Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/10/2020

Hợp tác với Trung Quốc - Bài học từ Philippines

Nguyễn Hải Đăng

Philippines ăn trái đắng

Tại cuộc hội thảo tương tác về quan hệ song phương vào tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian cho biết, lãnh đạo Trung Quốc và Philippines nhất trí hoãn tranh chấp trên biển, điều tiết tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại. Các thỏa thuận này cần được thực hiện một cách mạnh mẽ từ cả 2 bên, tạo động lực cho việc duy trì và tăng cường quan hệ giữa các nước.

philippines1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019 - AFP

Thông báo này thu hút sự chú ý của giới quan sát, vì nó được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trong bài phát biểu qua video tại phiên họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA), tái khẳng định cam kết của ông đối với phán quyết của TòaTrọng tài năm 2016, từ chối quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực biển nằm trong đường lưỡi bò tại Biển Đông.

Sau khi lên nắm quyền vào giữa năm 2016, ông Duterte đã thể hiện lập trường mềm mỏng hơn một cách đáng kể đối với các tranh chấp hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, mục đích là nhằm đổi lấy các mối quan hệ thương mại và tài chính sâu sắc hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, gần 4 năm sau những cam kết ban đầu của Trung Quốc về các khoản đầu tư trị giá 24 tỷ USD, chưa có một dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được thực hiện, trong đó bao gồm một dự án đường sắt được hứa hẹn dành cho đảo Mindanao, quê hương của Tổng thống Duterte. Trong khi đó, Trung Quốc đã mở rộng dấu ấn quân sự và các cuộc triển khai dân quân của họ ở các vùng biển tranh chấp, khiến lực lượng quốc phòng của Philippines phải chịu tủi nhục. Giờ đây, khi Philippines phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử của mình, có những lo ngại mới về điều mà một số người coi là các khoản đầu tư "săn hàng hạ giá" của Bắc Kinh, khi các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc đang nhắm vào những tài sản bị tịch biên trong một loạt lĩnh vực chiến lược khác nhau. Tùy theo các thỏa thuận được thông qua, có nguy cơ các thương vụ mua lại của Trung Quốc làm tổn hại, thậm chí gây nguy hiểm cho sự hợp tác an ninh với các đồng minh quan trọng của Philippines như Mỹ, nước quan ngại sâu sắc về các nguy cơ gián điệp mà hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc đặt ra. Cho đến nay, phần lớn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Philippines tập trung vào những sòng bạc trực tuyến mờ ám và các dự án có giá trị nhỏ mang tính biểu tượng, chẳng hạn như dự án tài trợ cầu Sông Pasig, và tất cả đều do các công ty và công nhân Trung Quốc chi phối.

Trong quá khứ, hai dự án lớn do Trung Quốc điều hành có tên gọi Dự án mạng Internet băng thông rộng quốc gia NBN-ZTE và Dự án đường sắt North rail đã vướng vào bê bối tham nhũng lớn và có các dấu hiệu bất thường trong khâu đấu thầu. Các nhà kỹ trị hàng đầu của Tổng thống Duterte, cụ thể là Bộ trưởng Tài chính Sonny Dominguez, đã đề ra các biện pháp bảo vệ gồm đấu thầu cạnh tranh và ưu tiên những dự án chung với các nhà đầu tư và cơ quan đa phương khác để ngăn chặn sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Giờ đây, khi ông Duterte mệt mỏi tìm kiếm các khoản đầu tư mới trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chưa từng có ở Philippines, các công ty trực thuộc nhà nước Trung Quốc đang đưa ra những cam kết có thể mang lại những tác động an ninh lớn đối với Philippines. Trong chiến lược được một số ý kiến gọi là "chiến lược cải bắp kinh tế", các công ty do Bắc Kinh hậu thuẫn đang tìm cách tiếp cận những dự án nhạy cảm liên quan đến các cơ sở hạ tầng trọng yếu, bao gồm cả viễn thông và các cơ sở cảng biển. Họ cũng được cho là đang theo đuổi những dự án kinh doanh ở các địa điểm nhạy cảm, đặc biệt là những nơi gần các trung tâm chỉ huy quân sự lớn của Philippines. Xu hướng đó đã được thấy trước đây ở các sòng bạc do Trung Quốc đầu tư tại thủ đô Manila, nhiều trong số đó nằm gần các cơ sở cảnh sát và quân đội.

Trong những tuần gần đây, ít nhất 2 dự án lớn do Trung Quốc hậu thuẫn lầm dấy lên những hồi chuông cảnh báo ở Philippines. Phó Đô đốc Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordohas gần đây đã bày tỏ quan ngại về vị trí mà ông cho là "gần một cách nguy hiểm" của một dự án trị giá hàng tỷ USD do Trung Quốc đứng đầu, thậm chí có thể lấn át một trung tâm chỉ huy và kiểm soát hải quân. Dự án Sân bay Quốc tế Sangley do Trung Quốc tài trợ - có thể cải tạo gần 75% Vịnh Canacao và có tầm quan trọng rất lớn đối với các hoạt động của Hải quân Phillipines (bao gồm cả ở Biển Đông) - đang được điều hành bởi một chi nhánh của Công ty Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC). Công ty này gần đây đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì liên quan đến các hoạt động cải tạo "bất hợp pháp" ở Biển Đông. Với quy mô lớn của dự án, nó có thể buộc các cơ sở hải quân của Philippines phải ra khỏi khu vực. Theo một quan chức, ít nhất, sự can dự của Trung Quốc cũng có thể gây ra rủi ro đối với tính toàn vẹn trong thông tin liên lạc quân sự của Philippines, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ. Những công ty Trung Quốc gần đây cũng đã tìm kiếm các khoản đầu tư gần các bờ biển ở phía Bắc của Đài Loan, các cơ sở quân sự có vị trí chiến lược ở Subic và Clark, địa điểm cũ của các căn cứ quân sự nước ngòai lớn nhất của Mỹ và gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp, cũng như căn cứ không quân Bautista ở Palawan, gần quần đảo Trường Sa tranh chấp ở Biển Đông.

philippines2

Hình chụp hôm 14/5/2019 : Tàu tuần duyên Philippines (phải) đi qua tàu hải cảnh của Trung Quốc gần Bãi cạn Scarborough - AFP

Đầu tháng này, sau một năm trì hoãn, quân đội Philippines cuối cùng đã chấp thuận yêu cầu của Công ty Viễn thông Dito mới thành lập về việc "xây dựng các cơ sở trong những doanh trại quân đội và các kho quân sự" trên các tháp liên lạc nằm trong các khu vực quân sự. Công ty viễn thông mới này, một liên doanh với Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (China Telecom) thuộc sở hữu nhà nước và là đồng minh kinh doanh trung thành của Tổng thống Duterte, phụ thuộc rất nhiều vào các khoản đầu tư và kỹ thuật của Trung Quốc. Một báo cáo nội bộ của quân đội Philippines được đăng tải trên báo chí địa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ gián điệp tiềm tàng từ Trung Quốc. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo rằng hợp tác chia sẻ thông tin tình báo và an ninh có thể bị ảnh hưởng vì những mối quan ngại về an ninh thông tin liên lạc. Nhà ngoại giao Mỹ cũng đã kêu gọi các đồng minh tránh xa những khoản đầu tư viễn thông của Trung Quốc (Huawei là nhà cung cấp chính của China Telecom).

Cho đến nay, Tổng thống Duterte luôn sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ địa chính trị với Trung Quốc, từ việc từ chối cho quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quan trọng gần Biển Đông cho đến việc từ chối chủ động viện dẫn phán quyết của Tòatrọng tài tại La Haye năm 2016, theo đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông, để cải thiện quan hệ và thu hút các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, Philippines vẫn không nhận được bất kỳ nhượng bộ lớn nào từ Trung Quốc ở Biển Đông. Những đề xuất trước đó về việc cùng rút lui và thành lập khu bảo tồn biển ở bãi cạn Scarborough đang tranh chấp gay gắt - nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc - đã sụp đổ. Thay vì lên kế hoạch cho các hoạt động thăm dò năng lượng chung trong khu vực, Trung Quốc còn tăng cường quân sự hóa các đảo tranh chấp, đồng thời triển khai một đội tàu của lực lượng dân quân xung quanh các thực thể do Philippines kiểm soát, bao gồm cả đảo Thị Tứ chiến lược, nơi Manila duy trì các binh sĩ quân đội.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

"Kinh nghiệm đau thương" từ Philippines sẽ là bài học quan trọng cho Việt Nam - nước láng giềng đang có quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Tháng 11-2017, hai nước Việt - Trung đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường". Kể từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ðến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ tám, thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và là thị trường nhập khẩu lớn thứ chín của Trung Quốc trên thế giới. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 106,7 tỷ USD, tăng hơn 3.300 lần so năm 1991. Trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 105,75 tỷ USD, tăng 8,71% so cùng kỳ 2018. Tính đến hết tháng 11-2019, Trung Quốc có 2.739 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tổng số vốn 16,1 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

philippines3

Tàu hải cảnh Trung Quốc đi gần tàu của cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014 - Reuters

Nhìn vào các con số trên, chúng ta tưởng chừng thấy hợp tác với Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích. Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc gần đây, đặc biệt trên biển Đông cho thấy họ không phải là một đối tác hợp tác. Thay vào đó, nước này cho đến nay vẫn lựa chọn gia tăng các hành động quyết đoán trong việc giải quyết tranh chấp với Việt Nam. Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ thay đổi quan điểm của mình dưới thời Tập Cận Bình. Chính vì vậy, Hà Nội cần cập nhật chiến lược biển Đông cùng các bài học trong hợp tác với Trung Quốc của Philippines để có thêm lựa chọn trong việc đối phó với Trung Quốc một cách có hiệu quả hơn.

Nguyễn Hải Đăng

Nguồn : RFI, 13/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hải Đăng
Read 466 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)