Người tuôn nước mắt - trời tuôn mưa
Phạm Vũ, VNTB, 08/09/2020
Vở kịch công lý cuối cùng cũng đã mở màn, chả trách sáng nay người dân Hà Nội họ truyền tai với nhau rằng : "tòa gì mà tòa, tụi nó cố chốt hạ vở kịch cướp-giết mà chúng tự bày ra bao lâu nay đó chứ".
Nhìn họ ra tòa lòng tôi chợt đau quặn thắt, tim tôi cảm thấy phẫn uất, nghẹn ngào. Người thì cụt tay, người thì đi cũng phải có công an đỡ mới đi được, những khuôn mặt hiền từ chất phác ấy, những nông dân tội nghiệp ấy, đi còn không vững, tay còn không có thì họ giết được ai ? Chống được ai mà lại bắt họ ra tòa nhìn thê thảm thế kia ?
Quả thực, sáng nay nhà cầm quyền gọi phiên tòa công khai nhưng nó rất khai. Vở kịch tòa án này nó rất đồng bộ, an ninh các quận, thành phố tỏa đi canh gác khắp mọi nhà ở Hà Nội để ngăn chặn những nhà hoạt động xã hội dân sự đến đưa tin phiên tòa, bên ngoài phiên tòa nhiều vòng vây thiết lập xiết chặt người qua lại tòa án, công khai nhưng không cho ai vào tòa án, cho dù người thân, bên trong thì mật vụ ngồi chật kín cả phòng.
Dưới Đồng Tâm thì an ninh lập các chốt ngăn chặn xe ra vào chở người dân Đồng Tâm lên nhìn mặt thân nhân của họ. Thậm chí, các tỉnh thành khác cách xa Hà Nội cả ngàn km, an ninh cũng đua đòi thay nhau canh gác những nhà phản động với mục đích lập dự án để kiếm tiền, vì an ninh các tỉnh lẻ ấy họ cũng biết thừa những tay "phản động" đó có cho họ cũng không đi dự phiên tòa.
Nhìn những khuôn mặt bơ phờ, ngơ ngác của những người Đồng Tâm có khi họ không biết mình bị tội chi, vì quả thực họ đâu có tội. Nhìn họ ra tòa lòng tôi chợt đau quặn thắt, tim tôi cảm thấy phẫn uất, nghẹn ngào. Người thì cụt tay, người thì đi cũng phải có công an đỡ mới đi được, những khuôn mặt hiền từ chất phác ấy, những nông dân tội nghiệp ấy, đi còn không vững, tay còn không có thì họ giết được ai ? Chống được ai mà lại bắt họ ra tòa nhìn thê thảm thế kia ?
Có lẽ, Cụ Kình tuyên xưng lòng trung thành với đảng đến khi tắt thở tin vào đảng, cũng không có ngờ rằng một ngày gia đình Cụ lại rơi vào hoàn cảnh mà có thể nói không thể bi đát, không thể thê lương hơn được nữa. Cụ Kình mang trên mình là một đảng viên, lúc còn sống 1 câu thằng Chung, 2 câu ông Trọng, cụ Kình tin rằng chỉ có vài người biến chất thôi chứ đảng vẫn trong sạch lắm, để rồi Cụ cùng gia đình cụ phải nhận lấy cái bi thương tột cùng vì niềm tin ấy. Cụ Kình cũng khó thể ngờ rằng, có một ngày mình lại được mang cái danh phận do đảng trao cho đó là "Cường hào địa chủ mới". Và cụ một lòng tin vào đường lối của đảng, son sắt với chủ trương của đảng, nếu mà nói trong số người cộng sản trung thành với đảng nhất thì chẳng có ai hơn Cụ Kình, Cụ cũng không thể ngờ rằng có ngày chính thằng Chung, Ông Trọng khoác đảng cho cụ cái danh "chống lại chủ trương đường lối của đảng".
Nhìn hoàn cảnh Đồng Tâm thật đau xót, và cũng thật căm phẫn bọn cường quyền đã gây ra cho dân làng ở đây, Cụ Dư Thị Thành một trong những 8 "pháo thủ" bảo vệ bầu trời Thủ Đô những năm tháng chiến tranh, Cụ Thành phải ngậm ngùi cay đắng mà nói rằng : Biết trước thế này thà im tiếng. Tôi sẽ bắt tất cả im lặng. Đất đai nào quan trọng bằng cảnh nhà ấm êm. Có nỗi đau nào bằng chính cái nơi Cụ bảo vệ trước đây cho cuộc sống yên bình bây giờ, giờ nó gây bao cảnh đoạn trường, từ đây đến cuối đời Cụ Thành sẽ khó mà có một chút bình yên, ấm êm với. Chồng chết con cháu thì đi tù, bị chính các đồng chí của mình phản bội, hãm hại một cách tàn ác và man rợ thì bình yên cái gì nữa ?
Nghe lời tâm sự của Cụ : Biết trước thế này thà im tiếng. Tôi sẽ bắt tất cả im lặng. Đất đai nào quan trọng bằng cảnh nhà ấm êm mà sao nó cay đắng đến thế. Cụ Kình và con cháu Cụ đang đấu tranh đòi lẽ phải, đòi sự công bằng mà sao nhà cầm quyền tàn bạo quá, dã man quá. Phiên tòa hôm nay có lẽ là vụ án chấn động nhân tâm, chấn động lòng người, vì hành động Cụ Kình và những con người đang ngồi trước vành móng ngựa hôm nay họ không chỉ đấu tranh cho mình họ, mà họ tranh đấu cho sự công chính, họ mưu cầu lẽ công bằng phải được thực thi, mà cái nguyên nhân sâu xa là do luật pháp, do Hiến pháp do bọn cường quyền nó cấm Người dân không được quyền tư hữu đất đai, chính vì quy định quyền sở hữu nó sinh ra mọi mâu thuẫn trong xã hội đương đại.
Họ nêu cao chính nghĩa là mong rằng lẽ phải được thực thi, luật pháp phải sửa đổi để không một ai là nạn nhân của bọn cường quyền thực dân mới áp bức nữa, cái họ dồn hết lực bình sinh để tranh đấu bằng luật pháp, nhưng đâu ai ngờ, bọn thực dân nó đánh úp đang đêm kéo vào dân làng, chúng nã đạn, chúng rải đau thương cho Đồng Tâm, từ đó đến hôm nay, bọn thực dân kiểu mới lại mang những người dân vô tội ra xét xử, lòng người tan nát. Từ chấn động nhân tâm nó vang lên tận trời cao, đã chạm được nỗi đau của dân làng, người tuôn nước mắt, trời cũng chỉ biết tuôn mưa !
Phạm Minh Vũ
Nguồn : VNTB, 08/09/2020
***********************
Vì sao chủ tọa phiên tòa lại cản trở quyền của luật sư và quyền của bị cáo ?
Hà Nguyên, VNTB, 08/09/2020
Bộ Luật tố tụng hình sự, Điều 256. Nội quy phiên tòa, khoản 4 quy định : "Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép".
Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình.
"Chúng tôi nghiêm túc và cấp thiết đề nghị Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam và Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn cấp thời ra văn bản lên tiếng yêu cầu tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc và tức thời quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp và bình đẳng của luật sư, đảm bảo các luật sư bào chữa được tiếp xúc với các thân chủ bị cáo theo quy định pháp luật, nhằm tránh các hệ lụy pháp lý nguy hại khó lường" - luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), kiến nghị.
Theo luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thì thay vì chỉ tranh tụng với viện kiểm sát, nhiều vụ án các luật sư phải tranh biện với chủ tọa phiên tòa. "Chuyện chỉ có ở Việt Nam thôi !" - luật sư Trịnh Vĩnh Phúc kết luận.
Những bức xúc kể trên của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc là về diễn biến ở phiên khai mạc xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm tại tòa án Thành phố Hà Nội. Bức xúc về chuyện vi phạm tố tụng công khai đó, có thể tóm tắt như sau :
Khi luật sư Đặng Đình Mạnh đề nghị hội đồng xét xử cho các luật sư tiếp xúc với thân chủ tại phiên tòa, nhưng chủ tọa không đồng ý với lý do vì các luật sư đã có nhiều thời gian tiếp xúc trước phiên tòa rồi nên không cần thiết phải tiếp xúc tại phiên tòa nữa. Luật sư Nguyễn Hà Luân đã phản đối quyết định của chủ tọa phiên tòa, vì quyết định này là vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng về quyền tiếp xúc thân chủ của luật sư tại phiên tòa. Sau đó, luật sư Lê Văn Hòa và các luật sư khác xin phát biểu tiếp nhưng chủ tọa phiên tòa kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần xét hỏi.
Thắc mắc đặt ra : Vì sao chủ tọa phiên tòa lại cản trở quyền của luật sư và quyền của bị cáo ?
Dường như không khó để tìm câu trả lời : Vì sự yếm thế trong tâm lý của thẩm phán được phân công ngồi ghế chủ tọa phiên hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm.
Trước đó, vào ngày 3/9-2020, một lá đơn kiến nghị trước ngày xét xử vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (sau đây gọi tắt là vụ án Đồng Tâm), nhóm luật sư cho biết hàng loạt biểu hiện vi phạm tố tụng ; và có lẽ chính những điều đó nên diễn tiến tại phiên khai mạc vụ án Đồng Tâm là ‘một đồng bộ’ cho dấu hiệu về ‘bản án bỏ túi’ đối với 29 bị cáo.
Lá đơn kiến nghị đề ngày 3/9-2020, có một số nội dung như sau (trích) :
"Trong giai đoạn điều tra : Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hà Nội liên tục gây khó dễ cho các luật sư : Chậm trễ trong việc cấp Thông báo bào chữa cho một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị can được gia đình mời, bao gồm : luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư Đặng Đình Mạnh, luật sư Lê Văn Hoà… ; Không cho luật sư được tiếp xúc riêng với thân chủ trong trại tạm giam dù vụ án này không liên quan tới an ninh quốc gia, hoặc là trường hợp đặc biệt khác theo quy định của pháp luật ; Không cho luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án sau khi đã kết thúc điều tra mặc dù các luật sư có đề nghị nhiều lần.
Trong giai đoạn truy tố : Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội không cho các luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án để đưa ra các kiến nghị nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mặc dù các luật sư cũng nhiều lần gửi văn bản yêu cầu. Một số luật sư gửi các văn bản khiếu nại hoặc yêu cầu gặp lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội nhưng tất cả đều không được giải quyết.
Trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử : Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội cũng rất chậm trễ trong việc cho các luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, phản ảnh của các luật sư và sự can thiệp của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì yêu cầu này mới được chấp thuận.
Mặc dù vậy, trong hồ sơ vụ án có 02 USB lưu giữ một số clip, hình ảnh sự việc diễn ra vào ngày 09-01-2020, Thư ký tòa không cho luật sư copy dữ liệu này. Cho đến nay, chỉ còn 03 ngày nữa vụ án được đưa ra xét xử nhưng các luật sư vẫn chưa được copy để nghiên cứu mặc dù đã nhiều lần đề nghị…".
Nếu nhìn toàn bộ sự việc nêu trên ở vụ án Đồng Tâm qua lăng kính của một thuyết âm mưu, thì rất có thể ông Tổng bí thư - Chủ tịch Nước đang đứng trước một đe dọa của lật đổ thể chế. Bởi về mặt lý luận, ai cũng hiểu rất rõ rằng pháp chế xã hội chủ nghĩa khi được xác lập như một hiện thực, một trạng thái xã hội, có sức mạnh như một lực lượng vật chất trực tiếp góp phần thiết lập trật tự kỷ cương, thúc đẩy xã hội phát triển.
Nhưng pháp chế xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại một cách tự thân, mà là sản phẩm của một xã hội - tạo dựa trên những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết cho sự ra đời. Với diễn biến vụ án Đồng Tâm qua các giai đoạn tố tụng, cho thấy dường như cụm từ "pháp chế xã hội chủ nghĩa" chỉ dừng là một mỹ từ trang điểm cho lời hay ý đẹp trong nghị quyết Đảng.
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 08/09/2020
*********************
Chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm ngang nhiên thách thức pháp luật ?
Nguyễn Nam, VNTB, 08/09/2020
Pháp luật quy định khi ra tòa, bị cáo được quyền tiếp xúc với luật sư nhưng trong phiên khai mạc xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, quyền này của bị cáo đã bị vị thẩm phán chủ tọa bác bỏ.
Trong đơn khiếu nại liên quan vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (sau đây gọi tắt là vụ án Đồng Tâm), nhóm luật sư viết :
"Chúng tôi là các luật sư bảo vệ cho một số bị cáo đang bị xét xử trong vụ án hình sự số 252/2020/HSST, được đưa ra xét xử từ ngày 07/09/2020 tại TAND Thành phố Hà Nội với Hội đồng xét xử do thẩm phán Trương Việt Toàn là chủ tọa.
Tại phiên tòa, trong thời gian Hội đồng xét xử (Hội đồng xét xử) vào hội ý (từ 10g10 đến 11g05) lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với bị cáo do mình bào chữa.
Trước việc làm trên, vào lúc 11g10 khi Hội đồng xét xử tiếp tục phiên tòa, luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị Hội đồng xét xử cần phải thông báo rõ về việc : "Các luật sư có quyền tiếp xúc với các bị cáo mà mình đang bào chữa tại phiên tòa".
Tuy nhiên chủ tọa phiên tòa (thẩm phán Trương Việt Toàn) đã công khai tuyên bố : "Các luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trước khi xét xử trong trại giam, vì vậy việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết".
Mặc dù luật sư Nguyễn Hà Luân đã trực tiếp phản đối hành vi này của thẩm phán chủ tọa là vi phạm nghiêm trọng nội dung khoản 4 điều 256 Bộ Luật tố tụng hình sự. Nhưng thẩm phán chủ tọa vẫn không giải quyết yêu cầu của các luật sư.
Xét thấy, hành vi nêu trên của thẩm phán chủ tọa (ông Trương Việt Toàn) đã xâm phạm đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo. Bởi lẽ việc bào chữa và được bào chữa bao gồm cả quyền được tiếp xúc giữa luật sư và bị cáo tại phiên tòa. Điều này cũng thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, theo nội dung điều 6 : "Sự công bằng, bình đẳng" và mục e khoản 2 điều 10 "Thẩm phán không được gây khó khăn cho người tham gia tố tụng…" đã nêu tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.
Với nội dung đã nêu trên, chúng tôi viết đơn khiếu nại và đề nghị Chánh án TAND Thành phố Hà Nội giải quyết các yêu cầu sau :
Yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa (ông Trương Việt Toàn) cùng Hội đồng xét xử phải đảm bảo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa".
Nhóm luật sư đồng ký tên : Lê Văn Luân, Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Trương Chí Công, Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Văn Miếng, Bùi Hải Quảng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hà Luân, Phạm Lệ Quyên.
Phải nói rằng, việc xuất hiện của luật sư trong hoạt động tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ vụ án, luật sư không chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, là chỗ dựa tin cậy cho bị can, bị cáo, người bị hại,… Quan trọng hơn, luật sư còn góp phần bảo vệ, đảm bảo sự "thượng tôn pháp luật" trong các phiên tòa.
Nói một cách khác, luật sư góp phần gìn giữ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Và trên phương diện này, trong phiên xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, rất cần đến việc lên tiếng trong giữ gìn pháp chế xã hội chủ nghĩa từ ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. Bởi, để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật xã hội, thì trước hết các cơ quan Nhà nước, các cán bộ đảng viên cần nghiêm chỉnh tuân theo chính sách và pháp luật. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đại hội đảng lần thứ 13 sắp diễn ra trong vài tháng tới đây.
Cơ quan Nhà nước và cán bộ đảng viên làm đúng thì dân tin và làm theo. Trên mà công minh chính trực và gương mẫu, thì dưới cũng không dám làm bướng, làm bừa. Trái lại khi trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước có những vi phạm chính sách và pháp luật, thì khó có thể giáo dục được nhân dân ý thức nghiêm chỉnh tuân theo chính sách, pháp luật.
Như vậy, với nội dung như đơn khiếu nại nói trên của nhóm luật sư, nếu Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chọn giải pháp im lặng, xem ra hệ lụy tất yếu là người dân thêm mất lòng tin vào Đảng ; và lá phiếu lựa chọn nhân sự ở đại hội đảng sắp tới đây, người ta được quyền hoài nghi mọi chuyện - trong đó có cả ngờ vực về những kịch bản soạn trước tương tự như ‘án bỏ túi’ đang có biểu hiện chẳng cần che đậy ở phiên hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 08/09/2020
*********************
HRW và giới luật sư lên tiếng về vi phạm tố tụng trong phiên tòa Đồng Tâm
VOA, 08/09/2020
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) bày tỏ quan ngại về vi phạm thủ tục tố tụng trong phiên xử Đồng Tâm, cùng lúc giới luật sư tiếp tục lên tiếng về quyền bào chữa cho các bị cáo trong vụ án gây nhiều tranh cãi.
Tổ chức HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép các nhà quan sát quốc tế độc lập, gồm cả giới ngoại giao, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự theo dõi phiên tòa xử 29 công dân Đồng Tâm trong các ngày 07-16 tháng 9 về cáo buộc "giết người" và "chống người thi hành công vụ".
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW nói lực lượng an ninh Việt Nam cần chấm dứt việc sách nhiễu và theo dõi thân nhân của các bị cáo.
Trong phát biểu của mình ngày 7/9, ông Robertson nói rằng HRW rất lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng dành cho 29 người dân Đồng Tâm đang bị xét xử.
"Nạn tra tấn và bức cung vốn vẫn phổ biến trong các trại giam của công an trong khi khái niệm tòa án độc lập còn xa vời, và các bản án được Đảng cộng sản định sẵn là các đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam", ông Robertson cho biết trong thông cáo.
Ông cũng nói quyền gặp luật sư của các bị cáo cực kỳ bị hạn chế và chỉ được thực hiện sau khi công an đã thẩm vấn, lấy cung và điều tra xong. Ông nói : "Còn có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời về những gì đã xảy ra trong vụ tấn công vào xã Đồng Tâm".
Ông Robertson nói chính quyền Việt Nam đang gấp rút kết tội các bị cáo, và mọi người có thể thấy rõ là Hà Nội muốn trừng phạt các bị cáo bằng các bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai.
Chiều ngày 8/9, Luật sư Lê Văn Luân, một trong 13 luật sư bào chữa cho 29 bị cáo, cho biết trên Facebook rằng ông vừa làm đơn đề nghị được tiếp cận chứng cứ mà tòa đề cập. Luật sư viết : "Những chứng cứ này các luật sư đã không được tiếp cận và không được liệt kê trong danh sách các vật chứng trong tài liệu vụ án".
Trước đó, chiều 7/9, nhóm luật sư bào chữa đã gửi đơn khiếu nại đến chánh án yêu cầu được tiếp xúc thân chủ của mình trong thời gian diễn ra phiên tòa, sau khi Thẩm phán Trương Việt Toàn, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố rằng việc tiếp xúc như vậy "là không cần thiết".
Mô tả phiên tòa hôm 7/9, Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong 13 luật sư bào chữa, viết trên Facebook : "Phòng xử chiếm khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, an ninh ; không có người nhà các bị cáo nào được vào tham dự phiên tòa, và cũng không có người dân thường nào được vào phòng xử án".
Luật sư Lê Văn Hòa nêu nhận định : "Phiên tòa Đồng Tâm vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì không hy vọng có bản án khách quan".
Truyền thông Việt Nam hôm 8/9 loan tin rằng nhiều bị cáo vụ Đồng Tâm "hối lỗi, mong được khoan hồng". Báo Dân Trí tường thuật : "các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, bày tỏ sự ăn năn, hối cải, mong được hưởng sự khoan hồng".
Hôm 6/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô của Bộ Công an, đã lên án cụ Lê Đình Kình, người dân Đồng Tâm thiệt mạng trong vụ đối đầu ngày 9/1/2020, là "cường hào địa chủ mới".
TTXVN dẫn lời ông Xô nói : "Sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại "cường hào địa chủ mới".