Vì sao phải kêu gọi mua báo Đảng lúc này ?
Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 9/9/2020, đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, và các tờ báo đảng như Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật... tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam ban hành trước đây. Trong đó yêu cầu tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng...
Báo in bán dạo ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Vì sao phải kêu gọi mua báo Đảng lúc này ?
Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 9/9/2020, đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, và các tờ báo đảng như Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật... tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam ban hành trước đây. Trong đó yêu cầu tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng...
Đây không phải là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ thị tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng... Nhưng vì sao dù đã có chỉ thị của Ban Bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam đã lâu, mà Ban Tuyên giáo lại phải tiếp tục kêu gọi như vậy ?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10/9/2020 liên quan vấn đề này, nhận định :
"Nếu chỉ thị đó có hiệu lực trong phạm vi đảng thì không có việc gì cả, một ban của đảng chỉ chị cho các đảng bộ địa phương mua báo của đảng thì không thành vấn đề, đó là chuyện nội bộ của đảng. Khó nhất là người ta lấy tiền ngân sách, tức là tiền thuế của người dân bình thường không phải đảng viên, như tôi chẳng hạn, tôi phải đóng thuế... để đi mua những tờ báo đó... thì mới thành vấn đề... tôi sợ rằng nó rơi vào trường hợp thứ hai, chứ không phải trong phạm vi đảng, dùng quỹ đảng để mua".
Mua báo Đảng có là nhu cầu cần thiết ?
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra chỉ thị đến tất cả các ban ngành ở các địa phương trên toàn quốc, cần nâng cao nhận thức, coi việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng là trách nhiệm, là nhu cầu cần thiết.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 10/9/2020 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, nói :
"Tôi nghĩ đối với đảng của họ thì chắc chắn họ nghĩ báo đảng là cần thiết, còn đối với người dân thì người ta coi cái đấy ra gì, và tôi nghĩ ngay cả các đảng viên thường thì cũng chẳng ai coi báo đấy ra cái gì cả".
Liệu việc mua và sử dụng báo, tạp chí của Đảng có là nhu cầu cần thiết của người dân, hay công chức địa phương mà Ban Tuyên giáo Trung ương gắn nó với trách nhiệm ? Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói :
"Tôi nghĩ đấy là một cách áp đặt cho bên dưới... nếu mà họ lưu hành nội bộ trong đảng của họ thì không nói làm gì. Còn nếu họ bắt các cơ quan khác lấy tiền ra mua thì tôi nghĩ đấy là một cách nhồi sọ rất trắng trợn, nó thể hiện một sự bất lực của họ là chẳng ai thèm đọc cả, nên mới phải ép buộc như vậy. Đó là một lời thú nhận thất bại một cách gián tiếp".
Những ai làm về báo chí đều biết ngoài việc đưa tin xác thực, nói chung phải đánh đúng nhu cầu của người đọc, những cái người đọc đang quan tâm thì theo đúng. Vậy liệu có phải Ban Tuyên giáo Trung ương biết rõ báo đảng không đáp ứng được nhu cầu người dân nên phải ra chỉ thị, gắn trách nhiệm ?
Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 9/9/2020, tổ chức Hội nghị trực tuyến yêu cầu tăng cường mua và đọc báo, tạp chí của Đảng... Courtesy tuyengiao.vn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định dưới góc nhìn của mình :
"Họ quá lo lắng vậy thôi, chứ tôi nói ví dụ như cơ quan của tôi là một trường đại học, bao giờ tờ báo Nhân dân cũng có trong các tổ chức trong trường do ngân sách bỏ tiền mua... Ta thấy tình trạng buồn cười lắm, những tờ báo này nếu là kinh tế thị trường bình thường thì chắc đã chết từ lâu rồi... vì không ai mua cả. Bằng chứng rất là rõ và rất dễ kiểm chứng, chỉ cần ra phố hỏi người bán báo mua báo Nhân dân, thì người bán kinh ngạc lắm, tưởng mình nói đùa vì họ không bao giờ bán báo Nhân dân cả... lý do đơn giản vì không ai mua nên bán làm chi".
Đối với các nước nói chung, báo chí là một sản phẩm của thị trường thì phải căn cứ vào nền kinh tế thị trường. Người ta hay gọi báo chí là một món ăn tinh thần, như vậy để thị trường quyết định. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì người ta sẽ chấp nhận và mua (xem) sản phẩm đó, và tờ báo sẽ sống được.
Vậy những tờ báo đảng như báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản... được tiêu thụ ở đâu ? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng giải thích :
"Báo đảng được tiêu thụ ở các tổ chức nhà nước, người ta lấy tiền thuế của dân để đi mua báo. Ta thấy một tình trạng là tờ báo Nhân Dân lấy tiền thuế của dân làm ra báo, và tờ báo đó cũng được mua bằng tiền thuế của dân, vòng xoay cứ như thế nhưng không ai đọc. Nhưng theo tiêu chuẩn của đảng là rất quan trọng, được đánh giá rất cao, tổng biên tập tờ báo đó phải là ủy viên trung ương đảng, tờ báo được đối xử như một bộ... Ví dụ lãnh đạo tổ chức nhân sự tờ báo được gọi là Vụ trưởng Vụ tổ chức nhân sự báo Nhân Dân, như một vụ của một bộ, thực tế là như vậy đó nhưng chả ai đọc cả".
Không có tự do báo chí
Nếu có ai đọc báo của đảng như báo Nhân Dân, thì theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, họ chỉ muốn kiểm chứng chính sách của đảng như thế nào ? Người đọc quá ít nên sự tồn tại của báo đảng như báo Nhân Dân là một sự mỉa ai cho nền báo chí. Ông nói tiếp :
"Nhưng ta biết đây kinh tế thị trường nhưng là kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa, các tờ báo đảng như tờ Nhân Dân thể hiện cái Xã hội Chủ nghĩa đó. Như tôi đã nói, chỉ thị đó là do họ quá lo vậy thôi, chứ lâu nay họ vẫn bỏ tiền nhà nước ra mua, vì tiền nhà nước chứ không phải tiền túi nên người ta có e ngại gì đâu ? Mà cơ quan kiểm toán thấy dùng tiền thuế dân mua báo Nhân Dân thì đó cơ quan kiểm toán nào dám có ý kiến. Đối với mua báo đảng, chỉ là số tiền nhỏ đối với các cơ quan, mà lại bảo kê về mặt tư tưởng, nên không ai lại ngại ngần gì mà bỏ tiền ra mua. Chỉ thị như vậy là do họ quá lo lắng thôi chứ không có tác động gì lớn".
Không chỉ báo Đảng, báo chí tại Việt Nam nói chung phục vụ nhiệm vụ chính trị, không có báo chí tư nhân, nhà nước định hướng dư luận xã hội… những việc như vậy, lâu nay vẫn là những cái cơ bản mà nhà nước Việt Nam áp dụng với báo chí. Nhưng nếu so với cách đây khoảng 3 hay 4 thập kỷ, thì việc kiểm soát báo chí có thay đổi. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin - Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Nhà văn Phạm Đình Trọng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết ý kiến của mình :
"Họ vẫn tư duy theo lối cũ, rõ ràng đây là một cách tư duy có từ những năm 60 thế kỷ trước, mà họ vẫn làm, không có gì thay đổi. Bây giờ là thời đại của internet, công nghệ thông tin, thì làm sao nó phù hợp được, trong khi hiện nay thông tin luôn luôn mới trong một thế giới đầy biến động. Bây giờ vẫn cứ nhìn nhận theo một cách áp đặt như thế thì không thể được".
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF, vào ngày 21 tháng 4 năm 2020, đã công bố phúc trình về Chỉ số Tự Bo Báo chí Thế giới năm 2020 ; theo đó Việt Nam bị xếp hạng 175 trên 180 quốc gia, được đánh giá là không có tự do báo chí.
*******************
Bộ Công an mưu cầu gì khi gộp lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên nghiệp lại ?
RFA, 11/09/2020
Trong phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được tổ chức sáng ngày 11/9, nhiều ý kiến về việc thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an bán chuyên thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã được đưa ra.
Công an dẫn giải người nghiện từ xe xuống sau khi những người này trốn trại cai nghiện ở Đồng Nai hôm 24/10/2016 / AFP
Dự án luật vừa nêu do Bộ Công an đề xuất, với mục đích được nói nhằm góp phần tinh gọn bộ máy và kiện toàn lực lượng, cũng như khắc phục hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo và chồng lấn giữa 3 lực lượng quần chúng này.
Theo Tờ trình dự luật được Bộ Công an công bố trên cổng thông tin của Bộ, hiện có gần 750.000 người trong 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên nghiệp gộp lại, được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Ý kiến dư luận
Trao đổi với RFA từ Hà Nội vào tối 11/9, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự nhận định về dự án luật mới mà Bộ Công an đề xuất như sau :
"Thứ nhất, đây là một sự khát quyền lực của ngành công an bởi vì họ tập trung cả những lực lượng thật sự không thuộc của họ mà chỉ là bán chính thức, dân phòng… vào thành phần chính thức của họ. Bản thân những lực lượng đấy đã nói phải giải tán từ lâu nhưng bây giờ họ lại kết hợp đưa vào lực lượng chính thống của họ. Như thế quân số của họ sẽ tăng lên, khả năng của họ sẽ tăng lên, ngân sách của họ sẽ tăng lên và như thế quyền lực của họ tăng lên".
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương lại đưa ra lập luận :
"Cách hiện nay nó làm là thống nhất các lực lượng vào một đầu mối như thế có cơ sở chính trị và xã hội chứ không phải bình thường, đây cũng là điều đáng lo".
Vẫn theo ông Nguyễn Khắc Mai, sở dĩ có chuyện Bộ Công an muốn thống nhất 3 lực lượng thành 1 như vậy vì những nguyên nhân sau :
"Phải gia tăng lực lượng quân đội, công an, dân phòng ở cấp cơ sở nhằm đối phó với những tình hình hết sức phức tạp hiện nay. Một mặt có yếu tố Tàu xen vào, một mặt khác là yếu tố sự phẫn nộ của nhân dân trước những hành xử cướp bóc, cậy quyền, tàn ác các thứ thì người ta bất bình, nó lo sợ nên phải đối phó, cũng phải đối phó với nhau về phe phái ở trong đảng".
Với góc nhìn cá nhân, một người dân tên Le Dung từ Hà Nội đã bình luận trong bài viết được đăng tải trên website của Đài Á Châu Tự Do về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cho rằng :
"Càng nhiều lực lượng chức năng, càng có nghĩa quốc gia đó bất ổn. Giang hồ trả tiền cho công an để làm ngơ, người kinh doanh trả tiền cho công an để không bị hạch họe".
Nội dung dự án luật
Nói rõ hơn về những nội dung liên quan đến Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trong dự án luật đang được Quốc hội bàn thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết :
"Theo dự thảo luật thì Ủy ban Nhân dân sẽ bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự nói chung cũng như được sử dụng con dấu, được trang bị công cụ hỗ trợ và những lực lượng này có trang bị những thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ và có trang phục riêng. Người ta thường hay nói các lực lượng này lạm quyền nên chưa chuyên nghiệp và bài bản. Nhà nước sẽ chi trả tiền lương cho lực lượng này giống như một lực lượng bên cạnh lực lượng công an".
Luật sư Hậu bày tỏ đồng ý với dự án luật lần này vì cho rằng với lực lượng mới được thống nhất và chịu sự quản lý của cả Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân địa phương, lực lượng này sẽ được huấn luyện bài bản và có thái độ phục vụ tốt hơn cho nhân dân, tránh tình trạng thiếu chuyên nghiệp. Ông tiếp lời :
"Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo luật định tức trong trường hợp cần thiết ví dụ như vì lý do trật tự an toàn xã hội, vì lý do an ninh quốc gia, vì sức khỏe cộng đồng thì mới hạn chế quyền công dân. Trong đó hoạt động của lực lượng công an xã này liên quan đến quyền con người, quyền công dân ở cơ sở nên việc bố trí lực lượng này sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 nhằm đảm bảo cho hoạt động giữ gìn an ninh cơ sở, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, thực hiện đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó công an nhân dân cũng đã khẳng định lực lượng này là lực lượng được tổ chức tại công tác xã. Chúng ta có Luật Công an nhân dân thì bây giờ phải có Luật để 3 lực lượng này hợp nhất thành 1 tôi nghĩ sẽ tốt hơn, giúp cho việc an ninh trật tự trong xã hội sẽ tinh gọn hơn".
Ảnh minh họa. Cảnh sát 113 và dân phòng bao vây những người biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn, ngày 18/05/2014. Reuters
Tăng hay giảm biên chế ?
Phát biểu tại buổi họp ngày 11/9, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay tổng số thành viên trong Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sau khi được tổ chức lại sẽ có khoảng 1,5 triệu người.
Đáng chú ý, theo con số thống kê từ Bộ Công an, tổng số lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở hiện nay khoảng hơn 741.500 người. Trong đó bao gồm 72.456 người trong lực lượng bảo vệ dân phố ; lực lượng dân phòng có 543.095 đội viên ; và lực lượng Công an xã, thị trấn không phải công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người.
Như vậy, sau khi thống nhất 3 lực lượng, thay vì tinh giảm biên chế thì số người trong lực lượng cơ sở mới lại tăng hơn gấp đôi. Đây cũng là điều nhiều người thắc mắc.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay theo quy định của pháp luật, về phòng cháy, chữa cháy, mỗi thôn phải lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người, trong khi cả nước có khoảng 180.799 đơn vị cấp thôn. Như vậy nếu thành lập hết theo quy định tổng số thành viên của lực lượng dân phòng trên toàn quốc là 1,8 triệu người.
Do đó, lẽ ra theo luật định, con số của 3 lực lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an bán chuyên phải đạt ở mức 2 triệu người. Tuy nhiên, do lực lượng dân phòng hiện nay chỉ đạt được 23% nên mới có vẻ như quân số tăng.
Đồng thời, ông Tô Lâm cho rằng lẽ ra là 2 triệu quân nhưng khi thống nhất 3 lực lượng chỉ còn lại 1,5 triệu người, sẽ tiết kiệm cho ngân sách khoảng 150 tỷ đồng mỗi tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A không đồng tình với cách giải thích của người đứng đầu Bộ Công an. Ông cho rằng cách tính tăng gấp đôi là đúng và trong thực tế sẽ không có chuyện Bộ Công an giảm biên chế.
"Hai lực lượng kia đáng lẽ phải giải tán từ lâu rồi, phải giải tán đi thì sẽ không cần ngân sách, tinh giản biên chế, giảm ngân sách. Sự kiểm soát dân cư của Việt Nam đã đến mức nghẹt thở mà còn hiện đại hóa, nâng cấp lên mức như thế thì là một chế độ mà người ta gọi là công an trị, càng ngày càng sâu rộng. Đấy là một dấu hiệu hết sức nguy hiểm cho tương lai của Việt Nam".