Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/10/2020

Ép doanh nghiệp ký kết – Đảng "chôn" tỷ Đô trên sa mạc

Hoàng Lan

Vụ thanh tra, điều tra dự án dầu khí Junin 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở Venezuela vẫn đang được thúc đẩy và có khả năng sẽ hoàn tất trước Đại hội 13 dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.

junin1

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN cho ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, người từng giữ chức Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), ngày 04/03/2016Các tranh cãi, tố giác chủ yếu tập trung vào hai câu hỏi : Báo cáo trữ lượng và Báo cáo đầu tư của dự án có sai phạm gì hay không.

Dự án đầu tư khai thác mỏ lô Junin 2 tại Venezuela do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), công ty con của PVN, làm chủ đầu tư, từ năm 2010.

Thông tin đến nay cho thấy PVEP góp 40% vốn liên doanh làm ăn với Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA). Theo giấy chứng nhận đầu tư số 398 do Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp vào năm 2012, trong giai đoạn 1 (2010-2015) PVEP sẽ rót khoảng 1,82 tỉ USD vào dự án.

Tính toán ban đầu cho thấy công suất khai thác giai đoạn 1 của dự án đạt 50.000 thùng dầu/ngày, giai đoạn 2 nâng lên 200.000 thùng dầu/ngày. Lô Junin 2 có tổng diện tích khai thác 522,84 km2 trên đất liền thuộc các huyện Leonardo Infante, El Socorr, Santa Maria, bang Guarico, Venezuela.

Tháng 12/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo PVEP tạm dừng đầu tư vào dự án do dự án không có tiến triển.

Tháng 09 vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục làm rõ các vấn đề như Thẩm quyền đầu tư đối với các dự án để làm rõ trách nhiệm về các sai phạm, trong đó có dự án Junin 2 – Venezuela.

Thời gian ký kết và thực hiện dự án, Tổng giám đốc PVEP là ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, người sau này đã từ chức Tổng giám đốc PVN. Đây cũng là giai đoạn khi ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị đang thụ án tù, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN (2008-2011).

Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đã có riêng một bài viết chỉ ra 3 cái lạ trong dự án tỉ đô ở Venezuela của PVN.

Cái lạ đầu tiên là không trình Quốc hội. Trong một văn bản gửi PVN ngày 05/08/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ dự án để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Tiếp đó, ngày 10/08/2010, Bộ Tài chính cũng có công văn khẳng định rằng theo Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội khóa 12 thì PVN phải lập hồ sơ trình xin chủ trương Quốc hội.

Phản hồi về điều này, PVN cho rằng dự án được triển khai trước năm 2010 nên không áp dụng nghị quyết trên.

Tuy nhiên, ngay cả khi lập luận như vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào Nghị định 09/2009/NĐ-CP về "quản lý tài chính công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác", tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của dự án Junin 2 là 1,825 tỉ USD là của PVN (cả vốn chủ sở hữu và vốn vay) đều là vốn nhà nước. Bởi vậy, đây là dự án, công trình quan trọng của quốc gia thuộc diện phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 66/2006 của Quốc hội khóa 11. Theo đó, tại khoản 1 Điều 2 của nghị quyết này nêu : "Quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỉ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên" được xem là dự án, công trình quan trọng quốc gia và phải thông qua Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy chưa xin ý kiến Quốc hội nhưng từ tháng 05/2009, PVN đã cho tiến hành các hoạt động phối hợp thăm dò, đàm phán. Đến ngày 29/06/2010, PVN đã cho ký hợp đồng với phía Venezuela.

junin2

Hợp đồng Thành lập và Quản lý Công ty Liên doanh PetroMacareo, Lô Junin 2 thuộc vành đai dầu Orinoco (Venezuela) được đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Venezuela chính thức ký kết vào ngày 29/06/2010 tại thủ đô Caracas, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhiều quan chức cấp cao Việt Nam và Venezuela

Cái lạ thứ hai là hàng trăm triệu USD ra đi mà chưa nhận được gì. PVN đã chấp nhận một điều khoản là phải trả "phí tham gia" (bonus) cho Venezuela với mức 1 USD/thùng dầu và trong vòng 30 tháng, bất kể có dầu hay không PVN vẫn phải nộp đủ phí này.

Nếu không nộp đủ tiền, "toàn bộ cổ phần" của PVN trong liên doanh sẽ "tự động bị chuyển" cho đối tác Venezuela ; phía PVN/PVEF cũng sẽ "không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư" ở Junin 2. Tổng số tiền phải chuyển cho đối tác theo điều khoản này là 584 triệu USD. Trong một văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 10/2010 gọi đây là "tiền hoa hồng dự án", trong khi phía Việt Nam chưa nhận được bất kỳ giọt dầu nào từ dự án này.

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của PVN, PVN sau khi chi hai khoản chi phí lần đầu và lần thứ hai với hơn 442 triệu USD vào năm 2011 và 2012 thì đến năm 2013, PVN phải ngừng nộp cho phía Venuezuela khoản chi phí lần ba là 142 triệu USD để đánh giá lại. Như vậy, tính ra PVN đã rơi vào nguy cơ mất trắng 442 triệu USD phí tham gia hợp đồng.

Cái lạ thứ ba là hai bộ từng cảnh báo nguy cơ, rủi ro nhưng PVN vẫn cương quyết đầu tư. Trong một văn bản gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 08/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích các rủi ro tại thị trường Venezuela, trong đó, nhấn mạnh : Rủi ro về chính trị (thay đổi thể chế), đặc biệt là về tài chính (lạm phát, chênh lệch tỉ giá, yêu cầu sử dụng dịch vụ nội địa, phá giá đồng tiền ngày 09/01/2010 mất 50% giá trị). Bộ này đã đề nghị "phải được cân nhắc hết sức thận trọng, đặc biệt khi nó được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn vay của doanh nghiệp nhà nước".

Còn vào ngày 10/08/2010, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cũng cảnh báo về một loạt yếu tố rủi ro về khoản góp vốn của PVN khi chưa có đánh giá cụ thể, chưa cập nhật các chi phí, tỉ suất thu hồi vốn…

Đặc biệt, Bộ Tài chính còn yêu cầu PVN giải trình khoản thanh toán 584 triệu USD bằng tiền mặt trong khoảng thời gian ngắn với cái gọi là "phí tham gia hợp đồng" (bonus) cho phía Venezuela. Theo Bộ Tài chính, "đề xuất thanh toán phí tham gia hợp đồng" lần này đã thay đổi phương án và sẽ ảnh hưởng tương đối lớn đến việc huy động tài chính của PVN. Đề nghị PVN giải trình cụ thể về phương án thu xếp, theo dõi và giám sát số phí tham gia hợp đồng là 584 triệu USD.

Dự án Junin 2 tại Venezuela được xem là điển hình về lãng phí trong đầu tư.

junin3

Biểu đồ tỷ giá VEF (đơn vị tiền tệ của Venezuela) so với USD tại thị trường chính thức (đỏ) và thị trường chợ đen (xanh) cho thấy dấu hiệu của siêu lạm phát từ năm 2013

Đây cũng là dự án khủng nhất mà PVEP đại diện cho PVN đầu tư ra nước ngoài với mục đích thăm dò và khai thác dầu khí.

Truyền thông trong nước còn phải gọi cú đầu tư của PVN giống như một cuộc lao đầu tập thể vào lửa. Bởi thời điểm PVN chính thức đầu tư vào Venezuela là năm 2010 cũng là lúc truyền thông quốc tế chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng về nền kinh tế và đồng tiền của quốc gia này.

Hơn nữa chính tại thời điểm đó, có đến hơn 18.000 nhân viên mà hầu hết là chuyên viên và nhà quản lý chuyên nghiệp của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) bị sa thải, để thay thế vào đó gần 100.000 người chỉ biết chuyên tâm ủng hộ chính phủ.

Từ năm 2006, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ chối xếp hạng tín nhiệm PDVSA vì không công bố báo cáo tài chính.

Báo chí trong nước nhận định chỉ cần lướt sơ qua một vài dữ liệu thô như trên thì thật khó tin rằng một nhà đầu tư nào lại dám đầu tư liên doanh với PDVSA.

Vậy mà PVN vẫn tài tình trình Chính phủ về thời gian hoàn vốn 7 năm và các mức sinh lợi cao đến từ dự án đầu tư với PDVSA.

Nhưng vấn đề đặt ra là các bộ ngành cấp trên ở đâu khi để PVN đầu tư một cách lố bịch như vậy. Nhà báo Trần Ngọc Thơ viết :

"Người chơi mất kiểm soát. Nhưng còn các bộ ngành tham mưu ở đâu lúc đó ? Các Bộ Kế hoạch – đầu tư, Bộ Tài chính cũng có đưa ra những cảnh báo cần thiết. Nhưng những cảnh báo này nhẹ tựa lông hồng nếu đặt lên bàn cân hàng tỉ đôla hiếm hoi mà cả nền kinh tế chắt chiu tìm kiếm được lúc bấy giờ.

Giai đoạn 2009-2011 là thời điểm dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ khoảng 12 tỉ đôla, ở mức thấp nhất trong lịch sử từ năm 1997. Vậy mà chỉ riêng 1 trong tổng số 13 dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN đã ăn hết 20% trong tổng số ngoại tệ quốc gia.

Phản ứng của các bộ ngành thật không xứng đáng với vai trò là kiến trúc sư trưởng nền kinh tế và quản lý rủi ro mà nhân dân kỳ vọng.

Nhiều vụ việc tham nhũng gần đây cho thấy các bộ ngành dường như ra vẻ có tiếng nói ít nhiều trong các vụ mua bán, đầu tư của các tập đoàn kinh tế. Họ làm vậy cũng chỉ để phần nào giảm nhẹ trách nhiệm công vụ về sau, hơn là thực hiện chức trách thiêng liêng được giao phó.

Mãi đến năm 2013, khi không có bất kỳ dấu hiệu một thùng dầu nào được khai thác, GDP của Venezuela sụt giảm đến 50% và xuất hiện siêu lạm phát, Chính phủ mới quyết định tạm dừng dự án. Điều mà đáng lý phải thực hiện ngay khi triển khai nếu mọi thứ đều minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực thi ngay từ đầu.

Cần làm rõ những điều phi lý này để nghiêm trị những ai làm sai trái. Nhưng tất nhiên chúng cũng sẽ sản sinh ra hàng loạt điều phi lý khác trong tương lai, nếu như không trị ngay từ gốc rễ của vấn đề.

Những vụ tương tự như PVN vẫn sẽ còn xảy ra, nếu như tham vọng đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng vẫn chỉ là mơ ước xa vời trên hành trình đưa Việt Nam hóa rồng".

Các nguồn tin trong nước cho biết Bộ Công an đang xác minh tố giác về dấu hiệu sai phạm tại dự án Junin 2 – Venezuela, còn ở phía dân sự, Bộ Tài chính đang làm báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đầu tháng 10 mới đây Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an (A09) có văn bản yêu cầu PVN cung cấp thông tin về dự án Junin 2 – Venezuela. Lý do được nêu ra là A09 đang điều tra, xác minh tố giác về dấu hiệu sai phạm tại dự án Junin 2 – Venezuela, và nay cơ quan này đang thu thập chứng cứ theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trước đó, hồi tháng 02, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 cũng có văn bản đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án này.

Đáng chú ý là truyền thông trong nước, hồi tháng 03/2019, đã tiết lộ trong số 13 dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN/PVEP có 11 dự án thua lỗ, nguy cơ lỗ. Mỗi dự án có quy mô từ vài triệu USD đến hàng tỉ USD như dự án Junin 2 ở Venezuela.

Báo Tuổi trẻ đã liệt kê cụ thể các dự án thua lỗ của tập đoàn con cưng này. Sau nhiều năm tham gia góp vốn đầu tư vào Công ty trách nhiệm hữu hạn Gazpromviet để nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí tại Nga, đến năm 2017 PVN bất ngờ xin rút vốn nhưng Chính phủ không đồng ý. Chính phủ đã yêu cầu PVN đàm phán, thống nhất với phía Nga để không phát sinh thêm chi phí, ngoài khoản vốn góp 1,29 triệu USD.

Cũng với mục tiêu thăm dò dầu khí tại Congo, PVEP rót vốn vào dự án lô Marine XI. Nhưng vì dự án không hiệu quả, đến tháng 06/2017 PVEP đã xin chuyển nhượng toàn bộ 8,5% vốn góp.

PVEP cũng đầu tư phát triển dầu khí lô Danan (Iran). Dù đã đầu tư hơn 82 triệu USD nhưng đến nay PVEP buộc phải dừng và giãn tiến độ dự án.

Tại sân nhà ASEAN, các dự án đầu tư của PVN/PVEP cũng không khá khẩm hơn. Đầu năm 2018, PVN đã đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép PVEP được chuyển nhượng toàn bộ 15% quyền lợi tham gia vào lô dầu PM304, và kết thúc dự án tại các lô XV, lô SK305 ở Malaysia.

Riêng tại Myanmar, PVEP có tới 3 dự án đầu tư chưa rõ hiệu quả, đó là dự án lô M2, lô MD2 và lô MD4 đang được PVEP cân nhắc hiệu quả đầu tư, gia hạn hoặc dừng dự án đầu tư.

Tại Campuchia, sau khi PVEP đầu tư 72,4 triệu USD để thực hiện thăm dò dầu khí, đến nay đã hết thời hạn cấp phép đầu tư, PVEP vẫn chưa thể triển khai dự án, buộc phải chuyển nhượng lại cho đối tác nước ngoài.

Hoàng Lan (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 17/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Lan
Read 630 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)