Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan bảo vệ tư tưởng và tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam và Tổng cục Chính trị Quân đội, cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, đang ra sức bênh vực nguyên tắc "tập trung dân chủ" cho đảng tiếp tục cầm quyền độc tài.
Nhưng khi đảng thắng lớn thì dân thua to.
Tập trung dân chủ là gì ? Có phải là đàn cừu do Đảng cộng sản giật dây ?
Ý nghĩa tập trung dân chủ
Vậy tập trung dân chủ là gì ? Điều lệ đảng Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua ngày 19/01/2011, viết : "Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc : tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (thông qua ngày 19/0/2011).
Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" có từ bao giờ ? Theo tài liệu cộng sản thì tiêu chuẩn cố định này xuất phát từ cửa miệng Lenin, trùm giáo điều và độc tài.
Tài liệu Bách khoa Toàn thư mở viết : "Lenin, người đầu tiên nhắc tới khái niệm "Tập trung dân chủ", giải thích rằng tập trung dân chủ là tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động".
Oái oăm là đảng viên chỉ được tự do tranh luận trong nội bộ, không được phép phát tán tài liệu hay phản biện ngoài phòng họp. Tùy theo vấn đề, đôi khi cả dân cũng được cho góp ý, nhưng không được quyền bỏ phiếu. Vì vậy khi đảng biểu quyết thì những ý kiến trái chiều, chống lại quan điểm của đảng bị gạt bỏ thẳng tay. Nguyên nhân bắt nguồn từ tư duy cực đoan, giáo điều và bảo thủ của Lãnh đạo luôn luôn tự cho đảng "không bao giờ sai" để buộc dân phải tuân theo quyết định của đảng và phải làm theo lệnh đảng.
Vì vậy, nguyên tắc "tập trung dân chủ" là chống lại dân chủ đích thực để đảng được độc tài cầm quyền và độc tôn cai trị không cần dân có đồng ý hay không.
Bằng chứng ở Việt Nam, trong cuộc lấy ý kiến dân cho bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013, đã có một số không nhỏ đề nghị đảng thay đổi Điều 4 trong dự thảo vì điều này đã dành đặc quyền "đương nhiên" được lãnh đạo đất nước cho đảng mà không cần có sự tán thành của dân qua lá phiếu. Nhưng khi Quốc hội thảo luận biểu quyết thì đề nghị thay đổi này không được nhắc tới, dù chỉ một lần, làm như không hề có ý kiến nào muốn sửa đổi.
Vì vậy, khoản 1, Điều 4 phản dân chủ đã được giữ nguyên, theo đó : "Đảng cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Ngay cả ông Hồ Chí Minh cũng đã tiếm quyền dân khi ông viết trong Di chúc, phổ biến sau khi qua đời năm 1969, rằng : "Đảng ta là một Đảng cầm quyền".
Cũng trái khoắy là Hiến pháp sửa đổi 2013 chỉ ra đời sau 2 năm đảng tái khẳng định trong Cương lĩnh "xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển)" năm 2011 rằng "Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Đồng thời Điều lệ đảng sửa đổi tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011) cũng rập khuôn nhắc lại "Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền".
Như vậy, nguyên tắc "tập trung dân chủ" của cộng sản Việt Nam đã thống nhất trong 3 Văn kiện quan trọng nhất gồm Cương lĩnh, Điều lệ đảng và Hiến pháp, nhưng củng có mục đích chung là bảo vệ quyền cai trị tự phong cho mình và phủ nhận quyền tự quyết chính trị của dân.
Chủ trương của khối cộng sản
Nhưng Việt Nam cộng sản không phải là trường hợp cá biệt. Khi khối cộng sản Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông u chưa tan rã từ những năm 1989-1991 thì nguyên tắc "tập trung dân chủ" được thống nhất thi hành trong toàn khối và các nước chu hầu của Nga. Tiêu chí đặc quyền, đặc lợi này cũng được Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh áp dụng cho hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam từ khi hai đảng ra đời, với mục đích duy nhất là loại bỏ quyền tham gia chính trị của dân để đảng vĩnh viễn nắm quyền cai trị.
Hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam từ khi ra đời chỉ có mục đích duy nhất là loại bỏ quyền tham gia chính trị của dân để vĩnh viễn nắm quyền cai trị.
Do đó, khi đảng Đảng cộng sản Việt Nam phùng mang trợn mắt khoe thực thi "tập trung dân chủ" còn nhằm "đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân…" là thêm bằng chứng đảng đã "ăn của dân không từ một cái gì", đúng như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11/9/2013.
Bởi vì đảng muốn, chỉ một mình đảng Đảng cộng sản Việt Nam là "chủ nhân ông" duy nhất và có toàn quyền cai trị và kiểm soát đất nước, dù vẫn cương cổ lên hô hoán rằng "Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân". Trong khi dân lại chưa hề bỏ phiếu chấp nhận quyền cai trị của đảng duy nhất trên đất nước. Như vậy rõ ràng là đảng đã tròng vào cổ dân quyền lãnh đạo bất chính của mình, cũng như buộc dân phải chấp nhận Chủ nghĩa ngoại lai phản dân chủ và thoái trào Mác-Lenin và Tư tưởng cộng sản Hồ Chí Minh.
Đảng còn tự mình nhét chữ vào miệng dân khi viết trong Cương lĩnh 2011 rằng : "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta".
Đảng cũng trơ trẽn liên tiếp nhắc lại lời tuyên bố che giấu tham vọng của ông Hồ Chí Minh ngày 7/6/1960, tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) rằng : "Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác".
Như thế rõ ràng là ông Hồ Chí Minh và đảng Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy dân làm bình phong che đậy cho tham vọng nắm quyền độc tôn cai trị cho đảng.
Bằng chứng lừa bịp này còn được phô trương trong Điều 2 Hiến pháp 2013, theo đó viết rõ :
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Dân chủ giả hiệu
Nhưng "quyền lực nhà nước" nào đã thuộc về dân ? Dân chả có quyền gì trong chế độ cộng sản ở Việt Nam. Ngay cả quyền bầu người đại diện cho mình ở Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước, cũng do "đảng cử dân bầu", lồng trong cái khung dân chủ giả tạo do Mặt trận Tổ quốc đạo diễn. Mặt trận Tổ quốc là tổ chức ngoại vị của đảng nắm quyền chọn ứng cử viên, rồi qua hình thức "hiệp thương" giả vờ để chọn người vào Quốc hội cho dân bỏ phiếu lấy lệ mà không cần phải có vận động tranh cử giữa các ứng cử viên.
Dân cũng không được quyền tự do ra báo, bị cấm thành lập đảng chính trị và các tổ chức xã hội. Dân còn bị đàn áp khi tự phát biểu tình, dù là để chống Tầu xâm lược trên đất liền và ở Biển Đông
Mặc dù tất cả những quyền này đã được quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013, theo đó : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Cái bẫy của điều này là câu "thòng lọng" : "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định", như Luật Báo chí chỉ cho phép các cơ quan và tổ chức của đảng ra báo để khuynh loát dư luận, nhất định không cho tư nhân ra báo. Báo chí và đội ngũ nhà báo phải viết theo định hướng của Ban Tuyên giáo với nhiệm vụ tuyên truyền cho chủ trương, chính sách của đảng là chính.
Đảng cũng ngăn cấm thành lập đảng chính trị, nói chi đến "tổ chức chính trị đối lập" với Đảng cộng sản cầm quyền duy nhất. Đảng còn trì hoãn, hay ép Quốc hội không thảo luận 2 Luật biểu tình và lập hội trong nhiều năm qua vì sợ mất quyền kiểm soát.
Hậu quả nhãn tiền
Do đó, trước thềm Đại hội đảng XIII, diễn ra đầu năm 2021, đảng đã ra sức bênh vực nguyên tắc "tập trung dân chủ" để bảo vệ công tác quy hoạch cán bộ của Bộ Chính được hoàn bị, nhất là đối với cấp chiến lược và chủ chốt, vào Ban Chấp hành Trung ương XIII.
Theo lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị Trung ương 13, từ 5 đến 10/10/2020, thì
Bộ Chính trị đã duyệt xét, và đồng ý với số 227 Ủy viên vào Ban Chấp hành đảng XIII. Nhưng danh sách này sẽ dược chọn trên tổng số 151 người được đề cử và tái ứng cử (199 Ủy viên chính thức và dự khuyết của Khóa XII) tại Đại hội đảng XIII.
Việc chọn lựa này không mới, tuy có kỹ hơn so với các khóa trước để ngăn chặn nạn chạy chức chức chạy quyền, chạy quy hoạch, tránh nạn con ông, cháu cha, dòng họ và lợi ích nhóm.
Nhưng đội ngũ sẽ nắm quyền sinh sát cả nước trong 5 năm tới của nhiệm kỳ 2021-2026 vẫn là của đảng, do đảng và vì đảng. Người dân không hề được hỏi ý kiến cho công tác chọn người lãnh đạo do đảng quyết định, nhưng lại bị cai trị bởi nhóm người này
Đó là hậu quả nhãn tiền và tính ngụy biện của chủ trương "tập trung dân chủ".
Bằng chứng đã có những lạm dụng để độc tài, bảo vệ quyền lợi cá nhân, phe nhóm trong đảng như đã được xác nhận rằng : "Trong quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, một số tổ chức đảng thực hiện không nghiêm túc, hiệu quả thấp, thậm chí có nơi nguyên tắc này còn bị bóp méo, vô hiệu hóa. Có cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo thiếu tôn trọng và chưa phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới ; cán bộ lãnh đạo ở một số nơi còn gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Đã có không ít trường hợp, người đứng đầu tổ chức đảng lợi dụng, thâu tóm quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, thực hiện "tư duy nhiệm kỳ", "lợi ích nhóm" bằng mọi thủ đoạn, như trù úm những người có ý kiến khác với mình, kéo bè, kéo cánh. Khi đó, các thành viên trong tổ chức đảng bị phân liệt hoặc phải ủng hộ cái sai của nhau, không dám bảo vệ cái đúng, dẫn đến đoàn kết xuôi chiều (thực chất là mất đoàn kết), làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Khi tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức diễn ra phổ biến, kéo dài ở tổ chức đảng thì nguyên tắc tập trung dân chủ lại trở thành bình phong che chắn cho những hành vi tham nhũng của cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống" (theo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 09/03/2020)
Nhưng những khuyết tật nêu trên không chỉ đến nhất thời hay năm thì mười họa mới xẩy ra mà đã có thường xuyên. Điều này chứng tỏ, càng kéo dài "tập trung dân chủ" để phàn dân chủ thì con bệnh lạm quyền, cưỡng chế quyền lực và "cái lồng quyền lực" càng phình to ra.
Điển hình như Học viện Chính trị cao nhất của đảng như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã cảnh báo đang có hiện tượng muốn xoay chiều trong đảng. Bài viết cho biết : "Điều đáng nói là, tình trạng đó kéo dài nhưng ít được quan tâm phân tích làm sáng tỏ và có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Khi tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ không được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí diễn ra ngày càng phức tạp, có những tổ chức đảng mất sức chiến đấu thì xuất hiện quan điểm cho rằng nguyên tắc này không có tính khả thi, càng thực hiện thì càng mất dân chủ, càng độc đoán, chuyên quyền (?!). Một số đảng viên, có cả cán bộ lãnh đạo và một số nhà lý luận cũng có lúc nghi ngờ tính khả thi của nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Hàng chục năm qua, trên các diễn đàn, hội thảo khoa học hay các bài viết trên một số tạp chí đã đề xuất thay đổi tên nguyên tắc "tập trung dân chủ" thành nguyên tắc "dân chủ" hay nguyên tắc "dân chủ tập trung" với mong muốn dân chủ thực sự hơn, hạn chế tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền".
Cứu nguy – phản biện
Để đối phó với chỉ trích "phi dân chủ" của nguyên tắc "tập trung dân chủ", Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đề ra một số biện pháp để bảo vệ hàng ngũ không bị lung lay, đứng đầu là "nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ".
Bài báo nói đảng viên cần phải biết :
"Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng chi phối các nguyên tắc tổ chức, hoạt động khác của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm cho đảng cộng sản thống nhất về tư tưởng chính trị và tạo nên sức mạnh của tổ chức, xây dựng được đội ngũ đảng viên năng động, sáng tạo, có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao. Nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm cho đảng luôn luôn là một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức hành động chứ không phải là một câu lạc bộ chỉ bàn cãi suông…
Thứ hai, phải "tổ chức thực hiện đúng nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ", theo đó : "Những nội dung căn bản của nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta hiện nay được quy định trong Điều lệ Đảng : các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ; mỗi tổ chức đảng phải thực hiện chế độ báo cáo với cấp trên, thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc ; tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức…".
Thứ ba, phát huy dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Bài báo tiếp theo : "Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở khâu triển khai thực hiện. Dân chủ phải thực sự là "chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề", nhưng dân chủ đòi hỏi cần có một hành lang pháp lý rõ ràng. Do vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện các thiết chế, cơ chế nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, bảo lưu ý kiến hay rút ý kiến bảo lưu mà không bị phân biệt đối xử, trù úm dưới mọi hình thức… Tình trạng "dĩ hòa vi quý", quan niệm "đấu tranh tránh đâu" vẫn còn, vì trên thực tế các quy định bảo vệ người đứng đắn, trung thực, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, tố cáo hành vi sai trái vẫn chưa đủ sức mạnh, thiếu tính khả thi. Đồng thời, cùng với việc mở rộng dân chủ, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, không để bất cứ ai lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của đồng chí mình, gây mất đoàn kết nội bộ. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành các quy định của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng".
Điều đáng nói là những biện pháp trên không mới vì đã được lãnh đạo đảng nói nhiều lần. Có mới chăng là những hạn chế vẫn kéo dài để lan rộng tình trạng có thêm cán bộ, đảng viên bất bình với bản lĩnh bảo thủ, giáo điều và thiếu phục thiện của đảng.
Do đó, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phải lưu ý đảng viên không được chệch hướng với khẳng định : "Chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách là nội dung quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ và phải được thể hiện trong quy chế làm việc của từng tổ chức đảng".
Nhưng mặt khác thì đảng lại sử dụng "thế lực thù địch" như quân bài để làm bình phong che đậy thất bại trong nỗ lực hạ thấp tình trạng bất bình của đảng viên đối với chủ trương dân chủ nửa vời của đảng.
Vì vậy hiện tượng chống "tập trung dân chủ" trong đảng cũng đã được "thù địch hóa" rằng : "Các thế lực thù địch lợi dụng những khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc này càng ra sức xuyên tạc, bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ hòng làm cho đảng viên hoang mang, hoài nghi, muốn từ bỏ nguyên tắc. Đó thực chất là một trong những hoạt động "diễn biến hòa bình" làm cho chính những đảng viên của Đảng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", làm cho tổ chức đảng mất sức chiến đấu, rệu rã, tê liệt, suy yếu và để chúng dễ bề thực hiện mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản".
Như thế là nguy đấy chứ không phải chuyện nhỏ đâu, nhất là lại xẩy ra trước ngày Đại hội đảng XIII thì mức độ nghiêm trọng không thể coi nhẹ.
Nhưng ngược lại, bất cứ thái độ quay lưng chống đảng nào của đảng viên, dù nhỏ, cũng cho thấy khi đảng tìm mọi cách độc quyền dân chủ để thắng lớn thì dân lại thua to.
Phạm Trần
(07/10/2020)