Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/10/2020

Sức khỏe Nguyễn Phú Trọng : bí mật quốc phòng hay bí mật quốc gia ?

Trà Kiệu - Cửu Long

Vì sao cần công khai bệnh tình của nguyên thủ quốc gia ?

Trà Kiệu, VNTB, 08/10/2020

Hồ sơ bệnh án và thông tin sức khỏe của lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam đã được đưa vào danh mục bí mật nhà nước "mức tối mật".

suckhoe1

Ngày 24/8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành quyết định số 1295/QĐ-TTg, về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế, trong đó quy định mức độ "tối mật" của các thông tin liên quan đến sức khỏe của những người lãnh đạo cao nhất Việt Nam. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Quyết định nói trên của Thủ tướng có căn cứ là theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, thì thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là "phạm vi thuộc bí mật nhà nước". Lý do của cần thiết ‘mức tối mật’ vì nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Sự cẩn trọng kể trên của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tuy có thể là sự khác biệt với nhiều quốc gia, song đó lại là phù hợp với một quốc gia mà ngay đến thời điểm hiện nay cuộc nội chiến Bắc – Nam tuy đã kết thúc sắp bước sang năm thứ 46, song trong các văn kiện Đảng, trong các diễn văn của người đứng đầu Đảng vẫn luôn tâm thế về những "thế lực thù địch – diễn biến hòa bình – tự chuyển biến – tự chuyển hóa".

Trong bối cảnh đó, vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Đảng luôn được chú trọng hàng đầu. Hiện tại, Ban Bí thư đã ban hành các Quyết định chỉ định Ủy viên kiêm nhiệm Ban Bảo vệ, chăm sóc chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương gồm 12 nhân sự, bao gồm : Phó Chánh Văn phòng Trung Đảng Nguyễn Hải Ninh ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thuý Trinh ; Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Huy Tăng ; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn ; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ ; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn ; Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) Nguyễn Xuân Kiên ; Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Nguyễn Thanh Hà ; Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất Lê Đình Thanh.

Như vậy, hiện nay Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương có 4 lãnh đạo Ban, 18 Ủy viên trong đó bà Nguyễn Thị Kim Tiến là Trưởng ban. Với số lượng nhân sự đông đến như vậy, trong đó có rất nhiều chức danh vốn ngoài ngành y, nên nếu những nhân sự này có trong tay – ví dụ như bộ hồ sơ bệnh án của Tổng bí thư, Chủ tịch nước chẳng hạn, thì đó là nguy cơ rò rỉ với các suy diễn của "người ngoài ngành y", sẽ tạo thành "mồi ngon" cho các phe nhóm "diễn biến hòa bình – tự chuyển biến – tự chuyển hóa".

Trong thực cảnh đó của Việt Nam nên việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế, trong đó quy định mức độ "tối mật" của các thông tin liên quan đến sức khỏe của những người lãnh đạo cao nhất Việt Nam, là điều dễ hiểu ở quốc gia mà lãnh đạo cao nhất luôn tâm thế "nhìn đâu cũng thấy thù địch".

Tuy nhiên từ câu chuyện thời sự ở nước Mỹ trong vài ngày gần đây, cho thấy sức khỏe lãnh đạo quốc gia là mối quan tâm đặc biệt của người dân và giới truyền thông quốc tế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo đó bằng những mệnh lệnh hành chính, kiểu như Quyết định số 1295/QĐ-TTg mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành hôm 24/8/2020.

Dễ thấy Tổng thống Mỹ Trump hiện lâm tình cảnh tương tự trước đây, khi trong thời gian ông Thủ tướng Anh quốc Johnson mắc bệnh Covid-19, các trang báo lớn của Anh và quốc tế như BBC, The Guardian, The Independent, CNN, New York Times hay Washington Post… thường xuyên theo dõi sát diễn biến, cập nhật thông tin và bình luận xung quanh sức khỏe của ông Johnson.

Vì sao sức khỏe của nguyên thủ quốc gia luôn được người dân, truyền thông sở tại và quốc tế theo dõi sát sao đến như vậy ? Dễ hiểu, họ đều là mắt xích quan trọng trong vận hành hệ thống chính trị quốc gia. Khi họ gặp vấn đề về sức khỏe hay tương tự, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh, tiếng nói của quốc gia, dân tộc đó.

Chừng nào dịch Covid-19 toàn cầu chưa thực sự bị đánh bại, mối quan tâm về sức khỏe các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ tiếp tục "nóng" trong thời gian tới. Dù là một quốc gia độc đảng, thì Việt Nam không nên là một ngoại lệ trong chuyện cấm đoán dân chúng quan tâm đến sức khỏe của "tứ trụ"…

Trà Kiệu

Nguồn : VNTB, 08/10/2020

***************************

Sức khỏe lãnh đạo ta… có chi mô !

Cửu Long, VNTB, 08/10/2020

Báo chí ở Việt Nam rất nhanh nhạy trong cập nhật tin tức đa chiều về bệnh tình của ông chủ Tòa Bạch Ốc

suckhoe2 (2)

Trung tuần tháng 4/2019, ở Việt Nam xuất hiện đồn đoán Tổng bí thư, Chủ tịch nước gặp tình trạng hôn mê sau khi bị đột quỵ ở Kiên Giang. Sau đó ông đã phải nằm lại tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy và bị liệt nửa người bên trái…

Dĩ nhiên thời điểm đó chẳng có tờ báo nào ở Sài Gòn được phép loan tải tin tức này, vì trước tiên là chưa được phép của Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương (*). Thậm chí khi ấy còn có đồn đoán đây là một mưu sát để ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước vì không đủ sức khỏe nên phải sớm rời ghế trên chính trường.

Báo chí ở Việt Nam khi ấy chỉ được phép đưa tin ngắn gọn thế này :

"Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều nay (25-4/2019), trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin, sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần đây bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cường độ làm việc cao.

"Tổng bí thư, Chủ tịch nước sẽ sớm trở lại làm việc bình thường", bà Lê Thị Thu Hằng thông tin".

Cụm từ "thời tiết – cường độ cao" khiến ảnh hưởng sức khỏe và "sẽ sớm trở lại bình thường" là những viện dẫn ngắn gọn và có phổ khá rộng cho những suy diễn : Thời tiết nắng nóng phương Nam đối với một lãnh đạo đã ngoài 70 tuổi sinh sống tại Hà Nội, sẽ dễ đưa đến "sốc nhiệt" – và điều này cầm chắc đã nằm trong liệu toan của Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương. Như vậy phải chăng ở đây là sự tắc trách của bà cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – người đang đứng đầu Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương ?

Còn thế nào gọi là "cường độ làm việc cao" ? Câu trả lời cũng từ bà cựu bộ trưởng Tiến, bởi bà hiểu rõ với tuổi tác của một chính khách mà gần như cả thời trai trẻ chỉ quanh quẩn trong môi trường tháp ngà của nghiên cứu lý luận đảng, thì ông không thể có được sức khỏe bền bỉ so với những lãnh đạo trước đó vốn được trui rèn trên chiến trường.

(Khó so bì chuyện sức bền bỉ giữa ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng từng tham gia quân đội, có 4 lần bị thương và là thương binh hạng 2/4).

Thật ra thì mọi chuyện "đổ lên đầu" bà cựu bộ trưởng Tiến cũng oan cho bà. Với các chức danh cao nhất của bộ máy chính trị Việt Nam gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, theo một văn bản được Đảng ban hành năm 2018, thì những chính khách cao cấp đó được bác sĩ tiếp cận thăm khám sức khỏe hàng ngày.

Sự thật thì mãi cho tới nay, chỉ cần quan sát trên báo chí, người dân thấy rõ là ông Nguyễn Phú Trọng hiện chỉ quẩn quanh trong thành phố Hà Nội, ông vẫn chưa thể như lời của bà Lê Thị Thu Hằng, "Tổng bí thư, Chủ tịch nước sẽ sớm trở lại làm việc bình thường".

Thế nhưng báo chí lại không có tin tức cụ thể sức khỏe của người đứng đầu đảng đang ra sao, tình trạng đi – đứng thế nào, liệu ông còn đủ minh mẫn sau hệ lụy của "sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần đây bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cường độ làm việc cao" hồi tháng 4/2019 khi công tác ở tỉnh Kiên Giang ?

Trong lúc đó thì báo chí ở Việt Nam cho thấy rất nhanh nhạy trong cập nhật tin tức đa chiều về bệnh tình của ông chủ Tòa Bạch Ốc.

Người đọc báo khó tính sẽ dễ trách móc, là báo chí Việt Nam thiên vị, cứ săm soi người bệnh nhà giàu Donald Trump, trong khi đó là chính khách số 1 của đảng chính trị ở Việt Nam, song dường như báo chí không thèm đoái hoài tới chuyện thăm hỏi sức khỏe Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

***

(*) Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương là cơ quan trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chuyên trách nhiệm vụ theo dõi bảo vệ,chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ đương chức và nguyên chức thuộc diện Bộ chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng quản lý.

9 nhiệm vụ :

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách và giải pháp về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cả đương chức và nguyên chức).

2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe ; lập và quản lý hồ sơ sức khoẻ, theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh sớm ; kiểm tra sức khỏe cán bộ quy hoạch cấp chiến lược ; tổ chức khám, điều trị bệnh, nhất là điều trị tích cực bệnh lý ; phục hồi chức năng, điều dưỡng kết hợp với điều trị bệnh lý và thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

3. Chủ trì tổ chức thực hiện khám, kiểm tra sức khoẻ, kết luận, phân loại sức khỏe định kỳ ; trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương.

Là đầu mối thống nhất quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, thông tin sức khoẻ, hồ sơ sức khỏe của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện việc khám và điều trị bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh trong nước và ngoài nước.

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng chuyên môn về tình trạng sức khỏe cán bộ, về chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh lý ; chỉ đạo tổ chức tập trung các nguồn lực kỹ thuật cao để điều trị bệnh đối với cán bộ thuộc diện quản lý tại các cơ sở trong nước ; báo cáo, trình Ban Bí thư hoặc Thường trực Ban Bí thư quyết định gửi đi nước ngoài khám, chữa bệnh khi cần thiết. Chủ trì lập kế hoạch điều dưỡng kết hợp với điều trị bệnh lý để cán bộ cấp cao bị mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo thực hiện.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan huy động mọi nguồn lực để thực hiện tình huống cấp cứu cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; có phương án bảo đảm y tế đối với các đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khi đi công tác trong và ngoài nước.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các bệnh viện, các cơ quan, đơn vị có liên quan và huy động các chuyên gia đầu ngành khi cần thiết trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cán bộ cấp cao.

Thẩm định, phê duyệt, quy định trách nhiệm đối với đội ngũ bác sĩ tiếp cận chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước do các bệnh viện đề xuất.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong hệ thống bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ để hướng dẫn và cung cấp thông tin cho cán bộ về chăm sóc, nâng cao sức khoẻ, y học dự phòng ; phát hiện sớm bệnh tật, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ và điều dưỡng.

6. Thực hiện công tác hợp tác quốc tế về đào tạo, chẩn đoán, bảo vệ, chăm sóc, điều trị bệnh, nghiên cứu khoa học ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.

7. Theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ sở, đơn vị y tế làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.

Tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân thực hiện đúng quy định về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.

8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và y đức đối với bác sĩ tiếp cận, điều dưỡng và đội ngũ phục vụ trong hệ thống bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ từ Trung ương đến địa phương. Phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chính sách khám, chữa bệnh nói chung và bảo hiểm y tế đối với cán bộ thuộc diện quản lý trong toàn hệ thống ; chính sách đặc thù đối với đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ và các đối tượng khác nếu thấy cần thiết.

9. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

3 quyền hạn

1. Được yêu cầu các bộ, ban, ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và các bệnh viện trong hệ thống để phục vụ các tình huống khẩn cấp trong việc bảo đảm sức khỏe cho lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

2. Thông báo cho cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thực hiện chế độ khám, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe định kỳ và thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.

3. Yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh trong nước, ngoài nước và các cá nhân liên quan báo cáo, thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về tình hình sức khoẻ, kết quả khám, chữa bệnh của cán bộ cấp cao diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

3 trách nhiệm

1. Theo dõi sát tình hình sức khỏe ; việc thực hiện bảo vệ, chăm sóc và điều trị bệnh lý đối với cán bộ được giao quản lý theo quy định.

2. Kịp thời báo cáo với Thường trực Ban Bí thư và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương về tình trạng sức khoẻ, bệnh lý và khả năng sức khỏe đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

3. Bảo đảm bí mật thông tin về sức khoẻ, hồ sơ sức khoẻ, hồ sơ bệnh lý của cán bộ. Chỉ được thông tin khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư hoặc Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Cửu Long

Nguồn : VNTB, 08/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà Kiệu, Cửu Long
Read 654 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)