Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/09/2020

Đại dịch Covid và Donald Trump giúp Châu Âu thức tỉnh trước Bắc Kinh

Thụy My

Tổng thống Mỹ đã đánh thức Châu Âu khi khởi động cuộc thương chiến. Bên cạnh đó, "ngoại giao khẩu trang" sẽ đi vào lịch sử như một thất bại thảm hại của Tập Cận Bình, thái độ hung hăng đã gây phản tác dụng tại Châu Âu, nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch corona.

europe00

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đối thoại với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua video tại Bruxelles (Bỉ) ngày 14/09/2020.  © Reuters/Yves Herman/Poo

Bên cạnh những vấn đề như dịch virus corona tăng mạnh, Hy Lạp mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình Belarus, người tị nạn, tất cả các nhật báo Pháp đều tập trung cho chủ đề chính là cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc hôm nay 14/09/2020.

Pháp không còn e dè trong việc chỉ trích Trung Quốc

Trước hết đối với các nước đầu tàu Châu Âu, Le Monde nhận xét "Trước thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Pháp tìm kiếm một giọng điệu đúng đắn trước Bắc Kinh".

Bị 30 dân biểu Pháp chất vấn hồi tháng Bảy về việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, ông Emmanuel Macron rốt cuộc đến ngày 06/09 đã có câu trả lời. Tổng thống Pháp lên án "các trại cải tạo, những vụ bắt giam hàng loạt, mất tích, cưỡng bức lao động và triệt sản, hủy hoại di sản người Duy Ngô Nhĩ, giám sát…""không thể chấp nhận được". Dưới áp lực của dư luận, Pháp và Châu Âu từ nhiều tháng qua đã cứng rắn hơn trong vấn đề Tân Cương, mà vòng công du thất bại vừa rồi của Vương Nghị đã chứng tỏ.

Khi gặp ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Vương Nghị tiếp tục luận điệu "chống khủng bố", thậm chí còn trơ trẽn so sánh các trại giam người Duy Ngô Nhĩ với các nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm cải hóa quân thánh chiến và gia đình trở về từ Syria. Ông ta phản đối việc Pháp cho mở văn phòng đại diện thứ hai của Đài Loan tại Aix-en-Provence.

Về chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Macron từ nay đến cuối năm, phía Pháp không xác nhận dù hồi đầu năm 2018 ông Macron từng cam đoan sẽ quay lại "ít nhất một lần trong năm".Paris muốn có được thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc trước đã. Về mặt song phương, có dự án nhà máy tái chế chất đốt nguyên tử - một vấn đề vô cùng nhạy cảm vì phải chuyển giao một công nghệ lưỡng dụng.

Giới kinh doanh và chính khách Đức thay đổi quan điểm với Bắc Kinh

Trong khi đó cũng theo Le Monde, "Đức trở nên nghi ngờ Trung Quốc",đối tác nay trở thành "đối thủ mang tính hệ thống". Dưới sự thúc đẩy của giới kinh doanh, các đảng chính ở Đức phải xem lại chủ trương của mình đối với Bắc Kinh.

Chưa bao giờ người đứng đầu tập đoàn Siemens của Đức có những phát biểu như vậy về Hồng Kông và Tân Cương : ông Joe Kaeser hôm 10/09 "kiên quyết lên án tất cả những dạng thức đàn áp, cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền". Mới cách đây một năm, không thể nào tưởng tượng được những lời lẽ thẳng thừng như vậy, từ một tập đoàn mà 10% doanh số thực hiện tại Trung Quốc, nơi Siemens hiện diện từ năm 1872 và nay có 35.000 công nhân. Sau ba ngày trong phái đoàn thủ tướng Angela Merkel thăm Hoa lục, ông Kaeser tuyên bố Đức phải giữ thăng bằng giữa "các giá trị đạo đức và lợi ích".

Sự kiện trên tiêu biểu cho những biến chuyển về nhận thức tại Đức đối với Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Berlin. Báo cáo tháng 1/2019 của Liên đoàn Kỹ nghệ Đức (BDI) cảnh báo về sự can thiệp của Nhà nước Trung Quốc và tham vọng thống trị về công nghệ. Trung Quốc không còn là công xưởng đơn thuần mà đã trở thành người cạnh tranh đáng ngại. Patricia Schetelig, phụ trách quan hệ với Trung Quốc của BDI khẳng định, ban đầu giới kinh doanh rất ngại chỉ trích Bắc Kinh vì sợ bị trả thù, nhưng nay họ hiểu rằng nói thắng sẽ được tôn trọng hơn.

Về mặt chính trị, việc triển khai 5G của Hoa Vi (Huawei) cũng gây tranh cãi dữ dội trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel. Còn đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đồng tình chống Hoa Vi, lần đầu tiên hôm 30/06 đã công bố một văn bản 11 trang xác định chiến lược đối phó với Trung Quốc. Một số người hy vọng vào cuối nhiệm kỳ bà Merkel, Đức sẽ gây áp lực mạnh hơn về nhân quyền.

Berlin trên tuyến đầu

La Croix ghi nhận"Thượng đỉnh EU-Trung Quốc : Berlin đổi thái độ với Bắc Kinh". Là chủ tịch luân phiên EU, Đức nay dứng trên tuyến đầu đối phó với Trung Quốc.

Đại dịch khiến hội nghị thượng đỉnh được tiến hành qua video, thu hẹp giữa các nhà lãnh đạo EU và Tập Cận Bình, nhưng như vậy lại giúp EU có được tiếng nói thống nhất. Riêng trong lãnh vực thương mại, Trung Quốc hy vọng ký được hiệp ước đầu tư trước cuối năm, nhưng EU không tin tưởng vì thiếu tiến bộ trong sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường công.

Trong bối cảnh đó, Berlin thẳng thừng chỉ trích không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị. Nhà quan sát Mikko Huotari, trung tâm Mercator ở Berlin nhận xét, Đức đã giật mình tỉnh thức từ năm 2016 trước làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. Tập đoàn robot hàng đầu là Kuka bị công ty máy giặt Trung Quốc Midea thâu tóm, rồi đến nhà sản xuất máy công cụ KraussMaffei bị ChemChina mua lại, công ty năng lượng EEW bị Beijing Entreprise mua. Tổng cộng Trung Quốc đổ vào Đức hơn 13 tỉ đô la năm 2017.

Sau đó chính quyền Merkel phải sửa đổi luật, và kịp thời ngăn chặn công ty bán dẫn Aixtron không bị Fujian Grand Chip Investment Fund thâu tóm. Đối với các dự án đầu tư về "cloud", trí tuệ nhân tạo, không gian… nay Đức ưu tiên cho Châu Âu. Tuy vậy Đức vẫn muốn duy trì vị trí quan trọng tại Trung Quốc, trong khi đó gia tăng các đối tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Chuyên gia : Đức lo sợ Trung Quốc gây khó khăn cho kỹ nghệ xe hơi

Libération nhận định "Trung Quốc – EU : Một thượng đỉnh đầy thách thức" với các hồ sơ thương mại, 5G, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông… nhưng 27 nước Châu Âu sẽ cố gắng có cùng một tiếng nói trước Tập Cận Bình.

Trong bài phỏng vấn, ông Michel Fouquin, chuyên gia về Châu Á của Trung tâm nghiên cứu triển vọng và thông tin quốc tế (CEPII) khẳng định không có cạnh tranh bình đẳng giữa Châu Âu và Trung Quốc, khi Bắc Kinh trợ giá ồ ạt cho kỹ nghệ và áp đặt chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Trung Quốc dễ dàng mua các công ty EU trong khi chiều ngược lại thì rất phức tạp.

Ông cũng nhận thấy sự thay đổi quan điểm của Đức. Cách đây hai, ba năm, Berlin đã có nhiều nhượng bộ để thâm nhập được thị trường Hoa lục, nhưng rồi đã nhận ra Bắc Kinh không phải là một người cạnh tranh bình thường. Trung Quốc đã đuổi kịp phương Tây trong lãnh vực rất nhạy cảm đối với người Đức là xe hơi, đặc biệt là xe chạy bằng điện, và trong ba năm nữa sẽ gây khó khăn cho Đức. Theo chuyên gia Fouquin, đây là lý do chủ yếu khiến Berlin đổi thái độ với Bắc Kinh.

EU sáng mắt trước Bắc Kinh sau đại dịch

Tờ báo cánh tả cũng nhận thấy "27 nước EU đã sáng suốt hơn sau đại dịch".Sau khi hào hiệp giúp đỡ Bắc Kinh vào lúc dịch Covid mới xảy ra, nay các nước Châu Âu chọn lựa đường lối cứng rắn như kiểu của Mỹ.

"Ngoại giao khẩu trang" sẽ đi vào lịch sử của ngành ngoại giao như một thất bại thảm hại của Tập Cận Bình, thái độ hung hăng đã gây phản tác dụng. Nếu "hồi kết của sự ngây thơ Châu Âu" trước Bắc Kinh đã được tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố từ tháng 6/2019, đại dịch đã khiến sự ngờ vực Trung Quốc chưa bao giờ cao như thế.

Trong khi năm 2020 khởi đầu rất thuận lợi giữa đôi bên. Ngay từ tháng Giêng, hàng triệu tấn dụng cụ, thiết bị y tế đã được các nước Châu Âu hào phóng viện trợ cho Bắc Kinh, một cách lặng lẽ. Đến tháng Ba, tới lượt Châu Âu bị con virus từ Vũ Hán hoành hành, Trung Quốc đã hỗ trợ nhưng khua chiêng gióng trống tưng bừng để tự quảng cáo và nhấn mạnh sự bất lực của EU. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn xua hàng đàn "chiến lang" bôi nhọ các chính phủ Châu Âu, chưa kể một số mặt hàng y tế Trung Quốc lại là hàng dỏm.

Donald Trump đánh thức Châu Âu về bộ mặt Trung Quốc

Đầu tháng Chín, Bắc Kinh đã nhận ra hậu quả : Vương Nghị và Dương Khiết Trì được các "nước bạn" EU tiếp đón một cách lạnh nhạt. Chưa kể chủ tịch Thượng Viện Cộng hòa Séc còn đi thăm Đài Loan, trong khi nước này là thành viên nhóm 17+1, công thức được Trung Quốc lập ra năm 2012 tập hợp các nước Trung và Đông Âu (trong đó có 12 nước là thành viên EU), và là đầu cầu thâm nhập Châu Âu của Bắc Kinh.

Thật ra sự hung hăng của Trung Quốc đã có từ rất lâu, ít nhất về thương mại và công nghệ. Không có ông Donald Trump, có lẽ EU vẫn luôn nhút nhát trước Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ đã đánh thức phương Tây khi khởi động cuộc thương chiến, cáo buộc rất đúng là Trung Quốc không tôn trọng luật lệ quốc tế, chắp thêm đôi cánh cho Châu Âu.

Từ 2017, EU liên tục tăng cường chống phá giá, trợ giá của Trung Quốc, giám sát đầu tư, chuyển giao công nghệ, đòi hỏi mở cửa thị trường tương xứng… Đặc biệt việc Bắc Kinh giấu diếm đại dịch corona đã gây tác hại lâu dài : suy thoái trầm trọng nhất trong thời bình kể từ ba thế kỷ qua. EU bị yếu đi trong lúc phải tự vệ hết mình trước một Trung Quốc ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng do mình gây ra.

Cơ hội cuối cùng cho quan hệ EU-Trung Quốc

Tương tự, Les Echos cho rằng thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hoài nghi ngày càng lớn trước Bắc Kinh. Gió đã đổi chiều.

Châu Âu quyết không ký hiệp ước đầu tư đã thương lượng từ bảy năm qua với Trung Quốc, một khi không có được những bảo đảm từ đối tác nay chỉ gây ngờ vực. Vương Nghị lấy "đa phương" ra để thuyết phục, cố làm dịu đi hình ảnh của Trung Quốc trong vòng công du, nhưng không thoát được những chất vấn về Hồng Kông, Tân Cương... Theo một nguồn tin ngoại giao ở Bruxelles, "Làn sóng Trung Quốc trước đây đe dọa gây chia rẽ EU, đang bị đẩy lùi".

Đang căng thẳng với Mỹ, Bắc Kinh cổ tỏ ra hòa dịu, hy vọng tránh được việc Châu Âu xích lại gần với Hoa Kỳ. Theo nhà nghiên cứu Marc Julienne, Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần này là cơ hội cuối cùng cho quan hệ đôi bên, trước cuộc bầu cử Mỹ mà nếu ông Joe Biden chiến thắng sẽ mở đường cho việc củng cố mối liên hệ Mỹ-Châu Âu.

Ngược lại theo tác giả Dominique Moisi trên Les Echos, trước Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự chọn lựa của EU không dễ dàng. Cho dù ông Biden có trở thành tổng thống Mỹ đi nữa, Hoa Kỳ cũng sẽ không tiếp tục là người bảo trợ an ninh cho Châu Âu – Washington đã mỏi mệt trước những cam kết quốc tế.

Những liên minh mới thành hình

Về mặt địa chính trị, tác giả Nicolas Baverez trên Le Figaro ghi nhận hiện tượng tập trung lại thành những nhóm khép kín trên thế giới, mà tác giả gọi là "quần đảo hóa", trên các lãnh vực kỹ thuật số, thương mại, kỹ nghệ, tài chính, ý thức hệ.

Đối mặt với sự thù địch trước tham vọng đế quốc của Trung Quốc, Tập Cận Bình đành phải tập trung cho thị trường nội địa trong kế hoạch 5 năm sắp tới, giảm lệ thuộc với bên ngoài, đặc biệt trước sự tấn công nhiều mặt của Mỹ.

Không chỉ có lưỡng cực Mỹ-Trung, mà tại Châu Á, Ấn Độ xích gần với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, New Zealand để tránh bị Trung Quốc bao vây. Ở Trung Đông, hình thành trục Israel-Ai Cập-Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và các nước Hồi giáo Ả Rập, đối lập với các nước Hồi giáo không Ả Rập gồm Pakistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia. Tại Châu Âu, hố sâu ngăn cách càng rộng hơn giữa các nước Bắc-Nam về mặt kinh tế, Đông và Tây Âu về các giá trị tinh thần.

Theo Dominique Moisi, EU cần hiểu rằng Bắc Kinh cố tình chia rẽ Châu Âu để kiểm soát và thống trị trong tương lai. Cố thủ tướng Israel, bà Golda Meir từng nói : "Hãy mạnh mẽ lên, người ta chỉ tôn trọng kẻ mạnh !". Liệu Châu Âu có làm được hay không ?

Thụy My

Nguồn : RFI, 14/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 538 times

2 comments

  • Comment Link Hoàng Trường Sa vendredi, 18 septembre 2020 06:53 posted by Hoàng Trường Sa

    Pháp, Đức và Anh vừa gửi Công hàm chung cho Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách của TQ ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)

    (nguồn bản gốc: https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys_12_12_2019/2020_09_16_FRA_NV_UN_001_EN.pdf )

    Sau đây là bản dịch của tôi (Hoàng Trường Sa) để quý vị tiện theo dõi.

    CÔNG HÀM CHUNG CỦA PHÁP, ĐỨC VÀ ANH GỬI LIÊN HIỆP QUỐC

    Phái bộ Thường trực của Pháp tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ lời khen ngợi Ban Thư ký của Liên Hiệp Quốc và xin hân hạnh đề cập tới những quan điểm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về các yêu sách của nước này ở Biển Nam Trung Hoa quy chiếu về các Công hàm Số CML/14/2019 ngày 12/12/ 2019, Số CML/11/2020 ngày 23/03/2020, Số CML/42/2020 ngày 17/04/2020, Số CML/46/2020 ngày 2/02/ 2020, Số CML/48/2020 ngày 18 /06/2020, Số CML/54/2020 ngày 29/07/2020, và Số CML/56/2020 ngày 7/08/2020, cũng như phụ lục của thư ngày 9/06/2020 của Phái bộ Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Tổng Thư Ký, liên quan tới bản đệ trình của Malaysia HA 59/19 ngày 12/12/2019 cho Ủy Ban về Giới hạn Thềm Lục địa.

    1. Pháp, Đức và Anh, là những Quốc gia Thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), muốn tái xác định vị trí pháp lý của mình như sau:

    - Pháp, Đức và Anh nhắc lại rằng đặc tính phổ quát và thống nhất của UNCLOS đã đặt ra khung pháp lý theo đó tất cả mọi hoạt động về đại dương và biển phải tuân theo, và nhấn mạnh rằng tính trọn vẹn của Công ước cần phải được gìn giữ, như đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tái xác nhận trong nghị quyết thường niên về đại dương và luật biển.

    - Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh sự quan trọng của việc thực thi quyền tự do trên biển quốc tế mà không bị cản trở, đặc biệt là quyền tự do lưu hành trên biển và trên không và quyền đi qua vô hại như được UNCLOS thờ phụng, kể cả trên Biển Nam Trung Hoa.

    - Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh những điều kiện đặc biệt và tường tận đến từng chi tiết mà Công ước đã quy định về việc áp dụng đường cơ sở thẳng cho quần đảo như đã định nghĩa trong Phần II và Phần IV của UNCLOS. Do đó, không có căn cứ pháp lý để các Quốc gia lục địa được quyền coi các quần đảo hay các thực thể biển như là một tổng thể toàn diện mà không tôn trọng các quy định tương ứng trong Phần II của UNCLOS hoặc là sử dụng những quy định trong Phần IV mà chỉ riêng các Quốc gia quần đảo mới được phép áp dụng.

    - Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh những điều kiện đặc biệt và tường tận từng chi tiết do Công ước quy định cho việc áp dụng quy chế đảo cho những thực thể đất được tạo thành một cách tự nhiên. Những hoạt động xây dựng đất hay những dạng khác của việc biến đổi nhân tạo không thể thay đổi cách xếp loại theo UNCLOS của một thực thể.

    - Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh rằng những yêu sách dựa vào việc thực hiện các “quyền lịch sử” trên các vùng nước thuộc biển Nam Trung Hoa là không phù hợp với luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS và nhắc lại rằng quyết định trọng tài ngày 12/07/2016 trong vụ tranh chấp Phi Luật Tân đối đầu Trung Quốc đã xác nhận rõ ràng điểm này.

    - Pháp, Đức và Anh cho rằng tất cả mọi yêu sách ở biển Nam Trung Hoa nên được thực hiện và giải quyết một cách hòa bình theo đúng các nguyên tắc và luật lệ của UNCLOS và những phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp do Công ước quy định.

    2. Vị thế này được tái xác nhận là không có định kiến về yêu sách của các quốc gia ven biển trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ về những thực thể đất tạo lập một cách tự nhiên và nhừng vùng của thềm lục địa trên Biển Nam Trung Hoa mà Pháp, Đức và Anh không có tranh chấp.

    3. Công hàm chung này phản ảnh những vị thế pháp lý xưa nay của chúng tôi và bổ túc mà không trái ngược với bất cứ vị thế nào khác mà Pháp, Đức và Anh đã tuyên bố trong quá khứ, cả song phương hay chung với các Quốc gia Thành viên khác của UNCLOS.

    4. Là những Quốc gia Thành viên của UNCLOS, Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục tuân thủ và thực thi các quyền tự do như được thờ phụng ở UNCLOS và tiếp tục đề cao sự hợp tác trong khu vực như Công ước đã đưa ra.

    Phái bộ Thường trực của Pháp tại Liên Hìệp Quốc hân hạnh yêu cầu Công hàm này được chuyển đến mọi Quốc gia Thành viên của UNCLOS và mọi Quốc gia Hội viên của Liên Hiệp Quốc bằng cách cho công bố trên trang Web của Cục Đại dương Sự vụ và Luật Biển (DOALOS).

    Phái bộ Thường trực của Pháp tại Liên Hiệp Quốc xin được nhân cơ hội này tái biểu lộ niềm tin sâu săc nhất đối với Ngài Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.

  • Comment Link Hoàng Trường Sa jeudi, 17 septembre 2020 12:26 posted by Hoàng Trường Sa

    Đúng vậy! Nhờ có vụ virút Vũ Hán hoành hành và sự chống đối TQ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế giới nói chung, và các nước Âu châu nói riêng, nay đã “mở mắt” và nhìn ra chân tướng của TQ. Ông Tập Cận Bình, qua cách ngoại giao chiến lang, đối xử hung hăng với các nước theo kiểu “đại quốc” coi bộ bị ép phê ngược. TQ hiện ngày càng bị thế giới xa lánh.

    Ở Âu châu ba cường quốc Anh, Pháp, Đức đang bắt đầu cân nhắc ra mặt ”lội” vào Biển Đông để tiếp tay với Mỹ như trong bài sau của tác giả Richard Javad Heydarian: “European powers weigh wading into South China Sea” (Các cường quốc Âu châu đang cân nhắc việc lội vào Biển Đông) (Nguồn: https://asiatimes.com/2020/09/european-powers-weigh-wading-into-south-china-sea/ )

    Tôi đã cố gắng dịch ra Việt ngữ như sau để quý vị tiện theo dõi thông tin thú vị này:

    CÁC CƯỜNG QUỐC ÂU CHÂU ĐANG CÂN NHẮC VIỆC LỘI VÀO BIỂN ĐÔNG

    Anh, Pháp, và có lẽ cả Đức nữa, đang cân nhắc việc đóng vai trò lớn hơn vào việc ngăn chặn tham vọng hàng hải đang trổi dậy của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

    Cả hai nước châu Âu này là hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là cường quốc hạt nhân lớn mạnh với khả năng hàng hải “biển xanh”. Cả hai sở hữu lãnh thổ đáng kể trong một khu vực có nhiều đối tác thương mại và đầu tư chính yếu.

    Năm rồi, Pháp đã công bố tập sách “chiến lược khu vực” trong đó Pháp tuyên bố “gia cố vị thế cường quốc trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, hoạt động để bảo vệ những ích lợi chủ quyền Pháp và an ninh của công dân Pháp, trong khi chủ động tích cực đóng góp vào sự ổn định quốc tế”.

    Vào đầu tháng nay, Đức đã lội vào vùng nước châu Á thông qua bản “hướng dẫn sách lược” dài 40 trang, trong đó đã nói mục tiêu của Đức, trong số những tham vọng khác, là tạo ra “một đóng góp chủ động trong việc định hình trật tự quốc tế ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

    Tuyên bố này là đáng kể khi ta biết Đức không sở hữu lãnh thổ trong vùng cũng như Đức không có khả năng hàng hải “nước xanh” để vươn quyền lực tới những đại dương xa.

    Nước Anh cũng sẵn sàng nối đuôi Pháp Đức, và thiên sử thi “Brexit” đang diễn tiến đã làm phức tạp thêm tương quan của Anh với khu vực, được nhận thấy qua việc Anh đang tái thực hiện tư cách “đối tác” với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên.

    Dù vậy, trong nội bộ nước Anh càng ngày càng có nhiều lời kêu gọi rằng Anh cần triển khai tàu chiến để ngăn cản sự quyết đoán đang dâng cao của hải quân TQ ở Biển Đông.

    Có tin cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson đang dự tính gửi chiếc Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth trị giá 3,1 tỷ bảng Anh mới ra lò đến Biển Đông để phô trương lực lượng đồng thời để ủng hộ các đồng minh quốc tế như Hoa Kỳ.

    Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Emmanuel Macron, nước Pháp đã áp dụng chiến lược chủ động trong khu vực với cặp mắt soi mói vào Trung Quốc.

    Dưới tầm kiểm soát của ông Macron, Pháp đã nâng cao chiến lược dấn thân vào khu vực, khuếch trương sợi giây nối kết quốc phòng và kinh tế với những thế lực dân chủ cùng ý hướng với họ như ở Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Nam Á.

    Trong một chuyến viếng thăm khu vực, ông Macron kêu gọi thành lập những liên minh chiến lược mới bao gồm trục Pháp-Úc-Ấn để bảo vệ một trật tự tự do và rộng mở trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

    Trong những năm gần đây, Pháp đã ký những thương ước quan trọng với những cường quốc đồng minh, trong đó có thương ước tàu ngầm 38 tỷ với Hải quân Hoàng gia Úc và thương ước gần hơn 9.4 tỷ với Ấn Độ về chiến đấu cơ phản lực Rafale.

    “Chúng ta không ngây thơ: nếu chúng ta muốn được TQ nhìn nhận và kính trọng như là một đối tác bình đẳng, chúng ta phải tự tổ chức lấy mình”. Tổng thốn Macron nói trong cuộc viếng thăm một cơ sở hải quân Úc.

    Trong cuộc viếng thăm TQ trước đó cùng năm, ông Macron đã nói với chủ nhà ở Bắc Kinh rằng những sáng kiến kinh tế của nước này không nên chỉ là “một chiều” mà cần phải bảo đảm lợi ích của các nước đối tác tham dự.

    Nước Pháp cũng đã xiển dương sức mạnh bắp thịt hàng hải của mình khi tham gia vào các cố gắng rộng hơn do Mỹ cầm đầu để bảo vệ quyền lưu thông tự do trên biển và trên không trên các vùng biển kế cận TQ.

    Năm ngoái, TQ đã không kèn không trống xóa bỏ lời mời Pháp tham dự lễ kỷ niệm năm thứ 70 của Hải quân Giải phóng Nhân dân TQ sau khi chiến hạm Vendemiaire (F734) của Pháp thực hành chiến dịch tự do lưu thông hang hải trên eo biển Đài Loan.

    Một đồng minh cốt yếu của Mỹ, nước Anh thời hậu-Brexit, hiện đang suy tính bước đi sắp tới của mình. Tuần này chiếc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ thử nghiệm sơ khởi để sửa soạn cho những chuyến hải hành xa hơn trong năm 2021.

    Mục kế tiếp trong lịch trình hoạt động của nó là các cuộc thực tập thao diễn chung với Hoa Kỳ gồm có các máy bay chiến đấu phản lực F35 Lighting mới mua, vì tàu sân bay Anh này đang sửa soạn tuyên bố năng lực của một tàu sân bay tấn công trong những tháng tới.

    Đề cập tới các căng thẳng trên Biển Đông và eo biển Đài Loan, Dân biểu Hạ viện Anh Andrew Bowie đã kêu gọi Chính phủ Johnson hãy “mở mắt trước sự hiển nhiên chói lòa” của đe dọa do TQ gây ra và “bước lên nhận lãnh thách thức” bằng cách điều động chiếc Hàng không mẫu hạm này tới vùng Tây Thái Bình Dương.

    “Tầm vóc của hạm đội TQ và tốc độ tăng trưởng của nó là một báo động rõ ràng về quyết tâm trở thành một siêu cường hàng hải của TQ”, nhà dân biểu và cựu sĩ quan hải quân cảnh cáo mọi người.

    Ông Bowie nói: “Với sự tái bác bỏ vào tháng Bảy của cả Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi về những yêu sách lãnh thổ và hàng hải của TQ trên biển Nam Trung Hoa, đã đến lúc một nước Anh toàn cầu phải bước lên nhận lãnh thách thức và đối phó với sự bao vây vô cớ và phi lý này của TQ với sự quả quyết mới mẻ”.

    Trở ngược về năm 2017, ông Johnson, lúc đó còn là ngoại trưởng, gợi ý rằng Anh quốc có thể sẽ điều động chiếc Hàng không mẫu hạm mới nhất vào Biển Đông trước năm 2021. Nhưng cường quốc châu Âu này vẫn đang suy tính chọn lựa cuối cho chương trình của họ vì đang xem xét các khả năng trả đũa của TQ.

    Tuy nhiên, có dấu hiệu là Anh đã có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, khi Anh từ chối thương ước lớn với các công ty do chính quyền TQ hậu thuẫn như Hoa Vi (Huawei) vì lý do nghi ngờ nó ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, làm cho Anh trở nên cùng phe với Mỹ trong cuộc chiến công nghệ đang lên giữa Mỹ và các đồng minh của TQ.

    Trong cuộc phỏng vấn truyền thông vào tháng Bảy, Đại sứ TQ tại Vương quốc Anh, Liu Xiaoming, đã cáo buộc chính phủ Johnson đã “đầu độc nghiêm trọng bầu không khí của liên hệ Anh-Hoa” và cảnh cáo những hậu quả trầm trọng sẽ đến nếu Anh quyết định “nhập vào bọn găng-tơ với Hoa Kỳ” trong biển Nam Trung Hoa.

    “Sau Brexit, tôi nghĩ là Vương quốc Anh vẫn muốn giữ một vai trò quan trọng trên thế giới. Đây không phải là cách để đóng một vai trò quan trọng”, vị đại diện TQ nói, lặp lại những đe dọa trước đây về viễn ảnh các thương ước đầu tư và thương mãi với Anh.

    “Vài nhà chính trị Anh vẫn mang nặng lối suy nghĩ thời Chiến tranh lạnh… Họ phóng đại cái gọi là sự đe dọa của TQ, nhìn TQ như là một quốc gia thù nghịch, hăm dọa một sự tách rời khỏi TQ, và ngay cả kêu gào lập một Chiến tranh lạnh mới chống TQ”, ông Liu nói.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)