Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/09/2020

Đồng Tâm, ôi Đồng Tâm ! Sao Ngươi cứ ám ảnh... Đảng ?

Nhiều tác giả

Ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức và ngọn lửa ở Đồng Tâm

Loan Thảo, VNTB, 15/09/2020

Khi ngọn lửa tự thiêu tắt hẳn, hòa thượng Thích Đức Nghiệp và đồng đạo lấy cờ Phật quấn thi hài Bồ tát Thích Quảng Đức. Tuy nhiên, lá cờ không thể bọc kín ngài được vì ngài ra đi trong tư thế tay chắp trước ngực, hai chân vẫn hơi co lại như đang ngồi thiền.

dong1

Ngọn lửa Đồng Tâm và ngọn lửa Thích Quảng Đức

Báo chí từng thuật lại sự kiện vị pháp vong thân của hòa thượng Thích Quảng Đức, như sau :

Buổi sáng ngày 11/6/1963, hòa thượng Thích Quảng Đức đã thiêu mình tại một ngã tư sầm uất ở Sài Gòn. Những người chứng kiến kể rằng lửa rừng rực bao kín thân ngài và bốc lên cao như một bó đuốc sống. Đất trời nổi gió, lửa bị thổi bạt nghiêng làm hiện rõ gương mặt Bồ tát Thích Quảng Đức dù đã bị hỏa thiêu sạm đen nhưng vẫn bình thản, siêu thoát…

Tại An dưỡng địa, trước sự chứng kiến của hơn 50 nhà báo quốc tế, nhục thân của Ngài thiêu từ sáng đến chiều, tới nghìn độ nhiệt, nhưng trái tim không cháy ! Các ký giả giúp chạy mua thêm xăng dầu, nhưng đốt lại hai lần, trái tim vẫn vậy ! Tin tức, hình ảnh về sự kỳ diệu đó nhanh chóng loan ra khắp thành phố Sài Gòn – Gia Định và truyền đi nhiều nơi trên thế giới…

Trang web Thư viện Hoa Sen có chi tiết đáng chú ý như sau (*) :

"Chiếc xe ô tô loại sedan mầu xám, dẫn đầu đoàn tuần hành, dừng tại giao lộ và đoàn Tăng Ni lập thành đội hình bao xung quanh. Ba nhà Sư xuất hiện và đem theo một can xăng 5 gallon loại dùng cho máy bay. Xăng máy bay đốt cháy chậm hơn so với xăng thường.

Ngài Thích Quảng Đức ngồi xuống, bắt chéo chân ngồi thiền kiểu kiết già truyền thống của Phật giáo, và chờ đợi, đầu hơi cúi xuống, trong khi hai nhà sư khác mang bình xăng tới và đổ tất cả, nhưng có khoảng một lít trên đầu ngài.

Tôi đứng khoảng 20 feet về bên phải và một chút trước mặt ngài Quảng Đức. Tôi thấy rõ ràng ngài đánh một que diêm ngay bên trong lòng của mình, và với một chuyển động nhẹ, chạm vào áo choàng".

Quy đổi, 5 gallon = 18.927 lít. Xăng máy bay có tính bay hơi thấp hơn so với xăng Mogas mà xe cộ sử dụng, và không bay hơi nhanh.

Nơi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu là ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng. Hình ảnh ghi nhận là lúc đó thoáng, có gió ; nghĩa là oxy thuận lợi cho sự cháy từ nguyên liệu xăng lên tới gần 19 lít được đổ ướt toàn bộ thân thể của vị hòa thượng. Đến khi ngọn lửa tắt, hòa thượng Thích Quảng Đức ngã xuống vẫn nguyên tư thế kiết già.

Sau đó, nhục thể của hòa thượng được mang trà tỳ (hỏa táng) ; và xá lợi là trái tim của hòa thượng Thích Quảng Đức hiện được thờ phượng tại bảo tháp ở Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn.

So sánh là khiên cưỡng, song nếu so thuần về chuyện cháy do xăng đối với một cơ thể sống, thì rõ ràng rất nhiều khả năng cho ngờ vực liệu có thật là 3 công an tử vong ở một "hố kỹ thuật" trong xây dựng nhà dân dụng – còn gọi là giếng trời ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ?.

Trước hết, hòa thượng Thích Quảng Đức được cho là toàn thân ướt đẩm tới gần 19 lít xăng, với tâm thế tự thiêu, Ngài điềm nhiên đón nhận ngọn lửa phủ khắp thân mình, mà không chút phản kháng. Khi lửa tắt, nhục thân Ngài vẫn còn, và sau đó phải tiếp tục hỏa táng thêm thời gian dài nữa.

Ở "hố kỹ thuật" tại nhà cụ Lê Đình Kình, được cho là có 3 công an Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân, khi tiến hành truy đuổi các đối tượng chạy thì ngã xuống giếng trời giữa hai gian nhà, sâu khoảng 4 m. Khi thấy lực lượng ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng phóng hỏa.

Phía Bộ Công an không cho biết thời gian 3 công an kể tên ở trên đã phải ở dưới hố trong bao lâu mà không được sự tiếp cứu của đồng đội ?. Bộ Công an cũng không cho biết là vì sao một hố sâu có tiết diện nhỏ, nhưng có thể cùng lúc 3 người rớt xuống.

Từ miệng hố xuống phía dưới là cầu thang, vì sao với quân trang đầy đủ, không có công an nào ít thương tích hơn, dũng cảm leo cầu thang đi lên với sự yểm trợ bằng súng ống từ đồng đội phía dưới ? Bài học trinh sát hiện trường ra sao để dẫn tới việc "ngã xuống hố" như cáo trạng nêu ? Lưu ý hiện tại các thiết bị bay không người lái ‘flycam’ của nhà chức trách có thể đưa ra hình ảnh chi tiết phục vụ cho các yêu cầu tấn công nghi phạm như vụ Đồng Tâm.

Nếu chỉ thuần so cái chết từ lửa thiêu, thì hoàn toàn khó tin ở "hố sâu kỹ thuật" đúng một tuần lễ sau thông báo có 3 công an thương vong "cháy thành than" ở đây, thì vẫn còn sót vài sợi dây điện còn nguyên vỏ nhựa với màu sắc vốn có của nó.

Loan Thảo

Nguồn : VNTB, 15/09/2020

Chú thích :

(*)https://thuvienhoasen.org/a25821/dien-tien-cuoc-tu-thieu-cua-hoa-thuong-thich-quang-duc-ngay-11-6-1963

(**)https://plo.vn/thoi-su/bo-cong-an-thong-tin-chi-tiet-ve-vu-dong-tam-883694.html

************************

Các quan tòa cần siêng năng coi phim Tàu

Khánh Hòa, VNTB, 15/09/2020

Chỉ cần bắt chước mấy ông quan tòa như Bao Công, thì vụ án thực nghiệm hiện trường nghi đã gây nên cái chết của 3 công an, chẳng mấy khó khăn, và cũng chẳng có gì gọi là quá tàn độc như lời của một luật sư trong vụ án Đồng Tâm.

dong2

Vụ án Đồng Tâm xoay quanh cái chết của 3 công an trong quá trình tấn công nhà dân ban đêm bị rơi xuống hố, thì những bằng chứng buộc tội bị cáo Chức và Doanh đổ xăng xuống hố đốt vẫn còn đang có rất nhiều mâu thuẫn (chùm dây điện vẫn y nguyên, không hề bị đốt).

Phim truyền hình nhiều tập về nhân vật Bao Công, Kỷ Hiểu Lam rất quen thuộc với công chúng Việt Nam. Tương tự cung cách xử án, điều tra án của 2 vị đại thần ở cung đình bên Tàu này, còn được thể hiện ở nhiều tác phẩm điện ảnh khác, mới nhất là bộ phim Nữ Tuần án đang chiếu trên một kênh truyền hình cáp.

Hoặc chuyên sâu về pháp y, có thể xem phim về nhân vật lịch sử Tống Từ, ông tổ của ngành pháp y Trung Hoa xưa. Tống Từ là tác giả quyển "Tẩy Oan Tập Lục", ghi chép : giải phẫu thân người, kiểm nghiệm thi thể, kiểm tra hiện trạng, giám định một số nguyên nhân cơ giới tính nào gây tử thương,… Các tri thức về mọi mặt, liệt cử các loại độc vật mà đương thời có thể dùng để tự sát hoặc mưu sát cùng với cách cấp cứu, phương pháp giải độc ; phạm vi luận thuật gần như bao quát các hạng mục chủ yếu về kiểm nghiệm pháp y, nội dung cũng gồm đủ các tri thức sơ bộ về các mặt nhu yếu của sự kiểm nghiệm hiện đại, có giá trị khoa học tương đối cao.

Quyển "Tẩy Oan Tập Lục" ra đời năm 1247. Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19, sách này được liên tục dùng hơn sáu trăm năm, luôn là một quyển ‘đầu bàn’ mà quan viên hình pháp thời xưa của Trung Quốc phải có. Đầu thế kỷ 15, sách này được phiên dịch sang tiếng Triều Tiên, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, lưu truyền trên quốc tế. Vì thế, Tống Từ được vinh dự là "người đặt nền tảng cho pháp y học thế giới".

Trong "Tẩy Oan Tập Lục" có nhắc đến một vụ án mà người đời này có thể vận dụng để truy xét sự thật về 3 cái chết gọi là bị sát hại tại một hố sâu có tiết diện hẹp, sâu khoảng 4 mét ở nhà ông Lê Đình Kình, vụ án Đồng Tâm.

Vụ án đó được mô tả khá ly kỳ như sau :

Một lần, Tống Từ giữ chức Đề Hình ở Ứng Thiên phủ thì có một vụ án mà quan huyện lẫn quan tri phủ không biết làm sao khám phá, đành phải làm biên bản đưa lên cho Ty Đề Hình.

Nguyên vụ án này bắt nguồn từ tính dâm đãng của đàn bà. Lúc ấy Tư Niệm Từ là một nho sinh trẻ tuổi có chí học hành, bao nhiêu việc gia đình để mặc cho người vợ xinh đẹp là Khang Khang lo liệu. Khang Khang khi còn con gái đã liếc mắt đưa tình với một thương nhân cũng còn rất trẻ tên là Thân Minh.

Vì Niệm Từ có cha mẹ giàu sang nên Khang Khang bị bắt phải lấy Niệm Từ. Cô gái này không cảm thấy thỏa mãn vì người chồng giàu ấy suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào kinh sử. Thậm chí sắp đến ngày thi, chàng ta bỏ đến một căn nhà tận cuối vườn để được yên tĩnh lo việc sách đèn, không ngó ngàng gì tới người vợ còn đang tuổi thanh xuân.

Thân Minh chưa quên được người tình cũ, thấy vậy tìm cách lân la quen biết với gia đình họ Từ rồi rất thường đưa đến các món hàng tốt để mời chào, thật sự là nhân cơ hội tư thông với Khang Khang. Một lần kia có tiệc lớn hầu như cả nhà đi hết, Thân Minh sung sướng đến ngay nhà, cùng Khang Khang tha hồ vui thú. Chẳng ngờ hôm ấy tự nhiên Niệm Từ quên cuốn sách ở nhà trên, lên tìm xem thì bắt gặp quả tang đôi gian phu dâm phụ ấy đang cùng nhau vui đùa lõa lồ thân thể.

Hai người đàn ông xảy ra xô xát, nhưng Niệm Từ chỉ là thư sinh chân yếu tay mềm nên không chống nổi với Thân Minh, bị hắn dồn vào tường. Ngay khi ấy Khang Khang chạy xuống bếp lấy con dao đưa cho Thân Minh, tên gian phu này liền đâm cho Niệm Từ một nhát, chết ngay tại chỗ.

Khi giết người rồi, gian phu dâm phụ mới thấy sợ hãi, bàn nhau phi tang. Hai người liền khiêng xác của Niệm Từ ra căn nhà nhỏ cuối vườn, lập hiện trường giả giống như Niệm Từ ngủ gục làm đổ đèn ra bàn, lửa gặp dầu bốc cháy, thiêu rụi căn nhà ấy.

Khi huyện quan đến khám thì Niệm Từ hầu như đã cháy thành than, thân thể co quắp nên không sao khám nghiệm được điều gì mới lạ, đành phải theo lời khai của Khang Khang và Thân Minh ghi vào biên bản là sơ ý để lửa cháy nhà mà chết. Vợ chồng họ Từ về đến nhà, nghe nói Thân Minh cũng đến thì lập tức nghi ngờ, làm đơn tố cáo gian phu và con dâu câu kết giết chồng, đốt nhà phi tang.

Quan huyện cũng nghi ngờ như vậy nhưng không có bằng cứ nào đành phải cho qua, đưa hồ sơ vụ án lên cấp trên. Tri phủ cũng nhận định là Niệm Từ không may mà chết, kết thúc hồ sơ không truy cứu nữa.

Ông bà Từ lão quá đau xót vì đứa con trai chết oan, chẳng quản vất vả lên đến tận kinh thành dâng thư khiếu oan lên Ty Đề Hình.

Tống Từ xem lại văn án thấy quả nhiên là không thể căn cứ vào đâu tìm ra thủ phạm vì mọi người đều khai là chính Thân Minh cùng Khang Khang đang xem các món đồ ở nhà trên, thấy ngọn lửa bốc cháy cao mới phát hiện ra, hai người đều kêu la cầu cứu.

Thế nhưng khi hàng xóm đến nơi thì căn nhà đã cháy rụi, hoàn toàn không thể khép tội Khang Khang và Thân Minh được. Trong lòng Tống Từ cũng có ấn tượng là việc này có uẩn khúc, dựa theo sự điều tra riêng của ông thì đôi gian phu dâm phụ này đã quyến luyến với nhau từ khi chưa bước chân về nhà họ Từ.

Do vậy việc âm mưu cùng nhau giết Niệm Từ cũng không thể dễ dàng bỏ qua. Vả chăng nếu sự việc đơn giản thì hai ông bà già yếu đâu phải vất vả như vậy. Sau nhiều ngày suy nghĩ không ra, Tống Đề Hình quyết định dùng đến "Pháp y học", tức là phải khám nghiệm tử thi mới hy vọng tìm ra chứng cứ lật ngược bản kết luận về án mạng.

Tống Đề Hình thân đến huyện mở quan tài ra khám nghiệm. Đối với một thi hài đã cháy đen thì bất cứ quan lại nào cũng bó tay, thế nhưng Tống Đề Hình không thể nhìn ra dấu vết ở phía ngoài thì liền tìm kiếm phía trong, ông dùng hai thanh tre cố cạy miệng tử thi ra quan sát. Khi đã xong, Tống Đề Hình liền sai quan huyện tổ chức thẩm xét vụ án, thăng đường rồi trước tiên dùng tâm lý áp đảo, chỉ mặt Khang Khang và Thân Minh quát lớn :

– Gian phu dâm phụ thật táo gan, dám giết chồng rồi đốt nhà phi tang. Bản ty đã về đến đây tức là đã nắm được bằng cớ, hãy khai ra mau.

Đôi gian phu dâm phụ nghĩ rằng Tống Đề Hình không phải thần thánh thì làm sao khám phá ra nổi, một mực kêu oan. Tống Từ phải dùng đến cực hình, tra khảo cả hai chết đi sống lại mà họ nhất định không nhận tội. Tống Đề Hình liền cho tạm ngưng vụ án, nghiêm mặt nói :

– Bản ty có thể đánh chết hai ngươi cũng không bị tội. Thế nhưng để các ngươi phải tâm phục khẩu phục, ngày mai bản ty sẽ thăng đường xét xử lần nữa. Lần này bản quan không đưa ra được bằng chứng xác thực thì sẽ thả hai ngươi ra, không truy cứu nữa.

Lời nói như đinh đóng cột ấy của Tống Đề Hình khiến cả huyện đều xôn xao bàn tán, sáng hôm sau mọi người kéo đến rất đông, đứng chật cả vòng trong vòng ngoài. Ai nấy nhìn thấy đống củi cao ngất để giữa sân đều khiếp sợ nghĩ thầm : "Có lẽ quan lớn chưa tìm ra chứng cứ nên dùng lửa để tra tấn chăng ?". Chẳng ai dám đoán quyết sự kết thúc sẽ như thế nào hồi hộp chờ Tống Đề Hình thăng đường.

Tống Từ lẳng lặng ngồi trên cao uống trà phong thái rất ung dung, sai quân bắt Khang Khang và Thân Minh quỳ hai bên chờ đợi. Một lúc sau quan lớn Đề Hình lại thét quân nổi lửa, chẳng mấy chốc đống củi trước sân đã hừng hực bốc cháy.

Thế nhưng quan Đề Hình vẫn không ngó ngàng gì đến hai tội phạm, truyền quân sĩ đem hai con lợn đã mua sẵn từ hôm qua ra. Ông sai quân giết một con ngay tại chỗ, còn con kia để sống, trói bằng xích sắt rồi đưa cả hai vào đống lửa. Mọi người lại càng ngơ ngác chẳng hiểu tại sao quan lớn lại đi quay lợn ngay giữa công đường. Đến ngay bọn nha lại, quân sĩ cũng nhìn nhau mà không dám hỏi.

Tống Từ uống trà rất chậm rãi, chờ khi hai con lợn cháy thành than mới đặt chén trà xuống án thư, đứng lên dõng dạc nói :

– Đưa phạm nhân ra đây.

Sau đó ông sai quân sĩ khiêng hai con lợn cháy đen ra cho mọi người cùng coi. Quân sĩ dùng thanh tre cạy miệng con lợn đã bị giết trước rồi bẩm báo :

– Thuộc hạ không hề thấy chút tro than nào trong miệng.

Tống Từ gật đầu, sai cạy miệng con lợn thứ hai, vì còn sống nên con lợn này kêu la dữ dội, khi bị nóng thì hả miệng cố hớp lấy không khí vào phổi, do vậy khi chết rồi trong miệng đầy những tro than. Sau khi cho mọi người chứng kiến thực tế, Tống Đề Hình liền gọi Khang Khang và Thân Minh đến trước công đường, đập bàn thị uy rồi nói lớn :

– Các ngươi đã nhìn rõ chưa ? Bản ty đã khám nghiệm tử thi của Niệm Từ rất chính xác, không hề có chút tro than nào trong miệng. Như vậy nạn nhân đã bị các ngươi giết chết rồi mới đưa đến căn nhà nhỏ phóng hỏa. Bây giờ còn chối được nữa không ?

Với chứng cứ hiển nhiên ấy, Tống Từ không phải nói nhiều, lập tức đôi gian phu dâm phụ gục đầu nhận tội ngay. Thế là vụ án được kết liễu, là án mạng chứ không phải sơ ý chết người. Đôi gian phu dâm phụ ấy đều bị ông khép vào tội nặng, chém đầu giữa chợ.

Từ câu chuyện ghi nhận trong "Tẩy Oan Tập Lục", cho thấy trong vụ án Đồng Tâm xoay quanh cái chết của 3 công an trong quá trình tấn công nhà dân ban đêm bị rơi xuống hố, thì những bằng chứng buộc tội bị cáo Chức và Doanh đổ xăng xuống hố đốt vẫn còn đang có rất nhiều mâu thuẫn. Có người nói xác cháy thành than, có người nói xác cháy trơ xương,… Tuy nhiên cho đến nay phần lớn mọi người chưa ai thấy rõ các xác chết này như thế nào như đã từng thấy xác của cụ Kình thê thảm ra sao. Những mâu thuẫn đó có thể kể ra như :

Một, với thể tích giếng trời như thế thì lượng oxy cần để xăng cháy là không đủ để dẫn đến "cái chết cháy" của 3 cảnh sát.

Hai, có luật sư cho rằng, có 2 bình khí CO2 đã cháy ở dưới hố, nghi ngờ nguyên nhân cái chết của 3 người này (có thể là do ngộp khí từ đây ra).

Ba, có hợp lý hay không khi 3 cảnh sát này rớt xuống giếng trời mà các đồng đội đi chung không hề biết và không có hành động giải cứu khi để bị cáo Chức và Doanh đổ hết chậu xăng này đến chậu xăng khác ?

Bốn, năm, sáu và còn rất nhiều tình tiết nghi ngờ khác như thời gian cháy, cách đốt xăng và đẩy xuống hố, dây điện còn nguyên trong hố,…

Như dẫn chứng về câu chuyện Tống Từ, thì từ xưa người ta đã biết thực nghiệm hiện trường bằng cách sử dụng heo, một động vật có khối lượng và cấu trúc giải phẫu học khá giống con người.

Xem ra, chỉ cần các quan tòa xứ Việt dành thời gian nghỉ ngơi nào đó để thư giãn với thể loại phim về nhân vật lịch sử như Bao Công, như Kỷ Hiểu Lam, như Tống Từ…, thì chắc hẳn vụ án Đồng Tâm không phải tạo quá nhiều luồng dư luận như hiện nay.

Khánh Hòa

Nguồn : VNTB, 15/09/2020

**************************

Tòa xem thường chứng cứ từ Luật sư bào chữa các bị cáo Đồng Tâm ? !

Hoài Nguyễn, VNTB, 14/09/2020

Làm công vụ giết người trong đêm, chỉ có quân thảo khấu man rợ mới vậy, chứ thảo khấu bình thường nó cũng không dám…

dong3

Trong vụ án Đồng Tâm, thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư vẫn vô cùng khó khăn, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện.

Nhà báo Nguyễn Thông, nhận xét : "Hầu như ai cũng biết rằng cha con cụ Kình không phải là quân khủng bố nguy hại đến an ninh quốc gia tới mức cần tiêu diệt ngay. Nhà cụ Kình và thôn Hoành không phải là trung tâm của lực lượng đảo chính tới mức nếu không ngăn chặn, tiêu diệt ngay thì hôm sau sẽ lan ra cả nước. Tất cả đều có thể đợi giữa ban ngày, dưới ánh mặt trời, giải quyết xử lý một cách công minh, quang minh chính đại, nhất là khi toàn bộ quyền lực súng đạn đang nắm trong tay.

Vậy thì hà cớ gì lúc đêm hôm khuya khoắt đưa binh hùng tướng mạnh bao vây thôn làng, xông vào tận nhà dân, vi phạm hiến pháp, bắt người, bắn người, giết người mà không cần bất kỳ bản án buộc tội nào. Làm công vụ giết người trong đêm, chỉ có quân thảo khấu man rợ mới vậy, chứ thảo khấu bình thường nó cũng không dám".

Nhận xét của nhà báo Nguyễn Thông còn xuất phát từ các chứng cứ ở vụ huyết án này mà nhóm luật sư đã thu thập được.

Trong một chia sẻ của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết như sau (trích) : "Hiện trường vụ án "giết người" (3 cảnh sát cơ động chết) và "bị người giết" (cụ Lê Đình Kình chết) xảy ra đêm khuya 9/1/2020, được ghi nhận sau đúng 1 tháng vào trưa ngày 9/2/2020 bởi ống kính của luật sư Lê Văn Hòa – người bào chữa cho một số bị cáo trong phiên tòa vụ án Đồng Tâm đang diễn ra…

Nội dung các bức ảnh : Phòng ngủ, cửa phòng, vách nhà của cụ Lê Đình Kình vẫn còn loang vết máu, lỗ chỗ vết đạn, vết đạn có khắp vách tường nhà, trần nhà, bên trong và bên ngoài… Giếng trời, nơi được xác định 3 cảnh sát cơ động té và thiệt mạng… Bà Dư Thị Thành trong cơn bàng hoàng, đau khổ, như người mất hồn… Một số luật sư có mặt thăm hỏi, tìm hiểu, khảo sát hiện trường…".

Tất cả các hình ảnh ghi nhận như chia sẻ của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, là tuân thủ quy định của pháp luật. Tiếc là các hình ảnh chứng cứ này dường như chưa có điều kiện để các luật sư mang ra tranh biện tại phiên tòa hình sự sơ thẩm.

Trong tố tụng hình sự, việc thu thập chứng cứ của luật sư được chủ động thực hiện thông qua các hoạt động sau :

Một, luật sư có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, để nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án : Lời trình bày của người bị buộc tội, bị can, bị cáo là chứng cứ quan trọng được sử dụng trong vụ án hình sự, bởi họ là những người trực tiếp nắm giữ những thông tin quan trọng.

Những lời trình bày, khai nhận tự nguyện trung thực, khách quan góp phần quan trọng làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Bên cạnh các chứng cứ là biên bản ghi lời khai được tiến hành do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, thì luật sư được quyền gặp người mà mình bào chữa để nghe họ trình bày, xác minh tính xác thực trong các biên bản ghi lời khai do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Vấn đề đặt ra ở trường hợp này là hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư.

Hai, luật sư có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, liên quan đến việc bào chữa : Bên cạnh việc trực tiếp, độc lập tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn ghi nhận quyền của luật sư trong việc tham gia vào các hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng.

Sự có mặt của luật sư khi người tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ sẽ góp phần bảo đảm tính khách quan, đúng trình tự, thủ tục của người tiến hành tố tụng hoặc trấn an tinh thần của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Các hoạt động này được thể hiện ở việc : Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can ;

Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự ; Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa ; Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này ; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ;

Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá ; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản ; Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra ; Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa.

Thật ra các quy định kể trên trong thực tế không dễ thực hiện.

Thứ nhất, Khoản 4 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định : "Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này".

Như vậy, sau khi thu thập được tài liệu, đồ vật… thì việc đánh giá xem đó có phải là chứng cứ hay không và việc quyết định có sử dụng hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan tiến hành tố tụng.

Một bên gỡ tội thực hiện thu thập các chứng cứ gỡ tội, khi thu thập được lại phải kịp thời giao nộp cho bên buộc tội (cơ quan tiến hành tố tụng – Viện kiểm sát) ; dẫn đến sự thiếu khách quan, trong nhiều trường hợp khi giao nộp những chứng cứ quan trọng sẽ bị vô hiệu hóa làm sai lệch dẫn đến giá trị chứng minh không còn ; nên thực tiễn khi thu thập được chứng cứ quan trọng, quyết định việc có tội hay không có tội của bị can, bị cáo thì thông thường luật sư sẽ không tiến hành giao nộp ngay mà chỉ đợi đến khi phiên tòa được mở, thậm chí đến phần tranh luận mới xuất trình, gây khó khăn trong quá trình xem xét đánh giá chứng cứ của tòa án – đó là nói trường hợp phiên tòa có Hội đồng xét xử không phải chịu sức ép nào từ cấp trên.

Thứ hai, hoạt động thu thập chứng cứ bằng việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa : Quy định này rất hình thức bởi thực tiễn, rất hiếm trường hợp luật sư đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là cơ quan, tổ chức Nhà nước cung cấp được các tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

Khi nhận được sự bất hợp tác của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp các tài liệu, đồ vật thì luật sư lại phải quay sang "đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng" thu thập. Như vậy, hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư vẫn trở lại bằng việc đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thu thập ; việc xem xét có tiến hành theo đề nghị của luật sư hay không, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể tiến hành tố tụng trong việc đánh giá xem luật sư đã sử dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể thu thập chứng cứ được hay chưa.

Phiên hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm là một minh chứng cho cái gọi là ‘ý chí chủ quan của chủ thể tiến hành tố tụng’.

Từ phiên tòa Đồng Tâm, một lần nữa chứng minh rằng mặc dù đã có nhiều quy định mới được sửa đổi bổ sung, góp phần nâng cao vị trí của luật sư trong việc thực hiện chức năng bào chữa của mình, tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư vẫn vô cùng khó khăn, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 14/09/2020

**********************

Đảng cần xem lại chính mình…

Đức Minh, VNTB, 14/09/2020

"Lê Đình Kình từng là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm giai đoạn 1981-1982, hiểu rõ nguồn gốc đất nhưng vì lợi ích của bản thân, gia đình nên đã quyết liệt chống đối đến cùng. Động cơ của đối tượng trong vụ án còn nhằm gây sự chú ý, nhận tài trợ của tổ chức khủng bố".

dong4

Nếu một lão thành cách mạng, một đảng viên 58 tuổi đảng, sống ngay tại thủ đô Hà Nội như cụ Lê Đình Kình mà lại dễ dàng được vật chất cám dỗ, đưa đến chuyện sẵn sàng tiếp tay thế lực thù địch để tấn công Đảng, thì "tiên trách kỷ"

Trích bài báo "Thủ đoạn tán phát "tuyên bố", "kiến nghị" chống phá phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm", đăng ngày 7-9-2020 trên báo Công an Nhân dân (*).

Tư cách cá nhân của một người từng làm việc trong ngành nội chính, tôi muốn nói đến hai vấn đề : 

Thứ nhất, vì sao ngành công an lại chọn giải pháp ‘bắt ngọn’, đưa đến thiệt hại nặng nề về nhân lực, tốn kém khí tài, tạo dư luận không tốt về hình ảnh của lá chắn chế độ ?

Thứ hai, nếu một lão thành cách mạng, một đảng viên 58 tuổi đảng, sống ngay tại thủ đô Hà Nội mà lại dễ dàng được vật chất cám dỗ, đưa đến chuyện sẵn sàng tiếp tay thế lực thù địch để tấn công Đảng, thì "tiên trách kỷ", Đảng – đặc biệt là Đảng bộ Hà Nội cần xem lại trách nhiệm về quản lý đảng viên của mình, và cả quyết định chọn bạo lực cách mạng để tiêu diệt đảng viên chống đối.

Xa hơn, người đứng đầu Bộ Chính trị cần thiết cầu thị cho mở một đợt khảo sát quy mô lớn theo đúng bài bản khảo sát xã hội học, về việc đảng viên hiện nay thực sự tin tưởng Đảng trong những công việc gì ? Liệu dân chủ trong Đảng ra sao để thời gian qua phía quần chúng luôn hết mực tung hô mỗi khi tin tức "củi vào lò" được đăng tải ?

Trở lại vấn đề thứ nhất. Theo dõi diễn biến phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm trên báo chí trong nước, trên các tài khoản facebook cá nhân của luật sư đang tham gia bào chữa ; từ dư luận với các bài viết phản biện nghiêm túc về tố tụng, thậm chí có không ít bài chuyên sâu kiến thức về sự cháy…, tôi chưa bắt gặp việc nhắc đến bất kỳ tổ chức nào từ nước ngoài liên quan đến cái gọi là "tổ chức khủng bố" mà báo Công an Nhân dân nêu.

Về mặt nguyên tắc, báo chí công an không thể có chuyện ăn đàng sóng – nói đàng gió ; hơn nữa, Luật báo chí và cả đạo đức nghề nghiệp đều không cho phép việc đặt điều khi đó là vụ án có đến 4 cái chết, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức ngoại giao đoàn. Như vậy, chắc chắn có một thế lực chống phá Đảng ngay tại ở Hà Nội, và thế lực này được sự yểm trợ của tổ chức khủng bố nước ngoài.

Tổ chức khủng bố ấy đã chọn một đảng viên 58 tuổi Đảng, và người đảng viên này đến trước ngày bị công an "tiêu diệt", ông vẫn một mực trung thành với Đảng. Với sự trung kiên đến mức cuồng tín như vậy, thì tổ chức khủng bố vẫn lợi dụng được, thì chắc hẳn tổ chức đó rất hiểu về Đảng cộng sản Việt Nam.

Cá nhân tôi hồ nghi việc am tường đến mức như thế, nói theo thuyết âm mưu, tổ chức đó phải đến từ Trung Quốc.

Báo chí Việt Nam suốt 4 năm qua đều liên tục đăng những tố cáo, những bằng chứng được trưng ra về việc Trung Quốc cố tìm mọi cách can thiệp bầu cử ở Hoa Kỳ. Liệu một kịch bản tương tự cũng đang ngấm ngầm xảy ra tại Việt Nam, khi phía Trung Quốc cố tình phá hoại sự ổn định tình hình an ninh chính trị tại Việt Nam, qua việc tài trợ cho đảng viên 58 tuổi Đảng công khai chống phá Đảng ?

Ở vấn đề thứ hai, nếu Hiến pháp 2013, Điều 4.2 ghi rằng : "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình", thì việc Đảng chọn dùng bạo lực để đối chọi bạo lực ở Đồng Tâm, dẫn đến phía Nhà nước Việt Nam mất mát còn hơn thế, đồng thời hứng một làn sóng phản đối dữ dội trong cả trong nước lẫn ngoài nước.

Tóm lại, trong cuộc đối đầu bất thần này, tất cả đều thua. Không thể dùng bạo lực. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng thể chế dân sự, không thể có cách nào khác. Xung đột phải được giải quyết thông qua tòa án và các hình thức thương lượng ngoài tòa án với chứng kiến của bên thứ ba.

Và ngay trong vấn đề được cho là thứ hai này, tôi hồ nghi đang có một thế lực nào đó liên quan yếu tố Trung Quốc giựt dây, cố tình gây xáo trộn việc hoạch định nhân sự cho kỳ đại hội Đảng cận kề của Việt Nam.

Đức Minh

Nguồn : VNTB, 14/09/2020

Chú thích :

(*)http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Thu-doan-tan-phat-tuyen-bo-kien-nghi-chong-pha-phien-toa-xet-xu-vu-an-Dong-Tam-610478/

*********************

Tòa án độc lập ?

Nguyễn Nam, VNTB, 14/09/2020

"Chỉ khi nào Tòa án thực sự độc lập và nhân danh Công Lý để tuyên án, chúng ta mới hy vọng có một bản án công tâm và khách quan !"

dong5

Chiều ngày 14/9/2020, Hội đồng xét xử tuyên án 19 người trong vụ án xã Đồng Tâm . 

Luật sư Phạm Văn Thọ (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), chua chát nhận xét như trên. Luật sư Thọ từng là nhà báo chuyên nghiệp (hiểu theo luật định là có "Thẻ Nhà báo" do Bộ Văn hóa, Thông tin cấp – nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó có thời gian ông làm việc tại báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Thật ra câu nhận xét này nếu so luật định, thì điều đó không đúng, thậm chí có thể bị chụp mũ chính trị hóa. Đơn giản thôi, lý thuyết trên giảng đường trường luật ở Việt Nam đã giảng dạy rằng, tính độc lập khi xét xử của thẩm phán và Hội thẩm từ lâu đã là một nguyên tắc Hiến định – được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013, được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Dĩ nhiên trên giảng đường đại học luật, các vị giáo sư cũng nói thêm rằng, đúng là các bản Hiến pháp của Việt Nam đều có quy định về sự độc lập của Tòa án, nhưng đi vào chi tiết, thì nguyên tắc này được quy định trong các Hiến pháp rất khác nhau : Hiến pháp năm 1946 quy định "Khi xét xử các thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp".

Hiến pháp năm 1959 viết : "Khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" ; Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 quy định : "Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật". Hiến pháp năm 2013 có quy định tương tự : "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật ; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm" (Điều 103).

Ở nghĩa hẹp nhất của các thuật ngữ trong các quy định nói trên có thể được hiểu chính xác rằng, Tòa án chỉ có thể độc lập trong thời gian diễn ra việc xét xử, còn ngoài thời gian xét xử, mọi vấn đề liên quan đến Tòa án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân không cần thiết phải độc lập. Do vậy, khó có thể làm cho Tòa án độc lập trên thực tế.

Như vậy nguyên tắc độc lập của Tòa án không chỉ giản đơn nằm ở trong thời gian xét xử, mà phần lớn phải ở ngoài thời gian xét xử. Muốn xét xử độc lập thì thiết chế phải độc lập, thẩm phán phải độc lập cả ngoài thời gian xét xử. Cho đến nay, dù chúng ta đã có sự phân công phân nhiệm rạch ròi giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể thay đổi những biểu hiện đã quá quen thuộc của nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa.

"Tôi vẫn còn nhớ như in về lập luận của một luật sư đàn anh khi ông đứng lớp trong khóa đào tạo chức danh luật sư của Học viện Tư pháp, đại ý của ông thế này : Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đảm bảo cho sự độc lập của các hoạt động tư pháp, được thể hiện rõ trong Hiến pháp, luật và nghị quyết của Đảng :

Thứ nhất, theo Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị, "phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình".

Thứ hai, theo Hiến pháp 2013, "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật ; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm" ghi ở Điều 103, Khoản 3.

Thứ ba, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, "Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" ghi tại Điều 16…

Rõ ràng vị luật sư đàn anh này đã xỏ lá học viên, vì nếu đã gọi là độc lập của các hoạt động tư pháp, thì tại sao lại viện dẫn nghị quyết Đảng vào đây, và nó còn được kể là hàng thứ nhất ? Nên nhớ, đảng chính trị không phải là luật pháp" – một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, kể ; và ông nói thêm rằng chính vì lẽ đó nên khi được nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án trong vụ Đồng Tâm, thường thấy lặp đi – lặp lại mẫu câu trong phần tường thuật của báo chí : "Các bị cáo nói lời sau cùng, có những lời cầu xin Đảng, Nhà nước khoan hồng và nương nhẹ…".

Điều đó cho thấy, ngay tại phiên toà, nơi mà sẽ chỉ có luật pháp, sự thật và công lý được tôn trọng, nó vẫn hiển hiện rõ nét cái bóng quyền lực chi phối bao trùm của Đảng. Trong khi đó, con người, chỉ công bằng trước luật pháp, và chỉ luật pháp mà thôi.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 14/09/2020

*************************

Tòa án vụ Đồng Tâm bỏ sót tội phạm hay là một cái bẫy tinh vi ?

Giang Tử, VNTB, 14/09/2020

Lời khai của ông Lê Đình Công khiến phe chủ tọa Tòa và Viện Kiểm sát bất ngờ, lúng túng, do không lường trước được.

dong6

Lời khai của ông Lê Đình Công khiến phe chủ tọa Tòa và Viện Kiểm sát bất ngờ

***

1/ Khi bị cáo Lê Đình Công khai tại tòa (dẫn dưới đây, nhà báo Facebooker Lưu Trọng Văn), các Luật sư đã tranh thủ chất vấn "đề nghị Tòa cho công khai kế hoạch 419 A" mà Nguyễn Hồng Bách luật sư bên bị hại lỡ miệng tiết lộ trong bài tranh biện.

Tòa và Viện Kiểm sát giữ im lặng không nói gì về "Kế hoạch 419 A", mặc cho Luật sư Nguyễn Hồng Bách giải thích rằng "đó là bí mật quốc gia" !

Kế hoạch 419 A bị lộ hay cố tình tiết lộ ?

Xin tham khảo ý kiến phân tích của nhà báo Lưu Trọng Văn ở phần sau.

Có lẽ nào, "Tiết lộ" là một thủ pháp "rung chà cá nhảy" cũng nằm trong "kế hoạch 49A" ?

Điều này hiểu vì sao Tòa lúng túng vội vã đổi tội danh 19 người từ "giết người" sang tội "Chống người thi hành công vụ".

Điều này cho thấy, vì sao Tòa sai nhân viên an ninh giữ chặt USB không cho luật sư bên bị sao chép sau phiên xử !

Điều này giải thích vì sao Tòa cắt lời luật sư, không giải thích. Khi trả lời các kiến nghị của luật sư đều là "không cần thiết" gọn lỏn !!! (các luật sư yêu cầu trả hồ sơ, thực nghiệm hiện trường, điều tra cái chết cụ Kình ?) !

Và Tòa rút ngắn tối đa các phiên xử sau – quan trọng nhất là phiên tranh luận.

Và nhiều bị cáo được mớm lời đã yêu cầu Luật sư ngưng bảo vệ.

Lời khai của ông Lê Đình Công khiến phe chủ tọa Tòa và Viện Kiểm sát bất ngờ, lúng túng, do không lường trước được.

2/ Nhân đây chúng tôi thử so sánh "Kế hoạch 419 A" với Chiến dịch Osama Bin Laden do biệt kích hải quân SEAL thực hiện thành công.

Lẽ tất nhiên cụ Lê Đình Kình là Dân Oan, khác với trùm khủng bố Al- Qaeda. Chúng tôi chỉ so sánh vài nét về phương pháp thực hiện hai cuộc tấn công.

Tổng thống OBAMA duyệt cho kế hoạch tìm diệt Osama Bin Laden mang tên Operation Neptune Spear (Chiến dịch Ngọn giáo Thần đại dương).

Osama Bin Laden người sáng lập tổ chức al-Qaeda và chủ mưu các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, đã bị lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ giết chết bằng các phát súng bắn vào đầu và ngực ngày 2 tháng 5 năm 2011, lúc 01g00 sáng giờ địa phương Pakistan trong một cuộc đột kích. Cuộc đột kích này cũng được biết với tên gọi Chiến dịch Abbotabad. Osama bin Laden, người sáng lập tổ chức al-Qaeda đã bị lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ giết chết bằng các phát súng bắn vào đầu và ngực.

Lúc kết thúc cuộc đột kích, các lực lượng Hoa Kỳ đã mang xác Osama bin Laden đến Afghanistan để nhận dạng rồi thủy táng ở biển trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi ông ta chết.

Quan trọng nhất là kế hoạch Obama giữ được bí mật nên đã thành công.

Trái lại, kế hoạch 419A nhờ có "tiết lộ bí mật" nên mới thành công.

Chúng ta hãy nhớ lại. Osama bin Laden, đã bị lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ giết chết bằng các phát súng bắn vào đầu và ngực.

Cụ Lê Đình Kình sau khi bị bắn 4 phát vào đầu, ngực và đầu gối, bị chó nghiệp vụ tha ra ngoài, sau đó mang đi đâu không rõ. Một ngày sau UBND xã gọi gia đình trả lại với thi thể bị mổ và khâu dài từ rốn đên ức. Riêng chi tiết mổ bụng, đến nay không ai hiểu lý do. Các luật sư cũng không dám chất vấn Viện Kiểm sát và Tòa về chi tiết khó hiểu này.

3/ "Hãy chú ý lời khai của Lê Đình Công tại tòa"

Fb Lưu Trọng Văn

"Tối 08/01/2020, bị cáo được ông Nguyễn Văn Thắng báo là tối nay công an sẽ về bắt ông Lê Đình Kình nên bị cáo báo với bị cáo Tuyển, bị cáo Hiểu, Quang, Tiến và Nối".

Lời khai này vô cùng quan trọng với toàn bộ vụ án Đồng Tâm.

Cuộc tập kích Đồng Tâm được lên kế hoạch trước với mục đích bắt hoặc tiêu diệt cụ Kình (điều này là bất chấp pháp luật).

Nhưng giờ hành quân là bí mật.

Trung đoàn phó Nguyễn Huy Thịnh đang ở đơn vị đột ngột về nhà nói với con trai là "dọn cơm và ăn cơm với bố. Tối nay bố đi công tác". Có nghĩa là bản thân thượng tá trung đoàn phó cũng chỉ biết thông tin giờ hành quân trước đó ít giờ, khi mà chưa có bất cứ hành động nào chống người thi hành công vụ của Dân Đồng Tâm, nhưng linh cảm điều gì đó không tốt lành đối với mình ông đã về ăn cơm nhà.

Mọi thông tin hành quân đương nhiên đã được lệnh phải giữ bí mật nên trung đoàn phó không nói với con trai là đi đâu. Và ông cũng không thể ngờ đó là bữa cơm cuối cùng của ông.

Vậy tại sao ngay tối đó Nguyễn Văn Thắng một người quen biết với Lê Đình Công ở Đồng Tâm lại biết tin mật kia để thông báo khẩn cho Lê Đình Công ?

Tướng Nguyễn Đức Chung chủ tịch Hà Nội vừa bị bắt giam với tội chiếm đoạt tài liệu bí mật. Nguyễn Văn Thắng không thể vô tội nếu cũng có tội "chiếm đoạt bí mật" cộng thêm tội "để lộ bí mật " cho đối tượng liên quan.

Đề nghị đại tướng Tô Lâm ra lệnh điều tra và xin lệnh bắt Nguyễn Văn Thắng của Viện kiểm sát nếu lời khai của Lê Đình Công là chính xác.

Sẽ có hai tình huống xảy ra việc để lộ bí mật này.

1. Có sĩ quan nào đó của trung đoàn Cảnh sát cơ động có thiện cảm với cụ Kình nên lén lộ tin cho Thắng để cụ Kình trốn và Thắng có lòng với cụ Kình nên báo cho gia đình cụ biết để đưa cụ đi trốn.

2. Việc cố tình lộ thông tin bắt cụ Kình để gài bẫy cụ Kình và những người ủng hộ cụ. Kịch bản được lên sẵn rất công phu. Và rất tiếc rạng sáng 9/1/2020 mọi diễn tiến đã diễn ra theo đúng kịch bản này.

ĐÓ LÀ : khi hay tin cụ Kình sẽ bị bắt người ủng hộ cụ và cả người tổ chức đi bắt cụ đều biết cụ với khi phách của mình không chịu chạy trốn nên đã tập hợp ở nhà cụ cùng vũ khí tự tạo để bảo vệ cụ.

Việc đầu tiên họ làm là ném bom xăng, ném đá xung quanh nhà cụ Kình khi biết lực lượng an ninh trang bị vũ khí đang tiến vào thôn Hoành để thị uy và thể hiện quyết tâm đổ máu để bảo vệ cụ Kình.

Bẫy bị sập !

Cụ Kình bị giết chứ không theo kịch bản để lộ là bị bắt.

Hốt nguyên ổ.

Nếu xảy ra trường hợp hai, việc cố tình lộ tin bí mật cho Thắng mà người lộ tin cho Thắng và Thắng vẫn được yên lành, lẽ ra cả hai phải bị truy tố vì tội "chiếm đoạt và tiết lộ tin bí mật" và tội "thông đồng với tội phạm" thì bà con Đồng Tâm có quyền nghi ngờ thực chất Thắng và kẻ lộ tin cho Thắng là ai.

Đồng thời với tình huống hai, có lệnh bắt cụ Kình khi cụ chưa hề bị kết án và không có hành động trực tiếp chống người thi hành công vụ nếu đúng như lời khai về Thắng của Công, thì câu trả lời cho tính hợp pháp hay không hợp pháp cuộc đột nhập của trung đoàn Cảnh sát cơ động đã rõ.

Thậm chí quá rõ".

(hết trích)

* Ngay trong đêm 8 tháng 1, lúc 21g17 phút, trang FB của người vợ trẻ của thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân có ghi "Chồng ơi, sao 3000 quân lại là anh ?" 5 giờ trước khi cuộc đột kích xảy ra (?)

dong7

Lại là một sự vô tình tiết lộ kế hoạch, nhưng nội dung rất bí ẩn.

Chắc chắn còn nhiều bí ẩn của vụ án đẫm máu sẽ được bạch hóa một ngày nào đó.

Giang Tử

Nguồn : VNTB, 14/09/2020

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2758495417809011&id=100009457401127

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Loan Thảo, Khánh Hòa, Hoài Nguyễn, Đức Minh, Nguyễn Nam, Giang Tử
Read 678 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)