Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/09/2020

Thế giới hết còn sống những ngày yên bình sau chiến tranh lạnh

Anh Vũ - Trọng Nghĩa

Báo cáo Quốc phòng Mỹ : Trung Quốc muốn tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân

Anh Vũ, RFI, 02/09/2020

AFP dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ra hôm 01/09/2020, khẳng định Trung Quốc dự tính trong thập kỷ tới tăng gấp đôi số đầu đạn hạt nhân và hoàn thiện khả năng bắn các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ mặt đất, trên biển và trên không.

alliedsky1

Tên lửa xuyên lục địa DF-41, có thể mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc trong cuộc diễu binh tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 01/10/2019  AFP – Greg baker

Theo tài liệu trên, quân đội Trung Quốc đã đuổi kịp hoặc vượt Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong đóng tầu chiến, chế tạo tên lửa hành trình hay hệ thống phòng thủ tên lửa.

Báo cáo của Quốc phòng Mỹ cho biết, hiện Trung Quốc có "khoảng 200" đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên các nhà phân tích độc lập cho ước tính con số trên phải là 300.

Con số trên sẽ được nhân lên gấp 2 lần trong vòng 10 năm tới. Trung Quốc đã có khả năng bắn tên lửa hạt nhân từ mặt đất hay trên biển, hiện đang phát triển khả năng bắn từ trên không.

Báo cáo của Lầu Năm Góc viết : "Rất có thể Bắc Kinh đang tìm cách từ nay đến giữa thế kỷ này phát triển khả năng quân sự bằng hoặc cao hơn Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực". Nếu như Trung Quốc đạt được mục đích đó thì "sẽ có tác động nghiêm trong đến lợi ích quốc gia của Mỹ và an toàn trật tự quốc tế", báo cáo nhấn mạnh.

Bản báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Trung Quốc quyết tâm xây dựng từ nay đến năm 2049 một quân đội tầm cỡ thế giới có khả năng tiến hành các chiến dịch trên toàn cầu.

Một trong những mục tiêu chủ chốt của kế hoạch này là tiếp tục phát triển, hiện đại hóa hải quân. Về số lượng, hiện tại lực lượng hải quân Trung Quốc đã có 350 tàu chiến, trong khi Mỹ có 293 tàu.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 02/09/2020

********************

Không lực Mỹ - NATO phô trương uy thế, Nga đáp trả cứng rắn ở Biển Đen

Trọng Nghĩa, RFI, 01/09/2020

Trong một động thái biểu dương sức mạnh hiếm thấy, ngày 28/08/2020 vừa qua, Không Quân Mỹ cùng các đồng minh trong khối Bắc Đại Tây Dương NATO đã thực hiện một chiến dịch phối hợp hành động trên bầu trời 30 quốc gia thành viên, huy động đến 6 oanh tạc cơ chiến lược B-52H của Mỹ và 80 máy bay khác của các nước NATO.

alliedsky2

Chiến đấu cơ Mirage của Pháp và Typhoon của Ý tháp tùng chiếc B-52H của Mỹ trong chiến dịch Allied Sky ngày 28/08/2020 trên không phận 30 quốc gia NATO. Nguồn : Bộ Quốc Phòng Mỹ.  © 1st Combat Camera Squadron - Senior Airman Xavier Navarro

Dù không nói ra, nhưng đối tượng mà hành động thị uy này của không lực Mỹ và NATO nhắm tới rõ ràng là Nga, và Matxcơva đã không ngần ngại có phản ứng cứng rắn.

Mang tên là Allied Sky (Bầu trời đồng minh), chiến dịch của không lực Mỹ và NATO có hình thức rất đơn giản : cho 6 oanh tạc cơ B-52H của Mỹ liên tục bay qua không phận của toàn bộ 30 nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, chỉ trong một ngày.

Do việc NATO bao gồm hai khu vực địa lý tách biệt nhau là Châu Âu và Bắc Mỹ, chiến dịch được chia thành hai vế : 4 chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ không quân Fairford, hạt Gloucestershire (Anh Quốc) đảm trách việc bao phủ Châu Âu, và 2 oanh tạc cơ chiến lược khác cất cánh từ căn cứ không quân Minot, bang Dakota (Hoa Kỳ) phụ trách vùng Bắc Mỹ.

80 chiến đấu cơ NATO phối hợp với 6 oanh tạc cơ chiến lươc Mỹ B-52H

Dưới hình thức thoạt nhìn đơn giản như trên, chiến dịch Allied Sky rất phức tạp ở khâu thực hiện vì ở mỗi chặng, phi đội B-52 của Mỹ đều được chiến đấu cơ các nước sở tại tháp tùng và máy bay chở dầu tiếp tế nhiên liệu ngay trên không.

Đây là những thao tác đòi hỏi tính chính xác cao và sự phối hợp nhuần nhuyễn do xuất xứ khác nhau và mẫu mã khác nhau của các đội phi cơ.

Một thông cáo ngày 28/08 của NATO xác nhận là có khoảng 80 chiến đấu cơ của khối sẽ tham gia chiến dịch phối hợp với oanh tạc cơ Mỹ, bao gồm Anh, Bỉ, Bulgari, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada.

Một ví dụ đơn giản : Phối hợp với đội oanh tạc cơ B-52, ngoài các chiến đấu cơ Mỹ loại F-35 của Không Quân Anh, Na Uy, F-16 của Không Quân Ba Lan, CF-18 của Không Quân Canada, còn có máy bay chiến đấu do các nước khác chế tạo như Gripens của Thụy Điển trang bị cho Không Quân Séc và Hungary, tiêm kích Typhoon của Anh, Mirage 2000 của Pháp, thậm chí các kiểu phi cơ Nga như MiG-21 Lancer của Không Quân Rumani và Croatia, hay MiG-29 của Không Quân Bulgari.

Đó là chưa kể đến vấn đề phối hợp với các lực lượng khác trên bộ và trên biển tại các quốc gia mà đội máy bay đi ngang qua.

Trong một thông cáo công bố ngày 28/08, Bộ Tư Lệnh Châu Âu của Mỹ (EUCOM), đã nhấn mạnh rằng ngoài việc thể hiện sự đoàn kết trong khối NATO, chiến dịch Allied Sky còn nhằm "nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và cung cấp các cơ hội huấn luyện để tăng cường năng lực tương tác cho tất cả phi hành đoàn tham gia từ Mỹ và các đồng minh NATO".

Gởi thông điệp cứng rắn đến Nga

Theo giới quan sát, ngoài mục tiêu huấn luyện thuần túy, chiến dịch Allied Sky, với quy mô rầm rộ như trên, rõ ràng là còn có muc tiêu phô trương uy lực của Không Quân Mỹ và NATO, gởi đi thông điệp răn đe tới các đối thủ mà đứng đầu danh sách là Nga.

Trong một bài phân tích hôm 28/08, trang mạng Mỹ The Drive, chuyên theo dõi các vấn đề không quân đã cho rằng chiến dịch Allied Sky chứng tỏ được năng lực tương tác giữa các lực lượng không quân của NATO, cũng như hiệu quả của các quy trình chỉ huy và kiểm soát. Những khả năng này rất hữu ích trong một cuộc xung đột lớn ở Châu Âu hoặc nơi khác, nơi mà các thành viên liên minh cần phối hợp hành động trên quy mô lớn.

Theo The Drive, cho dù Bộ Tư Lệnh Châu Âu của Mỹ đã xác định rằng các hoạt động phối hợp với đội oanh tạc cơ B-52 đã "được lên kế hoạch từ lâu và không nhằm phản ứng với bất kỳ sự kiện chính trị hiện tại nào xảy ra ở Châu Âu", nhưng rõ ràng là chiến dịch Allied Sky đã diễn ra vào thời điểm quan hệ Nga – phương Tây đặc biệt căng thẳng.

Ngoài khơi Na Uy, trong thời gian gần đây, đã có nhiều vụ phi cơ do thám Na Uy, Pháp, Anh bị chiến đấu cơ Nga ngăn chặn khi đến hoạt động gần vùng biên giới với Nga trên biển Barents và Biển Đen. Trong khi đó thì kể từ khi được biệt phái qua Châu Âu, các máy bay B-52 của Mỹ đã tham gia nhiều cuộc tập trận với Không Quân Na Uy, trên vùng biển ngoài khơi nước này.

Điểm nóng thứ hai là tình hình ở Belarus, với việc tổng thống Lukashenko của nước này cầu viện sự giúp đỡ của Nga để bảo đảm an ninh quốc gia mà ông cho là đang bị NATO đe dọa từ các căn cứ đặt tại Ba Lan, nơi Không Quân Mỹ đang tham gia huấn luyện song phương với Không Quân Ba Lan.

Nga tung Su-27 lên dằn mặt B-52 trên Biển Đen

Thông điệp của Mỹ và NATO như đã được Nga tiếp nhận đầy đủ, và hôm 28/08, đúng vào lúc một chiếc B-52 di chuyển ngang vùng Biển Đen, hai chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã bay lên ngăn chặn bằng những thao tác bị phía Mỹ đánh giá là không an toàn.

Trong một thông cáo được CNN ngày 30/08 trích dẫn, bộ chỉ huy lực lượng Không Quân Mỹ tại Châu Âu tố cáo phi cơ Nga là đã cản đường một chiếc B-52 của Mỹ một cách "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" trên không phận Biển Đen và các vùng biển quốc tế.

Theo bản thông cáo, phi cơ Su-27 Nga đã bay ngang qua mũi chiếc máy bay B-52 nhiều lần ở khoảng cách chỉ 100 feet (30m) gây nhiễu loạn không khí và tạo nguy hiểm cho phi cơ Mỹ.

Phía Nga dĩ nhiên đã bác bỏ cáo buộc của Không Quân Mỹ. Trang mạng báo Nga Sputnik ngày 28/08 đã trích thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng hai chiếc Su-27 đều "tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách an toàn" và đã "hoàn toàn tuân thủ quy tắc quốc tề về sử dụng không phận".

Lập luận của Nga đã bị một video do Lầu Năm Góc công bố hôm 28/08 phản bác hoàn toàn. Video quay từ buồng lái chiếc B-52 cho thấy chiếc SU-27 từ phía sau bên trái, bay vọt lên phía trước, lách qua trước mặt oanh tạc cơ Mỹ. Thao tác cắt mũi khiến chiếc B-52H bị rơi ngay vào vùng không khí nhiễu và rung chuyển mạnh.

Đối với phía Mỹ, qua lời tướng Jeff Harrigian, tư lệnh Không Quân Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi thì đó là những hành động "làm gia tăng nguy cơ va chạm trên không, không cần thiết và không phù hợp với kỹ thuật bay an toàn và quy định bay quốc tế".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 01/09/2020

*********************

NATO bất lực trước các hành vi khiêu khích của thành viên Thổ Nhĩ Kỳ ?

Trọng Nghĩa, RFI, 02/09/2020

Là một thành viên khối NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thống Erdogan ngày càng tỏ ra coi thường cả khối cũng như một số đồng minh, và kiên quyết thúc đẩy các lợi ích quốc gia, bất chấp quyền lợi chung. Vấn đề là do vị trí chiến lược trọng yếu của nước này, mà cho đến nay NATO vẫn chưa tìm ra được cách đối phó.

alliedsky3

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đọc thông điệp gửi quốc dân, Istanbul, ngày 21/08/2020  via Reuters – Murat Cet Nmuhurdar/Ppo

Trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có thêm những hành vi không xem khối NATO ra gì, mà gần đây nhất là hành động được xem là phá hoại chiến dịch biểu dương lực lượng không quân NATO hôm 28/08/2020. Vào hôm ấy, theo kế hoạch dự kiến, các pháo đài bay B-52 của Mỹ lần lượt bay qua các nước thành viên, và ở mỗi chặng, đều có phối hợp với không quân các nước sở tại.

Tuy nhiên, ở chặng Hy Lạp, khi chiến đấu cơ Hy Lạp bay lên để tháp tùng và phối hợp với oanh tạc cơ Mỹ, thì Thổ Nhĩ Kỳ đã cho hai máy bay tiêm kích của họ xâm nhập không phận Hy Lạp. Hành động của Ankara đã lập tức bị Athens tố cáo là "khiêu khích"", nhưng sự cố này đã làm sứt mẻ hình ảnh đoàn kết mà NATO muốn phô trương khi tổ chức chiến dịch được mệnh danh là Allied Sky (Bầu trời đồng minh).

Hành động nói trên của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong một loạt những động thái coi thường NATO, mà nổi cộm hơn cả là quyết định mua tên lửa phòng không S-400 của Nga, trên nguyên tắc là đối thủ của NATO, hay là những hành vi sách nhiễu gần đây nhắm vào chiến hạm Pháp và Hy Lạp trên Địa Trung Hải, và việc cho chiến hạm hộ tống tàu khảo sát dầu khí tiến vào hải phận các nước láng giềng như Hy Lạp hay đảo Cyprus…

Các hành vi khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn diễn ra bất chấp những phản ứng bất bình từ phía giới lãnh đạo NATO cũng như lãnh đạo một số thành viên trong liên minh.

Theo các nhà quan sát, NATO hiện chưa tìm ra được giải pháp thỏa đáng nào trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục làm theo ý mình.

Khả năng trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khối là điều không thể làm được vì hiệp ước NATO không quy định bất kỳ thủ tục đình chỉ hoặc khai trừ nào.

Ngoài ra, trong khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí chiến lược quan trọng, vừa hùng mạnh, vừa có mặt trên hầu hết các địa bàn trọng yếu của NATO, đặc biệt là ở vùng Cận Đông.

Trên lãnh thổ nước này, hiện có nhiều cơ sở quân sự quan trọng phục vụ cho NATO, từ hệ thống radar báo động khẩn cấp của Liên Minh ở Kureçik, miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, một công cụ then chốt trong trường hợp xung đột với Iran hay giữa Iran và Israel. Cho đến căn cứ phi cơ do thám AWACS ở Konia ở miền trung, không kể đến căn cứ không quân Incirlik, gần bờ Địa Trung Hải, nơi tiếp nhận máy bay của không quân Mỹ.

Có lẽ chính vì vậy mà giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại công khai chống lại những lời chỉ trích của NATO.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Pháp Ismail Hakki Musa, ngày 01/07/2020 vừa qua, khi bị chất vấn trước Quốc hội Pháp về "chủ nghĩa đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ" và việc đặt NATO vào vòng "nguy hiểm", đã nói thẳng : "Hãy tưởng tượng NATO không có Thổ Nhĩ Kỳ ! Quý vị sẽ không còn NATO nữa ! Sẽ không còn NATO nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ ! Quý vị sẽ không biết xử lý thế nào các hồ sơ như Iran, Iraq, Syria, Nam Địa Trung Hải, Kafkaz, Libya, Ai Cập".

Vị đại sứ còn nhấn mạnh thêm : "Thổ Nhĩ Kỳ không phải một quốc gia tầm thường trong NATO" và nêu bật trọng lượng dân số và quân sự. "Chúng tôi đã giữ sườn phía nam và đông trong thời kỳ chiến tranh lạnh với rất nhiều cố gắng, và đôi khi bất chấp sự thịnh vượng của quốc gia, của nhân dân chúng tôi".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 02/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Trọng Nghĩa
Read 674 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)