Đồng Tâm và những trận đánh tồi
Nguyễn Hùng, VOA, 09/09/2020
Ngọn nguồn của bạo lực ở Đồng Tâm không bắt đầu từ cuộc tấn công của "ngàn quân" vào làng Hoành rạng sáng 9/1. Nó bắt đầu từ tháng 4/2017 khi chính quyền lừa ông lão ngoài 80 tuổi Lê Đình Kình ra đồng để bắt. Trong một video mà giờ đã không còn truy cập được trên YouTube, ông Kình kể lại diễn biến :
Một thanh niên ở Hà Nội mang hình ông Lê Đình Kình tại buổi lễ tưởng niệm hôm 12 tháng Giêng, 2020. (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)
"Khi đến đấy một cái là một anh cảnh sát cơ động nhưng họ toàn mặc quần bò áo thun đen…, một anh nhảy xuống, đứng vào cái góc tường ở đấy và nổ hai băng đạn chỉ thiên và ngay lúc đó là Trần Thanh Tùng đá tôi một cái, Trần Thanh Tùng đứng đằng sau tôi, mà Trần Thanh Tùng là về công tác tại xã Đồng Tâm này nhiều lần rồi, mà ngay hôm đấy và cách đấy mấy hôm vẫn gặp tôi, vẫn cứ làm việc.
"Đá tôi một cái tung lên và trôi một mét rưỡi. Cái đá của một công an mà họ đang sung sức thì có thể nói nó là một cái đá mà mục đích là tiêu diệt mình cho nên một cái đá họ không thương tiếc. Thì tôi tung lên một cái rồi ngã ngửa, đập đầu xuống đường bê tông nhưng mà hôm ấy tôi đội mũ bảo hiểm. Nếu không đội mũ bảo hiểm thì hôm ấy có thể vỡ đầu ngay tại chỗ ấy, và chết ngay tại chỗ ấy".
Sau trận đánh nguội này, những người dân ủng hộ ông Kình, người từng là bí thư đảng uỷ xã Đồng Tâm, đã bắt giữ gần 40 cảnh sát trong đó tới hai phần ba là cảnh sát cơ động. Vụ việc khiến Chủ tịch Hà Nội lúc bấy giờ Nguyễn Đức Chung phải về ký cam kết không khởi tố người dân Đồng Tâm cũng như sẽ điều tra chuyện ông Kình bị đánh và bắt giữ trái pháp luật. Cả hai lời hứa này đều chỉ là hứa suông và cuối cùng người ta vẫn khởi tố vụ án với dân Đồng Tâm nhưng lại không hề điều tra vụ đánh gãy chân đảng viên khi đó đã trên 50 năm tuổi đảng. Trừ mấy lời hứa đẹp nhưng vô nghĩa của ông Chung, trận đánh tháng Tư năm 2017 nhắm vào ông Kình và dân Đồng Tâm là một trận đánh tồi.
Trong thời gian từ 4/2017 tới 1/2020, ông Lê Đình Kinh tiếp tục khẳng định rằng đất đồng Sênh có hai phần, một phần đất quốc phòng và một phần đất dân sinh. Tuy nhiên chính quyền lấp liếm muốn đánh đồng hai nửa này để chiếm đất của người dân. Khi chính quyền, mà đối với nhiều người dân Đồng Tâm đã trở thành tà quyền từ nhiều năm nay, đưa ra nhiều quyết định có lợi cho giới chức, người dân Đồng Tâm bị dẫn vào ngõ cụt. Và đó là khi trận đánh tồi thứ hai diễn ra.
Thông báo đầu tiên của chính Bộ Công an về vụ này viết : "Trong quá trình xây dựng [tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn], sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương".
Cho tới nay những thông tin này đã được chính những gì đưa ra trong cáo trạng cho thấy là Bộ Công an dối trá. Chẳng hề có ai đi xây dựng tường rào vào lúc tờ mờ sáng và sự việc cũng không xảy ra ở nơi có tranh chấp là đồng Sênh. Trái lại nay người ta đành phải thừa nhận đó là một cuộc tấn công quy mô lớn vào nơi cư trú hợp pháp của người dân đã được cả thành phố Hà Nội và Bộ Công an thông qua.
Dựa vào diễn biến sáng sớm 9/1, điều có thể xảy ra là lực lượng tham gia tấn công đã được lệnh bắt hoặc giết bằng được ông Kình, cái gai trong mắt họ. Ông Bùi Viết Hiểu, cánh tay phải của ông Kình trong vụ bảo vệ đất đồng Sênh, nói tại toà rằng ông Kình bị bắn thẳng vào người khi đứng dựa vào tường và trong tay ông Kình không hề cầm lựu đạn như cáo buộc của lực lượng công an. Ngoài ra các luật sư cũng đã chứng minh rằng cả 10 quả lựu đạn có trong cáo trạng đều đã xuất hiện tại các nơi khác nhau trong hồ sơ và không liên quan tới ông Kình. Qua đó các luật sư nói quả mà ông Kình bị cáo buộc cầm là quả thứ 11 trong khi hồ sơ chỉ nêu có 10. Chẳng ai có trí khôn lại đi tin vào những gì chính quyền nói.
Về chuyện lựu đạn, vợ ông Kình, bà Dư Thị Thành, từng nói trong một video đượcnhà hoạt động Lã Việt Dũng đưa lên Facebook hồi đầu năm nay : "Người ta bắt khai ở nhà cầm lựu đạn. Tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, cứ hết bên nọ sang bên kia. Xong bắt đầu cứ thế nó đá vào hai ống chân".
Còn anh Lê Đình Công, con trai bà Thành và ông Kình, khai trước toà khi được hỏi có bị bức cung hay nhục hình gì không : "Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh". Ông Bùi Viết Hiểu cũng nói tại phiên xử rằng ông bị bắn thẳng vào người như ông Kình và bụng bị thủng vài chỗ nhưng may không chết.
Một điều đáng chú ý khác trong vụ án này là gia đình của cả ba công an thiệt mạng đều không có gì để nói trước toà khi họ được hỏi về chuyện họ muốn bồi thường ra sao. Đại diện cả ba gia đình đều chỉ nói đề nghị toà xét xử theo đúng pháp luật. Họ không hề thắc mắc tại sao con em họ lại bị đẩy vào chỗ chết lúc tờ mờ sáng. Họ không nghĩ có ai phải chịu trách nhiệm về quyết định dẫn tới cái chết của người thân trong gia đình. Vì một lý do nào đó họ quyết định giữ những suy nghĩ đó cho riêng mình.
Nhiều người khác cũng giữ trong lòng suy nghĩ của riêng họ về những gì xảy ra trước một trận đánh tồi tệ đang diễn ra ngay trước mắt. Lần này đích nhắm tới của nó như bao lần khác chính là công lý. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương như ở Việt Nam hiện nay, "nói thật đã là một hành động cách mạng".
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 09/09/2020
*******************
Nhục hình
Hà Nguyên, VNTB, 09/09/2020
"Tôi hỏi một câu chung với tất cả 29 bị cáo : Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay".
1,2 … rồi 10 cánh tay giơ lên. Nhưng vẫn có đến 19 cánh tay còn lại vẫn giữ xuôi theo người. Có lẽ, họ có nhiều điều muốn nói hơn là cái giơ tay.
Luật sư Đặng Đình Mạnh kể và kèm lời kêu gọi : "Đó là lý do mà chúng tôi ước mong có nhiều luật sư đồng nghiệp hơn tham gia những phiên tòa như thế này để cùng lắng nghe họ, khi mà hoàn cảnh xã hội chưa cho phép luật sư bảo vệ được họ như thiên chức nghề nghiệp".
Vụ án có đến 19 bị cáo bị tra tấn trong giai đoạn điều tra, đó là vụ án xảy ra tại Đồng Tâm đêm 9/1/2020, với những phát súng của lực lượng vũ trang bắn thẳng vào cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi.
Khi luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi bị cáo Lê Đình Công - người bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình, "Sau khi bị bắt, ông có bị bức cung, nhục hình gì không ?". Ông Lê Đình Công trả lời : "Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh".
Như vậy liệu lúc chủ tọa phiên xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm tuyên án, ông có đề nghị xem xét về hành vi nhục hình ở vụ án Đồng Tâm ? Và hành vi nhục hình này đã ảnh hưởng đến sự thật của lời khai bị can ra sao ?
Tội dùng nhục hình là một trong những tội được quy định rất sớm trong pháp luật Việt Nam. Xuất phát từ các quyền tự do và cơ bản của con người cũng như xu thế chung của pháp luật thế giới thì Việt Nam cũng đã sớm đưa các quy định nhằm chống nhục hình vào hệ thống pháp luật và vào ngày 28/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).
Đối với pháp luật Việt Nam, tội dùng nhục hình được quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án và những người tham gia tố tụng khác.
Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm là người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau : tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cho ăn cơm thừa, canh cặn, không cho ngủ, cùm kẹp, hỏi cung suốt ngày đêm, bắt phơi nắng, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông hoặc có hành vi khác gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam hoặc những người tham gia tố tụng khác.
Việc xác định hành vi dùng nhục hình không phải đơn giản vì tính chất của hành vi này rất khó phát hiện, bởi lẽ người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ pháp luật và bao giờ cũng dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để che giấu hành vi của mình ; khi bị tố cáo, họ thường tìm cách chối cãi và đòi đưa ra bằng chứng, mà người bị nhục hình vì ở "thế yếu" nên không đưa được ra bằng chứng xác thực, nên không có căn cứ xác định người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có hành vi dùng nhục hình.
Chiều ngược lại, có nhiều trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam, trong quá trình điều tra đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội của mình, nhưng tại phiên toà lại chối tội ; khi được hỏi vì sao tại Cơ quan điều tra bị cáo lại nhận tội thì được trả lời là do bị bức cung, nhục hình nên phải nhận tội nhưng lại không đưa ra được bằng chứng nào là mình bị nhục hình. Vì vậy, khi xác định người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự có hành vi nhục hình hay không, phải rất khách quan.
Nếu dùng nhục hình mà hành vi cấu thành một tội phạm độc lập khác thì người có hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả tội dùng nhục hình và tội phạm tương ứng.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi dùng nhục hình là tội phạm đã hoàn thành.
Mặc dù trên thực tế các vụ án xét xử tội nhục hình diễn ra rất ít, tuy nhiên hành vi nhục hình luôn gây hậu quả nghiêm trọng đặc biệt không chỉ xâm phạm đến quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của người bị nhục hình mà xa hơn là xâm phạm đến sự đúng đắn của nền tư pháp, tính khách quan của vụ án… do vậy cần phải ngăn chặn kịp thời các hành vi này để quyền con người được đảm bảo và tôn trọng.
Có đến 19/ 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm đã xác nhận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm là họ đã bị nhục hình, đây là một con số đáng báo động của việc vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam.
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 09/09/2020
**********************
Đồng Tâm : Án tử hình - Luật sư và hai ông Công, Chức phản ứng gì ?
Mỹ Hằng, BBC, 09/09/2020
Sau khi Viện Kiểm sát Thành phố Hà Nội đề nghị mức án tử hình với hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức hôm 9/9, luật sư Đặng Đình Mạnh, người có mặt tại tòa, nói hồ sơ vụ án có quá nhiều thiếu sót, thì dù với bản án nhẹ nhất, chứ đừng nói tử hình, có khả năng cao là kết án oan sai.
Hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Ngô Anh Tuấn đi xem xét hiện trường - miệng hố ở nhà ông Lê Đình Kình - 1 tháng sau khi diễn ra đụng độ của dân làng Hoành, Đồng Tâm, với cảnh sát rạng sáng 9/1/2020.
Ông lý giải nhận định này với BBC News tiếng Việt :
"Chưa thừa nhận vấn đề các bị cáo có tội hay không, nhưng các luật sư nhìn nhận rằng hồ sơ vụ án có rất nhiều thiếu sót".
"Chẳng hạn như vấn đề triệu tập người tham gia tố tụng. Tòa không triệu tập Công an Thành phố Hà Nội và nhiều cá nhân, tổ chức khác. Phía cơ quan điều tra cũng không tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ án".
"Với một hồ sơ như vậy, việc kết tội bất kỳ ai trong số các bị cáo cũng có thể dẫn đến oan sai, từ không có tội trở thành có tội, hoặc từ tội nhẹ thành tội nặng".
"Trong điều kiện đó, bất kỳ đề xuất về hình phạt nào, ở mức độ nào, với bất kỳ bị cáo nào, đặc biệt là đối với bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, thì đều là không thỏa đáng".
"Do đó, các luật sư đã thống nhất kiến nghị tòa chuyển trả hồ sơ về cho cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra lại, bổ sung những thiếu sót".
Luật sư Mạnh cũng cho hay trong sáng 9/9, Viện Kiểm sát đã thay đổi tội danh cho rất nhiều bị cáo, chỉ giữ lại 6 người ở nhóm tội 'giết người' (trước đây là 25 người), còn lại đều chuyển qua tội 'chống người thi hành công vụ'.
"Như vậy, mức án dành cho các bị cáo này sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều. Tôi cho rằng những bị cáo được hưởng án treo, hoặc những người đến thời điểm xét xử cũng đã gần hết hạn tù rồi thì có lẽ sẽ không kháng cáo. Còn những người từ vài năm tù trở lên sẽ kháng cáo".
Theo tường thuật của luật sư Mạnh, thái độ của hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức khi nghe đề nghị tử hình là "hết sức bình thản".
Bên cạnh đó, các luật sư tiếp tục không được gặp thân chủ trong ngày xử thứ ba.
"Trước đó khi các luật sư khiếu nại vấn đề này, tòa đã chấp thuận giải quyết. Trong buổi sáng xét xử thứ hai, các luật sư đã được gặp thân chủ. Nhưng khi vào phiên tòa, tới phần luận sư hỏi bị cáo thì có nhiều phần thông tin được hé lộ ra. Có lẽ vì vậy mà đến buổi chiều tòa thay đổi. Họ yêu cầu luật sư phải đăng ký trước mới được gặp thân chủ ; và phải đứng cách xa thân chủ 2 mét. Còn đến hôm nay thì họ hoàn toàn không cho chúng tôi gặp nữa", luật sư Mạnh nói.
Trong khi đó, theo đại diện Viện Kiểm sát, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, bất chấp pháp luật, vì lòng tham mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Hành vi giết người của nhóm bị cáo cầm đầu là dã man, làm ảnh hưởng đến các hoạt động đúng đắn của Nhà nước, gây bất bình trong dư luận mà hậu quả là ba cảnh sát hi sinh.
'Hội đồng xét xử cần cân nhắc tội danh trong vụ Đồng Tâm'
Trên Facebook cá nhân, luật sư Phùng Thanh Sơn viết :
"Thay vì chờ ban ngày, cơ quan điều tra đọc lệnh khám xét nhà để phát hiện và xử lý tội mua bán, tàng trữ vũ khí (nếu đúng sự thật là các bị cáo có mua lựu đạn để đối phó). Chính quyền bố ráp nhà ông Kình lúc đêm khuya như đi đánh giặc thì không thể nào nói là đúng pháp luật được. Trong lúc đêm khuya đem lực lượng đến bao vây, dùng súng xông vào nhà dân thì dân buộc phải chống trả thôi. Do đó HĐXX cần cân nhắc chuyển tội danh từ tội giết người sang tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng (Điều 126 Bộ luật hình sự)".
"Xuất phát từ việc chính quyền không giải quyết thỏa đáng và đúng luật về vấn đề đất đai. Trái lại, chính quyền làm chuyện trái luật là đem quân đi bố ráp nhà ông Kình lúc nữa khuya thì hành vi của các bị cáo có thể được xem là phạm tội trong trường hợp trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu chính quyền sử dụng quyền lực một cách hợp pháp, theo đúng trình tự thủ tục luật định thì chắc chắn những bị cáo này không phản ứng như vậy. Do đó, HĐXX cũng có thể cân nhắc chuyển sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125 Bộ luật hình sự)".
Ngoài ra, luật sư Sơn dẫn Điều 126 Bộ luật hình sự, trong đó hình phạt cao nhất cho tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng là 05 năm tù. Điều 125 Bộ luật hình sự : hình phạt đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tối đa là 07 năm tù.
"Cách thức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ tốt là xây dựng lòng tin của dân vào Đảng, vào chế độ chứ không phải tạo ra sự sợ hãi của dân đối với Đảng và chế độ", ông Sơn viết.
Chưa rõ ba công an chết do nguyên nhân nào
Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, tại căn nhà của ông bà với nhiều vết đạn
Theo luật sư Mạnh nói với BBC, trong giám định pháp y có kết luận ba công an chết do ngạt khí, và trong khí quản có CO2. Cáo trạng ghi do cháy xăng.
Theo trang 14 của kết luận điều tra đề ngày 5/6/2020 :
"Khi thấy lửa chuẩn bị tắt, Chức cầm can xăng đổ ra chậu và đổ nhiều lần xuống hố làm lửa bùng cháy lớn, vừa đổ vừa nói : "Cho chết mẹ mày đi". Hải ngồi cạnh Chức nói : "Thơm nhở"… (Đối tượng) Doanh sau khi đẩy chậu xăng xuống hố thì chạy xuống… và nhìn thấy Chức dùng chậu đổ 3-5 lần xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần… Khi thấy Chức đang cầm chậu nhựa đựng xăng để tiếp tục đổ xuống hố… thì 01 thành viên trong Tổ công tác… bắn 02 phát về phía Chức khiến chậu xăng bị hất tung và Chức bị thương ở đầu, lăn vào trong…".
Nhưng các luật sư cho rằng có nhiều nguồn có thể gây nguy hiểm tính mạng cho ba công an này. Chẳng hạn việc cứu hỏa xịt hai bình C02 xuống hố nơi ba công an rơi xuống, làm giảm nguồn oxi ở dưới hố, gây tử vong, chứ không hẳn do cháy xăng.
"Do có rất nhiều điều chưa rõ ràng như vậy, lẽ ra phải tổ chức thực hiệm điều tra. Vụ án chết tới bốn người mà không thực nghiệm điều tra là hết sức vô lý", luật sư Đặng Đình Mạnh nói.
Trong sáng 9/9, các luật sư bào chữa cũng nếu vấn đề công an đã ra quyết định tấn công vào thôn Hoành như thế nào, vì đây là việc liên quan đến nhóm tội chống người thi hành công vụ.
Công an vào thôn Hoành làm gì ?
Các luật sư đặt câu hỏi cho tòa rằng các lực lượng chức năng vào thôn Hoành có để thực hiện công vụ không, công vụ đó là gì, và phải chứng minh công vụ đó một cách hơp pháp.
"Trong hồ sơ vụ án có nói rằng phía công an có một kế hoạch để đảm bảo an toàn trật tự ở công trình xây dựng khu vực sân bay Miếu Môn. Có ba người phía công an khai trong hồ sơ vụ án rằng họ thuộc 'Tổ đánh bắt'.
Vụ án Đồng Tâm : Giới trẻ Việt Nam cảm thấy 'sợ hãi, bất lực'
Đồng Tâm tuyên bố 'cuộc đấu trí mới' với chính quyền
"Như vậy có vẻ như có chủ trương hay có văn bản nào đấy quy định họ đi vào thôn Hoành để bắt người. Nhưng khi luật sư yêu cầu công khai các văn bản đó ra thì tòa nói là không có, mà chỉ có văn bản trả lời của công an thành phố rằng hôm đó họ cho triển khai quân để đảm bảo an toàn an ninh trật tự cho xã Đông Tâm".
"Nhưng đó là văn bản trả lời sau khi sự việc ở Đồng Tâm đã xảy ra rồi, còn văn bản quy định đêm đó họ hành quân vào thôn Hoành thì đâu ? Trong hồ sơ vụ án không có. Sáng nay các luật sư đã đặt lại vấn đề và yêu cầu thu thập lại chứng cứ đó", luật sư Mạnh nói.
Trước đó, ngay sau vụ việc chết người ở Đồng Tâm xảy ra, ngày 14/1/2020, thiếu tướng Lương Quang Tam, thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam giài thích với truyền thông trong nước rằng việc "bố trí lực lượng vào thôn Hoành là để bảo vệ công trình từ xa. Hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ. Lúc đó không hề có lệnh bắt giữ, dù biết rõ đây là nhóm quá khích. Đây chỉ là các tổ công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn nhất các tình huống xảy ra".
Liên quan tới cái chết của ông Lê Đình Kình, luật sư Ngô Anh Tuấn nhiều lần nêu vấn đề này, đề nghị làm rõ các tình tiết, chứng cứ liên quan, nhưng lần nào cũng bị tòa cắt ngang hoặc mời về chỗ ngồi, cho rằng vụ án này không để giải quyết về cái chết của ông Kình.
Trước đó, trong ngày xét xử thứ hai hôm 8/9, ông Lê Viết Hiểu khai rằng ông ở trong nhà ông Kình hôm 1/9/2020, chứng kiến công an đứng trước mặt ông Lê Đình Kình, ở cự ly 1 mét. Khi đó ông Kình không hề cầm quả lựu đạn nào trong tay, sau đó bị chó nghiệp vụ lôi xác ra ngoài, theo tường thuật của luật sư Ngô Anh Tuấn trên Facebook cá nhân.
Trong khi đó, kết luận điều tra của Viện Kiểm sát nêu rằng công an bắt hai phát từ phía sau ông Lê Đình Kình, và rằng ông Kình chết khi trên tay còn giữ chặt một quả lựu đạn.
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 09/09/2020
*********************
Vụ Đồng Tâm : Viện Kiểm sát đề nghị 2 án tử hình, các bị cáo tố cáo trạng ‘sai sự thật’, bị bức cung
VOA, 09/09/2020
Các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm vào ngày 9/9/2020.
Trong một động thái mà rất nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam cho là "vội vã", Viện Kiểm sát ngay trong ngày 9/9 - ngày xét xử thứ hai vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm - đã đề nghị 2 bản án tử hình cho 2 con trai của ông Lê Đình Kình (cụ Kình) cùng với các án tù nặng nề cho 27 người dân Đồng Tâm còn lại.
Hai người bị đề nghị án tử hình là ông Lê Đình Công, 56 tuổi, và ông Lê Đình Chức, 40 tuổi, con trai của ông Lê Đình Kình, người đại diện cho dân làng ở Đồng Tâm và đã thiệt mạng trong vụ xung đột vào rạng sáng 9/1 giữa lực lượng chính quyền và người dân.
Hai ông Công, Chức và 4 người khác bị cáo buộc tội danh "Giết người". Trong đó, ông Lê Đình Doanh - cháu nội ông Kình - bị đề nghị án Chung thân, ông Bùi Viết Hiểu bị đề nghị 16 - 18 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến, 16 - 18 năm tù, Nguyễn Văn Tuyển, 14 - 16 năm tù.
Những người còn lại, hầu hết là con cháu ông Kình, bị đề nghị mức án từ mức án treo cho đến 6 - 7 năm tù về tội Chống người thi hành công vụ.
Các mức án đề nghị nặng nề trên ngay lập tức tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam đã quá "vội vã" đi đến kết luận trong khi còn quá nhiều chi tiết quan trọng trong vụ án chưa được điều tra rõ ràng và không có chứng cứ thuyết phục.
Nhà báo nổi tiếng Osin Huy Đức viết trên trang Facebook cá nhân rằng "Nếu, vụ án được nhìn nhận một cách khách quan, phải có điều tra độc lập để xem xét tính hợp pháp của việc đang đêm ‘xâm phạm chỗ ở’ của các công dân Đồng Tâm, thì mới có thể đánh giá các hành vi tiếp theo là phạm tội hay không phạm tội".
TS. Nguyễn Quang A - nhà hoạt động vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam - đề nghị "phải huỷ phiên toà và điều tra sự phạm pháp của công an".
Trong khi đó, các luật sư tham gia bào chữa như Luật sư Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Nguyễn Văn Miếng, Nguyễn Hà Luân… cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ vụ án, và liên tục đưa ra các dữ kiện cho thấy có quá nhiều "vấn đề" về chứng cứ, lời khai, quá trình điều tra và thủ tục tố tụng.
Biên bản phiên toà chiều ngày 1 (07/9/2020) và sáng ngày 2 (08/9/2020) mà Luật sư Ngô Anh Tuấn công bố cho thấy hầu hết các bị cáo, mặc dù được cách ly khỏi các bị cáo liên quan khác, nhưng khi được hỏi về bản cáo trạng đều cho rằng nó "không đúng" hay "sai sự thật".
Theo tường thuật của Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi ông đặt câu hỏi chung cho toàn bộ 29 bị cáo rằng "Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay", thì chỉ có 10 cánh tay giơ lên, còn lại 19 người không giơ tay.
"Có lẽ, họ có nhiều điều muốn nói hơn là cái giơ tay", Luật sư Mạnh viết trên trang Facebook.
Vụ xung đột vào đêm và rạng sáng 9/1 xảy ra khi lực lượng chức năng với hàng ngàn người ập vào khu vực Đồng Tâm với lý do "bảo đảm an ninh, trật tự" cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn. Vụ bố ráp khiến ông Lê Đình Kình và 3 công an thiệt mạng.
Nhà chức trách cáo buộc người dân Đồng Tâm đã lập kế hoạch "tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng công an". Trong khi đó, theo ghi nhận từ các luật sư, các bị cáo trong phiên toà ngày 9/9 đều khai họ chỉ "bảo vệ đất đai" và phòng vệ trong tình huống chính bản thân và người thân gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ bố ráp.
Kể từ khi xảy ra vụ xung đột chết người, rất nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ yêu cầu nhà chức trách Việt Nam cho phép tiến hành điều tra độc lập vụ án, nhưng cho đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.
Trong khi đó, báo Quân Đội Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam - chỉ trích "âm mưu quốc tế hoá" vụ việc Đồng Tâm của "các thế lực thù địch và kẻ xấu" nhằm "hướng lái dư luận quốc tế".
Hiện một bản kiến nghị trên mạng xã hội gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam để yêu cầu "bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu một cách đặc biệt" đã thu hút chữ ký của 6 tổ chức và 326 cá nhân tính đến ngày 9/9.
Kiến nghị cũng yêu cầu nhà chức trách tạm ngưng xử vụ án và cử người của Quốc hội giám sát toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử, đồng thời làm rõ cái chết của ông Lê Đình Kình và mở vụ án độc lập điều tra về cái chết của ông Kình cũng như việc "mưu sát không thành ông Bùi Viết Hiểu" nếu cần thiết.
Kiến nghị cho hay ông Bùi Viết Hiểu nói ông đã chứng kiến một cảnh sát bắn chết ông Lê Đình Kình từ phía trước và bản thân ông cũng bị bắn 2 phát vào tim và chân, nhưng viên đạn trượt xuống sườn nên ông thoát chết.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 7/9 bày tỏ quan ngại về những "vi phạm thủ tục tố tụng’ trong phiên xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm.
Tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép các nhà quan sát quốc tế độc lập, gồm giới ngoại giao, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự theo dõi phiên toà xử.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, an ninh phiên toà được thắt chặt và "không một thân nhân bị cáo nào được tham dự phiên toà, kể cả vợ cụ Lê Đình Kình".
Nguồn : VOA, 09/09/2020