Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/09/2020

Vụ án Đồng Tâm : sự tráo trở của chính quyền cộng sản Việt Nam

André Menras - Mỹ Hằng - Lê Anh

André Menras : ‘Vụ Đồng Tâm - Đảng cộng sản Việt Nam từ mị dân đến coi dân là kẻ thù’

Mỹ Hằng, BBC, 14/09/2020

Nhà làm phim người Pháp André Menras từng về Đồng Tâm trực tiếp dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân - chỉ ít lâu trước khi ông Lê Đình Kình bị bắn chết - và 'ngạc nhiên' vì thấy họ 'một lòng tin Đảng'. Khi thảm kịch xảy ra, ông cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam đang chuyển dần từ giai đoạn mị dân tới tự cô lập mình.

vu1

Nhà làm phim người Pháp André Menras từng về Đồng Tâm trực tiếp dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân

André Menras, tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, mang hai quốc tịch Pháp - Việt. Ông được biết đến với các hoạt động xuống đường trong Chiến tranh Việt Nam và mới đây qua các phim tài liệu như "Hoàng Sa - Việt Nam : nỗi đau mất mát" và "Việt Nam : Tiếng gào thét từ bên trong".

Trước ngày tuyên án 29 người Đồng Tâm, ông André Menras có cuộc trao đổi với BBC News tiếng Việt :

'Một thảm kịch được báo trước'

André Menras : Là người đã theo dõi vụ xung đột ngay từ ngày đầu cho đến trận võ trang tấn công lần thứ nhì, dẫn tới cuộc tàn sát cụ Lê Đình Kình, các vụ bắt bớ tàn bạo, chính sách khủng bố, vu khống, sách nhiễu nông dân Đồng Tâm, tôi không còn một chút hi vọng nào vào một vụ xử án công bằng.

Các bị can đã bị bắt giữ một cách phi pháp. Vụ án rõ ràng sẽ diễn ra theo kiểu các vụ án thời Stalin. Ám muội và tàn độc hơn cả vụ xử Hồ Duy Hải. Đồng Tâm sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một chế độ cùng đường, coi nhân dân là kẻ thù.

Tôi được gặp cụ Kình và bà con Đồng Tâm tại nhà cụ, vào ngày 8/3/2019. Cảm tưởng của tôi là như được gặp những lão nông dân miền Nam nước Pháp, một vùng đất quen thuộc của tôi. Đôi mắt nhìn thẳng, bàn tay chai sần, da mặt sạm nắng, nói cười bộc trực thẳng thắn. Những người đàn ông đàn bà lương thiện, sống bằng bàn tay và mồ hôi của mình. Họ nhận thức sâu sắc là họ có quyền làm chủ mảnh đất đã nuôi dưỡng họ.

Họ thuộc từng tấc đất, và biết đoàn kết gắn bó nhau để bảo vệ từng tấc đất. Họ là những con người dũng cảm và tự hào : không thể đập phá cửa nhà họ mà xông vào được đâu.

Cuộc đấu tranh của họ hoàn toàn hợp pháp, luôn luôn dựa vào pháp luật và Hiến pháp.

-----------------------

BBC : Được biết ông đã tích cực kêu gọi sự can thiệp từ giới chính trị gia trước khi vụ Đồng Tâm nổ ra ?

André Menras : Phải nói là đi thăm Đồng Tâm rồi trở về Pháp, tôi linh cảm tấn thảm kịch có thể ập tới, tôi đã gửi một lá thư cảnh báo cho đại sứ Việt Nam tại Pháp.

Tôi đã khẩn thiết và cương quyết yêu cầu ông khuyến cáo lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam, hãy dùng những biện pháp hoà bình và hợp pháp để tháo gỡ cuộc bùng nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tôi thật là ngây thơ. Thư gửi đi, không có một hồi âm nào.

Cuộc phỏng vấn của tôi với cụ Lê Đình Kình và dân làng Đồng Tâm nay thành những tư liệu lịch sử. Trong bối cảnh mà những vụ chiếm đoạt đất đai trở thành môn thể thao thời thượng của đám cán bộ tham nhũng và bọn đầu cơ côn đồ, thảm kịch Đồng Tâm và những hệ quả xã hội sâu sắc của nó sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử những cuộc đấu tranh nông dân nhằm gìn giữ đất đai do cha ông để lại.

Sẽ có nhiều Đồng Tâm khác, bởi vì bạo lực mà chế độ độc tài thối nát này gây ra, đương nhiên sẽ vấp phải sự kháng cự bạo liệt tương xứng. Đánh vào nông dân, đánh vào cái gì quý báu nhất của người nông dân, chế độ này đang cưa gãy cái cành mà nó đang ngồi trên đó. Chính thể này chỉ có thể chọn một trong hai con đường : hoặc là nó tự chuyển đổi thành một Nhà nước pháp quyền thực thụ, hoặc là nó tự tiêu diệt.

Nếu tôi là một nông dân Đồng Tâm, thì hôm nay, chắc chắn là tôi sẽ đang đứng trước vành móng ngựa, để lên án các thẩm phán ngồi trước mặt.

Thế nhưng, tôi khá ngạc nhiên nhận thấy họ hoàn toàn tin tưởng ở Đảng cộng sản Việt Nam, vào những người lãnh đạo cấp cao đã phản bội họ và sẽ giầy xéo lên họ.

'Dân Đồng Tâm hoàn toàn tin vào Đảng'

vu2

Ông André Menras nói trong cuộc họp đất đai của dân Đồng Tâm mà ông được tham dự, người dân một lòng tin Đảng

BBC : Dựa vào đâu ông nhận định rằng dân Đồng Tâm hoàn toàn tin Đảng cộng sản Việt Nam ?

André Menras : Trong cuộc gặp dân làng Đồng Tâm và cụ Lê Đình Kình, sự tin tưởng của họ vào Đảng sau khi đã bị tấn công dã man và lừa đảo năm 2017, làm tôi bị sốc.

Tôi sốc là do chính là cách ứng xử của họ đối với tôi, tôn trọng và thân thiết, coi tôi là đồng chí, đồng bào, "phấn khởi" thấy tôi mang họ Hồ của Bác, như lời cụ Kình.

Điều này giải thích tại sao họ muốn tâm sự, kể lại mọi tình tiết. Họ không coi tôi là một phóng viên nước ngoài tạt qua làng, mà coi tôi như là một đảng viên.

Trong suốt mấy tiếng đồng hồ, họ không có một lời nào chống Đảng. Họ luôn luôn tự xác định là những người cộng sản, góp phần vào "công tác chống tham nhũng" của Đảng.

Ngày tôi ra phi trường Nội Bài rời Hà Nội, người ta đã réo tên tôi bằng loa gọi tôi đến "làm việc" với ba nhân viên an ninh về chuyến thăm Đồng Tâm. Họ muốn thuyết phục tôi rằng năm 2017 nhân dân Đồng Tâm đã dùng bạo lực, trong khi chính họ - chính quyền - bị tấn công.

Trong cuộc nói chuyện rất lịch sự ấy, một trong ba an ninh nói với tôi là nếu tôi làm điều gì tổn hại thanh danh của Đảng thì tôi sẽ phải gánh chịu các hậu quả. Qua đó, tôi hiểu là Đcộng sản Việt Nam đứng ở phía nào, hiểu họ coi vụ Đồng Tâm quan trọng như thế nào.

'Chính sách mị dân'

vu3

Ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết trong vụ công an đổ quân vào thôn Hoành tháng 1/2020, đã có 58 năm tuổi Đảng.

BBC :Dựa vào những gì ông biết về chính trị, xã hội và con người Việt Nam sau hàng chục năm gắn bó, ông có thể lý giải vì sao họ vẫn giữ niềm tin đó ?

André Menras : Đó là nhờ chính sách mị dân của Đảng cộng sản Việt Nam đã thành công. Theo ý tôi, vì mấy lý do.

Trước tiên, đối với những thế hệ cao niên, uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ rất lớn. Vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam là đoàn kết, hy sinh chống thực dân và trong kháng chiến chống Mỹ rất quan trọng.

Thứ hai, rõ ràng từ sau chiến tranh, Việt Nam đã phát triển, và nhờ đó Đảng cộng sản Việt Nam đã giữ được ánh hào quang mặc dù cán bộ đã bòn rút biết bao của cải từ sự phát triển.

Thứ ba, liên quan tới thế hệ trẻ : Chính sách giáo dục chính trị hoá từ lớp mẫu giáo. Những mảng lớn của lịch sử đã bị "bỏ quên" hay bóp méo. Chính sách nhồi sọ đi đôi với tình trạng bàng quan đối với đời sống chính trị xã hội, mỗi người lo phận mình, lãnh cảm, ích kỷ trước chuyện chung.

Thứ tư, sự khống chế toàn diện của Ban Tuyên giáo trong lãnh vực thông tin. Điều này, những lãnh đạo cao nhất không hề giấu giếm. Truyền thông phải phục vụ và bảo vệ đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. 700 tờ báo, mấy kênh truyền hình VTV, nhưng chỉ có một tiếng nói : Tiếng nói của Bộ Chính trị. Đó là không nói tới tâm trạng lo sợ bị trừng phạt tức khắc và nghiêm khắc đối với bất cứ ai đi chệch hướng.

Thêm vào đó, truyền thống văn hoá Việt Nam vốn ngại ngùng trong việc đặt lại vấn đề đối với tôn ti trật tự có sẵn.

Đó là những nguyên nhân có thể giải thích tại sao chính sách mị dân của một chính đảng độc tài, bạo nghiệt và thối nát vẫn thành công cho đến bây giờ.

Giai đoạn Đảng cộng sản Việt Nam tự cô lập mình

vu4

Luật sư Ngô Anh Tuấn (phía trước) và luật sư Đặng Đình Mạnh (phía sau) thu thập bằng chứng tại giếng trời, được cho là nơi ba công an rơi xuống, tại nhà ông Lê Đình Kình, Đồng Tâm, Hà Nội

BBC : Vụ Đồng Tâm gây chấn động dư luận này sẽ ảnh hưởng tới mức độ nào vào niềm tin đó và tới vị thế của Đảng cộng sản Việt Nam ?

André Menras : Có một điều có thể khẳng định được : Đồng Tâm đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình tự cô lập của đảng Cộng sản đối với nhân dân, đặc biệt là thành phần nông dân.

Đảng cầm quyền đã tuyên chiến với toàn bộ một xã, đã sử dụng vũ lực để chiếm đoạt đất đai của những người nông dân mà số đông là đảng viên. Nó đã hành động như một tên thực dân tàn bạo.

Nó đã vượt khỏi lằn ranh đỏ, qua khỏi đó thì không còn gì là lòng tin và trọng thị.

Nó đã gây đổ máu, làm ô uế thân xác các nạn nhân, nhục mạ thanh danh họ. Nó đã dấy lên sự căm thù của người nông dân, và còn hơn thế nữa. Nó đã tạo ra và biện minh cho những căm hận mới.

BBC : Con đường tiến tới xã hội pháp quyền của VIệt Nam, từ vụ Đồng Tâm, trong quan điểm của ông, sẽ như thế nào ?

André Menras : Đồng Tâm là một thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh mà đảng Cộng sản của Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành chống lại nhân dân Việt Nam. Sớm hay muộn, nó sẽ phải trả giá cho những hậu quả.

Bởi vì, như lịch sử ngàn năm của Việt Nam cho thấy rõ, nhân dân Việt Nam có một sức chịu đựng đau khổ và oan ức hiếm có, nhưng họ không phải là những con cừu. Và, theo cung cách của mình, họ không bao giờ ngưng nghỉ kháng cự. Điều đó, những kẻ tiếm quyền hiện nay hiểu rất rõ.

Họ đang ngồi chễm chệ trên nhánh cây của nhân dân mà đa số là nông dân, họ đã thừa hưởng hoa trái của cành cây, và ngày nay họ đang cưa cành cây để bán nốt gỗ. Leo cao thì họ sẽ ngã đau.

Không ai có thể tiên đoán con đường tiến lên nhà nước pháp quyền của người Việt Nam bao giờ sẽ diễn ra và như thế nào. Nồi nước sẽ nổ tung, từ bên trong Đảng hay từ ngoài Đảng, hay cả hai cùng một lúc, nhưng sự bùng nổ là tất yếu, nhất là nếu ông bạn Trung Quốc nhúng tay vào.

Bởi vì không có nền hoà bình nào có thể lâu bền, không một xã hội nào có thể tồn tại mà không có một nhà nước pháp quyền thực sự, mà không có sự tôn trọng tối đa các quyền con người và quyền công dân.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 14/09/2020

************************

Mật hóa kế hoạch tập kích Đồng Tâm tạo điểm nghẽn cho vụ án ?

BBC, 14/09/2020

Luật sư bào chữa cho các bị cáo đã kiến nghị thu thập bản kế hoạch số 419A liên quan đến chiến dịch do công an tiến hành tại Đồng Tâm, sự kiện làm ba cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.

vu5

Các sĩ quan cảnh sát của chính quyền Hà Nội trong ngày được trao trả tự do ở Đồng Tâm, Hà Nội năm 2017

Trước kiến nghị này luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, đã phản đối, viện lý do kế hoạch về việc đảm bảo an ninh trật tự là một văn bản tối mật.

Vậy việc không tòa không cho thu thập văn bản này để làm sáng tỏ chiến dịch và hoàn cảnh dẫn đến cái chết của ba cán bộ công an, trong khi lại đề xuất hai án tử hình liệu có minh bạch công bằng với các bị cáo ?

Yếu tố quyết định của bản án

Kế hoạch 419A được cho là bản kế hoạch tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào sáng 9/1/2020 do Công an Hà Nội soạn thảo và Bộ Công an phê duyệt.

Trong cuộc tấn công, ba cán bộ chiến sĩ công an cùng ông Lê Đình Kình, một người dân xã Đồng Tâm, đã tử vong. Phiên tòa sơ thẩm đang diễn ra tại Hà Nội là để xét xử 29 bị cáo liên quan tới sự kiện này với tội danh Giết người và Chống người thi hành công vụ.

Về vấn đề này, luật sư Lê Văn Luân nói trên trang cá nhân :

"Quay trở về vấn đề công vụ. Đây là một cơ sở bắt buộc để truy tố tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự. Và điều luật này quy định, công vụ phải là hợp pháp. Trong khi đó, hồ sơ vụ án đã nêu rõ Kế hoạch số 419a/KH-PV01-PV02-MP do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt. Và tài liệu này là một văn bản đặc biệt quan trọng để xác định đúng đắn công vụ là gì.

"Mặc dù vậy, vị đại diện Công an Hà Nội xuất hiện tại phiên toà với vai trò người tham gia tố tụng khác lại đã không được xét hỏi và bị coi là đơn vị được mời tham dự phiên toà. Và hẳn nhiên, Kế hoạch số 419a này sẽ được lưu trong hồ sơ của nhiều cấp, ngành khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không có mặt trong hồ sơ vụ án. Tài liệu là văn bản trả lời về kế hoạch của Công an Hà Nội chỉ là một văn bản thế thân, nên không có giá trị để đánh giá so với bản Kế hoạch gốc chứa đựng nội dung của nó", ông Luân viết.

Khi nhắc đến bản kế hoạch 419A trong phiên tòa, luật sư bên bị hại "vô tình" tiết lộ rằng đó là tài liệu "tối mật".

Luật sư Đinh Hồng Hạnh từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng nếu đúng như các tiết lộ ở tòa, thì đây là chuyên án thuộc kế hoạch nhà nước. Bà Hạnh nói :

"Cần phải làm rõ, yêu cầu công khai được nội dung bản kế hoạch 419A mà luật sư của bên bị hại đã vô tình tiết lộ tại tòa là văn bản tối mật. Bởi nếu cơ quan, trung đoàn cảnh sát thực hiện kế hoạch bí mật ở cấp vượt trên cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội thì cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội ở vị trí thấp hơn trong chuyên án được thực hiện bởi lực lượng cao hơn trong ngành. Riêng việc này đã gây ra sự bất bình đẳng về mặt quyền lực và vi phạm trình tự thực hiện".

"Thứ hai, nếu bản kế hoạch công khai ra là thực hiện trực tiếp bởi các cơ quan an ninh, phản gián của Hà Nội thì tức đây là cơ quan gây ra vụ việc mà cũng là cơ quan cảnh sát điều tra. Điều này sẽ tạo ra sự không minh bạch và mâu thuẫn lợi ích", bà Hạnh lưu ý thêm.

Về vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh - nhận định với BBC News tiếng Việt :

"Văn bản 419A là văn bản quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tội danh của các bị cáo. Nếu văn bản đó ban hành trái luật hoặc trên thực tế triển khai các nghiệp vụ ngoài kế hoạch thì rõ ràng không thể nói là thi hành công vụ được".

Tại sao đây lại là điểm quan trọng ? Theo luật sư Sơn, nếu vụ tấn công vào sáng 9/1 không phải thi hành công vụ thì không thể nói các bị cáo chống người thi hành công vụ được.

"Khi đó, có thể xem hành vi của các bị cáo là phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Trong trường hợp này, hình phạt dành cho các bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức không quá 7 năm tù, nếu thực sự họ có các hành vi và hậu quả như cáo trạng nêu", ông Sơn phân tích.

Cần phải công khai

Viện vào lý do "tài liệu tối mật" để không công khai kế hoạch 419A là một điểm nghẽn của vụ án. Theo ý kiến của các chuyên gia, điều này tạo ra nguy cơ bản án được xét xử thiếu công bằng, minh bạch ; tạo ra bất công, án oan sai cho các bị cáo.

Một trong những điều có thể được làm sáng tỏ nếu như công bố nội dung kế hoạch 419A, đó là quan hệ giữa đơn vị triển khai cuộc tấn công vào thôn Hoành và Cảnh sát điều tra Hà Nội, nơi tiến hành điều tra vụ án.

Luật sư Hạnh nói :

"Trước hết phải làm rõ xem trong bản kế hoạch ban đầu, có công cụ nào cho phép tấn công người dân vào thời điểm không phải giờ hành chính, không phải đang trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm có thể đe dọa an ninh xã hội hay trật tự quốc gia. Phải xem lại gốc rễ vụ việc là văn bản 419A".

vu6

Các cảnh sát bước ra khỏi đình làng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22/4/2017 sau khi bị dân làng bắt làm con tin trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền

Facebooker Hải Bùi Hồng nêu ý kiến trên trang cá nhân :

"Dù chúng ta chưa được đọc nội dụng cụ thể của bản kế hoạch 419A/KH - PV01 - PV02 - MP, nhưng những gì bộc lộ tại tòa và tài liệu trong cáo trạng thể hiện, cho phép sử dụng cả trung đoàn quân đặc nhiệm tấn công vào tư gia của người dân vào đêm khuya mà không có lệnh của tòa án, hoặc bất kỳ hành động phạm pháp quả tang.

"Một bản kế hoạch giấy trắng mực đen như vậy tuyệt đối sẽ không biến mất. Nó đã là thách thức pháp lý vĩnh viễn đối với những người đã ký và tổ chức thực hiện nó".

Trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Hồ Hải đặt câu hỏi :

"Các luật sư bảo vệ các bị can vụ án Đồng Tâm đòi tòa đưa kế hoạch tối mật 419A, nhưng không được như ý. Vậy kế hoạch 419A là kế hoạch gì, do ai chủ biên, ai ký lệnh ? Sao phải gọi là tối mật ?".

vu7

Trao đổi với BBC, luật sư Phùng Thanh Sơn đánh giá :

"Còn tuỳ vào nội dung của văn bản 419a đề cập đến vấn đề gì, có đề cập đến những nội dung mang tính nghiệp vụ hay không. Nếu không thì không nên xem đó là tài liệu mật. Cho dù văn bản 419A là văn bản mật đi chăng nữa nhưng nó là văn bản quan trọng quyết định đến bản chất vụ án thì nó được xem là chứng cứ của vụ án, toà án cần phải thu thập đưa vào hồ sơ vụ án.

Một khi đã là chứng cứ thì luật sư được quyền tiếp cận. Khi tiếp cận văn bản 419A thì luật sư có nghĩa vụ bảo mật tài liệu này theo quy định pháp luật", ông Sơn nói.

Phân tích với BBC, luật sư Hạnh nói thêm :

"Như vậy, mấu chốt là làm rõ bản kế hoạch 419A để xác định phạm vi, đối tượng cũng như trong tình huống nào họ được tấn công khi họ xác định có hành vi khủng bố. Vì theo tường thuật, cuộc tấn công diễn ra vào 3 giờ sáng, không phải thời điểm đang xảy ra tranh chấp thì không thể xem là hành vi khủng bố. Và phải xem lại việc 3 cảnh sát chết có là hành vi giết người và chống người thi hành công vụ hay không".

"Các tài liệu, mọi bước có liên quan đến vụ việc này mà được xem là bí mật nhà nước thì không đảm bảo sự minh bạch trong xét xử. Vì những bên liên quan và người dân không thể tiếp cận được và đây là lợi thế quá lớn của cơ quan Cảnh sát điều tra và những người tiến hành tố tụng. Tôi nghĩ quan trọng trong vụ này là phải công khai bản kế hoạch 419A. Thứ hai là tòa phải đồng ý điều tra thực nghiệm bổ sung và trả hồ sơ điều tra lại từ đầu", bà Hạnh đề xuất.

Các chuyên gia pháp luật cũng cho rằng nếu các tài liệu, mọi bước có liên quan đến vụ việc này mà được xem là bí mật nhà nước thì không đảm bảo sự minh bạch trong xét xử. Vì những bên liên quan và người dân không thể tiếp cận được nên đây là lợi thế quá lớn của cơ quan cảnh sát điều tra và những người tiến hành tố tụng.

Nguồn : BBC, 14/09/2020

*********************

Cụ Lê Đình Kình bị bắn chết bằng súng MP5K của Đức

Nguồn tin từ Bộ Công an cho biết "Cụ Lê Đình Kình đã bị hành quyết, bắn trực diện bằng súng MP5K của Đức gắn nòng giảm thanh"

 Súng MP5K của Đức đã được dùng để bắn chết cụ Lê Đình Kình sáng 9/1/2020 tại phòng ngủ

Tiếp theo những thông tin vừa được tiết lộ từ Cục 5 (Cục tình báo Bộ Công an) về nguyên nhân cái chết của 3 công an trong vụ tấn công vào Đồng Tâm rạng sáng 9.1.2020 là do tự bắn nhầm vào nhau, thì ngay sau đó, thông tin cho biết thêm về loại vũ khí đã bắn chết ông Lê Đình Kình trong phòng ngủ là khẩu súng MP5K của Đức, được gắn nòng giảm thanh và đèn chiếu 200m.

vu9

Lỗ đạn MP5K nhằm bắn trúng tim cụ Lê Đình Kình

Được biết đây là loại vũ khí chuyên dụng được Việt Nam nhập về trang bị cho Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm Hà Nội, nay lại được dùng để đối phó với người dân và các đối tượng cần trấn áp mạnh.

Súng MP5K là phiên bản rút ngắn của súng tiểu liên MP5, không những chiều dài ngắn hơn hẳn, mà trọng lượng cũng nhẹ hơn nhiều nên rất linh hoạt và thuận tiện khi tác chiến ở cự ly gần.

vu10

Nhiều vỏ đạn 9x19mm của súng tiểu liên MP5 được tìm thấy tại hiện trường, nhà cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm sáng 9/1/2020

Một sĩ quan cảnh sát cơ động tại Hà Nội cho biết thêm "chỉ cần mổ lấy đầu đạn còn găm trong người cụ Kình, so sánh là biết khẩu súng nào đã nhả đạn bắn vào cụ, qua đó biết được chính xác người đã bắn".

Có lẽ vì vậy, ngay sau khi bị công an hạ sát, xác cụ Kình đã được khẩn trương mang đi để mổ phanh, tìm, tiêu hủy các bằng chứng và dấu vết này, sau nhiều ngày mới được trao lại cho gia đình để chôn cất.

vu11

Cảnh sát cơ động sử dụng súng MP5 để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ

Thông tin cho biết, Bộ Công an Việt Nam mà người đứng đầu là Đại tướng Tô Lâm, đã coi thường pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mặc dù không có lệnh Tòa án nhưng vẫn điều cảnh sát cơ động đột kích vào Đồng Tâm giữa đêm, sử dụng công nghệ, vũ khí quân dụng của Đức để bắn chết cụ già 84 tuổi ngay trong phòng ngủ, điều đó đang gây bất ngờ lớn cho truyền thông, báo chí và các chính trị gia tại Đức.

Dự kiến trong những ngày tới, phía Đức sẽ bắt đầu điều tra vì sao vũ khí của nước này lại xuất hiện tại một nhà nước Cộng sản độc tài để đàn áp nhân dân.

Lê Anh

Nguồn : Thoibao.de, 14/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: André Menras, Mỹ Hằng, BBC tiếng Việt, Lê Anh
Read 473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)