Tại sao Trung Quốc bắt dòng chảy sông Mekong làm con tin ?
Tâm Tuệ - VOA tiếng Việt
Hiểm họa ‘cuộc chiến nước’ từ các con đập thượng nguồn của Trung Quốc đối với hạ lưu sông Mêkông
Tâm Tuệ, Việt Luận, 14/09/2020
"Vũ khí vô hình"
Nhà báo David Hutt chuyên về chính trị châu Âu, các vấn đề quốc tế và quan hệ Á-Âu đã có bài viết trên báo Asia Times nói nguy cơ cuộc chiến về nước đang gia tăng trên dòng sông Mêkông. Khi Trung Quốc giờ đây có khả năng ngăn chặn hoàn toàn dòng chảy của sông Mêkông tới các quốc gia ở hạ lưu, và có thể sử dụng khả năng này để gây tổn thất cho các nền kinh tế chủ yếu dựa nông nghiệp, gây ra tình trạng khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra xung đột.
Các học giả nhận định rằng sông Mêkông sẽ là "Biển Đông tiếp theo" xét về phương diện điểm nóng đang nổi.
Vào năm 2017, nhà phân tích độc lập Eugene Chow đã miêu tả các con đập của Trung Quốc là "vũ khí vô hình" vốn "cho phép Trung Quốc có thể giữ 1/4 dân số thế giới làm con tin mà không cần nổ súng".
Ông Brahma Chellaney – một giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi (Ấn Độ), nói rằng : "Khi các trận hạn hán ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng, mạng lưới đập của Trung Quốc cho phép nước ngày càng có sức nặng đối với các quốc gia ở hạ lưu".
Hồi đầu năm 2019, giới chức Trung Quốc đã mở cửa đập Jinghong (Cảnh Hồng) để bảo dưỡng, gây ngập lụt ở Lào và Thái Lan, làm phá hủy các mùa màng và nghề cá.
Sau khi hoàn tất việc sửa chữa, giới chức Trung Quốc lại đổ đầy nước cho các con đập trống rỗng, khiến mực nước ở hạ lưu giảm. Do công việc bảo dưỡng trên diễn ra đúng lúc hạn hán xảy ra tại các quốc gia Đông Nam Á hồi tháng 7, mực nước sông đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, khiến một quốc gia Đông Nam Á lại phải yêu cầu Trung Quốc xả nước ở thượng lưu.
Bắc Kinh nói rằng các cáo buộc về việc vũ khí hóa dòng sông là không có thật và không công bằng khi khiến Trung Quốc bị xem như là một quốc gia bắt nạt trong khu vực.
Và ngày càng có nhiều hơn bằng chứng cáo buộc Trung Quốc là một quốc gia thật sự đang gây hiểm họa cho các nước vùng hạ lưu.
Khi một báo cáo vừa được công bố vào tháng 8/2020 chỉ ra rằng các đập thủy điện trên thượng nguồn – chủ yếu là ở Trung Quốc – đã chặn lại một lượng lớn nước chảy xuống hạ nguồn, với các phân lưu cuối cùng chảy qua các tỉnh Nam bộ Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.
Hiện có 11 con đập lớn đang hoạt động trên thượng nguồn sông Mêkông trước khi ra khỏi biên giới Trung Quốc và chảy vào Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, truyền thông quốc tế dẫn thống kê của Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ có trụ sở ở Washington, DC. Báo cáo của dự án Mêkông của Stimson ra hồi tháng 4 cho biết rằng Trung Quốc đã xây dựng các đập trên thượng lưu sông Mêkông trong 3 thập kỷ qua, làm các quốc gia ở hạ lưu lo ngại rằng Trung Quốc một ngày nào đó sẽ "tắt nguồn nước."
Các dữ liệu của Stimson cho thấy trong 6 của năm 2019, Trung Quốc nhận được một lượng mưa trên trung bình và các con đập của họ đã giữ lại một lượng nước lớn hơn bao giờ hết – trong khi các quốc gia ở hạ lưu đồng thời bị hạn hán nặng chưa từng có. Báo cáo của Stimson chỉ ra rằng Trung Quốc tích trữ lượng nước nhiều hơn bao giờ hết và đang gây ra những thay đổi thất thường và tàn khốc đối với mực nước ở hạ lưu sông Mêkông.
Tháng 4 vừa qua, một báo cáo qua chương trình Sáng kiến Hạ vùng sông Mêkông (LMI) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho rằng có sự liên quan giữa mực nước thấp kỷ lục của sông Mêkông trong một nửa thế kỷ qua vào năm ngoái, với các hoạt động của đập thủy điện.
Trích dẫn báo cáo này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell hôm 4/9 cáo buộc Trung Quốc "thao túng" dòng chảy sông Mêkông vì "lợi ích riêng" trong khi các nước hạ nguồn "phải trả giá đắt," gây nên "một thách thức cấp bách" trong khu vực. Ông Stilwell nói rằng việc "thao túng dòng chảy dọc sông Mêkông" của Trung Quốc xảy ra trong 25 năm qua, trong đó "sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với việc xây dựng và vận hành các con đập lớn."
Trung Quốc ngay lấp tức phủ nhận kết quả của báo cáo này và nói rằng khu vực thượng lưu cũng ghi nhận lượng mưa thấp.
Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng
Theo báo cáo mới của Ủy hội sông Mêkông (MRC), lưu lượng nước thấp có thể gây ra những tác động nghiêm trọng do mất đi tiềm năng về thủy sản và thủy lợi.
"Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long," báo cáo của MRC nhận định. Hiện có khoảng 17 triệu người dân Việt Nam đang sinh sống tại lưu vực của hệ thống sông Cửu Long.