Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/09/2020

Thực hư về ‘Ngoại giao chiến lang’ của Trung Quốc

Chen Dingding & Hu Junyang

Bị kích thích bởi các thông tin sai lầm trong thời kỳ đại dịch Covid-19, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục rạn nứt. Có một quan điểm thường thấy ở Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tiến hành cái gọi là "Ngoại giao chiến lang" [‘Wolf Warrior’ Diplomacy, hay "ngoại giao chiến binh sói"]. Thuật ngữ này dường như đã trở thành một từ ngữ thông dụng (ở phương Tây) chỉ trích phong cách đối đầu thẳng thắn của các quan chức ngoại giao Trung Quốc. Tại phương Tây đang dần hình thành sự đồng thuận cho rằng trên chính trường quốc tế, Trung Quốc đang chuyển từ thái độ mềm mỏng sang cứng rắn. Tuy nhiên, trước sự thịnh hành của thuyết "Ngoại giao chiến lang", chúng ta nên suy ngẫm xem cách nói này có đúng không.

chienlang1

Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tiến hành cái gọi là "Ngoại giao chiến lang"

Trước tiên, cần phải hiểu nguồn gốc và động cơ phía sau cụm từ thông dụng này. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, trang web của các đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài đã đăng một loạt bài báo, trong đó một số bài đã so sánh thành công của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn dịch bệnh với sự bất lực trong đối phó với dịch bệnh của các nước phương Tây. Trong khi khoảng cách về hiệu quả chống dịch ngày càng rõ ràng [là Trung Quốc thành công hơn] thì ngược lại, [thành tích của] Trung Quốc vẫn chưa được khẳng định đầy đủ - có lúc còn bị bôi xấu. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra những tuyên bố diều hâu và thẳng thắn. Ngược lại, họ nhanh chóng gây ra đợt phản công từ các quốc gia bất lực trong việc chống dịch bệnh với đại diện là Mỹ, và họ bị chụp mũ là "ngoại giao chiến lang". Danh hiệu này tạo ra một hình ảnh quốc gia Trung Quốc cứng rắn hơn, làm cho phương Tây càng thêm lo sợ, ác cảm và chỉ trích Trung Quốc.

Trên thực tế, đằng sau những hành động cứng rắn của liên minh do Mỹ đứng đầu là nỗi lo ngại nghiêm trọng về khả năng điều chỉnh hệ thống chiến lược của Trung Quốc được phản ánh trong mô thức ngoại giao. Là một siêu cường đang trỗi dậy, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách "Giấu mình chờ thời" (Thao quang dưỡng hối) và tích cực tham gia các công việc quốc tế. Sức mạnh ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đã khiến Trung Quốc trở nên nói thẳng không kiêng nể và không thỏa hiệp trong một số vấn đề.

Mặc dù đang tiến hành rút lui chiến lược dưới sự chỉ dẫn của phương châm "Nước Mỹ trên hết", nhưng Mỹ vẫn không dung thứ tham vọng toàn cầu và xu hướng đa cực không cân bằng của Trung Quốc. Washington cho rằng trật tự thế giới "dưới sự thống trị của Mỹ" không thể bị xói mòn, hay ít nhất là không bị một chính phủ Cộng sản làm xói mòn.

Mặc dù có một số dấu hiệu của sự tự phụ nhưng hành vi hiện nay của Trung Quốc khác với cái mà một số người gọi là "ngoại giao chiến lang" vì hai lý do. Thứ nhất, nếu chỉ chú ý tập trung vào các sự kiện trong đợt dịch bệnh Covid-19 là không đủ. Các hành vi đó phải được xem xét trong bối cảnh căng thẳng tổng thể giữa Mỹ với Trung Quốc. Dịch bệnh này có tác dụng như chất xúc tác, làm tăng tốc sự bêu xấu hình ảnh quốc gia của Trung Quốc tại Mỹ. Các chính trị gia diều hâu của Mỹ đã gieo rắc những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật. Hành động ngoại giao của Trung Quốc là sự phản kích trong những trường hợp đặc biệt và là sự đáp trả tích cực trước sức ép cao của Nhà Trắng. Ngoài ra, đường lối ngoại giao cứng rắn [của Trung Quốc] cũng có những toan tính kiềm chế và hướng dẫn chủ nghĩa dân tộc trong nước. Nhưng nhìn tổng thể, từ "ngoại giao khẩu trang" đến viện trợ kinh tế, Trung Quốc chủ yếu vẫn dựa trên lý trí và kiềm chế, cố gắng tạo dựng mình thành một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm.

Thứ hai, phát ngôn trên mạng xã hội của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp là hành vi cá nhân. Trước những cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, các nhà ngoại giao Trung Quốc hoàn toàn có quyền bảo vệ đất nước mình. Tiếng nói ở nước ngoài của Trung Quốc vẫn còn nhỏ bé, và hầu hết các quan chức đều thận trọng về những phát ngôn của mình. Đánh giá lập trường của một quốc gia chỉ dựa trên một hoặc hai kênh là hẹp hòi.

Gác lại việc tranh luận đúng hay sai sang một bên, sự đáp trả cứng rắn này [của Trung Quốc] phản ánh cuộc xung đột Mỹ – Trung hiện nay. Cuộc đấu tranh giữa các cường quốc sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Hiện nay, hợp tác nghiên cứu làm vắc xin và kiểm soát dịch bệnh mới là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nước.

Chen Dingding & Hu Junyang

Nguyên tác : "Is China Really Embracing ‘Wolf Warrior’ Diplomacy ?", The Diplomat, 09/09/2020

Nguyễn Hải Hoành dịch

Từ tiếng Hoa trên Thời báo Hoàn Cầu (美国《外交学者》 : 中国外交仍以理性克制为主基调 ;   来源:环球时报作者:陈定定).

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chen Dingding & Hu Junyang, Nguyễn Hải Hoành
Read 854 times

2 comments

  • Comment Link Hoàng Trường Sa samedi, 19 septembre 2020 04:44 posted by Hoàng Trường Sa

    Kính mời quý vị đọc thêm bài: “Analysis: China's wolf warrior overreach draws comparison to Imperial Japan”(“Phân tích: Sự vươn xa quá mức của chiến lang Trung Quốc làm ta so sánh với Đế quốc Nhật Bản”) của tác giả KATSUJI NAKAZAWA (nguồn: https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Analysis-China-s-wolf-warrior-overreach-draws-comparison-to-Imperial-Japan)

    Các học giả cảnh cáo: “Tạo ra kẻ thù mọi phía là đi ngược với sách vở ngoại giao cổ”( Making enemies on all sides goes against ancient diplomatic textbook) (Katsuji Nakazawa).

  • Comment Link Hoàng Trường Sa samedi, 19 septembre 2020 00:23 posted by Hoàng Trường Sa

    Bài này của hai tác giả TQ, Chen Dingding & Hu Junyang , theo ngu ý của tôi, là viết theo quan điểm của người TQ, và thiếu tính khách quan, trung thực.

    Việc thế giới phê bình TQ đang theo đuổi chính sách ngoại giao chiến lang (sói chiến) là đúng, hoàn toàn không do cách nhìn lệch lạc của người nước ngoài về TQ. Mà nguyên do là lối hành xử hống hách, cao ngạo của các nhà ngoại giao TQ.

    Thử đọc đoạn sau đây, trích từ bài của tác giả Richard Javad Heydarian: “European powers weigh wading into South China Sea” (Các cường quốc Âu châu đang cân nhắc việc lội vào Biển Đông) (nguồn: https://asiatimes.com/2020/09/european-powers-weigh-wading-into-south-china-sea/ , về bản dịch, xin mời đọc: https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/18794-d-i-d-ch-covid-va-donald-trump-giup-chau-au-th-c-t-nh-tru-c-b-c-kinh ) :

    “Trong cuộc phỏng vấn truyền thông vào tháng Bảy, Đại sứ TQ tại Vương quốc Anh, Liu Xiaoming, đã cáo buộc chính phủ Johnson đã “đầu độc nghiêm trọng bầu không khí của liên hệ Anh-Hoa” và cảnh cáo những hậu quả trầm trọng sẽ đến nếu Anh quyết định “nhập bọn với Hoa Kỳ” trong biển Nam Trung Hoa.

    “Sau Brexit, tôi nghĩ là Vương quốc Anh vẫn muốn giữ một vai trò quan trọng trên thế giới. Đây không phải là cách để đóng một vai trò quan trọng”, vị đại diện TQ nói, lặp lại những đe dọa trước đây về viễn ảnh các thương ước đầu tư và thương mãi với Anh.” (hết trích)

    (Nguyên văn : “In a July media interview, Chinese Ambassador to the United Kingdom Liu Xiaoming accused the Johnson administration of “seriously poison[ing] the atmosphere of China-UK relationship” and warned of major consequences if Britain decides to “gang up with the United States” in the South China Sea.

    “After Brexit I think the UK still wants to play an important role in the world. That is not the way to play an important role,” the Chinse envoy said, echoing earlier threats to prospective trade and investment deals with Britain.)

    Ngôn từ trên đây của ông Đại sứ TQ, Liu Xiaoming, vừa có tính hăm dọa, vừa có tính dạy đời một cách hỗn hào, không phải là ngôn từ của một nhà ngoại giao. Đó không phải là “ngoại giao sói chiến” (wolf warrior diplomacy) thì là gì?

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)