của ông Trump nói rõ ràng về các quan điểm chính sách, dễ hiểu và dễ tiêu hóa hơn cho công chúng bình thường.
Kết quả là ông Trump thắng cử cho thấy những cuốn sách hẳn cũng là một lý do đưa đến.
Không chỉ thế, theo tôi những cuốn sách có vai trò rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo, bởi đó là cách để truyền tải đến công chúng các vấn đề quốc gia.
Các nhà lãnh đạo nhìn thấy được các xu hướng, các khuynh hướng, các dòng chảy chủ lưu trong đời sống xã hội giữa bề bộn các vấn đề sự kiện. Bằng cách chia sẻ tầm nhìn khát vọng và lộ trình kế hoạch, nhà lãnh đạo giao tiếp với công chúng và xác lập vị thế của người dẫn dắt.
Nhưng rất tai hại là ở Việt Nam lâu nay vẫn đang duy trì tình trạng kiểm duyệt xuất bản. Đối với những đầu sách không phù hợp với quan điểm đường lối của nhà nước thì sẽ không được cấp giấy phép.
Điều này khiến cho một trong những đầu sách rất quan trọng với đường lối tranh cử của ông Trump đã không đến được với công chúng Việt Nam.
Đó là cuốn của tác giả Peter Navarro có tiêu đề Death by China, bản dịch sang tiếng Việt có tiêu đề Chết bởi Trung Quốc, được in lậu và bán chui ở Việt Nam.
Cuốn sách này được tác giả Peter Navarro công bố xuất bản từ năm 2011. Khi đó và trong nhiều năm về sau Việt Nam vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc cho nên đầu sách này được cho là không phù hợp với đường lối đối ngoại, nên đã bị kiểm duyệt không được xuất bản trong nước.
Nội dung cuốn sách hướng đến người Mỹ và phơi bày rất nhiều vấn đề về mối quan hệ với Trung Quốc, từ thâm hụt mậu dịch, thao túng tiền tệ, gián điệp thương mại, trộm cắp công nghệ, sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc và những cạnh tranh trong không gian.
Rất nhiều nội dung đã trở thành chính sách của Tổng thống Trump và thực tế là sau khi trúng cử ông Trump đã bổ nhiệm tác giả làm Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng, có chức năng tư vấn các chính sách cho chính phủ.
Việc cuốn sách này và nhiều đầu sách khác bị kiểm duyệt không được cấp phép xuất bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lượng thông tin kiến thức của người Việt Nam về chính trường nước Mỹ.
Thiếu thông tin
Do sách báo bị kiểm duyệt cho nên lượng thông tin đến với người Việt trong nước không đầy đủ. Bởi vậy nhiều người thấy khó hiểu vì sao ông Trump hay có lời lẽ công kích thóa mạ giới truyền thông báo chí Mỹ.
Ở đây, phải thừa nhận bốn năm qua ông Trump đã làm cái việc rất ít người làm là gây sự chỉ trích hầu hết các tờ báo lớn của Mỹ.
Lý do vì sao ? Đó có phải là do ông Trump không biết cách xây dựng quan hệ với báo giới hay bản tính dị dạng của ông với truyền thông ?
Cần hiểu rằng 50 năm qua nước Mỹ chỉ có một đường lối thân thiện thương mại với Trung Quốc. Một đường lối như vậy không đứng trên chân không. Đường lối đó được xác lập thực hiện bởi chính các chuyên gia, các tờ báo, các cây viết hàng đầu của Mỹ.
Trong cuốn sách Death by China, tác giả Peter Navarro đã đưa ra hàng loạt cáo buộc đối với các tờ báo hàng đầu nước Mỹ như The New York Times, Wall Street Journal, Finance Times và Tuần báo Economist, vì có cùng khuynh hướng làm ngơ trước những thủ đoạn mậu dịch bất chính của Trung Quốc do sợ rằng việc trấn áp có thể làm suy yếu chế độ tự do mậu dịch toàn cầu.
Nhiều cây bút hàng đầu cũng bị cáo buộc chống lại những người đang thúc đẩy cải cách thương mại, ví như Thomas Friedman, biên tập viên kỳ cựu về chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thế Giới Phẳng.
Và rất nhiều tờ báo và chuyên gia tương tự.
Đường lối thân thiện với Trung Quốc là một lối lớn đã được bệ đỡ bởi những nhân vật lớn. Biết bao chủ doanh nghiệp trở lên giàu có nhờ làm ăn ở thị trường Trung Quốc.
Khi ông Trump đảo ngược đường lối đó thì mặc nhiên ông phải đối mặt với những người đó và những tờ báo lâu nay đi theo đường lối đó cho là đúng.
Nếu ông Trump không công kích họ thì họ cũng sẽ công kích ông Trump, đó là tất yếu và đã xảy ra.
Có điều lâu nay báo chí chỉ trích tổng thống thì đã là điều bình thường rồi còn khi Tổng thống ra mặt chỉ trích lại các báo thì nhiều người Việt thấy lạ mà thôi.
Song người Mỹ vốn có mặt bằng nhận thức cao và họ hiểu rõ về các lối sinh hoạt vận động chính sách. Nếu cử tri Mỹ coi đường lối mới của ông Trump là đúng thì họ sẽ hiểu vì sao ông ấy đôi co và cáo buộc báo chí Mỹ với những ngôn từ thóa mạ.
Và người Việt Nam nếu đọc được cuốn sách của tác giả Peter Navarro thì sẽ hiểu được vì sao ông Trump lại có quan điểm với báo chí như vậy.
Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11. Kết cục chưa biết thế nào nhưng từ nay đến đó nhiều người Việt Nam sẽ vẫn dành sự quan tâm cho bầu cử Mỹ.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 23/08/2020
Tác giả Ngô Ngọc Trai là luật sư đang làm việc tại Hà Nội.
*************************
Tại sao một số người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Donald Trump
Vic Satzewich, VNTB, 22/08/2020
Các vấn đề về chủng tộc và phân biệt chủng tộc đang nổi lên ở Hoa Kỳ khi người Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu vào tháng 11.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng bất ổn chủng tộc đã làm rung chuyển Hoa Kỳ trong ba tháng qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn nhận được sự ủng hộ của một số cộng đồng phân biệt chủng tộc, bao gồm cả người Mỹ gốc Việt.
Trong một cuộc thăm dò không chính thức gần đây do một nhà báo gốc Việt thực hiện trên Facebook, 94% người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11.
Và một đoạn video gần đây cho thấy những người Mỹ gốc Việt đang trên đường đến Nhà Trắng để tuyên bố ủng hộ Trump.
Tại sao ?
Những người Mỹ gốc Việt này có dự định bỏ phiếu dựa vào các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm nhiều mặt của họ ở Hoa Kỳ, về các vấn đề liên quan đến Việt Nam hay cái mà một số người gọi là "chính trị cộng đồng ?"
Là những học giả nghiên cứu về người hải ngoại, tôi và đồng tác giả tin rằng chúng ta cần nhìn lại lịch sử để hiểu những vấn đề này.
Lịch sử thuộc địa
Việt Nam có một lịch sử chịu ách đô hộ và thuộc địa của Trung Hoa, Pháp và Mỹ. Họ kiên nhẫn và phản kháng để giành lấy độc lập với rất nhiều khó khăn.
Điều này càng đặc biệt xảy ra vào năm 2020, khi Việt Nam đang đương đầu với một mối đe dọa hiện hữu của Trung Quốc nhằm khẳng định vị thế thống trị trong khu vực cả ở Đài Loan và Hồng Kông.
Ở phương Tây, Chiến tranh Việt Nam được nhiều người biết đến và ghi nhận. Nhưng cũng với nhiều người Việt Nam, thuật ngữ Chiến tranh Việt Nam là một cái gì đó bị nhầm lẫn ; họ coi chiến tranh là thứ do người Mỹ gây ra cho họ.
Nhưng rất lâu trước khi Mỹ chiếm đóng và trước đó là thực dân Pháp, Việt Nam đã nằm dưới ách đô hộ của Trung Quốc hơn 1.000 năm, từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938.
Việt Nam thống nhất vào năm 1975 sau khi lực lượng Cộng sản Bắc Việt đánh đuổi quân Mỹ. Sau đó là một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu với Trung Quốc vào năm 1979 khi Trung Quốc âm mưu xâm lược và kiểm soát Việt Nam.
Việt Nam đã có thể hòa giải với Mỹ và Pháp, nhưng khi nói đến Trung Quốc thì lại có một cảm giác ngờ vực sâu sắc. Cảm giác này càng trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây do nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát phần lớn Biển Đông.
Những tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ và hàng hải này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tài nguyên thiên nhiên, mà còn tạo cho Trung Quốc lối đi an toàn cho thương mại và lực lượng hải quân của họ. Trong nhiều năm qua, cả người Việt Nam trong nước và những người sống ở nước ngoài đã phản đối luật Đặc khu của chính phủ Việt Nam, được coi là phương tiện để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong nước.
Cuộc di tản của người Việt
Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, một cuộc di cư ồ ạt của người Việt Nam thoát khỏi Việt Nam Cộng sản bằng thuyền để tìm tự do. Từ năm 1975 đến 1997, hơn 1,6 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó Hoa Kỳ chấp nhận số lượng người tị nạn lớn nhất trong làn sóng này.
Ngày nay, tổng dân số cộng đồng người Việt Nam trên toàn cầu ước tính vào khoảng 4,5 triệu người.
Trong số đó, khoảng 1,3 triệu người Việt Nam sống ở Hoa Kỳ, tuy nhiên, con số thực tế có thể là khoảng hai triệu khi tính cho những người tự nhận mình là chủng tộc hỗn hợp.
Mặc dù Trump vẫn thường ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Trung Quốc không thân thiện gì.
Chính quyền Trump đã đàm phán lại các thỏa thuận thương mại và áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Các hình phạt và lệnh trừng phạt khác cũng đã được áp dụng sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông.
Tháng trước, Hoa Kỳ cũng lên án mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng những tuyên bố đó là trái pháp luật. Và giờ đây, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp để ứng dụng truyền thông xã hội TikTok của Trung Quốc tìm người mua ở Mỹ đến giữa tháng 9, nếu không sẽ bị cấm hoạt động ở Hoa Kỳ.
Không hâm mộ chủ nghĩa cộng sản
Giống như những người Ukraine và những người Đông Âu khác đã rời bỏ quê hương trong Thế chiến thứ hai và xây dựng cuộc sống ở nơi khác, cộng đồng người Việt Nam hải ngoại không hâm mộ chủ nghĩa cộng sản.
Như vậy, họ có mối quan hệ mâu thuẫn với chính quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay. Họ yêu quê hương của họ, nhưng không yêu chính phủ.
Đối với những người Việt Nam ở Hoa Kỳ, sự ủng hộ đối với ông Trump không chỉ được thúc đẩy bởi luận điệu chống chủ nghĩa xã hội của ông, mà còn bởi hy vọng và nhận thức rằng ông sẽ tiếp tục đứng lên chống lại Trung Quốc, và điều này sẽ gián tiếp bảo vệ Việt Nam.
Trong bối cảnh rộng lớn hơn, sở thích bỏ phiếu của người Việt Nam có vẻ không mang lại hiệu quả cao, nhưng nếu chúng ta xem xét rằng một số người sống ở các bang chiến trường, lá phiếu của họ có thể tạo ra sự khác biệt.
Cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là những người thuộc làn sóng nhập cư đầu tiên đến Hoa Kỳ, có thể tin rằng các chính sách Trung Quốc của Trump phục vụ lợi ích của họ ở Việt Nam. Nhưng chỉ tập trung vào vấn đề này có nghĩa là họ bỏ qua các khía cạnh rắc rối khác trong chương trình nghị sự chính sách đối nội và đối ngoại của tổng thống.
Vic Satzewich
Nguyên tác : Why some Vietnamese Americans support Donald Trump, The Conversation, 19/08/2020
Anh Văn dịch
Nguồn : VNTB, 22/08/2020