Bắt Phạm Đoan Trang – Bão tố nổi lên giữa Ba Đình
Thu Thủy, Thoibao.de, 10/10/2020
Bộ Công an Việt Nam hôm 7/10 xác nhận đã "bắt tạm giam" nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang tại quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 6/10. Bản tin ngắn đăng trên Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Công an cho biết "bị can" bị "bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 và tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Ảnh chụp từ trang mạng Dân Làm Báo.
Hãng tin AP dẫn báo Thanh Niên nói rằng nếu bị xét là có tội, bà Phạm Đoan Trang có thể đối mặt với bản án tù 20 năm.
Tin nhà báo bị bắt truyền nhanh trên mạng ngay sau khi bà bị bắt vào lúc gần nửa đêm thứ Ba, và lập tức tin này được truyền thông quốc tế, kể cả các hãng tin lớn như AP, Reuters, Bloomberg, Al Jazeera, Deutsche Welle… loan tải, trong khi các tổ chức bảo vệ tự do báo chí và nhân quyền mạnh mẽ lên án.
Tổ chức Không biên giới (RSF) công bố giải Tự do Báo chí Tầm ảnh hưởng cho nhà báo Phạm Đoan Trang. Photo chụp từ Facebook Le Trung Khoa.
Tên tuổi của Phạm Đoan Trang đã quen thuộc với báo giới quốc tế vì bà đã nhận nhiều giải quốc tế về tự do báo chí và nhân quyền. Năm 2019, Phạm Đoan Trang là một trong ba phụ nữ đoạt giải Tự do Báo chí của RSF- Tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Trước đó, năm 2018, bà được chọn để nhận giải nhân quyền Homo Homini tại Cộng hòa Czech.
Các bản tin quốc tế đều lưu ý đến chi tiết nhà báo độc lập bị bắt chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Mỹ. Họ nhắc đến thành tích đấu tranh cho nhân quyền của nhà báo, bất đồng chính kiến, đấu tranh cho nhân quyền, tác giả nhiều đầu sách có giá trị như "Chính trị Bình dân", "Phản kháng phi bạo lực", "Politics of a Police State" (tiếng Anh), "Những mảnh đời sau song sắt ; "Anh Ba Sàm"… và gần đây hơn, đồng tác giả của "Báo cáo Đồng Tâm".
Will Nguyễn, đồng tác giả của Báo cáo Đồng Tâm mới nhất, đã phổ biến một bức thư của bà Phạm Đoan Trang "Nếu tôi có đi tù" sau khi bà bị bắt. Trong thư, Phạm Đoan Trang khẳng định bà muốn "xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam", nhắn nhủ những người ủng hộ hãy tiếp tục đấu tranh cho những mục tiêu mà bà theo đuổi. Bà nói : "Tôi không cần tự do cho riêng mình ; Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều : Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam".
Bà cho biết sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, nên nếu công an nói như vậy tức là "công an bịa đặt, lừa dối".
Bà bày tỏ mong muốn những người ủng hộ hãy chăm sóc mẹ già, và là người yêu âm nhạc, bà Phạm Đoan Trang mong có được cây đàn guitar trong tù, vì đối với bà "đàn guitar cũng quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa giáo".
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc đặc trách Châu Á của Human Rights Watch, nói tổ chức theo dõi nhân quyền này mạnh mẽ lên án vụ bắt giữ bà Phạm đoan Trang.
"Mỗi một ngày bà ở sau chấn song sắt là một sự bất công nghiêm trọng, vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền và phương hại tới danh dự của chính quyền Việt Nam", ông Robertson nói.
Tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ lo ngại về sự an toàn của cá nhân bà Phạm đoan Trang. Tổ chức này nhắc lại rằng bà đã bị đàn áp từ khi trở về Việt Nam năm 2015. Và năm 2018, sau khi bị bắt giữ, bà đã phải nhập viện vì bị công an đánh đập dã man trong lúc bị câu lưu.
"Phạm Đoan Trang có thể đối mặt với nguy cơ bị tra tấn và các hình thức ngược đãi khác dưới tay của nhà cầm quyền Việt Nam. Bà phải được trả tự do lập tức và vô điều kiện".
Bà Phạm Thị Đoan Trang là một tác giả được quốc tế biết tiếng, bà là người phát ngôn của Nhà xuất bản Tự Do, nhà xuất bản đã được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) trao giải thưởng Prix Voltaire vào tháng Ba năm 2020.
"Phạm Đoan Trang chủ ý chấp nhận nguy cơ để bảo vệ quyền tự do biểu đạt. Tôi xin ngả mũ thán phục trước sự can trường và sức mạnh của niềm tin của bà".
Hôm 7/10, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế, liên minh lớn nhất thế giới của các nhà xuất bản, loan báo "Đồng sáng lập Nhà Xuất Bản Tự do của Việt Nam được Giải Voltaire, đã bị bắt trước hội chợ sách Frankfurt".
Theo lịch trình, bà Phạm Đoan Trang sẽ có góp tiếng trong cuộc thảo luận về quyền tự do xuất bản vào ngày 15/10 tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Chủ tịch và CEO của Frankfurter Buchmesse nói hôm 7/10 :
"Chúng tôi rất quan tâm về việc Phạm Đoan Trang bị bắt giữ, ngay trước hội chợ sách lớn nhất thế giới, nơi mà tự do biểu đạt được tôn vinh".
Bà Phạm Đoan Trang đàn và hát bài "Oh My Love" của The Beatles
Từ Geneva, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) ra thông báo do ông Kristenn Einarsson, Chủ tịch Ủy ban Tự Do Xuất bản IPA và Chương trình Giải Voltaire- viết rằng :
"Phạm Đoan Trang và Nhà Xuất bản Tự do đã phải hoạt động trong bóng tối trong nhiều năm. Thành quả làm việc và sự can đảm của bà là một nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà xuất bản quốc tế, và cộng đồng các nhà xuất bản thế giới ủng hộ bà trong cuộc đấu tranh cho tự do xuất bản ở Việt Nam".
Chủ tịch IPA Hugo Setzer, nói :
"Phạm Đoan Trang chủ ý chấp nhận nguy cơ để bảo vệ quyền tự do biểu đạt. Tôi xin ngả mũ thán phục trước sự can trường và sức mạnh của niềm tin của bà".
Lúc nhận giải Voltaire, Phạm Đoan Trang nói với VOA rằng kể từ khi Nhà xuất bản Tự Do được thành lập vào năm 2019 cho đến nay, các nhân viên "không bao giờ được hưởng một giây phút bình yên" vì liên tục bị công an sách nhiễu.
Phản ứng trước tin bà bị bắt, Phó Giám đốc Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế Ming Yu Hah nói :
"Bắt giữ bà Phạm đoan Trang là hành động sai trái. Bà là nhân vật đi tiên phong trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Bà là nguồn cảm hứng của vô số nhà đấu tranh trẻ tuổi đã đứng lên để tranh đấu cho một nước Việt Nam công bình hơn, bao gồm mọi thành phần, và tự do hơn".
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Phạm Đoan Trang. Nhà báo Việt Nam này bị bắt vào tối thứ Ba với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước". Tổ chức RSF đã trao tặng bà Trang Giải thưởng Tự do Báo chí hồi năm 2019 cho hoạt động báo chí đặc biệt hiệu quả.
"Vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là ví dụ mới nhất về việc đàn áp những tiếng nói chỉ trích ở Việt Nam", ông Christian Mihr – Giám đốc điều hành RSF – nói. "Tội bị cáo buộc của bà, thật ra chỉ là phổ biến những thông tin độc lập và tạo điều kiện cho đồng bào của bà thực hiện các quyền của người dân được bảo đảm bởi hiến pháp. Bà Trang không thể bị tù. Bà ấy phải được thả ngay lập tức".
Cùng với Trung Quốc, Saudi Arabia, Ai Cập và Syria, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới mà có nhiều người nhất bị ngồi tù vì công việc làm truyền thông của họ, hiện nay có ít nhất 23 người bị ngồi tù ở Việt Nam vì lý do này. Hầu hết họ là các blogger và nhà báo công dân – thường là những nguồn thông tin được điều tra độc lập duy nhất, vì các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam phải tuân theo chỉ thị của Đảng cộng sản.
Bất chấp hàng loạt khó khăn do sự đàn áp của chính quyền Cộng sản Việt nam, thì nhà xuất bản Tự do vẫn xuất bản và phổ biến được hàng trăm đầu sách ở Việt nam. Rất nhiều nhà hoạt động đã bị an ninh khủng bố vì hỗ trợ phổ biến sách đến tay người đọc
Trong danh sách tự do báo chí, Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 nước.
Từ Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), cùng ngày, trong một tuyên bố có tựa đề "Việt Nam : Nhà vô địch nhân quyền bị bắt, có nguy cơ bị tra tấn nghiêm trọng", Phó Giám đốc Khu vực của tổ chức này, Ming Yu Hah, gọi đây là một hành động đáng ‘chê trách’ của chính quyền và kêu gọi thả tự do vô điều kiện cho nhà báo, nhà hoạt động :
"Việc Phạm Đoan Trang bị bắt là một hành động đáng chê trách. Bà là một nhân vật hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam. Bà đã truyền cảm hứng cho vô số nhà hoạt động trẻ lên tiếng vì một Việt Nam công bằng, hòa nhập và tự do hơn.
"Phạm Đoan Trang phải đối mặt với nguy cơ sắp bị tra tấn và đối xử tệ bạc dưới bàn tay của chính quyền Việt Nam. Bà phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.
"Phạm Đoan Trang đã phải đối mặt với sự ngược đãi do công việc của bà là một nhà bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ kể từ khi bà trở về Việt Nam vào năm 2015. Trước đó, bà đã phải nhập viện sau khi bị tra tấn và chịu bạo lực về giới sau vụ bắt giữ tùy tiện với bà vào năm 2018".
Cũng hôm 07/10, hãng tin Anh Reuters đưa tin về sự việc trong một bản tin cho hay "Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vài giờ sau cuộc họp nhân quyền với Mỹ", bản tin viết :
"Các nguồn tin và các nhóm nhân quyền quốc tế cho biết Việt Nam đã bắt giữ một blogger và một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng vì "các hoạt động chống nhà nước" vài giờ sau khi chính phủ nước này tổ chức các cuộc đàm phán thường niên về nhân quyền với Hoa Kỳ…
Việt nam đứng 175/180 trên bảng xếp hạng tự do báo chí của tổ chức phóng viên không biên giới
"… Mặc dù cải cách kinh tế sâu rộng và ngày càng cởi mở hơn với thay đổi xã hội, đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam rất ít dung thứ sự chỉ trích và đã tăng cường đàn áp các nhà hoạt động trước thềm đại hội đảng quan trọng vào tháng Một năm sau".
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện Chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) nói với BBC :
"Tôi cho rằng đây là một vụ đàn áp trắng trợn chống lại những tiếng nói khác với ý của Đảng cộng sản Việt Nam, chống lại những quyền tự do báo chí, xuất bản và biểu đạt đã được Việt Nam cam kết tôn trọng trong luật quốc tế (ICCPR, mà Việt Nam đã tham gia từ đầu những năm 1980 và cũng được ghi trong Hiến Pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và như thế chính quyền Việt Nam phải có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền đó của mọi công dân.
Đáng tiếc nhằm để hợp pháp hoá những sự vi phạm như vậy bộ Luật Hình sự đã đưa vào những quy định mơ hồ như tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 ; và tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam " quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
"Theo tôi, xét về mặt nguyên tắc chẳng ai có thể chống lại một nhà nước cả (vì nó gồm lãnh thổ, dân cư, bộ máy nhà nước và các dự án nhà nước) ; nhưng ai cũng có quyền chống một chính quyền (tức là những người con người cụ thể làm các chức năng cụ thể trong các bộ máy nhà nước) khi chính quyền ấy làm bậy (chính ông Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân đuổi chính phủ nếu chính phủ làm không tốt việc phục vụ dân). Đáng tiếc Đảng cộng sản Việt Nam đánh đồng chính quyền với nhà nước và tạo ra các điều luật hay các tội danh mù mờ để họ có thể diễn giải việc bắt bất cứ ai làm những điều hợp hiến, hợp luật quốc tế như Phạm Đoan Trang đã làm và bắt bớ, bỏ tù những người người như vậy. Phải đấu tranh để đòi Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện đúng luật quốc tế, đúng Hiến pháp mà chính nó tạo ra", Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A nêu quan điểm.
"Chúng ta rất khó biết là chính quyền muốn điều gì, hiện nay về bối cảnh, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 sắp tới trong chỉ còn vài tháng nữa thôi, Hội nghị 13 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đang diễn ra, và ở quốc tế thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 cũng sắp diễn ra đầu tháng tới, bối cảnh theo tôi là rất phức tạp với quá nhiều yếu tố đang xảy ra", ông Trịnh Hữu Long bình luận.
Hình bên trái là bà Phạm Đoan Trang mới đây công bố Bản Báo Cáo Đồng Tâm, hình bên phải là bà Trang phải đi nạng sau bị an ninh Cộng sản chặn đánh gãy chân đứt dây chằng và phải phẫu thuật tại vào năm 2016, đến bây giờ vết thương vẫn chưa lành.
"Tôi nghĩ rằng việc bắt giữ Phạm Đoan Trang nằm đâu đó trong một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền và có đó trong nội bộ đảng này đang cần lập một chiến công lớn để được ghi nhận, để được đề bạt vào những chức vụ cao hơn trong ban lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản trong thời gian tới.
"Phạm Đoan Trang là một nhà hoạt động dân chủ thuộc hàng nổi tiếng nhất, hiệu quả nhất ở Việt Nam, và việc bắt giữ Phạm Đoan Trang, theo tôi phải đến từ các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng và chính quyền, chứ không thể nào chỉ đến từ cấp lãnh đạo chỉ như Ủy viên Trung ương đảng hay cấp Thứ trưởng được". ông Trịnh Hữu Long nêu quan điểm.
‘Một kiểu vỗ mặt người Mỹ’ ?
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh nói :
"Tôi thấy rằng ngoài những hoạt động của bà Đoan Trang trong nhiều năm nay làm chính quyền khó chịu, thì tài liệu Báo cáo Đồng Tâm mới đây có lẽ làm họ khó chịu hơn nữa, dẫn tới quyết định bắt giữ.
"Tuy nhiên, việc bắt giữ bà Đoan Trang ngay sau khi bà gặp đại diện Tòa Lãnh sự Mỹ và đúng lúc cuộc Đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ đang diễn ra là một hiện tượng quá lạ. Về ngoại giao, nó như một kiểu "vỗ mặt" với phía Mỹ, trong lúc quan hệ hai nước đang tốt đẹp chưa từng thấy và rất cần nhau quanh việc đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Không lẽ lại có chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hay thậm chí là những khúc mắc nội bộ khó thấy hết bên trong ?
Còn từ Paris, bà Tường An nói :
"Như tôi đã bày tỏ rằng khá bất ngờ khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt nhà báo Phạm Đoan Trang vào lúc mà giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa có cuộc đối thoại về Nhân quyền. Với lực lượng công an hùng hậu, nếu muốn, họ có thể bắt cô ấy bất cứ lúc nào.
"Nhưng có một số câu hỏi mà tôi thấy được đặt ra qua đây rằng tại sao họ lại chọn thời điểm này ? Hay có lẽ hồ sơ Đồng Tâm mà cô Phạm Đoan Trang vừa hoàn thành cùng với Will Nguyen là giọt nước làm tràn ly ? Và họ sợ rằng ngoài 64 dân biểu Châu Âu gửi kiến nghị vừa qua sẽ có thêm những dân biểu khác ở Châu Âu và trên thế giới lên tiếng nữa chăng ? Và sau khi đã đạt được các hiệp định Hiệp thương CPTPP, EVFTA, họ muốn cho thế giới tự do biết rằng họ bất chấp áp lực từ hai hiệp thương này ?
Thu Thủy (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 10/10/2020
*****************
Viết báo ở Việt Nam là nghề rủi ro bậc nhất
Tư Hoài Lang, VNTB, 10/10/2020
Nhà báo tự do như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang thì bị bỏ tù. Nhà báo ‘quốc doanh’ sắp tới đây có thể bị phạt vạ bạc chục triệu đồng nếu dám xa rời ‘tôn chỉ – 1mục đích’ của… Bộ Ngoại giao (!?)
Phạm Đoan Trang "làm việc" với chấp pháp Hà Nội
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Cái nguy hiểm đầy khó hiểu trong Nghị định số 119/2020/NĐ-CP là vấn đề gọi là "Giấy phép". Cụ thể, tại Chương II, "Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả", tại Điều 5. Vi phạm quy định về giấy phép, từ khoản 2 đến khoản 6 có quy định :
"2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây : a) Hoạt động thông tin, báo chí không đúng mục đích, chương trình đã được ghi trong giấy phép của Bộ Ngoại giao ; b) Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép xuất bản bản tin, đặc san.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây : a) Sửa chữa, tẩy xóa giấy phép trong hoạt động báo chí ; b) Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 4 và điểm d khoản 5 Điều 8 Nghị định này ; c) Hoạt động thông tin, báo chí mà không có giấy phép của Bộ Ngoại giao ; d) Xuất bản bản tin, đặc san không có giấy phép ; đ) Vi phạm các quy định về điều kiện thành lập Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú của cơ quan báo chí ;
e) Báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện hoạt động báo chí, hoạt động liên quan đến báo chí không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ; g) Cơ quan báo chí nước ngoài đặt văn phòng thường trú tại Việt Nam khi không có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, mở chuyên trang đối với báo điện tử, tạp chí điện tử ; sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình mà không có giấy phép.
5. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.
6. Hình thức xử phạt bổ sung : a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, c và d khoản 3 ; tịch thu tang vật vi phạm hành chính là ấn phẩm báo chí, phụ trương đối với hành vi quy định tại khoản 4 ; tịch thu tang vật vi phạm hành chính là báo in, tạp chí in đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này ; b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này".
Các nội dung kể trên cho thấy kể từ ngày 1/12/2020, nghề làm báo, viết báo tại Việt Nam quá nguy hiểm khi đối mặt các ‘án phạt vạ’ toàn bạc chục triệu với những tùy nghi đầy khó hiểu từ nhà chức trách.
Trước tiên theo Luật Báo chí thì giấy phép báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ; phía Bộ Ngoại giao chỉ cấp phép cho phóng viên nước ngoài vào tác nghiệp tại Việt Nam. Do đó, với quy định nếu "Hoạt động thông tin, báo chí mà không cógiấy phép của Bộ Ngoại giao" sẽ bị phạt 15 triệu đồng là… oan còn hơn Thị Kính (*).
Còn nếu hoạt động gọi là không đúng "tôn chỉ – mục đích" thì phải chịu mức phạt là 15 triệu đồng, từ quy định, "Hoạt động thông tin, báo chí không đúng mục đích, chương trình đã được ghi trong giấy phép của Bộ Ngoại giao".
Nhắc lại, trong lãnh vực "báo chí nội địa", hiện Luật Báo chí không có quy định nào buộc phải xin tờ "giấy phép của Bộ Ngoại giao".
Tư Hoài Lang
Nguồn : VNTB, 10/10/2020
Chú thích :
(*) Thị Kính là một phụ nữ đã tài sắc vẹn toàn lại hiếu thảo hết lòng, được bố mẹ gả cho Sùng Thiện Sĩ – một thư sinh đẹp trai, chăm học. Một lần đọc sách mệt, Thiện Sĩ ngủ thiếp đi. Thị Kính ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của chồng, bỗng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. Sẵn con dao nhíp trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lên định tỉa sợi râu. Bỗng Thiện Sĩ chợt tỉnh, nhìn thấy vợ cầm dao kề vào cổ mình, liền tri hô là vợ định giết mình. Thế là Thị Kính mang tội tầy đình, bị chồng ruồng bỏ, xã hội lên án.
Tình ngay lý gian, không sao giãi bày được nỗi oan, Thị Kính cắn răng chịu tủi nhục, quay về nhà cha mẹ. Nhưng rồi nỗi oan khổ cũng chẳng biết thổ lộ cùng ai, nàng bèn quyết tâm đi tu, trước là báo đáp ân sâu của cha mẹ, sau là tẩy rửa nỗi oan khiên. Đang đêm, nàng cắt tóc, cải trang thành nam tử và trốn khỏi nhà. Lại một lần nữa, Thị Kính bị mang tiếng oan, bởi thiên hạ đồn là bỏ nhà theo trai…
Thật sự thì nàng tìm đến nương nhờ nơi cửa Phật để cõi lòng được bằng an, và được yên phận với những tháng ngày còn lại, nhưng nào có được như thế.
Sư cụ, không hề biết nàng là gái, bèn nhận nàng cho làm tiểu, đặt tên là Kính Tâm. Trong làng có Thị Màu, con gái của một phú ông, có tính lẳng lơ, đi lễ chùa, thấy Kính Tâm thì đem lòng yêu trộm. Bao lần Thị Màu tán tỉnh nhưng "chú tiểu" Kính Tâm vẫn cứ thản nhiên, càng làm cho Thị Màu say mê. Quen thói trăng hoa, Thị Màu bèn tư thông với một người đầy tớ trong nhà, không ngờ thị mang thai và bị làng phạt vạ. Thị Màu bèn vu vạ cho Kính Tâm ăn nằm với thị. Vì thế Kính Tâm bị làng đòi đến tra khảo, không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này.
Sư cụ thấy "chú tiểu" bị đánh đòn đau, thương tình, kêu xin với làng nộp khoán. Dù thương xót Kính Tâm, nhưng vì sợ ô danh chốn thiền môn nên sư cụ cũng phải để Kính Tâm ra ở ngoài mái tam quan. Thị Màu sanh con trai, đem đứa bé bỏ trước cổng chùa. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng.
Ngày ngày, Kính Tâm phải bế đứa bé đi xin sữa khắp đầu làng cuối xóm trong sự cười chê của thế gian. Ba năm sau, Kính Tâm yếu hẳn đi, trước khi mất, viết một lá thư dặn đứa bé giao lại cho cha mẹ mình. Đứa bé vội lên chùa trên báo cho sư cụ. Lúc đó, mới hay Kính Tâm là đàn bà. Khi lá thư của nàng về đến quê thì mọi người biết nàng không phải là gái giết chồng. Nỗi oan tình của Thị Kính từ đó được tỏ, nhưng vẫn còn đọng lại một điều gì đó quá nặng nề với người đời.
Từ chuyện tích này, dân gian có thành ngữ "oan Thị Kính" để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không sao giãi bày được.
**************************
Bà Phạm Thị Đoan Trang bị khởi tố theo Điều 88 của Bộ Luật hình sự 1999 (?!)
Hoài Nguyễn, VNTB, 09/10/2020
Bà Phạm Thị Đoan Trang đang đối mặt với cả Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Phạm Thị Đoan Trang bị khởi tố theo Điều 88 của Bộ Luật hình sự 1999
"Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Phạm Thị Đoan Trang (sinh ngày 27/5/1978 ; hộ khẩu thường trú : phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội ; hiện ở : phòng 6 – lầu 1 – 372/36 đường Cách mạng tháng Tám, phường 10, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội : Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015".
Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an đã có thông báo như đoạn trích trên (*).
Cái khó hiểu ở bản tin của Bộ Công an là Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 hiện đã được thay bằng Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy phải chăng là bà Phạm Thị Đoan Trang được cơ quan tố tụng chia ra làm hai thời kỳ có hành vi phạm tội là từ ngày 31/12/2018 trở về trước, và kể từ ngày 01-01-2018 cho đến nay ?
"Bộ luật Hình sự 1999, Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam :
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm :
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân ;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm".
"Bộ luật Hình sự 2015 Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm :
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân ;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".
Điểm chung của hai điều luật hình sự kể trên, đó là đều không đề cập đến Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Khoản 3 Điều 117 quy định "người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".
Theo các dấu hiệu pháp lý quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 về chuẩn bị phạm tội, thì giai đoạn chuẩn bị phạm tội là quá trình tìm kiếm, sửa soạn, công cụ phương tiện hoặc tạo ra các điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.
Giai đoạn chuẩn bị phạm tội bao gồm ba nhóm hành vi : hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm ; hành vi tạo ra các điều kiện khác (điều kiện vật chất và tinh thần) cho việc thực hiện tội phạm ; hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm.
Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm cấu trúc mặt khách quan của cấu thành tội phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, trong đó có tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì các điều luật này được xây dựng là cấu thành tội phạm hình thức. Vì vậy, thời điểm tội phạm hoàn thành được xác định từ khi người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Như vậy, rõ ràng giữa lý luận và thực tiễn áp dụng đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội trong điều luật này có mâu thuẫn, và vấn đề đặt ra là việc áp dụng áp luật đối với các cơ quan hành pháp được xác định như thế nào nếu không muốn nói là không khả thi ?
Phải chăng vì lý do như nêu trên nên cơ quan tố tụng đã chọn việc khởi tố bà Phạm Thị Đoan Trang luôn ở Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 ?
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 09/10/2020
Chú thích :
(*)http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/bat-tam-giam-kham-xet-khan-cap-doi-voi-bi-can-pham-thi-doan-trang-ve-toi-tuyen-truyen-chong-nha-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-d17-t28914.html
***********************
Bắt Phạm Đoan Trang : Bình luận lo ngại vụ việc 'thách thức giá trị dân chủ'
BBC, 09/10/2020
Hành động của chính quyền Việt Nam bắt giữ nhà báo tự do, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang hôm 06/10/2020 đã 'đi ngược' lại các cam kết quốc tế và luật pháp của chính nước này, một số ý kiến nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC News tiếng Việt hôm 08/10.
Phạm Đoan Trang
Từ Đài Bắc, Đài Loan, luật gia Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí nói với BBC :
"Theo tôi, về bản chất của vụ bắt giữ và vụ án này với Phạm Đoan Trang cũng không có gì nhiều để bình luận. Nó là một hành vi vi phạm nhân quyền đáng lên án và chính quyền Việt Nam đang đi ngược lại với chính pháp luật của họ, Hiến pháp của họ và với những Công ước quốc tế mà họ đã ký kết, đa tham gia.
"Đi ngược lại với cả những tuyên bố rất long trọng của họ ở rất nhiều diễn đàn quốc gia, quốc tế, ở rất nhiều nơi, ngay kể cả trên bàn thương lượng với các quốc gia khác".
Đã quen bị chỉ trích suông ?
Từ Leeds, Anh quốc, nhà báo tự do, cựu đạo diễn truyền hình Song Chi nhận xét :
"Qua sự việc này, có thể thấy rằng chính quyền Việt Nam hiện nay không sợ gì những lời lên án, chỉ trích của quốc tế, của Hoa Kỳ v.v… nữa.
"Lý do là bởi vì họ thừa biết rằng trong dịp này Hoa Kỳ chẳng hạn đang rất bận rộn với bao nhiêu vấn đề như Covid-19, hay chuyện bầu cử Tổng thống… cho nên chắc chắn sẽ không có một biện pháp hay hành động nào mạnh mẽ.
"Còn nếu chỉ có chỉ trích suông thì tôi nghĩ nhà nước Việt Nam này đã quen bị chỉ trích rồi, nên họ chẳng sợ.
"Và điểm thứ hai tại sao vụ bắt giữ diễn ra trước Đại hội 13, theo tôi lý do là bởi vì rõ ràng trước một sự kiện nào đó của Việt Nam, sự kiện quan trọng, thì họ luôn luôn có những hành động bắt bớ mà thường là như vậy".
Ưu tiên ổn định chính trị ?
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, chuyên gia phân tích chính sách công, bình luận thêm :
"Qua sự quan sát tình hình từ trong nước, tôi thấy rằng trước những sự kiện lớn như thế, thường người ta ưu tiên sự ổn định chính trị, hơn là mặc cả con bài với Mỹ, hay với một nước nào đấy về một vấn đề gì đấy, như là về thương mại, nhân quyền, hay là để gây một sự chú ý nào đấy.
"Đó là một suy đoán thôi, còn gắn nó với một cuộc đấu đá quyền lực thì tôi thấy cũng không có bằng chứng, rất khó để xác định một phe cánh, hay một sự thể hiện quyền lực của một nhân vật nào đấy trong sự căng thẳng của chuyển giao quyền lực và công tác nhân sự của Đại hội đảng".
Cũng từ Hà Nội, ngay trước chương trình hội luận Bàn tròn này, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đưa ra quan sát của mình với BBC :
"Công an bắt giam bà Phạm Đoan Trang theo Điều 88 luật hình sự năm 1999 và Điều 117 luật hình sự năm 2015 thì nó đặt ra câu hỏi : thế nào là chống nhà nước, thế nào là chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam ? Cụ thể hóa là gì ?
"Với cá nhân, truyền thông là quyền dân sự và cũng là quyền chính trị hay kinh tế được hiến pháp Việt Nam công nhận, do đó theo tôi hai điều luật này, không thỏa mãn các tiêu chí để được gọi là điều luật.
"Việc bắt giam và rồi tiến hành các bước tố tụng, đã và sẽ không thể hiện công lý, pháp quyền và quyền con người. Những công dân bày tỏ quan điểm khác biệt của mình, thì thường bị chụp mũ là chống đối, và rồi một số bị bắt giam và xử tù, bị coi là một trong những thế lực thù địch.
"Đây là thách thức trước hết đối với công dân Việt Nam. Sau đó, là thách thức luật pháp quốc tế, thách thức nền tảng pháp quyền, thách thức các giá trị căn bản về dân chủ, về nhân quyền".
Bị bắt vì 'chống phá nhà nước'
Hôm 07/10, về phía chính quyền và Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho truyền thông nước này biết Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án với bà Phạm Đoan Trang để điều tra cáo buộc có hành vi Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Xô cho hay cùng ngày 7/10, quyết định tố tụng được Viện Kiểm sát Hà Nội phê chuẩn.
Bà Trang đang bị di lý về Hà Nội để phục vụ điều tra, theo phía công an.
"Quá trình bắt giữ, khám xét, Cơ quan An ninh điều tra thu giữ một số tài liệu, thiết bị, tài liệu liên quan vụ án", tướng Xô nói thêm.
Nhà báo tự do, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt đúng vào ngày kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kéo dài hai ngày 6-7/10/2020.
Cũng hôm thứ Tư, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công An Việt Nam cho biết thêm về vụ bắt giữ nhà hoạt động :
""Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra theo đúng quy định của pháp luật", Bộ Công an Việt Nam khẳng định.
*****************
Việt Nam phạt nặng trong lĩnh vực báo chí, ‘bóp nghẹt’ tiếng nói đối lập
VOA, 09/10/2020
Việt Nam vừa nâng mức phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản lên đến 200 triệu đồng, và đình chỉ 12 tháng. Giới quan sát xem đây là một nỗ lực liên tục nhằm siết chặt sự quản lý của Đảng cộng sản và nhà nước đối với một nền báo chí vốn được quốc tế xem là không có tự do.
Nghị định 119/2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 7/10/2020 với mức phạt hành chính lên đến tối đa 200 triệu đồng, tước giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động đến tối đa 12 tháng được truyền thông trong nước loan tin là một sự "thay đổi quan trọng".
Từ Khánh Hòa, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, người từng làm báo nhà nước trong nhiều năm, nên nhận định với VOA về quy định mới này :
"Mức phạt tăng lên như thế là rất nặng nề ! Về mặt tài chính, nhiều tờ báo nhỏ mà bị phạt 200 triệu đồng thì coi như phá sản luôn. Việc tước giấy phép hoạt động cho đến 12 tháng là rất nặng. Tôi thấy bị đình chỉ 3 tháng là nặng lắm rồi. Đưa lên tới 12 tháng thì coi như tờ báo đó dẹp luôn !"
Quy định mới này, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2020, sẽ áp dụng mức phạt từ 150-200 triệu đồng đối với hành vi "Cung cấp thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự". Nghị định 159/2013 trước đây không đề cập đến nội dung này.
Nghị định mới còn nêu các điều khoản được xem là khá mơ hồ như : "Đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân" sẽ bị phạt từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, hay "Cung cấp thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân", sẽ bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Cũng theo quy định mới, các phóng viên nước ngoài, trợ lý báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp, sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định :
"Đây là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam lâu nay : luôn luôn tăng cường bóp nghẹt tự do báo chí.
"Báo chí Việt Nam không giống như ở nước ngoài. Nhà nước Việt Nam do độc đảng cai trị, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng ; không chấp nhận phản biện…
"Họ tuyên bố một cách dứt khoát và rõ ràng rằng báo chí là công cụ truyên truyền của Đảng và Nhà nước".
Theo Nghị định mới này, những nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác cũng sẽ bị xử phạt hành chính.
Năm 2020, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam đứng gần chót bảng về tự do báo chí, thứ 175 trong số 180 quốc gia.
Việt Nam vẫn bị xếp vào số các nước là "kẻ thù của tự do báo chí", hay "không có tự do báo chí", dù đứng trên hai nước cộng sản khác là Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng xếp dưới Lào.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng RSF báo cáo "sai sự thật" về tự do báo chí Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, các quốc gia phương Tây và các tổ chức quốc tế liên tục lên tiếng về việc chính quyền bắt giam và phạt tù hàng loạt các blogger và nhà báo tự do chỉ vì họ bày tỏ ý kiến ôn hòa.
Liên quan đến việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang trong tuần này, người bị khởi tố hình sự với hai tội danh "Chống Nhà nước", ông Daniel Bastard, Giám đốc Châu Á – Thái Bình Dương của RSF, nêu nhận định với VOA : "RSF bất bình trước vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, người được vinh danh Giải thưởng Tự do Báo chí của chúng tôi cách đây đúng một năm".
"Những việc bà làm là cốt muốn cung cấp cho đồng bào của mình những thông tin đáng tin cậy và giúp họ thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Việc bắt giữ bà là một bước nhảy vọt khác trong quá trình đàn áp hoàn toàn theo chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền".
**************************
Chống Nhà nước hay chống Đảng cộng sản ?
Hà Nguyên, VNTB, 09/10/2020
Pháp luật hình sự Việt Nam hiện có điều khoản cụ thể nào về liên quan hành vi chống Đảng cộng sản hay chưa ?
Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam là một
Vấn đề lại được đặt ra khi nhà chức trách khởi tố bà Phạm Thị Đoan Trang : bà Trang kêu gọi có sự cạnh tranh sòng phẳng trong các đảng chính trị qua việc tự do bầu cử thực chất. Và điều này cho thấy dường như bà đang muốn chống lại sự độc đảng ở Việt Nam – nếu có thể ‘chụp mũ chính trị’, thì bà Phạm Thị Đoan Trang đang chống lại sự độc tài của Đảng cộng sản ; bởi mặc dù Điều 4.3, Hiến pháp 2013 ghi rằng, "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" – song thực tế Việt Nam chưa có luật về đảng chính trị ; và Hiến định ở Điều 4.2, "Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình" – nhưng hễ ai muốn bày tỏ quyền ‘giám sát Đảng’ thì dễ bị xem xét hình sự hóa, mà việc bắt tạm giam bà Phạm Thị Đoan Trang là một đơn cử.
"Nhà báo Đoan Trang là người nỗ lực truyền bá tri thức pháp luật và chính trị cho người dân Việt Nam, cổ xúy cho chính những giá trị tự do, dân chủ mà chính quyền Việt Nam ghi rõ trong Hiến pháp và tuyên bố trịnh trọng ở mọi diễn đàn. Không ở đâu và không khi nào mà việc làm báo và xuất bản sách, việc tham gia các sinh hoạt chính trị thông thường của một quốc gia, lại nên bị coi là tội phạm. Những hành vi đàn áp những quyền con người căn bản đó mới chính là tội phạm" – Trịnh Hữu Long – Tổng biên tập Luật Khoa tạp chí, lên tiếng và kêu gọi :
"Chúng tôi kêu gọi độc giả của Luật Khoa, cũng như tất cả những ai còn trăn trở với đất nước và con người Việt Nam, lên án vụ bắt giữ này và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo Đoan Trang ngay lập tức. Nếu có thể, hãy tiếp nối tinh thần tự do của Đoan Trang và bắt tay vào làm báo, viết sách, dịch sách, cũng như lên tiếng trước bất công".
Để có thể cáo buộc bà Phạm Thị Đoan Trang có hành vi chống Đảng cộng sản Việt Nam, cần thiết có một tu chỉnh luật, theo đó Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được sửa đổi như sau :
"Điều 117. Tội tuyên truyền chống Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm :
a) Tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân ;
c) Làm ra, tàng trữ, tán phát thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung chống Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".
Nếu nhà chức trách chỉ xem xét hành vi được gọi là "chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", thì trên thực tế không thể tách bạch đâu là quyền lực Nhà nước, đâu là quyền lực Đảng trong việc quản trị quốc gia mà bà Phạm Thị Đoan Trang đang "chống đối – chống phá" như cáo buộc.
Ở đây, rất có thể nhà chức trách chọn việc bắt tạm giam hình sự bà Phạm Thị Đoan Trang vào thời điểm mà các diễn đàn quốc tế đang liên tục lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng các cam kết về quyền dân chủ của người dân, còn nhằm mục đích là hạn chế tối đa những rủi ro mà phe nhóm quyền lực trong Đảng sẽ ‘mượn cớ’ xã hội dân sự để ‘ra đòn răn đe nhau’ ngay trước thềm Đại hội Đảng XIII.
Bởi rất có thể nếu nhấn thêm một bước nữa liên quan đến các công việc phát hành sách của bà Phạm Thị Đoan Trang, phía cơ quan tố tụng sẽ "mở rộng vụ án" bằng việc viện dẫn Điều 390 "Tội không tố giác tội phạm", theo đó, người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này, không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Trong Điều 389 "Tội che giấu tội phạm", ở khoản 1.a gồm các điều từ Điều 108 đến Điều 121 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Xem ra ở Việt Nam nếu không muốn bị chính trị hóa các hành vi được gọi là Hiến định tại Điều 4.2 và 4.3, cần thiết tuân thủ điều quen thuộc lâu nay, "Đã có Đảng và Nhà nước lo".
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 09/10/2020
*******************
Đoan Trang cũng chỉ nói ‘eppur si muove’
Nguyễn Hùng, VOA, 09/10/2020
Một trong các nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa tôi còn nhớ là triết gia, nhà toán học và thiên văn học người Ý Galileo Galilei. Ông được cho là đã tuyên bố ‘eppur si muove’ – được dịch thành ‘nhưng dù sao trái đất vẫn quay’ – khi bị Tòa án Nhà thờ buộc tội theo tà giáo hồi năm 1632 vì khăng khăng rằng trái đất quay quanh mặt trời. Vài trăm năm sau Giáo hội đã hơn một lần xin lỗi vì đã cư xử sai trái và bất công với người sáng chế ra kính viễn vọng và cũng là người đầu tiên quan sát thấy các hành tinh chuyển động quanh mặt trời.
Cô Phạm Đoan Trang cũng chỉ nói ‘dù sao trái đất vẫn quay'
Việc nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt mới đây với cáo buộc "chống nhà nước" cũng chẳng khác gì chuyện mấy trăm năm trước Galileo Galilei khốn khổ vì nói ra sự thật qua các cuốn sách mà ông xuất bản. Tôi đã mua cuốn ‘Chính trị bình dân’ của Đoan Trang cách đây vài năm sau một lần cô bị công an hành hung, chẳng phải để trang bị kiến thức cho bản thân vì tôi sống ở Anh đã 20 năm nên những gì cô viết về lý thuyết tôi đều đã được trải nghiệm. Lý do tôi mua sách chỉ là để ủng hộ cho sự can đảm dám nói sự thật mà thường "còn đang xỏ giày" khi những lời nói dối của nhà nước đang chạy tung tăng trên hàng trăm báo đài do chính họ quản lý.
Như chính Đoan Trang nói trong lời nói đầu của ‘Chính trị bình dân’, cô chỉ mới "tham gia sâu vào phong trào đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam" hồi năm 2011. Nhưng những cuốn sách, bài viết và nhất là ‘Báo cáo Đồng Tâm’ mà ấn bản thứ ba vừa được công bố cuối tháng Chín, của Đoan Trang đã khiến các chính trị gia chóp bu cảm thấy bị đe doạ.
Vài ngày trước khi bị bắt, Đoan Trangbình luận với Đài Á Châu Tự do về vụ Đồng Tâm :
"[T]ác động lâu dài từ vụ án Đồng Tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam từ nay trở đi, tôi nghĩ rằng vụ án Đồng Tâm có một tác hại rất lớn đối với Đảng cộng sản cầm quyền. Tức là, đối với họ thì có tác dụng tốt ở điểm vì thật sự đã gây ra một sự sợ hãi.
"Tôi tin rằng toàn bộ làng Đồng Tâm từ giờ phút diễn ra cuộc tấn công cho đến giờ là bà con sống trong sợ hãi, bà con bị đe dọa và khủng bố triền miên, bà con bị chia rẽ, phân hóa…Và những người sống sót được, tôi nghĩ họ bị sang chấn tâm lý và không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ từ bây giờ cho đến cuối đời.
"Với những người không phải là dân làng Đồng Tâm, dân chúng trong cộng đồng và toàn xã hội nói chung thì rõ ràng vụ án này cũng đã gây ra một nỗi khiếp sợ, ngay cả giới hoạt động nhân quyền, tôi nghĩ rằng họ cũng sợ. Bởi vì không ai có thể tưởng tượng được một nhà nước giết dân…
"Nhưng tôi nghĩ rằng sau vụ này thì lòng tin của một bộ phận khá đông dân chúng vào Đảng cầm quyền và vào luật pháp của Việt Nam bị sụt giảm đáng kể. Bởi vì, người dân thấy rằng bao giờ kẻ mạnh cũng thắng và chính quyền luôn thắng".
Điều Đoan Trang đang kêu gọi khi bị bắt là tội ác của chính quyền ở Đồng Tâm phải được điều tra và phải bị trừng phạt. Đây là điều chính quyền lo sợ và việc bắt Đoan Trang là biểu hiện của nỗi sợ này. Cũng như bất kỳ chính quyền nào trên thế giới, Hà Nội sợ nhất là những chỉ trích từ những trí thức hiểu biết và có uy tín. Như một gã quan võ biền, giới cầm quyền ở Việt Nam lại dùng tay chân để đấu lý khi đang ở thế thua. Nhưng càng dựa vào sức mạnh cơ bắp, tính chính danh của chính quyền càng giảm sút. Trong nỗ lực để kéo dài tuổi thọ chính trị, các quan lớn của Việt Nam thực ra cũng lại đang góp phần làm cho điều ngược lại có thêm khả năng xảy ra.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 09/10/2020
**************************
Bắt Đoan Trang trở thành hỗ trợ tuyên truyền chống nhà nước
Trân Văn, VOA, 09/10/2020
Phản ứng của chính phủ một số quốc gia (1), các tổ chức bảo vệ nhân quyền (2), hệ thống truyền thông quốc tế (3) và nhận định của rất nhiều người Việt trên mạng xã hội, đặc biệt là những người Việt trước nay vốn cẩn ngôn khi lên tiếng về các sự kiện chính trị nhạy cảm tại Việt Nam cho thấy, việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang hôm 6 tháng 10 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" chính là một trong những cách hỗ trợ hữu hiệu nhất cho hoạt động tuyên truyền chống nhà nước…
Cô Phạm Đoan Trang.
***
Việc tống giam Phạm Đoan Trang đã giúp Nếu tôi có đi tù (4)… - tự sự của Trang cách nay một năm về hiện trạng Việt Nam nhưng chưa công bố - giờ được phổ biến rộng rãi cả trong lẫn ngoài Việt Nam bằng nhiều ngôn ngữ. Vì sao Bộ Công an Việt Nam lại tình nguyện làm… vũ công… minh họa choNếu tôi có đi tù… trở nên dễ hiểu, dễ cảm, đểNếu tôi có đi tù… đạt được sự đồng cảm nơi thiên hạ cao đến như vậy ? Đó là ngăn chặn hay hỗ trợtuyên truyền chống chế độ ?
Cứ nhìn vào phản ứng của cộng đồng quốc tế trong vài ngày vừa qua, ai cũng có thể thấy, sắp tới, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ hết sức khốn khổ trong việc phân bua, thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng :Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện cam kết thăng tiến nhân quyền để làm bạn với phần còn lại của thế giới ! Trước nay, trongtuyên truyền chống nhà nước Việt Nam,có tổ chức thù địch – phản động nào đủ sức biến Bộ Ngoại giao trở thành trơ trẽn, khả ố trong mắt thiên hạ, hiệu quả như… Bộ Công an ?
Đó là đối ngoại, còn trong đối nội, dường như công sức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam dồn vào việc gìn giữ"ổn định chính trị", thông qua cả… tuyên truyền lẫn… răn đe, giáo dục đã thành… công dã tràng ! Tống giam Phạm Đoan Trang không chỉ gây bất bình, phẫn nộ như đã từng thấy qua những lần tống giam các nhân vật bất đồng chính kiến, tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam mà còn khiến số người tự vấn như Thận Nhiên rõ ràng ngày một đông hơn :
Trang, thì không !
Tôi thấy lý do chúng ta không lên tiếng trước những điều tệ hại đang xảy ra trên đất nước là do chúng ta nghĩ như dưới đây. Trang, thì không.
- Dù có lên tiếng cũng không thay đổi được gì.
- Sẽ ảnh hưởng đến những gì mình đang có.
- Hãy để những đứa khác nói thay mình và chịu trách nhiệm, bất trắc thay mình, mình sẽ nói khi thuận lợi và an toàn, như vậy mới khôn ngoan ;
- Phải hành động một cách hiệu quả, phản biện không thì không hiệu quả, phải nhẫn nhục chờ thời cơ ;
- Mình không hạ mình "chửi" như đám đông ngoài kia. Có cái ranh giới mong manh, không rõ ràng, giữa "chửi" và "phản biện", mà chửi là hành vi hạ cấp, vì thế để chắc ăn không bị đánh đồng với đám đông thì mình im lặng ; im lặng như một hành vi thanh cao, xuất xử của kẻ sĩ.
- Thiên hạ chửi đảng vì họ có nỗi hận thù của bên thua cuộc, mình không thế.
- Sẽ tác động bằng cách khôn ngoan, uyển chuyển, và hiệu quả để đảng thay đổi, phản biện không phải là phương cách hiệu quả.
- Phản biện chỉ gây thêm hoang mang, chia rẽ, phân hóa và hậu quả là làm cho chính quyền suy yếu trước Trung Quốc và không thể chống cự được sự xâm lấn của nó.
- Trong đảng cũng có những thành phần cấp tiến, yêu nước, nên ủng hộ họ, để họ làm việc và thay đổi tình trạng hiện có, vì thế hãy im lặng.
- Mình chỉ là một hạt cát trong đám đông, trong bầy cừu im lặng, số phận cá nhân mình là một con số nhỏ bé, và bất lực, trong số phận bất hạnh của toàn dân tộc, vì thế hãy để nó trôi chảy theo mà đừng cưỡng lại.
- Tệ như vầy là do PHẦN SỐ của dân tộc, của đất nước, do Ý TRỜI định rồi, không thể thay đổi, có nói cũng hoài công ;
- Không có thế lực, lực lượng nào có thể thay thế đảng trong lúc này để giữ nước, vì thế không có lựa chọn nào khác, phải đứng cùng bên với đảng để xoay xở vận nước.
- Người Việt chưa có đủ tầm, dân trí còn thấp, ý thức dân chủ chưa có, nên chỉ thích nghe chửi để thỏa mãn cảm tính, vì thế phản biện chẳng ai nghe.
- Trong tình trạng của một đất nước bị tha hoá toàn diện, ai cũng là kẻ khả nghi, thì kẻ phản biện có thể bị nghi ngờ cũng là "cò mồi của đảng".
- Đối phó với cơm áo hằng ngày cũng đủ suy cạn hết sinh lực, lòng nhiệt thành, và thời gian rồi.
- Chính trị là chốn lọc lừa, bẩn thỉu, và nguy hiểm, không nằm trong khả năng, sở trường của mình ; thôi, mình không giây với nó làm gì.
- Làm từ thiện, giúp đỡ hàng xóm, phường xã, quét đường, giữ vệ sinh an toàn khu phố, nuôi dạy con ngoan… tóm lại là hãy làm nhưng việc thiết thực dù nhỏ, cũng đủ cho mình không có mặc cảm là vô cảm trước xã hội và ngủ ngon hàng đêm là tốt rồi, vậy là yêu nước rồi.
Tóm lại, chúng ta khôn ngoan, thức thời quá. Trang thì không (5) !
Trong đám đông trước nay vẫn trầm lặng, cẩn trọng khi đánh giá, nhận định về những sự kiện, vấn đề chính trị nhạy cảm, giờ đột nhiên thấy cần nói gì đó một cách rõ ràng như bà Nguyễn Hoàng Ánh – một trong những giáo viên của Phạm Đoan Trang tại Đại học Ngoại thương :Nghe tin em bị bắt, tôi cũng như mọi người đều không bất ngờ vì Trang đã chuẩn bị cho ngày này từ lâu rồi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể không lo lắng, không đau lòng cho em. Đọc lá thư em để lại, không hề yêu cầu điều gì cho bản thân mà chỉ mong việc em bị bắt giam sẽ trở thành điểm nhấn quảng bá cho luật bầu cử mới và những tác phẩm của em, tôi càng thêm khâm phục em. Tôi chỉ muốn gửi lời chúc bình an đến em và mong rằng xã hội Việt Nam sẽ sớm thay đổi, để những người trẻ tài năng và nhiệt huyết như Trang có thể được bình an đóng góp cho xã hội chứ không buộc phải đứng về phía đối đầu như bây giờ !Mong một ngày không xa có thể cùng Trang cất cao tiếng hát "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên dải đất Việt Nam này(6).
Hoặc thảng thốt, trăn trở như Lê Đình Thắng :Một ông già bị bắn chết tươi vì giữ đất. Một dòng họ có thể tuyệt tự, cũng vì miếng đất. Một người mẹ, hai đứa con lao lý, cũng vì đất. Cô gái hôm qua ôm đàn, hôm nay đã lọt thỏm sau chấn song sắt nhà tù, vì bầu trời xanh. Không vì đất, thì vì trời ! Lẽ nào chúng ta cứ mãi buồn cái buồn vàng mã trang kim (7) ? Hay ngậm ngùi nhưng lạc quan như Thuận Vương Trần :Người mẹ già ngồi hát cùng con gái(8). Giọng bà yếu ớt, nhỏ nhắn nhưng niềm hạnh phúc, có lẽ, mạnh mẽ và mênh mang. Má tôi cũng hay lẩm nhẩm mấy câu nhạc tiền chiến như thế khi ngồi cùng con cái, bà mẹ nào chẳng vui như thế ! Bà mẹ hoài nhớ "Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói/Có những cánh đồng cát dài..".. Bà mẹ vui nỗi "Hiu hắt tiếng bà mẹ cười/Vui vì nồi cơm ngô đầy..".. Bà mẹ mơ giấc mơ con gái "Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi/Mơ thấy bên lề cuộc đời/Áo dài đùa trong nắng cười..".. Bà mẹ mà cô con gái nhắ n gửi gìn giữ giùm, bà hát "Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em..".. Vườn dâu vẫn sẽ còn chờ(9).
Tương tự, Lê Đức Dục cũng không hề nhắc tới Phạm Đoan Trang song ai đọc cũng có thể biết tâm sự đó là cho ai và vì sao :Một ông anh vừa biên tút, câu chốt đại ý rằng : Rồi đây lịch sử sẽ QUÊN các ông to , ông rất to, ông rất rất to, cực rất to rất… nhưng sẽ NHỚ về cô gái này…" (10). Mình thì nghĩ khác, chắc chắn người đời sẽ không quên các ông to, rất to và to to rất đâu ! Người đời sẽ nhớ họ, rất nhớ, nhớ to rất… Chỉ có điều sẽ nhớ với một thái độ khác, rất khác, rất khác rất rất nhể(11) ?
***
Không thể kể hết thiện cảm, sự ngưỡng mộ mà rất nhiều người dành cho Phạm Đoan Trang cũng như những nhận định, bình phẩm về việc tống giam Phạm Đoan Trang vì "tuyên truyền chống nhà nước". Tuy nhiên nhìn một cách tổng quát, việc tống giam một người như Phạm Đoan Trang đã góp phần thức tỉnh nhiều người, thúc đẩy họ nói gì đó, thậm chí muốn làm gì đó. Không phải tự nhiên mà Bộ Công an bị đẩy vào tình thế trớ trêu : Nỗ lực ngăn chặn "tuyên truyền chống nhà nước" trở thành hỗ trợ "tuyên truyền chống nhà nước". Tất nhiên đó không phải hữu ý, cũng không phải do vô tình. Kết quả ngoài ý muốn ấy đơn thuần chỉ vì bản chất… dơ dáy dễ dầu gì giấu giếm. Thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/10/2020
Chú thích
(1) https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-viec-bat-giam-pham-doan-trang-tu-do-ngon-luan/5613472.html
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54459310
(4) https://baotiengdan.com/2020/10/07/neu-toi-co-di-tu/
(5) https://www.facebook.com/nhan.ton.50/posts/4482594551812040
(6) https://thenewviet.com/doan-trang-trong-mat-toi.html
(7) https://www.facebook.com/dthangtt/posts/3948867681795973
(9) https://www.facebook.com/thuan.tranvuong/posts/10157633844586439
(10) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/3254734271228398
(11) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10216692689166745