Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/09/2020

Theo dõi vụ án Đồng Tâm dưới khía cạnh pháp lý và công an

Nhiều tác giả

Từ vụ Đồng Tâm cần lắm cơ chế giải trình trách nhiệm trước nhân dân !

Phạm Quý Thọ, RFA, 13/09/2020

Ngày 07/09/2020, Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên tòa xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm về các tội "Giết người, chống người thi hành công vụ". Đây, theo nhà chức trách, là "vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hôm 9/1", gọi tắt là "Vụ Đồng Tâm".

vuan1

Xử án những người dân Đông Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020 - TTXVN

Quá trình xảy ra vụ việc kéo dài và tính chất phức tạp khiến dư luận có nhiều vấn đề thắc mắc về vụ án này. Bài viết, từ góc độ cải cách thể chế, lý giải câu hỏi vì sao chính quyền trấn áp những người nông dân ở thôn Hoành một cách tàn nhẫn ? Nên chăng Đảng có cơ chế giải trình trách nhiệm trước dân.

Đây là trường hợp không chỉ nghiêm trọng, mà còn khá điển hình phản ánh bản chất chuyên chế của chế độ áp dụng đối với nông dân để giải quyết tranh chấp đất đai trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Bởi vậy, vấn đề này cần thiết được đưa vào báo cáo chính trị và thảo luận ở Đại hội 13.

Chuyên chế thời bình

Việc ngày 9/9, Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội đề nghị mức án tử hình cho 2 bị cáo và nhiều mức tù nặng nhiều năm, cho thấy khả năng bản án nặng hoàn toàn có thể xảy ra và không gây bất ngờ cho các nhà quan sát.

Tính chất nghiêm trọng của vụ án "Đồng Tâm" bộc lộ bản chất chuyên chế của chế độ, nhưng là hậu quả của nó, chứ không phải là nguyên nhân. Áp dụng chuyên chế trong thời bình, thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, ngày càng trở nên "phản cảm" trong mắt nhân dân và quốc tế, cản trở cải cách thể chế và hội nhập kinh tế với thế giới. Trong trường hợp này là trấn áp thay vì "thi hành công vụ".

Trước hết, chuyên chế là một đặc trưng của chế độ đảng toàn trị, sử dụng bạo lực để duy trì, áp đặt quyền cai trị lên mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội và người dân… Chức năng chuyên chế được thực hiện bởi sự phân công thành ba nhánh quyền lực, tất cả đều do Đảng cộng sản thống nhất lãnh đạo.

Khi tòa án là nhánh quyền lực tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì kết quả xử án mang nặng tính chính trị, theo ý đảng, các yếu tố tư pháp bị xem nhẹ. Bởi vậy, các bản án như nêu ở trên không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, kể cả dư luận khi truyền thông nhà nước đều mô tả người dân Đồng Tâm như những người quá khích, thiếu hiểu biết, và bị kích động bởi các nhóm quá khích. Ngoài ra, cái chết của ba cảnh sát cơ động cũng được các luật sư bên nguyên khai thác quá mức cần thiết tại Tòa…

vuan2

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về nói chuyện với người dân Đồng Tâm hôm 22/4/2017 AFP

Quyết định chuyên chế đối với vụ Đồng Tâm là sự cân nhắc chỉ đạo, và chắc chắn được cơ quan thẩm quyền cao nhất chuẩn y. Từ đầu năm 2017, khi dân Đồng Tâm lần đầu phản đối quyết định thu hồi đất cho Công ty Viễn thông quân đội Viettel, tuy có "đụng độ căng thẳng" với cảnh sát, nhưng họ đã nhận được những nhượng bộ từ chính quyền Hà Nội, trong đó ông Chủ tịch UBND Thành phố đã "cam kết bằng văn bản" đối thoại với dân và không truy cứu hình sự. Dư luận và các nhà quan sát chính trị đã lạc quan rằng chính quyền thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc trao quyền và thúc đẩy quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, như đã biết, chính quyền đã "nuốt lời hứa" bằng việc dùng vũ lực tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm gây nên sự kiện "Rằm tháng Chạp" tính theo Âm lịch với bốn người chết và ba chục người bị bắt giam. Sự thay đổi trên không chỉ với mục đích trấn áp đối với một số nông dân ở thôn Hoành, mà phải nằm trong sự tính toán về sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương và xã hội suy giảm trong lúc Đảng đang tăng cường tập trung quyền lực trước thềm Đại hội 13. Nhiều quan chức địa phương "giấu mình chờ thời" khi nhiều kẻ bị trừng phạt vì vi phạm, trục lợi về đất đai và khi làn sóng khiếu kiện của dân oan về đất đai thường vượt cấp tới trung ương.

Gắn bó "máu xương" với đồng ruộng

Những người nông dân sinh sống, gắn bó máu xương nhiều đời với đồng ruộng của mình, thử hỏi ai có thể yêu đất đai của mình bằng chính họ. Việc trấn áp tàn nhẫn họ thêm minh chứng rằng chính quyền không hiểu họ từ cội nguồn của vấn đề. Những hành động của những nông dân thôn Hoành thể hiện từ khi có "tranh chấp" đất cánh đồng Xênh đến lúc chính quyền đàn áp họ là việc thể hiện việc giữ đất chứ không phải chống đối. Việc tự vệ đã diễn ra khi bị dồn vào "cửa tử".

Thực tế cho thấy việc tranh chấp đất đai luôn chứa đựng nguy cơ xung đột xã hội, cá nhân với chính quyền như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, với tập thể như vụ Đồng Tâm, trên quy mô lớn rộng lớn như vùng nông thôn ở Thái Bình trước đây. Căn nguyên của tình hình là sự sai lầm về chính sách đất đai và sự thoái hoá, lợi dụng chức quyền của quan tham bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Người dân đã mô tả chúng là "cường hào địa chủ mới" hay "bọn quan tham". Người nông dân nghèo khổ và bất bình đã tự phát hình thành "tổ đồng thuận chống tham nhũng" hay kéo nhau biểu tình thì đều là hình thức của hành vi tự vệ. Việc quy kết họ là "phản động" để đàn áp là sai lầm. Còn nhiều tư liệu chứng tỏ rằng người dân Đồng Tâm thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, và phàn nàn về chính quyền địa phương tham nhũng !

Việc cải cách thể chế để phát triển không chỉ nhằm sửa sai về các luật lệ đất đai, đặc biệt về quyền sở hữu, và trừng trị quan tham "ăn đất" mà còn cần lắm một cơ chế chế công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trước nhân dân trong tranh chấp đất đai để tránh dẫn đến xung đột xã hội.

Chưa có một chế độ dân chủ, khi trách nhiệm giải trình là "khép kín", nội bộ, thì cũng cần một "minh vương" để kiểm soát tính chuyên chế trong thời bình và thấu hiểu "lòng dân", đặc biệt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân, sự gắn bó của họ với ruộng đồng. Dù sự kiện đã là lịch sử, nhưng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ đã phát biểu xin lỗi công khai trước "quốc dân đồng bào" về những sai lầm trong cải cách ruộng đất năm 1953 là hình ảnh chưa phai đối với nông dân.

Phạm Quý Thọ (Hà Nội)

Nguồn : RFA, 13/09/020

*******************

Các vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng trong phiên tòa Đồng Tâm

Nguyễn Tiến Trung, RFA, 13/09/2020

Có thể nói phiên tòa xét xử người dân Đồng Tâm đang diễn ra đã thu hút sự chú ý rất lớn của người dân cả nước. Các bản tin trên truyền thông Nhà nước đã liên tục đưa tin buộc tội người dân Đồng Tâm từ trước phiên tòa nhằm tạo dư luận thuận lợi cho bản án mà nhà cầm quyền sẽ tuyên đối với người dân Đồng Tâm. Và có lẽ nhiều người dân Việt Nam không có điều kiện lên mạng xã hội Facebook cũng sẽ tin vào những thông tin tuyên truyền đó.

vuan3

Phiên tòa xử người dân Đồng Tâm ở Hà Nội vào tháng 9/2020 - Nhân Dân

Tuy nhiên, nhìn vào số lượng những người sử dụng Facebook hoài nghi truyền thông Nhà nước, thậm chí phản đối phiên tòa, ta cũng có thể thấy lòng dân không còn dễ cho nhà cầm quyền thao túng nữa. Các luật sư đầy dũng cảm bảo vệ cho người dân Đồng Tâm cũng đã khéo léo đưa lên Faebook rất nhiều luận điểm quan trọng chỉ ra những vi phạm trong tố tụng của nhà cầm quyền, từ đó dẫn đến khả năng tuyên án oan sai cho những người dân Đồng Tâm là không thể tránh khỏi.

Vậy chúng ta cùng điểm lại những vi phạm tố tụng nghiêm trọng nhất từ phía nhà cầm quyền. Ở đây tôi sử dụng từ "nhà cầm quyền" để thay thế cho cả bộ máy tòa án, viện kiểm sát, công an và báo chí dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam.

1. Định tội từ trước phiên tòa

Thứ nhất, mở đầu phiên tòa, nhà cầm quyền cho trình chiếu các đoạn phim cắt ghép chiếu lại bối cảnh đêm 9/1/2020 và cảnh người dân nhận tội để buộc tội người dân Đồng Tâm từ trước. Như thế bản thân thẩm phán đã có sẵn định kiến trong đầu là dân Đồng Tâm có tội, không cần tranh biện trước tòa giữa viện kiểm sát và luật sư để làm sáng tỏ vụ án nữa. Chứng tỏ đây chỉ là một vụ án bỏ túi. Các diễn biến tiếp theo của phiên tòa đều chứng minh luận điểm này.

2. Không công khai và không giao bản sao đoạn phim gốc cảnh tấn công Đồng Tâm

Thứ hai, điều khôi hài là sau khi đoạn phim cắt ghép được trình chiếu thì các luật sư đã yêu cầu đưa đoạn phim gốc ra, vì rõ ràng là khi cảnh sát tấn công vào Đồng Tâm đã có phân công người đi theo quay phim lại. Tòa án đã từ chối trình chiếu đoạn phim gốc, và cũng từ chối giao cho các luật sư bản sao của đoạn phim gốc đó.

Chắc chắn trong đoạn phim gốc do công an quay sẽ thấy rõ dân Đồng Tâm không hề chống người thi hành công vụ và cũng chẳng giết người. Do đó nhà cầm quyền mới từ chối giao đoạn phim gốc ra. Chỉ cần công khai đoạn phim gốc này là sự thật sẽ sáng tỏ.

3. Không thực nghiệm hiện trường

Thứ ba, có rất nhiều tình tiết vô lý trong kịch bản của công an, ví dụ như cả ba chiến sĩ cùng rớt xuống một cái hố nhỏ, dân Đồng Tâm châm xăng vào chậu rồi đổ xuống hố nhiều lần mà không hề hấn gì, nên nhớ xăng là chất cực kì dễ cháy, dễ bay hơi nên dân Đồng Tâm sẽ bị cháy trước, cũng như giữa làn mưa đạn thì họ không thể có đủ thời gian để ung dung đổ xăng nhiều lần. Cũng không có đủ xăng, oxy và cả thời gian để cả ba chiến sĩ cháy ra tro trong một cái hố nhỏ như thế. Các luật sư đã đề nghị phải thực nghiệm lại hiện trường để kiểm tra các chi tiết vô lý, trái với khoa học này. Điều này không phải chỉ để minh oan cho dân Đồng Tâm nhưng cũng là để làm sáng tỏ cái chết mờ ám của ba chiến sĩ.

Tòa án, viện kiểm sát, luật sư Nguyễn Hồng Bách đại diện cho gia đình ba cảnh sát đã chết, thậm chí cả báo chí nhà nước cũng cấp tập đăng bài, cho rằng thực nghiệm lại hiện trường là quá "dã man". Lý lẽ của nhà cầm quyền rất nực cười vì thực nghiệm để đảm bảo tính khoa học, phù hợp lời khai, tình tiết với dấu vết tại hiện trường. Có rất nhiều cách khoa học và đảm bảo an toàn để thực nghiệm hiện trường nhưng nhà cầm quyền đã cố tình bác bỏ.

Tại sao một vụ trọng án đã có bốn người chết và hai người có thể bị tử hình lại được xét xử cực kì sơ sài ? Chỉ có thể trả lời là thực nghiệm hiện trường sẽ khiến lộ ra sự thật : dân Đồng Tâm không hề chống người thi hành công vụ và cũng chẳng giết người.

Lưu ý với luật sư Nguyễn Hồng Bách là việc giao cho các luật sư bản sao của cuốn phim gốc do công an quay cảnh tấn công vào Đồng Tâm không hề có gì là "dã man", tại sao ông cũng không dám ủng hộ ? Như vậy luật sư Nguyễn Hồng Bách cũng không hề muốn làm sáng tỏ cái chết của ba chiến sĩ ? Vậy ông đại diện cho nhà cầm quyền hay cho các chiến sĩ đó ?

4. Có dấu hiệu nhà cầm quyền giết dân và tra tấn dân trái pháp luật

Thứ tư, các đoạn phim chiếu cảnh dân Đồng Tâm nhận tội đều thấy rõ mặt mũi người dân sưng húp, trầy xước. Chắc chắn họ đã bị tra khảo đánh đập. Khi luật sư Đặng Đình Mạnh hỏi 29 bị cáo là ai không bị tra tấn thì chỉ có 10 cánh tay ngập ngừng đưa lên, nghĩa là có ít nhất 19 người bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Anh Lê Đình Công thì nói rõ là bị điều tra viên Phạm Việt Anh tra tấn "mười ngày như một".

Cụ Bùi Viết Hiểu và cô Bùi Thị Nối đều khai rất rõ trước tòa là bị sát thủ bắn thẳng vào ngực nhưng cả hai may mắn không chết. Tất cả những tình tiết giết dân và tra tấn dân này đều bị tòa lờ đi.

vuan4

Ông Bùi Viết Hiểu trước phiên tòa ở Hà Nội tháng 9/2020 TTXVN

Cụ Bùi Viết Hiểu cũng khai là thấy sát thủ bắn chết cụ Lê Đình Kình từ phía trước. Điều này phù hợp với hình ảnh và đoạn phim quay lại xác cụ Kình sau đó khi xác cụ được trả về cho gia đình để mai táng. Cụ Kình bị bắn ở cự li gần vào ngực và vào đầu, phần lưng cụ thâm tím vì bị tra tấn tàn bạo, cụ cũng bị súng lớn bắn văng đầu gối. Cụ Dư Thị Thành là vợ của cụ Kình cũng xác nhận là khi cụ Thành bị cảnh sát lôi ra khỏi nhà thì cụ Kình vẫn còn sống và đã hoàn toàn bị cảnh sát khống chế một cách an toàn.

5. Không cho nhân chứng và người thân đến tòa

Thứ năm, cụ Dư Thị Thành là nhân chứng cực kỳ quan trọng như ở phần trên đã trình bày nhưng thẩm phán lại không mời cụ Thành đến để làm chứng, đối chiếu lời khai, dù các luật sư đã yêu cầu.

Thân nhân của các bị cáo, đồng thời cũng là nhân chứng cũng không được tham gia phiên tòa mà bị xua đuổi ở bên ngoài. Điều này có nghĩa là các thẩm phán không muốn sự thật được sáng tỏ, không muốn phiên tòa bị người dân chứng kiến trực tiếp, không muốn có những nhân chứng bất lợi cho nhà cầm quyền xuất hiện tại tòa.

6. Không cho luật sư tiếp xúc thân chủ

Thứ sáu, từ những điểm mờ ám đã nói ở trên thì không có gì khó hiểu khi tòa án không cho luật sư trao đổi với thân chủ trong thời gian diễn phiên tòa. Lại một lần nữa, điều này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Mục đích nhằm vô hiệu hóa luật sư, không cho thông tin từ người dân Đồng Tâm đến được với luật sư và đến với người dân cả nước.

Sau khi bị các luật sư phản đối thì tòa án đã phải chấp nhận cho luật sư được tiếp xúc với thân chủ nhưng phải cách hai mét và công an vây xung quanh. Tuy nhiên ngay sau đó thì tòa án lại quyết định không cho luật sư được tiếp xúc thân chủ khi có nhiều thông tin bất lợi cho nhà cầm quyền bắt đầu được sáng tỏ, khi các luật sư khéo léo đưa tin lên mạng xã hội.

7. Không công khai "công vụ" là gì

Thứ bảy, nhà cầm quyền cáo buộc dân Đồng Tâm "chống người thi hành công vụ" nhưng không hề dám đưa ra văn bản "công vụ" gì, viện lẽ đây là văn bản "tối mật". Trong cáo trạng thì đây là Kế hoạch số 419a/KH-PV01-PV02-MP do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt.

Câu hỏi đặt ra là "công vụ" này thuộc diện "tối mật", dân không được biết về nó thì làm sao có thể quy kết "dân chống người thi hành công vụ" ? Công an có bắc loa lúc nửa đêm đọc cho dân nghe bản Kế hoạch 419a này không ? Chắc chắn là không. Và có gì đảm bảo Kế hoạch 419a này hợp hiến và hợp pháp ? Nên nhớ sinh mạng và nơi ở của công dân là bất khả xâm phạm theo Hiến pháp do chính đảng cộng sản ban hành. Cần mở cuộc điều tra độc lập xem Kế hoạch 419a này có hợp hiến và hợp pháp hay không.

Việc này tạo ra một tiền lệ rất xấu là nhà cầm quyền có thể xua công an, cảnh sát giết dân rồi chỉ cần nói rằng dân "chống người thi hành công vụ". Nếu ai hỏi "công vụ" gì thì chỉ cần nói "công vụ" này "tối mật", không tiết lộ được. Như vậy thì bất kì công dân nào cũng có thể bị giết vì một "công vụ" "tối mật" nào đó.

8. Không tranh biện đến cùng tại tòa

Thứ tám, từ những điểm mờ ám, sai trái trên của nhà cầm quyền mà thẩm phán đã phải sử dụng "tiểu xảo" rất kỳ quái. Đó là khi luật sư tiến hành bào chữa để vạch ra những điểm sai trái đó thì thẩm phán yêu cầu luật sư ngưng nói và sẽ bào chữa sau. Tuy nhiên sau đó thẩm phán bất ngờ tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Các luật sư đều ngỡ ngàng vì còn rất nhiều câu hỏi từ các luật sư chưa được trả lời và bản thân các luật sư cũng chưa làm xong phần bào chữa của mình.

Một vụ án cực kỳ nghiêm trọng có tới bốn người chết và có hai người có thể bị tử hình, xét xử 29 người nhưng phiên tòa chỉ được tiến hành trong có bốn ngày, từ thứ hai đến thứ năm, chứng tỏ phiên tòa được xét xử rất sơ sài và vội vã, không hề hợp lý và chính đáng.

Tiếp tục đấu tranh vì công lý

Còn vô số vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng khác của nhà cầm quyền trong phiên tòa Đồng Tâm nhưng tôi chỉ đưa ra đây tám điểm nghiêm trọng nhất theo quan điểm của tôi. Chắc chắn thời gian tới, các luật sư, luật gia Việt Nam và quốc tế sẽ còn rất nhiều điều để phân tích về vụ án này, thậm chí có thể phải đưa sự việc lên Liên Hiệp Quốc vì cách thức tổ chức phiên tòa đã vi phạm các Công ước quốc tế về quyền con người, quyền dân sự và chính trị mà nhà nước Việt Nam đã ký kt.

Tôi viết những dòng này không chỉ để đấu tranh cho người dân Đồng Tâm mà cho cả các chiến sĩ cảnh sát, công an, và cả quân đội. Nếu lực lượng vũ trang phải hy sinh thì đó phải là cái chết để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ nhân dân, chứ không phải là một cái chết mờ ám trong một cuộc tấn công vào một làng quê Việt Nam.

Tôi không chỉ muốn làm sáng tỏ cái chết của cụ Lê Đình Kình và minh oan cho người dân Đồng Tâm, tôi cũng muốn làm minh bạch cái chết của ba chiến sĩ. Các anh không thể chết một cách mờ ám và cái chết của các anh bị nhà cầm quyền lợi dụng để lại đi gây ra những bản án, những cái chết oan sai khác.

Lòng dân sôi sục

Khi kết thúc phiên tòa ở ngày thứ tư, tức thứ năm 10/9/2020, luật sư Ngô Anh Tuấn đã bị công an ngăn cản dùng USB để sao chép lại biên bản phiên tòa. Các luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng phản đối thì cả ba luật sư đã bị công an xô đẩy suýt gây thương tích. Sau đó ba luật sư đã bị một nhóm thanh niên "mặc thường phục" bám theo đe dọa.

Tuy nhiên, khi thông tin này được đưa lên mạng thì có rất nhiều người dân đang ở Hà Nội đã đến giúp các luật sư. Thậm chí có người đưa cả ba chiếc xe bảy chỗ tới để hộ tống luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Nguyễn Văn Miếng tới tận sân bay Nội Bài để trở về Sài Gòn an toàn.

Sự việc trên chứng tỏ nhà cầm quyền không còn có thể độc quyền truyền thông và tiếp tục lừa dối người dân như trước. Sau mỗi một sự việc chà đạp đạo lý, vi phạm Hiến pháp và pháp luật tày trời của nhà cầm quyền thì lại có thêm rất nhiều người dân bước qua nỗi sợ hãi để đoàn kết với nhau chiến đấu vì công lý. Người dân không sợ nhà cầm quyền nữa, dù hình ảnh bi thương của cụ Lê Đình Kình là một lời đe dọa ngầm đến toàn dân là số phận của bất kì người dân nào cũng sẽ như cụ Kình nếu dám chống lại những sai trái của nhà cầm quyền.

Nguyễn Tiến Trung

Nguồn : RFA, 13/09/2020

*********************

Đồng Tâm : Những hy sinh cần thiết

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), RFA, 12/09/2020

Phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm sắp kết thúc.

Sẽ có một bản án tương tự với bản cáo trạng, hay sẽ thêm chút "nhẹ tay" hơn, thậm chí không có bản án tử hình nào ?

vuan5

Người dân Đồng Tâm bị xét xử trong phiên tòa ở Hà Nội vào tháng 9/2020 - Báo Chính Phủ

Tất cả đều phản ánh phần nào sức mạnh công luận ; ở chiều ngược lại là thể hiện sự lúng túng trong thứ quyền lực tuyệt đối đang cố gia tăng trong thế ngày càng nguy ngập.

Nhớ lại vụ Cống Rộc – Đoàn Văn Vươn

Quá nhiều những bức bối, căm phẫn chồng chất từng ngày bao năm nay về đất đai khiến cả chính quyền lẫn công luận như thể đã lãng quên sự kiện chấn động nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại về tranh chấp đất đai 8 năm trước.

Lẽ ra nó phải là bài học lớn cho chính quyền để xử lý vụ Đồng Tâm, bởi có những tình tiết quá giống nhau giữa hai vụ án. Cũng tranh chấp đất, cũng dùng lực lượng vũ trang mở "chiến dịch" tấn công những nông dân yếu ớt, rồi thiệt hại nặng vì bị họ chống trả quyết liệt, và cũng phạm luật ở chính người nhà nước.

Có điều, với Cống Rộc, phải nói rằng ông Thủ tướng khi đó đã tỏ ra quyết đoán, tỉnh táo. Ngay mấy ngày đầu, dường như ông đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải "nghiêm trị" kẻ chống đối chính quyền. May thay, báo chí nhà nước vào cuộc quá nhanh, mà như thể không có sự "định hướng" kịp thời nào từ tuyên giáo, đã lên tiếng bênh vực anh em nhà nông dân Đoàn Văn Vươn.

Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của (cố) Chủ tịch nước Lê Đức Anh, và một số vị cựu quan chức khác, chỉ sau ít ngày đã lên tiếng phản đối chính quyền Hải Phòng trong vụ việc.

Còn dư luận bênh vực cho gia đình Đoàn Văn Vươn trên mạng tự do, của bao nhiêu nhân sĩ trí thức, cả cựu tướng công an v.v. thì khỏi phải nói.

Lập tức, Chính phủ đã "xoay trục" (?), có sự chỉ đạo địa phương, rồi một tháng sau có cuộc họp báo yêu cầu kỷ luật các cấp ở Hải phòng.

Kết cục, như một lối "giảng hòa", cả người nhà nước lẫn những nông dân trong vụ án đều phải chịu hậu quả nhưng nhẹ hơn so với phán đoán chung.

Thế nhưng, có một thứ quan trọng không được xử lý, nên mới góp phần không nhỏ để có hôm nay – Đồng Tâm.

Lãng quên nên mới có Đồng Tâm

Thứ "lãng quên", "không được xử lý" đó chính là về vai trò "thanh bảo kiếm của Đảng".

Một vụ tấn công trái luật, mà chỉ chính quyền huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm, còn lực lượng công an, quân đội tham gia thì "vô can".

Ông Đại tá Đỗ Hữu Ca lớn giọng tự ngợi ca đó là một trận "đánh đẹp", để rồi ngay trước phiên tòa phúc thẩm xử Đoàn Văn Vươn, ông được phong hàm thiếu tướng.

Ở vụ Cống Rộc, lực lượng công an bị "mất mặt" quá nặng. Họ không những sai mà còn bộc lộ năng lực chuyên môn quá yếu kém.

Nhưng ở Đồng Tâm năm 2017, có lẽ họ còn cảm thấy "mất mặt" gấp ngàn lần. Đó chính là mấu chốt quan trọng khó tả để đem tới hậu quả 9/1/2020.

Nếu có sự kiểm điểm nghiêm khắc trong nội bộ, có chỉ đạo ở trên, có kỷ luật, thậm chí bản án cho những người tham gia tấn công vào khu nhà đất của anh em Đoàn Văn Vươn khi đó, thì chắc chắn sẽ là một cảnh báo cho lực lượng này chớ quá lạm dụng quyền lực.

Tiếc thay đã không có điều đó, thậm chí còn ngược lại.

Từ đó nảy sinh chủ quan, kiêu ngạo, để rồi khi bị "vỗ mặt", chất "kiêu binh" nổi lên ngùn ngụt, dẫn tới tai họa chồng chất. Sai lầm nối tiếp sai lầm !

Chưa dừng ở đó, sau 9/1 lại tiếp tục những sai lầm cho tới phiên tòa sơ thẩm …

Phải chặn đứng chuỗi sai lầm

Ít nhất vụ Đồng Tâm này là sai lầm thứ ba của ngành công an ở tầm mức quốc gia, quốc tế trong ngót nửa thế kỷ qua.

Trong hai sai lầm nghiêm trọng trước đây, đều có vai trò của lãnh đạo ngành công an, nhưng đã không có việc rút kinh nghiệm nghiêm túc, không có kỷ luật nghiêm khắc. Nay không thể cứ tái diễn được.

Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là, liệu có hay không các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước tham gia quyết định "xử lý" với Đồng Tâm ngày 9/1 ? Và nếu có thì họ có được báo cáo đầy đủ, chính xác toàn bộ sự việc cả trước và sau vụ tấn công hay không ?

Nếu CÓ thì e rằng các lãnh đạo đã một lần nữa "nương tay" với công cụ chuyên chính của mình ; để rồi phải chịu búa rìu dư luận và lòng tin của dân thêm mất mát.

Nếu KHÔNG thì lúc này là thời cơ tốt nhất để thể hiện rõ sự sáng suốt, kiên quyết chỉnh đốn thứ công cụ đó.

Một câu hỏi nữa không kém phần quan trọng là có hay không chuyện lợi ích kinh tế "không trong sáng" đằng sau vụ việc Đồng Tâm (kể cả vụ Cống Rộc).

Kết quả phiên sơ thẩm, rồi phúc thẩm có thể hé lộ phần nào gợi ý cho hai câu hỏi trên. Còn sau đó, có hay không việc xử lý trong nội bộ ngành công an, sẽ góp thêm phần cho câu trả lời.

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng do Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt rất cần vai trò của ngành công an, nhưng phải là lực lượng mạnh và trong sạch.

Muốn vậy, không thể cứ kiểu "đóng cửa bảo nhau", trong khi lòng dân thì không thuận, đầy nghi ngại trước những vụ án quan chức tham nhũng bởi cách xử lý chưa triệt để.

Những hy sinh của bao nông dân, từ tiền của cho tới con người qua các vụ án này, dẫu có đớn đau, nhưng đáng trân trọng và cũng là cần thiết cho cuộc chiến chống tham nhũng, đòi hỏi nhà nước có những chính sách đúng đắn về đất đai và các quyền tự do dân chủ.

Những "mất mát" về con người của người nhà nước, ngành công an, một khi họ lạm quyền, phạm luật trong những vụ việc thế này là rất đáng phải có, để giảm bớt bức xúc trong dân, tạo lập niềm tin, hy vọng.

Chẳng lẽ chỉ người dân phải chịu hy sinh, còn người nhà nước thì cứ muốn "chiến thắng" mãi sao ?

"Bảo kiếm" không được thường xuyên mài dũa, không có người điều khiển sáng suốt, "chém" không trúng kẻ thù - "giặc nội xâm", lại vào dân lành mà mình đáng ra "phải kính trọng, lễ phép", thì nguy to.

Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm)

Nguồn : RFA, 12/09/2020

************************

3 công an chết vì tự bắn vào nhau trong cuộc tấn công Đồng Tâm

Tin nội chính, Thoibao.de, 13/09/2020

Nguồn tin từ Cục 5 (Cục tình báo Bộ Công an) cho biết "3 cảnh sát đã chết hôm 9/1/2020 trong cuộc đột kích vào Đồng Tâm là do tự bắn nhầm vào nhau trong đêm tối".

vuan6

Bộ trưởng Công an Tô Lâm – người chịu trách nhiệm kế hoạch tấn công Đồng Tâm, giết chết, mổ bụng Đảng viên lão thành cách mạng Lê Đình Kình vào rạng sáng 9/1/2020

Cuộc đột kích nhà cụ Lê Đình Kình đã được thực hiện rất vội vàng và vụng về do cấp chỉ huy thiếu kinh nghiệm, cùng lúc nhiều mũi tấn công lao vào nhà cụ Kình từ nhiều hướng ngược nhau, các quả nổ và tiếng súng vang lên, không gian chật hẹp, hiện trường mù khói, tiếng hô hoán, tiếng kẻng hỗn loạn, chính điều này đã làm nhiều "cảnh sát cơ động bối rối, dẫn đến nhận nhầm đồng đội đang tiến vào từ phía đối diện là kẻ tấn công, họ đã nổ súng nhằm vào các bóng người đó, dẫn đến cái chết của 3 cảnh sát cơ động".

Tin cũng cung cấp thêm : "Sau khi 3 công an này chết, kịch bản hiện trường giả đã được đưa ra, cùng với đó là miêu tả dân Đồng Tâm đổ xăng ra chậu và hắt xuống hố để thiêu cháy 3 công an đã chết trước đó".

Nguồn tin khác từ trung đoàn cảnh sát cơ động Hà Nội cho biết thêm : "Từ khi quân Hưng Yên được điều về chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu của Bộ Công an, cảnh sát cơ động đã phải nhận các yêu cầu đàn áp người dân mạnh hơn, dã man hơn trước, các chiến sĩ cũng bất bình".

Được biết, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng là người Hưng Yên, gần đây đã liên tục gạt người của các phe khác ra, để bổ nhiệm nhiều vị trí cấp cao trong Bộ Công an là người đồng hương với mình, dẫn đến các dị nghị từ cán bộ lão thành và các sĩ quan công an khác đang công tác trong ngành.

CBB

Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam

(tường thuật từ Hà Nội, 13/9/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), CBB
Read 552 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)