Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/09/2020

Cần sự phối hợp giữa Mỹ và Đông Nam Á để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biên Đông

Nguyễn Trường

Hoa Kỳ thay đổi chính sách

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều đó làm dấy lên mối quan ngại trong số các đồng minh Châu Á-Thái Bình Dương của nước này về việc liệu Tổng thống mới của Mỹ có ý định giảm bớt sự can dự hơn nữa đối với khu vực này hay không, trong bối cảnh chính sách "xoay trục sang Châu Á" của người tiền nhiệm vốn đã tỏ ra đáng thất vọng. Tuy nhiên, nỗ lực "gây bão truyền thông" của Chính quyền Trump - thiết lập lại các điều khoản trong quan hệ kinh tế của Mỹ với các nước trên khắp thế giới - đã che đậy quyết tâm thách thức Trung Quốc ngày càng dâng cao của họ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà cả về an ninh. Không nơi nào phản ánh đúng điều đó bằng khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp với Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam. Tháng 7/2020, Mỹ đã xóa bỏ những tàn dư cuối cùng của chính sách không can dự với khu vực này và chính thức bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc tại đây.

nganchan1

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chụp hình cùng các lãnh đạo ASEAN tại Thượng đỉnh ASEAN - US ở Singapore hôm 15/11/2018 - Reuters

Chính sách mới về Biển Đông của Mỹ

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã theo đuổi một chính sách từng được mô tả là "tuyệt đối không can dự" vào các tranh chấp hàng hải ở biển Nam Trung Hoa. Nhưng việc Trung Quốc ngày càng tỏ rõ thái độ quyết đoán đối với vùng biển này vào đầu những năm 2010 cuối cùng đã dẫn đến việc Chính quyền Tổng thống Obama bắt đầu chuyển trọng tâm chính sách của Mỹ, hướng tới một lập trường cứng rắn hơn. Năm 2013, Hải quân Mỹ đã đưa tàu tác chiến tuần duyên đến đồn trú luân phiên tại Singapore. Năm 2014, Mỹ công bố tài liệu gây ra sự hoài nghi đối với yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Và năm 2015, Hải quân Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải bên trong phạm vi 12 hải lý tính từ các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc gia tăng sự hiện diện ở khu vực này hầu như chẳng làm được gì để ngăn chặn Bắc Kinh. Khi Obama mãn nhiệm, Trung Quốc nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và biến chúng thành các đảo đủ lớn để xây dựng sân bay, cảng, hệ thống radar và đặt nhiều cơ sở quân sự khác (trái ngược với cam kết của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình về việc không quân sự hóa các đảo).

Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã nhanh chóng ra lệnh dừng các biện pháp quân sự trong chính sách Biển Đông của người tiền nhiệm. Mặc dù động thái này có lẽ nhằm mục đích giúp Trump tính toán lại mối quan hệ với Trung Quốc trên quy mô lớn hơn, nhưng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Chưa đầy 1 năm sau, khi cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia bắt đầu nhen nhóm, Chính quyền Trump đã chuyển hướng và đưa ra đường lối cứng rắn hơn nhiều đối với Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi đó công khai cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả lớn hơn nếu họ không có thái độ kiềm chế ở khu vực này. Hải quân Mỹ cũng đưa tàu tác chiến tuần duyên thứ hai vào Singapore và tăng cường các cuộc tuần tra tự do hàng hải, biến chúng trở thành hoạt động thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Số lượng các hoạt động tuần tra tăng từ 2-3 lần/năm trong 2 năm cuối của Chính quyền Obama lên 9 lần trong năm 2019.

nganchan2

Khu trục hạm USS Wayne E. Mayer của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 11/4/2017 Reuters

Cho tới năm 2020, Mỹ dường như quyết định sẽ đáp trả các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông theo cách trực diện hơn. Khi Trung Quốc cử một tàu khảo sát, có tên là Hải Dương Địa Chất 8, cùng một số tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc cũng như của lực lượng dân quân biển đến Vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia để quấy nhiễu hoạt động hợp pháp của giàn khoan West Capella thuộc Tập đoàn Petronas, và tự tiến hành các hoạt động khảo sát địa chất của mình. Đó là chiến thuật vẫn thường được Trung Quốc sử dụng tại các vùng biển có tranh chấp với Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Mỹ đã can thiệp bằng cách thể hiện sức mạnh. Một nhóm tàu chiến viễn chinh của Mỹ gồm 3 tàu chiến, trong đó có 1 tàu tấn công đổ bộ chở máy bay chiến đấu F-35, cùng 1 khinh hạm của Australia tiến thẳng vào khu vực tranh chấp và tiến hành một cuộc diễn tập tại đây. Trong 2 tuần tiếp theo, cả các tàu tác chiến duyên hải đồn trú tại Singapore lẫn 4 máy bay ném bom B-1 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam và từ lục địa Mỹ đã triển khai các hoạt động tuần tra riêng rẽ trong khu vực này. Trong khi đó, trong một tuyên bố công khai hiếm hoi, Hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố rằng họ sẽ cho xuất kích đồng thời tất cả các tàu ngầm tấn công hạt nhân được triển khai ở tuyến đầu tới Tây Thái Bình Dương để giúp chống lại hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đặt ra thách thức mạnh mẽ đến vậy đối với Trung Quốc ở các vùng biển có tranh chấp.

Tuy nhiên, động thái này chưa mạnh mẽ bằng sự kiện xảy ra 2 tháng sau. Ngày 4/7, Mỹ triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay, được bố trí xung quanh tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan, tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông, gần nơi một hạm đội nhỏ của Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đang tổ chức diễn tập đổ bộ. Điều thậm chí còn bất thường hơn là chỉ sau đó 2 tuần, cả hai nhóm tác chiến tàu sân bay đều quay trở lại tiến hành các cuộc tập trận chiến thuật phòng không sau khi Trung Quốc triển khai 4 máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa. Đây chính là hai cuộc tập trận lớn nhất của Mỹ tại khu vực này trong gần 1 thập kỷ qua.

Trong khi đó, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích các yêu sách biển của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp và tuyên bố rằng Mỹ sẽ liên kết chính sách của Hoa Kỳ với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết này sau khi Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ cơ sở pháp lý nào về luật quốc tế để chứng minh cho yêu sách "đường 9 đoạn" của nước này tại Biển Đông. Do đó, Pompeo cho rằng Trung Quốc không có quyền ở bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế nào xung quanh các đảo nhân tạo của nước này ; không có quyền quấy rối các hoạt động đánh cá hay thăm dò năng lượng của các quốc gia khác ; và không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình đối với khu vực này. Chưa bao giờ chính sách của Mỹ đối với Biển Đông lại rõ ràng và mạnh mẽ đến vậy.

Người ta đã đưa ra nhiều lý do để giải thích lập trường cứng rắn gần đây của Mỹ. Đầu tiên (và có lẽ là rõ ràng nhất) là do quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở nên tồi tệ hơn. Xét cho cùng, cả hai nước vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh vấn đề thương mại, gián điệp mạng, vấn đề Đài Loan và gần đây nhất là việc Trung Quốc "siết chặt" Hong Kong. Một nguyên nhân khác là Mỹ mong muốn trấn an các đồng minh về năng lực quân sự của mình, đặc biệt là sau khi xảy ra ổ dịch mới Covid-19 làm tê liệt tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong phần lớn tháng 4/2020. Một nguyên nhân khác nữa là sự thất vọng của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ hy vọng đưa Trung Quốc hội nhập một "trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc". Nhưng Trung Quốc từ chối tuân thủ các nguyên tắc mà nước này không tham gia xây dựng và tiếp tục hăm dọa các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, có lẽ lý do rõ ràng nhất chính là chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc ở Biển Đông : Nỗi lo sợ rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng sự xao nhãng của thế giới khi đối phó với đại dịch Covid-19 để tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ trong khu vực.

Trung Quốc luôn biết tận dụng cơ hội

Bắc Kinh trước đây từng có những bước tiến lớn tại Biển Đông vào những thời điểm như vậy. Lợi dụng những khoảng trống sức mạnh trong khu vực, Trung Quốc nhiều lần có hành động lấn chiếm các lãnh thổ biển trong hơn 40 năm qua. Thay vì sử dụng các cuộc đối đầu mạo hiểm quy mô lớn, Trung Quốc từng bước lấn chiếm lãnh thổ của các nước yêu sách khác khi các nước này không có được sự ủng hộ từ các cường quốc đồng minh hoặc các đồng minh đó bị xao nhãng hay suy yếu.

nganchan3

8 máy bay chiến đấu của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa hôm 17/7/2020 (hình vệ tinh) Labs Inc.

Năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ Chính quyền Sài Gòn khi biết rõ rằng Mỹ - đồng minh của chính quyền này trong Chiến tranh Việt Nam - không có khả năng tới hỗ trợ. Sau đó, vào năm 1988, Trung Quốc tiếp tục chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam khi Liên Xô - cường quốc bảo trợ cho Việt Nam đã rút khỏi khu vực Đông Nam Á. Vào năm 1995, chỉ vài năm sau khi Mỹ đóng cửa 2 căn cứ quân sự lớn nhất trong khu vực và căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh hiệp ước trở nên tồi tệ khiến Philippines gần như không thể tự vệ, Trung Quốc đã nhân cơ hội chiếm đá Vành Khăn từ tay Philippines.

Bắc Kinh đã kiềm chế những hành động khiêu khích ở Biển Đông trong phần lớn thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, thời điểm mà Mỹ đang ở đỉnh cao của sức mạnh (và Washington tỏ rõ việc sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó). Nhưng sau khi Mỹ trở nên chia rẽ về các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq, hành vi cơ hội của Trung Quốc đã quay trở lại. Nước này tăng cường quấy nhiễu các tàu đánh cá, các tàu thăm dò năng lượng ở khu vực Đông Nam Á và bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo - tiến độ ban đầu khá chậm chạp nhưng lại được đẩy nhanh sau khi chiến lược "xoay trục sang Châu Á" của Obama hóa ra chỉ là "hữu danh vô thực". Việc xây dựng các đảo nhân tạo cho phép Trung Quốc không những củng cố các yêu sách của họ mà còn mở rộng năng lực giám sát và kiểm soát các vùng biển xung quanh. Đến một lúc nào đó, những đảo nhân tạo này có thể giúp Trung Quốc duy trì một vùng nhận dạng phòng không đối với những vùng biển này.

Những lo lắng của các nước Đông Nam Á

Với việc công bố lập trường mới ở Biển Đông, Mỹ đã chấp nhận một vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong khu vực này. Về điều này, một số người có thể cho rằng tình hình chắc chắn sẽ trở nên khả quan, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Sức mạnh của Mỹ dường như chính là điều mà khu vực này cần để đối trọng với Trung Quốc. Mặt khác, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là liệu chính sách mới của nước Mỹ có bền vững và quan trọng hơn cả là liệu nó có hiệu quả ?

Đối với vấn đề đầu tiên, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á chắc chắn sẽ có những nghi ngờ. Những người hoài nghi có thể chỉ ra rằng việc gần đây Mỹ phô diễn sức mạnh gần giàn khoan West Capella chỉ kéo dài vài ngày, tại vùng biển mà các cuộc đối đầu hải quân có thể kéo dài nhiều tháng. Quả thực, những tàu chiến do Mỹ dẫn đầu đã rời khỏi khu vực này từ rất lâu trước khi các tàu Trung Quốc rời đi. Hiểu rộng hơn, sự hoài nghi của lãnh đạo các nước có thể đơn giản là do thực tế rằng Mỹ phải mất nhiều thập kỷ để đưa ra một chính sách rõ ràng, điều khó có thể là tín hiệu cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Mỹ. Cùng với điều đó, họ cũng phải tự hỏi rằng đến một lúc nào đó, liệu Mỹ có thể dùng chính sách mới này để mặc cả một thỏa thuận thương mại có lợi hơn với Trung Quốc hay không. Và vì vậy, hầu hết các nước Đông Nam Á có xu hướng chờ xem chính sách mới của Mỹ sẽ diễn ra thế nào. Trong lúc này, họ có thể sẽ không đặt quá nhiều hy vọng, đặc biệt là trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Nhưng có lẽ vấn đề quan trọng hơn là chính sách mới của Mỹ có hiệu quả ra sao, bởi Trung Quốc có thể không còn hành xử như một kẻ cơ hội giống như trước đây nữa. Trong nhiều thập kỷ qua, việc Trung Quốc phát triển mạnh mẽ sức mạnh quân sự đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về năng lực quân sự của nước này với Mỹ. Điều đó cho phép Trung Quốc có thể tin rằng việc họ được quyền tự do hành động mà hoàn toàn không bị trừng phạt ở Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bóng gió về điều đó. Thậm chí, các nhà phân tích của Australia, một đồng minh thân thiết với Mỹ, hiện nghĩ rằng Mỹ đã mất đi ưu thế vượt trội về quân sự và nghi ngờ khả năng Mỹ có thể đảm bảo cán cân sức mạnh ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương. Vì thế, để chính sách mới phát huy hiệu quả, Mỹ sẽ phải chứng minh rằng họ cam kết duy trì lợi thế quân sự của mình. Để làm được điều đó, Mỹ cần phải đầu tư nhiều hơn cho lực lượng hải quân, không quân và khả năng tác chiến mạng. Cuối cùng, chỉ điều đó mới có thể thuyết phục Trung Quốc rằng thời gian không ủng hộ họ.

Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á cũng phải góp sức : tỏ ra bớt trung lập và hợp tác an ninh nhiều hơn. Các nước như Việt Nam - Chủ tịch ASEAN năm nay, đang trực tiếp hưởng lợi từ chính sách mới của Hoa Kỳ về Biển Đông. Hay Indonesia là nước "anh cả" của ASEAN, cũng đã bị Trung Quốc đe doạ xâm lấn hồi đầu năm nay. Chưa kể Philippines, vốn rất tích cực trước đây, nhưng nay đã thay đổi dưới thời Duterte. Rồi Malaysia, luôn chọn "im lặng là vàng" khi bị Trung Quốc xâm lấn và đe doạ. Thật không may, lãnh đạo nhiều nước Đông Nam Á đã quen với việc né tránh bất kỳ sự lựa chọn nào giữa chủ quyền quốc gia và nước mà họ coi là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế : Trung Quốc. Nhưng khi Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn hơn, hành động né tránh đó không chứng tỏ họ đang tìm kiếm hướng đi thứ ba, mà là tỏ ra vờ như không thấy để rồi hi vọng sóng gió sẽ qua đi. Nếu Đông Nam Á nhất mực né tránh, điều đó sẽ làm xói mòn tính hiệu quả của chính sách cứng rắn mà Mỹ mới đưa ra. Dù chính sách mới này có lâu dài và mạnh mẽ đến đâu, thì Mỹ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi bảo vệ lợi ích của những nước có quan điểm khác về việc tự bảo vệ mình.

Nguyễn Trường

Nguồn : RFA, 04/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trường
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)