Nếu không có buổi tranh luận đầu tiên vào ngày 27/6 vừa qua giữa hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump thì không khí vận động để vào làm chủ Nhà Trắng đã không sôi nổi lên và đưa Đảng Dân chủ vào tình trạng khủng hoảng nội bộ, vì ông Biden đã làm nhiều người ủng hộ thất vọng, dấy lên dư luận đòi thay thế ông vì tuổi già, sức yếu.
Ngay sau cuộc tranh luận, một số cơ sở truyền thông lớn của Mỹ đã kêu gọi ông Biden bước qua một bên, trao thẻ chạy đua cho một người khác trẻ hơn và có sức quyến rũ hơn.
Nhật báo The New York Times bình luận rằng để phục vụ đất nước thì Biden nên rút lui.
Báo The New Yorker cho rằng nếu Biden rút lui thì đó là hành động yêu nước trong lúc này.
Tờ Chicago Tribune nhận định cả Biden và Trump đều già nua và nếu Biden thắng cử trong tình trạng sức khỏe như đã thấy qua cuộc tranh luận thì việc ông tiếp tục làm tổng thống là một điều nực cười.
Trong khi đó, tờ Philadelphia Inquirer kêu gọi Trump rút lui vì bản chất dối trá.
Đảng Cộng hòa có sự đồng thuận nhiệt tình đứng sau Trump. Cựu Thống đốc Nikki Haley mấy hôm trước đã chính thức để cho các đại biểu của bà chuyển sang ủng hộ Trump. Tuy chỉ có 97 đại biểu nhưng bà là người đã về nhì sau Trump.
Trang mạng 270towin.com ghi nhận các thăm dò mới nhất vào ngày 10/7 thì trên toàn quốc Trump hơn Biden 3 điểm, 45-42.
Còn tại các tiểu bang mang tính quyết định, Trump hiện cũng hơn điểm Biden, nhưng chênh lệch không nhiều nên tình thế vẫn có thể thay đổi.
Số liệu thăm dò với Trump hơn điểm Biden như sau : Pennsylvania 47-40, Wisconsin 47-46, Georgia 45-41, Arizona 47-42, Nevada 47-42, North Carolina 46-43, Michigan 44-44.
Cho đến nay, cả hai ứng cử viên dù chưa được chính thức đề cử nhưng từ sau bầu cử sơ bộ Super Tuesday (Siêu thứ Ba) hôm đầu tháng Ba tại 15 tiểu bang với kết quả xem như Donald Trump nắm chắc số đại biểu Đảng Cộng hòa và Joe Biden cũng tương tự bên phía Đảng Dân chủ, coi như không còn đối thủ nào trong nội bộ hai đảng ra tranh đua đối đầu.
Cuộc tranh luận đầu tiên hôm 27/6 cũng là sự kiện khác thường vì đây là lần đầu tiên một cuộc đối đáp giữa ứng cử viên tổng thống được tổ chức ngay cả trước khi họ được chính thức đề cử.
Từ ngày 15 đến 18/7, đại hội Đảng Cộng hòa sẽ diễn ra tại thành phố Milwaukee, tiểu bang Wisconsin. Một tháng sau, đại hội Đảng Dân chủ sẽ được tổ chức tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois từ ngày 19 đến 22/8.
Trong tháng 5 vừa qua, Biden và Trump đã đồng ý với nhau là sẽ có hai buổi tranh luận vào ngày 27/6 và 10/9.
Trước đây, các buổi tranh luận trên truyền hình thường diễn ra vào tháng 9 và tháng 10 sau đại hội của hai đảng và trước ngày tổng tuyển cử vào đầu tháng 11. Như trước đây thì thường có 3 buổi, một dành cho chính sách đối nội, một dành cho đối ngoại và một buổi là đề tài tự do để hai ứng cử viên đối đáp cũng như trình bày về đường hướng, chính sách nếu thắng cử.
Trong quá khứ, các cuộc tranh luận có cử tri của hai đảng và cử tri độc lập được mời tham dự, vì thế khi một ứng cử viên nói về chủ trương chính sách được sự đồng lòng thì nhận những tràng pháo tay. Vì khán giả chọn lọc chia đều là người ủng hộ một trong hai đảng, hoặc không ghi danh theo đảng nào, nên hai ứng cử viên gà nhà đều có sự tán đồng yểm trợ khi đưa ra những chính sách.
Cũng có tranh luận dưới hình thức "town hall", như một buổi gặp gỡ giữa các ứng cử viên với người dân. Qua cách này, một số người tham dự được trực tiếp nêu câu hỏi cho ứng cử viên để tìm câu trả lời.
Năm nay, việc tổ chức rất khác và hình thức cũng khác. Hai buổi tranh luận không do Ủy ban Tranh luận Bầu cử Tổng thống (Commission on Presidential Debates) phụ trách như trước đây, mà hai ứng cử viên đồng ý cho truyền hình CNN tổ chức buổi đầu tiên, vào ngày 27/6 vừa qua tại thành phố Atlanta, Georgia. Buổi tranh luận thứ nhì sẽ do truyền hình ABC thực hiện vào ngày 10/9 và địa điểm chưa được xác định. Đó sẽ là buổi cuối cùng trước bầu cử ngày 5/11.
Về hình thức sẽ không có cử tri tham dự. Trong phòng thu hình chỉ có hai ứng cử viên và hai nhà bình luận đặt các câu hỏi. Khi một ứng cử viên trình bày quan điểm của mình thì mi-crô của ứng cử viên đối lập không được bật lên để tránh sự việc như đã xảy ra nhiều lần khi Donald Trump thường cắt ngang, nhảy vào phản bác hay tấn công ứng viên đang phát biểu.
Trước buổi tranh luận, các thăm dò cho biết sẽ có trên 70% người Mỹ theo dõi qua ti vi hay những phương tiện truyền thông khác cho thấy sự quan tâm của người dân.
Buổi tranh luận hôm 27/6, hai nhà bình luận tin tức thời sự của CNN là Jake Tapper và Dana Bash đưa ra các câu hỏi về chính sách đối nội như di dân tràn qua biên giới để vào Mỹ, kinh tế với lạm phát cao, vấn đề phá thai. Về đối ngoại có các câu hỏi liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, Dải Gaza, quan hệ với NATO, giao thương với Trung Quốc.
Tôi theo dõi cuộc tranh luận và đã thấy Đảng Dân chủ có vấn đề ngay từ vài phút đầu, khi nhìn ông Biden với nét mặt thiếu thần sắc, nói không ra hơi và nhiều lúc ấp úng không biết nói gì. Còn ông Trump lại thao thao nhiều chuyện không thực, mà hai người nêu câu hỏi không chất vấn những điều Trump nói dối. Một vài lần ông định nhảy vào cãi Biden nhưng đã được hai điều hợp viên nhắc nhở về luật chơi đã được các bên đồng ý.
Một câu hỏi được lặp lại mấy lần cho Trump là ông có sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 5/11 tới hay không, ông né tránh rồi cuối cùng có trả lời đại khái với ý rằng nó tùy thuộc xem có gian lận như bầu cử lần trước hay không. Cho đến nay Trump vẫn không thừa nhận kết quả bầu cử tổng thống 2020 mà ông đã thua.
Bầu cử tổng thống 2024 là một sự kiện đang diễn ra chưa có tiền lệ. Hai ứng cử viên, tuy đã đều có tuổi – Biden 81 và Trump 78 – nhưng coi như mỗi bên một mình một sân chơi không đối thủ trong nội bộ đảng.
Từ những ngày bầu sơ bộ tôi đã đặt vấn đề là cả hai đảng đã hết người hay sao mà lại tiến cử hai cụ già trên dưới 80 tuổi, một ông đi không vững còn một ông bị gọi ra hầu tòa liên tục.
Mới đây ông Trump đã bị kết án trong vụ sửa hồ sơ thương mại để che giấu vụ trả tiền để bịt miệng một phụ nữ mà ông có quan hệ tình dục. Bản án dự trù được công bố vào tuần tới, nay được hoãn lại cho đến tháng 8.
Nhưng cử tri của hai đảng đã chọn hai ứng cử viên như thế thì dân phải quyết định vào ngày 5/11.
Dư âm của cuộc tranh luận đầu tiên với nhiều thất vọng dành cho Joe Biden đã khiến cho nội bộ Đảng Dân chủ quan ngại về khả năng chiến thắng và về sức khỏe của tổng thống.
Khoảng chục dân biểu, nghị sĩ Dân chủ trong quốc hội đã công khai đề nghị ông Biden rút lui để cho đảng tiến cử một người khác tại đại hội đảng vào tháng tới.
Sau cuộc tranh luận giữa Biden và Trump, Thượng nghị sĩ Michael Bennet từ tiểu bang Colorado đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng chiếng thắng của Biden. Thượng nghị sĩ Pete Welch từ tiểu bang Vermont thì thẳng thừng kêu gọi Biden nhường chỗ cho một ứng cử viên khác.
Tình trạng sức khỏe của Tổng thống Joe Biden đã và đang được soi rọi từng chi tiết từ sau cuộc tranh luận ngày 27/6. Tuy nhiên, ông Biden, qua các cuộc phỏng vấn với truyền thông, tiếp xúc với cử tri khi đi vận động, vẫn cương quyết không bỏ cuộc.
Thăm dò của truyền hình CNN sau cuộc tranh luận cho thấy 75% người trả lời cho rằng Đảng Dân chủ sẽ có cơ hội chiến thắng hơn, nếu có một ứng cử viên khác thay thế Biden.
Cũng theo CNN, trước tranh luận có 75% cử tri độc lập cho rằng Biden quá già để tranh cử, sau tranh luận con số lên 79%.
Ai sẽ có thể thay Biden ? Một số chính trị gia của Đảng Dân chủ được nhắc đến là Phó Tổng thống Kamala Harris, Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc California Gavin Newsom. Nhưng cho đến nay họ đều đồng thanh lên tiếng ủng hộ Biden tiếp tục cuộc đua.
Nếu thay Biden, Kamala Harris có khả năng đánh bại Trump cao hơn hết. Tuần báo Newsweek đưa ra số liệu thăm dò do Bendixen & Amandi thực hiện từ ngày 2 đến 6/7 cho thấy nếu Kamala Harris tranh cử, bà sẽ hơn Trump 42-41. Nếu Hillary Clinton và Donald Trump tái đấu thì Clinton 43, Trump 41. Giả sử có liên danh Clinton-Harris thì sẽ hơn liên danh của Trump 43-40.
Còn thăm dò được phổ biến trên mạng FiveThirtyEight.com thì có đến 51% không chấp thuận Phó Tổng thống Kamala Harris và chỉ có 37% chấp thuận.
Nếu đấu với Newsom, Trump hơn điểm khá xa 40-37. Còn đấu với Whitmer, Trump cũng hơn với 40-36.
Theo tôi, nếu Biden bỏ cuộc thì Harris là chọn lựa hợp lý vì là phó tổng thống đương nhiệm, là phụ nữ và là người da màu và mới 59 tuổi. Nếu Đảng Dân chủ chọn Newsom, nhiều cử tri phái nữ và cộng đồng da màu sẽ không hài lòng.
Có thay Biden hay không và nếu thay thì chọn ai để nâng cao khả năng đánh bại Trump, đó là việc mà các thành viên cốt lõi của đảng đang nhức đầu lo lắng.
Nhiều bạn Việt tôi biết cũng chia ra ủng hộ Dân chủ hoặc Cộng hòa. Họ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, trong nhiều ngành nghề. Tiến sĩ, bác sĩ, luật sư, kỹ sư cũng có mà làm chủ cơ sở thương mại, nghề lao động tay chân cũng có. Nhiều người cũng lo lắng cho tình trạng sức khỏe của Tổng thống Joe Biden.
Một số người Việt tôi gặp đã nói là nếu Biden và Trump thi đấu thì họ sẽ không tham gia bầu cử kỳ này, vì cho rằng cả hai đều đã quá già.
Đối với cử tri California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất tại Hoa Kỳ, thì việc bầu chọn tổng thống sẽ không thay đổi được gì, vì đây là tiểu bang xanh. Số liệu trên mạng 270towin.com cho thấy hiện Biden bỏ xa Trump với số điểm 55-31 ở tiểu bang vàng.
Nhưng không tham gia bầu cử có phải là lựa chọn của một công dân có trách nhiệm ? Hay cứ theo chính sách của đảng mà bầu chọn, hoặc ít ra thì cũng chọn một người ít tồi tệ hơn – pick the lesser of the 2 evils, theo quan điểm chính trị của mình.
Vì nếu không tham gia bầu cử thì đừng than trách những gì sẽ đến với đất nước này.
Bùi Văn Phú
(12/07/2024)
Giới thẩm phán hoài nghi khi ông Trump đòi được miễn trừ trong vụ đảo ngược bầu cử
Reuters, VOA, 10/01/2024
Một tòa phúc thẩm ở thủ đô Washington đã chất vấn về tuyên bố của Donald Trump rằng ông được miễn trừ khỏi các cáo buộc hình sự đối với việc ông cố lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020, giữa lúc cựu tổng thống Mỹ này cảnh báo hôm thứ Ba 9/1 rằng ông có thể truy tố ông Joe Biden nếu ông trở lại Nhà Trắng.
Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu với giới truyền thông tại một khách sạn ở Washington vào ngày 9/1/2024, sau khi tham dự phiên tranh tụng tại Tòa phúc thẩm khu vực D.C.
Theo mô tả của Reuters, ông Trump đã đứng nhìn nhóm pháp lý của ông tìm cách thuyết phục một hội đồng gồm ba thẩm phán rằng các cựu tổng thống không nên bị truy tố vì những hành động mà họ đã thực hiện khi còn đương chức. Ông Trump sẽ ra tòa vào tháng 3 với cáo buộc cấp liên bang về tội lật ngược bầu cử.
Các thẩm phán đã phản ứng một cách hoài nghi với lập luận đó.
"Ông đang nói rằng một tổng thống có thể bán lệnh ân xá, bán bí mật quân sự, có thể bảo Biệt đội SEAL 6 ám sát một đối thủ chính trị ư ?", Thẩm phán Florence Pan đặt câu hỏi với luật sư D. John Sauer của ông Trump.
Ông Sauer nói rằng một cựu tổng thống chỉ có thể bị buộc tội vì hành vi như vậy nếu như trước tiên họ phải bị Hạ viện luận tội rồi bị kết án tại Thượng viện đã.
Ông Trump đã không phát biểu tại tòa án hay nói chuyện với giới truyền thông đang chờ bên ngoài tòa án. Ông chỉ lặng lẽ trao đổi với luật sư của mình nhiều lần trong cuộc tranh tụng.
Cuộc đua đề cử ứng viên tổng thống theo từng bang của đảng Cộng hòa sẽ bắt đầu vào tuần tới, ông Trump được cho là đang tận dụng phiên tranh tụng như một cơ hội để tuyên bố rằng ông là nạn nhân của cuộc trấn áp chính trị.
Trong video đăng lên mạng xã hội trước phiên tranh tụng, ông Trump nói ông có thể truy tố Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nếu ông thắng cử tổng thống vào tháng 11.
"Nếu tôi không được miễn trừ thì Joe Biden quanh co cũng không được miễn trừ", ông Trump nói. "Lúc đó cũng đúng thời điểm để Joe bị truy tố".
Ông Trump, người đã thua ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2020, đã tăng thêm khoảng cách vốn đã vượt xa các đối thủ của mình trong cuộc đua đề cử ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa kể từ khi cáo buộc hình sự đầu tiên nhằm vào ông được công bố hồi tháng 3 năm ngoái. Ông được kỳ vọng sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc tranh đua vào thứ Hai 15/1 ở Iowa.
Reuters
Nguồn : VOA, 10/01/2024
***************************
Ông Trump sẽ dự phiên tranh luận về quyền miễn trừ tổng thống
Reuters, VOA, 08/01/2024
Ông Donald Trump hôm 8/1 cho biết trên trang Truth Social rằng ông sẽ tham dự phiên trình bày tại tòa phúc thẩm liên bang ở Washington D.C. liên quan đến phạm vi quyền miễn trừ tổng thống của ông vào 9/1.
Cựu Tổng thống Donald Trump.
"Tất nhiên, với tư cách là Tổng thống và Tổng tư lệnh Hoa Kỳ, tôi có quyền được miễn trừ", ông Trump nói trong bài đăng.
Các công tố viên liên bang cáo buộc ông Trump, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa năm 2024, đã tìm cách cản trở Quốc hội và lừa dối Hoa Kỳ thông qua các âm mưu đảo ngược chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 của Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden.
Ông Trump lập luận rằng vụ án nên bị hủy bỏ với lý do các cựu tổng thống không thể đối mặt với cáo buộc hình sự về hành vi liên quan đến trách nhiệm chính thức của họ.
Thẩm phán Hoa Kỳ Tanya Chutkan bác bỏ yêu cầu đó vào ngày 1/12, khiến ông Trump kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực Quận Columbia. Vì kháng cáo này mà phiên tòa xét xử ông, dự kiến diễn ra vào tháng 3, đã bị đình chỉ.
Tháng trước, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ từ chối xem xét ngay tuyên bố của ông Trump rằng ông không thể bị truy tố vì cố gắng lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, và do đó, tòa án cấp dưới tiếp tục xem xét vụ án này.
Reuters
Nguồn : VOA, 08/01/2024
*************************
Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xét đơn kháng cáo của Trump về việc bị loại tư cách ứng cử viên ở Colorado
Reuters, VOA, 06/01/2024
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày thứ Sáu đã đồng ý xét đơn kháng cáo của Donald Trump đối với một quyết định tư pháp cấm vị cựu tổng thống này có tên trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở bang Colorado. Vụ án được xem là có sức nặng về mặt chính trị với những hệ quả lớn cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang dẫn đầu cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa để đối đầu Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 5/11 sắp tới ở Mỹ.
Vấn đề tranh cãi là phán quyết ngày 19 tháng 12 của Tòa án Tối cao bang Colorado loại ông Trump khỏi cuộc bầu cử sơ bộ của bang dựa trên lời lẽ trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ vì tham gia nổi loạn, liên quan đến vụ tấn công ngày 6 tháng 1 năm 2021 của những người ủng hộ ông nhắm vào Điện Capitol trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.
Các thẩm phán nhận vụ án với tốc độ nhanh bất thường. Ông Trump, người đang dẫn đầu trong cuộc đua giành đề cử của đảng ông để đối đầu Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 ở Mỹ, đã đệ đơn kháng cáo vào ngày thứ Tư. Các thẩm phán cho biết họ sẽ đẩy nhanh việc đưa ra quyết định, xếp lịch để nghe đôi bên đưa ra luận cứ vào ngày 8 tháng 2. Cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở bang Colorado dự kiến diễn ra vào ngày 5 tháng 3.
Tòa án tối cao cấp bang phán quyết rằng ông không đủ tư cách tranh cử tổng thống theo một điều khoản hiến pháp cấm bất cứ ai "tham gia nổi dậy hoặc nổi loạn" giữ chức vụ công cử, cấm ông tham gia cuộc bầu cử sơ bộ.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ không có hành động đối với đơn kháng cáo riêng rẽ về quyết định của tòa án cấp bang đệ trình bởi Đảng Cộng hòa Colorado.
Nhiều người theo Đảng Cộng hòa đã chỉ trích việc loại bỏ tư cách ứng cử viên của ông Trump là can thiệp vào cuộc bầu cử, trong khi những người ủng hộ việc loại bỏ tư cách ứng cử viên nói buộc ông Trump chịu trách nhiệm theo hiến pháp về cuộc nổi dậy là ủng hộ các giá trị dân chủ. Ông Trump cũng đang đối mặt các cáo buộc hình sự trong hai vụ án liên quan đến nỗ lực lật ngược thất bại bầu cử năm 2020 trước ông Biden.
Reuters
Nguồn : VOA, 06/01/2024
Người Mỹ cho rằng cuộc bầu cử 2024 mang tính quyết định cho nền dân chủ
AP, VOA, 16/12/2023
Ở một quốc gia phân cực về chính trị, người Mỹ dường như đồng ý về một vấn đề cơ bản của cuộc bầu cử năm 2024 - mối lo ngại về tình trạng dân chủ và kết quả của cuộc tranh cử tổng thống sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của nền dân chủ.
Một cuộc thăm dò từ AP-Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng NORC cho thấy 62% người trưởng thành cho rằng nền dân chủ ở Hoa Kỳ có thể gặp rủi ro tùy thuộc vào việc ai sẽ thắng cuộc bầu cử Tổng thống vào mùa thu tới.
Họ chỉ bất đồng về việc ai là người gây ra mối đe dọa.
Một cuộc thăm dò từ AP-Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng NORC cho thấy 62% người trưởng thành cho rằng nền dân chủ ở Hoa Kỳ có thể gặp rủi ro tùy thuộc vào việc ai sẽ thắng vào mùa thu tới. Đa số đảng viên Đảng Dân chủ (72%) và Đảng Cộng hòa (55%) cũng cảm thấy như vậy, nhưng vì những lý do khác nhau.
Tổng thống Joe Biden đã cố gắng vẽ ra một tương lai đáng lo ngại nếu ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Toà Bạch Ốc. Cựu tổng thống gần đây đã cố gắng lật lại câu chuyện, nói rằng vụ lật đổ bầu cử và các tài liệu chống lại ông cho thấy ông Biden đã vũ khí hóa chính phủ liên bang để truy tố một đối thủ chính trị. Ông Trump gọi ông Biden là "kẻ hủy diệt nền dân chủ Mỹ".
"Tôi nghĩ từ phía cánh tả, khá rõ ràng là họ lo ngại về việc bầu một tổng thống được cho là độc tài, một người rõ ràng muốn giảm bớt kiểm tra và cân bằng trong chính phủ để củng cố chức vụ tổng thống và làm như vậy theo những cách mà mang lại cho nhánh hành pháp một khả năng tiếp cận chưa từng có đối với người dân và các lĩnh vực của chính phủ", ông Michael Albertus, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết.
Trong bối cảnh đó, cuộc thăm dò cho thấy khoảng một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ, 51%, nói rằng nền dân chủ đang hoạt động "không tốt lắm" hoặc "không tốt chút nào".
Cuộc thăm dò hỏi về tầm quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đối với 12 vấn đề và nhận thấy rằng tỷ lệ người cho rằng kết quả lần này sẽ rất hoặc cực kỳ quan trọng đối với tương lai của nền dân chủ ở Hoa Kỳ (67%) chỉ xếp sau nền kinh tế (75%). Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ người đặt nặng vấn đề về chi tiêu chính phủ (67%) và di trú (66%).
Ông Tony Motes, một lính cứu hỏa đã nghỉ hưu sống ở Monroe, Georgia, nêu ra một số lý do mà ông tin rằng "chúng ta không sống trong một nền dân chủ hoàn chỉnh". Điều đó bao gồm những gì ông coi là sự suy giảm các quyền, bao gồm quyền của cha mẹ, kẻ trộm và những tội phạm khác không phải chịu trách nhiệm và thiếu biên giới an toàn.
Đảng viên Đảng Cộng hòa 59 tuổi cũng cho biết nhiều vụ án hình sự khác nhau được đưa ra chống lại ông Trump đã làm suy yếu truyền thống dân chủ của đất nước.
"Họ đang cố gắng ngăn cản ông ấy tranh cử vì họ biết ông ấy sẽ thắng", ông nói.
Những phát hiện của cuộc thăm dò tiếp tục xu hướng quan điểm mờ nhạt của người Mỹ về cách thức vận hành của nền dân chủ. Họ cũng tin rằng hệ thống quản lý của đất nước đang hoạt động không hiệu quả để phản ánh lợi ích của họ đối với các vấn đề từ di trú, phá thai đến kinh tế.
Ông Robert Lieberman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Johns Hopkins, đã nghiên cứu sự sụp đổ của các nền dân chủ ở những nơi khác và các yếu tố chung dẫn đến sự sụp đổ của chúng.
Các yếu tố bao gồm sự phân cực, sự đối kháng sắc tộc hoặc chủng tộc ngày càng gia tăng, sự bất bình đẳng kinh tế gia tăng và sự tập trung quyền lực vào tay một quan chức điều hành của một quốc gia.
Ông nói : "Trong nhiều năm nay, Hoa Kỳ đã có đủ bốn điều kiện này, thực sự là lần đầu tiên trong lịch sử". "Vì vậy, chúng ta đang ở thời kỳ chín muồi cho những thách thức đối với nền dân chủ".
Cuộc thăm dò của AP-NORC cho thấy 87% đảng viên Đảng Dân chủ và 54% đảng viên độc lập tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền dân chủ Hoa Kỳ. Đối với đảng Cộng hòa, 82% tin rằng nền dân chủ sẽ bị suy yếu nếu ông Biden giành chiến thắng khác, với 56% cử tri độc lập đồng ý.
Khoảng 2 trong 10 người trưởng thành ở Hoa Kỳ (19%) nói rằng nền dân chủ ở Hoa Kỳ "đã bị phá vỡ nghiêm trọng đến mức việc ai thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 không còn quan trọng nữa".
Bà Lilliana Mason, phó giáo sư khoa học chính trị tại Johns Hopkins cho biết, các nền tảng mạng xã hội và các trang tin tức củng cố thành kiến sẽ đẩy nhanh sự phân cực khiến mọi người từ các quan điểm chính trị khác nhau tin rằng phía bên kia là bên đại diện cho mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền dân chủ của quốc gia.
"Tôi không nghĩ mọi người đang phóng đại. Tôi nghĩ thực tế là họ đang sống trong môi trường thông tin mà đối với họ, nền dân chủ đang bị đe dọa", bà nói.
Bà Mason cho biết một bên lo ngại những gì ông Trump đã nói rằng ông sẽ làm nếu thắng cử, trong khi bên kia đang phản ứng trước nỗi sợ hãi được tạo ra trong hệ sinh thái truyền thông cho rằng Đảng Dân chủ muốn tiêu diệt nước Mỹ và biến nó thành một xã hội xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản.
Đối với một số người, mối nguy hiểm còn lớn hơn những tuyên bố của ông Trump và mối lo ngại về việc ông có thể chuyển sang chế độ độc tài như thế nào. Đó cũng là những gì đang xảy ra ở các tiểu bang và tòa án, nơi việc vận động chính trị và các mối đe dọa đối với quyền bầu cử đang tiếp tục diễn ra, cũng như các biện pháp hạn chế khả năng bỏ phiếu dễ dàng của người dân.
Bà Pamela Williams, 75 tuổi, ở Thành phố New York, người được xác định là Đảng viên Dân chủ, cho biết : "Hãy nhìn vào tất cả những rào cản đã được đặt ra để ngăn cản mọi người, đặc biệt là người da màu, không thể bỏ phiếu". "Đó không phải là dân chủ".
Ông Douglas Kucmerowski, 67 tuổi, một người độc lập sống ở vùng Finger Lakes của New York, lo ngại về những hành động cấp tiểu bang đó và việc tiếp tục sử dụng Cử tri đoàn, có thể cho phép ai đó trở thành tổng thống ngay cả khi họ thua phiếu phổ thông.
Ông cũng đặt câu hỏi về tình trạng nền dân chủ của quốc gia khi một tỷ lệ lớn đất nước ủng hộ một ứng cử viên phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự, người đã lên tiếng về việc theo đuổi trả thù và sử dụng quân đội trong nước, cùng những việc khác.
Ông Trump cũng đã nói dối về kết quả của cuộc bầu cử năm 2020, điều này đã được khẳng định bởi nhiều cuộc duyệt xét lại ở các tiểu bang chiến trường nơi ông phản đối thất bại của mình và kêu gọi những người ủng hộ ông đến một cuộc biểu tình ở Washington trước khi họ xông vào Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, trong một nỗ lực bạo lực nhằm ngăn chặn Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
"Ứng cử viên đó, ở bất kỳ độ tuổi nào khác, có lẽ đã bị loại. Nhưng vì lý do nào đó, trong xã hội này, ông ấy là một trong những lựa chọn tốt nhất", ông Kucmerowski nói. "Nếu đất nước này bối rối đến mức không thể phân biệt được đúng sai và cựu tổng thống Trump tuyên bố rằng ngay khi nhậm chức ông sẽ là một nhà độc tài, thì chẳng ai quan tâm đến ngày thứ hai, thứ ba hay thứ tư khi ông ấy vẫn còn một kẻ độc tài ?"
Cuộc thăm dò ý kiến với 1.074 người trưởng thành được thực hiện từ ngày 30/11 đến ngày 4/12/2023.
(AP)
Nguồn : VOA, 16/12/2023
****************************
Reuters/Ipsos : Sẽ là cuộc tái đấu sít sao Biden-Trump ; RFK (con) là mối nguy cho ông Biden
Reuters, VOA, 12/12/2023
Cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy sắp có một cuộc tái đấu nhiều khả năng là rất khốc liệt trong cuộc bầu cử vào năm tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump, trong khi cả hai ứng cử viên này đều có những sơ hở lớn có thể khiến họ mất cơ hội kiểm soát Nhà Trắng, Reuters cho biết hôm 12/12.
Ông Donald Trump và ông Joe Biden.
Tổng thống Biden, một đảng viên Dân chủ 81 tuổi, tiếp tục gặp khó khắn vì cử tri hoài nghi về sức mạnh của nền kinh tế, cũng như lo ngại về an ninh biên giới Mỹ-Mexico và lo lắng về tội phạm.
Cựu Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Trump, 77 tuổi, phải đối mặt với những nội lo của riêng ông, bao gồm 4 phiên tòa hình sự với hàng loạt cáo buộc liên quan đến nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và việc xử lý các tài liệu mật. Cuộc thăm dò cho thấy nếu bị kết án trước cuộc bầu cử ngày 5/11/2024 có thể khiến ông mất đi sự ủng hộ đáng kể.
Theo cuộc thăm dò, ông Trump dẫn trước 2 điểm trong cuộc đối đầu trực tiếp, 38% ủng hộ ông Trung, 36% ủng hộ ông Biden, số còn lại gồm 26% số người được hỏi nói rằng họ không chắc chắn hoặc có thể sẽ bỏ phiếu cho người khác.
Cuộc thăm dò được thực hiện trực tuyến từ ngày 5 đến 11/12, khảo sát 4.411 người Mỹ trưởng thành trên toàn quốc và có khoảng du di về tin cậy, tức thước đo độ chính xác, là khoảng 2 điểm phần trăm.
Cuộc thăm dò cho thấy ông Trump là ứng cử viên dẫn đầu để được đảng Cộng hòa đề cử với khoảng cách lớn so với những ứng viên còn lại.
Nhìn chung, cuộc thăm dò cho thấy sự thờ ơ sâu sắc của nhiều cử tri trước cuộc tái đối đầu tiềm năng giữa hai ông Biden-Trump. Khoảng 6 trên 10 người được hỏi nói rằng họ không hài lòng với hệ thống hai đảng của Mỹ và muốn có lựa chọn thứ ba.
Yếu tố RFK Jr.
Họ có thể chọn một người như nhà hoạt động chống vaccine Robert F. Kennedy (con), là người đã tuyên bố tranh cử độc lập. Cuộc thăm dò cho thấy ông Kennedy, một thành viên của gia tộc chính trị nổi tiếng, có thể sẽ thu hút phiếu bầu từ cử tri của ông Biden nhiều hơn là từ cử tri của ông Trump.
Robert F. Kennedy (con) là người thuộc đảng Dân chủ nhưng tuyên bố tranh cử độc lập.
Khoảng cách dẫn trước của ông Trump đã tăng lên thành lợi thế 5 điểm phần trăm khi những người trả lời khảo sát được quyền lựa chọn bỏ phiếu cho ông Kennedy.
Khoảng 16% số người được hỏi đã chọn ông Kennedy khi được đưa ra lựa chọn, trong khi ông Trump được 36% ủng hộ, so với 31% dành cho ông Biden.
Ông Kennedy - có người chú là John F. Kennedy từng là tổng thống ; và cha của ông, ông Robert Kennedy, là thượng nghị sĩ và bộ trưởng tư pháp - phải đối mặt với thách thức thu thập đủ chữ ký để có được lá phiếu ở tất cả 50 bang. Tuần trước, một ủy ban gây quỹ vô hạn, gọi tắt là siêu PAC, ủng hộ việc tranh cử của Kennedy cho biết họ sẽ chi tới 15 triệu USD để đưa ông Kennedy vào lá phiếu ở 10 bang như một biện pháp khởi đầu.
Các ứng cử viên của bên thứ ba ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Hoa Kỳ ngay cả khi không giành chiến thắng. Năm 1992, ông Ross Perot hoạt động và hiện diện mạnh mẽ, điều đó đã giúp đưa ông Bill Clinton của đảng Dân chủ vào Nhà Trắng ; còn vào năm 2000, một số đảng viên Dân chủ đã quy kết rằng nỗ lực của ông Ralph Nader đã góp phần khiến ông Al Gore thua ông George W. Bush của Đảng Cộng hòa.
Hệ thống Cử tri đoàn theo từng bang được sử dụng để chọn tổng thống và sự chia rẽ đảng phái sâu sắc có nghĩa là chỉ có các cử tri ở một vài bang thôi sẽ đóng vai trò quyết định đối với kết quả bầu cử.
Tại 7 bang có kết quả bầu cử sít sao nhất vào năm 2020 – Wisconsin, Pennsylvania, Arizona, Georgia, Nevada, North Carolina và Michigan – ông Biden dẫn trước 4 điểm trong số những người Mỹ nói rằng họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu.
Các cuộc thăm dò khác cho thấy một số cử tri lo ngại về tuổi cao của ông Biden. Ông sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất từng được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai, nếu ông thắng.
Nhưng cuộc thăm dò mới cho thấy vị thế ứng cử của ông Biden có thể sẽ được củng cố bởi sự ủng hộ không ngừng của công chúng đối với quyền phá thai, cũng như sự ủng hộ của ông đối với việc kiểm soát súng ống, các biện pháp chống biến đổi khí hậu và tăng thuế đối với giới siêu giàu.
Cuộc khảo sát cũng nêu bật những rủi ro đáng kể đối với chiến dịch tranh cử của ông Trump khi ông phải đối mặt với hàng loạt phiên tòa hình sự vào năm tới. Khoảng 31% số người được hỏi thuộc đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump nếu ông bị bồi thẩm đoàn tuyên án phạm trọng tội. Lâu nay ông vẫn phủ nhận chuyện ông phạm phải bất kỳ hành vi hình sự sai trái nào.
Khoảng 45% số người được hỏi cho rằng ông Trump là ứng cử viên tốt hơn để xử lý nền kinh tế, so với 33% chọn ông Biden.
Tuy nhiên, ông Biden cũng có lợi thế tương tự trong vấn đề phá thai, với 44% số người được hỏi cho rằng ông là ứng cử viên sáng giá hơn cho việc xử lý vấn đề phá thai, so với 29% chọn ông Trump.
Một phần thế mạnh của ông Trump dường như cũng gắn liền với mối lo ngại của một số cử tri về tội phạm và nhập cư. Khi được hỏi ứng cử viên nào giỏi hơn trong các vấn đề đó, 42% chọn ông Trump về tội phạm so với 32% chọn ông Biden.
54% số người được hỏi đồng ý với tuyên bố rằng "tình hình di dân tràn vào đang khiến cuộc sống của người sinh ra ở Mỹ trở nên khó khăn hơn", với tỷ lệ tương tự cho rằng ông Trump là ứng cử viên sáng giá hơn cho vấn đề này.
Nguồn : VOA, 12/12/2023
Điều gì sẽ xảy ra khi Quốc hội Mỹ họp chứng nhận kết quả bầu cử ?
VOA, 06/01/2021
Bất chấp nỗ lực từ Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa để thách thức thắng lợi của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, con đường lật ngược kết quả tại phiên kiểm phiếu ở Quốc hội Mỹ hầu như không có cơ hội thành công trong khi một nhà quan sát nói với VOA rằng nỗ lực này là ‘phản dân chủ’.
Một phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ khi Tổng thống Donald Trump đọc thông điệp liên bang hồi năm 2018
Quốc hội Hoa Kỳ sẽ nhóm họp vào thứ Tư ngày 6/1 để kiểm đếm và xác nhận số phiếu đại cử tri bầu Tổng thống của mỗi bang mà theo đó ông Joe Biden giành được 306 phiếu so với 232 của ông Donald Trump để đắc cử Tổng thống thứ 46.
Đây là một công việc phần nhiều mang tính thủ tục trong các cuộc bầu cử từ trước đến nay, nhưng năm nay nó lại thu hút sự chú ý của công luận vì ông Trump và các đồng minh quyết thách thức kết quả tại phiên họp này và coi đây là cơ hội có thể lật ngược thế cờ.
Trong các nỗ lực đó có việc phe Cộng hòa ở các tiểu bang mà ông Trump có tranh chấp đã cử ra ‘cử tri đoàn thay thế,’ bên cạnh cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu cho ông Biden. Bản thân ông Trump cũng đã kêu gọi các ủng hộ viên tập hợp về thủ đô Washington D.C. trong ngày 6/1 để gây sức ép với Quốc hội. Một dân biểu Cộng hòa còn kiện ra tòa đòi cho phép Phó Tổng thống Mike Pence được toàn quyền quyết định phiếu đại cử tri các bang.
Nhưng quan trọng nhất là nỗ lực của các dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Quốc hội phản đối kết quả kiểm phiếu ở những bang tranh chấp vào ngày 6/1.
Không phải lần đầu
Việc các dân biểu Hạ viện ở bên thua cuộc tiến hành một cuộc chiến mang tính biểu tượng để chống lại kết quả bầu cử Tổng thống đã trở thành thường xuyên sau các cuộc bầu cử vừa qua.
Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ tham gia vào các nỗ lực này ít xảy ra hơn, nhưng lần này thì có hơn một chục thượng nghị sĩ sẽ tham gia bên phía ông Trump. Các thượng nghị sĩ Josh Hawley và Ted Cruz sẽ dẫn đầu nhóm nghị sĩ thử thách kết quả kiểm phiếu bầu và kêu gọi kiểm toán khẩn cấp để điều tra cáo buộc gian lận mặc dù không có bằng chứng về gian lận lan rộng.
Thách thức này chỉ có thể trì hoãn điều không thể tránh khỏi là Quốc hội sẽ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Nhưng nó sẽ buộc Quốc hội phải biểu quyết và đặt Phó Tổng thống Pence vào tình thế khó xử là cuối cùng phải tuyên bố chính thức chiến thắng của Biden.
Trình tự kiểm phiếu ở Quốc hội
Trong suốt tháng 11 và tháng 12, các tiểu bang đã chứng nhận kết quả ở bang họ. Sau đó, cử tri đoàn đã bỏ phiếu vào ngày 14/12 dựa trên những kết quả đó. Các tiểu bang đã gửi tổng số phiếu đại cử tri của họ đến Quốc hội khóa mới để được kiểm đếm và xác nhận. Việc này chủ yếu là hình thức, vì luật bầu cử quy định Quốc hội phải coi kết quả của các bang được hoàn thành trước thời hạn chót 8/12 là ‘chung cuộc’.
Sau bước xác nhận của Quốc hội, tất cả những gì còn lại sau đó là lễ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1.
Quốc hội kiểm phiếu như thế nào ?
Lưỡng viện sẽ họp chung. Phó Tổng thống Pence sẽ chủ trì phiên họp này. Ông ấy có thể giao việc này cho một thượng nghị sĩ khác, nhưng nhiều khả năng ông Pence sẽ không làm như vậy.
Họ sẽ kiểm phiếu các bang theo thứ tự bảng chữ cái. Đối với từng bang, các thư ký ngồi bên dưới sẽ trao cho ông Pence các phong bì, nói cho ông biết số phiếu, và ông phải đọc to lên. Sau đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu về để chấp nhận kết quả của các bang.
Làm sao kiện phiếu đại cử tri ?
Để thách thức được xem xét, ít nhất một nghị sĩ từ mỗi viện Quốc hội phải phản đối phiếu đại cử tri của bang nào đó. Hơn hai chục thành viên Cộng hòa tại Hạ viện cho biết họ sẽ cố gắng thách thức kết quả và hơn chục thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ tham gia cùng họ - mặc dù Lãnh đạo khối Đa số ở Thượng viện, ông Mitch McConnell, đã kêu gọi các thượng nghị sĩ bên đảng ông đừng dây vào chuyện này.
Các nghị sĩ không cần phải giải thích chi tiết lý do tại sao họ phản đối ; họ chỉ cần phản đối bằng văn bản và ông Pence sẽ đọc to cho mọi người nghe.
Nếu có ý kiến phản đối đối với cử tri đoàn của tiểu bang nào đó được đưa ra từ cả Hạ viện và Thượng viện, các việnphải chia ra để bỏ phiếu về sự phản đối đó và họ có tới hai tiếng đồng hồ để tranh luận.
Dự đoán cách Quốc hội bỏ phiếu
Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có đủ số phiếu nhấn chìm mọi đơn kiện.
Trong khi tại Thượng viện, các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã không thể giữ cho đảng họ đoàn kết trong việc này, nhưng họ dự kiến sẽ có đủ phiếu bầu trong đảng để xác nhận chiến thắng của ông Biden, mặc dù có tới cả chục thượng nghị sĩ Cộng hòa bất tuân. Thượng nghị sĩ John Thune, lãnh đạo số 2 của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, hồi tháng trước đã nói rằng bất kỳ thách thức phiếu đại cử tri nào cũng sẽ thất bại thảm hại. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa như Mitt Romney và Ben Sasse gọi thách thức của các đồng nghiệp đối với kết quả bầu cử là ‘nguy hiểm’.
Ít nhất một người Cộng hòa chỉ trích những thách thức này đã chỉ ra cuộc điện đàm kéo dài một giờ của Tổng thống Trump với Bộ trưởng Hành chính bang Georgia mà trong đó Tổng thống tìm cách đảo ngược thất bại của ông ở Georgialà lý do cho Đảng Cộng hòa đứng lên đối đầu với ông Trump và bỏ phiếu chứng nhận kết quả hợp pháp của các bang. "Gửi tới mọi thành viên Quốc hội đang cân nhắc việc phản đối kết quả bầu cử", dân biểu Cộng hòa Adam Kinzinger viết trên Twitter. "Quý vị không thể - trước việc này – làm vậy với lương tâm trong sạch".
Thái độ không đồng tình của các lãnh đạo Đảng Cộng hòa trước việc thách thức kết quả bầu cử cho ông Biden là đáng chú ý vì phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa phải mất hơn một tháng sau ngày bầu cử mới công nhận ông Biden là người chiến thắng. Nhưng đa số các nghị sĩ Cộng hòa dường như không muốn thông qua Quốc hội để đảo ngược nguyện vọngcử tri.
Cũng không có cơ sở pháp lý để các thượng nghị sĩ nổi loạn chất vấn kết quả cử tri đoàn, vì tất cả các bang bị ông Trump kiện tụng đều đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý để phiếu đại cử tri của họ được Quốc hội công nhận.
Nếu một viện bỏ phiếu chấp nhận thách thức thì sao ?
Nếu Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát quyết định bỏ phiếu ủng hộ một thách thức phiếu đại cử tri của một bang, thì vẫn còn nhiều rào cản ngăn việc lật ngược chiến thắng của ông Biden.
Luật yêu cầu lưỡng viện Quốc hội đều phải bỏ phiếu dứt khoát để phản đối kết quả phiếu đại cử tri của bang đó, chứ không phải mỗi Thượng viện. Điều này sẽ không xảy ra ở Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát.
Ngay cả khi bằng cách nào đó cả hai viện đều đồng ý chấp nhận kiện thưa này, quyết định chung cuộc sẽ thuộc về thống đốc các bang. Và tất cả các thống đốc ở các bang tranh chấp đều đã chứng nhận kết quả mà ông Biden đã giành được.
Vì vậy, ngay cả khi chúng ta đi sâu vào các khả năng giả định cho việc này xảy ra, vẫn còn rất nhiều chốt chặn để bảo vệ chiến thắng của ông Biden.
Tại sao chuyện này có thể kéo dài đến đêm khuya ?
Ông Trump đã thua ở sáu tiểu bang dao động trải dài khắp bảng chữ cái – từ Arizona đến Wisconsin. Các thành viênCộng hòa thách thức kết quả bầu cử đã cho biết họ sẽ thách thức tất cả các bang này. Mỗi khi có một thách thức được ít nhất một thành viên của mỗi viện ủng hộ, Quốc hội phải tách ra để biểu quyết. Sau đó họ trở lại họp chung và tiếp tục đếm phiếu.
Vai trò của Phó Tổng thống Mike Pence
Phần việc của ông Pence là việc hành chính. Ông ấy không có thẩm quyền để từ chối chứng nhận kết quả bầu cử. Nếu ông Pence làm vậy, điều đó sẽ vi phạm pháp luật trắng trợn. Ông thậm chí có thể bị kiện ra tòa. Đa số Quốc hội có thể sẽ nhanh chóng bỏ phiếu bác bỏ bất kỳ thách thức nào mà ông Pence đưa ra.
Dân biểu Louie Gohmert mới đây đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang để yêu cầu cho ông Pence có toàn quyền kiểm soát việc kiểm phiếu từ các bang và sau đó trao chiến thắng cho ông Trump. Các chuyên gia luật bầu cử nói rằng điều này không có cơ sở trong luật pháp cũng như Hiến pháp, và đội ngũ pháp lý của ông Pence cho biết họ không đồng ý với vụ kiện. Thẩm phán bác bỏ vụ kiện này chỉ sau vài ngày.
Ông Pence đã nói với ông Trump rằng ông không có quyền cản trở chiến thắng của Biden và các phụ tá cho biết ông Pence vẫn dự định bám theo vai trò chiếu lệ của mình.
Nhưng sau một thời gian kín tiếng, văn phòng của ông Pence vào cuối tuần qua đã khích lệ những thách thức đối với kết quả bầu cử của các bang. Tuyên bố của ông Pence nói rằng ông ‘hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hạ viện và Thượng viện sử dụng thẩm quyền của họ theo luật để đưa ra phản đối và trình ra bằng chứng.’
Điều gì đã xảy ra trong những lần thách thức trước đây ?
Các thành viên của đảng thua cuộc trong các cuộc bầu cử Tổng thống đã phản đối sau gần như mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2000. Tất cả đều thất bại và chỉ có một lần thách thức này thành công trong việc buộc lưỡng viện phải tranh luận.
Khi chứng nhận cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm 2000, các dân biểu Dân chủ đã cố gắng thách thức phiếu đại cử tri của Florida để tìm chiến thắng cho Phó Tổng thống Al Gore, nhưng họ không có ai đồng lòng ở Thượng viện để làm chuyện này.
Năm 2005, các dân biểu Dân chủ đã thách thức chiến thắng tái đắc cửa của Tổng thống George W. Bush theo cách tương tự đối với kết quả ở Ohio. Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer đã tham gia cùng họ, nhưng nỗ lực đã bị dập tắt khá nhanh chóng, trong những người bỏ phiếu chống có cả những người đồng đảng Dân chủ của bà Boxer tại Thượng viện. Các dân biểu Dân chủ đã cố gắng một lần nữa vào năm 2016 để thách thức chiến thắng của ông Trump, nhưng không có thượng nghị sĩ nào sẵn sàng đứng cùng với họ.
Chính Phó Tổng thống Joe Biden lúc bấy giờ là người chủ trì phiên họp lưỡng viện trao chiến thắng cho ông Trump. "Mọi chuyện đã an bài", ông Biden khi đó nói với các dân biểu bên đảng ông.
‘Phi dân chủ’
Trao đổi với VOA từ bang Georgia, ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ, người từng được đảng Cộng hòa chọn là một trong 16 đại cử tri của bang bỏ phiếu cho ông Donald Trump làm Tổng thống hồi năm 2016, mô tả nỗ lực lần này của phía ông Trump là ‘phi dân chủ’ và ‘không theo luật lệ gì hết’.
Ông nói việc thách thức ở Quốc hội dẫn đến thay đổi kết quả bầu cử ‘chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ’ và những ai thách thức cũng không thể viện lý do là ‘bầu cử gian lận’.
"Bao nhiêu vụ kiện của ông Trump ở các cấp tòa án đều đã bị bác bỏ vì chúng không có gì đáng để xem xét", ông Kỳ nói.
Ông dẫn ra việc lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, ‘thừa biết việc thách thức kết quả bầu cử là phi dân chủ và đi ngược lại những điều luật trong Hiến pháp Hoa Kỳ’. Ngoài ra, ông McConnell cũng biết là đảng Cộng hòa không thể có đủ số phiếu để lật ngược kết quả nên không đồng tình với hành động này.
Ông Kỳ nhận định rằng các vị dân biểu và thượng nghị sĩ thách thức kết quả vì họ ‘muốn giữ được tư thế của họ với ông Trump và các ủng hộ viên của ông Trump trong đảng Cộng hòa’.
Về vai trò của ông Mike Pence, ông Kỳ nói ‘không còn quyền gì hết ngoài việc buộc phải phê chuẩn (rubberstamp) kết quả được chính thức nộp lên.
"Việc này tạo mâu thuẫn cho ông Pence. Dĩ nhiên ông ấy biết việc của mình theo Hiến pháp nhưng đồng thời ông ấy cũng muốn giữ được sự ủng hộ của các phe phái ủng hộ Trump", ông Kỳ nói và dự đoán ông Pence sẽ cần sự ủng hộ từ những cử tri của ông Trump nếu ông muốn ra ứng cử Tổng thống trong tương lai.
Về các ‘đại cử tri thay thế’ của đảng Cộng hòa, ông Kỳ nhận xét : "Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ có thể thay đổi danh sách đại cử tri như vậy".
Theo giải thích của ông thì phiếu đại cử tri các bang đã được các Thống đốc phê chuẩn theo quy định Hiến pháp nên không thể có cái gọi là ‘đại cử tri thay thế’. "Nếu đại cử tri có ai rút ra vào phút chót không thể đi bầu được thì mới cử người thay thế", ông nói.
Sau khi ông Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1 thì các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ ‘sẽ có cách’ nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng, ông Kỳ nói. Chẳng hạn như Bộ Quốc phòng chỉ sẽ nghe lệnh từ ông Biden chứ không nghe lệnh ông Trump nữa, ông dẫn chứng.
"Bầu cử đã xong xuôi, không thể thay đổi gì được hết", người cựu đại cử tri này nói. "Ông Trump không thể nào đánh phá toàn bộ nề nếp dân chủ của Mỹ được vì nó đã ăn sâu vào nước Mỹ lâu nay rồi và những người đang vận hành trong nền dân chủ Mỹ cũng không chấp nhận điều này.
Pence khẳng định với Trump không thể bác kết quả bầu cử tổng thống ở Quốc hội
Thu Hằng, RFI, 05/01/2021
Ngày 06/01/2020 mang tính quyết định cho tổng thống Donald Trump, cũng như hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bang Georgia thông báo kết quả bầu cử hai ghế thượng nghị sĩ. Quốc hội lưỡng viện phải thông qua kết quả bầu cử tổng thống của đại cử tri và tuyên bố ông Joe Biden là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.
Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump có thể trông cậy vào lòng trung thành của hơn 100 dân biểu và 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa, những người quyết định phản đối Quốc hội xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri. Ngoài ra, hàng chục nghìn người ủng hộ ông Trump tập trung biểu tình ở Washington để phản đối chiến thắng của ông Joe Biden.
Dù ủng hộ ý tưởng của nhóm nghị sĩ Cộng hòa, nhưng phó tổng thống Mike Pence cho biết là đã nói với ông Donald Trump rằng ông không có quyền thay đổi kết quả bầu cử. Theo trang New York Times, ông Pence đã nói như trên trong bữa ăn trưa hàng tuần với tổng thống vào ngày 04/01, như để trả lời cho tin nhắn của ông Trump trên Twitter vào sáng cùng ngày : "Phó tổng thống có quyền bác những cử tri được chọn gian lận".
Theo thủ tục, khi kết quả của tất cả các bang đã được xem xét, phó tổng thống Pence, kiêm chủ tịch Thượng Viện, sẽ được mời lên đọc kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đối với mỗi ứng viên và chính thức công bố chiến thắng của ông Joe Biden.
Về cuộc bầu cử bổ sung Thượng Viện, theo xác nhận của AP ngày 06/01, thượng nghị sĩ mãn nhiệm Kelly Loeffler của đảng Cộng hòa đã bị ứng viên Raphael Warnock của đảng Dân chủ đánh bại ở bang Georgia (49,4% và 50,6%). Ông Raphael Warnock trở thành thượng nghị sĩ da đen đầu tiên của bang Georgia.
Ở cặp thứ hai, ứng viên của đảng Dân chủ Jon Ossoff cũng thu được nhiều hơn số phiếu so với thượng nghị sĩ Cộng hòa mãn nhiệm David Perdu và có thể giành chiến thắng vì đã có 98% số phiếu được kiểm.
Nếu đảng Dân chủ giành được thêm hai ghế ở thượng Viện, cân bằng với đảng Cộng hòa thì tiếng nói cuối cùng thuộc về phó tổng thống kiêm chủ tịch Thượng Viện, bà Kamala Harris. Với đa số ở cả Hạ Viện và Thượng Viện, các chính sách của tổng thống tân cử Joe Biden có thể được thông qua dễ dàng hơn.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 06/01/2021
Thu Hằng, RFI, 05/01/2021
Tại Hoa Kỳ, mọi chú ý dồn về cuộc bầu cử thượng nghị sĩ ở bang Georgia diễn ra ngày 05/01/2021. Liệu đảng Cộng Hòa tiếp tục giữ được đa số ở Thượng Viện hay phải chia đều với đảng Dân Chủ ? Quyết định nằm trong tay hơn 7 triệu cử tri bang Georgia, trong đó đã có hơn 3 triệu cử tri đi bỏ phiếu trước do dịch Covid-19.
Thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình từ New York :
"Để có thể hình dung ra được tầm quan trọng của cuộc bầu cử này, chỉ cần nhìn vào ngân sách dành cho chiến dịch vận động của hai đảng. 500 triệu đô la đã được chi ra kể từ cuộc bầu cử tổng thống, 500 triệu đô la chỉ trong vòng hai tháng ! Với mức chi này, đây là cuộc bầu cử thượng viện tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Phía đảng Cộng Hòa có hai thượng nghị sĩ mãn nhiệm David Perdue và Kelly Loeffler. Còn phía đảng Dân Chủ là hai ứng viên Jon Ossoff và Raphael Warnock.
Cuộc bầu cử lần này vô cùng quan trọng và sẽ quyết định tiến trình sinh hoạt chính trị Mỹ trong những năm tới. Vì hiện tại, đảng Cộng Hòa chiếm 50 ghế ở Thượng Viện, phía đảng Dân Chủ có 48 ghế. Nếu David Perdue và Kelly Loeffler được bầu lại, đảng Cộng Hòa sẽ chiếm đa số, nắm quyền đối lập thực sự và sẽ cản trở một phần chương trình của ông Joe Biden, bắt đầu từ việc chỉ định ứng viên vào các vị trí bộ trưởng hoặc người phụ trách các cơ quan hành chính liên bang khác nhau.
Nếu ứng viên của đảng Dân Chủ chiến thắng, Thượng Viện sẽ chia đều số ghế 50-50 và tiếng nói cuối cùng sẽ thuộc về phó tổng thống Kamala Harris, với tư cách là chủ tịch Thượng Viện.
Với việc đảng Dân Chủ đang chiếm đa số ở Hạ Viện, đây sẽ là kịch bản lý tưởng cho ông Joe Biden nếu ông muốn triển khai mọi dự án cải cách".
Thu Hằng
*********************
Anh Vũ, RFI, 05/01/2021
Chỉ vài giờ trước cuộc bầu cử bổ sung Thượng Viện cực kỳ quan trọng tại bang Georgia ngày hôm, 05/01/2021, tổng thống mãn nhiệm tối qua đã tới nơi đây để vận động tranh cử cho hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa tái tranh cử. Đây là cuộc bầu cử quyết định phe nào, đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ kiểm soát Thượng Viện. Ông Donald Trump một lần nữa nhân cơ hội mít tinh để tiếp tục phủ nhận thất bại trong bầu cử tổng thống.
Đặc phái viên Eric de Salve tại Dalton, Georgia, tường trình :
Vừa tới diễn đàn tại bang Georgia trước ngày bầu cử Thượng Viện mang tính quyết định, ngay lập tức Donald Trump đã phản bác bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống với một loạt phát biểu : "Tôi đã giành chiến thắng tại Georgia", "Chúng ta không thể thua", "Đó là một cuộc bầu cử gian lận"… Đám đông đến nghe ông ngay trên đường băng sân bay Dalton tỏ phấn khích kêu hét "Hãy dừng đánh cắp bầu cử".
Tất cả những người có mặt tại đây, như bà Megan, một y tá đến từ Chicago, đều tin vào những phát ngôn dối trá của Donald Trump.
Bà Megan nói : "Đó là gian lận ồ ạt, một tội ác hàng loạt, việc này phải chấm dứt và chúng tôi sẽ chấm dứt nó. Chúng tôi sẽ thắng. Donald Trump rõ ràng vẫn là tổng thống của chúng tôi. Đúng thế, 4 năm nữa"
Thứ Tư này, Megan dự tính đi biểu tình tại Washington theo lời kêu gọi của tổng thống để phản đối kết quả bầu cử tổng thống vào lúc Quốc Hội kiểm phiếu đại cử tri xác nhận Joe Biden đắc cử tổng thống. Khoảng một chục thượng nghị sĩ theo Trump dự định phản đối xác nhận của Quốc Hội, trong đó có bà thượng nghị sĩ mãn nhiệm Kelly Loffner, một ứng viên Cộng Hòa trong cuộc bầu cử thượng viện tại Georgia.
Anh Vũ
Trump đe dọa, dụ dỗ, năn nỉ Bộ trưởng hành chánh của Georgia để 'kiếm' 11.780 phiếu cho Tổng thống hầu đảo lộ kết quả bầu cử ở Georgia
Nguyễn Quốc Khải, 03/01/2021
Tổng thống Trump kêu gọi Bộ trưởng Hành chánh của Georgia Brad Raffensperger (Cộng hòa), để "kiếm" đủ phiếu để làm cho Trump thắng tại Georgia. Đó là nội dung chính của cuộc điện đàm kéo dài khoảng một giờ vào ngày thứ Bẩy đã được ghi âm. Về phía Nhà Trắng, ngoài Tổng thống Trump còn có Chánh Văn Phòng Mark Meadows, Luật sư Kurt Hilbert và Luật sư Cleta Mitchel. Về phía Georgia, ngoài Brad Raffensperger, còn có cố vấn Ryan Germany.
Tổng thống Trump lập luận rằng "Người dân Georgia tức giận, người dân trong nước tức giận. Ông biết, không có gì sai khi ông tính toán lại". Ở một đoạn khác Trump nói "Tất cả những gì tôi muốn là tìm ra 11.780 phiếu, một phiếu nhiều hơn chúng ta có. Bởi vì chúng ta thắng tiểu bang".
Trong cuộc nói chuyện Trump đe dọa hai ông Raffensperger và Germany rằng nếu họ không tìm ra hàng ngàn phiếu tại quận Fulton đã bị tiêu hủy để ngăn chặn cuộc điều tra - một tố cáo không có bằng chứng của Trump - họ sẽ chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Kurt Hilbert kết tội Bộ Ngoại Giao Georgia của Raffensperger đã từ chối không chuyển dữ liệu để tìm kiếm bằng chứng gian lận. Ông cũng nhắc tới ít nhất 24.000 phiếu bầu gian lận và nếu không có số phiếu này, Trump đã thắng cử ở Georgia.
Trong suốt cuộc điện đàm, Bộ trưởng Raffensperger và cố vấn luật pháp Germany hoàn toàn bác bỏ lập luận của Tổng thống Trump và nhận định rằng Tổng thống dựa vào những thuyết âm mưu đã bị chứng tỏ là sai lầm và Joe Biden thắng cử với 11.799 phiếu tại Georgia là công bắng và chính xác. Georgia đã ba lần kiểm phiếu. Georgia Bureau of Investigation cũng đã giảo nghiệm chữ ký trên lá phiếu và chứng nhận rằng hệ thống 99,9 % chính xác và không có chứng cớ gian lận.
Tổng thống Trump có khuynh hướng dựa vào các viên chức Cộng hòa địa phương ở một số tiểu bang trong cố gắng lật ngược kết quả bầu cử bằng cách tranh cãi về kết quả, tố giác gian lận bầu cử dù không đưa ra bằng chứng, ngăn chặn việc chứng nhận kết quả bầu cử, đặc biệt tại những tiểu bang chiến địa. Vào cuối tháng 11, ông đã mời những nhà lãnh đạo Cộng hòa của Michigan đến họp tại Nhà Trắng. Tại tiểu bang này, ông đã thua ứng cử viên Joe Biden trên 150.000 phiếu. Trump chú trong đến Michigan vì ông hi vọng có thể thuyết phục các viên chức Cộng hòa ở đây. Nhưng sau cùng ông không đã thành công.
Lãnh tụ thiểu số Thượng Viện Chuck Schumer kêu gọi Đảng Cộng hòa nên điều tra Tổng thống Trump về hành động tìm phiếu ở Georgia trong khi một số nghị sĩ và Cộng hòa muốn tiếp tục điều tra về cuộc gian lận bầu cử. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Bộ trưởng Hành chánh của Georgia Raffensperger chứng minh rất tõ ràng âm mưu gian lận bầu cử của Tổng thống Trump.
Giáo sư Jonathan London tại Leiden University, Hòa Lan, nhắc đến một điều khoản trong đạo luật liên bang Hoa Kỳ Title 52 U.S. về bầu cử cho thấy Tổng thống Trump đã vi phạm luật này và có thể bị tù. Luật liên bang ghi rõ như sau :
"Một người, bao gồm cả một quan chức bầu cử, trong bất kỳ cuộc bầu cử nào cho chức vụ Liên bang… cố ý và cố ý tước đoạt, gian lận hoặc cố gắng tước đoạt hoặc lừa gạt cư dân của một tiêu bang có quy trình bầu cử được tiến hành công bằng và không thiên vị, bằng cách… mua sắm, đúc , hoặc lập bảng biểu các lá phiếu mà người đó biết là sai nghiêm trọng, hư cấu hoặc gian lận theo luật của tiêu bang nơi tổ chức bầu cử "sẽ bị phạt tù đến năm năm".
Title 52 U.S. Section 20511 states : "A person, including an election official, who in any election for Federal office … knowingly and willfully deprives, defrauds, or attempts to deprive or defraud the residents of a State of a fair and impartially conducted election process, by … the procurement, casting, or tabulation of ballots that are known by the person to be materially false, fictitious, or fraudulent under the laws of the State in which the election is heldis subject to imprisonment of up to five years".
Bà Leigh Ann Webster, một luật sư hình sự ở Atlanta, trả lời cuộc phỏng vấn của báo New York Times, nói rằng "Đối với tôi, ông ta rõ ràng vi phạm luật của Georgia". Theo đó bất cứ ai "nài nỉ, đòi hỏi, ra lệnh, gạ gẫm hay mưu toan làm cho người khác" gian lận bầu cử, đều bất hợp pháp.
DB Jerrold Nadler (Dân chủ, New York), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, nói rằng cuộc điện đàm tạo ra một số vấn đề pháp lý. Ông nhận định rằng "Tổng thống có thể đã tự gây ra cho chính ông ta một trách nhiệm hình sự khi đe dọa những viên chức [của Georgia] với những hậu quả hình sự mơ hồ và khuyến khích họ ‘tìm’ thêm một số phiếu và mướn một số điều tra viên ‘muốn tìm những câu trả lời’".
Vào cuối ngày Chủ Nhật 3/1, hai bản tin của Alive và Rawstory cho hay Tổng thống Trump đã nộp hai đơn kiện Bộ trưởng Hành chánh Brad Raffensperger tại tiểu bang và liên bang về việc tiết lộ cuộc điện đàm vào ngày hôm qua. Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ kiện này sẽ không đi tới đâu vì luật của Georgia cho phép ghi âm các cuộc nói chuyện chỉ cần một bên đồng ý. Thứ hai là cuộc nói chuyện này không còn bí mật nữa vì chính Tổng thống Trump đã công khai hóa trên Tweeter.
Nguyễn Quốc Khải
(03/01/2021)
Tham khảo :
1. Chandelis Duster, Devan Cole, "In call, Trump demands Georgia officials ‘find’ votes to till election", CNN, January 3, 2021.
2. Stephen Fowler, "This was a scam : in recorded call, Trump pushed official to overturn Georgia vote", NPR. January 3, 2021.
3. Amy Gardner, "I just want to find 11.780 votes : in extraordinary hour-long call, Trump pressures Georgia secretary of state to recalculate the vote in his favor", The Washington Post, January 3, 2021.
4. Tom Hamburger, Kayla Ruble, David A. Fahrenthold, Josh Dawsey, "Trump invites Michigan Republicans leaders to meet him at White House as he escalates attempts to overturn election results", The Washington Post, Novermber 19, 2020.
5. Sarah K. Burris, "Trump to sue Georgia secretary of state for recording a call where he demanded a crime be committed : report", RawStory, January 3, 2021.
6. Eric Lipton, "Trump call to Georgia official might violate state and federal law", The New York Times, January 3, 2021.
7. Jennifer Rubin", It’s impeachable. It’s likely illegal. It’s a coup", The Washington Post, Janurary 3, 2021.
***********************
Thanh Hà, RFI, 04/01/2021
Donald Trump yêu cầu một quan chức bang Georgia tìm cho ra "11.780 lá phiếu" để thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ở bang Georgia. Báo Washington Post hôm Chủ Nhật 03/01/2021 tiết lộ đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nhà Trắng với tổng thư ký đặc trách về bầu cử bang này, ông Brad Raffensperger.
Hơn hai tuần trước ngày chuyển giao quyền lực, tổng thống Trump vẫn tìm mọi cách để trụ lại Nhà Trắng. Cho dù kết quả chính thức được công bố hôm 14/12/2020 cho thấy thắng lợi rõ rệt của ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden nhờ được 306 đại cử tri ủng hộ, Donald Trump vẫn muốn đảo ngược thế cờ.
Trong cuộc điện đàm hôm 02/01/2021, nguyên thủ Mỹ yêu cầu Brad Raffensperger thông báo "cho kiểm lại số phiếu bầu" với kết quả là phần thắng thuộc về ứng viên của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên người đặc trách về bầu cử của bang Georgia đã cưỡng lại sức ép của Donald Trump.
Trước mắt Nhà Trắng từ chối bình luận về đoạn thu âm cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và ông Raffensperger. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bất bình về lối hành xử phi dân chủ của nguyên thủ Mỹ.
Thông tín viên đài RFI Loubna Anaki từ New York tường thuật :
"Cuộc trao đội đã diễn ra trong một giờ đồng hồ. một bên là Donald Trump cùng các luật sư và một số cố vấn thân cận của ông. Bên kia là tổng thư ký bang Georgia và luật sư.
Như từ nhiều tuần qua, nguyên thủ Mỹ tố cáo kết quả bầu cử tổng thống vừa qua. Ông đã nêu lên nhiều thuyết gian lận và kêu gọi chính trị gia của đảng Cộng hòa Raffensperger ủng hộ ông để phản đối kết quả bầu cử. Brad Raffensperger liên tục bác bỏ những cáo buộc của tổng thống Trump nhưng chủ nhân Nhà Trắng vẫn hối thúc và thậm chí ông còn đi xa hơn khi kêu gọi quan chức bang này lật ngược kết quả bầu cử.
Donald Trump không vòng vo : "Điều tôi muốn là tìm ra 11.780 lá phiếu. Không có gì sai trái nếu như giải thích rằng ông đã kiểm lại phiếu và chúng ta đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này".
Tiết lộ này gây chấn động. Nhiều vị dân biểu của đảng Dân chủ ở Hạ Viện choáng váng trước những phát biểu của ông Trump. Thượng nghị sĩ Chuck Shumer kêu gọi những chính khách bên đảng Cộng hòa đòi cho mở điều tra về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ nên "bắt đầu bằng việc điều tra về những hành động của tổng thống" Trump.
Tham dự cuộc vận động tranh cử ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ bang Georgia trong cuộc chạy đua vào Thượng Viện, phó tổng thống Mỹ tân cử, Kamala Harris lên án mưu đồ của Donald Trump. Bà nói : "Đây rõ ràng là tiếng nói của một người đang trong tình huống tuyệt vọng và là một sự lạm dụng quyền lực một cách trắng trợn của tổng thống Hoa Kỳ".
Trên Twitter những người ủng hộ tổng thống thì chĩa mũi dùi tấn công tổng thư ký bang Gerogia. Họ chỉ trích ông này đã ghi âm cuộc điện đàm với Donald Trump và đã trao lại đoạn ghi âm đó cho báo chí.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 04/01/2021
Hoàng Bách nói chuyện với Nguyễn Gia Kiểng và Đinh Xuân Quân
+ Mc Connell, trưởng khối đa số Thượng viện của đảng Cộng hòa đã chúc mừng Joe Biden-Harris là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ
+ Ông yêu cầu các đồng viện đảng Cộng hòa ngưng chống đối và hợp tác với Tổng thống tân cử Biden.
Nguồn : Hoangbach Channel, 17/12/2020
Tôi đi đó đi đây cũng đã được một thời gian. Bạn bè, đồng nghiệp, người quen biết mang quốc tịch Mỹ và các nước khác cũng không phải là ít. Trong số họ có người quan tâm đến chính trị như sinh mạng, có người chỉ thỉnh thoảng chấm phá vài nét gọi là, nhưng, trừ những bạn bè trên Facebook mà tôi sẽ bàn đến sau, tuyệt nhiên không có ai là không khinh bỉ Donald Trump hoặc ít nhất là coi Trump như một trò hề. Điều này cũng dễ hiểu, vì Donald Trump, nói vắn tắt, là một kẻ đáng khinh bỉ và là một trò hề của nước Mỹ và thế giới.
Sự thật là Trump hầu như chẳng làm một việc gì ra hồn trừ đánh golf và chải đầu.
Nước Mỹ kể từ khi lập quốc đến nay chưa từng có một tổng thống nào vô văn hóa, vô giáo dục, u mê trì độn mà lại huênh hoang khoác lác như Donald Trump. Y ăn nói y hệt một thằng thất học, vốn từ của y nghèo nàn tới mức thảm hại - kết quả phân tích cho thấy Donald Trump có khả năng ăn nói ngang bằng với một đứa bé tám tuổi. Từ dài nhất mà y nhớ được và phát âm đúng được có lẽ là "tremendous", và cũng có lẽ vì thế mà y dùng từ này luôn mồm, kết hợp với những từ ngữ đậm chất bác học như "smart", "really smart", "sad", "very sad", "momemtum", "covfefe", và tất nhiên là "bing bing bing". Đến một mức độ, người ta nghi ngờ là y bị một dạng bệnh thần kinh, kiểu tâm thần hoang tưởng chẳng hạn, nếu không phải là bị nhiều bệnh cùng một lúc. Việc y suốt ngày gào thét trên Twitter là một triệu chứng điển hình - có lần công ty tôi, gồm người Mỹ, người Anh, người Canada, người Áo, người Trung Quốc, người Brazil, vì muốn kiếm chuyện để cười trong giờ ăn trưa, đã mở Twitter của Trump ra và theo dõi : Y đăng liên tục trong vòng 30 phút, mỗi tweet cách nhau chừng 30 giây, rặt những điều vô nghĩa nhảm nhí. Một người có chút trí khôn ắt sẽ đặt ra câu hỏi : Vậy y lấy đâu ra thời gian để làm việc ? Ai làm việc trí óc cũng đều biết, mức độ tập trung có quan hệ mật thiết với năng suất. Không cần đến một tweet mỗi 30 giây, chỉ cần cứ mỗi mười lăm hai mươi phút anh nghía qua Facebook một lần, bảo đảm hiệu quả công việc của anh giảm thấy rõ, và nếu anh ở một nước như nước Đức thì chẳng chóng thì chầy bộ phận nhân sự sẽ thảy trát vào mặt anh và anh phải liệu đường đăng kí thất nghiệp với sở lao động ngay tút xuỵt. Đằng này Trump lại là tổng thống Mỹ, công việc được đánh giá là căng thẳng nhất thế giới, rút ngắn tuổi thọ gần 3 năm và tăng rủi ro chết bất đắc kì tử 23%.
Và sự thật là Trump hầu như chẳng làm một việc gì ra hồn trừ đánh golf và chải đầu. Gần như toàn bộ những "thành tựu" mà Trump và chính phủ của y tung hê lên như tỉ lệ thất nghiệp giảm, thuế giảm, hòa bình ở Trung Đông, ngoại giao với Bắc Triều Tiên, chiến tranh thương mại với Trung Quốc… tôi sẽ không phân tích tại sao đều là dối trá lật lọng hoặc phóng đại trơ trẽn, vì Google vẫn còn chưa tính phí đâu, chỉ cần các bạn dẹp bỏ thiên kiến xác nhận (confirmation bias) và chịu khó đọc tiếng nước ngoài một chút là được - và nhân tiện thì dẹp luôn cái tư tưởng "báo chí fake news, báo chí thiên tả, báo chí đánh Trump" sang một bên, vì nếu thật sự ai cũng đánh ông thì nên chăng ông nhìn lại bản thân ông một chút. Nếu các bạn không làm được việc này mà chỉ chăm chăm đi đọc mấy bài thổ tả trên Facebook của mấy tài khoản nghìn like thì các bạn đơn giản là đà điểu chui cát hoặc bưng tai trộm chuông, chẳng những tôi không lay chuyển gì được các bạn mà đến bố mẹ thầy cô và mái trường xã hội chủ nghĩa cũng bó tay với các bạn mà thôi.
Trong khi đó, lại không thể kể hết những sự dốt nát và đốn mạt của Trump, không chỉ là ở cương vị một tổng thống, một chính trị gia, mà còn là ở phương diện con người. Từ những vụ "grab the pussy", nhạo báng người tàn tật, khoe khoang việc dụ dỗ phụ nữ đã có chồng, tơ tưởng đến cả con gái ruột, khinh rẻ phụ nữ, tự làm mất thể diện trong các hội nghị quốc tế, đến việc y luôn mồm gọi người khác bằng biệt danh như một đứa con nít bảy tuổi - Crooked Hillary, Slow Joe, Phony Kamala, Fat Jerry, Cheating Obama… có cả một trang Wikipedia dành cho những biệt danh này, đến việc y không tin vào sự biến đổi khí hậu kiểu "Trời lạnh vầy sao lại có nóng lên toàn cầu được" và liên tục công kích Greta Thunberg, một nhà hoạt động môi trường mới 16 tuổi, tức là hơn con trai út của y 3 tuổi, rồi đến việc y ban đầu không tin có thứ gọi là Covid, sau lại đòi tiêm thuốc khử trùng vào cơ thể người để chữa Covid, sau rốt lại mắc Covid. Nghiêm trọng hơn, Trump là một kẻ phân biệt chủng tộc, ủng hộ thuyết da trắng thượng đẳng. Gần đây nhất, trong cuộc tranh luận với Joe Biden, khi được hỏi về lập trường đối với Proud Boys (tổ chức cực hữu phát xít mới ở Mỹ và Canada), Trump đã tuyên bố "Proud Boys, stand back and stand by" - "lùi lại một bước và sẵn sàng hành động". Joe Biggs, một trong những thành viên lãnh đạo của Proud Boys, đã ngay lập tức đưa "Stand back" và "Stand by" vào logo của tổ chức trên các mạng xã hội một cách đầy tự hào, và số thành viên của Proud Boys trên Telegram tăng gần 10%. Chỉ cần có chút kiến thức căn bản về Nazi và neo-Nazi, các bạn sẽ thấy việc này đáng ghê tởm - và đáng sợ - đến thế nào.
Những người Đức, người Áo thấy cái thuyết da trắng thượng đẳng trong y mà lo sợ giùm cho nước Mỹ và thế giới
Không một ai trong xã hội loài người tiến bộ, ở bất kì đâu trên thế giới, nếu còn chút lương tri và nhân phẩm, lại có thể cuồng Trump.
Tôi đi đó đi đây cũng đã được một thời gian. Bạn bè, đồng nghiệp, người quen biết mang quốc tịch Mỹ và các nước khác cũng không phải là ít. Mấy năm nay ngoài Facebook, tôi còn có một tài khoản Twitter, nơi tôi quan sát và học hỏi những người giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực của tôi và một số lĩnh vực khác. Không một ai trong số họ là không khinh bỉ và ghê tởm Trump. Những người Đức, người Áo thấy cái thuyết da trắng thượng đẳng trong y mà lo sợ giùm cho nước Mỹ và thế giới, còn những người Mỹ thì vừa căm phẫn vừa xấu hổ vừa đau đớn vì nước mình đã bầu lên một tay tổng thống như Trump, vì tương lai của họ và con cháu họ lại rơi vào tay một kẻ tởm lợm như Trump. Từ cả tháng nay, những người Mỹ bạn tôi và trên Twitter của tôi liên tục nhắc nhau đi bầu. Hai ngày nay, họ theo dõi cuộc chiến sít sao giữa Trump và Biden mà run lẩy bẩy. Tôi không nói quá. Họ run lẩy bẩy vì lo sợ, vì sự tuyệt vọng bao trùm lấy họ, vì đã có những lúc Trump gần như nắm chắc phần thắng. Họ cũng run vì tức giận khi thấy người dân nước họ, sau một nhiệm kì đầy thất bại và bao nhiêu lần chứng kiến thực mục sự đểu cáng khốn nạn của Trump, vẫn còn tiếp tục bầu cho y. Họ tìm cách kêu gọi nhau, an ủi nhau, nhắc nhau cố gắng vững vàng. Tôi nhìn họ mà thương, mặc dù chuyện bầu cử ở Mỹ, công bằng mà nói đối với tôi không có liên quan gì trực tiếp. Tất cả những điều này, các bạn ở trên Facebook, ở trong nước, cắm đầu đọc những bài viết sặc mùi xảo biện của bọn bồi bút ngàn like, sẽ không thấy được.
Muốn Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc mà phát triển, con đường đúng đắn nhất là tự lực cánh sinh chứ không thể là ngồi nghếch mồm trông đợi Mỹ hay tin tưởng Mỹ.
Theo như tôi thấy, người Việt Nam ta ủng hộ Trump vì hai lí do.
Lí do thứ nhất là, theo ý họ, Trump chống Trung Quốc, ghét Trung Cộng. Kẻ thù của kẻ thù là bạn, nếu Trump làm Trung Quốc suy yếu thì Việt Nam có thể thừa cơ thoát khỏi sự kìm hãm của Trung Cộng, đòi lại được đảo, giành lại được biên giới, giàu mạnh lên sánh vai với các siêu cường. Giấc mộng này thật quá sức khôi hài, nếu không muốn nói là mang đậm tinh thần nhược tiểu thảm hại. Vì đơn giản, Trump không hề chống Trung Quốc, không hề chống cộng. Trump cũng không vì lợi ích tiên quyết của nước Mỹ nốt. Trump đơn giản là không biết và không theo bất kì khuôn khổ phép tắc gì. Nếu coi những quyết sách ngoại giao và thương mại đối đầu giữa hai quốc gia là chống, thì trên hết là Trump chống cả Châu Âu, cả Canada, những đồng minh lâu đời của Mỹ. Việc Trump gây hấn với các nước này thật ra lại làm cho liên minh Âu-Mỹ yếu đi, giúp Trung Quốc mạnh lên. Chính người Trung Quốc đang muốn Trump thắng cử, vì sự chia rẽ của các cường quốc và trong chính nội bộ nước Mỹ mang lại không gì khác hơn là lợi ích cả về trước mắt và lâu dài cho Trung Quốc. Muốn Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc mà phát triển, con đường đúng đắn nhất là tự lực cánh sinh chứ không thể là ngồi nghếch mồm trông đợi Mỹ hay tin tưởng Mỹ. Rất lạ là, chính những người Việt Nam ở hải ngoại, những người bị đồng minh Mỹ phản bội năm 1972, những người vì đó mà phải sống kiếp lưu vong, lại là những người quên bài học này đầu tiên và tin tưởng vào trận chiến Trump-Cộng hơn ai hết.
Lí do thứ hai là không ít người Việt Nam, ngay cả những người trẻ tuổi, thích cái "chất ngang tàng", cái "bản lĩnh", cái "khí phách", cái "thích gì làm nấy" của Trump. Lí do này ban đầu làm tôi khá ngạc nhiên, nhưng càng về sau lại càng thấy là một lẽ dĩ nhiên. Chúng ta luôn có cái tinh thần Á Đông kiểu vậy, lúc nào cũng thích Kiều Phong, Trương Phi, Lý Quỳ, Lục Vân Tiên, Trương Sỏi, Lý Đại Bàng, những người đầu đội trời chân đạp đất, ăn sóng nói gió, đôi khi có thêm phần bỗ bã. Vấn đề là, Trump hoàn toàn không phải là một người như vậy. Y không ngang tàng, mà y ngang ngược. Y không có bản lĩnh, y hèn nhát đùn đẩy trách nhiệm, câu cửa miệng của y là "I never said that", y chui xuống hầm Nhà Trắng để trốn khi người ta biểu tình bên ngoài. Y không ăn sóng nói gió mà là y ăn không nói có, y bịa chuyện dựng đứng lên, tới mức độ người ta sản xuất cả một loại dép đi trong nhà xí bán khá chạy, chiếc bên trái trích lời y hôm trước, chiếc bên phải lại trích lời y hôm nay, hai chiếc để cạnh nhau cứ là chọi nhau chan chát. Cái bỗ bã bình dân của y, như tôi nhắc đến ở trên, không phải là vì y bình dân gần gũi, mà đơn giản là vì vốn từ và phông văn hóa của y không cho phép y nói gì cho được thanh nhã lịch sự. Ca ngợi Trump ngang tàng, bản lĩnh, khí phách cũng giống như ca ngợi một thằng lưu manh phá làng phá xóm, bắt gà trộm chó là khí phách, bản lĩnh, ngang tàng.
Chính những người Việt Nam ở hải ngoại, những người bị đồng minh Mỹ phản bội năm 1972, những người vì đó mà phải sống kiếp lưu vong, lại là những người quên bài học này đầu tiên và tin tưởng vào trận chiến Trump-Cộng hơn ai hết.
Những người ủng hộ Trump mà tôi từng thấy, chứ không phải gặp, có hai loại. Loại thứ nhất là trên tivi hoặc YouTube, đại để những thành phần đội mũ đỏ "Make America Great Again", nhìn mặt đần thối đần nát, kì thị chủng tộc, kì thị tôn giáo, kì thị giới tính, đổ trách nhiệm của vụ khủng bố 11/9 lên đầu Obama mặc dù tất nhiên là ông này nhậm chức vào năm 2009. Loại này người ta hay bỏ vào mấy cái clip chọc cười thiên hạ đăng đầy trên YouTube. Loại thứ hai là trên Facebook, bao gồm người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, như đã nói ở trên, trong số đó không ít người là trí thức và một số còn là bạn bè tôi ngoài đời. Tôi sẽ nói thẳng ở đây mà không sợ mất bạn - vì nếu là bạn thật thì ắt cũng đã biết tính tôi ưa nói thẳng : Đây là loại ếch ngồi đáy giếng. Người trong nước ngồi đáy giếng đã đành một lẽ, đến người Việt hải ngoại cũng ngồi đáy giếng nốt, tại vì sao ? Tại vì họ, mang tiếng là ở nước Mỹ, cũng chỉ quanh quẩn trong cái cộng đồng hải ngoại chống cộng - cứ xem trình độ tiếng Anh của họ thì rõ. Các luận điểm của họ mặc dù có thể nghe rất rổn rẻng song lại nồng nặc mùi giếng, thể hiện một cái nhìn phiến diện hạn hẹp và một đầu óc già cỗi, bảo thủ, nếu không phải là rất kém thông minh.
Khi tôi viết những dòng này thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kì thứ 46 vẫn chưa ngã ngũ. Tôi không biết ai sẽ giành thắng lợi. Thật ra mà nói, tôi cũng không quan tâm đến nước Mỹ cho lắm. Nhưng tôi hi vọng Trump sẽ thua. Đây không cần phải là chính trị, đây có thể đơn thuần chỉ là sự căm ghét của cá nhân tôi đối với một thành phần mà sự thật tôi cũng không biết trong tiếng Việt nên gọi là gì cho phải. Ti tiện ? Thổ tả ? Quái thai ? Trong cái thế giới mà tôi muốn sống, thành phần đó không nên tồn tại, và càng không nên tồn tại với vai trò là tổng thống của một nước lớn. Tất nhiên sẽ có người cuồng Trump vào bẻ tôi "Nếu Trump tồi bại như những điều anh nói, tại sao vẫn được gần 50% phiếu bầu ? Tại sao gần một nửa nước Mỹ vẫn tin tưởng ở Trump ? Anh nghĩ anh giỏi hơn, anh khôn hơn, anh thông minh hơn 50% dân Mỹ sao ?". Câu trả lời hết sức đơn giản : Đúng là tôi giỏi hơn, khôn hơn, và thông minh hơn 50% dân Mỹ thật. Đó là điều đương nhiên. Một người có chỉ số trí tuệ trung bình là đã thông minh hơn 50% thế giới rồi. Nếu các bạn lấy con số ấy và đám đông ấy ra để làm luận cứ phản bác, các bạn không thắng được tôi đâu. Nên nhớ rằng cái chính thể mà các bạn chán ngán và căm ghét hằng ngày, một lúc nào đó trong lịch sử đã từng được hơn 90% dân chúng ủng hộ và tham gia cái gọi là "bạo lực cách mạng" để rồi có một ngày như hôm nay, khi không một ai quan tâm đến bầu cử trong nước mà chỉ quan tâm đến bầu cử đâu đâu bên Mỹ. Việc gần 50% người dân Mỹ bầu cho Trump và hầu như toàn bộ Facebook của tôi tôn sùng Trump, ngay cả việc Trump chiến thắng nếu điều đó xảy ra, đối với tôi và bạn bè tôi mà nói, chỉ có nghĩa là thế giới này chưa tốt đẹp hay tiến bộ đến như chúng ta vẫn tưởng, và rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Phan An
Nguồn : Viet-studies, 05/11/2020
Phan An là tác giả quyển "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt" (2013)
Hoạt động chính trị nội bộ cộng đồng gốc Việt vốn không được truyền thông dòng chính để tâm, ngoại trừ dăm báo chí địa phương vẫn thường đưa tin về các ứng viên gốc Việt ra tranh cử hay thắng cử vào các chức vụ dân cử địa phương trong mỗi mùa bầu cử. Được xem là một cộng đồng sắc tộc ủng hộ cuồng nhiệt tổng thống Donald Trump trong vài năm qua, những xáo trộn, chia rẽ trong cộng đồng cho đến các cuộc tuần hành đầy cờ quạt của những nhóm người gốc Việt đóng vai như đang đại diện cho cả cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ diễn ra đó đây cũng không được giới truyền thông địa phương đưa tin, dù thể nào họ cũng có biết đến.
Michelle Le vẫy cờ Mỹ của mình khi những người Mỹ gốc Việt ủng hộ Tổng thống Donald Trump tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 10 tháng 10 tại Nam Seattle. (Bettina Hansen / The Seattle Times)
Nhưng kể từ dăm ồn ào, công khai phản đối phong trào "Black Lives Matter", các phỉ báng nhắm các dân biểu gốc Việt thuộc đảng Dân chủ hay việc hành hung, tấn công những người tuần hành ôn hòa ủng hộ Phó tổng thống Joe Biden, giới truyền thông đã có những bài báo nhắc đến cộng đồng gốc Việt nhiều hơn, phân tích về sự chia rẽ trong cộng đồng cùng lý do ủng hộ Donald Trump bằng những nhận xét và lời lẽ có thể tạo ra cái nhìn không mấy gì thiện cảm nơi độc giả.
Jefferey Vu, giám đốc khu vực Tây Bắc của người Mỹ gốc Việt cho Joe Biden, dán các tấm áp phích lên các cột trụ ở Hing Hay Park. Các áp phích đã bị họ gỡ bỏ sau cuộc biểu tình. (Alan Berner / The Seattle Times)
Trong bài báo "Cuộc tranh chức tổng thống giữa Trump và Biden rực cháy những vết thương cũ trong cử tri Mỹ gốc Việt" (Among Vietnamese American voters, the Trump-Biden presidential race inflames old wounds) vào ngày 19/10/2020, tờ Seattle Times viết rằng, "Trong khi những người Mỹ gốc Việt được xem là chẳng có một tác động quyết định mấy đến cuộc bầu cử, sự đối kháng giữa họ là một phần của sự chia rẽ chính trị lớn hơn của quốc gia".
Ký giả Nina Shapiro mở đầu bài báo bằng câu, "Họ bị gọi là những kẻ phản bội, là những tên cộng sản và là đồ chó, theo kiểu sỉ nhục thông thường của người Việt" để mô tả cách những người gốc Việt ủng hộ Trump đã vu khống và xúc phạm đến những người gốc Việt khác đang ủng hộ Joe Biden. Bài báo nêu ra những xung đột chính trị trong cộng đồng gốc Việt nhưng không khó để nhận ra kỹ thuật báo chí nhằm tạo nên một ấn tượng xấu về những hành vi quá khích và kém văn minh của những người gốc Việt ủng hộ Trump ngay từ đầu.
Trang DCist tại Washington DC thì tường thuật cuộc tập hợp của những người gốc Việt ủng hộ Joe Biden tại trung tâm thương mại Eden vùng Virginia đã bị những người Việt ủng hộ Trump khiêu khích thô bạo, xem như chỉ có họ mới được độc quyền bày tỏ thái độ chính trị. Nó diễn ra như đã xảy ra tại Quân Cam hoặc vụ những người gốc Việt hành hung một người đàn ông Mỹ tại Seatle hồi đôi tuần trước. Liệu độc giả bản xứ sẽ nghĩ gì về những thái độ hung dữ và phản dân chủ như vậy ?
Tờ Houston Chronicle tại Texas không đưa tin về những cuộc tuần hành ủng hộ Donald Trump rầm rộ của cộng đồng gốc Việt tại đây nhưng đã đưa tin về một thương gia gốc Việt bị tấn công, bị nhận lời hăm dọa "treo cổ" khi gắn bản ủng hộ phong trào "Black Lives Matter" tại khu Bellaire của người Việt đôi tháng trước. Tờ báo này tiếp tục tường trình về cuộc tuần hành của một nhóm nhỏ người gốc Việt ủng hộ Joe Biden vào ngày 10/10 và đến ngày 28/10 vừa qua lại tiếp tục đưa thêm một bài báo khác, dù đăng hình nhóm "cờ vàng" ủng hộ Trump nhưng lại viết rằng, "Khu vực đô thị Houston là nơi tập trung đông đảo dân tị nạn Việt Nam, nhiều người có tư tưởng bảo thủ xem Trump là nhà lãnh đạo chống cộng mạnh mẽ. Nhưng cộng đồng Mỹ gốc Việt đang tách ra với những tiếng nói mới có quan điểm cấp tiến, phù hợp hơn với cộng gốc Á nói chung...".
Không chỉ những tờ báo địa phương lớn như vậy đưa tin, mà cơ quan truyền thông quốc gia như NBC cũng vừa có bài viết mang tựa đề "Ai là những người Mỹ gốc Á vẫn còn bỏ phiếu cho Trump bất kể luận điệu "Virus Tàu" của ông ta ?" (Who are the Asian Americans still voting for Trump in spite of his 'China virus" rhetoric ?) vào ngày 27/10 vừa qua để nêu đích danh cộng đồng gốc Việt và viết rằng, "dù họ cũng không tránh khỏi những vụ kỳ thị do cách gọi tên này".
Trang Conversation trong bài báo "Why some Vietnamese Americans support Donald Trump" thì không ngần ngại gọi cộng đồng gốc Việt là trong số "những cộng đồng kỳ thị chủng tộc" (racialized communities). Bài báo này kết luận rằng làn sóng người gốc Việt thế hệ thứ nhất tin rằng chính sách của Trump với Trung Quốc phục vụ cho mối quan tâm của họ về Việt Nam nên giả lơ với những khía cạnh rối reng trong chương trình nghị sự quốc gia và đối ngoại của Donald Trump.
Và rồi ngày 30/10 hôm nay, trong bài báo "Sự ủng hộ Trump đang xé nát các gia đình gốc Việt" (Support for Trump is tearing apart the Vietnamese American Families) trên trang VOX, bài báo nhắc lại việc một nhóm người gốc Việt không thuộc khu vực cử tri lại vào tấn công dân biểu Trâm Nguyễn tại Massachusetts hay thương gia Lê Hoàng Nguyên tại Houston khi họ bày tỏ sự ủng hộ phong trào "Black Lives Matter" để trình bày về lý do ủng hộ của cộng đồng Việt với Donald Trump. Trong phần kết, tác giả giải thích rằng, "đàng sau những rào cản ngôn ngữ và văn hóa đã làm xa biệt những người gốc Việt lớn tuổi, bây giờ là có thêm một tấm đệm chính trị thô cứng bắt nguồn từ lòng căm hận, hiểu lầm và chấn thương tâm lý".
Một cử tri gốc Việt ủng hộ liên danh Trump-Pence
Đồng ý hay không với những phân tích, nhận định của một số bài báo này thì có một thực tế cần nhìn nhận rằng, chúng đã ít nhiều vẽ ra chân dung của một cộng đồng di dân thiểu số đang xung đột nặng nề với nhau, căm ghét người Dân chủ, chứa chất lòng kỳ thị đến các cộng đồng bạn, ích kỷ với người di dân tị nạn khác và cuồng nhiệt ủng hộ Donald Trump trong mắt độc giả bản xứ và các cộng đồng bạn. Hệ lụy cùng cái giá phải trả cho thái độ này ra sao là một vấn đề lớn hơn, sẽ cần nhìn nhận lại sau cuộc bầu cử.
Một cử tri gốc Việt ủng hộ liên danh Biden-Harris
Cộng đồng gốc Việt ắt đã hiểu quá rõ với nhau về những điều kể trên. Tuy nhiên các bài báo này cũng đã có thể nêu thêm một điểm quan trọng khác nữa là, khi một cộng đồng sống bằng cảm thức chính trị lưu xứ hoang tưởng, đặt những lợi ích không có thật cho mối tương quan giữa cố quốc với cục diện quốc gia nơi mình đang cư ngụ, thì điều này có thể biến cộng đồng đó trở thành một cộng đồng lạc loài, xa lạ với xu hướng chính trị chung tại quốc gia đó. Họ chưa hiểu rằng, chỉ có sự tích cực dự phần vào nền chính trị sở tại, rồi dùng thực lực và ảnh hưởng đó mà tạo ra được các tác động mong muốn mới thực sự là điều hữu hiệu, chứ không phải từ những ảo tưởng mù quáng.
Đó là hiện trạng của những người trong cộng đồng Việt đang ủng hộ Donald Trump bằng lý do thiếu khả tín và hoang tưởng là "đánh Tàu, diệt Cộng". Cho dù đa số người dân Mỹ, từ giới giáo chức, y tế, văn nghệ sĩ, thể thao, các nghiệp đoàn nhân công cho đến những người Cộng hòa, hàng cựu tướng lãnh quân đội, an ninh quốc gia, giới khoa học gia, chuyên gia kinh tế... đang lên tiếng phản đối Donald Trump mạnh mẽ hơn, đồng thời nồng nhiệt kêu gọi bỏ phiếu cho Joe Biden trong những ngày cuối cùng này, thì những người Việt này vẫn chưa nhận ra mình đang lẻ loi, ngược giòng.
Không gánh xiếc rong nào có thể diễn mãi dăm trò hề, những ồn ào, lố bịch nào rồi cũng phải đến hồi kết thúc và tan theo cùng số phận của lãnh tụ bất xứng mà họ cuồng mê sau ngày bầu cử. Để còn lại là những người cấp tiến và chân chính trong bất cứ độ tuổi nào sẽ cùng một thế hệ trẻ năng động, tài ba và can đảm tranh đấu cho lẽ phải, sẽ cùng đứng ra tạo dựng lại chân dung một cộng đồng gốc Việt tiến bộ, hòa ái và tích cực hơn trong mắt người bản xứ cùng các cộng đồng bạn.
Nhã Duy
30/10/2020
Chuyện bên lề kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ
Thứ Ba 03/11/2020 là ngày chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ. Nhưng từ khi nào và tại sao bầu cử tổng thống Mỹ lại luôn diễn ra vào một ngày thứ Ba của tháng 11, trong khi tại nhiều nước, bầu cử tổng thống thường được tổ chức vào Chủ Nhật ? Báo Le Figaro gọi đó là một "di sản lịch sử" của Mỹ.
Kể từ năm 1848, bầu cử tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào ngày thứ Ba. Thế nhứng, từ trước đó, khi các nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ họp vào mùa hè năm 1787, họ có quá ít thời gian để giải quyết mọi vấn đề nảy sinh. Một số chủ đề, kể cả ngày bỏ phiếu bầu tổng thống, vẫn để ngỏ. Các bang được tự do chọn ngày tổ chức bỏ phiếu trong khoảng thời gian 34 ngày trước ngày thứ Tư đầu tiên của tháng 12, khi các đại cử tri tập trung. Nhưng rất nhanh sau đó, cách "tự do chọn ngày" tổ chức bỏ phiếu như vậy đã tạo ra bầu không khí hỗn loạn và nhiều trò gian lận, chẳng hạn các nhóm nhà hoạt động di chuyển từ bang này sang bang khác để bỏ phiếu.
Đến năm 1845, Quốc Hội quyết định sắp xếp lại mọi việc và thông qua một ngày bỏ phiếu duy nhất trên toàn quốc. Thời điểm diễn ra bầu cử được Quốc Hội chọn là đầu tháng 11 vì 2 lý do đơn giản : vào đầu tháng 11 vụ mùa đã kết thúc và tuyết vẫn chưa rơi nên đường sá đi lại còn dễ dàng. Nhưng chọn ngày nào trong tuần cho phù hợp ? Thời đó, việc di chuyển bằng xe ngựa hoặc xe kéo 4 bánh vốn dĩ chậm chạp, các cử tri cần có nhiều thời gian mới đến được điểm bỏ phiếu. Hoa Kỳ khi đó là một xã hội nông nghiệp, các nông trại có thể nằm cách xa các thành phố. Cử tri có thể phải mất một ngày để đi, một ngày để bỏ phiếu và một ngày để quay trở về nhà.
Thứ Bảy vẫn là một ngày làm việc bình thường, còn Chủ Nhật là ngày đi lễ nhà thờ, nên không thể tổ chức bầu cử vào hai ngày cuối tuần. Nếu bỏ phiếu vào thứ Hai, cử tri phải lên đường từ Chủ Nhật, điều này cũng không phù hợp. Thứ Tư là ngày họp chợ. Thứ Ba có vẻ như là ngày phù hợp nhất : các cử tri lên đường vào Thứ Hai và có thể về nhà vào cuối tuần. Vào thời đó, ngày bầu cử là ngày lễ hội : thành phố tổ chức các cuộc diễu hành, các gia đình diện những bộ đồ thật đẹp và cùng nhau lên đường đến thành phố bỏ phiếu.
Nhưng tại sao bỏ phiếu phải diễn ra đúng vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 ? Vào ngày 01/11, người Công giáo và một số Giáo hội Luther cử hành lễ Các Thánh. Vào thời đó, ngày đầu tiên của tháng cũng là ngày làm kế toán của các thương nhân. Bằng cách chọn thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, cuộc bỏ phiếu luôn diễn trong khoảng 02-08/11.
Tuy nhiên, những gì phù hợp với xã hội thế kỷ 19 lại không phù hợp lắm với xã hội ngày nay. Thứ Ba là ngày làm việc bình thường của hầu hết người Mỹ. Một số bang và một số công ty cho người lao động nghỉ một ngày để đi bỏ phiếu. Một số khác thì tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ vài giờ trong ngày. Còn ở những nơi khác, cử tri phải tự lo liệu thu xếp, lúc đông người nhất đến bỏ phiếu là buổi sáng sớm trước giờ làm việc hoặc cuối ngày sau khi tan sở. Hiệp hội Why Tuesday (Tại sao lại là Thứ Ba) đã đấu tranh từ nhiều năm nay để đòi chính quyền cho dời cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống đến cuối tuần hoặc quy định ngày bỏ phiếu là ngày nghỉ lễ.
Theo hiệp hội Why Tuesday, quy định về ngày bỏ phiếu như hiện nay khiến tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2014, sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, 69% người không đi bỏ phiếu cho biết họ quá bận bịu hoặc do những ràng buộc trường lớp, công sở. Các cuộc bầu cử năm đó ghi nhận tỷ lệ người không đi bỏ phiếu cao nhất kể từ năm 1942 : chỉ có 36,7% công dân trong độ tuổi bỏ phiếu đi bầu cử. Nhiều dự luật về việc tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối tuần đã được trình lên Quốc Hội, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dự luật nào được thông qua.
Trong khi chờ đợi một cuộc cải cách, phương thức bỏ phiếu qua đường bưu điện và bầu cử sớm là hai giải pháp dành cho các cử tri không thể đến điểm bỏ phiếu vào thứ Ba. Năm nay, do đại dịch Covid-19, Absentee voting, phương thức "bỏ phiếu khiếm diện" được thực hiện trên hầu hết cả nước và có thể được đông đảo cử tri hoan nghênh. Theo nhật báo New York Times, ít nhất 3/4 số cử tri Mỹ có thể sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện, có nghĩa là năm nay một phần lớn người Mỹ có thể không bỏ phiếu vào ngày thứ Ba.
Tại sao lừa và voi là biểu tượng của đảng Dân chủ và Cộng hòa ?
Về biểu tượng của đảng Dân chủ và Cộng hòa, voi là biểu tượng chính thức của đảng Cộng hòa, còn hình ảnh chú lừa cho dù không được sử dụng nhiều như voi, nhưng vẫn xuất hiện thường xuyên trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng Dân chủ. Do đâu mà hai loài vật này lại được chọn làm linh vật cho hai đảng chính trị lớn nhất của Mỹ ? Ý nghĩa biểu tượng của lừa và voi là gì ?
Hình ảnh con lừa lần đầu tiên được sử dụng bởi ứng viên tổng thống năm 1828 Andrew Jackson. Trong chiến dịch vận động tranh cử, các đối thủ đảng Cộng hòa của Jackson đã nói trại họ của ông thành "Jackass" vì tư tưởng dân túy và khẩu hiệu của ông : "Hãy để nhân dân tự lo". "Jackass" mang ý nghĩa xúc phạm là đồ ngốc ngếch, ngu ngốc, nhưng "jackass" cũng có thể được hiểu là "con lừa". Jackson quyết định biến cuộc tấn công này thành lợi thế của riêng mình trên các áp phích vận động tranh cử. Trong khi đảng Cộng hòa so sánh ông với một chú lừa cứng đầu, bướng bỉnh và ngu ngốc, thì trong các bài phát biểu, Jackson tự mô tả mình là người kiên trì, trung thành và có thể gánh vác trọng trách. Hình ảnh khiêm tốn và giản dị này đã cho phép ông chiến thắng nhà quý tộc Adams và trở thành tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, chính họa sĩ biếm họa Thomas Nast mới là người biến chú lừa thành biểu tượng của đảng Dân chủ. Vào ngày 15/01/1870, ông cho đăng trên tạp chí chính trị nổi tiếng Harper's Weekly bức vẽ "A live Jackass Kicking a Dead Lion" (Lừa sống đá sư tử chết). Họa sĩ Nast cũng vẽ Edwin Stanton, cố bộ trưởng Chiến Tranh dưới thời tổng thống Lincoln, trong lốt một con sư tử đã chết, bị một con lừa - đại diện cho đảng Dân chủ miền Bắc phản đối nội chiến - đá hậu một cú.
Còn con voi xuất hiện lần đầu tiên như biểu tượng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 1860, trên The Rail Splitter, một tờ báo ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng viên Cộng hòa Abraham Lincoln. Hình ảnh con voi còn xuất hiện vào năm 1864 trên một tờ báo khác bảo vệ chiến dịch của Lincoln, "Father Abraham". Nhưng con voi thực sự gắn với đảng Cộng hòa vào năm 1874 trong một thiết kế khác của Thomas Nast. Trong bức vẽ "Nỗi hoảng sợ của nhiệm kỳ thứ ba", họa sĩ Nast minh họa đảng Dân chủ bằng một con lừa đội lốt sư tử, hù dọa tất cả động vật, trừ con voi mang dòng chữ "lá phiếu của đảng Cộng hòa".
Trong khi đảng Cộng hòa coi voi như một biểu tượng chính thức kể từ những năm đó, thì đảng Dân chủ dường như ít sử dụng hình ảnh con lừa hơn. Tuy nhiên, mỗi bên vẫn gắn với linh vật của mình. Theo một số trang web của đảng Dân chủ, đảng này cho rằng con lừa là biểu tượng của tính nhún nhường, khiêm tốn, tinh khôn và cảm thông, còn đảng Cộng hòa gắn con lừa với tính bướng bỉnh và lố bịch. Ngược lại, nếu người của đảng Cộng hòa cho rằng voi là loài vật đàng hoàng, mạnh mẽ và thông minh, thì người của đảng Dân chủ lại coi chúng là bất tài và kiêu ngạo.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 20/10/2020